Luận Giải Thi Tụng Mười Bức Tranh Chăn Trâu Giảng Giải (1999)
Phần I - Nói Thẳng Về Mới Điều Phục (Giảng 2)
Song, người học chỉ cốt lo dẹp trừ sáu thức, thì càng nên rõ biết chỗ trước sau. Ý tuy là chủ soái của sáu thức, mà mắt chính là tiên phong của năm giặc. Nên bậc Tiên đức nói: “Tâm là then chốt, mắt là giặc trộm.” Muốn hàng phục tâm kia, trước phải thu nhiếp mắt kia. Bởi cây nỏ thì sự phát động ở tại bộ phận máy, tâm thì sự duyên dẫn ở tại mắt. Bộ phận máy chẳng động thì nỏ đứng yên. Mắt chẳng động thì tâm đứng yên. Phải biết, vọng niệm dấy lên từ thức căn, đối với cảnh mà thành vọng, chẳng phải có thật thể. Khi ở chúng sanh, thì trí yếu thức mạnh nên chỉ gọi là thức. Ngay khi ở Phật địa, thì trí mạnh thức yếu nên chỉ gọi là trí. Chỉ chuyển tên kia mà chẳng chuyển thể kia. Ban đầu thì một nguồn tâm rỗng rang trong lặng, rồi do “tri kiến lập tri”, vọng trần sanh khởi, nên có vọng niệm. Nếu “tri kiến vô kiến, tư tức Niết-bàn”, thì Trí tánh chân thật thanh tịnh sẽ trở lại trong lặng nhiệm mầu, rỗng suốt trọn vẹn, ý niệm liền tiêu. Ý niệm đã tiêu, thì từ thức thứ sáu trở xuống, không thức nào chẳng đều tiêu hết. Tức là chỗ ngài Văn-thù bảo: “Một căn đã trở về nguồn, sáu căn trở thành giải thoát.” Đã không sáu căn thì không sáu trần, đã không sáu trần thì không sáu thức. Đã không sáu thức thì không chủng tử luân hồi. Đã không chủng tử luân hồi, thì một điểm Chân tâm của ta, đứng riêng không chỗ nương, rỗng rang mênh mông, sáng rỡ, lặng trong, muôn kiếp thường còn, hằng không sanh diệt. Đoạn này Ngài chỉ rất rõ ràng để chúng ta nhớ mà tu. Song, người học chỉ cốt lo dẹp trừ sáu thức, thì càng nên rõ biết chỗ trước sau. Ý tuy là chủ soái của sáu thức, mà mắt chính là tiên phong của năm giặc. Như vậy người học chỉ lo dẹp trừ sáu thức nhưng phải rõ biết cái nào trước, cái nào sau. Ý tuy là chủ soái song con mắt mới là tiên phong của năm giặc. Chủ soái có bị lăng xăng rối loạn hay thành công là do tướng tiên phong dẫn đường. Như thấy hoa đẹp ở trước, mà mắt chúng ta không chú ý phân biệt thì chủ soái bên trong có quấy rầy lăng xăng không? Sở dĩ chúng ta bị quấy rầy là vì mắt vừa thấy hoa đẹp liền phân tích hoa đẹp làm sao... thì ý theo đó duyên nhiễm. Như vậy chủ soái là ý mà con mắt là tiên phong. Con mắt làm sao không cho nó dính? Trong nhà thiền thường nói là mở mắt như mù. Nghĩa là sao? Không phải đi đâu cũng bịt mắt lại không cho thấy gì hết mà mắt vẫn thấy biết tất cả nhưng không cái gì dính kẹt là có mắt như mù. Giả sử có mười người đi qua trước mắt chúng ta, ăn mặc quần áo sặc sỡ, nhưng mình không chú ý đến người nào hết. Khi họ đi qua rồi, giây lát sau nếu có ai hỏi, những người khi nãy vừa đi qua người nào đẹp, người nào xấu thế nào, mình sẽ trả lời ra sao? Không chú ý thì đâu thấy ai đẹp, ai xấu. Như vậy có mắt mà như mù, thấy như không thấy. Còn nếu chú ý người này ăn mặc hợp thời trang, người kia không hợp thì khi được hỏi đến liền phân tích thế này thế nọ, là người có mắt sáng, là có thấy, còn không chú ý là có mắt như mù. Chúng ta phải giữ sao cho có mắt như mù thì tu dễ thành công, còn có mắt sáng quá tu cực khổ lắm. Đó là chỗ phải ngừa anh tiên phong trước để ông chủ soái được yên; nếu để