Luận Giải Thi Tụng Mười Bức Tranh Chăn Trâu Giảng Giải (1999)
Phần I - Luận Thẳng Về Chưa Chăn (Giảng 2)
6. Thân tuy xuất gia mà chẳng chịu an tâm vào đạo, lại thuận theo pháp rỗng, chỉ lo giữ gìn thân huyễn, trau chuốt dáng vẻ bề ngoài, biếng nhác mà chẳng chịu chăn. “Thuận theo pháp rỗng, chỉ lo giữ gìn thân huyễn.” Thân này là thân huyễn lại thích săn sóc nó, tuy đi tu mà muốn ăn mặc sang đẹp, để trau chuốt dáng bên ngoài, để gìn giữ thân giả dối. Rồi lười biếng, đến giờ tu thì ngồi ngủ gục, còn đi ra ngoài thì nói dóc quên thôi. Đó là hạng lười biếng đi theo pháp rỗng mà chẳng chịu chăn. Vì sao? Hòa thượng Thiên Như nói: Thời gần đây có một hạng xuất gia, tuy nói lìa tục, mà thói tục chẳng trừ. Trọn nói xuất trần mà duyên trần chẳng cắt đứt. Kinh giáo vốn không rõ biết, tham thiền lại chẳng nhận hiểu. Tâm vượn chạy mãi, ý ngựa ruổi rong, thành bầy thành đội, ồn ào cả ngày. Chẳng những luống hao của tín thí, cũng là chôn vùi tánh linh chính mình. Đến khi nhắm mắt, đường trước chẳng biết đi đâu, thực là uổng vào nơi cửa không, sống đã vô ích, chết lại lạc loài. Bệnh này chúng ta ráng nghiệm lại coi mình có mắc hay không. Xét cho thật kỹ, nhìn cho chín chắn, nếu lỡ có mắc bệnh này thì phải sửa liền, đây là bệnh rất đáng thương. Đi tu là cốt làm gì? Đâu phải đi tu cốt để cho thân này đẹp đẽ, cốt để hưởng thụ sự sung sướng. Thế mà những người đi tu lại mắc kẹt ở đây, thì thật là dở. Hòa thượng Thiên Như nói: Thời gần đây có một hạng xuất gia, tuy nói lìa tục, mà thói tục chẳng trừ. Lìa tục là sao? Trong kinh đức Phật nói: Người xuất gia cốt lìa thế tục tức là lìa ngũ dục lạc thế gian, nhưng khi vào đạo thì thói tục chẳng trừ, không bỏ nổi ngũ dục lạc. Phật nói người đi tu do chán ngũ dục mà xuất gia, nếu trở lại thọ dụng ngũ dục cũng giống như người chán đàm trong cổ khạc nhổ xuống đất, rồi tiếc liếm lại, nghe thật rợn cả người. Nếu muốn hưởng ngũ dục thì cứ ở thế gian, làm được cái gì hưởng cái ấy, tại sao lại chán bỏ đi tu? Đi tu rồi trở lại thích ngũ dục thế gian chẳng khác nào khạc nhổ đàm xuống đất rồi liếm lại, có gớm không? Đây là lời Phật quở, lời Tổ quở cũng như thế. Cho nên nói: Trọn nói xuất trần mà duyên trần chẳng cắt đứt. Thường khi đi tu là bỏ cha bỏ mẹ, cha mẹ có than khóc bao nhiêu cũng dứt khoát ra đi. Nhưng ít tháng sau lại nhớ muốn trở về thăm. Thế là sao? Đã muốn cắt đứt, mà cắt không đứt, muốn nối lại. Bây giờ vào Thiền viện, chúng tôi cắt ba năm không cho về. Đó là cắt giùm, nhờ vậy nên mới đứt, đứt thì mới làm được chuyện mình muốn làm. Kinh giáo vốn không rõ biết, tham thiền lại chẳng nhận hiểu. Tu mà không hiểu kinh, không biết tham thiền, thử hỏi tu cái gì? Thế nên tu là phải hiểu kinh, phải biết thiền. Tâm vượn chạy mãi, ý ngựa ruổi rong, thành bầy thành đội, ồn ào cả ngày. Trong tâm đủ chuyện lăng xăng, chạy ngược chạy xuôi, thành bầy thành đội, ồn ào cả ngày. Thật ra nhiều khi trong chùa có năm bảy người mà chia thành đôi ba nhóm. Nếu rảnh việc xúm lại tán dóc, nói chuyện năm trên năm dưới, chuyện đời chuyện đạo, ồn ào cả ngày, mất hết thời giờ quí báu. Chúng ta tu phải làm sao cho tâm vượn và ý ngựa dừng, con vượn ngủ, con ngựa mệt nằm nghỉ, thì mình được thảnh thơi đôi chút. Chẳng những luống hao của tín thí, cũng là chôn vùi tánh linh chính mình. Để cho tâm vượn, ý ngựa ruổi rong thì có hai lỗi lớn. Sống nhờ của đàn-na thí chủ mà không chịu tu là uổng hao của tín thí và tổn phước, lại tánh linh chính mình sẵn sàng mà bị tâm vượn, ý ngựa che khuất không được hiện tiền. Đến khi nhắm mắt đường trước chẳng biết đi đâu, thật là uổng vào nơi cửa không, sống đã vô