Xuân Phụng Hoàng Tập 2 (2005)
Lễ Phổ Trà Bính Tý Đinh Sửu
Hôm nay không phải buổi giảng mà là buổi tất niên, cho nên trước tôi nói chương trình theo thứ lớp cho quí vị nhớ. Thứ nhất là chúng ta niệm Phật cầu gia bị. Thứ hai là Quản chúng Tăng trình bày cho biết thêm về sự tu hành qua một năm của chư Tăng tại Thiền viện. Kế đó là báo cáo của Quản chúng Ni cũng qua một năm tu hành của Ni chúng tại Thiền viện. Sau đó tôi sẽ có lời rút tỉa kinh nghiệm nhắc nhở thêm cho Tăng Ni. Về phần Phật tử có ai đại diện không? - Có. Ờ, vậy tốt. Sau phần trình bày của Tăng Ni rồi thì một vị đại diện cho Phật tử ở Ðà Lạt nói sơ cho biết tình hình tu hành của Phật tử. Tiếp đến là phần tôi nhắc nhở tu. Sau phần nhắc nhở tu mới tới phần khai mạc uống sữa tất niên. Trong khi uống sữa đó, tôi có đặt ba câu hỏi dành cho Tăng Ni. Tuy nhiên, bên Tăng thì trừ Quản chúng và Phó Quản chúng, bên Ni cũng trừ Quản chúng và Phó Quản chúng khỏi trả lời, vì mấy người đó thuộc lòng rồi. Còn mấy người dưới tôi muốn thử coi học hành khá hay không, cho nên quí vị dưới phải trả lời. Trong ba câu, nếu bên Tăng trả lời hai câu đúng rồi thì câu chót phải là bên Ni, chớ không có tránh né chờ đợi nữa. Trả lời xong, tôi sẽ giải thích thêm ý nghĩa trong ba câu hỏi đó. Sau đó uống ly sữa cạn rồi là bế mạc, hết tất niên. Có quí Phật tử ở lại tới mười hai giờ để đón giao thừa thì chư Tăng phải kiếm cái gì lót lòng cho quí vị, để thức khuya quá xót ruột. - Bạch Thầy, quí Phật tử xem phim. - Xem phim nhưng cũng phải có cái gì trong bụng, không thôi đói chết. Phật tử ở lại đây với chư Tăng xem phim tôi đi Hà Nội, lên núi Yên Tử và ba buổi giảng tại Hà Nội, cho quí vị thấy sanh hoạt ở ngoài đó. Vậy phần xem phim và lễ đón giao thừa giao cho Quản chúng Tăng chịu trách nhiệm. Còn tôi xin rút lui vì không thức khuya được, thức khuya thì suốt đêm không ngủ, nên giao lại cho Quản chúng. Buổi tất niên hôm nay như vậy, nói cho tất cả Tăng Ni và Phật tử biết. Thôi giờ bắt đầu niệm Phật. Nam-mô Phật Bổn sư Thích-ca Mâu-ni. Bắt đầu bên chư Tăng nói trước. Nhưng tôi nhắc lại ý nghĩa báo cáo. Ở thế gian người ta báo cáo công ăn việc làm, sanh hoạt của họ, còn mình ở đây chỉ trình bày sự tu của chư Tăng chư Ni tiến hoặc lùi thế nào. Trình bày rõ ràng để tôi nghe, cũng như tất cả Tăng Ni, Phật tử cùng thông cảm, để rồi khuyến khích nhau tu tiến nhiều hơn khi bước sang năm tới. (Thầy Quản chúng nội viện Tăng) Kính bạch Thầy, Kính thưa Ðại chúng, Vâng lệnh Thầy con xin báo cáo về những ưu và khuyết điểm trong việc tu hành của chư Tăng tại Thiền viện một năm qua. Trong năm qua, xét về việc tu hành trong chúng, về ưu điểm có những điều đáng mừng. Có những huynh đệ khi nỗ lực công phu tu tiến đã được niềm vui trong lúc tu hành, nhất là những vị có duyên nhập thất. Tức là sau thời gian công phu hằng ngày huân tập, đến duyên được vào trong thất, được rảnh rang dồn hết công phu thì có được những niềm vui đáng mừng. Ðồng thời cũng có huynh đệ tuy cũng nỗ lực nhưng do tập khí riêng nên gặp một vài trở ngại, trục trặc. Tuy nhiên, xét chung thì các huynh đệ đều có những bước tiến tốt. Có vị có những bước tiến đáng kể, tuy rằng chưa phải là những bước viên mãn sau cùng nhưng cũng là niềm khích lệ trên đường tu để có đủ niềm tin vững vàng mà tiến bước. Ðó là điểm ưu. Còn về phần khuyết điểm, bên cạnh cái tốt đó vẫn còn những điều dở. Một vài huynh đệ do tập khí cũ nên có khi cũng không làm chủ được. Do đó đã để tập khí làm chủ mình, nhất là những tập khí nóng nảy, thể hiện ra vẻ mặt hoặc phát thành lời nói. Ðó cũng là phần khuyết điểm còn hiện ra quá thô. Hoặc có những huynh đệ về oai nghi nề nếp còn thiếu sót, hời hợt. Bởi vì các huynh đệ đó quan niệm tu thiền là không quan trọng hình thức nhiều, rồi cũng quên và hời hợt để cho phóng tâm, nên trong oai nghi đôi khi bất giác có những cử chỉ, lời nói hơi thô động. Cũng như trong khi sống chung với nhau, một vài huynh đệ chưa làm chủ được mình, chưa tự điều phục được nên cũng có đôi lúc làm phiền lòng nhau. Nói chung, bên cạnh cái hay cũng còn cái dở. Nhìn chung trong một năm qua, phần lớn các huynh đệ đều có nỗ lực, có những bước tiến, trong đó một, hai vị có những bước tiến vượt lên tốt. Ðó là niềm khích lệ cũng như đáp đền lại một phần nhỏ lòng mong mỏi của Thầy đối với đại chúng. Hôm nay vâng lệnh Thầy, con kiểm qua phần ưu và khuyết điểm ở trong chúng, kính trình lên Thầy chứng minh. (Ni sư Quản chúng nội viện Ni) Kính bạch Thầy, Kính thưa quí Thầy, quí Cô cùng tất cả Phật tử. Hôm nay con vâng lời Thầy kính trình lên Thầy sự tu học của nội viện Ni chúng con trong một năm qua. Kính bạch Thầy, chúng con cũng có những phần ưu, và bên cạnh đó vẫn còn các điều khuyết. Con xin trình bày để Thầy xét. Về phần ưu, con thấy huynh đệ chúng con đối với tinh thần lục hòa năm nay tương đối khá. Nhưng trong phần ý hòa vẫn còn thiếu sót. Tuy vậy, so với những năm trước chúng con có tiến hơn. Về thời khóa tu học, tọa thiền, sám hối, làm việc và thọ trai trong chúng rất nghiêm chỉnh. Trừ một vài trường hợp đặc biệt các huynh đệ mới vắng mặt. Ðiều đó con cũng thấy mừng. Ðó là phần hình thức tu hành của chúng con. Về tinh thần tu thì năm nay có các huynh đệ nhập thất, được vào thất rất là vui mừng. Khi vô thất nỗ lực hạ thủ công phu nên cũng có kết quả tốt và quí vị đã ra trình với Thầy. Ðồng thời huynh đệ cũng bày tỏ niềm vui sướng của mình trong thời gian nhập thất hạ thủ công phu với con. Ðiều này làm cho con rất an lòng, và con cũng có chút hi vọng là nếu tất cả huynh đệ đều có ý chí quyết tu và nỗ lực được như vậy thì chúng con cũng có chút phần nào đền đáp công ơn của Thầy đã mong mỏi nơi chúng con. Bên cạnh những ưu điểm, phần khuyết điểm tương đối cũng còn. Như thường mỗi năm Thầy có thu thêm chúng, khi nhập chúng, có vị thích nghi được với nếp sống lục hòa, cũng có những vị chưa quen nên hơi lúng túng, từ cái lúng túng đó đôi lúc làm cho con hơi nhọc trí một chút. Con biết đó là sơ suất của tụi con cũng như của chúng chưa thích nghi được. Khuyết điểm nữa là một vài huynh đệ tuy ở đây đã ba bốn năm mà vẫn còn tập khí sâu dày, nên đôi lúc có những lời nói việc làm không phù hợp với nội qui làm cho con thấy khó xử. Nhưng rồi các huynh đệ cũng biết lỗi, tới sám hối với Thầy và sám hối với chúng con. Sau đó huynh đệ lại vui vẻ, tu tiến, điều đó đáng mừng. Một khuyết điểm nữa là năm nay con thấy trong chúng có bốn năm vị phải về thành phố trị bệnh. Vì bệnh kinh niên nên không thể lấy tọa thiền để chữa bệnh được, vì vậy huynh đệ phải xin phép đi trị liệu, mỗi vị ít nhất cũng bảy ngày, mười ngày, nửa tháng... Con thấy trong