anh tiên phong dẫn giặc vào nhiều thì ông chủ soái phải mệt. Nên Tiên đức nói: Tâm là then chốt, mắt là giặc trộm. Then chốt là vật dùng gài cửa. Tâm là cửa gài ở trong, nhưng con mắt là giặc trộm, có chuyện gì nó liền cạy cửa, cho nên tâm mới động, mới dấy. Như vậy hai thứ đó liên hệ nhau. Muốn hàng phục tâm kia, trước phải thu nhiếp mắt kia. Nghĩa là làm sao đối với tất cả cảnh đừng để cho nó kẹt dính thì tâm dễ hàng phục, nếu để kẹt dính thì tâm khó hàng phục được. Bởi cây nỏ thì sự phát động ở tại bộ phận máy, tâm thì sự duyên dẫn ở tại mắt. Bộ phận máy chẳng động thì nỏ đứng yên. Mắt chẳng động thì tâm đứng yên. Phải biết, vọng niệm dấy lên từ thức căn, đối với cảnh mà thành vọng, chẳng phải có thật thể. Vì vọng niệm dấy lên là do mắt tai mũi lưỡi thân tiếp xúc với ngoại trần dấy niệm nên thành ra đối địch, chống chọi, phân biệt. Tuy đối địch nhưng nó không có thật thể. Khi ở chúng sanh, thì trí yếu thức mạnh nên chỉ gọi là thức. Ngay khi ở Phật địa, thì trí mạnh thức yếu nên chỉ gọi là trí. Như vậy gọi là trí, là thức tùy ở địa vị. Ở địa vị mê của chúng sanh, cũng cái biết nhưng là cái biết của vọng tưởng phân biệt nên gọi là thức; còn ở địa vị Phật, cũng cái biết mà sáng suốt giác ngộ, nên gọi là trí. Chỉ chuyển tên kia mà chẳng chuyển thể kia. Ban đầu thì một nguồn tâm rỗng rang trong lặng, rồi do “tri kiến lập tri”, vọng trần sanh khởi, nên có vọng niệm. Ngài dẫn kinh Lăng Nghiêm để thấy rõ ban đầu chỉ là một nguồn tâm rỗng rang trong lặng, nhưng do “tri kiến lập tri”, vừa có thấy biết liền khởi niệm phân biệt đó là lập tri, rồi “vọng trần sanh khởi, nên có vọng niệm”. Nếu “tri kiến vô kiến, tư tức Niết-bàn”. Nghĩa là mình thấy biết mà không thấy biết, như có người đi qua mình thấy biết, mà không có niệm phân biệt đó là không thấy biết. Nếu không thấy biết như vậy tức là Niết-bàn. Vậy Niết-bàn với sanh tử cách nhau bao xa? Chỉ là đối duyên, xúc cảnh mà khởi niệm đuổi theo phân biệt đó là sanh tử. Còn đối duyên, xúc cảnh mà không dấy niệm đuổi theo dính mắc, đó là Niết-bàn chớ không đâu xa. Thì Trí tánh chân thật thanh tịnh sẽ trở lại trong lặng nhiệm mầu, rỗng suốt trọn vẹn, ý niệm liền tiêu. Ý niệm đã tiêu, thì từ thức thứ sáu trở xuống, không thức nào chẳng đều tiêu hết. Nếu ý niệm tiêu thì sáu thức cũng theo đó mà tiêu. Vì vậy trọng tâm chúng ta tu là ở ý. Nếu ý lặng thì tất cả đều theo đó mà lặng hết. Tức là chỗ ngài Văn-thù bảo: Một căn đã trở về nguồn, sáu căn trở thành giải thoát. Đây lại dẫn kinh Lăng Nghiêm chỗ Phật dạy ngài Văn-thù chọn các căn viên thông. Đã không sáu căn thì không sáu trần, đã không sáu trần thì không sáu thức. Đã không sáu thức thì không chủng tử luân hồi. Khi sáu thức không còn hoạt động, không còn tạo nghiệp nữa thì luân hồi cũng không còn. Đã không chủng tử luân hồi, thì một điểm Chân tâm của ta, đứng riêng không chỗ nương, rỗng rang, mênh mông, sáng rỡ, lặng trong, muôn kiếp thường còn, hằng không sanh diệt. Đến đây gọi là giải thoát sanh tử, là được giác ngộ hoàn toàn. Như vậy chúng ta tu là trở về cái sẵn của mình, chớ không phải ở đâu đem đến. Đã có sẵn nhưng vì chúng ta mê tức là quên, nay tỉnh lại dẹp bỏ những manh mối dẫn đi luân hồi sanh tử, để trở về