Luận Giải Thi Tụng Mười Bức Tranh Chăn Trâu Giảng Giải (1999)
Phần I - Luận Thẳng Về Mới Điều Phục (Giảng 1)
Xét bởi, tình trần từ bao thuở, biển ái trong nhiều đời. Giống hệt hoa rêu bám vào kiếm, tựa bùn nhơ nuốt hòn ngọc; không có đá mài thì chẳng nhả ra, trừ bỏ bợn nhơ thì mới sáng soi. Người mới điều phục phải thế nào? Phải nhớ rằng: “tình trần từ bao thuở, biển ái trong nhiều đời”, chúng ta dính mắc với trần cảnh không biết từ bao giờ, lặn chìm trong biển ái không biết bao nhiêu kiếp. Như vậy tình trần biển ái làm đắm chìm chúng ta từ bao thuở bao đời. Giống hệt hoa rêu bám vào kiếm, tựa bùn nhơ nuốt hòn ngọc; không có đá mài thì chẳng nhả ra, trừ bỏ bợn nhơ thì mới sáng soi. Đây dùng thí dụ: Như cây kiếm bén để dưới sông dưới biển lâu ngày bị rêu bám vào, thì kiếm còn bén không? Như hòn ngọc sáng bị lấp dưới vũng bùn, thì ngọc còn sáng không? Cho nên tuy có kiếm bén, tuy có ngọc quí nhưng kiếm bén bị rêu bám, ngọc quí bị bùn phủ, thì đều không có giá trị. Cần phải có đá mài thì kiếm mới nhả hết rong rêu, cần phải gạt bỏ bùn đất thì hòn ngọc mới sáng. Cũng thế, người tu tuy nhận ra nơi mình có tánh thật, có tâm chân, nhưng nếu không khéo tu, không khéo mài giũa thì tánh thật tâm chân giống như kiếm bén bị hoa rêu bao phủ, như ngọc quí bị bùn nhơ nuốt lấp. Muốn được tâm thanh tịnh, không gì hơn là sạch hết cấu uế. Ở đây nói rất là cụ thể, nghĩa là cái thanh tịnh với cái cấu uế không có dung nhau. Nếu trong tâm đầy cấu uế thì không thanh tịnh. Muốn thanh tịnh thì phải sạch hết cấu uế. Cấu uế tức là tâm điên đảo vọng tưởng của mình. Người ngộ cần luôn giác quán, kẻ mê siêng gia công chiết phục. Người đã ngộ được Bản tánh rồi, cũng cần phải luôn luôn giác quán, kẻ còn mê chưa ngộ thì phải siêng năng gia công chiết phục những vọng tưởng của mình. Còn như đối với gông cùm tham ái, cũng phải hết lòng miên mật suốt cả năm tháng. Bệnh tham ái của con người giống như gông cùm, nó xiềng xích không cho mình tự do. Muốn dẹp nó thì phải miên mật tu hành suốt cả năm tháng, nên Ngài dẫn lời của Khổng Tử: “Khốn cùng mà chẳng chịu học, đây là hạng thấp kém vậy.” Tất cả bậc Hiền Thánh đều xứng với tâm mà làm. Những bậc Hiền Thánh, tâm như thế nào thì các ngài ứng dụng thực hành đúng như thế ấy, gọi là xứng với tâm mà làm. Pháp tánh không bờ mé, biển hạnh khó đo lường. Pháp tánh của mọi loài chúng sanh thênh thang không bờ mé. Cho nên người tu phải dùng công hạnh nhiều như biển không thể lường được mới có thể phù hợp. Vì vậy, hoặc trong một sát-na hành đủ vô số kiếp, hoặc hằng hà sa kiếp chưa hết một niệm. Đều bởi người có hiền ngu, căn cơ có lợi độn, mà ngộ có chậm mau vậy. Có những vị đã làm Bồ-tát hạnh nhiều đời, cho nên khi ra đời chỉ trong chốc lát có thể hành đủ vô số kiếp. Có người hành vô số kiếp cũng chỉ bằng trong một niệm của người. Tại sao? Bởi vì người có hiền có ngu, căn cơ có lợi và độn, nên khi ngộ khi hành có chậm và mau. Hoặc đã ngộ nhập thôi dứt quá sớm, trí chẳng vào tới đạo vi diệu, thì khó thắng nổi tập khí. Đây Ngài nói riêng những người đã ngộ đạo rồi, nhưng chưa sạch hết tập khí, mà ngang đó tự thấy mình đủ, nên thôi dứt quá sớm, tức là bỏ không hành công phu nữa. Thế nên trí chưa tới chỗ vi diệu, thì khó thắng nổi tập khí, bị tập khí lôi đi không làm chủ được. Nếu một niệm chẳng hết sạch, tức là cội gốc sanh tử, sẽ bị gió nghiệp lôi đi, trở lại vào trong bào thai thân sau. Người nào ngộ rồi mà thôi dứt quá sớm, trí không vào tới chỗ đạo vi diệu thì không chống đỡ nổi tập khí. Nếu trong tâm còn một niệm chưa hết sạch, đó tức là cội gốc sanh tử. Còn cội gốc sanh tử thì sẽ bị gió nghiệp lôi đi, trở lại vào trong bào thai thân sau. Đến đoạn này, Ngài dẫn: Như Tô Đông Pha là thân sau của Ngũ Tổ Giới, Thảo Đường Thanh trở lại làm Lỗ Công. Sau khi đã tạo