Thiền Tông Việt Nam
Chìa Khóa Học Phật - Phần Giảng Giải
Chương Hai: THẾ NÀO LÀ PHẬT PHÁP? (tt3)

Chánh Văn:

10. Sanh diệt đối vô sanh. Cặp đối này cũng gọi là sanh tử đối niết bàn. Sanh diệt là nói chung cho muôn loài, sanh tử chỉ nói riêng cho loài động vật. Sanh tử đối niết bàn, lại khu biệt hoàn toàn vào người Phật tử. Muôn loài hằng chịu sanh diệt, mà không biết lẽ vô sanh để dùng đối trị. Đức Phật sau khi giác ngộ đã thấy rõ lẽ ấy, nên dạy đệ tử lấy vô sanh đối trị sanh diệt hay sanh tử. Vô sanh là nghĩa chánh của niết bàn. Dòng tâm thức biến động là nguồn gốc sanh tử. Tâm thức biến động bởi do luyến ái bản thân và ngoại cảnh. Nếu biết rõ cảnh vật vô thường, thân người vô ngã thì dòng luyến ái sẽ khô kiệt, tâm thức sẽ dừng lặng. Tâm thức dừng lặng thì nhân duyên sanh tử dứt bặt, đó là nghĩa vô sanh. Ví như gió dừng thì sóng lặng, mặt biển sẽ bằng phẳng an lành. Luyến ái là động cơ thúc đẩy tâm thức sanh diệt, còn luyến ái thì sanh tử không bao giờ dứt. Chúng ta yêu mến một người, người ấy vắng đi thì tìm cách gặp lại, hoặc nơi này hay nơi khác. Lòng yêu mến thúc giục chúng ta tìm gặp nhau mãi mãi. Chỉ khi lòng yêu mến cạn thì sự tìm kiếm mới dừng. Trong pháp Mười hai nhân duyên, Ái là động cơ thúc đẩy có Thủ, Hữu rồi Sanh Lão Tử ở đời sau. Ái dứt thì Thủ Hữu không còn, làm gì có Sanh Lão Tử tiếp nối, Ái là luồng gió mạnh thổi cuốn sóng tâm thức nổi dậy. Gió Ái dừng thì sóng tâm thức cũng theo đó mà lặng. Bức tường chặn gió Ái không gì hơn quán các pháp vô thường, quán thân tâm vô ngã.

Bờ sông bên này là sanh tử, bờ sông bên kia là niết bàn. Thấy rõ như thế, hành giả cấp bách kết bè vượt dòng sông qua bờ bên kia, qua rồi từ biệt vĩnh viễn bờ sông bên này. Đó là quan niệm chán sanh tử cầu niết bàn của hàng Nhị thừa, vì còn thấy sự đối đãi là chân thật. Cũng dùng phương pháp đối trị này, song Bồ-tát chỉ thấy là phương tiện tạm thời, nên không mắc kẹt ưa chán.

Chân lý tương đối bàng bạc khắp thế gian. Bất luận nhân loại, vật loại, ngôn ngữ, tư tưởng... phát xuất đều nằm gọn trong phạm vi của nó. Chúng ta khôn khéo ứng dụng tài tình những phản đề, để tiêu diệt chúng theo đúng đường lối vươn lên của chúng ta. Không biết dùng, hoặc dùng sai phương pháp đối trị, mà muốn tiêu diệt chúng, không bao giờ thành công. Thầy thuốc hay là người khéo biết bệnh biết thuốc và dùng thuốc trị liệu đúng phương pháp. Vì thế, Phật pháp gọi là "phương pháp trị liệu".

Giảng:

Đây là phần cao hơn phần trước, tức là sanh diệt đối vô sanh. Nói sanh diệt ở đây đặt nặng nơi con người, nhất là Phật tử. Trong kinh dạy luân hồi sanh tử là đau khổ. Mà muốn thoát khỏi đau khổ luân hồi sanh tử thì phải tìm cái an vui Niết-bàn, tức là tìm đến cái an vui không còn sanh tử là cái vui vô sanh. Như vậy Niết-bàn đối với sanh tử. Nhưng mà thế gian mọi người đều chấp nhận sanh tử coi như một thông lệ từ cổ chí kim không có ai nghĩ phải tìm cách thoát ly sanh tử cả, cho sanh tử là chuyện đương nhiên, có sanh thì có tử, cứ như vậy sanh ra rồi lớn lên, rồi già rồi bệnh chết. Ông chúng ta như vậy, cha chúng ta như vậy, đến chúng ta cũng như vậy, rồi con cháu sau này cũng như vậy. Cứ sanh ra lớn lên rồi già rồi bệnh rồi chết và mọi người cũng thế. Như vậy chúng ta đã chấp nhận con đường sanh tử, không nghĩ làm sao thoát ly sanh tử.