nguồn bất sanh bất diệt, đó là gốc của sự tu. Đây là pháp chỉ thẳng tâm người, rất rõ ràng xác thật, chặt thẳng làm sao! giản dị làm sao! Chỉ hay chăm lo cội nguồn quán chiếu con trâu này, lâu rồi thì tự nhiên tâm không, mênh mông lóng đứng, lặng lẽ chẳng động, vắng bặt chẳng nghĩ, rỗng toang tâm mở, tỏ suốt thấy tánh. Đây là chỗ nói: Da mỏng da dày đều rớt sạch, một Thể chân thật hiện tiền. Ngài nói: “đây là pháp chỉ thẳng tâm người” tức là trực chỉ nhân tâm, “rất rõ ràng xác thật, chặt thẳng làm sao! giản dị làm sao!” Bởi vì pháp này đi thẳng không quanh co, mà đã đi thẳng thì nó rất giản dị không phiền toái. Vì vậy nên ở đây nói chặt thẳng, giản dị. Như chúng ta ứng dụng tu đối với pháp Thiền tông chỉ thẳng nơi tâm mình, nên là chặt thẳng, cho thấy rõ tâm nào chân thật, tâm nào hư dối, chúng ta không theo những vọng tưởng hư dối, đó là đơn giản vô cùng không có gì lạ ở bên ngoài. Chỉ hay chăm lo cội nguồn quán chiếu con trâu này. Chúng ta tu là phải nhìn thẳng nguồn gốc để quán chiếu tường tận, mà quán chiếu cái gì? - “Quán chiếu con trâu này.” Như vậy con trâu này tức nơi tâm mình có những niệm dấy khởi chạy theo sáu trần, thì những niệm dấy khởi chạy theo sáu trần đó gọi là con trâu đi ăn lúa mạ của người. Ngay đó chúng ta dừng không đi theo, là chăm lo cội nguồn, chận đứng ở nội tâm chớ không đợi nó dính với cảnh rồi mới chận. Lâu rồi thì tự nhiên tâm không. Nghĩa là khi niệm khởi chúng ta không theo, tập như vậy lâu rồi tự nhiên tâm được an ổn nên nói tâm không. Không ở đây là không dấy niệm chớ không phải không ngơ. Mênh mông lóng đứng. Khi tâm lặng lẽ rồi thì nó không có chỗ nơi, không chừng mực nên nói nó mênh mông. Chỗ này có tu mới thấy rõ được. Khi chúng ta ngồi thiền mà nội tâm dấy khởi thì nó mênh mông hay gom lại một phần nhỏ? Thí dụ khởi nghĩ nhớ món đồ thì nó nhỏ bằng món đồ, nghĩ nhớ con người nó gom lại bằng con người, còn khi không nghĩ, không nhớ thì tâm không một chút giới hạn nào nên gọi đó là mênh mông, không chừng mực nào hết. Lặng lẽ chẳng động. Khi nó không dấy thì lặng, mà lặng thì không động. Vắng bặt chẳng nghĩ, rỗng toang tâm mở. Khi tâm lặng lẽ không nghĩ không tưởng thì nó vắng bặt, nó rỗng toang. Rỗng toang tức là mở rộng không có gì ngăn cách. Tỏ suốt thấy tánh. Nó sáng tỏ thấu suốt được Bản tánh của mình nên thấy được tánh. Như vậy chữ thấy tánh này phải nghĩ làm sao mà thấy. Ví như tâm chúng ta cứ dấy động nghĩ chuyện này chuyện kia liên miên, thì lúc đó chúng ta chỉ biết việc nó nghĩ, theo việc nó nghĩ mà không thấy được Bản tánh của tâm. Khi tâm lặng yên trong sáng mà mình hằng giác hằng tri, thì cái hằng tri hằng giác nhận rõ nó là Bản tánh của mình. Như vậy bỏ tâm sanh diệt chợt còn chợt mất, để nhận Bản tánh sáng suốt hằng nhiên rỗng khắp, là bỏ một cái nhỏ để nhận một cái lớn. Nếu nhận niệm khởi là tâm mình là nhận tâm nhỏ, mà niệm khởi là tướng sanh diệt, là tâm tạm bợ, khi niệm khởi lặng thì tất cả những lăng xăng đều yên tĩnh hết, lúc đó mới thấy tâm mình thênh thang, trong sáng hằng giác hằng tri, tâm mình vô giới hạn. Thế nên nói người học Phật là bỏ cái nhỏ để đạt được cái lớn hay bỏ cái giả để nhận chân cái thật của chính mình, chớ không phải của ai đem