nên cái nhân thì theo duyên mà lưu chuyển. Nên nói: Đạo có tiêu mà không có lớn, nghiệp có thêm mà không có bớt. Ngài giải thích: Nếu ngộ đạo mà chưa tới chỗ cứu kính sạch hết muôn niệm thì cũng vẫn còn phải tái sanh. Như Tô Đông Pha là thân sau của Ngũ Tổ Giới. Trong nhà thiền hay nói ông Tô Đông Pha đời Tống là thân sau của Ngũ Tổ Giới, tức là Thiền sư Giới ở núi Ngũ Tổ(1). Ngũ Tổ Giới ngộ đạo rồi mà chưa sạch niệm, cho nên phải tái sanh làm Tô Đông Pha. Ông Tô Đông Pha làm quan Nội hàn, tên là Tô Thức, tự là Tử Chiêm nổi tiếng văn hay đời Tống, sau ông cũng ngộ đạo và tu. Thảo Đường Thanh trở lại làm Lỗ Công. Thảo Đường Thanh tức là Thiền sư Thiện Thanh ở Thảo Đường trở lại làm Lỗ Công. Thảo Đường Thanh sanh năm 1057, tịch năm 1142, hiệu là Thảo Đường tên là Thiện Thanh, nối pháp ngài Hối Đường Tổ Tâm dòng Lâm Tế. Ngài có để lại quyển Thảo Đường Thiện Thanh Hòa Thượng Ngữ Yếu. Lỗ Công tên là Hoàng Đình Kiên, tự là Lỗ Trực, làm chức Thái sử ở Sơn Cốc, ông viết văn rất hay. Sau ông gặp Thiền sư Hối Đường, Hối Đường hỏi: - Ông có nghe mùi thơm hoa quế chăng? - Thưa nghe. - Ta không giấu giếm ông gì cả. Ngay đó ông chợt tỉnh ngộ. Những sự tích này cho chúng ta biết rằng những vị tuy là Thiền sư ngộ đạo, nhưng vì chưa sạch hết niệm cho nên còn phải tái sanh, người làm Tô Đông Pha, người làm Lỗ Trực. Các vị này đều là những người văn hay chữ tốt, ra làm quan, nhưng cuối cùng khi ngộ trở lại, cũng đều tu hành. Sau khi đã tạo nên cái nhân thì theo duyên mà lưu chuyển. Nghĩa là khi còn một chút nhân thì phải theo duyên để lưu chuyển. Nên nói: Đạo có tiêu mà không có lớn, nghiệp có thêm mà không có bớt. Như vậy đạo không tăng trưởng mà nghiệp lại còn nguyên vẹn. Hoặc kẻ có duyên sâu với Bát-nhã chẳng rơi vào ba đường dữ mà ra thai vào thai cũng rất khổ nhọc. Đây nói những người tu hành có duyên với Bát-nhã, tức là đã có Trí tuệ Bát-nhã, tuy chẳng rơi vào ba đường dữ, nhưng còn ra vào trong sanh tử thì còn phải khổ nhọc. Huống chi người thời mạt pháp hiện nay, căn khí phần nhiều thấp kém, nhân vì khó khổ mà đi xuất gia, phát tâm đã không chân chánh, công phu lại chẳng tinh thuần. Ngài chê những người thời mạt pháp hiện nay, căn khí phần nhiều thấp kém, vì khó khổ mà đi xuất gia, tỉ dụ như vì thiếu cơm ăn áo mặc rồi chán vào chùa tu. Như vậy sự phát tâm đã không chân chánh, mà công phu lại chẳng tinh thuần, thì làm sao tu cho có kết quả! Một phen tình cờ ở nơi cơ phong của Phật Tổ hiểu biết được ngôn ngữ, hoặc ngộ được chỗ xưa nay thành Phật, chỗ ngay đó tức phải, chỗ ý thức nghĩ chẳng đến, ngôn ngữ nói chẳng kịp, chỗ tất cả chẳng thể được, tức cái chẳng thể được cũng chẳng thể được, đem hòa hội với câu nói của người xưa thảy đều tương tợ. Đã được cái hiểu tương tợ, liền tỏ vẻ lạ lùng nói: Rong ruổi tìm kiếm đã thôi dứt, ta là đạo nhân vô sự. Thời mạt pháp hiện nay có người ngộ được những câu Phật Tổ nói, họ thấy như vậy biết như vậy, và đem so sánh với lời người xưa thấy cũng đúng, liền nói: Phần rong ruổi tìm đạo tới đây dứt nghỉ rồi, không còn tìm kiếm nữa. Ta là đạo nhân vô sự, thảnh thơi đi chơi. Bệnh đạo nhân vô sự này cũng thường gặp lắm! Biết được phiền não là huyễn, thì cứ buông tình để cho phiền não tự do. Biết được phiền não là huyễn, thôi cứ mặc kệ, phiền não có gì quan trọng đâu! Nếu ai hỏi: sao Thầy tu mà còn phiền não, thì đáp: phiền não là huyễn mà! Đó là thêm một bệnh. Biết được tu hành vốn không, liền thả ý để làm hư hỏng việc tu hành. Thấy đạo rồi nên biết được việc tu hành vốn không. Đứng về mặt Thể tánh thì không thêm không bớt, làm gì có tu hành, cho nên nói tu hành vốn không. Rồi mặc tình thả cho ý mình chạy làm hư hỏng cả việc tu hành. Bảo rằng bố thí vốn không, trái lại bỏ bố thí mà giữ lấy keo kiết. Nói bố thí vốn là không, cái gì cũng không, rồi