thời gian đi như vậy đương nhiên mất thời giờ tu hành, tiếp duyên xúc cảnh thường dễ mất mình. Ðó cũng là khuyết điểm của chúng con, không điều phục được cho thân khỏe mà phải đi chữa bệnh như vậy. Lại thêm khuyết điểm nữa là tuy chúng con sống chung với nhau nhưng vì tập khí lâu đời nên đôi lúc tiếp xúc, nói qua lại có những điều chưa thông cảm. Từ ý hòa không giữ được nên sanh ra lỗi lầm làm huynh đệ cũng buồn phiền. Hôm nay con xin kính trình lên thầy những ưu và khuyết điểm đó. Kính mong Thầy thấy chúng con còn những điều gì khiếm khuyết xin Thầy bổ túc thêm. (Phật tử) Kính bạch Thầy, Kính thưa Ðại chúng, Ðược sự cho phép của Thầy và được sự nhất trí của các Phật tử, con xin đại diện báo cáo lên Thầy tình hình tu học của Phật tử Ðà Lạt chúng con trong năm nay. Về đặc điểm, hiện nay Phật tử đến tu học khá đa dạng, thuộc nhiều thành phần, nhiều lứa tuổi, từ nhiều nơi, ở Ðà Lạt và ở các huyện lân cận cũng có. Trình độ nhận thức và tu tập của Phật tử có khác nhau. Về hình thức tu học thì các Phật tử tìm hiểu thông qua việc đọc kinh sách và đến nghe Thầy giảng rồi về nhà nghe lại băng giảng của Thầy. Do không tổ chức tu tập tại chỗ nên việc thực hành của Phật tử có nhiều mức độ khác nhau. Có Phật tử đang tập ngồi thiền từ năm đến mười phút, có Phật tử ngồi ba mươi phút hoặc một giờ, còn hai giờ thì hi hữu. Theo lời kể lại có anh Thi ngồi được hai giờ, số còn lại lúc tiến lúc lùi, không ổn định. Do căn cơ, điều kiện và hoàn cảnh khác nhau nên thời gian tu tập, mức độ kiên trì và niềm vui đạt được cũng khác nhau. Về mặt hình thức thì số lượng Phật tử đến tu học năm nay nhiều hơn so với năm trước. Lễ chúc Tết đầu năm chúng con thấy đạo tràng ngày một thêm đông, không những riêng hai chúng mà cả tứ chúng đều tăng. Như vậy là tứ chúng đồng tu đồng phát triển. Về nội dung thì dù căn cơ, điều kiện túc duyên của Phật tử có thiên sai vạn biệt nhưng đến đây đều có mục đích chung là tu học để tìm cho mình sự an lạc và giải thoát tối hậu. Con lắng nghe và thu thập ý kiến của các bác, các cô, các anh chị thì việc tu tập đã đạt được những kết quả biểu hiện như sau: Một số Phật tử đã phân biệt được thế nào là chánh tín và mê tín, những hình thức lạc hậu từ nay bỏ hẳn, ví dụ như đốt vàng mã... Ðiều đó góp phần làm chính danh và sáng tỏ đạo Phật qua sanh hoạt và nếp sống của những người Phật tử hiểu đạo và biết tu. Theo nguyên tắc căn bản của tam vô lậu học giới, định, tuệ thì các Phật tử đã nỗ lực giữ gìn năm giới cấm, đem lại hạnh phúc cho mình, gia đình và xã hội. Vì xã hội càng văn minh vật chất tinh vi về khoa học kỹ thuật thì đạo đức thường bị băng hoại. Nếu không biết giữ gìn, phát triển văn hóa và đạo đức thì rất nguy hiểm, lòng người nhiều bạo động thậm chí phi nhân tánh. Ví dụ gần đây ở Lâm Hà, cách nơi này khoảng bốn mươi cây số, xảy ra vụ án giết hai mạng người, mà thảm khốc thay, con lại giết mẹ chặt mấy khúc thật là thương tâm! Nguyên nhân sâu xa là lòng người bạo động không biết đến đạo đức, không chịu tu tập và không chịu giữ gìn năm giới cấm. Ðứng về mặt nhân quả mà nói thì đây có lẽ là nhân quả nhiều đời, nay đã đến lúc hoàn trả. Ðiều đó làm chúng con nhớ tới lời Phật dạy: Giả sử bách thiên kiếp Về phương pháp tu học thì chúng con nhận thấy Thầy sử dụng phương pháp “Thiền giáo song hành” là phù hợp. Chúng con vừa tu tập, vừa nghe Thầy giản trạch kinh luận. Nhờ vậy mà Phật tử chúng con mới có thể dễ dàng tiếp cận và thực tập được. Không giản trạch kinh luận thì chúng con không có phương tiện để làm tư lương trên bước đường học đạo. Ba phương pháp giáo hóa: thân giáo, khẩu giáo và ý giáo đều được biểu hiện rõ ràng qua sự an lạc và hiền từ ở nơi Thầy. Cho nên đến Thiền viện gặp Thầy chúng con đều được thấm nhuần ân đức từ Thầy tỏa ra. Nhìn phong thái của Thầy, nghe tiếng giảng khoan thai, rõ ràng của Thầy là chúng con đã thấy an lạc rồi. Vì vậy bất cứ Phật tử nào đến đây tu học đều gặt hái ngay tức thì kết quả an lạc đó. Tóm lại sau một năm tu học, chúng con có tiến bộ hơn trước, mặc dù trong quá trình tu và đến nghe giảng có một số Phật tử không được thường xuyên, đều đặn vì nhiều nguyên nhân hoàn cảnh. Nhưng chúng con tin tưởng rằng có đi thì có tới, có trồng cây thì có ăn quả, có đến đây là có phần dự vào sức mạnh của tăng thân vì đại chúng rất quan trọng. Nhờ có đại chúng mà mỗi người có thể duy trì và thúc đẩy sự tinh tấn của mình trên đường tu. Về phần kiến nghị thì một số Phật tử có ý kiến xin Thầy cho phép được tham vấn từ năm đến mười phút sau mỗi buổi giảng, vì có một số Phật tử đôi khi thắc mắc mà không hỏi được và không biết hỏi ai. Về hình thức tham vấn có thể ghi vào giấy hoặc hỏi trực tiếp để khỏi làm mất thời gian quí báu của Thầy. Năm cũ sắp kết thúc, chỉ còn vài giờ nữa là đón giao thừa, người trần gian già thêm một tuổi, quãng đường còn lại cũng ngắn hơn một đoạn. Lẽ vô thường chuyển dịch không ngừng, chỉ có sự tinh tấn mới vượt qua bờ giải thoát. Kính chúc Thầy và đại chúng thường an lạc. (Hòa thượng) Phần báo cáo về sự tu hành của Tăng Ni và Phật tử đã xong. Bây giờ tôi có ít điều nói cho tất cả quí vị biết rõ và nhớ. Thật ra, năm vừa qua đối với tôi có những cái gọi là bất ngờ. Bất ngờ đây là điều mà trong nhà thiền thường chỉ cho cái bất chợt hay là bỗng dưng xảy đến, có khi rất thích hợp với đạo lý, cũng có một ít điều không hay. Trước hết tôi nói tổng quát cho quí vị thấy rõ bước tiến tu hành của Tăng Ni và Phật tử. Riêng Phật tử Ðà Lạt, tôi chưa thấy được bao nhiêu bài nói về chỗ “bất chợt” đó, còn các nơi thì có gởi về nhiều. Tôi nhớ có một hai người trình với tôi tương đối thấy cũng tốt. Giờ nói riêng về Tăng Ni. Qua một năm rồi tôi được chư Tăng chư Ni trình lên những bước tiến mà ngày xưa tôi không hề ngờ nó có thể đến một cách dễ dàng như vậy. Ngày nay trong số Tăng Ni tu, những bước đột biến đã xảy ra, mà xảy ra rất là đáng kể. Chỉ trong một năm mà ở Thiền viện mình có thể có hơn mười người khóc và cười, nói hơn mười người chớ thật là khoảng hai mươi người. Khóc và cười đối với người tu thiền có chỗ quan trọng. Lúc mình tu, thấy được một điều gì, hay là thực hiện được điều mà ngày xưa mình không bao giờ nghĩ nó có thể đến, giờ bất chợt nó đến, tự nhiên không thể nào ngăn được dòng nước mắt - mừng mà khóc - hoặc không thể nào ngăn được cái cười vì vui, vui cả ngày. Thật ra không phải là quí vị đó chỉ cười khóc trong lúc nhập thất hay trong khi có những cảm trạng đặc biệt đó, mà đến khi lên trình với tôi, cái khóc cái cười cũng vẫn còn. Như vậy chứng tỏ rằng sự tu hành của Tăng Ni năm này vượt hơn năm rồi gần năm mươi phần trăm. Sự vượt bậc đó tôi