đến ban cho. Đó là một lẽ thật, chỉ khi nào tâm mình an định mới thấy rõ, nên nói tỏ suốt thấy tánh. Đây là chỗ nói: Da mỏng da dày đều rớt sạch, một Thể chân thật hiện tiền. Như người bị những lớp da bao bọc, che phủ, bây giờ những lớp da đó tan hoang rã rời, chỉ còn cái chân thật hiện tiền. Như vậy để thấy người tu Phật hay nói đơn giản hơn là tu thiền, không mong cầu cái gì xa lạ ở bên ngoài, mà chỉ cần gỡ những mối gút đang làm cho tâm xáo động mờ mịt, không cho dấy động nữa. Tâm không dấy động, không mờ mịt thì tự nhiên nó trong sáng. Từ tâm trong sáng mới nhận ra được Thể chân thật của mình. Mọi ý niệm, mọi nghĩ suy dấy lên cứ che mờ, giống như da mỏng da dày đang phủ che cái chân thật ở trong. Bây giờ những thứ đó rã rời ra thì cái chân thật hiện tiền. Đó là để chỉ cho chúng ta biết tu đến lúc nào thành công, đến lúc nào đạt được kết quả, chớ không phải như nhiều người hiểu lầm tu cứ mơ màng, cứ trông đợi Phật Tổ ban cho cái này cái kia, mà đây là lẽ thật quay về mình. Công phu đến đây thì tự nhiên tinh thần sáng tỏ, trí tuệ thông suốt, tâm tánh linh thông, khắp được đại tự tại. Người tu đến chỗ tâm rỗng rang trong sáng thì tự nhiên tinh thần được sáng tỏ, trí tuệ được thông suốt, tâm tánh được linh thông, khắp được tự tại. Như vậy cái thông minh sáng suốt là do tâm phiền não vọng tưởng lóng dừng rồi cái trí tuệ sáng suốt hiện. Khi trí tuệ sáng suốt hiện là mình được đại tự tại. Vì thế việc tu là một lẽ thật chỉ quay lại mình để dẹp những mê mờ, đưa đến cái sáng suốt của chính mình, chớ không phải ai đâu xa khác. Mới biết, tất cả chư Thánh đều từ pháp môn tâm địa này, phương tiện mà vào, sẽ được thành Phật, làm Tổ, làm thầy trời người, phàm phu không thể chứng đến. Như vậy chúng ta mới biết rõ chư Thánh, tức là các bậc từ bậc Hiền lên bậc Thánh đều từ pháp môn tâm địa này, phương tiện mà vào. Pháp môn tu thiền này cũng gọi là pháp môn Tâm địa. Tại sao gọi là Tâm địa? Tâm địa có nghĩa là đất tâm. Bởi vì tất cả cây cối, nhà cửa v.v... có cái nào ngoài mặt đất mà mọc, mà sanh được không? Như vậy tất cả muôn sự, muôn vật trên thế gian này đều tựa trên mặt đất. Cũng vậy tất cả pháp lành pháp dữ đều từ nơi tâm mà ra, chớ không cái nào riêng có. Mà đã từ tâm ra thì pháp tu trở về tâm gọi là Tâm địa. Vì nó là chỗ sản sanh muôn pháp, mà trở về tức là dùng phương tiện mà vào. Đi vào bằng những phương tiện rồi sẽ được thành Phật, làm Tổ, làm thầy cả trời người, phàm phu không thể chứng đến. Bởi vì khi tu đến kết quả thành Phật thành Tổ, thì lúc đó sẽ làm thầy cả trời người. Còn chúng ta hiện nay tu lại mong mỏi được chư thiên ủng hộ, mà nếu chư thiên ủng hộ thì mình là bạn bè với chư thiên, chớ không được làm thầy, vì làm thầy thì không cần ủng hộ, cần ủng hộ thì không phải là thầy họ, có khi ngược lại. Cũng như có người đi cầu quỉ thần ủng hộ thì người đó là thầy của quỉ thần hay là đồ đệ của quỉ thần. Đây tôi nói một cách thông thường, như có ai mới tu hoặc tu ít ít đến với tôi thì họ nói: Nhờ Thầy thương xót ủng hộ cho chúng con tu hành đến nơi đến chốn. Nếu tôi ủng hộ họ thì họ bằng tôi chưa? Chắc chưa. Nếu bằng thì chắc họ không phải xin ủng hộ. Cũng như vậy, nếu ai muốn được quỉ thần ủng hộ tức là bạn