Đức Phật dạy chúng ta khác. Phật đã thấy rõ manh mối tại sao chúng ta sanh tử, bây giờ làm sao ra khỏi sanh tử đây? Hồi thuở bé chúng ta lên năm, lên mười rồi đi vào trường học, rồi lớn lên chúng ta thành người lớn, rồi từ người lớn thành ông già, thành ông già tới xuống lỗ. Cứ như vậy người nào cũng như người nào, vậy mà an nhiên chịu. Không ai nghĩ tại sao mình sanh rồi tại sao mình chết. Bây giờ làm sao thoát ly cái sanh già bệnh chết, chứ chẳng lẽ chịu vậy hoài sao? Đó là một quan niệm mà đa số người coi thường hay là vì bất lực. Ông bà chúng ta bất lực rồi tới con cái bất lực. Như vậy giải thoát ở chỗ nào?

Đức Phật không chấp nhận điều đó. Ngài nhất định phải tìm cách thoát ly sanh tử. Khi Ngài ngộ đạo thấy rõ phương pháp ra khỏi sanh tử rồi Ngài trở lại giáo hóa, vì vậy mà chúng ta ngày nay học Phật là học phương pháp giải thoát sanh tử.

Nói giải thoát sanh tử lẽ ra tu phải lên trên núi ở, sống hoài đời này tới đời kia. Lý đáng đức Phật sống tới bây giờ cũng chưa chết mới phải. Tại sao nói giải thoát sanh tử mà bây giờ kiếm ông Phật không ra? Tức là Ngài đã chết rồi. Mà chư Tổ cũng nói thoát ly sanh tử, sao kiếm hoài không thấy ông Tổ nào hết? Còn quý Hòa thượng thì vị nào cũng nói thoát ly sanh tử mà nhìn lại Hòa thượng nào cũng vô tháp hết. Như vậy có giải thoát hay không?

Ở đây nhà Phật nói khác hơn người ta. Người ta tưởng thoát ly sanh tử là thân này sống đời đời, mà không ngờ Phật nói thoát ly sanh tử là diệt hết cái nhân làm cho sanh tử. Nhân đó rồi gọi là hết sanh tử. Còn cái thân này là thân của duyên hợp, đã là duyên hợp thì phải tan chớ không giữ được. Cố giữ thân này là vô lý. Chỉ có cái là khi thân còn đừng có gây nhân sanh tử nữa. Thân này đã là quả rồi, còn cái nhân sanh tử kế đó mình không gây. Không gây thì tự nhiên cái thân này rã rồi nó hết, nó không còn tạo sanh tử nữa, chớ không có nghĩa là giữ thân này không chết gọi là không tử.

Bây giờ có người ngay cái thân này mà không thấy tử nữa. Quý vị tin không? Các vị Bồ tát không thấy mình có sanh, không thấy mình có tử. Tại sao vậy? Bây giờ cái tay tôi nắm lại thì gọi là nắm tay. Nắm tay này có thật hay không có thật? Nếu có thật, bây giờ tôi xòe ra thử kiếm coi nó ở đâu, còn nếu nó không có thì cái gì đây? Như vậy nắm nói thật cũng không được mà nói không cũng không được. Nói không, mình nắm lại rõ ràng có nắm tay, chối đâu được. Nói có thật thì buông tay ra kiếm không có. Vậy bây giờ nói cách nào là đúng đắn nhất. Nắm tay có mà có giả dối không thật, nó chỉ theo duyên. Duyên co năm ngón lại thì có nắm tay, năm ngón duỗi ra thì không nắm tay. Cái nắm tay đó chỉ là cái duyên co năm ngón lại chứ không có gì thật hết. Như vậy nắm tay chỉ là tùy duyên, có hay không là tùy duyên.

Duyên hợp thì gọi là có, duyên tan thì gọi là không chứ không có thật. Thân này cũng tùy duyên, duyên hợp là có, duyên tan là không chớ có gì chết đâu. Bây giờ duyên hợp thì gọi là tạm có, mai mốt duyên tan thì tạm gọi không có. Như vậy có không chỉ là duyên chớ không nói mình sống chết. Thân này khi duyên hợp tạm gọi là sống, duyên tan tạm gọi là chết. Người ta chỉ thấy cái tướng duyên hợp cho là thật nên thấy có mình sống, có mình chết. Nếu biết tướng duyên hợp là giả thì không có sống mà cũng không có chết, cái sống chết đó là tướng duyên hợp thôi. Còn chính mình không có sống chết, mình đời đời bất diệt. Nhưng mà mình đó không biết là ai? Cái gì là mình? Chỗ này để đoạn sau rồi sẽ nói.

