Thiền Tông Việt Nam
Luận Giải Thi Tụng Mười Bức Tranh Chăn Trâu Giảng Giải (1999)
Phần I - Luận Thẳng Về Chưa Chăn (Giảng 1)

Bởi tất cả tình mê đều nương các kiến chấp mà dấy lên. Giẫm vào đó thì khác chi rừng rậm, chìm trong đó nào khác biển sôi. Như tằm làm kén, cái ổ tốt là nhân nhận lấy trói buộc. Giống như con thiêu thân lao vào đèn, theo ánh sáng làm gốc hủy mình. Nên bậc thông suốt nói: “Kẻ bỏ nhà lang thang mới cảm thông với người lữ khách, người lạnh lẽo cô đơn, mới biết rõ nỗi khổ của kẻ cùng đường.” Không pháp gì cứu được. Đó là cái thấy hẳn nên quở trách. Hãy thuận lời Phật, chớ theo lời dạy của ma. Nay tôi nói phá rành rõ, nhưng nói phá lại bị người ghét. Người xưa nói: “Lời nói đúng lý chẳng sợ bị cắt lưỡi.” Do đó, tôi tạm nêu lên ở cõi này, trong hàng Tăng có năm hạng đọa, năm hạng lười cộng chung thành mười hạng người chưa chịu chăn.

Trong bài này, Thiền sư Quảng Trí nói những lời rất là thẳng thắn để cho mọi người hiểu mà tự sửa.

Trước tiên Ngài nói:

Bởi tất cả tình mê đều nương các kiến chấp mà dấy lên.

Tất cả cái mê của chúng ta đều gốc từ các kiến chấp sai lầm, chớ không phải bỗng dưng mà có.

Giẫm vào đó thì khác chi rừng rậm, chìm trong đó nào khác biển sôi.

Những ai ôm nhiều kiến chấp thì như người lạc trong rừng rậm, như người chìm trong biển nước sôi, khổ sở vô cùng vô tận.

Như tằm làm kén, cái ổ tốt là nhân nhận lấy trói buộc.

Như con tằm làm kén, cái ổ kén càng tốt thì con tằm càng bị trói chặt hơn, lại còn bị bỏ vào nước sôi! Như vậy điều làm chúng ta khổ không phải do ai khác mà do chính chúng ta tự tạo rồi tự chịu lấy khổ.

Giống như con thiêu thân lao vào đèn, theo ánh sáng làm gốc hủy mình.

Thử hỏi con thiêu thân, khi chúng ta đốt đèn có phải để cho nó bay vào để chết không? Chúng ta đốt ngọn đèn sáng để làm việc, trái lại con thiêu thân thấy ánh sáng liền nhào vào rồi chết. Như vậy nó chết là vì đuổi theo ánh sáng, mà quên đi ánh sáng là cái cớ để giết nó. Cũng như vậy, hiện giờ những người ham xì ke ma túy thuốc phiện, biết đó là chỗ chết mà cứ lao mình vào rồi chết. Xì ke ma túy thuốc phiện khi còn ở ngoài có làm cho ai chết không? Tại vì người ta thích nó, muốn thử nó nên mới nhào vô rồi chết, giống hệt như con thiêu thân vậy.

Nên bậc thông suốt nói: “Kẻ bỏ nhà lang thang mới cảm thông với người lữ khách, người lạnh lẽo cô đơn mới biết rõ nỗi khổ của kẻ cùng đường.”

Những bậc thông suốt trước kia có nói ai ở trong cảnh mới cảm thông được cái khổ của người trong cảnh. Còn người ngoài cảnh thì không thế nào cảm thông được. Ngài Quảng Trí dẫn câu này ý muốn nói Ngài là một tu sĩ, ở trong cảnh tu sĩ mới hiểu được cái lầm chấp của người tu, nếu ở ngoài thì đâu có thấy, đâu có biết. Ngài dẫn thêm:

Không pháp gì cứu được.

Người mê lầm như vậy, cố chấp như vậy thì không thể cứu được.

Đó là cái thấy hẳn nên quở trách.

Nếu cái thấy đó mà không quở không trách thì họ chìm luôn. Vì vậy mà phải quở trách. Căn cứ vào đâu quở trách?

Hãy thuận lời Phật, chớ theo lời dạy của ma.

Chúng ta phải sống phải tu theo lời Phật, chớ đừng theo lời ma. Theo lời Phật thì đúng, theo lời ma thì lạc đường tà.

Nay tôi nói phá rành rõ, nhưng nói phá lại bị người ghét.

Nay Ngài nói phá một cách rành rõ cho mọi người nghe, nói phá tức là chỉ trích. Chỉ trích người có lỗi, người ta ghét, cho nên nói “nhưng nói phá lại bị người ghét”. Đó là một lẽ thật ở thế gian.

Người xưa nói: “Lời nói đúng lý chẳng sợ bị cắt lưỡi.”