bè hay đàn em cháu của quỉ thần, còn ai muốn được chư thiên ủng hộ, đó là huynh đệ của chư thiên, có lẽ làm đệ là đúng hơn. Còn ở đây nếu chúng ta tu đến chỗ cuối cùng, là làm thầy của chư thiên nữa đó. Vì vậy nên khi Phật thành đạo thì chư thiên đến qui y thỉnh Phật về cung trời giảng pháp v.v... Như vậy có phải là thầy chưa? Như Tổ Ưu-ba-cúc-đa khi bị các loài thiên ma đến phá, Ngài chinh phục được rồi, thiên ma xin qui y, kính Ngài làm thầy. Như vậy Phật Tổ đều làm thầy của cả trời người, chớ không phải chỉ làm thầy cho người thôi. Bởi vậy trong lễ qui y có câu: qui y Phật không qui y thiên thần quỉ vật. Vậy mà hiện nay có nhiều người tuy đã qui y Phật rồi, nhưng thiên họ vẫn kính, thần họ vẫn thờ, quỉ họ vẫn nể. Như vậy những người đó chưa hiểu được giá trị thật của Phật, của Tổ. Đó là chỗ chúng ta phải hiểu cho thật rõ. Không phải chúng ta ngạo mạn, nhưng vì đức Phật và chư Tổ đủ khả năng để dạy bảo hướng dẫn cho chư thiên tu hành, thì chư thiên đối với Phật là đệ tử, chúng ta cũng là đệ tử Phật. Như vậy chư thiên với chúng ta cũng không khác bao nhiêu, chỉ có phước hơn chúng ta thôi. Cũng như người giàu có qui y với thầy, người nghèo khổ qui y với thầy, tuy giàu, nghèo có khác nhưng cùng qui y một thầy, mà một thầy tức là đồng sư. Vậy điều vô lý là đồng sư mà trở lại qui y với họ. Bởi vậy chúng ta phải hiểu rõ ý nghĩa thiên nhân chi sư là thầy cả trời người là thế ấy. Giả sử kính trời còn khả dĩ vì phước cao hơn mình, còn quỉ thần mà kính thì thật là khó hiểu. Nếu nói quỉ chắc ít ai kính, chỉ sợ thôi, như những quỉ lang thang đói rét, gọi là ngạ quỉ, là quỉ đói. Còn thần đối trong nhà Phật gọi là đại lực quỉ, là quỉ có thế lực. Thí dụ ông tướng nào đó chết trận có thể họ hay phá phách người, nên gọi là thần nhưng nhà Phật cũng gọi là quỉ, chỉ là quỉ có thế lực. Nói như vậy để chúng ta hiểu rõ không còn lầm lẫn. Do người chẳng nhận biết Tự tâm, nên kinh Phật nói: “Tất cả chúng sanh từ vô lượng kiếp đến nay mê muội điên đảo Bản tâm chẳng tự giác ngộ, vọng nhận bốn đại làm thân, duyên lự làm tâm. Ví như bỏ đi trăm ngàn biển cả chỉ nhận lấy một hòn bọt nhỏ.” Đây là đoạn dẫn trong kinh Lăng Nghiêm. Đoạn này khi học kinh Lăng Nghiêm tôi thắm thiết nhất. Bởi vì trong kinh Phật nói: “Tất cả chúng sanh từ vô lượng kiếp đến nay mê muội điên đảo Bản tâm chẳng tự giác ngộ.” Tất cả chúng sanh từ vô lượng kiếp là không biết bao nhiêu kiếp mà nói. “Mê muội điên đảo Bản tâm” hay nói cách khác là đối với Bản tâm mình mê muội, điên đảo. Bởi mê muội điên đảo Bản tâm nên không tự giác ngộ, mà không tự giác ngộ rồi nhận cái gì làm mình? - “Vọng nhận” tức là dối nhận “bốn đại làm thân, duyên lự làm tâm”. Có ai không nhận vậy không? Khi nói tới mình thì tự xưng tôi, xưng ta, mà tự xưng tức chỉ cho thân tứ đại, thân tứ đại là tôi, là hình tướng lấy tứ đại làm mình, rồi “duyên lự làm tâm” tức cái nghĩ tưởng lăng xăng ở trong cho là tâm mình. Vậy tất cả chúng ta nhìn lại xem có người nào thấy khác không? Hay ai cũng thấy thân tứ đại là mình, tâm nghĩ tưởng lăng xăng là tâm mình? Như vậy là đã nhận lầm thân, nhận lầm tâm rồi. Bây giờ tôi nói thẳng, chỉ thẳng, thân tứ đại này do duyên hợp, nói gần là bốn thứ đất, nước, gió, lửa. Sáng