không bố thí mà giữ keo kiết. Bảo rằng nhẫn nhục vốn không, trái lại thuận theo tình mà bỏ nhẫn. Nói nhẫn nhục vốn là không, nhưng ai động đến thì nổi sân la lối. Hoặc nói đến giới thì nói: Vốn không trì phạm, cần gì trọng trì mà khinh phạm. Về giới luật thì nói rằng giới không có trì phạm, đã không trì phạm thì cần gì trọng trì giới, khinh phạm giới. Hoặc nói đến thiền thì nói: Vốn không định loạn, cần gì bỏ loạn mà giữ lấy định. Thuận theo tình ý, bàn luận có không. Hãy nói, lửa yêu ghét, khen chê vừa chạm đến liền bốc cao, gió sanh già bệnh chết thổi nhẹ qua đã động, tranh nhân tranh ngã, nói phải nói quấy. Đến nỗi lấy tánh nóng làm khí phách, lấy ngã mạn làm thừa đương, lấy xảo quyệt làm cơ dụng, lấy vọng ngữ làm phương tiện, lấy buông lung làm du hí, lấy lời thô làm gỡ dính, ca ngợi kẻ phá giới luật không có công hạnh gì, khinh lờn bậc mẫu mực có thực hành. Đoạn này Ngài quở trách những người tu chưa tới mà cứ nói lý, bỏ hết tất cả công hạnh, miệng nói thì hay, nhưng gặp việc thì dở. Như vậy là tự mình đào huyệt chôn mình chớ không đi tới đâu, như nói: “vốn không định loạn, cần gì bỏ loạn mà giữ lấy định”. Thuận theo tình ý bàn luận có không. Hãy nói, lửa yêu ghét, khen chê vừa chạm đến liền bốc cao, gió sanh già bệnh chết thổi nhẹ qua đã động. Nghĩa là tuy nói như vậy mà ai chê thì nổi giận, khi già bệnh chết tới thì hoảng hốt sợ hãi. Cái gì cũng nói không mà “tranh nhân tranh ngã”, nghĩa là tranh cãi để giành phần hơn về mình. “Nói phải nói quấy” là lối nói dối gạt chớ không có lẽ thật. Đến nỗi lấy tánh nóng làm khí phách. Nghe ai nói trái tai liền nổi nóng la lên, nói: “Tôi thẳng tánh lắm, thấy là nói, giận thì la chớ không có đè không có giấu. Ai nghe trái tai mà ráng nhịn ráng dằn là yếu, không thẳng tánh.” Mới nghe dường như hay nhưng rốt cuộc lại là dở. Lấy ngã mạn làm thừa đương. Sống trong cuộc đời thì tự cao tự đại, không chịu nhường nhịn một ai. Lấy xảo quyệt làm cơ dụng, lấy vọng ngữ làm phương tiện. Hiện nay những việc này có rất nhiều. Lấy buông lung làm du hí. Là ăn chơi tự do. Lấy lời thô làm gỡ dính. Dùng những lời thô tháo để đáp lại câu hỏi của người cho đó là gỡ chấp phá chấp cho họ. Ca ngợi kẻ phá giới luật không có công hạnh gì, khinh lờn bậc mẫu mực có thực hành. Khen kẻ phá giới luật, thong thả chơi bời, chê người mẫu mực tu hành. Chỉ nghiêng về một bên lý, nên đối với chỗ cùng huyền cực diệu (chỗ tột của đạo), không có dấu vết gì. Dứt bỏ sạch bên cửa thực hành, nên buông thả tâm ý, không còn qui củ. Miệng nói niệm Phật, tụng kinh, lễ lạy là Tiểu thừa chấp tướng; dạy người tu tập, còn chính mình thì ngồi chơi. Dạy người phải tu tập, ngồi thiền, còn mình cho là xong rồi, thảnh thơi tự do. Đây là bệnh, cần phải nhớ thật kỹ. Hoặc suốt năm chẳng lạy một vị Phật, chẳng một lần lễ sám hối, chẳng tụng một bộ kinh. Có những người tu khi được chút ít đạo lý, rồi cố chấp không chịu tu hành, lại tìm lý này lẽ kia để không tụng kinh lạy Phật, không ngồi thiền, mà cứ rong chơi tự do. Trái lại, những sách vở thế gian không cần thiết thì ghi chép, hạnh người tu không nên làm việc thế tục mà làm, xưng là bác học. Bệnh này hiện giờ có rất nhiều trong nhà chùa. Những kinh điển thiết yếu cần học hiểu để tu thì không học, trái lại sách vở thế gian như tiểu thuyết hay những chuyện đâu đâu thì thích đọc. Những việc làm trong đạo thì không làm, còn những hạnh thế tục không nên làm thì làm, còn xưng là bác học, là người thông minh học rộng. Khinh rẻ quả Phật chẳng chịu tu, cũng không cần làm một chút điều lành. Những người này coi thường quả Phật, nói rằng Phật hiện tại đây, đâu phải tìm cầu cố gắng, cho nên không nỗ lực tu, cũng không chịu làm những điều lành. Khiến cho trẻ nhỏ hậu sanh ra vẻ thông minh, chỉ tìm kiến giải, vừa có chỗ hiểu biết liền cho