Ngài dẫn câu này để thấy việc làm đúng, thì dù có ai muốn hại, mình cũng không sợ. Nếu chúng ta biết điều đó là sai, biết chắc như vậy không nghi ngờ, mà không nói, tức là chúng ta có lỗi a dua theo cái sai. Còn nếu thấy sai, chúng ta nói thẳng đó là sai, thì dù người có ghét nhưng lòng mình được yên. Cái gì biết, chúng ta đã nói đã chỉ chớ không giấu, cũng không bỏ qua. Có nói có chỉ mà người ta không sửa thì đó là lỗi tại người, chớ không phải tại mình. Vì vậy người tu, nếu có can đảm, biết việc đó là sai là lỗi mà không chỉ không nhắc cho nhau, là điều không thể chấp nhận được.

Vì thế Thiền sư Quảng Trí ở gần cuối đời Lê thấy những điều tệ trong giới tu hành, Ngài không thể nào làm thinh được, cho nên Ngài nói:

Do đó, tôi tạm nêu lên ở cõi này, trong hàng Tăng có năm hạng đọa, năm hạng lười, cộng chung thành mười hạng người chưa chịu chăn.

Nghe Ngài nói chúng ta cũng đau xót, thử nhìn lại xem trong mười hạng Tăng, chúng ta có nằm trong hạng nào hay không, để rồi ráng mà tu chỉnh lại. Có tất cả là mười hạng Tăng chưa chịu chăn trâu, tức là chưa chịu tu. Đây là cái nhìn của ngài Quảng Trí ở cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18. Còn chúng ta hiện giờ là ở cuối thế kỷ 20 so lại coi chúng ta có tiến bộ được nhiều ít, mà tiến bộ về mặt nào sánh với khi xưa.

Có mười hạng Tăng chưa chịu chăn trâu:

1. Rơi vào cuồng vọng buông thả mà chẳng chịu chăn. Vì sao? Trong giáo nói: Có những kẻ dân ma, chuyên thích cuồng tuệ, chẳng chịu trì giới tu hành, vọng chấp những lời lẽ tương tự trong kinh điển, như câu: “phiền não tức Bồ-đề, dâm nộ si tức phạm hạnh”, rồi theo lời sanh hiểu, theo cái hiểu lại phát độc, mặc tình nói năng ngông cuồng, tội lỗi không lường được.

Đây là bệnh nặng. Cuồng vọng là cái hiểu biết cuồng vọng, rồi không chịu tu. Lại dẫn kinh làm chứng để cho rằng cái không tu của mình là đúng.

Chuyên thích cuồng tuệ mà chẳng chịu trì giới tu hành, vọng chấp những lời lẽ tương tự trong kinh điển như câu: “phiền não tức Bồ-đề, dâm nộ si tức phạm hạnh”.

Câu này xuất xứ từ kinh Viên Giác, kinh Duy-ma-cật, kinh Lăng-già... Lẽ ra người tu chúng ta, như cư sĩ tại gia thì giữ năm giới, tu sĩ xuất gia thì giữ mười giới căn bản hoặc hai trăm năm mươi giới, song chúng ta thọ giới mà không chịu giữ, lâu lâu lại có tham sân si (dâm là tham, nộ là sân), lại cho tham sân si là phạm hạnh, là hạnh trong sạch, đó là vì hiểu quá lầm lẫn.

Đến câu “phiền não tức Bồ-đề”. Câu này chắc Phật tử ai cũng thuộc lòng. Nhưng chúng ta có “tức Bồ-đề” chưa? Như khi nghe ai nói trái tai thì nổi giận, lúc đó phiền não có tức Bồ-đề chưa, hay phiền não là si mê?

Tại sao trong kinh lại nói phiền não tức Bồ-đề? Chúng tôi cho một thí dụ, quí vị theo dõi để hiểu. Như ở trên bàn, chúng ta để một tượng Phật rất đẹp, kế bên để một tượng quỉ rất quái dị. Đối trước hai tượng, chúng ta để một cái gương, khi nhìn vào gương chúng ta thấy gì? Thấy trong gương tượng Phật đẹp đẽ trang nghiêm, tượng quỉ quái dị đáng sợ. Nhưng chúng ta dùng trí quán sát thì có sợ không? Phật và quỉ ở trong gương đều là cái bóng, quỉ là bóng, Phật cũng là bóng. Quỉ là dụ cho phiền não, Phật là dụ cho Bồ-đề. Phiền não Bồ-đề nói trên ngôn từ cũng là cái bóng, là bóng thì đâu có khác nhau. Thế thì phiền não tức Bồ-đề, Bồ-đề tức phiền não là như vậy. Phật là bóng, quỉ cũng là bóng vì không thật, như vậy để thấy Phật quỉ không khác, quỉ tức là Phật, Phật tức là quỉ vì đều là bóng không thật. Đó là chặng thứ nhất.

Qua chặng thứ hai, dẹp cái gương đi, quan sát kỹ tượng Phật tượng quỉ làm bằng gì? Tượng Phật làm bằng thạch cao, tượng quỉ cũng làm bằng thạch cao. Tượng Phật tượng quỉ cũng từ thạch cao nặn lên, Phật thạch cao, quỉ cũng thạch cao thì quỉ tức là Phật, Phật tức là quỉ vì thể nó không hai.