ngủ thức dậy sửa sang đôi chút rồi lo điểm tâm sáng. Điểm tâm là gì? - Đem một ít đất, một ít nước vào cho nó an ở trong. Đến trưa cũng đem một số đất nước dồn vô. Rồi chiều nếu nhè nhẹ cũng một ít đất nước vô nữa. Nhưng đem vô rồi nó có ở trong luôn không? - Phải cho ra. Cứ đem vô cho ra, đem vô cho ra, cái này đổi cái kia, cái kia đổi cái khác nữa, từ gió rồi đất, nước, lửa cứ thay đổi, thay đổi liên tục. Tuy thay đổi liên tục vậy mà thiếu nó mình không an. Đôi khi tôi cũng tức cười, có những lúc bận công việc hoặc đi đâu lỡ bữa, đói đi không muốn nổi, nếu ai cho củ khoai nhai vô một lúc lại đi nổi. Như vậy củ khoai là mình hay là gì mà sao nó có sức mạnh lạ thường vậy. Nếu mình là thật, mình là chủ thì có củ khoai hay không có củ khoai, mình cũng làm chủ, mình cứ đi, chớ sao thiếu nó mình đi không nổi. Vậy củ khoai có phải là mình không? Như vậy để thấy rõ tứ đại này nó không tự tồn tại mà phải nhờ tứ đại ngoài bồi bổ, thiếu sự bồi bổ cũng như cái máy thiếu xăng, thiếu dầu không thể chạy được. Thân tạm bợ vay mượn mà mình chấp là thân mình, nhưng nếu thân này là thân mình có hai trường hợp: Như khi thân chúng ta trên da thịt bị ung nhọt, người ta cắt bỏ, vậy cái cắt bỏ ra còn là mình, của mình nữa không? Hoặc có một phần da thịt bị hư, cắt bỏ chúng ta có tiếc giữ nó lại để trong bình ngọc, bình ngà, vì cái đó là mình mà tiếc không, hay đem chôn cho rồi sợ nó hôi thúi chịu không nổi. Như vậy cái mình thật, thật là mình nó phải ra sao chứ! Chẳng lẽ cái mình sao mà dở quá vậy! Cũng như thân này khi hơi ấm đã mất, con người lạnh dần rồi từ từ rã nát. Khi nó rã nát lúc đó, nếu mình làm khách đứng nhìn thây chết của mình, mình có gớm không? Cái mình đó sao tệ quá phải không? Hôi hám không ai chịu nổi, vậy mà ai cũng quí. Có người nào xem thường nó không? Chỗ này trong kinh Phật nói do mê muội, do điên đảo mới dối nhận làm thân mình, rồi tâm duyên lự làm tâm mình. Tâm duyên lự là tâm nghĩ tưởng lăng xăng. Khi ngồi thấy trong đầu nó nhảy cái này, nhảy cái kia đủ thứ ý, đủ thứ nghĩ, nhưng những ý nghĩ đó gốc từ đâu mà ra, hình dáng ra sao? Khi tìm lại thì nó mất tiêu. Cái nghĩ là bóng dáng không thật do duyên theo sáu trần mà có niệm khởi, nên cái duyên lự, nghĩ tưởng không thật có. Như vậy nhận thân không thật, tâm không thật là mình, thì mình thật hay mình không thật? Lấy cái không thật làm mình thì tự nhiên mình giả dối, chớ không thật được. Vì vậy khi nhận thân này là mình, nhận tâm duyên lự là mình thì đã quên mất cái Tâm thể chân thật. Tâm thể chân thật là cái thể rộng lớn thênh thang mà quên, chỉ nhận một số tứ đại họp lại và một ít duyên lự lăng xăng làm tâm mình, nên quên mất cái to lớn thênh thang kia. Thế nên Phật dùng thí dụ: “Ví như bỏ đi trăm ngàn biển cả chỉ nhận lấy một hòn bọt nhỏ.” Không nói trăm ngàn biển cả mà chỉ một biển cả thôi, thấy mặt biển thênh thang mà mình không nhận, chỉ nhìn hòn bọt nổi trên mặt biển cho là mặt biển. Người nhìn hòn bọt nói là mặt biển, thì người đó khôn thượng thặng hay ngu tột độ? Nhìn nhận hòn bọt cho là mặt biển, ai nghe cũng tức cười thôi, vì sao ngu một cách đáo để vậy! Chúng ta hiện nay nhận cái thân này, nhận cái suy nghĩ này là mình, cũng giống