là một nhảy thẳng vào, còn gì phải nói. Những kẻ hậu học chưa có hiểu gì, lâu lâu đọc một đoạn kinh, hoặc nghe một đoạn sử, nhận cho là đạo lý thấu đáo, đem trình kiến giải, nói là đủ rồi, vậy thì nhảy thẳng vào không còn việc gì phải nói. Rồi ngông cuồng, ngạo mạn, cống cao trừng trợn, miệng nói bừa bãi, thân không chọn bạn. Tự cho mình đã hiểu được chút phần đạo lý, rồi ngông cuồng nói bậy làm càn, không kể gì là hạnh của người tu, là đức của người học đạo. Lại ngạo mạn coi thường tất cả hàng Tôn túc. Cống cao trừng trợn, miệng nói bừa bãi. Ai động tới thì trợn mắt làm dữ, không nói những lời đức hạnh, lại nói những lời thế tục làm cho ai nấy không muốn bàn chuyện với họ. Những người ấy lại không biết chọn bạn tốt để gần gũi cho nên hư thân một đời. Chẳng nghĩ đến tình dục thế gian vẫn đầy tràn không ngằn mé, thế nào lại dùng lời hoạt bát mà phá vỡ cửa nhân quả! Bởi vì ở thế gian, tâm tham đắm dục lạc không ngằn mé, cho nên giành giựt nhau, chém giết nhau không sợ tội lỗi. Thế mà lại bác nhân quả! Nếu con người còn hiểu biết nhân quả thì còn biết chỗ tu để tránh nhân dữ, làm nhân lành, do đó mà tránh tội ác, được phước lành. Nay nếu bác nhân quả thì còn gì để tu, còn gì để làm! Tự lầm làm lầm mọi người, đâu tránh khỏi bị chìm đắm. Nếu chẳng bị ma thâu nhiếp, nhất định phải đọa mãi nơi tam đồ, chịu cảnh núi đao rừng kiếm để đền lại cái nhân trước kia và mang lông đội sừng để đáp trả cái quả sau đó. Những người bài bác nhân quả tự mình đã lầm, rồi làm lầm người khác, đâu tránh khỏi bị chìm đắm. Lời ngài Quảng Trí răn nhắc rất là chí tình chí thiết. Tất cả chúng ta tu nếu không biết dè dặt, không biết bòn mót công đức thì sự tu hành dễ bị thối chuyển, dễ bị đổ ngã. Do đó khi phát tâm tu phải cẩn thận, lời lành thì nói, lời dữ thì chừa, điều lành dù nhỏ cũng cố gắng làm, điều dữ dù nhỏ cũng phải cố tránh, như vậy mới gọi là người biết tu. Trái lại nói những điều để phá lòng tin nhân quả của người làm cho người phải chịu tội lỗi đọa trong tam đồ, thì mình đã lầm, còn làm cho nhiều người khác phải lầm. Bởi vậy nên có câu chuyện Tổ Bá Trượng kể lại: Một hôm Tổ Bá Trượng thượng đường dạy chúng. Mãn buổi giảng, chúng ra hết, chỉ còn một ông già ở lại. Tổ hỏi: Ông là người gì, sao không ra về? Ông già thưa: Con không phải là người, con là hồ tinh biến thành người. Thuở xưa con làm Tăng tu ở núi này. Nhân có người hỏi: Người đại tu hành có rơi vào nhân quả không? Con đáp: Không rơi vào nhân quả. Do đó phải đọa làm thân chồn năm trăm kiếp. Người đại tu hành tức là người tu hành cao, có rơi vào nhân quả không? Chỉ một câu đáp: “người tu hành cao không còn rơi vào nhân quả”, mà phải đọa làm thân chồn năm trăm kiếp. Huống nữa là hiện đời này mình lại bài bác lý nhân quả thì đọa chừng bao nhiêu kiếp? Chắc cũng gấp đôi gấp ba lần! Cho nên chúng ta phải cẩn thận dè dặt chớ xem thường luật nhân quả. Đây là lời răn nhắc những người tu, nếu có được chút ít phước đức, hiểu được một vài lý lẽ cao siêu của Phật, nhưng tập khí còn sâu dày, thì phải lặng lẽ cố gắng tu, đừng bài bác nhân quả, rồi nói những lời cao xa mà khi ai động đến thì sân hận đủ điều. Không tụng kinh, không lễ Phật, rồi nói Phật ở trên bàn là Phật gỗ, Phật xi măng, lại đem Phật thật của mình lạy Phật gỗ, Phật xi măng, như vậy có phải tội không? Thử hỏi khi chúng ta lạy Phật là đem Phật thật lạy hay đem Phật giả lạy? Thật ra thân này là giả, đem thân giả lạy Phật giả thì có tội gì mà không lạy. Đó là do lười biếng rồi tìm cách nói cho hay để tín đồ nể mình là cao siêu, chớ sự thật đó là tội lỗi. Nhắc lại câu chuyện khi xưa, ngài Hoàng Bá một hôm vào chùa lạy Phật. Vị thơ ký hỏi Ngài: Còn lạy Phật nữa sao? Ngài bảo: Phật mà không lạy thì lạy ai? Vị thơ ký nói: Như vậy cũng còn chấp tướng. Ngài liền tát một cái. Chúng