Yếu chỉ của Phật pháp dạy chúng ta giải thoát sanh tử là phải giải thoát ngay cái gốc của nó, tức là cái nhân chứ không phải là cái quả. Thân này là tứ đại hợp, mà đã hợp thì phải tan chứ giữ cách nào cũng không được. Chúng ta đọc truyện Trung Hoa thấy mấy ông tiên luyện thuốc trường sanh bất tử mà bây giờ tìm xem có ông nào còn sống không? Bất tử lúc là không chết, mà bây giờ tìm không còn tức là đã tử. Nhưng mà có khác hơn là người không tu luyện thì có thể sống tối đa là một trăm tuổi, còn các vị biết tu luyện có thể sống được hai, ba, năm trăm năm chẳng hạn. Như vậy kéo dài ra thôi chớ đâu phải là không tử. Nghĩa là có thân là có sanh có tử.

Người thế gian như chúng ta chẳng hạn, không luyện đơn, không nấu thuốc trường sanh nhưng nếu chúng ta sống mà biết điều hòa, chừng mực tiết độ thì có thể sống dai hơn người sống trác táng bừa bãi. Như vậy khéo giữ thì kéo dài hơn một chút, không khéo giữ thi ngắn hơn một chút. Nhưng dài ngắn chỉ năm, mười năm. Còn biết luyện đơn khéo giữ thì dài ngắn một trăm, hai trăm năm rồi cũng chết. Chỉ có nhân sanh không còn nữa thì không có tử. Đó mới là vĩnh cửu không tử. Không sanh thì không tử, đó là chỗ cứu cánh.

Vô sanh là Niết-bàn, tức là không còn sanh thì không có tử. Nhưng mà nói nhân sanh không còn, đại đa số người tu hồi hộp nghĩ nếu mình tu chết rồi hết trơn, không sanh như vậy thành tro thành bụi hết sao? Nghĩ như vậy thì trở thành đoạn diệt. Nhưng không! Vô sanh không phải là không còn. Tới phần sau chúng tôi sẽ giải thích rõ.

Đây nói về giáo lý Tứ đế là khổ, tập, diệt, đạo. Khổ là cái quả, tức là có thân có cảnh là có khổ. Khổ là vô thường. Có thân có cảnh là có tướng thì bị vô thường nên có là khổ. Cái khổ này không phải ngẫu nhiên mà có nguyên nhân. Tập là nguyên nhân tạo thành cái quả này. Nguyên nhân là gì? Là những vọng thức cuồng loạn. Diệt là cái quả tịch diệt an lạc. Đạo là phương pháp làm cho tiêu diệt hết những nhân sanh tử. Như vậy bốn phần đó đạo và diệt là phần đối đãi nhân quả giải thoát, còn khổ và tập là nhân quả trầm luân.

Trong bốn đế chia ra hai phần: phần giải thoát và phần trầm luân. Trầm luân là do tập đế là nhân, khổ đế là quả. Giải thoát thì đạo đế là nhân, diệt đế là quả.

Diệt là tiêu diệt, nói tiêu diệt người ta tưởng tu tới chừng chứng quả là hết trơn. Nhưng không! Diệt đây là diệt sạch cái tập nhân gây ra sanh tử, gọi là diệt đế. Cái nghĩa đó là đứng về mặt tiêu cực mà nói. Vì vậy ở trong đây nói rõ ràng là người ta do tâm thức biến động, mà biến động là do luyến ái bản thân và ngoại cảnh.

Luyến ái bản thân, danh từ chuyên môn gọi là ái ngã, nó nặng vô kể. Bình thường ai cũng có thể nói tôi hy sinh cho người này, tôi hy sinh cho người kia, người nọ. Nhưng mà đến cuối cùng mới thấy cái ái ngã này nó nặng, nặng cho tới không có gì nói hết kể hết được. Bây giờ hỏi tất cả mọi người những sự vật chung quanh mà chúng ta thương mến là vì cái gì mà thương mến? Và người vật chung quanh mà ta thù ghét là tại cái gì mà chúng ta thù ghét? Tại sao chúng ta thương mến và tại sao chúng ta thù ghét?