ích, chết lại lạc loài. Đến khi sắp chết chẳng biết mình sẽ đi đâu, thật là uổng vào trong nhà đạo, sống chẳng có ích cho ai, khi chết lại bơ vơ không biết về đâu. Đó là nỗi khổ của người tu không ra gì. Hạng người như trên, là vì cơm áo, vì cầu an vui. Xuất gia như vậy, thật đáng đau xót! Hạng người này đi xuất gia vì muốn vô chùa cho có cơm no áo ấm, cho có bạn bè nói chuyện cho vui. Nếu đi tu như vậy thì đáng buồn, đáng đau xót lắm, không có ý nghĩa gì cả. Đâu chẳng biết kinh Bảo Tích nói: “Quán nơi thân có bốn mươi thứ lỗi lầm, hoặc nói nó là ngục tù tham dục, hằng bị phiền não trói cột, là hố nhơ nhớp, luôn bị các trùng rúc rỉa. Tợ nhà xí với năm điều bất tịnh. Như túi lủng với chín lỗ thường chảy ra. Rắn độc nóng giận dấy lên thì làm hại tâm và thương tổn tuệ mạng. Quỉ La-sát ngu si, chấp ngã kiến mà nhai nuốt trí thân. Giống như giặc dữ, cả thế gian đều muốn tránh. Đồng với chó chết, các Thánh Hiền đều xa bỏ. Chẳng bền chắc như cây chuối, hòn bọt v.v... Vô thường như lửa nháng, điện chớp. Dù cho nó ăn uống mà trở lại thành thù địch. Thường đem đồ nuôi dưỡng mà không biết đền ơn v.v...” Trong kinh Bảo Tích dạy chúng ta quán thân tứ đại này có bốn mươi thứ lỗi lầm, nhưng ở đây chỉ dẫn một số thôi. Hoặc nói nó là ngục tù tham dục, hằng bị phiền não trói cột. Thân tứ đại này chứa đầy tham lam ái dục như dồn mình trong chốn ngục tù, hằng bị phiền não trói buộc. Là hố nhơ nhớp, luôn bị các trùng rúc rỉa. Thân này là cái hố dồn chứa toàn đồ nhơ bẩn. Thức ăn tuy thơm ngon khi chưa nhai nuốt, nhưng khi nuốt qua khỏi cổ thì thành nhơ bẩn, rồi dồn chứa trong thân thành hố nhơ nhớp. Ở trong đó luôn bị các trùng rúc rỉa, nó đục chỗ này khoét chỗ kia, nên nay than bệnh này, mai than bệnh nọ, có sướng ích chi đâu! Tợ nhà xí với năm điều bất tịnh. Thân này giống như nhà xí, nếu không khéo giữ gìn sạch sẽ thì cũng nghe hôi, vì nó chứa năm điều bất tịnh nhơ nhớp ở trong. Như cái túi lủng với chín lỗ thường chảy ra. Thân này như túi lủng với chín lỗ thường chảy ra, chín lỗ là hai con mắt, hai lỗ tai, hai lỗ mũi, cái miệng và ở phần dưới là chỗ đại tiện tiểu tiện. Nếu thân là quí thì chắc rằng chín chỗ đó ra toàn thứ tốt. Nhưng xem kỹ chín chỗ đó ra không có cái gì sạch tốt cả, như cáu ghèn, ráy tai, nước mũi v.v...., những thứ đó đều đáng gớm cả. Thân của chúng ta lẽ thật là như vậy, nó không ra gì. Rắn độc nóng giận dấy lên thì làm hại tâm và thương tổn tuệ mạng. Khi nổi giận thì mắt đỏ ngầu, miệng nói sai quấy gần như rắn độc cắn người, làm hại tâm và thương tổn tuệ mạng. Quỉ La-sát ngu si, chấp ngã kiến mà nhai nuốt trí thân. Giống như quỉ La-sát ngu si gặp cái gì cũng ham cũng thích, chấp ngã kiến mà hại trí thân. Giống như giặc dữ, cả thế gian đều muốn tránh. Ai thấy cũng sợ đều muốn tránh xa. Đồng với chó chết, các Thánh Hiền đều xa bỏ. Đồng với thây chó chết, các Thánh Hiền đến gần hôi quá chịu không nổi nên các ngài xa bỏ. Chẳng bền chắc, như cây chuối, hòn bọt v.v... Vô thường như lửa nháng, điện chớp. Dù cho nó ăn uống mà trở lại thành thù địch. Thường đem đồ nuôi dưỡng mà không biết đền ơn v.v... Ngày nào cũng nuôi dưỡng cho ăn uống, mà nó đâu có chịu để mình bình yên. Nay đau bệnh này, mai đau bệnh kia, nó trả ơn cho mình bằng cách đau bệnh, bằng cách thành thù địch. Mình nuôi dưỡng nó mà nó không đền ơn, tới ngày cuối cùng nó tan rã, mình phải chịu khổ. Kiểm điểm lại thân này đâu có gì là quí. Thế mà chúng ta cứ lo tâng tiu săn sóc nó suốt ngày, săn sóc cái thứ đồ bỏ, nghĩ mình thật là khờ. Bởi vậy nhiều khi chúng tôi nói thẳng: Nếu thân này là mình thì khi chết khoảng đôi ba hôm mà để trần