ta cứ nghĩ tu hiểu đạo rồi không cần lạy Phật, không cần ăn chay, không cần làm lành..., đó là sai lầm lớn. Dù chúng ta ngộ đạo tới đâu, nhưng lạy Phật vẫn lạy, ăn chay phải ăn, làm lành cố gắng làm, những điều phải điều tốt không bỏ một chút nhỏ nào, đó mới là người đạo đức thật. Còn người mới hiểu chút ít rồi nói càn nói bướng không chịu tu hành, đó là người lợi dụng lời của Phật của Tổ, nói lý đạo cao siêu để che lấp lỗi lầm của mình, đó là tội lớn. Chớ nói “Ta là người đã giác xong, giải ngộ rồi, nghiệp không thể trói buộc”. Đừng nói rằng ta đã giác ngộ rồi, nghiệp không thể nào trói buộc được. Nói nghiệp không thể trói buộc, chẳng phải nói có mà thành không, chính do không mà tự không. Trong kinh có nói: Nghiệp không thể trói buộc những người đạt đạo. Tại sao? Ở đây mới giải thích: “Chẳng phải nói có mà thành không, chính do không mà tự không.” Nghĩa là không phải nghiệp trước có thật rồi sau do mình tu mà nghiệp biến thành không. Bởi vì nghiệp trước không có thật, cho nên nói chính do không mà tự không. Nghiệp từ đâu mà có? Từ ý niệm, mà ý niệm là thật có hay thật không? Thể của vọng tưởng, của niệm khởi, bản chất nó là không. Như chúng ta đang ngồi, bỗng nhớ chuyện hôm qua, nhìn lại xem cái nhớ đó ở đâu? Vừa nhìn lại thì nó tan mất. Như vậy cái nhớ đó, thể nó là có hay không? Nếu là có thì cái nhớ lại hiện cụ thể, đầy đủ. Nhưng nhìn nó thì nó mất tiêu, nó tan hoang. Thế thì thể của nó là không cho nên mới nói: Không phải trước có sau mới thành không, chính do thể nó là không cho nên nó tự không. Biết rõ thể của vọng tưởng là không mà vọng tưởng là nhân tạo nghiệp, nhân không thì quả cũng không. Nhưng nếu cái nhân không mà chúng ta theo nó, nuôi dưỡng nó thì thế nào? Ngài Khuê Phong nói: “Thể không mà thành sự.” Vọng niệm là thể không, nhưng theo nó thì thành sự. Ví dụ như đang nói chuyện, vừa nghe ai kích bác mình một câu thì nổi giận ngay. Trước khi nghe kích bác niệm nổi giận có hay không? Nó không có. Nhưng sau khi nghe kích bác nó liền nổi dậy. Ngay khi ấy, chúng ta biết chiếu soi lại, nhìn nó một lúc thì nó tan, nó thành không. Nếu niệm giận vừa dấy khởi, chúng ta nghĩ phải trừng phạt người kích bác mình, tức thì miệng nói quấy, tay làm quấy. Người ta không tha mình, người ta trừng phạt lại, thế là hai bên đều bị thương tích. Đó là “thể không mà thành sự”, tức là thành có mất rồi. Đây là chỗ chí yếu để chúng ta tu. Tóm lại niệm khởi thể nó là không, song nếu chúng ta nuôi dưỡng theo nó thì nó thành sự, thành nghiệp. Nếu ngay khi niệm vừa khởi, chúng ta biết quán chiếu ngăn chận thì nó mất, tức là thể không trở về không, thì không thành nghiệp. Như vậy để biết khi nổi giận chúng ta quán chiếu xem cái giận từ đâu có, tìm một lúc nó mất, thôi thì hòa, không làm gì ai, không hại ai, thì không ai hại mình, mọi việc đều êm xuôi, đó là tu. Tu lúc nào, tu làm sao? Ngày đêm ngồi thiền được sáu tiếng, sáu tiếng ngồi thiền là sáu tiếng tu, còn ngoài sáu tiếng ngồi thiền ra, ai động tới thì nổi giận gây sự, có phải là tu chưa? Đâu phải chỉ sáu tiếng ngồi thiền mới là tu, mà chính khi làm việc gì, đứng ở đâu, tiếp xúc với ai, lúc nào cũng là lúc tu. Vì biết tu cho nên những phản ứng hoặc giận hoặc thương hoặc ghét vừa dấy lên thì chúng ta chận đứng liền, như thế mới dừng được nghiệp, đó mới thật là tu. Còn nếu ngoài giờ ngồi thiền ra gặp việc gì thì theo việc ấy, nghĩa là gặp việc giận thì giận, gặp việc thương thì thương, gặp việc ghét thì ghét, như vậy chưa phải là thật tu. Sáu giờ ngồi thiền là sáu giờ dụng công miên mật, ngoài ra tất cả các giờ khác cũng phải tu, tuy có hơi yếu nhưng luôn luôn là phải tu. Nếu là tu sĩ, như khi đi đường nghe ai nói nặng mình một câu, vừa muốn phản ứng cự lại, liền chận ngay làm cho nó tiêu mất, đó là đang đi mà vẫn tu. Còn