Đến chặng thứ ba là cái tưởng tượng của người nghệ sĩ đắp tượng. Khi muốn đắp tượng, người nghệ sĩ cũng dùng bao nhiêu thứ thạch cao, màu sắc để đắp và vẽ thành tượng Phật đẹp đẽ trang nghiêm, rồi cũng đắp và vẽ thành tượng quỉ lạ lùng kinh sợ. Như vậy hai tượng được đắp và vẽ thành hình gốc từ cái tưởng tượng của người nghệ sĩ, thế thì cái tưởng tượng đó có thật không? Tượng quỉ cũng là tưởng tượng, tượng Phật cũng là tưởng tượng, hai cái đều là tưởng tượng thì “tức” với nhau chớ gì. Phật tức là quỉ, quỉ tức là Phật. Như thế Bồ-đề phiền não có khác nhau không? Thấu suốt được lẽ đó mới thấy phiền não Bồ-đề không khác. Nếu chưa thấu suốt thấy tượng Phật là thật, tượng quỉ là thật, thấy tượng Phật thì mừng lạy, thấy tượng quỉ thì run sợ thì khi ấy Bồ-đề phiền não là hai. Như vậy trong kinh Phật nói phiền não tức Bồ-đề, Bồ-đề tức phiền não, là nhắm thẳng cái thể không thật trên Tánh giác. Nói Bồ-đề, nói phiền não là hai lối nói, là hai cái đối đãi, mà đối đãi là không thật. Tất cả sự vật ở thế gian này đều không thật, bởi do không thật cho nên nó “tức” với nhau.

“Dâm nộ si tức phạm hạnh” nghĩa là tham sân si tức là hạnh thanh tịnh, vì đứng về mặt thể nó là hư dối, vì hư dối cho nên cái này cũng tức là cái kia, cái kia cũng tức là cái này. Còn chúng ta khi nổi sân, lúc đó thấy là dối hay là thật? Nếu khi nổi sân biết là dối thì tự cười chớ không có giận. Còn nếu đang nổi sân mà thấy sân là thật thì cùng với phạm hạnh làm sao giống được, hai cái khác nhau.

Thế nên lời Phật dạy các vị Bồ-tát là đến chỗ cứu kính, thể của các pháp không khác. Chúng ta là phàm phu đủ tất cả các tật xấu, thấy cái gì cũng thật, sao lại lấy câu của Phật Tổ nói để che lỗi mình? Thí dụ như chúng ta tu mà bị ai chọc giận thì nổi sân la lối, có người Phật tử đứng gần bên thưa: “Thầy tu mà sao còn sân như vậy?” Thầy liền nói: “Phiền não tức Bồ-đề mà.” Thôi thì người Phật tử chịu thua, hết nhắc nổi. Đó là bệnh. Như người tu giữ giới luật không được phép ngồi quán uống rượu, nhưng một hôm thấy người tu ngồi quán uống rượu, Phật tử tới thưa: “Thưa Thầy, theo giới luật thì người tu đâu có được ngồi quán, đâu có được uống rượu. Tại sao Thầy ngồi quán uống rượu?” Thầy nói: “Dâm nộ si là phạm hạnh mà, Phật tử nói gì vậy.” Người tu dẫn kinh để nộ lại, người Phật tử đành chịu thua. Như vậy có đúng không? Cái đó là lời nói của ma! Lời Phật nói có tính cách khác, lời ma nói có tính cách khác. Ma nói để dọa, để áp đảo thế gian, còn Phật nói để chỉ cho chúng ta thấy chỗ tột cùng chân thật. Những kẻ ma lợi dụng lời Phật nói để dọa nạt người rằng mình hiểu kinh hiểu luật và để gạt lừa thiên hạ. Đó là bệnh rất trầm trọng, thế mà hiện nay có vài người tu làm như vậy và nói như vậy. Khi xưa hồi thế kỷ 17 có việc đó, đến cuối thế kỷ 20 này chắc cũng không khác bao nhiêu, thỉnh thoảng có xảy ra sự việc như vậy, ngài Quảng Trí gọi đó là bệnh hết sức trầm trọng.

Cho nên Ngài mới nói:

Rồi theo lời sanh hiểu, theo hiểu lại phát độc, mặc tình nói năng ngông cuồng, tội lỗi không lường được.

Họ phát những lời nói độc hại: Không cần tu, không cần chứng, tu chứng là chấp tướng. Đó là lối nói ngông cuồng, tội lỗi không thể lường được.

Họ chỉ có giải thoát trên môi lưỡi, thừa và giới đều mất hết, hoàn toàn chẳng tu hành gì. Nên Hòa thượng Vĩnh Minh nói: “Còn mang tập khí vẫn bị nghiệp cảnh lôi đi, hiện hành đâu khỏi duyên ràng buộc.” Như nói: “Học hiểu ngàn ngày, chẳng bằng trì giới một bữa.”