Nếu người đó giúp cho cái bản ngã này nên danh nên phận ấm no v.v... thì người đó chúng ta mến thương. Tất cả những gì mà làm cho bản ngã chúng ta được lên, được sung túc được yên ổn thì người đó là người chúng ta thương. Ngược lại, những gì phá hoại sự an ổn, sự sung túc của bản ngã này thì chúng ta thù nghịch. Như vậy sự thù nghịch và mến thương gốc từ bản ngã mà ra. Có người nào tính hại quý vị mà quý vị thương không? - Nói tôi muốn giết ông đó quá! Khi nghe nói ổng bệnh thì nói ông bạn đáng thương, là người thân nhất của tôi đó. Có ai nói vậy không? Hay nói người đó là người xấu, cầu cho nó chết sớm, để nó sống nó hại tôi. Đó là điều tiêu cực. Còn tích cực thì nhiều khi nghĩ rằng mình phải giết nó trước nếu không thì nó giết mình.

Như vậy tất cả sự yêu ghét thù nghịch này hay thương mến đều gốc từ cái yêu bản ngã mà ra. Tất cả những cái mà chúng ta nói lên đó đều nhắm vì bản ngã chúng ta. Con người thật nó là như vậy. Cho nên chưa phá được cái bản ngã này mà nói tôi hy sinh cho người này người kia, chưa chắc là thật. Tại sao vậy? Tại vì nếu hy sinh cho họ, lo cho họ mà họ không biết ơn, họ không nghĩ phải quấy gì lại mình thì mình nổi giận. Đừng nói ai xa lạ, như cha mẹ nuôi con. Lý đáng bổn phận người cha người mẹ nuôi con không đòi hỏi gì hết, vì mình tạo ra nó. Nhưng nếu đứa con lớn mà nó không biết ơn biết nghĩa, bội bạc với mình thì mình cảm thấy buồn, có khi tức giận nữa. Đó là cha mẹ với con mà còn như vậy huống gì là kẻ khác. Những người mình hy sinh cho họ mà họ không nghĩ gì tới mình hết thì làm sao mình không tức. Nhiều khi chính những người mình hy sinh cho họ nếu họ không biết ơn biết nghĩa thì cái hy sinh trước trở thành cái thù địch ở sau chớ không còn hy sinh nữa. Cái lẽ thật của con người là như vậy.

Muốn thù tạc đối đãi không còn nữa thì không gì hơn phá tâm chấp ngã. Chấp ngã hết thì chúng ta mới hoàn toàn hy sinh cho tất cả mà không đòi hỏi điều kiện. Còn nếu tâm chấp ngã chưa hết thì tôi giúp anh, anh phải trà nước với tôi chứ, đâu có lý do giúp rồi đi không nói gì hết. Như vậy cái giúp đó vì bản ngã mà giúp. Nghĩ tới trà nước là nghĩ tới bản ngã rồi. Tất cả những cái gì khác cũng đều như vậy hết.

Nếu muốn cho tâm chấp ngã hết, đức Phật dạy pháp vô ngã. Đạo Phật là đạo vô ngã. Vô ngã là không chấp thân tâm này là thật. Không có cái ta thật thì cái gì đang sống đây? Không có cái ta thật nhưng mà cái ta giả có. Như hồi nãy tôi nói không có cái nắm tay thật, nhưng cái nắm tay giả có. Đủ duyên hợp lại thì nó có, khi duyên tan ra thì nó không có. Cái ngã giả dối tạm bợ này có, còn cái ngã thật không có. Mà biết nó tạm bợ giả dối thì nó đâu có gì quan trọng. Đây là tôi chỉ nói tổng quát không đủ thời gian giảng tường tận, đầy đủ hết gồm cả Tứ đế, Thập nhị nhân duyên ở trong một đoạn văn quá ngắn. Vì vậy mà đây chỉ nói gọn cho quý vị thấy rõ ý nghĩa căn bản thôi. Cái vô ngã của nhà Phật là chỉ thân này do tứ đại như đất, nước, gió, lửa giả hợp. Chất cứng thuộc về đất, chất ướt thuộc về nước, động thuộc về gió, ấm thuộc về lửa. Bốn thứ căn bản đó hợp lại thì gọi là thân sống, bốn thứ đó ly tán thì gọi là thân chết. Không đợi bốn cái cùng ly tán, chỉ một cái ly tán trước thì thân cũng hoại. Thí dụ như gió, thở khì ra mà không hít vào thì thân này cũng hoại rồi. Còn nước, nếu chỉ cho ra mà đem vô không được thì cũng hoại. Như vậy đất, nước, gió, lửa một cái nào phân tán thì những cái kia từ từ cũng phân tán theo. Đó là tứ đại, nói chung là phần sắc ấm.