không chôn, thì lúc đó có ai dám gần không, dù những người rất thân với mình? Nếu để thêm chừng năm mười ngày thì chẳng những họ không dám gần mà cũng không dám ngó nhìn nữa. Thế thì cái tồi tệ đó lại là mình sao? Nếu nó là mình thì chuyện hết sức vô lý. Chúng ta có cái cao thượng, sáng suốt, thanh tịnh, bất sanh bất diệt mà không chịu tìm ra, lại bảo vệ giữ gìn cái tạm bợ bẩn thỉu nhớp nhúa... Vậy mình có khôn không? Thế mà tu rồi lâu lâu cũng quên, vì cái thanh tịnh kia không có hình tướng nên quên. Còn thân này có hình tướng, có cảm giác, biết ham thích cho nên chạy theo nó, chớ thật tình nó là đồ bỏ không có gì quí giá, chỉ tìm lại cái thật mình, cái đó mới là quí. Vì thế Phật từ bi thương xót chỉ dạy cốt cho chúng ta nhận biết được ngay nơi mình có cái quí đang ẩn trong cái nhớp, cũng giống như có hòn ngọc báu để trong thùng rác vậy. Lúc nào Phật cũng bảo chúng ta khéo ngay nơi thùng rác mà tìm hòn ngọc, đừng giữ thùng rác, đừng cho thùng rác là quí. Nhưng lâu lâu chúng ta cũng nhớ thùng rác mà quên đi hòn ngọc quí. Thật là đáng thương. Đến ngày thùng rác rã nát thành phân nhớp nhúa đem đổ đi thì đổ luôn cả hòn ngọc. Đó là chỗ Phật và chư Bồ-tát thương không nỡ bỏ chúng sanh. Thân này như đống rác có hoại đi cũng không đáng kể, nhưng rất tiếc là trong đống rác lại có hòn ngọc mà chúng ta không chịu moi tìm lấy ra. Cho nên Phật Tổ luôn luôn khô môi, đắng miệng nói cho chúng ta nghe cốt để lượm cho được hòn ngọc, đừng có mê giữ thùng rác. Đó là điều thật, trong kinh chư Phật chư Tổ đã nói, mà chính chúng ta khéo tu cũng biết rõ như vậy. Điều đáng chê trách rất nhiều, khó nói đủ hết. Nếu chẳng xét kỹ lỗi lầm sâu nặng này, bèn lo bồi bổ giữ kỹ lấy nó. Những điều dở của thân kể không thể hết, nếu không chịu xét kỹ những lỗi lầm này, cứ lo bồi bổ giữ kỹ lấy nó thì chỉ luống công vô ích thôi. Mê điều này, vì đó mà chẳng tiến tu thì sẽ thiếu kém cả hai trí và hạnh, mất cả hai lý và sự. Ngay nơi thân này khéo tu thì được trí sáng, được hạnh thanh tịnh, biết tu thì thấu được lý, mượn sự mà hiển bày lý. Còn nếu không biết tu thì trí hạnh mất, lý sự quên. Cần trước hết chán ghét, biết quấy, lửa ham muốn sẽ ngầm tiêu dứt. Nếu thiết tha đối trị tận gốc, thì cái chân thật vốn sẵn tự hiện. Nếu chúng ta biết tu, biết thức tỉnh thì trước hết phải chán ghét thân này. Biết nó là quấy, là lỗi thì lửa ham muốn sẽ ngầm tiêu dứt. Bởi vì ham muốn là tham, mà tham cho cái gì? Thí dụ như thấy cái hoa đẹp mình tham để cho mắt được ngắm, thấy cái gì thơm mình tham, để cho mũi được ngửi, thấy cái gì ngon mình tham, để cho lưỡi được nếm. Như vậy tất cả cái tham là vì thân này, mà thân này là đồ bỏ, là thùng rác. Nếu chúng ta coi thân này như thùng rác, tất nhiên những tham lam sẽ bớt. Bớt được lòng tham tự nhiên chúng ta cố gắng tu hành, tất sẽ trị được cái gốc mê lầm về thân, sẽ đi đến chỗ chân thật hiện tiền, tức là sẽ nắm được hòn ngọc quí trong tay. Đó là người sáng suốt biết tu. Còn lỗi lười biếng là do đi tu mà còn ham thụ hưởng. Thường hạng này đều bởi bên trong không có trí sáng soi, bỏ gốc chạy theo ngọn, sáng chiều toàn theo những thứ động mà làm rối mất nguồn chân mờ đục nước tánh. Hạng người như trên đây, hẳn chẳng chịu chăn. Nghĩa là hạng người này chẳng ưa chăn trâu. 7. Đuổi theo bám víu việc đời, ngày càng tinh chuyên, tâm động mà chẳng chịu chăn. Vì sao? Kinh Pháp Cú Thí Dụ nói: “Như giấy gói hương, dây buộc cá.” Vật vốn trong sạch, đều bởi duyên mà dấy thành tội phước. Bạn hiền minh thì đạo nghĩa ngày thêm đầy. Bạn ngu tối thì ngày càng gom tụ họa ương. Giống như giấy và dây, gần hương thì thơm, gần hôi