“Họ chỉ có giải thoát trên môi lưỡi, thừa và giới đều mất hết, hoàn toàn chẳng tu hành gì.” Họ chỉ có giải thoát trên đầu môi chót lưỡi, rồi nói tôi là người quyết tâm cầu giải thoát, nhưng nói ngoài miệng chớ không hành trong tâm. Thừa là giáo lý, giới là giới luật, đều mất hết, giáo lý không thông, giới luật không giữ, hoàn toàn chẳng tu hành gì cả, chỉ có nói dối để gạt người thôi.

Nên Hòa thượng Vĩnh Minh nói: “Còn mang tập khí vẫn bị nghiệp cảnh lôi đi.”

Theo lời ngài Vĩnh Minh nói nếu người tu dù có hiểu được đôi chút giáo lý, nhưng tập khí muôn đời của mình vẫn còn nặng, nếu không chịu tu thì làm sao dẹp được, mà không dẹp được tập khí thì vẫn bị nghiệp cảnh lôi đi.

Hiện hành đâu khỏi duyên ràng buộc.

Trong cái hiện hành của mình tức là cái công dụng trên việc làm hằng ngày khó mà tránh khỏi các duyên ràng buộc.

Như vậy tuy chúng ta tu rất cẩn thận, rất chín chắn, dù có thấy đạo, có hiểu đạo, song những lời của Phật của Tổ nói chúng ta phải dè dặt không nên dùng nó để che lỗi mình, không nên dùng nó để dọa nạt người. Chúng ta phải kính cẩn lời Phật lời Tổ rồi ráng tu hành dẹp sạch tập khí và dẹp hết nghiệp để khỏi bị nó lôi kéo vào trong ba đường ác.

Như nói: “Học hiểu ngàn ngày, chẳng bằng trì giới một bữa.”

Đây Ngài muốn dẫn cái hiểu với cái hành. Hiểu là do học, học được hiểu nhiều, nhưng giới luật không giữ thì cái hiểu đó không đi tới đâu. Cũng như có một số Phật tử ngày nay học đạo hiểu đạo, rồi biết nói những lời rất hay rất đúng với Phật Tổ, nhưng năm giới không chịu giữ, gặp rượu thì ngồi vào bàn, nói toàn chuyện trên trời trên mây mà rượu thì không bỏ nổi. Như vậy được chưa? Hiểu đạo mà giới không giữ cũng chưa xứng đáng với cái hiểu. Người tu càng cẩn thận hơn, dù chúng ta hiểu, nói người ta hoan nghênh, người ta hưởng ứng, nhưng hành động của mình, giới luật của mình không giữ, thì cái hiểu đó chưa cứu được mình.

Tại sao tham hư danh trên ngữ giải, nhận thật họa nơi địa ngục, dối mình lừa người, cam bị chìm đắm? Đấy chỉ là bọn sủa ngông cuồng, thật đáng thương xót! Những người hạng này tức chẳng chịu chăn.

Ngài đặt câu hỏi “tại sao tham hư danh trên ngữ giải”, nghĩa là tham hư danh trên lời nói, trên sự hiểu biết mà “nhận thật họa nơi địa ngục” tức là cái họa thật ở địa ngục.

Dối mình lừa người, cam bị chìm đắm.

Dối mình lừa người suốt một đời, cuối cùng bị xuống địa ngục. Như vậy là hay hay dở? Tưởng đâu nói cao nói giỏi là hay, nhưng nói cao nói giỏi đâu thoát khỏi được họa địa ngục!

Đấy chỉ là bọn sủa ngông cuồng, thật đáng thương xót!

Ngài quở thật chẳng nể lời: “Đấy chỉ là bọn sủa ngông cuồng”, nghĩa là nói càn nói bướng giống như chó điên sủa bậy không có lẽ thật, không có giá trị gì.“Thật đáng thương xót!” Lời quở này cũng khá nặng, nhưng bệnh nặng thì phải có thuốc mạnh, thuốc yếu thì bệnh nặng khó lành.

Những người hạng này tức chẳng chịu chăn.

Những người hạng như vậy thì không bao giờ chịu chăn trâu, tức là không chịu tu. Đó là hạng thứ nhất.

Chúng ta không chỉ nghe thôi, mà phải kiểm nghiệm lại, nhìn lại nội tâm mình, nhất là người tu, xem chúng ta có vướng những bệnh như vậy hay không. Nếu có thì phải trị ngay đừng để thành bệnh. Rồi nhìn lại những người cùng giới tu hành, thấy ai có bệnh như vậy thì ráng trị giùm, nếu trị không được thì chỉ thuốc giùm, chỉ thuốc không được thì chấp tay xá rồi lui chớ đừng có lý luận.

Hạng bị đọa thứ nhất, rơi vào cuồng vọng buông thả, còn hạng thứ hai là rơi vào chia chẻ.