chứng kiến rõ rệt. Ðây là nỗi mừng lớn của tôi. Chúng ta là người quyết tu, nhưng tôi xin nói thật, đối với tôi ngày xưa, khi tu tôi cũng không ngờ có thể xảy ra được những điều tôi chưa bao giờ dám nghĩ. Khi nó xảy ra rồi tôi cũng tin rằng do túc duyên nhiều đời của mình nên mới được vậy. Từ đó tôi hướng dẫn Tăng Ni tu, nhưng qua bao nhiêu năm sao thấy mọi người vẫn trì trệ chưa có được kết quả gì sáng sủa. Tôi hơi buồn, nghĩ rằng có lẽ đây chỉ là duyên của mình. Vậy thì những người chung quanh không có duyên sao? Nên tôi ngờ, đâm ra nghi ngờ điều mình chỉ dạy, hướng dẫn người ta e không có kết quả. Nhưng những năm gần đây, kết quả đó đã xảy ra, thể hiện qua nhiều người từ các Thiền viện lên trình cho tôi. Nên tôi có niềm vui, tin tưởng rằng đường lối mình hướng dẫn Tăng Ni tu đã có kết quả chút ít. Ðến năm này thì gần như nó hơi muồi nên có kết quả rần rộ hơn. Ở đây tôi chỉ nói kết quả mà không nói ai. Ðiều này có lý do, sau tôi sẽ giải thích. Kết quả rần rộ hơn chẳng những ở đây, mà về dưới kia, khi đi thăm các vị nhập thất, qua sự trình bày của họ tôi thấy rất hoan hỉ. Không những Tăng Ni trình bày sự tu hành tiến bộ đáng mừng mà luôn cả Phật tử. Nhiều lá thư trong và ngoài nước gởi đến cho tôi, diễn tả kết quả tu hành của họ thật đáng khích lệ. Bởi vậy nên năm này tôi rất hoan hỉ về đường hướng mà tôi hướng dẫn Tăng Ni Phật tử tu, gần xa đều có được kết quả. Thật ra, những người tu có kết quả đó chỉ đến trình với tôi chớ ít dám nói cho huynh đệ biết, vì nói ra sợ người ta cho là mình khoe. Cho nên chỉ mình tôi được tin tức đó, còn đa số không biết. Vậy trong giới tu sĩ, Tăng Ni năm nay tu có những bước tiến đáng mừng, vượt hơn năm rồi trên năm mươi phần trăm. Rồi số cư sĩ đã trình với tôi năm nay cũng vượt hơn những năm trước, thư gởi về rất nhiều. Nhưng bữa nay vì tánh cách nội bộ, tôi không trưng đọc những bài kệ và thơ của những người ấy trình. Có lẽ dành bữa mùng ba tới ở Thường Chiếu, tôi sẽ trưng ra những bức thư, những bài kệ để cho tất cả Phật tử phấn chấn hơn, tu hành tiến bộ hơn. Ở đây có tánh cách nhắc riêng Tăng Ni trong nội viện và một ít Phật tử ở Ðà Lạt thôi. Vậy nên tôi nói tổng quát chớ không đi vào chi tiết. Như vậy, năm này nhìn lại phần tu tiến của Tăng Ni rất đáng vui mừng, nên có thể nói là năm nay tôi vui nhiều. Nhưng nói vậy không phải tất cả đều là vui hết, vẫn có những điều bất ngờ xảy ra làm tôi cũng muốn điên đầu. Có lúc tôi cũng hơi buồn, nghĩ rằng mình đem hết tâm tư để nhắc nhở Tăng Ni tu, làm điều lành, điều tốt đối với đạo, mà tại sao lại có những trục trặc làm mình phải bận tâm như vậy. Nhưng rồi tôi tự thấy rõ là có một lý do. Quí vị thấy đức Phật tu bao nhiêu kiếp rồi mà tới đời cuối cùng lúc gần thành đạo lại có bao nhiêu thứ ma vương tới quấy nhiễu. Vậy là Ngài thiếu đức hay thiếu khả năng tu hành mà bị quấy nhiễu? Chẳng qua là như trong nhà Phật thường nói mình tu càng cao thì sự phá phách càng mạnh, tôi biết như vậy, vì những trở ngại đó làm cho mình phải giật mình, ngỡ rằng không bao giờ có mà bây giờ có. Lúc đó tôi cũng hơi buồn, nhưng rồi xét kỹ lại, tôi thấy chính những trở ngại đó là bước tiến của Tăng Ni. Nếu mình tu không ra trò trống gì thì chắc không ai phá mình chi. Như câu chuyện dẫn trong Luật Sa-di: Thuở xưa, có một ông thầy ở bên cạnh hồ sen. Thầy đi kinh hành, ngửi mùi hương sen thơm, tỏ vẻ ưa thích, liền bị ông thần giữ hồ hiện ra quở: - Tại sao thầy tu hành mà còn ăn cắp mùi hương của hồ sen tôi? Ông thầy nhìn xuống hồ thấy có người đang lội xuống bẻ bông và nhổ ngó sen, bèn trách lại thần hồ: - Tôi chỉ ngửi mùi hương, có hư hao gì hoa sen đâu. Người ta bẻ bông nhổ lấy ngó, sao ông không nói gì hết mà lại rầy tôi? Ông thần nói: - Người tội nhơ đầy đầu, tôi không nói đến. Ngài là người tu hạnh tốt mà tham đắm hương, hư việc tốt của Ngài cho nên quở rầy. Ví như cái áo đen dù có mấy chục chấm mực cũng không ai cần hỏi đến, còn cái áo trắng chỉ cần một điểm đen người ta cũng thấy liền. Như vậy, người ta thấy một chấm mực là do cái áo trắng. Vì trắng cho nên một chút nhớp nhỏ người ta cũng thấy, có thể trách mình, còn nếu mình đen thui rồi, dù dính bao nhiêu mực cũng không ai thèm để ý tới. Ðể thấy rằng khi người nhiều tội lỗi hoặc tu hành không ra gì, không đáng cho quỉ thần chú ý, thì những chuyện không ngờ đó không xảy ra. Còn khi mình tu có những bước tiến đáng mừng thì có những chuyện không tốt bất thần xảy ra, mình ngừa trước không được. Ðó có thể là do tập khí tham sân si của mình hoặc cũng là sự xúi giục của thế lực bên ngoài, khiến mình phải giải quyết những vấn đề không được tốt đẹp. Do đó tôi mới yên lòng khi thấy Tăng Ni tu tiến lại có những chuyện không hay xảy ra - không hay đây là nó ngoài dự liệu của mình. Thí dụ tôi nghĩ rằng tôi nhập thất một ngày, một tháng, hay một năm, càng nhập thất thì càng khỏe. Nhưng có nhiều huynh đệ nhập thất ít hôm liền khởi bệnh, bệnh miết cho tới ra thất. Ở ngoài không bệnh, vô thất lại bệnh, sao kỳ vậy? Ðiều này làm cho tôi khó hiểu, hay là do mình dạy sai cho nên khi vào thất tu người ta bệnh. Nhưng nếu tôi dạy sai thì ai nhập thất cũng bệnh hết, đằng này chỉ một hai người bệnh còn những người khác lại khỏe. Như vậy, có những cái bất thường xảy đến mà mình không thể biết trước được. Sự tu hành rất là cao quí, nhưng nó càng cao chừng nào, lâu lâu lại có những cái chướng đậm chừng ấy. Bởi vậy, khi những chướng đậm xảy ra, nếu mình không có cái nhìn cho tường tận, có thể sẽ hoảng hốt, nghĩ tại sao lại có chuyện đó. Vậy mà bây giờ có, mới biết tu càng cao thì chướng càng lớn mạnh hơn. Ðó là một thử thách để xem khả năng mình trong lúc tu hành có vượt qua được những khó khăn hay là đầu hàng. Nếu đầu hàng tức là mình thua, còn nếu gặp khó khăn mà vượt qua được là thắng, là thành công. Tôi muốn nói trách nhiệm lãnh đạo và hướng dẫn của tôi đối với Tăng Ni. Nếu gặp những trở ngại như vậy, tôi đâm ra thối chí nản lòng thì sự hướng dẫn này có thể đứt đoạn, kết quả không viên mãn. Nên những việc xảy ra bất ngờ, ngoài sự tưởng tượng của tôi là cơ hội để tôi thấy rằng mình càng cố gắng chừng nào thì sự khó khăn áp lực bên ngoài càng mạnh. Tôi phải cười để tiến lên, để hướng dẫn Tăng Ni vượt qua, chớ tôi không buồn không nản. Vậy việc làm của tôi mới có thể viên mãn. Ðó là chuyện mới nghe tưởng như lạ nhưng khi hiểu đạo lý sâu rồi lại không có gì lạ. Bởi đa số Phật tử cũng như Tăng Ni cứ nghĩ lúc nào mình tu chân chánh, thanh tịnh thì mọi điều tốt và phước lành sẽ đến với mình. Nếu hiểu như vậy là hiểu một chiều. Mình tu hay, tu cao thì sức phá càng mạnh, để cho thấy đạo lực của mình. Chớ nếu sức tu của mình tới một trăm phần trăm mà sự phá chỉ chừng năm mươi phần trăm thì có thấm thía gì với mình đâu. Cho nên, nếu sức mình một trăm phần trăm thì lực phá cũng phải cân đối, ít ra chín mươi chín phần trăm hoặc trội hơn chút ít, vậy mới thấy được sức mạnh của mình, có vượt qua được hay không. Vậy nên đừng ngỡ mình tu thì mọi việc ai cũng thương và giúp đỡ, từ Phật tử đến huynh đệ đều sẵn sàng ủng hộ, cho tới quỉ thần, long thần hộ pháp cũng gia hộ cho mình, nghĩa là mình được an ổn hoàn toàn để đi qua êm xuôi hết. Tưởng vậy nhưng mà không phải. Nếu như vậy thì sự tu của chúng ta sẽ không cứng cỏi, cũng không thật đáng tin cậy. Tại sao? Giả dụ như một con thuyền ở ngoài sông lớn, gặp nước xuôi, không bơi chèo cũng vẫn đi thuận theo dòng nước chảy. Thấy dòng nước thuận và gió thổi thuyền đi mình hài lòng, nhưng như vậy chúng ta có thể biết được khả năng chèo chống của người dưới thuyền đó giỏi hay không? Nếu gió xuôi, nước xuôi thì người chèo chống có gì phải bận, nên không thể nào biết được sức của người chèo chống. Chừng nào gặp gió ngược, nước ngược mà vẫn chèo lên, tiến lên được, mới thấy khả năng chèo chống của người dưới thuyền. Cũng vậy, chúng ta tu mà cái gì cũng xuôi thuận hết, nếu được thành công là thành công trong cái yếu mềm, chưa đáng tin cậy. Phải có những trở ngại, khó khăn xảy đến với mình như một còn một mất, khi vượt qua được rồi thì sức cứng cỏi của mình mới bền vững, lâu dài. Ðó là điều tôi kinh nghiệm, mà chính trong kinh sử cũng dạy rõ ràng như vậy. Cho nên quí vị đừng nghĩ rằng mình tu trong sáng thanh tịnh, giới luật nghiêm trang là mọi việc tốt hết. Không đâu! Có những cái bất ngờ làm mình phải giật mình, vậy mới thấy được sức vươn lên của mình, đạo lực của mình mạnh cỡ nào. Hiểu vậy thì trên đường tu mới có thể bảo đảm không lùi, không thối chuyển. Nếu không hiểu vậy sẽ dễ chán, dễ thối chuyển lắm. Nhất là con ma bệnh, chỉ mình nó quấy nhiễu quí vị cũng muốn thả trôi rồi, phải không? Hồi tu ít thì đau ít, nay tu nhiều đau nhiều, càng tu càng đau, riết rồi đâm ra chán nản, không biết sao tu mà bệnh hoài. Tôi thường nói với Tăng Ni rằng người tu không sợ bệnh, cũng không sợ chết nữa. Bệnh coi thường, cái chết cũng coi thường, huống nữa là chuyện khen chê, hủy nhục, mình đâu có sợ, phải không? Nghĩa là phải cứng như đá chớ không phải như bèo bọt, đụng tới là nát, đụng tới thì tan. Không phải vậy. Chúng ta phải lập chí cho vững, như đá như sắt, để chịu đựng trong mọi trường hợp. Dù cho thân này lát nữa hoại, nhưng mình vẫn còn trí tuệ sáng suốt thì thân hoại vẫn không mất mình. Chính nhờ thân bại hoại nên chúng ta phá được cái chấp lớn nhất của mình là chấp ngã về thân, phải không? Nhờ thân đau bệnh, không ra gì, mình hết muốn gặp nó lần thứ hai lần thứ ba nữa, đó là phá được chấp ngã. Không muốn mang thân đời sau nữa chính đó là giải thoát. Vậy thì bệnh cũng là cơ hội tốt để mình vươn lên. Rồi sự chê bai, huỷ nhục là để phá cái gì? - Ðể phá chấp ngã về tâm. Ðừng nghĩ tâm mình thanh tịnh, sáng suốt là đúng giá trị thật rồi. Cần phải có thử thách. Có khi người ta chửi mắng mình chuyện không đâu, mình không hề biết mà họ có thể làm cho mình hoảng hốt lên. Mình không có những cái xấu mà họ nói ngay mặt mình là xấu là dở, đủ thứ. Nếu bị những chuyện đó mà chúng ta không phiền hà, không buồn giận thì đó là đã phá được chấp ngã về tâm. Như vậy trên đường tu có rất nhiều thử thách. Quí vị thấy một đứa học trò từ khi cắp sách đi học cho tới lên đại học chẳng hạn, có bao nhiêu lần thi? Mỗi lần thi là một lần thử thách chớ gì. Có học trò nào không thi mà được làm tiến sĩ không? Muốn có bằng tiến sĩ thì phải qua bao lần thi. Càng lên cao bài vở càng khó, không thể nào lên cao mà bài vở ở mức lớp ba lớp bốn được. Như vậy, luật của thế gian và trong đạo cũng tương tự. Mình tu khi còn dở yếu thì thử thách đơn sơ thôi, đến khi càng cao, càng cứng cỏi, mạnh mẽ thì thử thách càng đậm hơn, mạnh hơn để xem mình có đủ sức vượt qua hay không. Tuy nhiên, nghe vậy đừng sợ mình tu nhiều gặp thử thách mạnh e chịu không nổi rồi thối lùi. Ðừng nghĩ vậy. Phải chấp nhận thử thách mới có thể thành công trên đường đạo. Nếu không có thử thách thì không bao giờ thành công. Hiểu như vậy quí vị sẽ luôn sẵn sàng chấp nhận. Việc gì đến mình cũng cười, không sợ. Ðược vậy mọi việc đều thắng, nếu có lo sợ tất sẽ thối lùi. Nhiều người nghe nói nhập thất cũng có những trở ngại trong thất, rồi tới phiên nhập thất thì sợ, không biết vô có bị phá không. Ðó là chưa ra quân mà nghe nói giặc mạnh quá rồi rút lui. Vậy là không được. Mình phải phất cờ, chết sống gì cũng chấp nhận, nó phá gì thì phá mình cũng quyết thắng nó. Thà là chết trong trận chớ không thể nghe khó khăn một chút là thối lui. Ðó là ý nghĩa rất quan trọng, tôi nhắc cho Tăng Ni biết rõ để trên đường tu mình không sợ sệt. Những năm qua, Tăng Ni tu vừa phải thì tôi không thấy có những thử thách lớn, không có gì quan trọng xảy ra đối với tôi. Nhưng năm này chư Tăng chư Ni tu hay, tôi mừng. Mừng bao nhiêu thì có những điều xảy tới làm tôi phải giật mình chừng ấy. Quí vị thấy điều đó cụ thể, thực tế, chớ không phải do mình suy nghĩ ra. Bởi vậy, biết đâu những năm tới tu hay hơn nữa thì còn có những điều cay đắng hơn, giật mình hơn. Tôi phải nói trước để chúng ta chuẩn bị. Những năm trước tôi đâu cần đề phòng như vậy. Không cần nói vì nào có gì đáng nói. Chẳng có gì hay thì đâu sợ cái dở. Bây giờ có cái hay thì sẽ có những cái dở tới, để thách đố coi mình vượt qua khỏi hay không. Ðó là những điều tôi thấy rõ ràng xảy ra năm nay. Những chuyện này chỉ mình tôi biết chớ người chung quanh ít ai biết. Và tôi biết đó là những thử thách đáng kể chớ không phải nhỏ. Ðó là phần nhắc nhở cho tất cả quí vị biết tu khó như vậy. Cái khó đó không phải để hại mình mà là cơ hội để mình vươn lên. Nhờ khó mình mới thành công, nếu dễ chắc mình lôi thôi suốt một đời không ra gì hết. Vậy nhắc cho Tăng Ni biết, cố gắng chuẩn bị năm tới vươn lên hơn. Phần kế, tại sao Tăng Ni ở đây tu hành tiến bộ mà tôi không dám nói người nào đã tiến thế nào. Quí Phật tử nghe cũng lấy làm lạ, sao Thầy không nói để mọi người biết thầy đó cô đó tu hay như vậy. Bởi vì tôi còn e ngại - nói sợ thì hơi quá đáng - còn e ngại tập khí của con người khó mà lường nổi. Tập khí là gì quí vị biết không? Ðó là những thói quen đã nhiều đời nhiều kiếp mình tạo ra. Tôi nhớ hồi học trong kinh có kể câu chuyện: Tổ Ca-diếp đã đắc quả rồi, một hôm có chư thần Càn-thát-bà đánh nhạc trời cúng dường. Nhạc của Càn-thát-bà là hay nhất, đánh lên cả bầu trời rung vang theo. Ðang ngồi bình tĩnh, nghe