thì tanh. Nó thấm dần trở thành thói quen, đều chẳng tự hay biết. Nên bậc Tiên đức nói: “Dừng dừng dừng, kíp tu mau. Trời trong chẳng chịu đi, đợi đến mưa ướt đầu.” Hạng người trên đây, thuận theo bánh xe nghiệp, chính mình bỏ mất gốc đạo nên chẳng chịu chăn. “Đuổi theo bám víu việc đời”, nghĩa là việc đời càng giỏi càng hay, thí dụ như người tu mà xã giao giỏi, tính toán làm ăn hay thì chuyên chạy theo những lợi nhuận bên ngoài mà không chịu tu. Kinh Pháp Cú Thí Dụ nói: “Như giấy gói hương, dây buộc cá.” Vật vốn trong sạch, đều bởi duyên mà dấy thành tội phước. Bạn hiền minh thì đạo nghĩa ngày thêm đầy. Bạn ngu tối thì ngày càng gom tụ họa ương. Giống như giấy và dây, gần hương thì thơm, gần hôi thì tanh. Như khi chúng ta vào tiệm mua trầm hương, người bán lấy giấy gói hương lại, khi đem hương về mở giấy ra, ngửi tờ giấy thì thơm. Còn khi ra chợ mua cá, người ta lấy dây cột cá lại, khi đem về mở dây ra, ngửi sợi dây thì hôi. Như vậy tờ giấy trước không thơm, do gói hương mà thơm, sợi dây trước không hôi, do cột cá mà hôi. Trong kinh Pháp Cú, Phật nói thí dụ này để nhắc chúng ta điều gì? Chúng ta tu mà cứ đuổi theo việc đời, thấy ai làm ăn phát tài rủ rê, mình thích có tiền cũng bỏ vốn ra làm ăn, mua cái này sắm cái kia, làm ăn từ từ, lâu ngày thành quen giống như sợi dây cột cá. Người ta là người thế gian, mình là người xuất gia mà hai bên gần giống nhau, như con cá tanh, sợi dây cột nó cũng bị tanh. Còn nếu chúng ta tu mà gần thầy lành bạn tốt, gần thiện hữu tri thức như gần trầm hương, mình là tấm giấy trắng gói hương, một thời gian mở ra, giấy được mùi thơm. Gần người tu chân chánh có đạo đức, chúng ta cũng được thấm nhuần hương thơm. Thế thì hai bên, một bên đưa chúng ta tới cái hư dở, một bên đưa chúng ta tới cái hay tốt, đều là do gần gũi, gần bên nào sẽ nhiễm bên ấy không nghi ngờ. Cho nên người tu mà ngồi lại tính lợi hại, tính làm ăn phát tài, đó là gần những người không tốt. Còn người tu mà khuyên nhắc phải dẹp bỏ phiền não, phải luôn luôn tinh tấn tu hành, đó là gần được những người tốt. Chúng ta phải biết nên gần ai và nên tránh ai để cho mình càng ngày càng trở thành người hay người tốt ở trong đạo. Nó thấm dần trở thành thói quen, đều chẳng tự hay biết. Làm mãi thành thói quen coi như tự nhiên, chẳng cần biết gì nữa. Nên bậc Tiên đức nói: Dừng dừng dừng, kíp tu mau. Tức là phải tu cho nhanh. Dừng cái gì mà dừng đến ba lần như vậy? Theo trong nhà Thiền, dừng cái thứ nhất là dừng đừng chạy theo ngoại cảnh, dừng cái thứ hai là dừng đừng để căn duyên theo trần, dừng cái thứ ba là dừng đừng để cho thức lăng xăng. Ba lần dừng là dừng cảnh, dừng căn và dừng thức, ráng tu cho mau. Trời trong chẳng chịu đi, đợi đến mưa ướt đầu. Câu nói đơn giản mà thấm làm sao! Trời đang trong, cần đi thì cứ đi, đừng chần chờ không chịu đi, đến khi sửa soạn đi trời mưa ào tới thì ướt hết. Ý muốn nói khi còn khỏe mạnh còn sức lực, biết tu là hay mà không chịu tu, đến khi già lụm cụm mới nói tôi muốn tu quá, thì tu làm sao cho kịp. Bước ra ngoài gặp mưa ướt đầu, chạy không kịp nữa. Cho nên muốn tu thì phải tu cho sớm, biết tu là hay thì phải tu ngay, đừng có chần chờ, coi chừng tu không kịp. Như bây giờ nói chúng tôi muốn ra thành phố, thấy trời trong thì cứ lên xe chạy đi hoặc là đi bộ ngay đi, tại sao cứ nhìn trời rồi ngồi nói dóc, muốn đi mà ngồi nói dóc mãi tới xế chiều trời chuyển mưa, rồi nói thôi mưa rồi đi ra ướt đầu hết. Cũng như vậy, có nhiều người nghe Phật pháp biết hay muốn tu mà nói tu chưa được, còn bận nhiều việc để ráng ít năm, ít năm qua rồi cũng chưa xong việc, lại ráng thêm ít năm