2. Rơi vào chia chẻ mà chẳng chịu chăn. Vì sao? Tổ sư nói: Phần nhiều người có thông minh, học chăm săn tìm nơi giáo điển, ghi chú chương cú, chấp vào tên giả pháp thân, chia chẻ rành mạch trên danh tướng, gom góp chỗ này, vá víu chỗ kia, suốt cả năm tháng. Mỗi người do tranh giành cái thấy của mình, mà không có chỗ sống thật. Thế nên phải biết, trẻ đói đi ngang qua hàng thịt, miệng nhai ngồm ngoàm, chỉ thêm lòng thèm khát, không giúp gì được bụng đói. Hạng người này chỉ lo nói thiền trên miệng, dù ghi nhớ chương cú, chỉ ôm lòng ngã mạn để lấn lướt người. Đây là hạng thô hạnh thứ nhất trong hàng Tăng. Huống nữa, không có công phu tu hành chân thật, luống thêm khẩu nghiệp, rất đáng thương xót! Kẻ như thế nên chẳng chịu chăn.

“Rơi vào chia chẻ mà chẳng chịu chăn.” Chia chẻ tức là học đạo mà cứ lo phân tích câu lời, lựa câu cho hay, lời cho khéo v.v... mà không chịu tu.

Vì sao? Tổ sư nói: Phần nhiều người có thông minh, học chăm săn tìm nơi giáo điển, ghi chú chương cú, chấp vào tên giả pháp thân, chia chẻ rành mạch trên danh tướng, gom góp chỗ này, vá víu chỗ kia, suốt cả năm tháng.

Cứ ngồi đó mà vạch quyển kinh quyển sách ra phân tích chia chẻ cái này thuộc về Tướng tông, cái kia thuộc về Tánh tông, phân chia nghe rành rẽ tưởng như mình thông minh tuyệt vời, nhưng sự thật chỉ là phân tích trên danh tướng mà không chịu tu.

Mỗi người do tranh giành cái thấy của mình, mà không có chỗ sống thật.

Cho nên người này nói hoặc viết ra, người kia chống lại rồi thành bút chiến cãi qua cãi lại, rốt cuộc không chịu tu hành gì cả. Xét kỹ trên thế gian này hiện giờ chắc có những người như vậy.

Thế nên phải biết, trẻ đói đi ngang qua hàng thịt, miệng nhai ngồm ngoàm, chỉ thêm lòng thèm khát, không giúp gì được bụng đói.

Ngài dùng thí dụ nghe rất là đau. Trẻ đói tức là mấy đứa con nít đói bụng đi ngang qua hàng thịt thấy người ta ăn, nó cũng bắt chước nhai. Người ta ăn người ta no, còn nó nhai miệng không, không có thịt không có cá, có no không? Nó nhai miệng ngồm ngoàm, chỉ thêm lòng thèm khát không giúp gì được bụng đói. Thí dụ này cho chúng ta thấy người được món ăn, người ta ăn thì no, mình không được món ăn cũng giả bộ nhai thì làm sao no được!

Chư Tổ ngày xưa, các ngài tu học đến nơi đến chốn, thấy được lẽ thật nên các ngài nói ra, giả sử có sửa những cái sai của kẻ khác, cũng là vì lòng chân thật, vì tâm từ bi. Còn chúng ta hiện giờ nói ra điều gì, nếu có ai chống lại thì nổi giận tranh luận, cũng nói rằng mình phá tà hiển chánh, song rốt cuộc rồi chỉ tăng thêm cái danh hão huyền thôi chớ không có thật.

Hạng người này chỉ lo nói thiền trên miệng, dù ghi nhớ chương cú, chỉ ôm lòng ngã mạn để lấn lướt người.

Những người này nói thiền trên miệng, chớ không phải thiền ở trong tâm. Nói câu này dẫn câu kia, nói thuộc lòng nghe rất hay, đó là để lấn lướt người, thỏa mãn lòng ngã mạn của mình mà thôi.

Đây là hạng thô hạnh thứ nhất trong hàng Tăng.

Trong hàng Tăng, đây là hạnh thô thứ nhất.

Huống nữa, không có công phu tu hành chân thật, luống thêm khẩu nghiệp, rất đáng thương xót!

Nói phá người này, chỉ trích người kia, dẫn kinh dẫn sách rất hay, nhưng chỉ có ngoài miệng chớ trong lòng thì không tu. Như vậy chỉ tăng thêm khẩu nghiệp, đó là hạng người rất đáng thương xót.

Kẻ như thế nên chẳng chịu chăn.

Người như thế nên không chịu tu, cứ lo vạch kinh này sách kia tìm kiếm để phê bình chỉ trích thiên hạ, mà mình thì không tu. Đây là bệnh của hạng người thứ hai, rơi vào chia chẻ mà chẳng chịu chăn, bệnh này thuộc về bệnh đọa chớ không phải nhẹ.

3. Rơi vào si không mà chẳng chịu chăn. Vì sao? Người xưa nói: Kẻ học đạo dòm thấy một chút pháp không, rồi nghe người tụng kinh, niệm Phật, lễ bái, thực hành các thứ hạnh, liền bảo: “Pháp lìa danh tự, nếu theo danh giả thuyết quyền, càng thêm hư vọng.” Đây là hạng người trong tâm ngoài miệng trái nhau. Đâu chẳng thấy kinh Lăng Nghiêm nói: “Nếu ở trong định kia, các thiện nam thấy sắc ấm tiêu, thọ ấm sáng tỏ, tự cho mình đã đủ, thì có một phần đại ngã mạn, bị ma nhập tâm phủ. Họ bảo, một niệm vượt qua ba vô số kiếp, trong tâm còn xem thường cả mười phương Như Lai, huống chi hàng Thanh văn, Duyên giác ở bậc dưới. Chẳng lễ tháp miếu, khinh thường kinh tượng, cho đây là đồng, vàng, gỗ, đất. Và bảo nhục thân là chân thường mà chẳng tự cung kính, lại đi sùng mộ gỗ đất, thật là điên đảo. Quả làm nghi lầm người sau vậy.”

Phải biết, chấp không mà phá tướng như thế, đều là quyến thuộc của ma. Mặc cho tất cả đều không, sanh không, tử cũng không, nhưng vua Diêm-la chẳng không thì làm sao đây? Thật đáng thương xót!

Hạng người chấp không này tức chẳng chịu chăn.

Đến hạng người thứ ba:

Rơi vào si không mà chẳng chịu chăn. Vì sao? Người xưa nói: Kẻ học đạo dòm thấy một chút pháp không, rồi nghe người tụng kinh, niệm Phật, lễ bái, thực hành các thứ hạnh, liền bảo: “Pháp lìa danh tự, nếu theo danh giả thuyết quyền, càng thêm hư vọng.”

Câu này chúng ta cần phải nghiệm xét. Hiện nay có một số người tu mắc bệnh này cũng khá nặng, do hiểu được một chút “không”, rồi chấp cái “ không” đó, cho nên gọi là “si không”. Nghe ai tụng kinh, niệm Phật, lễ bái v.v... thì chê trách nói: “Pháp lìa danh tự, nếu theo danh giả thuyết quyền, càng thêm hư vọng.” Họ nói tất cả pháp là lìa danh tự, nếu theo danh giả thuyết quyền tức là thuyết tạm thì càng thêm hư vọng. Họ nói như vậy là để chê trách người tụng kinh, người niệm Phật và người lễ bái.

Đây là hạng người trong tâm ngoài miệng trái nhau.

Nghĩa là trong tâm thì không chịu tu mà ngoài miệng thì dẫn lời Phật dạy để chê người khác tu.

Đâu chẳng thấy kinh Lăng Nghiêm nói: “Nếu ở trong định kia, các thiện nam thấy sắc ấm tiêu, thọ ấm sáng tỏ, tự cho mình đã đủ, thì có một phần đại ngã mạn, bị ma nhập tâm phủ. Họ bảo, một niệm vượt qua ba vô số kiếp, trong tâm còn xem thường cả mười phương Như Lai, huống chi hàng Thanh văn, Duyên giác ở bậc dưới. Chẳng lễ tháp miếu, khinh thường kinh tượng, cho đây là đồng, vàng, gỗ, đất. Và bảo nhục thân là chân thường mà chẳng tự cung kính, lại đi sùng mộ gỗ đất, thật là điên đảo. Quả làm nghi lầm người sau vậy.”

Ngài Quảng Trí dẫn kinh Lăng Nghiêm để chứng minh cho lời Ngài quở trách ở đây. Trong kinh Lăng Nghiêm, Phật bảo: Nếu ở trong định kia, các thiện nam, tức là người đang nhập định, thấy sắc ấm tiêu là phá được sắc ấm, thọ ấm được sáng tỏ, tự cho mình đã đủ. Mới phá được sắc ấm, qua đến thọ ấm thì cho mình đã đạt cứu kính, “thì có một phần đại ngã mạn, bị ma nhập tâm phủ”. Vừa khởi tâm đại ngã mạn thì bị ma nhập trong tâm phủ, tâm phủ tức là tâm can lục phủ. Khi bị ma nhập tâm rồi thì:

Họ bảo, một niệm vượt qua ba vô số kiếp, trong tâm còn xem thường cả mười phương Như Lai, huống chi hàng Thanh văn, Duyên giác ở bậc dưới.

Cho nên họ không lễ tháp miếu, khinh thường kinh tượng, cho đây là đồng, vàng, gỗ, đất.

Và bảo nhục thân là chân thường mà chẳng tự cung kính, lại đi sùng mộ gỗ đất, thật là điên đảo.

Họ bảo thân thịt của mình là thân thật, là thân Phật, mình phải cung kính. Còn những thân Phật bằng vàng bằng gỗ bằng đất là bằng các thứ bên ngoài, tại sao cung kính? Rồi khuyên người bảo đừng làm điều đó, cho làm như vậy là điên đảo.

Quả làm nghi lầm người sau vậy.

Những kẻ này làm cho người sau sanh ra nghi lầm không biết cái nào đúng cái nào sai. Đó là dẫn lời trong kinh.

Phải biết, chấp không mà phá tướng như thế, đều là quyến thuộc của ma. Mặc cho tất cả đều không, sanh không tử cũng không, nhưng vua Diêm-la chẳng không thì làm sao đây? Thật đáng thương xót!