Phật tử thì thế nào? Ngày nào ăn chay thì ngày đó tu, giờ nào tụng kinh niệm Phật thì giờ đó tu. Còn ngoài các giờ đó ra thì ai sao mình vậy, phải không? Nếu tu cách đó thì chắc Phật cũng lắc đầu. Trước bàn Phật thì rất trang nghiêm, lạy Phật tụng kinh rất thành kính, nhưng ra ngoài gặp ai nói trái tai thì nổi nóng la to. Như vậy trước bàn Phật là đệ tử Phật, mà ra ngoài nổi sân la ầm, lúc đó là đệ tử của ma mất rồi. Thế nên chúng ta tu chẳng những trong giờ tụng kinh niệm Phật, mà tu trong tất cả công tác hoạt động, một phản ứng nào vừa xảy ra ở nội tâm, chúng ta liền chận đứng lại. Nhờ đó mà có thể tránh được những tai họa bất trắc và chúng ta được an ổn. Với người tu, giờ nào cũng là giờ tu, người xuất gia tu rất chín chắn miên mật. Người tại gia tuy không tế nhị bằng, nhưng cũng phải tu, không nên nói rằng giờ nào rảnh niệm Phật tụng kinh là giờ tu, còn giờ làm ăn thì không tu được. Nếu làm ăn mà không tu thì tạo tội rất nhiều, tụng một thời kinh không biết có trôi hết tội không? Nếu có trôi chắc độ phân nửa, còn lại phân nửa mình phải lãnh chịu. Thế nên người Phật tử trong giờ rảnh rỗi tụng kinh niệm Phật, phải chí thành dồn tâm lực mà tu, để khi ra làm các công việc cũng nhớ tu, tránh lời nói dữ, tránh hành động dữ để không tạo nghiệp ác. Sống đã theo cảnh liền động, khi chết làm sao chẳng theo nghiệp thọ sanh? Sống chạy theo cảnh nên tâm dấy động, thì khi chết nhất định phải theo nghiệp thọ sanh. Nếu tâm dấy động lành thì thọ sanh chỗ lành, dấy động dữ thì thọ sanh chỗ dữ, chớ không tránh khỏi được. Nên nói: Trước mắt một niệm hiện tướng sân, chính là hình ảnh con rắn dữ. Trước mắt một niệm hiện tướng tham, chính là giống nòi ngạ quỉ. Cái nhân niệm không hình tướng thì rất nhỏ, mà quả báo có hình tướng lại rất lớn. “Trước mắt một niệm hiện tướng sân, chính là hình ảnh con rắn dữ.” Trước mắt chúng ta dấy lên một niệm sân, đó là chúng ta hiện tướng sân, tức là hiện hình ảnh con rắn độc. Khi nổi sân lên thì cái gì cũng dám làm, dùng tay đánh, dùng miệng chửi, giống như rắn độc hại người, nên nói là hình ảnh con rắn dữ. Trước mắt một niệm hiện tướng tham, chính là giống nòi ngạ quỉ. Một niệm tham dấy lên hiện ra tướng tham, chính là giống nòi ngạ quỉ hay quỉ đói, gặp thức ăn thì giành giựt nhau cũng giống như những đứa trẻ ham ăn, khi cúng cô hồn xong liền nhào vào giành giựt, đó là hiện tướng quỉ đói. Cái nhân niệm không hình tướng thì rất nhỏ, mà quả báo có hình tướng lại rất lớn. Như cái nhân khởi tham hay khởi nóng giận thì rất nhỏ, nó không hình tướng, nhưng nếu chúng ta theo nó thì tạo thành quả có hình tướng rất là lớn. Như nói tâm sân thì xuống địa ngục, tâm tham thì làm ngạ quỉ, đó là thấy xa. Giờ đây nói thí dụ gần hơn. Như có người đi chiếc xe đạp mới ra chợ, dựng xe đi mua thức cần dùng. Một chú nhỏ nhìn thấy chiếc xe đạp mới liền khởi niệm thích muốn lấy. Niệm thích đó không có lớn, nếu ngay đó mà biết chận lại thì mọi việc êm xuôi, không có chuyện gì xảy ra. Nhưng vừa khởi niệm thích rồi nghĩ đi được xe đạp mới này thì sung sướng lắm, liền giựt chiếc xe đạp chạy, người ta tri hô lên, chú nhỏ bị bắt. Như vậy cái nhân khởi thích chiếc xe đạp rất nhỏ, nhưng khi bị bắt dẫn vô khám thì thành quả lớn, có thể bị ở tù. Cái nhân nhỏ chút xíu, nếu không chận được thì thành quả rất to. Cũng như vậy, niệm sân khi mới dấy khởi, chỉ có chút xíu, nếu khéo điều hòa và tiêu hóa nó đi thì rất dễ, mọi việc đều êm xuôi. Nhưng nếu để nổi sân lên rồi miệng nói quấy, tay làm quấy, thì người lỗ đầu người dập mũi, còn va chạm mạnh hơn nữa có khi người chết, người bị tù suốt đời. Như vậy để chúng ta thấy rằng, nếu đuổi theo cái nhân tham, cái nhân nóng giận thì tạo thành nghiệp, nhân thì nhỏ mà quả rất là to. Sự nhỏ nhiệm của một niệm được giữ gìn trong ruộng thức, dù trải qua ngàn muôn kiếp vẫn không mất. Một niệm khởi xấu hay tốt, được nuôi trong ruộng thức của mình, tuy là nhỏ nhưng rất khó tiêu hóa. Tại sao? Thí dụ như chúng ta có niệm ghét ai hay hờn ai, niệm đó không phải là lớn, nhưng nó được chôn trong ruộng thức của mình, cho nên năm mười ngày, hoặc đôi ba tháng sau, khi gặp lại người đó thì gương mặt mình không vui. Tại sao? Bởi vì cái nhân ghét hờn còn chôn ở trong ruộng thức, nên khi gặp lại người đó thì nó liền hiện ra nơi nét mặt, nơi cử chỉ. Nếu chúng ta không biết tìm cách tiêu hóa nó thì có khi chôn nó suốt cả đời trong ruộng thức. Nên Cổ đức nói: “Bậc hiền triết ngày trước chí to tát, tâm tinh thuần, xét lý miên mật không quên một thời khắc nào, ngầm thực hành thần linh cũng khó lường; sớm tối như đi vào vực sâu, đạp trên băng mỏng, hẹn kỳ chứng ngộ, thì tự nhiên đủ cứu được mình; trọng thật chẳng trọng rỗng, quí làm mà chẳng quí nói, đi qua có mà chẳng trụ có, thực hành không mà chẳng kẹt không; từ điều thiện nhỏ mà chứa thành công đức thù thắng, nương cái nhân tí xíu mà được thành cái quả to lớn.” Người xưa nói: “Bậc hiền triết ngày trước chí to tát, tâm tinh thuần”, nghĩa là người tu hay là bậc hiền triết đều nuôi dưỡng ý chí to tát, “tâm tinh thuần” tức là tâm luôn luôn gạn lọc, lóng lặng cho tinh thuần. Chí thì to, tâm thì thuần, hai điều này rất quan trọng. “Xét lý miên mật không quên một thời khắc nào” là luôn luôn khi thấy nghe hoặc lúc dấy niệm đều xét tường tận không để nó lôi dẫn mình đi. Ngầm thực hành thần linh cũng khó lường. Người thầm lặng tu, thần linh cũng không biết. Người xưa tu mà không ai hay biết. Còn chúng ta hiện giờ tu mà hay khoe như nói hôm đó tôi ráng nhịn được, nếu không thì tôi tát tai người ấy rồi. Chúng ta tu mà làm được chút ít điều tốt thì khoe, còn làm điều xấu thì che giấu mất. Vì hay khoe điều tốt, tưởng như mình làm nhiều điều thiện nên không làm thêm nữa, còn giấu kín điều xấu không cho ai biết, nên cứ làm điều xấu hoài. Rốt cuộc suốt đời cộng lại thì điều xấu nhiều hơn điều tốt, kết quả là đi đường khổ, chớ khó đi đường vui. Các ngài khi xưa tu mà quỉ thần còn không biết huống nữa là người thường. Các ngài tu “sớm tối như đi vào vực sâu, đạp trên băng mỏng, hẹn kỳ chứng ngộ, thì tự nhiên đủ cứu được mình”. “Sớm tối như đi vào vực sâu”, đi vào vực sâu bờ thẳm, lúc nào cũng phải cẩn thận nên không bị té. Các ngài tu cũng như vậy, sớm tối gì cũng rất dè dặt, rất cẩn thận, làm một việc gì, nói một lời nào cũng dè dặt, không tạo buồn khổ cho người. Đạp trên băng mỏng. Ở các xứ lạnh, vào mùa đông, trên mặt hồ nước đóng thành băng. Chỗ nào băng mỏng thì người đi phải nhón chân cho nhẹ không dám đạp mạnh sợ băng lủng mình rơi xuống nước. Cũng như vậy, người tu lúc nào cũng dè dặt cẩn thận như đi trên băng mỏng, không để sót một lỗi nhỏ, không để sơ sẩy một chút lạc lầm, như vậy việc tu mới có kết quả, mới “hẹn kỳ chứng ngộ”, tu như vậy mới mong có ngày chứng ngộ. Thì tự nhiên đủ cứu được mình. Chứng ngộ rồi mới cứu được mình. Đoạn trên có nói những niệm được chôn sâu trong tâm thức rất khó diệt, nếu tu không cẩn thận, thiếu miên mật thì nó không tiêu được. Một niệm vừa mống lên là phải tiêu diệt ngay thì nó mới hết, còn thả cho nó tự do thì không bao giờ hết được. Trọng thật chẳng trọng rỗng, quí làm mà chẳng quí nói. “Trọng thật chẳng trọng rỗng”, nghĩa là cần lẽ thật, chớ không cần những cái rỗng. Rỗng tức là cái tu ngoài miệng. Như mình tu sơ sơ mà gặp ai thì nói tôi lúc này miên mật lắm, không có phí thì giờ. Nhưng khách đi rồi thì ở đây giỡn chơi, đó là rỗng chớ không phải thật. “Quí làm mà chẳng quí nói”, nghĩa là mình phải tu thật chớ không phải chỉ tu bằng ngôn ngữ, nói toàn những lời đạo đức thâm trầm mà không làm được gì cả. Đi qua có mà chẳng trụ có, thực hành không