nhạc một hồi ngài Ca-diếp đứng dậy múa theo điệu nhạc. Ngài là người khổ hạnh đệ nhất trong các đệ tử lớn của Phật, mà tới chừng nghe tiếng nhạc hay quá đứng dậy múa theo. Như vậy là hết uy nghi của một vị Tỳ-kheo, của vị A-la-hán đắc đạo rồi. Sau hỏi lại, Phật nói đó là tập khí của ngài Ca-diếp vì có nhiều đời Ngài làm nhạc công. Tuy đời nay tu không còn ca múa nhưng nó còn thấm đâu trong đó nên gặp là trỗi dậy. Bởi vậy tôi hơi ngại, Tăng Ni mình có những chủng tử hồi xửa hồi xưa không biết làm cái gì đó. Nếu bây giờ nói thầy này, cô này được điều này hoặc thấy điều kia, rồi mai kia gặp duyên gì đó, đứng dậy mà làm kiểu ấy, người ta sẽ nói: “Ðó, Thầy nói người đó tu hay mà nay múa hát lung tung.” Thôi thì khổ! Mình bây giờ đâu có Túc mạng thông để biết đời trước họ ra sao. Do vậy, tôi chỉ nói đại khái chớ không dám kể tên. Kể tên quí vị chú ý quá, lỡ có gì mất uy tín. Ðó là lẽ thật mà tôi đã biết. Cho nên trên đường tu có nhiều cái mình phải dè dặt. Không phải một khi chúng ta biết mình có tánh Phật, biết được Ông chủ rồi thì mọi việc đều suôn sẻ hết. Không phải đâu! Biết được là một bước tiến, bao đời mình khao khát mà chưa nhận được, giờ nhận được là quá mừng rồi. Nhưng còn tập khí muôn đời nữa, gột rửa cho thật sạch thì cũng nhiêu khê lắm, lâu lắm chớ không phải mau. Trong thập lực của Phật, lực cuối cùng là “Tri vĩnh đoạn tập khí trí lực”. Tới thành Phật rồi, thành tựu cái lực chót mới đoạn hết tập khí. Vậy nếu chưa thành Phật thì sao? Hết chưa? - Chưa thành Phật thì tập khí vẫn còn, ở mức độ mạnh hay yếu chớ không thể hết liền. Nhiều người thiếu dè dặt, nghe đệ tử tu có điều gì hay bèn vội vàng khoe, tới chừng lộ cái dở ra thì thiên hạ buồn, thối chí. Bởi vậy nên tôi chỉ nói cho quí vị biết sự tu tiến của Tăng Ni cũng như Phật tử rất đáng khích lệ, nhưng tập khí thì chưa biết ai dày ai mỏng, người nào có tập khí gì? Thí dụ những người trước từng làm tướng làm quan thường có tập khí gì? - Nóng giận, phải không? Ðộng tới là muốn hét lên. Còn người ngày xưa là nhà giàu, buôn bán, tiền bạc nhiều, nay nghe nói buôn bán là muốn hưởng ứng theo, tính toán liền. Vì vậy khó mà biết tập khí muôn đời của mình. Vậy, chúng ta tu tiến là đáng mừng, nhưng còn phải dè dặt, phải phòng ngừa tập khí của mình. Người nào cũng phải chăm chăm đề phòng nó. Nó vừa hiện ra là mình phải biết để chặn lại, chớ không khéo nó trổ tài ra thì mình thua. Người ta sẽ cười rằng mình nói khoác chớ không có lẽ thật. Lúc đó nói Chân tâm, Phật tánh... gì gì người ta đều không tin. Ðiều này hết sức khó, vậy nên chư Tăng chư Ni phải cẩn thận trong vấn đề đó. Phần nhắc nhở của tôi đã xong. Kế là phần gì? Bây giờ uống gì tất niên? Chắc bữa nay cũng được một ly cà phê sữa tất niên. Thôi ban hành đường bên nào lo bên ấy, để Tăng Ni và Phật tử uống một chút cho đúng ý nghĩa ăn tất niên. Nãy giờ, về Phật tử Ðà Lạt, tôi chỉ nói sơ mà không nói thực tế. Bây giờ tôi xin đọc một bài thơ của một Phật tử Ðà Lạt cho quí vị nghe, xem có tiến bộ nhiều ít. Bài thơ có tựa là CON ÐÃ GẶP Năm mươi năm con mới gặp Người, Bây giờ mỗi người được một ly sữa, quí vị không có quyền uống liền nghe. Chừng nào nghe tôi hỏi, có vị nào trả lời được tôi cho là đúng thì vị đó được khai mạc bữa tất niên, rồi quí vị mới bắt đầu uống sữa. Ở đây quí vị khỏi phải khiêm nhường, trừ bốn người tôi đã nói hồi nãy ra, còn bao nhiêu đều có quyền trả lời. Ðừng theo cái nếp bên Ni nhường cho bên Tăng hoài. Khi tôi hỏi, vị nào biết cứ đưa tay, rồi trả lời tôi nghe thử coi. Mấy câu hỏi này dễ lắm, không có gì khó hết. Trong khi chờ đợi tôi nhắc ít điều cho quí vị nhớ. Tất cả chúng ta thật có phước duyên lớn nên được tu hành trong pháp hội êm ấm thế này. Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta ít phước ít duyên thì có lẽ đời tu mình không bao giờ lóe thấy một tia sáng. Ngày nay phước duyên cũng khá sâu dày, nên Tăng Ni tu lâu lâu có những lóe sáng. Hồi xưa, lúc mới tập ngồi thiền, tôi nghĩ nếu mình ngồi được hai tiếng, thì coi như kết quả “tối thượng” rồi. Tôi lại nhớ đến đức Phật Thích-ca chúng ta, khi ngồi tu dưới cội bồ-đề, ngót bốn mươi chín ngày đêm, đến đêm bốn chín Ngài giác ngộ. Tôi chợt nghi, bốn mươi chín ngày đêm đó Phật ngồi luôn, hay Ngài phải đi tới đi lui giải quyết những vấn đề bình thường của con người. Vì mình đâu bao giờ ngồi được thời gian dài, nên không hiểu nói bốn mươi chín ngày đêm đó là nói thế nào, có ý nghĩa thật hay chỉ có tánh cách biểu trưng. Rồi thỉnh thoảng tôi đọc sử thấy có vị Thiền sư tọa thiền một lần bảy ngày bảy đêm mới xả. Tôi mới đặt câu hỏi, ngồi bảy ngày bảy đêm rồi bao tử không làm việc sao? Nếu nó làm việc thì đói chịu sao nổi? Các bộ phận khác không làm việc sao? Nếu làm việc thì làm sao ngồi một chỗ được? Ðó là những cái nghi, nghĩ rằng chắc việc đó rất là khó, không biết làm sao mình có thể tin. Nhưng từ những năm cho Tăng Ni có thời giờ tu, nhất là được nhập thất chẳng hạn, thì giải được cái nghi đó cho tôi. Bởi vì Tăng Ni ở đây tôi không bắt buộc ngồi nhiều, cũng không bắt buộc quên ăn bỏ ngủ, vậy mà vẫn có những người ngồi một mạch bảy tám tiếng, có người ngồi cả mười tiếng hoặc hơn. Vậy đặt câu hỏi, nếu ngồi mười tiếng đồng hồ thì sao? Các bộ phận trong cơ thể có hoạt động không? Nếu nói về ăn uống thì mười tiếng đồng hồ là đói, thế nhưng không đói. Rồi mọi nhu cầu khác cũng không có gì xảy ra hết. Chúng ta ngồi mới hai tiếng mà cái chân cũng muốn đau rồi, ngồi tới mười tiếng nó đau tới cỡ nào. Hồi xưa tôi nói nhiều người không tin. Tôi nói mới tập ngồi thiền nhiều lắm là nửa tiếng, lần lần tăng lên, mỗi lần tăng năm mười phút là cay đắng, đau nhức ghê gớm lắm. Nhưng nếu ai lên được hai tiếng sẽ hết tê chân. Mình lấy làm lạ, lẽ ra ngồi lâu thì tê nhiều, không ngờ thật tình tới hai tiếng nó hết tê. Từ hết tê, mình mới thấy chỗ đặc biệt. Bộ máy của mình cũng khôn ngoan lắm, không sử dụng chỗ này, nó sử dụng chỗ khác, thành ra máu huyết cũng lưu thông chớ không bị tê. Từ đó tôi thấy không phải ngồi nhiều tê chân mà tại vì mình chưa thuần thục nên ngồi mới tê. Rồi bước qua chuyện ngồi suốt bao nhiêu tiếng mà không ăn không uống thì sao? Giờ thấy một số Tăng Ni ngồi một mạch bảy tám tiếng, có khi cả mười tiếng hơn mà vẫn bình thường không có gì hết. Vậy mới thấy rằng trong khi tu, tâm mình đã an định rồi thì có những điều mình không dám nghĩ mà nó có thể được. Nghĩa là không còn ở trong trạng thái bình thường như trước nữa, mà có thể không cần ăn, không cần uống, rồi cũng không cần tất cả những nhu cầu khác mà vẫn an nhiên, tự tại trong thời gian dài như vậy. Ðó là kinh nghiệm qua bao nhiêu năm hướng dẫn Tăng Ni. Nhiều khi Tăng Ni có người ngồi thiền hay hơn tôi nữa chứ! Có thể họ ngồi một mạch bảy tám tiếng, còn tôi ngồi hai tiếng hay hai tiếng hơn thôi, không lên nữa, vì tôi không cố ngồi cho nhiều. Tôi ngồi có chừng mực, lấy đó làm căn bản, còn bao nhiêu việc phải làm nữa. Còn chư Tăng chư Ni lúc nhập thất tha hồ ngồi, phải không? Ngồi kéo dài bao lâu cũng không sao, không ai rầy rà gì nên ngồi một cách tự tại, thoải mái. Có người ngồi quên ăn sáng, quên ăn trưa luôn. Như vậy để thấy chúng ta nhờ tu nên có sức mạnh, gọi là đắc lực. Ðắc lực là được sức mạnh chớ có gì đâu. Có sức mạnh rồi, mình có thể làm chủ con người mình, khiến nó theo ý muốn của mình, đó là chỗ đặc biệt của sự tu. Có tu rồi mới tin được lời của người xưa nói hay những việc làm của người xưa. Còn không tu chúng ta cứ lý luận, suy gẫm theo mình. Căn cứ mình để suy luận thì trật hết, không trúng, điều đó rõ ràng như vậy. Thôi bây giờ bắt đầu câu hỏi. Quí vị nào lanh trí thì đưa tay trước. Câu hỏi thứ nhất, dễ lắm: Những người cư sĩ nào ở Ấn Ðộ, Trung Hoa, Việt Nam được giới Tăng sĩ nể trọng nhất? Rồi, ai nhớ thì đưa tay lên. Ờ, Hạnh Duyệt nói coi: - Kính bạch Thầy, kính thưa quí Thầy, quí Sư cô, theo con biết qua những lời Thầy dạy, ở Ấn Ðộ có ngài Duy-ma-cật, ở Trung Hoa có ông Bàng Long Uẩn, ở Việt Nam có Tuệ Trung Thượng Sĩ, là những người cư sĩ được Tăng Ni biết nhiều. - Kính trọng nữa chứ, đâu phải chỉ biết không. - Dạ, kính trọng. - Ờ trúng rồi, thôi bắt đầu uống sữa đi, uống khai mạc cho tất cả cùng uống. Câu hỏi dễ quá, đâu có khó. Tôi hỏi câu đó để cho tất cả quí Phật tử cũng như Tăng Ni Việt Nam mình không còn mặc cảm. Lâu nay mình có mặc cảm rằng ở Ấn Ðộ là nơi đức Phật ra đời nên mới có những cư sĩ siêu xuất như ngài Duy-ma-cật. Rồi khi Phật giáo truyền sang Trung Quốc, trong giới thiền học có ông Bàng Long Uẩn và cả gia đình ông đều sanh tử tự tại, được Tăng Ni kính trọng. Mình cũng nghĩ chỉ bên Trung Quốc mới được như vậy. Chúng ta quên rằng ở Việt Nam cũng có một ông cư sĩ khi ra đi cũng tự tại không kém gì, và chỗ thấy đạo trình bày ra Tăng Ni đều kính phục không kém ông Bàng Long Uẩn. Như vậy để quí vị thấy rằng ở Trung Hoa có những điểm ưu, Phật giáo Việt Nam cũng có được. Ở Ấn Ðộ có những điểm ưu, Phật giáo Việt Nam cũng không kém. Chúng ta mới tin chắc rằng tổ tiên chúng ta ngày xưa tu Phật không thua kém gì các vị Thiền sư nước ngoài. Gần đây chúng ta hay có mặc cảm, những gì của Phật giáo Trung Quốc, Nhật Bản... thì mình quí, còn ở Việt Nam lại coi thường. Ðó là mặc cảm yếu đuối của mình. Bây giờ chúng ta phải nhìn lại, để thấy rằng Phật giáo Việt Nam cũng không kém. Ðó là nói người cư sĩ, còn nếu nói về chư Tổ, ở Trung Hoa có các Tổ tịch rồi còn để nhục thân lại, thì ở Việt Nam cũng có những vị tịch rồi để lại nhục thân. Như vậy đâu có gì thua kém! Mà mình còn có điểm hơi đặc biệt chút nữa, không dám nói hơn, nhưng đặc biệt. Ở Trung Hoa chưa có vị vua nào đi tu, còn Việt Nam mình có ông vua đi tu. Ðó là chỗ đặc biệt phải không? Tại sao mình không hãnh diện điều đó mà cứ có tâm hướng ngoại? Tỉ dụ như tụng sám hối thì quí vị tụng Lương Hoàng Sám. Lương Hoàng Sám là bài sám của ai? - Của vua Lương Võ Ðế, do bà phi của ông mất, ông xót thương, viết Lương Hoàng Sám rồi đưa cho Hòa thượng Chí Công duyệt qua. Còn ở Việt Nam mình ai bày ra bài sám? - Vua Trần Thái Tông ngộ đạo rồi viết ra bài sám. Tại sao bây giờ mình tụng Lương Hoàng Sám mà không tụng Sám Hối Sáu Căn của vua Trần Thái Tông? Ðiều tổ tiên mình làm được mà mình không biết! Cho nên nhiều khi tôi phàn nàn, cái gì ở Trung Hoa mình cho là số một, còn của Việt Nam thì cho là số không. Thí dụ, xưa tôi ở chùa mỗi lần lạy vía Quan Âm thì câu lạy đó là Nam-mô Phổ Ðà Sơn trước, rồi mới tới Ðại Từ Ðại Bi Quan Thế Âm Bồ-tát. Nghe vậy tôi tự hỏi tại sao đức Quan Âm lại sanh ở Phổ Ðà? Nhưng khi qua Trung Quốc tôi mới thấy Phổ Ðà Sơn là một quả núi, chỉ có một sự tích nho nhỏ, rồi người Trung Hoa dựng lên nói đó là chỗ đức Quan Âm giáng thế độ sanh, vậy khi lạy phải hướng về đó mà lạy. Còn ở Việt Nam chúng ta, động Hương Tích giờ còn di tích nào là bà Chúa Ba - bà Chúa Ba cũng là hóa thân của Quan Âm - rồi Quan Âm Diệu Thiện, mà mình không nhớ, không biết. Lẽ ra khi lạy vía Quan Âm mình lạy sao? - Nam-mô Hương Tích Ðộng Ðại Từ Ðại Bi Quan Thế Âm Bồ-tát. Như vậy mới phải chứ. Còn chúng ta bây giờ cứ hướng qua Phổ Ðà Sơn lạy hoài mà bỏ quên Quan Âm ở Việt Nam. Bây giờ quí vị ra động Hương Tích còn tìm thấy những tượng đá di tích rõ ràng chớ đâu phải là không. Ðó, tôi nói để quí vị thấy người Việt Nam mình vì có mặc cảm là một nước nhược tiểu rồi tự coi thường mình quá. Nên tôi muốn cái gì hay của Phật giáo Việt Nam phải làm sao dựng lại, để đừng có mặc cảm thua kém các nước khác. Nhất là trên đường tu, cứ nhớ ở Trung Hoa có các Tổ mà ở Việt nam không biết ai hết. Như vậy là thiếu sót. Cho nên giờ phải biết Việt Nam cũng có những vị Tổ tu hành hay như vậy chớ không thua. Ðó là điều tôi muốn nhắc nhở cho quí vị, bởi vậy mới có câu hỏi này. Câu hỏi này rất dễ, nhưng vì tôi có ngụ ý đó nên mới nêu lên. Ðến câu hỏi thứ hai: Người nào nghe hoặc đọc một câu kinh Kim Cang liền ngộ đạo? Câu này dễ mà khó, chư Tăng có ai nhớ không? (Quí thầy): - Kính bạch Sư ông, bên Trung Quốc có Lục tổ Huệ Năng, còn ở Việt Nam mình có vua Trần Thái Tông. - Trả lời vậy là trúng rồi, nhưng còn thêm điều nữa. Lục tổ Huệ Năng ngộ ở câu kinh Kim Cang “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, phải không? - Dạ, phải. - Rồi ngài Trần Thái Tông cũng ngộ ở câu đó. Nhưng hai vị ngộ có khác nhau không? Câu này khó à! - Bạch Sư ông có khác. Khi Lục Tổ gánh củi ngộ là mới có vào cửa. Còn vua Trần Thái Tông thì ngay khi đó là triệt ngộ. (Hòa thượng cười): - Câu hỏi này ban đầu nghe dễ quá nhưng trong đó có cái khó! Cái này tôi giải mới nổi chớ quí vị cũng khó giải. Khi Lục tổ Huệ Năng được Ngũ Tổ gọi vào thất, nghe giảng kinh Kim Cang đến chỗ: “bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm, ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, Ngài liền thốt lên: “Đâu ngờ tánh mình vốn tự thanh tịnh, đâu ngờ tánh mình vốn không sanh diệt, đâu ngờ tánh mình vốn tự đầy đủ...” Năm cái đâu ngờ. Ngay đó Ngũ Tổ biết ngài Huệ Năng đã thấu triệt được Bản tánh, liền truyền y bát và đưa qua sông. Còn vua Trần Thái Tông đọc kinh Kim Cang cũng đến đoạn đó, Ngài để quyển kinh xuống suy gẫm, bỗng nhiên bừng ngộ. Nhưng Ngài không có kêu lên “đâu ngờ”, mà viết ra quyển Thiền Tông Chỉ Nam. Ðược Quốc sư Phù Vân từ núi Yên Tử xuống thăm, Ngài trình lên. Quốc sư khen: “Tâm chư Phật ở trọn nơi đây...” Như vậy hai cái ngộ đó có sai biệt chỗ nào? Thật ra, hai con người đó cũng rất là sai biệt, phải không? Lục tổ Huệ Năng là người tiều phu quê mùa, còn Trần Thái Tông là một ông vua tại vị, hai hoàn cảnh rất là sai biệt. Hai hoàn cảnh rất sai biệt mà ngộ cùng một câu. Vậy hai chỗ ngộ đó khác biệt nhau thế nào? Theo chỗ thấy của tôi, vua Trần Thái Tông suy gẫm, nghiền ngẫm mà ngộ, cái ngộ đó là giải ngộ, chưa phải triệt ngộ. Còn Lục Tổ, Ngài la lên “đâu ngờ”, đó không phải là ngộ thường. Câu: “bất ưng trụ sắc sanh tâm...” là để trả lời câu ngài Tu-bồ-đề hỏi Phật: “Làm sao an trụ được tâm?” Ðức Phật trả lời: “Chẳng trụ nơi sắc sanh tâm, chẳng trụ nơi thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm, nên sanh tâm không chỗ trụ.” Nghĩa là: Ðừng để tâm dính với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Không có chỗ dính mắc tức là an trụ tâm. Vua Trần Thái Tông ngộ được chỗ người phát tâm Vô thượng Bồ-đề, tâm không dính mắc với sáu trần, đó là Tâm chân thật. Nhận ra mình có Tâm chân thật hiện hữu gọi là giải ngộ. Còn Lục tổ Huệ Năng nói: “đâu ngờ tánh mình vốn tự thanh tịnh”, là Ngài đã thấy được, sống được tận tường, nói cách khác là Ngài nhảy phóc vào chỗ cứu kính đó, không chỉ nhận ra thôi, cho nên Ngài thành Tổ liền. Còn vua Trần Thái Tông ngộ mà chưa thành Tổ. Ðó là chỗ sâu cạn khác nhau. Cùng nghe một câu kinh, cùng ngộ, mà một bên thuộc về giải ngộ, còn bên kia là triệt ngộ hoặc đại ngộ. Mà đại ngộ là vào được tận nơi, nắm được phần cốt cán chớ không còn nghi ngờ gì nữa. Cho nên đến đó có khi Lục Tổ nói Ngài không còn khởi một ý niệm, một tâm niệm nào dù ở bất cứ hoàn cảnh nào. Không nghĩ, không niệm nên Ngài nói câu: “Phật nói tất cả pháp, để trị tất cả tâm. Ta không tất cả tâm, đâu cần tất cả pháp.” Tại sao? Vì tâm Ngài rỗng rang thanh tịnh, đâu còn gì mà phải dùng pháp trị. Như vậy câu nói này chứng tỏ khi Ngài nhập được chỗ đó rồi thì ngang đó là thanh tịnh hoàn toàn. Chớ không phải như mình, nhận ra rồi mà mấy chú trộm cắp vẫn còn lẫn lộn ở trong, lâu lâu nó trồi đầu ra, phải rầy la nó mới tạm yên. Ðó là mình mới “giải” thôi, chớ chưa “chứng” được. Nói vậy cho tất cả quí vị hiểu. Như vậy quí vị thấy tôi có ý chưa? Ở bên kia Tổ Huệ Năng ngộ từ kinh Kim Cang, ở Việt Nam mình cũng có ông vua ngộ từ kinh Kim Cang vậy. Chỉ khác là bên kia triệt ngộ nên làm Tổ, bên này chưa triệt nên chỉ thành Thiền sư thôi. Ðến câu thứ ba: - Thần thông và nghiệp lực, bên nào mạnh hơn? Dẫn chứng cụ thể. À, chú nói nghe coi! (Quí Thầy): - Kính bạch Sư ông, con xin trả lời câu thứ ba là nghiệp lực nặng hơn thần thông. Thí dụ như ngài Mục-kiền-liên ở Ấn Ðộ, khi nghiệp lực của Ngài đến thì bị bọn cướp đánh. Lẽ ra Ngài dùng thần thông biến hóa để tránh khỏi, nhưng mà nghĩ lại, thần thông không thể giúp được mình, cho nên kiếp cuối cùng đó Ngài trả hết các nghiệp, rồi Ngài về... à... về... à... về... (cả chúng cười). - Người ta nói trúng mà cũng cười. - Và Ngài về... à... về tinh xá Ngài nhập Niết-bàn. - Ðó cũng là có nhớ, là nói trúng rồi, không có sai, nhưng vì nói chưa quen nên lúng túng vậy thôi. Giờ tôi lặp lại cho quí vị thấy rõ: Thần thông và nghiệp lực cái nào mạnh hơn? Ðây tôi nói “mạnh” chớ không nói “nặng”. Ðúng là nghiệp lực mạnh hơn thần thông. Tôi sẽ nói từ từ. Thông thường ai cũng nghĩ thần thông là mạnh, như trong Lục thông có Tha tâm thông, Thần túc thông..., muốn to bao lớn cũng được, nhỏ chừng nào cũng được, muốn vô trong nước hoặc đi trên mây đều được, hay vận sức mạnh làm cho quả đất rung rinh cũng được. Vậy là quá mạnh rồi, tại sao lại thua nghiệp lực, thua sức mạnh của nghiệp? Ðó là điều chúng ta phải nghĩ cho kỹ. Bởi vì đa số người tu mình lúc nào cũng hơi thầm ước mơ có được thần thông, tu làm sao để biết được tâm người này người kia, tức là muốn được Tha tâm thông. Người ta nghĩ gì mình biết liền, hay quá! Nhưng mà quên rằng biết tâm người ta làm chi, biết tâm của mình đi chứ! Không lo biết tâm mình lại muốn biết tâm người khác, đó là lỗi lầm rất lớn. Cho nên muốn được Tha tâm thông trước phải tự tâm thông. Chúng ta thông được tâm mình rồi thì nghiệp mới giảm, chớ biết tâm người ta rồi có khi còn tăng nghiệp thêm. Thần thông rất mầu nhiệm, cho nên trong kinh thường nói thần thông diệu dụng, nghĩa là nó có cái dụng nhiệm mầu, không thể lường được. Các tôn giáo khác hay các nhóm tu khác thường thích được thần thông và quí trọng thần thông. Ngược lại, đạo Phật không đặt nó làm quan trọng. Tại sao vậy? - Vì đức Phật thấy cái đó chưa đưa mình tới giải thoát. Ðức Phật có nói những người tu theo đạo khác cũng có thể chứng Ngũ thông, chỉ có cái thứ sáu là lậu tận thông họ chưa chứng được thôi. Nếu bây giờ mình đặt thần thông là quan trọng thì cũng như các đạo khác rồi, cho nên nhà Phật không xem nó là quan trọng. Trái lại Phật còn hạn chế trong chúng Tỳ-kheo hay Sa-di, ai tu có được Lục thông rồi mà muốn sử dụng thần thông thì trước phải xin phép. Nếu có Phật thì xin Phật, chừng nào cho phép mới được dùng, không có Phật thì phải xin phép vị trưởng lão trong đoàn của mình. Tôi nhớ đọc trong Tạp A-hàm, có một đoạn kinh kể lại: Một hôm chư Tăng đi thọ thực tại nhà một Phật tử ở xa, thọ trai xong các vị trở về tinh xá. Hôm ấy trời nóng bức quá, người nào người nấy đổ mồ hôi ướt áo. Trong đó có vị Tỳ-kheo nhỏ nhất đã chứng Lục thông, ông muốn dùng thần thông cho mây kéo mù mịt rồi mưa lất phất để chư Tăng đi được khỏe, khỏi bị nắng gắt đổ mồ hôi. Nhưng muốn vậy trước hết Sư phải xin phép vị trưởng lão. Vị trưởng lão nói: - Ông có thể làm như vậy thì tốt lắm! Ông Tỳ-kheo nhỏ nhất dùng thần thông, một lát sau có mây kéo tới, mưa lâm râm, gió mát, đi về khỏe ru. Như vậy thần thông cũng cần nhưng phải cho phép mới được dùng. Còn ngược lại, quí vị đọc sử thấy ngài Ðặng Ẩn Phong chết thế nào? Lúc sắp tịch Ngài hỏi huynh đệ trong chúng: - Xưa tới giờ có người nào đứng chết hay không? - Dạ, có. - Có người nào lộn ngược chết không? - Dạ, chưa từng thấy. Ngài liền trồng chuối, đưa hai chân lên, cắm đầu xuống tịch. Tự tại như vậy còn ai hơn. Khi mọi người tới đỡ xuống để đưa vô quan tài thì xô không ngã. Sư có một người em gái là cô Ni, cô lại nắm thân Sư, trách: - Sư huynh khi sống đã phạm luật, bây giờ chết còn làm mê hoặc người! Rồi xô té ngã. Cô Ni nói Sư phạm luật là sao? - Do ngày trước, có lần Sư đi lên Ngũ Ðài Sơn, chợt thấy quân của triều đình đang đánh nhau với một nhóm quân phản loạn. Sư nghĩ: Thôi giải hòa cái đám này! Bèn quẳng cây gậy lên hư không rồi phi thân lên, cầm cây gậy bay qua. Dưới này tướng sĩ hai bên thấy vậy, tâm tranh đấu