Mới học về lý Bát-nhã một chút mà phá tướng như vậy, đó là bà con của ma chớ không phải là thật. Nói rằng tất cả đều không, sanh không tử không, Niết-bàn không, Bồ-tát không, Thanh văn không, nhưng cuối cùng vua Diêm-la chẳng không, cho nên phải xuống dưới Diêm đài ngồi. Đó là những người đạt lý chưa đến nơi, tu hành chưa đến cứu kính, mà tự sanh ngã mạn rồi khinh thường tất cả kinh tượng, khinh thường tất cả các quả vị Thanh văn, Duyên giác v.v... Những người này sai lầm, rồi dẫn người khác đến chỗ sai lầm. Thật đáng thương xót!

Hạng người chấp không này tức chẳng chịu chăn.

Vì họ chấp không, cho nên đâu có chịu chăn trâu. Chúng ta ở đây học lý đạo, biết Phật nói các pháp không thật, nhưng tối nào cũng phải sám hối, cũng phải lễ Phật. Không phải cho các pháp không thật, rồi không làm gì cả, thì đó là chấp là bệnh. Bệnh thứ ba này thuộc về loại đọa, đọa địa ngục, cho nên nói “vua Diêm-la chẳng không”.

4. Rơi vào tùy duyên mà chẳng chịu chăn. Vì sao? Người xưa nói: “Tùy duyên tiêu nghiệp cũ, hồn nhiên mặc áo xiêm.” Chỉ thuận theo thiên chân, muôn hạnh tự tròn đủ. Giở chân, hạ chân, cái gì chẳng phải là nghiệp thanh tịnh, cần chi nhiều thứ tạo tác?

“Tùy duyên tiêu nghiệp cũ, hồn nhiên mặc áo xiêm” là dẫn lời của Tổ Lâm Tế. Ngài ngộ đạo rồi, tâm không còn phiền não che lấp, không còn vọng tưởng lôi kéo, cho nên Ngài mới nói tùy duyên. Còn chúng ta hiện giờ thì vọng tưởng đầy ắp, phiền não tràn ngập, không có chỗ nào trống mà cũng nói tùy duyên! Tỉ dụ có nhiều Phật tử hỏi chúng tôi: Giả sử mình tu biết đạo chút chút rồi mình sống tùy duyên, nếu có người mời uống rượu, mà mình không uống thì không biết tùy duyên, thưa Thầy như vậy có uống được không? Thử nghĩ chúng tôi phải trả lời như thế nào? Nếu nói được, thì gặp rượu tùy duyên rượu, gặp cái gì tùy duyên cái ấy, thành ra tùy duyên đó là tùy duyên xuống địa ngục! Điều này rất quan trọng, vì đây là tôi nói một lẽ thật. Có một Phật tử không biết tu tới mức nào, khi đến gặp tôi thì mặt mày đỏ gay, tôi nghi chắc ông có uống rượu vì khi nói chuyện nghe mùi rượu. Ông nói chuyện về thiền, tôi bảo: “Đạo hữu tu thiền mà uống rượu sao?” Ông trả lời: “Thì tùy duyên mà Thầy.” Tôi lắc đầu, đó là tôi gặp phải bệnh tùy duyên. Tôi mới gặp cư sĩ thôi, chớ chưa gặp các vị xuất gia.

Ngài Lâm Tế nói: “Tùy duyên tiêu nghiệp cũ, hồn nhiên mặc áo xiêm”, chữ tùy duyên này tôi thường nói: Đói ăn mệt ngủ, nghĩa là gặp duyên gặp cảnh thì phải sống linh động ngay nơi đó, đừng kéo dài bận bịu. Thí dụ như đói thì cứ ăn đừng đòi món này món nọ, đừng nghĩ cơm ngon cơm dở, mệt thì ngủ đừng nghĩ việc hôm qua hôm kia, đó là tùy duyên. Còn nói tùy duyên gặp rượu thì uống rượu, gặp tất cả cái gì đều làm theo hết mà gọi là tùy duyên thì chúng tôi cũng đầu hàng!“Tùy duyên tiêu nghiệp cũ” là những oan khiên những phiền não cũ do biết sống tùy duyên nên nghiệp cũ tiêu mòn. “Hồn nhiên mặc áo xiêm”, mặc áo một cách hồn nhiên, không nghĩ ngợi suy tính điều gì.

Chỉ thuận theo thiên chân, muôn hạnh tự tròn đủ.

Nghĩa là phải sống đúng với Tánh chân thật của mình thì muôn hạnh tròn đủ. Nếu được như vậy thì:

Giở chân, hạ chân, cái gì chẳng phải là nghiệp thanh tịnh, cần chi nhiều thứ tạo tác?

Chư Tổ đã sống được với thiên chân, còn chúng ta đang sống với vọng tưởng mà làm theo các ngài thì e trật quá xa.

Lại bậc Tiên đức nói: “Tức tâm tức Phật, đâu nhờ tu hành?” Hạng người này như con chó đuổi theo hòn đất, chẳng biết là lời nói nhất thời trong cửa Tổ sư, nhân bệnh mà cho thuốc. Vì vậy nên biết “tùy duyên, mặc tình”, chẳng phải là không làm gì. Nhận lầm cơ Tổ, nắm đá sỏi cho là ngọc, thật đáng xót thương!