nữa, đến chừng ráng hết được nhìn lại thì đã già, hết cơ hội để tu. Ráng tu là người xuất gia phải nỗ lực tu gấp, còn người cư sĩ dù ở nhà cũng phải ráng tu cho khéo, không bắt buộc phải xuất gia vào chùa mới gọi là tu. Hạng người trên đây, thuận theo bánh xe nghiệp, chính mình bỏ mất gốc đạo nên chẳng chịu chăn. Những người này bỏ quên gốc đạo bị nghiệp lôi đi nên không chịu chăn. 8. Đem Phật pháp làm theo tình đời, tâm động mà chẳng chịu chăn. Vì sao? Nhân vì tài trí chẳng đủ, thấy biết chẳng sáng mà đến như thế! Hòa thượng Dụ hiệu Phật Trí nói: “Ngựa hay chạy nhanh mà chẳng dám thả chân bước càn, là nhờ dây cương kềm chế. Ý thức trôi nổi mà chẳng dám vin theo duyên, là nhờ sức giác chiếu.” Than ôi! Đem Phật pháp làm theo tình đời, quả là kẻ ngoắt đuôi cầu xin thương xót. Đó là không có giác chiếu vậy. Hạng người như trên nên chẳng chịu chăn. “Đem Phật pháp làm theo tình đời”. Gần đây chúng ta có cái bệnh đem Phật pháp làm theo tình đời. Tình đời là luôn luôn xã giao qua lại. Những người giỏi xã giao ngoài miệng nói thế này mà trong bụng nghĩ thế kia. Họ nói không thật, như mình đen xấu mà họ khen là trắng đẹp. Nghe khen thì rất vui mừng nhưng sự thật không phải vậy, họ nói để được lòng thôi, đó là lối nói xã giao. Người tu chúng ta cũng bắt chước, thấy Phật tử nào tới cũng khen dồn dập, rồi nói thế này thế kia cho họ vui thích, đó là đem Phật pháp làm theo tình đời. Ngoài ra còn nhiều chuyện khác kể không thể hết, có kể ra cũng đụng chạm mà thôi. Nhân vì tài trí chẳng đủ, thấy biết chẳng sáng mà đến như thế! Do không đủ tài trí, không thấy biết sáng suốt, cho nên họ làm theo tình đời như vậy. Đối với người sáng suốt thì Phật tử đến chùa là vì đạo vì tu, chớ không phải đến chùa vì được cảm tình. Thí dụ như có một số vị rất khéo tổ chức, khi chùa hư muốn cất lại, bèn mời Phật tử đến thật đông, đãi cơm nước xong xuôi rồi tuyên bố: Chùa tôi hư, quí Phật tử nào phát tâm ủng hộ chùa thì đưa tay lên và hứa cúng bao nhiêu thì cho biết. Ngay bữa cơm đông đảo, người nào giơ tay hứa cúng năm chục triệu thì được vỗ tay hoan nghênh, và được ghi hạng nhất vào sổ vàng. Đó gọi là khéo léo theo tình đời. Còn với người chất phác vụng về, khi chùa hư thì báo tin cho Phật tử hay, quí vị nào muốn sửa lại chùa để thờ Phật để có chỗ kính lễ thì hùn với nhau làm. Nói nghe thật thà quá nên ít ai phát tâm, còn tổ chức khéo léo thì thiên hạ dễ phát tâm hơn, lẽ thật là như vậy. Thường tổ chức khéo là thuộc về tình đời. Những người quen làm như thế thì không còn thì giờ tu, cho nên không chăn. 9. Ngu điếc, giải đãi, biếng nhác cầu an mà chẳng chịu chăn. Vì sao? Chỉ vì tự phụ, tự bỏ nên như thế. Bậc Tiên đức nói: “Chỗ tài năng chứa đựng của con người tự có lớn nhỏ, thật không thể dạy.” Nên nói: “Giấy nhỏ chẳng gói được vật lớn, dây kéo nước ngắn chẳng thể múc được sâu. Chim cú ban đêm vạch bắt bọ chét, thấy rõ từng sợi lông tơ, nhưng sáng ra thì mắt mờ chẳng thấy gò núi, vốn đã phân định rồi vậy.” Người như trên là tự chấp cho mình đã đủ, nên không thấy trước thật xa. Sống đã không ích gì hiện tại, chết cũng không tiếng tăm về sau. Nói chung, hạng người như thế nên chẳng chịu chăn. Ngài kể người ngu điếc, lười biếng, giải đãi không chịu chăn. Vì sao? Chỉ vì tự phụ, tự bỏ nên như thế. Tức là vì tự phụ mình, tự bỏ mình nên chẳng chịu chăn. Rồi an phận trời sanh ai thế nào thì cứ thế ấy, có làm gì cũng không được. Họ dẫn lời người xưa nói: Chỗ tài năng chứa đựng của con người tự có lớn nhỏ, thật không thể dạy. Họ nói rằng mỗi người có một cái gì sẵn ở trong khó mà dạy được, nói một cách cố định như vậy. Nên nói: Giấy nhỏ chẳng gói được vật lớn, dây kéo nước ngắn chẳng thể múc được (giếng) sâu. Nói như vậy có chân lý hay không? Mới nghe thì thấy thật là chân lý. Nếu giấy nhỏ, đâu có gói được vật lớn, sợi dây gàu ngắn làm sao múc được giếng nước sâu! Nhưng tại sao chúng ta không linh động, nếu giấy nhỏ thì lấy hai ba tờ ráp lại cũng gói được vật lớn, còn dây ngắn thì dùng hai ba sợi nối lại cũng múc được giếng sâu chớ gì. Đâu thể nói một cách cố định để rồi chán nản. Đây dẫn câu chuyện: Chim cú ban đêm vạch bắt bọ chét, thấy rõ từng sợi lông tơ, nhưng sáng ra thì mắt mờ chẳng thấy gò núi, vốn đã phân định rồi vậy. Con chim cú ban đêm vạch bắt được bọ chét vì mắt nó rất sáng, thấy rõ từng sợi lông tơ, nhưng ban ngày thì không thấy gò núi. Đó là nói nó chỉ thấy được ban đêm, còn ban ngày thì không thấy, vậy là trời định rồi. “Vốn đã phân định rồi vậy”, đừng tính chuyện sửa sang hay xoay chuyển làm gì. Đến đây mới kết thúc: Người như trên là tự chấp cho mình đã đủ, nên không thấy trước thật xa. Tự chấp cho mình đã đủ tức là tự mãn, tôi lỡ như vậy, thôi cam phận trời cho, không cần phải chuyển, không cần phải tu thêm gì nữa, nên không thấy được xa. Những người ấy “sống đã không ích gì hiện tại, chết cũng không tiếng tăm về sau”. Có một số người gặp phải bệnh tự mãn, do biếng nhác mà tự mãn. Như không có giỏi mà bảo học thì không chịu học, lại nói: Số của tôi lỡ rồi, thôi cam chịu. Khi nghe đạo lý thì nghĩ rằng mình ngu, không hiểu thì nghe làm chi, thôi không cần nghe. Nếu bảo phải tu sửa những tật cũ thì nói: Tật cũ làm sao bỏ được, trời sanh như vậy rồi. Thế thì người đó còn gì nữa mà làm, còn gì nữa mà tu! Họ cứ cố chấp cái sẵn vậy không thể sửa được. Giống như chim cú không thể nào sửa cho mắt nó sáng lúc ban ngày, chỉ sáng ban đêm mà thôi, và lấy cớ đó để tự bào chữa, rồi an phận lười biếng của mình, không chịu tu, không chịu cố gắng. Thế nên trong chúng, nếu có ai khuyên điều gì thì nói: Thôi cái đó là mấy người thông minh làm mới được, còn mình ngu quá làm gì nổi. Đừng có nghĩ như vậy. Người thông minh làm được, mình ráng học ráng tu, rồi cũng hết ngu, cũng làm được. Như cái giếng rất sâu, mình có sợi dây ngắn cột gàu múc nước không tới thì phải chịu khó kiếm thêm dây nối vào, rồi sẽ múc được nước. Cái gì do cố gắng rồi cũng thành công, còn nếu buông xuôi đổ thừa số mạng, thì đó là những người cầu an, trốn tránh, không cố gắng, nên chẳng chịu chăn. 10. Cờ bạc vô dụng, tụ nhóm thành bè thành lũ, biếng nhác nên chẳng chịu chăn. Vì sao? Chỉ mong lợi nhỏ trước mắt mà ôm lòng tính toán cẩu thả. Lại nói rằng, việc cầu đạo quá viển vông, chẳng bằng cầu lợi thực tế hơn. Do đó họ đua theo thói phù hoa, so đo nhỏ nhặt. Bởi vậy, không ai chịu toan tính trọn năm, huống là lo nghĩ đến sanh tử? Đó là lý do học đạo ngày càng tệ, pháp môn ngày càng xuống dốc. Nói chung, hạng người như thế nên chẳng chịu chăn. Ham chơi cờ bạc đánh đề, đánh số, họ nói rằng: “chùa hư rồi, tôi mua vé số, nếu trúng thì có tiền cất chùa”, thấy rất thực tế, rất lo cho đạo. Nhưng mua vé số phải theo dõi xổ số, nếu trật thì buồn, mai mốt mua nữa, cứ như vậy mà rốt cuộc chạy theo cái bên ngoài không chịu tu hành. Thậm chí có những người tu mà buồn, bày ra đánh bạc ở trong phòng v.v..., như vậy thì còn gì là tu nữa? Họ lại có lý do nói rằng: Việc cầu đạo quá viển vông chẳng bằng cầu lợi thực tế hơn. Cầu đạo xa vời quá, bây giờ mình đánh bạc, nếu ăn thì có tiền sửa chùa, lợi này rõ ràng thực tế, còn đạo thì xa quá. Đó là lối nói để bảo vệ cái sai lầm của mình. Do đó họ đua theo thói phù hoa, so đo nhỏ nhặt. Vì thế họ chạy theo thói phù hoa, so đo tính toán nhỏ nhặt mà không chịu tu. Bởi vậy, không ai chịu toan tính trọn năm, huống là lo nghĩ đến sanh tử. Chuyện một năm họ còn không tính, huống nữa là nghĩ đến chuyện chết sống. Đó là lý do học đạo ngày càng tệ, pháp môn ngày càng xuống dốc. Vì không nghĩ đến chuyện chết sống cho nên càng ngày họ càng buông thả, tức là học Phật pháp ngày càng tệ, sự tu hành ngày càng xuống dốc. Tóm lại, tất cả mười hạng người kể trên không chịu chăn, tức là không chịu tu. Chúng ta thử xét coi mình có dính vào hạng nào hay không? Nếu trong mười hạng mà không kẹt hạng nào, cũng là có phước lắm rồi. Chúng ta thấy ngài Quảng Trí “nói phá” tức là sát phạt những cái sai lầm, chỉ thẳng nói thẳng. Trong đạo, từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 20 này, ở Việt Nam, có những cái giống nhau, cái tệ cũng như cái hay. Cũng có người rất can đảm dám nói thẳng như ngài Quảng Trí. Những bệnh Ngài kể ra đây, chúng ta thấy cũng có trong hiện tại. Sau đây là phần kết thúc: Mười hạng người trên đây, tuy nói là xuất gia mà không có hạnh dứt khỏi trần tục. Luống mang thân nam tử mà không có chí trượng phu. Nên Tổ Qui Sơn nói: “Đáng tiếc một đời qua suông, gặp việc thì ngó vách.” Chỉ vì trọn ngày lăng xăng, cả đêm mê mệt. Rơi vào hầm vô tri, ngồi trong ngục hắc ám. Chẳng thông suốt ý chỉ tức sự tức lý. Chỉ nhớ suông lời phá bệnh phá chấp. Người trí rất thương hại, kẻ ngu lại bắt chước theo. Đã thành lối mòn, muốn dứt bỏ nhanh đi càng rất khó! Vì vậy mới dẫn rộng ra. “Mười hạng người trên đây, tuy nói là xuất gia mà không có hạnh dứt khỏi trần tục. Luống mang thân nam tử mà không có chí trượng phu”, ở đây tôi nói thêm: Luống mang thân nam tử và nữ nhân mà không có chí trượng phu, nếu chỉ nói thân nam tử thì thiên lệch quá. Nên Tổ Qui Sơn nói: “Đáng tiếc một đời qua suông gặp việc thì ngó vách.” Nghĩa là một đời qua suông, ai hỏi gì thì xây mặt vào vách, chớ không biết trả lời chi cả. Chỉ vì trọn ngày lăng xăng, cả đêm mê mệt. Rơi vào hầm vô tri, ngồi trong ngục hắc ám. Chẳng thông suốt ý chỉ tức sự tức lý. Chỉ nhớ suông lời phá bệnh phá chấp. Người trí rất thương hại, kẻ ngu lại bắt chước theo. Những việc làm sai lầm mà cũng có người bắt chước. Gần nhất là việc đoán xăm coi tay coi tướng ở chùa, việc này có đúng không? Nhưng làm như vậy thì có bổn đạo đông, cho nên người ta cũng bắt chước làm theo. Thậm chí người tu mà cũng lên đồng lên bóng, vậy mà cũng có người làm theo, miễn sao cho có bổn đạo tới cúng nhiều là được. Do cái tệ của một người, mà những kẻ khác bắt chước theo. Vì vậy: Đã thành lối mòn, muốn dứt bỏ nhanh đi càng rất khó. Muốn dứt bỏ những cái tệ rất là khó. Như hiện giờ chùa nào cũng biết rằng xin xăm bói quẻ là không đúng lời Phật dạy, mà không ai dám bỏ ống xăm, vì “đã thành lối mòn, muốn dứt bỏ nhanh đi càng rất khó”. Thâm tâm của Phật Tổ đã bày rõ đủ hết đại ý kinh luận. Mong người chừa bỏ những chấp cũ, để sửa đổi điều sai quấy trước, mà đồng bước theo dấu vết của bậc Tiên Thánh còn để lại, và cùng chung lãnh nhận lời răn bảo của đức Phật. Như thế mới không khuyết tổn bản chí, khỏi cô phụ bốn ân, cùng nhau bước lên cửa giải thoát, và tiến vào đường thẳng tắt tu hành chân thật, thành tựu đạo nghiệp của chư Phật, đầy đủ đại Bồ-đề. Ngăn bít nẻo tà mà mở ra lối chánh, vững niềm tin mà nhổ bật gai chấp trước. Vượt bến khổ nơi ba cõi, vào nguyện hải Phổ Hiền. Qua cảnh lênh đênh nơi pháp giới, tiến vào thành lớn Niết-bàn. Ngưỡng mong mắt Phật chứng cho chút lòng thành, và khắp vì người đương thời, xin kính dẫn tập này. Đây là lời kết thúc của ngài Quảng Trí, Ngài nói: Thâm tâm Phật Tổ (tức là tâm Phật