Trong nhà Phật nói ngũ uẩn hay ngũ ấm: sắc, thọ, tưởng, hành, thức trùm cả phần thể xác lẫn tinh thần. Năm cái đó hợp lại gọi là sống, năm cái đó ly tán gọi là chết, chớ không có cái thật. Nhưng mà ai nấy cũng nhìn nhận nó là thân mình thật, là tâm mình thật nên yêu thương nó. Nếu bây giờ biết rõ năm ấm duyên hợp giả có, có mà không thật thì đâu có quý trọng nó. Ở thế gian này quý vị mua một món đồ mà biết là đồ giả thì đâu có quý nó, còn nếu là đồ thật thì quý lắm. Khi biết nó thật thì cái quý theo đó, còn nếu biết là giả thì khinh thường theo đó. Nếu mình cho thân này là thật thì cái quý, cái ái nó tăng trưởng. Nếu biết thân này là giả thì cái quý cái ái theo đó mà giảm. Bây giờ chúng ta xét kỹ thân này giả hay thật? Nếu là thật thì phải còn mãi lâu dài. Con nếu bữa nay còn, ngày mai không bảo đảm còn thì làm sao nói thật được. Đã không thật thì sao mình lại thích?

Biết thân này là giả thì tự nhiên lòng ái ngã giảm xuống. Muốn cho mình bớt thương thân này thì phải biết lý vô ngã.

Tôi giải thích cho quý vị thấy. Ngay nơi phần thể xác là phần tinh thần, người ta chấp thân này là thật hoặc chấp tâm này là thật, có khi chấp luôn thân thật và tâm thật nữa.

Thân tứ đại thì hỏi thân này làm sao thật được. Đất, nước, gió, lửa hợp lại, nếu thiếu một cái là nó đã mất rồi làm sao nói thật được? Tâm này là phần tinh thần, quý vị thấy có thật không? Hồi nào đến giờ ai cũng nghĩ rằng hồi thuở bé lớn lên mình có tâm biết nghĩ suy tính toán học tập, cái tâm đó tồn tại mãi cho tới bây giờ. Mình cứ tưởng như vậy, nhưng giờ hỏi tâm đó là cái gì đây? Không trả lời được. Phật chia thọ, tưởng, hành, thức là phần tinh thần. Thọ là những cảm giác biết lạnh, biết nóng, biết ngon, biết dở, biết mát, biết ấm. Cảm giác đó phải là tâm mình không? - Không. Tưởng là tưởng tượng những chuyện đã qua, cái gì qua mình tưởng nhớ lại. Rồi còn tưởng tượng những chuyện sắp tới thì cái đó phải tâm bình thường không? - Không. Hành là cái suy nghĩ tính toán việc hay việc dở, việc phải việc quấy, cái đó có phải tâm mình không? - Không. Thức là cái phân biệt trắng đen, tốt xấu, hay dở, cái đó có phải tâm mình không? - Không.

Đây tôi chỉ nói đơn giản bốn cái cảm thọ, tưởng tượng, suy nghĩ, phân biệt. Bốn cái đó ai cũng nói là tâm mình hết. Như vậy bốn cái đó cái nào là tâm mình? Nếu cái tưởng tượng là tâm mình thì khi suy nghĩ tính toán, phân biệt, cảm thọ là gì? Chẳng lẽ cái nào cũng là mình hết thì vô lý quá. Nếu tâm mình thì chỉ một cái từ thủy đến chung. Còn tất cả đều thay đổi lăng xăng thì cái nào là tâm mình???

Như vậy thân này là do tứ đại hợp thành, còn tâm do thọ, tưởng, hành, thức hợp lại thành. Hợp lại thành thân thành tâm thì nó không thật, không thật thì nói mình sao được. Nếu chỉ một cái mà nói mình thì sai. Cũng như cái nhà, hỏi cái nào là cái nhà? Chỉ cái cửa, hỏi phải cái nhà không? - Không. Vì đây là cái cửa. Chỉ vách tường, hỏi phải cái nhà không? - Không. Vì đây là tấm vách tường. Chỉ từng cái thì không có cái nhà. Cái nhà chỉ là giả tướng, giả danh. Tất cả tướng hợp lại tạm gọi là cái nhà. Cái nhà đó giả danh chứ đâu có thật.

Thí dụ có người nói tôi tên Nguyễn Văn A, nắm lỗ tai hỏi phải anh Nguyễn Văn A không? Không. Nếu lỗ tai là Nguyễn Văn A thì lỗ mũi là cái gì? Cứ nắm lấy từng phần mà hỏi thì không có cái nào là Nguyễn Văn A. Nguyễn Văn A chỉ là giả danh thôi. Các bộ phận hợp lại đủ tạm gọi là Nguyễn Văn A, chứ còn Nguyễn Văn A không có thật. Vậy mà người ta chấp cái giả danh làm thật, còn cái thật họ bỏ quên. Xét kỹ, hỏi nếu không thật thì cái gì là mình? Thân thì do tứ đại hợp lại, tứ đại không phải là mình. Bây giờ hỏi đất có phải là mình không? Nếu trong người nói phần đất là mình, khi tắm kỳ ra bợn bợn đất thì cái đó là mình sao? Thấy nó mình gớm kia mà. Như vậy cái nào là mình? Nước dơ đưa ra có gì đâu là mình. Hơi ấm cũng vậy, nó là hơi ấm chớ đâu phải là mình? Như vậy hỏi cái gì là mình???

Tâm cũng vậy, từng phần ráp lại nó không thật. Vậy mà chúng ta lầm mê cho là mình thật, rồi chấp thân, chấp tâm, chấp đủ thứ hết. Do chấp nó là thật nên ái ngã liền khởi sanh. Do ái ngã cho nên có yêu có ghét. Nếu có thương người này là có ghét người kia. Thương người này vì người đó giúp mình, ghét người kia vì người đó muốn hại mình. Như vậy thương và ghét là gốc tại mình, tức tại cái ngã mà ra. Chứ chưa bao giờ nói người đó vì nhân loại mà mình thương hay người đó vì công bằng mà mình thương. Nếu mình làm gì sai trái, công bằng người đó phạt mình mà mình vẫn thương người đó thì mới là thương không có ái ngã. Còn nếu mình làm gì sai đi nữa mà họ bênh vực mình thì mình thương, còn phạt mình thì mình ghét. Cái đó từ ái ngã mà ra.

Chúng ta thấy bệnh ái ngã của con người quá nặng, cho nên lúc nào nó cũng hiện ra. Ngồi lại nói chuyện thì toàn là nói về cái tôi, nói hôm trước tôi đã giúp cho người kia việc này, hôm kia tôi làm được việc nọ. Nói những cái hay của tôi không, chớ ít khi nào nói tôi dở lắm. Hôm trước tôi có cái xấu là hơi nóng, hôm kia tôi có cái xấu là hơi tham. Nói toàn là cái hay của mình, còn người khác là mình nói cái dở của họ. Tại sao vậy? Tại vì ái ngã cho nên nói cái gì về mình là tô điểm cho mình đẹp. Cái gì thuộc về người thì muốn cho xấu. Đó là cái bệnh từ ái ngã khiến như vậy đó.

Chúng ta tu cốt là dứt tâm luyến ái bản ngã. Luyến ái bản ngã dứt thì yêu ghét cũng bớt đi. Nếu biết thân này là giả dối, người ta có giúp mình thì mai mốt thân này cũng rã. Còn người hại mình bây giờ thì nó rã sớm, nếu không hại thì mai mốt nó cũng rã chứ có gì đâu. Hoặc là rã sớm, hoặc là rã muộn thôi. Như vậy mình ít có quan trọng, ít có thù cũng như ít có thương. Gốc từ ái ngã mà con người có yêu ghét rồi tạo thành bao nhiêu tội lỗi. Thương thì bênh vực, người thương làm quấy cũng bênh, còn ghét thì người kia phải cũng tìm cách công kích để thành quấy. Cái đó là bệnh của chúng sanh tạo thành tội lỗi. Chớ nếu không thương ghét thì mình xử sự rất công bằng. Nhưng mà tại cái thương ghét đó mà có bất công tràn trề. Bây giờ hiểu như vậy rồi quý vị có đòi hỏi người thế gian công bằng không? Tất cả thế gian đều ái ngã, mà ái ngã thì làm sao có công bằng đây. Nếu có công bằng chỉ là gượng gạo, cố gắng thôi chớ công bằng thực sự thì không có. Chừng nào hết ái ngã thì mới có công bằng thật sự.

Chưa có người nào hết ái ngã, chỉ có đức Phật và các vị Tỳ kheo chứng A la hán mới hết. Cho nên nói gì thì nói ái ngã vẫn cứ lộ ra. Vì ái ngã mà có nhiều bệnh khổ theo đó.

Bây giờ biết tu chúng ta cố gắng dẹp cái tâm ái ngã. Tâm ái ngã hết thì dòng tâm thức lần lần lặng, mà dòng tâm thức lặng thì sanh tử hết, Niết-bàn hiện ra.

Thí dụ như mặt biển nguyên nó là không động, nhưng gió thổi sóng dậy thành động. Nếu biển động thì có chừng bao nhiêu lượn sóng? Sóng vô kể không biết bao nhiêu mà tính. Gió nhiều chừng nào thì sóng to chừng nấy. Quý vị có thể đếm hết sóng ở dưới biển không? Bá thiên vạn ức không thể nào tính hết. Nhưng khi tất cả lượn sóng lặng xuống thì mặt biển phẳng lì không có một gợn sóng. Mặt biển phẳng là không sóng chứ không phải là không mặt biển.