Hạng hiểu sai lầm này, tức chẳng chịu chăn.

Bậc Tiên đức nói: “Tức tâm tức Phật (lời của Mã Tổ), đâu nhờ tu hành.”

Chư Tổ đã sống được chỗ đó, nên thấy ai có bệnh, các ngài tùy duyên phá chấp. Chúng ta lấy đó làm chỗ tu, mà chưa thấy được lẽ chân, chưa sống được chỗ tâm cảnh như như, chúng ta lại nói theo các ngài, đó là giống như con chó đuổi theo hòn đất vậy. Thấy hòn đất người ném, nó chạy theo sủa, rốt cuộc không ra gì cả.

Vì vậy nên biết “tùy duyên, mặc tình”, chẳng phải là không làm gì. Nhận lầm cơ Tổ, nắm đá sỏi cho là ngọc, thật đáng xót thương!

Tùy duyên của các Tổ không phải là không tu, tùy duyên là duyên nào tới đừng để cho tâm ý phải bận bịu rối rắm, duyên tới mình phải giải quyết một cách đơn giản, nhanh nhẹn cho nó an bình. Như vậy các ngài đã tu, tu trong cái tùy duyên. Còn chúng ta hiện giờ không biết, lại chấp câu đó rồi việc gì cũng tùy duyên, rủ đâu làm đó, rủ chơi cái gì cũng chơi, tùy duyên như vậy còn hơn là những người ở ngoài đời thì còn gì là đạo lý, còn gì là tu hành.

Hạng hiểu sai lầm này, tức chẳng chịu chăn.

Hạng người sai lầm này không chịu chăn tức chẳng chịu tu. Những người này nằm trong hạng đọa, tức là những cái nghĩ, những cái chấp sai lầm đó đều có thể đọa vào địa ngục.

5. Rơi vào dua nịnh theo quyền thế mà chẳng chịu chăn. Vì sao? Chỉ vì chẳng biết xấu hổ, cứ lo khoe khoang tiếng tăm, quên mất cả đạo đức, bỏ bê phép tắc luật nghi, không còn gì là chừng mực, buông lung theo tình riêng mà đến nỗi như vậy.

Đây nói hạng nịnh hót người quyền quí để khoe khoang mình thân những người thế lực cao sang mà tâm đạo đức không có, chẳng biết gì mực thước tu hành. Những người này chỉ dua nịnh theo quyền thế mà chẳng chịu tu.

Trái lại, họ chê người thật thà chất phác là quê mùa, và ca ngợi kẻ huênh hoang tự đắc là lanh lợi.

Người hiền lành chất phác tu trên non trên núi thì bị chê là quê mùa, dốt nát. Còn người nói năng huênh hoang tự đắc thì ca ngợi là lanh lợi.

Do đó, cứ buông thả tình dục, chẳng biết hổ thẹn. Tự hay nịnh hót kẻ thế lực, nương gá nơi cửa quyền quí để mưu lấy tiếng tăm, lợi lộc. Thường thì hạng người này chẳng nhận rõ gốc đạo, đắm đuối nơi sông ái, biển dục, đành tự cam chịu chìm lịm. Một mai họa đầy phước hết, bị người trời chán bỏ, thầy bạn chịu lây.

Hạng người như thế nên chẳng chịu chăn.

Hạng người này nhìn lại cũng khá nhiều, “cứ buông thả tình dục, chẳng biết hổ thẹn. Tự hay nịnh hót kẻ thế lực, nương gá nơi cửa quyền quí để mưu lấy tiếng tăm lợi lộc”.

Hạng người này chẳng nhận rõ gốc đạo.

Tức là họ không biết rõ gốc tu hành, gốc đạo đức như thế nào.

Đắm đuối nơi sông ái, biển dục, đành tự cam chịu chìm lịm.

Tức là chạy theo ái dục của thế gian để vùi đắm mình trong biển ái.

Một mai họa đầy phước hết, bị người trời chán bỏ, thầy bạn chịu lây.

Họa đầy ngập, phước hết rồi, khi ấy bị người trời chán bỏ, không ai bênh vực rồi phải mang họa.

Hạng người như thế nên chẳng chịu chăn.

Năm hạng người kể trên là năm hạng người không chịu chăn trâu. Mà không chăn trâu thì đọa địa ngục, cho nên gọi là năm hạng Tăng đọa. Nếu dùng mắt đạo đức nhìn sẽ thấy hiện tại không phải thiếu năm hạng đó. Mong rằng chúng ta không nằm trong số ấy, nếu nằm một trong năm hạng này thật là đáng buồn, phải ráng nhảy ra cho khỏi, đừng để kẹt trong đó.

Sau đây là năm hạng lười biếng. Năm hạng này chắc cũng khá đông.

Mục Lục
Luận Giải Thi Tụng Mười Bức Tranh Chăn Trâu Giảng Giải (1999)
Danh sách chương: