Thiền Tông Việt Nam
Ánh Sáng Tự Tâm - Hạnh Chiếu
Vô Thường

Chúng ta được gặp gỡ, đi tới đi lui, tụng kinh, ngồi thiền, cùng nhau học tập giáo lý… là một điều hết sức mầu nhiệm. Tuy nhiên ta lại ít nhận ra sự hiện hữu quý giá này.

Là Phật tử ai cũng từng học hai chữ vô thường, nói về vô thường nhưng khi thật sự đối diện với nó, nhiều người vẫn còn ngỡ ngàng. Thật ra trải nghiệm vô thường là điều xảy ra liên tục cho tất cả mọi người. Sự thay đổi luôn diễn tiến từng phút từng giây trong thân tâm chúng sanh và vạn vật. Những biến dịch nhỏ thường không làm ta chú ý đến, cho nên đôi khi mình quên bén là đang sống trong vô thường, bị vô thường xoay chuyển.

Khi nhận thức một cách sâu sắc về vô thường, chúng ta có thể rút ra những bài học, những phương thức sống có ý nghĩa hơn cho mình và mọi người, đặc biệt là về mặt tu tập. Đứng trước một hoàn cảnh ngặt nghèo, nguy hiểm, chúng ta mới biết về mình nhiều hơn. Bình thường ai cũng cho rằng mình hiểu bản thân nhất, nhưng thật ra chỉ hiểu trong cái lao lự, toan tính không dừng. Hiểu như thế e không đúng. Đến lúc chẳng còn thời gian nữa, mỗi người mới thật sự đối diện với cận tử nghiệp và tích lũy nghiệp mà mình đã tạo.

Đối diện trước một tai họa hay một bệnh tật hiểm nghèo, ta nghĩ điều gì trong lòng thì đó chính là tích lũy nghiệp, là công phu của mình qua bao năm tháng sống và tu tập. Mình nghĩ gì, lo lắng gì, mong muốn gì… hay bình yên thanh thản. Tâm trạng khi ấy báo hiệu cho dòng nghiệp thức đang vận hành, lưu chuyển đưa ta đến một trong sáu đường: trời, người, a-tu-la, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục. Tùy theo nghiệp tập chúng ta gây tạo lúc sinh tiền mà rơi vào cảnh giới tương ưng.

Trên bước đường tu hành vốn còn rất xa xôi diệu vợi, công phu của ta chỉ là một hạt cát trong biển công đức của chư Phật, cho tới bao giờ viên mãn mới có thể vui mừng. Tuy nhiên, những lúc xảy ra các biến cố trong cuộc đời, hay đối diện với tình trạng sức khỏe kém, ta càng cảm thấy tri ân Phật pháp vô cùng. Một chút tỉnh thức là một chút an ủi cho kẻ lữ hành trong đêm tối sanh tử. Suốt đời chúng ta tu tập để được gì? Chẳng để được gì, chỉ xin khi đối diện với sống chết vô thường tâm tỉnh sáng, lòng thanh thản nhẹ nhàng là đủ lắm rồi. Được vậy, có thể nói chúng ta đã không cô phụ công ân Thầy Tổ, không cô phụ sở nguyện của chính mình.

Tôi vừa trải qua một cơn nhồi máu cơ tim. Lúc đó tôi không biết mình bị nhồi máu cơ tim nên không thấy sợ hãi, chớ cũng chẳng hay gì. Bác sĩ kiểm tra và thông báo tình trạng sức khỏe, tôi vẫn rất bình thường, không lo lắng chi. Bác sĩ đưa thuốc bảo uống, tôi nấn ná không muốn uống. Ông thúc: “Cô đừng xem thường, tình trạng sức khỏe nguy hiểm lắm”. Nghe vậy, tôi kiểm tra lại tâm trạng và nhận thấy chưa kịp sợ thì đã buồn ngủ và tôi ngủ. Khi thức dậy biết là mình chưa về chùa, vẫn còn ở bệnh viện, chuẩn bị thông tim. Tôi thấy cũng không có gì sợ, không nhớ nhung, không lo lắng bất cứ điều chi. Chỉ hơi nhắc bản thân “tỉnh”, vậy thôi. Mỗi lần vừa khởi niệm, tôi liền nhớ “tỉnh” hoặc “biết”. Đây chính là nguồn an ủi lớn nhất tôi dành cho mình.