Lúc đó chúng ta thấy mặt biển dường như là một. Mặt biển là mặt biển chứ không có một hai. Lượn sóng thứ nhất, lượn sóng thứ hai là đối đãi, chứ mặt biển chỉ là mặt biển mà thôi. Nói một nói hai là gượng nói, vì đối đãi nhau không thật. Từ hoằng thề nguyện cũng nói lên pháp đối đãi đối trị:

Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ

Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn

Pháp môn vô lượng thệ nguyện học

Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.

Trong bốn nguyện lớn, chúng sanh vô biên mình thấy rõ rồi. Chúng sanh trong đó kể cả loài người, loài thú, loài vật nhỏ nhít như kiến, trùn v.v... ai biết bao nhiêu mà tính, cho nên gọi là vô lượng vô biên. Phiền não của con người vô biên vô tận. Pháp môn cũng vô lượng vô biên nữa. Tại sao vậy? Bởi vì trong nhà Phật nói Phật pháp là những phương thuốc đối trị bệnh phiền não. Mình có một phiền não thì Phật có một phương pháp để trị. Vì vậy mà phiền não vô biên thì pháp môn phải vô tận, hay phiền não vô tận thì pháp môn phải vô biên.

Đứng về mặt đối trị mà nói, thí dụ người đó hơi nóng, bây giờ dạy sao cho bớt nóng đây? Người đó hơi buồn, dạy sao cho họ bớt buồn đây? Dạy họ bớt nóng là một phương pháp, dạy họ bớt buồn là một phương pháp. Tất cả chúng sanh có bệnh gì thì Phật có pháp để trị bệnh đó. Cho nên nói pháp môn vô lượng vô biên. Sở dĩ nói vô lượng vô biên là tại vì đối trị bệnh chúng sanh vô lượng vô biên. Còn khi tất cả bệnh chúng sanh hết rồi thì Phật pháp chỉ là Phật pháp. Tổ Lâm Tế nói Phật pháp của Hoàng Bá rất ít. Tới chỗ đó rất ít, không còn vô lượng nữa. Cũng vậy, khi chúng ta hết tất cả phiền não rồi thì hỏi tâm chúng ta còn bao nhiêu? Nếu có sân, có si, có ái v.v... thì có nhiều bệnh, nhiều bệnh thì có nhiều thuốc. Nếu tất cả bệnh hết rồi thì thuốc cũng bỏ luôn. Cho nên trên phương diện đối trị, bệnh có thì thuốc có, bệnh không còn thì thuốc trở thành vô nghĩa.

Vậy thì bệnh và thuốc hai thứ đó quý vị xác nhận coi thật hay giả? - Giả. Giả sao khi đau bụng thì rên, khi nhức đầu thì chảy nước mắt? Bệnh nếu thật thì nó phải còn hoài, nhưng mà đang nhức đầu uống một viên thuốc nhức đầu, một lát nó dịu lại. Như vậy nếu nó thật thì thuốc gì trị cũng không được, mà có thuốc trị nó hết thì đâu phải là thật. Khi qua cơn nhức đầu rồi, dù nói thuốc này trị nhức đầu, bây giờ mình cứ uống hoài cho hết nhức đầu được không? - Không. Nếu tiếp tục uống thì mình thêm bệnh khác nữa.

Cho nên khi bệnh hết thì thuốc phải bỏ. Còn bệnh thì còn thuốc mà hết bệnh thì hết thuốc. Vì lẽ đó cho nên đối bệnh mà cho thuốc. Bởi đối bệnh mà cho thuốc cho nên bệnh không thật thì thuốc cũng không thật. Đó là yếu chỉ của Phật pháp về tinh thần Bát nhã. Nếu chúng ta còn thấy sanh tử thật thì chúng ta thấy Niết bàn là thật. Thấy bệnh là thật thì thấy thuốc cũng là thật. Còn nếu thấy sanh tử là giả dối thì Niết bàn cũng không còn thật nữa. Niết bàn là đối sanh tử, tức là vô sanh đối sanh tử. Hết sanh tử thì vô sanh không có nghĩa. Cũng như nói sóng là động, mặt biển dừng sóng là lặng. Động và tịnh đối nhau, nhưng thật ra nếu không có gió, không dấy sóng thì không có gì là tịnh nữa, cứ lặng vậy thôi. Động tịnh là tùy theo trường hợp sanh diệt.