dứt sạch, liền rút quân hết. Như thế là Sư đã sử dụng thần thông để giảng hòa, mà việc đó cô Ni em Sư vẫn nói là phạm luật, phạm giới. Vì dùng thần thông mà không xin phép trưởng lão, rồi nay lại dùng thần thông đưa chân ngược lên trời tịch. Vậy, dùng thần thông mà không được phép là phạm lỗi, phạm luật. Còn chết mà làm kỳ quái như vậy là mê hoặc người. Quí vị thấy đức Phật đầy đủ thần thông và oai lực mà Ngài chết thế nào? Ngài cũng bị kiết lỵ, rồi kiệt sức từ từ và chết như mọi người chớ không có gì lạ. Người ta thấy vậy tưởng đâu các vị Thiền sư sau này hay hơn Phật. Có hay hơn không? Ðức Phật thường nói rằng Ngài từ thủy chí chung là một con người, nhưng là một con người giác ngộ, chớ không nói con người thần thông. Ðức Phật nói: “Ngoại đạo ưa thần thông còn ta chỉ thích đạo thông.” Như vậy là Ngài lấy giác ngộ làm gốc. Thân này sanh, già, bệnh, chết không chối cãi được, vậy thì cứ chết như mọi người chớ có gì đâu. Dùng trí tuệ để thấy biết đúng lẽ thật còn hơn là những thứ huyền hoặc. Do đó Phật không có những cái huyền hoặc mà chỉ dùng trí tuệ giải quyết mọi vấn đề. Lúc cuối đời, Phật nằm nghiêng bên phải rồi nhắm mắt tịch như ai vậy, trước đó cũng bệnh nữa. Nếu Ngài có thái độ kỳ đặc, bây giờ giả sử ai tu đạt đạo mà chết bình thường thì nói ông đó chắc không phải thứ thật, thua đức Phật. Thà Phật tịch một cách bình thường như bao nhiêu người, sau này đệ tử có làm kỳ quái thì cũng không ai dám nói người đó hơn Phật, vì đồ đệ làm sao hơn được. Ðó là cái đặc biệt trong đạo Phật. Ðạo Phật không dùng điều kỳ quái mà chỉ muốn dùng trí tuệ thấy đúng như thật con người và mọi vật. Chúng ta tu làm sao để mở sáng con mắt trí tuệ, đối với người, với cảnh chúng ta không bị lầm lẫn, không bị những điều giả dối làm mình phải say mê. Ðó là chỗ chủ yếu của đạo Phật. Nên nói tới đạo Phật, cái trọng tâm trên hết là giác ngộ chớ không phải thần thông. Tất cả chúng ta tu Phật phải nắm vững điều đó. Nắm vững điều đó thì đường tu của chúng ta mới đúng đạo lý. Sau này có thể khi chết tôi còn thua mấy chú nữa. Chú nào thích lạ bèn chết kiểu đặc biệt và người ta có thể nghĩ: “Ôi thôi Thầy đau Thầy chết, còn ông kia chết không đau mà còn có những cái kỳ đặc!” Vậy là người trước thua người sau, phải không? Nhưng mà sự thật không phải. Trọng tâm của sự tu là giác ngộ, thấy được tường tận, đúng với chân lý. Ðó là trên hết, còn những hiện tượng kia chưa phải là cao. Hiểu vậy rồi, người tu Phật cần tránh căn bệnh ham thần thông. Hồi nãy chú T.Ð dẫn chứng cụ thể là ngài Mục-kiền-liên. Ngài Mục-kiền-liên có hai vấn đề tôi thường hay nêu: Vấn đề thứ nhất, Ngài được Lục thông, nên dùng thiên nhãn tìm coi mẹ Ngài đang ở nơi nào. Thấy mẹ đang bị đày đọa trong loài ngạ quỉ, tức là quỉ đói, Ngài xót xa trong lòng, liền đi khất thực được một bát cơm, vận thần thông bay thẳng đến chỗ mẹ đang bị đọa đày, dâng bát cơm cho mẹ. Làm được như vậy là quá hay rồi, nhưng khi dâng bát cơm, mẹ Ngài vừa mới bốc cơm đưa vô miệng, cơm liền hóa thành lửa, thành ra đưa cơm tới miệng mà ăn không được. Sao lúc đó Ngài không dùng thần thông thổi cho lửa tắt, phải không? Như vậy, nghiệp của bà là nghiệp tham lam bỏn sẻn, nên thấy cơm thèm ăn mà cơm vừa đến miệng liền hóa lửa. Ðó là nghiệp. Ngài Mục-kiền-liên có thần thông đem cơm tới cõi ngạ quỉ, nhưng không giải được cái nghiệp cho mẹ. Như vậy cái nào mạnh? - Nghiệp mạnh. Nếu nghiệp yếu thì Ngài đã dùng phép thổi tắt lửa để mẹ được ăn no, nhưng Ngài làm không được điều đó. Như vậy thần thông không thể thay đổi được nghiệp người khác. Thứ hai là thần thông không chuyển được nghiệp của mình, không thay đổi được nghiệp của mình. Khi ngài Mục-kiền-liên sắp tịch, có lần Ngài đi khất thực giữa đường bị một đám người vây đánh. Lúc đó nếu Ngài vận thần túc thông bay tuốt lên trời thì họ khỏi làm gì, phải không? Nhưng không vận thần thông được vì nợ trước phải trả. Thân A-la-hán là thân cuối cùng, nên bao nhiêu nợ trước phải trả hết rồi mới nhập Niết-bàn. Cái nghiệp tới đó phải trả, thần thông dùng không được. Bị người ta đánh tan thân nát thịt, Ngài dùng thần thông gom các mảnh vụn của thân thể lại, bay về tinh xá, đảnh lễ Phật và xin phép nhập Niết-bàn. Vậy mới thấy thần thông không cứu được người thân của mình, và không cứu được bản thân mình khi nghiệp đã đến, quí vị thấy chưa? Thí dụ người ta nói ở Tây Tạng có nhiều vị Sư tu có thần thông, nhưng khi quân đội Trung Quốc kéo qua rồi cũng bó tay. Nếu dùng thần thông hóa lửa hay hóa gì đó phun ra thì có ai tới được, nhưng không thể làm được, nghiệp tới rồi phải chịu thôi. Như vậy thần thông để làm gì? - Ðể đùa chơi cho vui thôi, chớ thật sự nó không giải quyết được gì. Vì vậy nhà Phật không đặt nặng thần thông, mà phải chuyển nghiệp của mình. Phải chuyển từ xấu trở thành tốt, từ nhơ thành sạch, đó mới là điều quan trọng, chớ thần thông không cứu được mình. Ðó là ba câu tôi hỏi quí vị. Ba câu hỏi dễ không? - Dễ, nhưng cũng có cái không dễ trong đó. Nãy giờ quí vị uống sữa hết chưa? Uống hết đi chứ, tất niên mà, phải “tất” hết, cái gì cũng xong xuôi. Như vậy hôm nay là buổi tất niên của Thiền viện Trúc Lâm, tất niên của năm Ðinh Sửu, chuẩn bị qua năm Mậu Dần. Bữa nay mình nói chuyện cũ, mai sẽ nói chuyện mới. Hôm nay tất cả Tăng Ni và Phật tử có mặt ở đây chưa chúc tụng nhau, để dành mai mới chúc. Hôm nay chúng ta chỉ kiểm lại những điều hay và dở trên đường tu của mình trong một năm qua. Kiểm lại thấy có nhiều điểm rất ưu, cũng không tránh khỏi một hai điều khuyết. Ðó là nhìn chung, còn riêng phần tôi, tôi thấy năm nay được vui nhiều, có buồn cũng chút chút thôi. Như vậy đối với tôi thì “lãi”, chớ không “thiệt”. Mấy hôm giảng ở ngoài Bắc, tôi nói “lời, lỗ”, thấy người ta không hiểu, phải nói “lãi, thiệt” để cho người ta hiểu. Bây giờ tập nói để mai mốt ra Bắc giảng khỏi có lộn. Như vậy là tôi lãi chớ không có thiệt. Vậy chúng ta qua một năm, kết quả sự tu tiến rõ ràng, rất vui chớ không đến nỗi chỉ có những điều buồn. Nếu đời tu của chúng ta, kiểm điểm từng năm thấy có những bước tiến như vậy thì chắc chắn chúng ta sẽ tiến tới và sẽ đạt được mục đích hoặc sớm hoặc muộn, không nghi. Ðó là điều đáng mừng. Vậy mong rằng tất cả Tăng Ni chuẩn bị để năm mới mình tiến hơn nữa. Cũng như quí Phật tử, năm này tiến được chút chút, năm tới phải khá hơn chớ không chút chút nữa, phải tiến mạnh, tiến nhiều. Như vậy chúng ta tu mới khỏi hoài công. Nếu mình tu mà không ra gì thì uổng một đời tu không có kết quả. Ðó là sự mong mỏi của tôi. Ngày mai sẽ nói nhiều hơn, thôi ngang đây nghỉ. Mục Lục
|
Xuân Phụng Hoàng Tập 2 (2005)
|
Lễ Phổ Trà Bính Tý Đinh Sửu