Trạng thái tâm lúc bấy giờ có vẻ rất tự nhiên, không có gì phải cố gắng. Nhưng thật sự đó không phải là điều tự nhiên, không phải không cố gắng, mà là đã cố gắng hết sức trong suốt mấy mươi năm qua. Bây giờ có chút quen. Chúng ta thấy, đôi khi mình muốn quên điều gì đó cũng không quên được. Muốn sắp xếp việc gì đó cũng không sắp xếp được. Muốn nói điều gì đó cũng không nói được. Chỉ có không muốn chi hết thì thật khỏe. Tuy nhiên, chẳng phải không muốn gì hết là làm được liền. Có lúc chúng ta không muốn gì hết nhưng trong tâm vẫn cứ muốn lung tung. Cái muốn lung tung đó chính là nguyên nhân dẫn chúng sanh đi trong lục đạo.

Cảm ơn sự mầu nhiệm, không hẳn là lời cảm ơn của người từ cõi chết trở về sống giữa lòng đại chúng, được cùng tu học với nhau. Điều này chỉ đúng một phần thôi. Cốt lõi của sự mầu nhiệm chính là nếu cố gắng nỗ lực tu tập, chúng ta sẽ được phần thưởng xứng đáng, không hề hoang phí. Cho nên sự mầu nhiệm này không dành cho riêng ai mà là bình đẳng với tất cả mọi người.

Rõ ràng chúng ta không tin được thân này nữa rồi. Ai biết nó muốn gì, biến chuyển ra sao. Chúng ta thường nhắc nhở nhau ráng giữ gìn sức khỏe. Dĩ nhiên là ráng rồi. Nhưng giữ sức khỏe không có nghĩa là nằm hoài trong phòng, không dám đi ra đi vô. Làm như vậy thì thân bệnh vẫn bệnh như thường. Phật bảo có thân thì có bệnh, vô thường mà. Nhờ vô thường ta biết trân quý những gì hiện có, nhờ vô thường ta tranh thủ tu tập, làm việc và sống có ích hơn.

Mỗi khi nghe quý thầy cô không khỏe, Phật tử lo lắng, chúng tôi lại thấy mình có lỗi. Mỗi lần khất lại những buổi chia sẻ Phật pháp để Phật tử trông mong, chúng tôi thấy mình thiếu sót. Vì vậy, tôi tự nhắc nhở bản thân sẽ sinh hoạt giáo lý với quý Phật tử trong chừng mực sức khỏe có thể, để đem lại niềm tin, sự an vui cho tất cả chúng ta. Mình cùng hứa với nhau sẽ không bao giờ bỏ tu và bỏ mặc cuộc đời. Phật tử không nên buồn khi thấy quý thầy cô có bệnh duyên và cũng không nên buồn khi bản thân mình bị bệnh. Để làm chủ được tâm trạng của mình khi thân bệnh, chúng ta cần có công phu tu hành, đồng thời quá trình tu tập cũng phải bền bỉ lâu dài.

Đức Phật cũng có thân tứ đại, vì vậy thân tứ đại của Ngài cũng bị bệnh hay khi Phật nhập Niết-bàn, các vị Thánh đệ tử cũng xúc động, cũng khóc. Mặc dù, các ngài đã chứng Thánh nhưng cũng xúc động. Tuy nhiên, đó là sự xúc động của người có trí tuệ, giọt lệ này không bi thống, không trầm nịch như chúng sanh, mà là giọt lệ đạo tình Linh sơn cốt nhục, nói lên tấm lòng cảm kích và tri ân sâu xa đối với đức Từ phụ.

Chúng ta luôn tự nhắc nhở bản thân cố gắng tu hành nghiêm chỉnh. Thứ nhất là độ mình. Thứ hai là vì người, giúp bạn hữu có niềm tin nơi Tam bảo, có niềm an lạc trong cuộc sống. Đệ tử Phật dù xuất gia hay tại gia đều phải sống như vậy. Mỗi một thành viên trong đạo tràng là bạn đạo của nhau. Mỗi một vị có mặt ở đây là một thiện hữu tri thức của nhau. Một người thành tựu được đạo nghiệp cho mình là đã đem đến niềm an ủi, khích lệ và động viên cho rất nhiều bạn đồng tu. Vì vậy, nếu chúng ta không thể giữ được thân thể khỏe mạnh thì chí ít cũng phải giữ được tâm bình thản trước mọi sự đổi thay, vô thường. Đó là điều rất cần thiết.

Tôi vẫn thường đọc mấy câu thơ của nữ thi sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương:

Còn gặp nhau thì hãy cứ vui

Chuyện đời như nước chảy hoa trôi,

Lợi danh như bóng mây chìm nổi

Chỉ có tình thương để lại đời.

Khi chúng ta có phước báu, máu huyết trong thân thể còn chạy đàng hoàng, không chạy ngược, không bị tắc nghẽn… thì tại sao mình lại buồn? Không lý gì đang sống bình thường như thế này, lục căn hoàn cụ, làm ăn ổn định, nhà của đàng hoàng… lại phiền não? Phước nhiều như vậy, sao không nhận thấy để sống vui, sống trong ánh sáng đạo pháp. Chờ đến khi tay chân già yếu, bệnh tật phát sinh, chừng đó muốn đi chùa cũng không đi được, muốn ngồi thiền cũng không ngồi được, muốn tụng kinh cũng không tụng được. Lúc đó mới thật sự đáng buồn.

Bây giờ đang vui lại không hưởng trọn niềm vui, cứ buồn hoài những chuyện lắt nhắt. Hôm nay người ta vui với mình thì mình vui. Ngày mai người ta hơi nghiêm hoặc mệt cười không nổi, mình cũng buồn theo. Tức là chúng ta cứ chạy theo người và cảnh bên ngoài, trong lòng không yên ổn. Mỗi người đều có sẵn gia bảo quý báu trong nhà, sao không lấy ra dùng. Hãy tập sử dụng hạt châu có sẵn của mình cho thuần thục, để khi cần thiết mới có thể đem ra dùng được.

Chúng ta thử so sánh mình với những người tàn tật, vô gia cư, nghèo khổ đến không đủ ăn đủ mặc sẽ thấy mình có phước lớn lắm. Những người không biết đạo, không biết tu, vui buồn thất thường đã đành, chúng ta là Phật tử hiểu đạo, biết tu tập mà cứ vui buồn hoài thì thật đáng trách. Phải hiểu rõ buồn là nghiệp si đeo bám chúng ta, chứ không có cảnh hay người nào để cho mình buồn đâu.

Khi người tốt kẻ xấu hoặc cảnh thuận nghịch tác động đến, chúng ta có cảm thọ khổ vui. Chẳng hạn ghét một người nào, thấy họ ta sẽ bực bội, vì vậy muốn họ đừng bao giờ xuất hiện trước mặt mình. Ngược lại, người ta thương thì lúc nào cũng muốn gần một bên, trông mong, tìm cách để gần. Chính tâm trạng này làm cho chúng ta bất như ý liên tục. Bởi vì ngoại cảnh và con người bên ngoài không phải là mình, cho nên không thể như mình muốn được. Do thiếu sự quán sát, thiếu tu tập nên chúng ta cố chấp, cưỡng cầu. Từ đó mà khổ chồng thêm khổ.

Phải thấy rõ không có nhân duyên, con người, ngoại cảnh nào ở bên ngoài là thuận nghịch với chúng ta cả. Do nghiệp ái, nghiệp sân, nghiệp si khiến ta bám víu vào người cảnh bên ngoài, từ đó tạo nghiệp mới và chuốc quả khổ. Nghiệp không có hình tướng cố định, nhưng có năng lực rất mạnh. Do có năng lực nên nó có thể cuốn hút các đối tượng tương ưng với nó, bám vào đó mà hiển thị và tiếp tục tác nghiệp.

Như gió vô hình nhưng ta vẫn biết có gió, là nhờ nó tác động lên cây cối lay động. Cũng vậy, người có nhân duyên với ta, vừa gặp đã thấy vui. Trong quá trình luân chuyển trong sinh tử, do mê lầm mà chúng sanh tác nghiệp, tạo qua tạo lại nên có sự tương ưng. Vì vậy khi đối diện với nhân duyên tương ưng thì nghiệp từ bên trong sẽ hiển thị ra. Nó bám vào nhân duyên đó rồi tác động ngược lại mình. Vậy mà chúng ta lầm tưởng nhân duyên bên ngoài là đối tượng tác động vào mình, không ngờ nó chính là “hồn ma bóng quế của nghiệp”.

Khi thấy thương hay ghét người nào đó, đều là nghiệp của chúng ta. Hoặc là nghiệp tham, nghiệp sân, nghiệp si. Chúng ta đã huân tập các nghiệp này từ nhiều đời, bây giờ gặp cảnh bên ngoài, nó bám vào khiến ta sanh thương ghét, rồi tiếp tục tạo nghiệp mới. Khuynh hướng của nghiệp sẽ hiển thị, hiện hành theo cấp độ ngày càng tăng trưởng lên. Nghiệp nghiệp trùng trùng tiếp nối, nó chính là nguyên nhân dẫn chúng ta đi trong trầm luân sinh tử. Thật là dễ sợ!

Muốn hết trầm luân sinh tử thì phải biết dứt từ nguyên nhân chính, tức là dừng nghiệp. Khi chúng ta thương hoặc ghét người nào đó, khổ sở vì họ, nên muốn chấm dứt tình trạng khó chịu này. Vậy phải làm sao? Phải biết không có người đó mà chỉ có nghiệp tác động, sai sử mình. Thấy rõ gốc từ nơi chúng ta, mới không chạy theo bên ngoài nữa. Buông đối tượng xuống thì hết khổ ngay. Buông một lần chưa được thì buông nhiều lần, buông liên tục. Đây là một pháp tu. Pháp tu này rất hữu hiệu, nếu ta chịu khó thực tập.

Khi ta quá mệt mỏi với hai chữ đối đãi, hoặc thương hoặc ghét, hoặc được hoặc mất, hoặc tốt hoặc xấu… thì đừng nắm giữ nó nữa. Nguyên tắc là vậy, nhưng thực tập không dễ, bởi nhiều đời chúng ta đã quen nắm giữ rồi. Do vậy phải khéo tu. Khéo tu chứ không phải cố tu. Cố tu sẽ dẫn tới trạng thái mệt mỏi, thối chuyển. Khéo tu sẽ dẫn tới trạng thái thích thú, vui vẻ và tăng tiến. Khéo tu thì khỏe. Vụng tu thì mệt, mệt thì dễ sanh phiền não.

Khi đối diện với người ta mến thương, hãy nghĩ đây là bản ngã thuận, ái ngã của mình hiện lên rồi. Khi đối diện với người ta ghét, hãy nghĩ đây là bản ngã nghịch, nhanh chóng nhận ra nghiệp sân của mình hiện lên rồi. Có ai đứng trước người mình ghét mà thấy dễ chịu, vui vẻ đâu. Tại sao? Bởi vì gốc sân bên trong tác động, khiến mình xấu như vậy. Tất cả đều do nghiệp hiển thị theo duyên tương ưng bên ngoài, chứ không có người mình thương, không có người mình ghét thật. Nếu có thật, con người đã không thay đổi tình cảm thương ghét rồi. Chỉ là nghiệp sai khiến. Người nào nghiệp ái nhiều thì thương nhiều người, làm khổ nhiều người, chớ có vui sướng gì đâu. Chúng sanh lầm nhận điều này nên khổ sở không cùng. Gốc tham, sân, si thật độc địa mà cũng thật thâm căn cố đế, khó dứt khó trừ.

Người định tỉnh có trí tuệ nên thấy được tánh thật của muôn sự, muôn vật, tâm thanh thản không vướng mắc. Chúng ta thấy đâu là vướng mắc đó. Thấy người dễ thương thì thương, thấy người dễ ghét thì ghét. Ai cũng có hai con mắt, cái mũi, cái miệng, cho dù người mũi cao hay mắt nhỏ thì cũng không dính dáng gì để mình thương hay ghét. Tại sao chúng ta lại gá vào người khác, rồi thương ghét đến khổ sở? Vì quên gốc theo ngọn, không biết mọi chuyện đều bắt đầu từ mình. Do đó cứ chạy theo bên ngoài.

Người xuất gia cũng có những buồn phiền, thất bại trong đời sống tâm linh. Ngẫm lại người đời khổ là đúng, tại sao người tu cũng khổ? Người tu không phải chịu cảnh đồng công mối nợ, không bận con bận cháu… tại sao lại không an vui thanh nhàn? Tại vì không tu. Đâu phải cạo tóc vô chùa mà gọi là tu. Chuyện tu sửa phải được thực hiện từ bên trong tâm cho đến đời sống sinh hoạt bên ngoài.

Cạo tóc vào chùa chỉ là hình thức để nhắc nhở mình là người tu, phải lo tu, đừng tạo nghiệp như người đời. Tu đúng như lời Phật dạy, không phải ai cũng hành trì được. Bởi vì đây là con đường rất khó đi. Chúng ta tự chọn, tự nguyện chứ không ai ép mình đi tu, nhưng vì nghiệp thức bên trong quá sâu dày, quá mạnh, nó làm chướng ngại con đường tiến đạo của chúng ta. Người tu chủ quan, không dè dặt đối với nghiệp sẽ bị nó trói chặt, lôi đi như chơi. Đã như vậy thì khác chi người đời, cho nên khổ. Vừa khổ vừa khó coi.

Cuộc đời của mỗi chúng ta là một bài pháp vi diệu, mà chính mình phải thân chứng qua sự tu tập. Hãy dừng hết những suy nghĩ lung tung, thương người này ghét người kia, vì nó không thật. Vừa chớm lên một niệm đối đãi là cắt đứt liền để không phải chịu hậu quả khổ đau. Đó là tu ngay nhân. Trong nhà Phật có câu: “Phòng tình khi chưa loạn động”, nghĩa là cẩn thận canh giữ tâm mình trước khi khởi loạn động, đừng để khởi rồi thì không còn kịp nữa.

Ví như bệnh ung thư, khi các tế bào lạ vừa xuất hiện trong cơ thể bệnh nhân, nếu được phát hiện sớm sẽ điều trị dễ dàng. Bằng để nó mọc rễ di căn thì vô phương cứu chữa. Cũng vậy, một vọng tưởng lạ mình tạm gọi là vọng tưởng ung thư, rất nguy hiểm. Nó vừa nhú lên phải cắt liền. Dùng trí tuệ Bát-nhã chặt đứt, quán chiếu ngũ uẩn giai không, đừng để vọng tưởng ấy dẫn đi sâu vào tâm thức, tạo thành nghiệp. Đây là pháp tu có tỉnh lực cao mà ít phí sức.

Tại sao chúng ta không quán chiếu và trừ từ gốc nghiệp của mình? Có người hay hờn, người hay giận, người hay lo sợ, người hay tính toán, suy nghĩ lung tung… Tất cả đều từ gốc tham, sân, si mà ra. Khi chúng ta nhận ra có một tế bào vọng tưởng nhú lên, thấy bất an liền cắt bỏ. Nếu nuôi dưỡng những tế bào độc hại này, nó sẽ nội kết và biến thành ung thư. Ung thư của thân thì khổ một đời, còn ung thư tâm thì khổ vô lượng đời.

Chúng ta hãy tha thiết và khẩn trương quán sát lại mình. Đây là pháp tu cơ bản nhất của nhà thiền “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc”. Đức Phật đã dạy mạng sống chỉ trong hơi thở mà thôi. Cho nên không còn thời gian để mình hứa hẹn. Hãy xem cảnh duyên bên ngoài là chuyện nhỏ, những oan trái phải đối diện cũng chỉ là chuyện nhỏ. Sự tu tập để chuyển nghiệp, thắng được nghiệp mới là quan trọng. Khi đã chuyển nghiệp thì tất cả mọi oan trái đều được giải quyết tốt đẹp.

Nhân duyên được làm người, gặp gỡ, cùng chia sẻ với nhau giáo lý Phật dạy là phước báu vô lượng mà chúng ta đã gieo trồng nhiều đời. Vậy tại sao không trân quý trí tuệ và lòng yêu thương trong mỗi chúng ta, lại đi ôm giữ phiền não người này người kia, tính toán hơn thua đủ thứ, để rồi mất hết gia bảo nhà mình. Đó là điều vô cùng đáng tiếc, vô cùng oan uổng.

Hạnh phúc của con người không phải là sự được mất hay thương ghét. Hạnh phúc có nghĩa là sự như ý. Cái như ý này không phải là như ý của ngoại cảnh, mà là như ý của bản thân. Như ý này chính là sự biết đủ, là trí tuệ và tình yêu thương chân thật. Ai bảo rằng đức Phật không có tình thương? Chẳng những đức Phật có tình thương, mà tình thương còn vô cùng rộng lớn nữa. Ai dám nói rằng mình có tình thương? Nếu có tình thương thì sao ta lại làm khổ mình, khổ người. Nếu vì thương mà ta làm người khác phải khổ thì đâu còn là thương. Chúng ta thương mình mà sao bản thân cứ dằn vặt, khổ sở chuyện này chuyện kia, cứ phiền não, cau có, gây gổ… Rõ ràng chúng sanh bị nghiệp vây khốn, hành hạ mà không hay.

Trong “Lục độ vạn hạnh” tức sáu Ba-la-mật, trí tuệ Ba-la-mật là chủ đạo, đồng hành cùng năm Ba-la-mật còn lại. Cho nên, soi thấy năm uẩn đều không là trí tuệ Bát-nhã mới soi thấy được. Nghiệp tập cũng như thế, phải nhờ đến trí tuệ Bát-nhã mới chiếu phá và chuyển hóa nổi. Nhiều khi chúng ta hiểu sai, lại cho là mình hiểu đúng. Nếu có người chỉ cho thấy cái sai rồi, nhưng vì sĩ diện tự ái ta cố tình không chấp nhận. Đây là nghiệp si quá dày, dở lắm, phải bỏ đi.

Nếu không có những năm tháng học hỏi Phật pháp, những năm tháng ứng dụng tu tập thì hôm nay chúng ta đã không ngồi đây. Sở dĩ mình đủ duyên có mặt trong đạo tràng là nhờ vào nghiệp thiện dẫn dắt. Có thể chúng ta đã từng tu tập từ những đời trước, nhưng tu chưa xong, vừa tu vừa chơi. Vì vậy bây giờ còn hơi luộm thuộm, phải tiếp tục tu nữa, bao giờ thành tựu giác ngộ giải thoát mới xong. Cho nên cần nuôi dưỡng tâm Bồ-đề, không vì bất cứ lý do gì quên mất đạo tâm, thối chuyển trên bước đường tu hành. Có thế mới mong ra khỏi biển khổ trầm luân sanh tử.

Là người con Phật, chúng ta hãy sống cho hết lòng, sống như lời Phật dạy, phải có trí tuệ và tình yêu thương. Chúng ta học Phật để biết cách yêu thương. Đức Phật nhờ biết yêu thương nên có đủ tâm lượng rộng lớn để yêu thương tất cả chúng sanh. Chúng ta không thể yêu thương được như đức Phật bởi vì tâm chúng ta quá nhỏ bé, chỉ có thể chứa được một số người, lại còn bị ngăn trở bởi những vật lạ. Vì vậy, phải tu tập để tâm bung ra, bình thường như thuở ban đầu. Tâm bình thường tức là tâm không. Tâm ấy vốn không hình không tướng, là chân thật, không sanh không diệt. Cho nên Phật nói “Bình thường tâm thị đạo”.

Chúng ta không nên hạn cuộc thời gian tu tập trong thời khóa, mà phải ứng dụng lời Phật dạy trong mọi thời mọi lúc, lấy đó làm gốc của sự tu tập. Chánh pháp chính là người thầy dẫn đường cho chúng ta. Nỗ lực công phu từng phút từng giây, điều này sẽ giúp ta có được năng lực chuyển hóa nghiệp, đem đến an lạc cho mình và mọi người. An lạc chính là phần thưởng xứng đáng nhất của người con Phật sau khi tu tập.  

Mục Lục