Tới đây tôi kết luận cho quý vị thấy Phật nói chân lý tương đối là Phật căn cứ vào từng căn bệnh của chúng sanh. Chúng sanh có bệnh nào thì Phật có thuốc nấy để trị. Do đó nên nói tùy theo bệnh mà cho thuốc. Đức Phật được gọi là vô thượng y vương, nghĩa là ông vua thầy thuốc. Tức là chúng sanh có bệnh gì Ngài cho thuốc trị đúng bệnh đó. Ông thầy sở dĩ thành thầy thuốc giỏi là biết bệnh biết thuốc. Còn chúng ta biết bệnh mà không biết thuốc thì cũng không làm gì, biết thuốc mà không biết bệnh cũng không làm gì. Hoặc giả biết bệnh mà không đúng, rồi biết thuốc cũng không rành nữa, mà cho thuốc thì có thể thiên hạ chết. Do đó cái quan trọng là phải biết bệnh và biết thuốc. Tôi nói để nhắc cho những người học đạo nhấp nhem gặp ai cũng xổ ra hay lắm. Học bao nhiêu nói hết bấy nhiêu. Gặp ai cũng khoe cũng nói Phật pháp hay thế này thế kia. Cái đó thấy thật nhiệt tình, nhưng mà không khéo thì trở thành hại. Tức là thầy thuốc chưa rành bệnh, chưa rành thuốc mà cho sớm quá có khi giết thiên hạ nữa. Cho nên người biết thuốc biết bệnh trước hết bảo kể căn nguyên bệnh, trước có bệnh gì, hiện giờ đang đau triệu chứng gì, rồi thầy thuốc coi mạch rồi mới cho đúng thuốc được.

Người biết dạy đạo, tới không có vội vàng thuyết pháp đâu. Tới hỏi họ ông đã làm cái gì? Ở ngành nào? Đã biết cái gì hay cái gì dở, đạo lý ra sao? Hỏi cho kỹ rồi chừng nào thấy người đó bệnh như thế nào thì mới cho thuốc khả dĩ đúng. Cho nên những người gặp đâu nói đó, gặp đâu giảng đó giống như ông lang băm, có khi hại thiên hạ là khác. Vì đó là cái bệnh người ta hay nói; xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ, gặp ai nói nấy. Chớ còn người thật biết rồi thì cẩn thận ghê lắm. Phải dò hỏi nhân kỹ càng người đó hiện họ có tâm trạng gì, họ đang khao khát những gì thì mình mới theo đó mà chỉ dạy cho họ. Chỉ dạy vậy khả dĩ họ mới có lợi; còn nếu gặp đâu nói đó, gặp cái họ không cần thiết mình cứ nói bừa ra, còn cái họ cần thiết thì mình không biết đâu mà nói. Như vậy chẳng những họ không có lợi mà có khi có hại là khác.

Cho nên người dạy đạo giống như ông thầy thuốc là phải cẩn thận. Có nhiều khi mình cẩn thận, có những Phật tử không biết họ nói quý thầy lạnh nhạt, tới không giảng liền. Có người tới nhờ thầy giảng con nghe chớ con không biết hỏi gì. Như vậy người đó họ không từng tìm biết bệnh. Bây giờ cả trăm thứ thuốc cho họ thuốc nào đây? Vội cho là có hại. Vì vậy có cái gì thắc mắc, có cái gì nghi ngờ đem ra hỏi. Chính cái nghi ngờ là cái bệnh của họ. Hỏi thì mình ngay đó mà nói thì khả dĩ đúng. Chớ còn nói thầy giảng cho nghe, làm sao giảng được liền? Nhưng mà có nhiều thầy chịu lắm. Cái gì hay mình tưởng là hay cứ đem ra giảng, họ nghe có biết gì đâu. Cho nên phải cẩn thận, nhớ rằng người dạy đạo cũng như ông bác sĩ vậy đó. Bệnh nhân tới thì đưa giấy cho họ kê bệnh trước, trước có bệnh gì kê cho kỹ rồi kế đó mình mới kiểm coi, cho họ hỏi những thắc mắc hiện tại là cái gì, sau đó mới cho họ thuốc thì khả dĩ mới có lợi ích cho người bệnh. Như vậy là cẩn thận truyền bá chứ còn không thì gặp đâu nói đó, nói thao thao bất tuyệt, không biết người nghe có hiểu không? Chính người nói cũng không thấy người nghe nhận định ra sao mà nói cứ nói thì đó là tai họa.

Đó là tôi nói đại khái về phần đối trị. Vì đối trị là một lẽ thật. Đối với thế gian trong phần đối đãi, nó là thật nhưng không phải hoàn toàn cứu cánh, cho nên gọi là chân lý tương đối.

Bây giờ tới giáo lý cứu cánh của đạo Phật gọi là chân lý tuyệt đối. Phần này là phần quan trọng tối thượng. Nếu người nào học đạo mà không hiểu được phần này là một thiếu sót lớn lao. 

Mục Lục