và tâm Tổ) đã bày rõ đủ hết đại ý kinh luận. Trong đời đức Phật, từ khi thành đạo đến lúc nhập Niết-bàn, cuộc sống của Ngài đủ chứng minh cho kinh luật mà Ngài đã nói. Nghĩa là Phật dạy trong kinh như thế nào thì đời sống của Ngài như thế ấy, Ngài dạy luật như thế nào thì đời sống của Ngài cũng đúng như vậy. Chư Tổ cũng vậy. Cho nên kinh luật có đủ trong đời sống của Phật và Tổ. Ngày nay chúng ta học kinh học luật cũng phải sống theo nếp đó. Mong người chừa bỏ những chấp cũ, để sửa đổi điều sai quấy trước, mà đồng bước theo dấu vết của bậc Tiên Thánh còn để lại, và cùng chung lãnh nhận lời răn bảo của đức Phật. Chúng ta lỡ làm những việc sai quấy thì nên chừa bỏ để tiến theo con đường Phật Tổ đã dạy đã hành. Như thế mới không khuyết tổn bản chí, khỏi cô phụ bốn ân, cùng nhau bước lên cửa giải thoát. Nếu chúng ta biết tu biết sửa đúng như lời dạy, như hình ảnh đức Phật và chư Tổ, thì mới không làm thương tổn bản chí của mình, tức là xuất gia cầu giải thoát sanh tử, và cũng khỏi cô phụ bốn ơn: Ơn thầy Tổ, ơn cha mẹ, ơn quốc gia, ơn đàn việt. Rồi cùng nhau bước lên cửa giải thoát. Như vậy tu là để nâng đỡ dìu dắt nhau đi trên đường giải thoát, chớ không phải lôi kéo nhau trở lại đời phàm tục. Và tiến vào đường thẳng tắt tu hành chân thật, thành tựu đạo nghiệp của chư Phật, đầy đủ đại Bồ-đề. Tiến vào đường thẳng tắt tức là đi thẳng vào chỗ tu trực chỉ nơi tâm mình, biết được từng niệm vọng tưởng, buông xả cho tâm trí thanh tịnh, dứt hết phiền não, thì đó là lối tắt tu hành. Khi thành tựu được đạo nghiệp rồi thì lúc ấy chúng ta sẽ đồng với chư Phật và đầy đủ được đại Bồ-đề. Ngăn bít nẻo tà mà mở ra lối chánh. Những lối tà đã ngăn bít, mở được con đường chánh để người sau đi theo. Vững niềm tin mà nhổ bật gai chấp trước. Thấy được lẽ thật của Phật Tổ chỉ dạy thì những chấp trước cũ mình nhổ sạch không còn. Như vậy mới thật là: Vượt bến khổ nơi ba cõi, vào nguyện hải của Phổ Hiền. Hạnh nguyện của Bồ-tát Phổ Hiền rộng lớn như biển cho nên gọi là nguyện hải. Qua khỏi bến khổ của ba cõi thì mới vào được nguyện lớn của Bồ-tát Phổ Hiền. Qua cảnh lênh đênh nơi pháp giới, tiến vào thành lớn Niết-bàn. Qua khỏi cảnh trôi dạt trong cõi trần tục, chúng ta mới đến được thành Niết-bàn. Ngưỡng mong mắt Phật chứng cho chút lòng thành. Ngài nói với tấm lòng thành, mong Phật chứng tri cho Ngài. Và khắp vì người đương thời, xin kính dẫn tập này. Ngài nói đây là vì người đương thời, mà đến ngày nay chúng ta là kẻ hậu lai vẫn được nghe và vẫn quí kính lời Ngài. Mục Lục
|
Luận Giải Thi Tụng Mười Bức Tranh Chăn Trâu Giảng Giải (1999)
|
Phần I - Luận Thẳng Về Chưa Chăn (Giảng 2)
Phần II - Luận Giải Các Bài Tụng Tranh Chăn Trâu Của Thiền Sư Phổ Minh (Bài Tụng I - Chưa Chăn)
Phần II - Luận Giải Các Bài Tụng Tranh Chăn Trâu Của Thiền Sư Phổ Minh (Bài Tụng II - Mới Điều Phục)
Phần II - Luận Giải Các Bài Tụng Tranh Chăn Trâu Của Thiền Sư Phổ Minh (Bài Tụng III - Chịu Phục)
Phần II - Luận Giải Các Bài Tụng Tranh Chăn Trâu Của Thiền Sư Phổ Minh (Bài Tụng IV - Quày Đầu)
Phần II - Luận Giải Các Bài Tụng Tranh Chăn Trâu Của Thiền Sư Phổ Minh (Bài Tụng V - Thuần Phục)
Phần II - Luận Giải Các Bài Tụng Tranh Chăn Trâu Của Thiền Sư Phổ Minh (Bài Tụng VI - Không Ngại)
Phần II - Luận Giải Các Bài Tụng Tranh Chăn Trâu Của Thiền Sư Phổ Minh (Bài Tụng VIII - Cùng Quên)
Phần II - Luận Giải Các Bài Tụng Tranh Chăn Trâu Của Thiền Sư Phổ Minh (Bài Tụng IX - Soi Một Mình)
Phần II - Luận Giải Các Bài Tụng Tranh Chăn Trâu Của Thiền Sư Phổ Minh (Bài Tụng X - Dứt Bặt Cả Hai)
Phần II - Tổng Luận Về Tướng Viên Giác Tịch Quang Và Thể Chân Không Diệu Hữu