mà chẳng kẹt không. Tất cả những sự vật hiện có chúng ta đều không dính không mắc, gọi là “đi qua có mà chẳng trụ có”. “Thực hành không mà chẳng kẹt không”, nghĩa là đạt được lý không của Bát-nhã, biết rõ các pháp Tự tánh là không, mà không kẹt vào chấp không. Thế là không dính có, chẳng kẹt không, tức là không mắc kẹt ở hai bên. Từ điều thiện nhỏ mà chứa thành công đức thù thắng. Một việc thiện nhỏ xíu là cái có rất nhỏ mà chúng ta cũng vẫn làm chớ không dám bỏ qua, nhờ vậy lâu ngày tích lũy thành công đức lớn. Nương cái nhân tí xíu mà được thành cái quả to lớn. Từ một việc nhỏ mà chúng ta biết làm cho tốt, nghĩ cho tốt thì lâu ngày thành quả lớn. Huống lại, người hiện nay vô minh phiền não hừng mạnh còn nguyên, mà muốn đem cái kiến giải tương tợ để làm tiêu hết nghiệp dữ kia, mong ra khỏi tam đồ, thật không có lẽ đó. Ngài Quảng Trí quở: Huống lại, “người hiện nay” tức là người đương thời, “vô minh phiền não hừng mạnh còn nguyên” là vô minh phiền não lúc nào cũng hừng hực trong lòng, còn nguyên vẹn không thiếu một chút nào, “mà muốn đem cái kiến giải tương tợ để làm tiêu hết nghiệp dữ kia”, kiến giải tương tợ tức là cái thấy biết hơi giống giống, nói rằng hiểu vậy là hết nghiệp, đó là chuyện vô lý, “mong ra khỏi tam đồ, thật không có lẽ đó”, họ nghĩ rằng có được chút kiến giải rồi sẽ ra khỏi ba đường ác, địa ngục ngạ quỉ súc sanh, thật không có lẽ đó. Nhằm giúp cho hạng người này, chẳng thể lấy chút ít cho là đủ, thường theo như lời nói mà tu hành, trọn chẳng đuổi theo hạng thiền trên đầu môi. Nhằm giúp đỡ cho hạng người này, cho nên Ngài bảo họ đừng thấy được chút ít cho là đủ, phải thường theo như lời nói mà tu hành, nói được thì phải làm được. “Trọn chẳng đuổi theo hạng thiền trên đầu môi” là đừng bắt chước theo những người nói thiền ở ngoài miệng, chỉ nói lý trên trời trên mây mà tu hành thì không ra gì, gặp rượu thì uống rượu, gặp thịt thì ăn thịt. Nếu có ai nói gì thì bảo: “Vậy chớ Tuệ Trung Thượng Sĩ đó, gặp cá thịt thì gắp cá thịt, gặp chay thì ăn chay, vậy có lỗi gì?” Như vậy là lấy sự việc của người xưa làm cái cớ để bao che cái tham lam mê theo dục lạc của mình. Những hạng người đó là hạng thiền trên đầu môi. Qua đoạn này chúng ta thấy lời răn nhắc của Thiền sư Quảng Trí rất là tha thiết, không muốn để cho chúng ta khi tu có được chút ít công phu rồi tự hài lòng thỏa mãn chấp vào đó mà không chịu cố gắng đi cho đến nơi đến chốn, trái lại do chấp mà trở thành bệnh, rồi nói những điều không đúng lẽ thật, làm những việc không đúng chân lý, mà tạo thành nghiệp chịu khổ. Cho nên Ngài khuyên phải ráng sửa, ráng hành, chớ đừng bắt chước hạng thiền trên đầu môi. (1) Thiền sư Trung Hoa tập II. Mục Lục
|
Luận Giải Thi Tụng Mười Bức Tranh Chăn Trâu Giảng Giải (1999)
|
Phần I - Luận Thẳng Về Mới Điều Phục (Giảng 1)
Phần II - Luận Giải Các Bài Tụng Tranh Chăn Trâu Của Thiền Sư Phổ Minh (Bài Tụng I - Chưa Chăn)
Phần II - Luận Giải Các Bài Tụng Tranh Chăn Trâu Của Thiền Sư Phổ Minh (Bài Tụng II - Mới Điều Phục)
Phần II - Luận Giải Các Bài Tụng Tranh Chăn Trâu Của Thiền Sư Phổ Minh (Bài Tụng III - Chịu Phục)
Phần II - Luận Giải Các Bài Tụng Tranh Chăn Trâu Của Thiền Sư Phổ Minh (Bài Tụng IV - Quày Đầu)
Phần II - Luận Giải Các Bài Tụng Tranh Chăn Trâu Của Thiền Sư Phổ Minh (Bài Tụng V - Thuần Phục)
Phần II - Luận Giải Các Bài Tụng Tranh Chăn Trâu Của Thiền Sư Phổ Minh (Bài Tụng VI - Không Ngại)
Phần II - Luận Giải Các Bài Tụng Tranh Chăn Trâu Của Thiền Sư Phổ Minh (Bài Tụng VIII - Cùng Quên)
Phần II - Luận Giải Các Bài Tụng Tranh Chăn Trâu Của Thiền Sư Phổ Minh (Bài Tụng IX - Soi Một Mình)
Phần II - Luận Giải Các Bài Tụng Tranh Chăn Trâu Của Thiền Sư Phổ Minh (Bài Tụng X - Dứt Bặt Cả Hai)
Phần II - Tổng Luận Về Tướng Viên Giác Tịch Quang Và Thể Chân Không Diệu Hữu