như người ngu nhìn trên mặt biển chỉ nhìn hòn bọt cho là biển. Cũng vậy biển cả thênh thang cũng như tâm mình thênh thang mà không nhận, lại nhận cái lăng xăng, nhận cái tướng sanh diệt tạm bợ cho là mình, như vậy mình có đáng thương không? Tại sao mình đáng thương? Ở đây dùng từ là mê muội, điên đảo, còn nói theo từ gọn của thế gian là ngu mê. Sao mình lại ngu mê đáo để vậy! Mình có cái rộng lớn, cái chân thật không chịu nhận, lại nhận cái tạm bợ giả dối như vậy. Đây Phật nói trăm ngàn mặt biển mà tôi chỉ nói một mặt biển thôi. Như ở Việt Nam chúng ta nhìn ra mé biển là biển Thái Bình Dương, chỉ một biển Thái Bình Dương so với hòn bọt thì sao, nó có thấm vào đâu không? Vậy mà hài lòng nhận một hòn bọt cho là biển thì hết tưởng nổi cái ngu của mình. Cũng như vậy cái Tâm thể thênh thang mà người ta không nhận, lại nhận cái thân tứ đại với cái tâm lăng xăng này là mình, cũng tương tự như người ngu nhận hòn bọt làm mặt biển vậy. Như vậy xét kỹ chúng ta thông minh đến bậc nào rồi, nên Phật nói chúng sanh si mê là chỗ đó. Không phải Phật chê mình mà Phật chỉ trách mình có cái quí không chịu nhận, lại nhận cái tầm thường nhỏ không đáng kể, đó là chuyện đáng thương, nên Phật nói pháp mãi là thế ấy. Do đây trên mê thêm một lớp mê, trong vọng thêm một lớp vọng, theo cảnh mà lưu chuyển, để mắt sanh tình, muôn điều lấy bỏ, không lúc nào tạm rảnh. Những câu này là câu trách. “Do đây” là do cái mê lầm trên đó mà “trên mê thêm một lớp mê, trong vọng thêm một lớp vọng”. Trên mê thêm một lớp mê, trong vọng thêm một lớp vọng là sao? Nhận thân này và tâm lự lăng xăng là mình, đó là mê rồi, nhưng bây giờ thêm một lớp mê nữa là cái gì, thêm một lớp vọng nữa là cái gì? Tức là “theo cảnh mà lưu chuyển”. Đã nhận thân này là thân mình thật, cái nghĩ suy là tâm mình thật, đó là đại mê rồi, mà còn chạy theo cảnh cho là đẹp là xấu, có phải thêm một lớp mê nữa không? Như vậy trên mê thêm một lớp mê, trong vọng thêm một lớp vọng. Rồi cứ suốt ngày theo cảnh mà lưu chuyển tức là theo cảnh mà trôi đi luôn luôn. Để mắt sanh tình. Thấy cái gì cũng chú ý rồi khen cái này tốt, chê cái kia xấu. Như vậy suốt cả ngày bị cái đẹp, xấu, khen, chê phủ hết. Mình đã hư dối, tạm bợ nhận mình thật là ngu si rồi, còn cảnh cũng tạm bợ giả dối lại bị nó chi phối, lôi dẫn đi nữa. Như vậy có phải là si mê quá chừng không? Cho nên nói “theo cảnh mà lưu chuyển, để mắt sanh tình, muôn điều lấy bỏ”. Cái gì tốt muốn lấy, cái gì xấu muốn bỏ, cứ thế suốt đời lấy bỏ, lấy bỏ. Có được cái nhà, lâu lâu thấy nhà mình xưa cũ quá, muốn cất theo kiểu hiện đại mới thích, rồi theo cái mới bỏ cái cũ. Do đó từ nhà cửa, xe cộ cho đến ăn mặc cũng thế, cứ như vậy mà “không lúc nào tạm rảnh” là suốt đời chạy theo nó nên không rảnh được. Đây tôi nhắc lại một lần nữa. Bởi vì chúng ta đã mê lầm nhận thân tứ đại là mình, nhận tâm duyên lự làm tâm mình. Cả hai thân và tâm này đều hư dối, Phật ví dụ như nhận hòn bọt làm biển cả, là đã quá si mê. Đồng thời nhận cảnh bên ngoài cho là đẹp là xấu, rồi cứ chạy theo cảnh, suốt ngày suốt tháng, suốt năm. Mê thân, mê tâm, mê cảnh, ba bốn thứ mê đó rồi chạy mãi lưu chuyển không cùng, cho đến ngày tắt thở là xong một đời không biết quay trở lại, không biết thức tỉnh. Người như vậy thật đáng thương. Nếu chúng ta tỉnh thấy họ mê như vậy chắc thương lắm, tội nghiệp quá phải không? Cứ hụp lặn trên mấy lượn sóng, hết chụp bọt này, đến chụp bọt kia mà khổ sở. Mình đứng trên bờ thấy thật là đáng thương, vậy đó mà người ta vẫn hài lòng, vẫn thỏa mãn. Đến nỗi khiến cho dấy lên mê lầm tạo nghiệp, lẩn quẩn trong sáu đường, chẳng ra khỏi được. Bởi chạy theo cảnh, đắm đuối theo cảnh nên mê lầm tạo nghiệp, mà tạo nghiệp rồi lẩn quẩn trong sáu đường luân hồi không ra khỏi được. Như vậy hết địa ngục lên ngạ quỉ, hết ngạ quỉ lên súc sanh, rồi lên cõi người, cõi trời, cõi a-tu-la, cứ nhào lên lộn xuống, chạy mãi không dừng được, lẩn quẩn trong sáu đường sanh tử luân hồi không ra khỏi được. Rốt cùng cái mờ mịt ban đầu (minh sơ) đều do cái lỗi một thoáng vọng mê chân vậy. Cái gì là “cái mờ mịt ban đầu”? Chỉ là một thoáng chút vọng khởi lên rồi quên cái chân, đó là gốc. Thế nên chúng ta tu thiền, vừa dấy niệm lên mình biết là đã che cái chân rồi. Nghĩa là nó vừa dấy lên là cái chân thật bị khuất. Vì vậy mới bảo buông bỏ vọng tưởng là chỗ đó, vì nó dấy lên là đã che mờ cái chân. Như tôi thường dụ, cái gương sáng mà vừa có tấm giấy hay vật gì đưa ngang qua là nó bị khuất sáng, nếu vật đưa qua liên tục mãi thì gương sáng không bao giờ thấy sáng. Chúng ta cũng thế, từ một niệm dấy lên làm cho cái chân bị mờ đi, là gốc tạo ra đủ thứ nghiệp luân hồi trong sáu đường. Ở đây tôi khuyên dạy tu là bỏ những niệm vọng tưởng dấy động che lấp cái chân, đó là dẹp cái ban đầu. Nếu tôi chỉ khuyên bỏ những lời nói ác, hành động ác để nói những lời lành, làm những việc lành, chưa phải là chỉ cái gốc. Việc đó là để chỉ chúng ta không tạo những nghiệp ác để đọa ba đường ác, tạo nghiệp lành để sanh nơi ba đường lành. Nhưng sanh nơi ba đường lành cũng ở trong dòng luân hồi, nên khi hết nghiệp lành lại rơi xuống dữ. Vì vậy, chưa phải là cứu kính, muốn đến chỗ cứu kính phải tìm tận cái ban đầu. Nhưng cái ban đầu là gì? Tức là một niệm vừa dấy lên làm che khuất Chân tánh. Đó là việc chúng ta cần phải chú tâm gạt bỏ nó qua.
Mục Lục
|
Luận Giải Thi Tụng Mười Bức Tranh Chăn Trâu Giảng Giải (1999)
|
Phần I - Nói Thẳng Về Mới Điều Phục (Giảng 2)
Phần II - Luận Giải Các Bài Tụng Tranh Chăn Trâu Của Thiền Sư Phổ Minh (Bài Tụng I - Chưa Chăn)
Phần II - Luận Giải Các Bài Tụng Tranh Chăn Trâu Của Thiền Sư Phổ Minh (Bài Tụng II - Mới Điều Phục)
Phần II - Luận Giải Các Bài Tụng Tranh Chăn Trâu Của Thiền Sư Phổ Minh (Bài Tụng III - Chịu Phục)
Phần II - Luận Giải Các Bài Tụng Tranh Chăn Trâu Của Thiền Sư Phổ Minh (Bài Tụng IV - Quày Đầu)
Phần II - Luận Giải Các Bài Tụng Tranh Chăn Trâu Của Thiền Sư Phổ Minh (Bài Tụng V - Thuần Phục)
Phần II - Luận Giải Các Bài Tụng Tranh Chăn Trâu Của Thiền Sư Phổ Minh (Bài Tụng VI - Không Ngại)
Phần II - Luận Giải Các Bài Tụng Tranh Chăn Trâu Của Thiền Sư Phổ Minh (Bài Tụng VIII - Cùng Quên)
Phần II - Luận Giải Các Bài Tụng Tranh Chăn Trâu Của Thiền Sư Phổ Minh (Bài Tụng IX - Soi Một Mình)
Phần II - Luận Giải Các Bài Tụng Tranh Chăn Trâu Của Thiền Sư Phổ Minh (Bài Tụng X - Dứt Bặt Cả Hai)
Phần II - Tổng Luận Về Tướng Viên Giác Tịch Quang Và Thể Chân Không Diệu Hữu