Thiền Tông Việt Nam
Xuân Phụng Hoàng Tập 2 (2005)
Lễ Chúc Tết Đinh Sửu

(Thầy Phó Quản chúng nội viện Tăng)

Kính bạch Thầy,

Qua lời dạy của chư Phật, chư Tổ trong kinh luận và qua lời dạy của Thầy, chúng con nhận hiểu rằng chỗ chí đạo không một pháp có thể được. Tuy biết thế nhưng đứng về phương diện tục đế thì muôn pháp vẫn trôi chảy trong vòng sanh diệt luân hồi bất tận. Do đó vẫn có bốn mùa thay đổi. Và hôm nay mùa xuân lại trở về trên quê hương xứ hoa đào, nơi khung trời bé nhỏ của Thiền viện Trúc Lâm này.

Mùa xuân mang đến cho thế nhân biết bao hi vọng và ước mơ, đem đến cho chúng con sự chứng nghiệm về vô thường trong cuộc sống qua kẻ ở người đi, kẻ còn người mất. Từ đó đã cảnh tỉnh chúng con hãy tinh tấn tu hành để sớm được mùa xuân vĩnh viễn.

Kính bạch Thầy, mỗi lần xuân đến chúng con không sao tránh khỏi lòng se thắt khi nghĩ rằng những ngày chúng con được nương bóng mát từ bi trí tuệ nơi Thầy đã bị rút ngắn lại và sức khỏe của Thầy ngày càng yếu hơn, mà con đường đạo quả của chúng con chưa đến nơi.

Tuy vẫn biết bản nguyện độ sanh của Thầy không bao giờ ngừng nghỉ và Thầy thường nhắc dạy chúng con về sự vô thường, nhưng khi nghĩ đến ngày mất mát lớn nhất sẽ đến cho chúng con và hàng Phật tử, chúng con không sao tránh khỏi niềm xúc động. Mãi đến giờ này chúng con vẫn có người làm nặng lòng Thầy vì còn mải vui trong nhà lửa, hoặc làm kẻ cùng tử lang thang nghèo đói, chưa chịu buông bỏ những thứ vô thường tạm bợ để nhận lấy hạt châu quí nơi chéo áo của mình.

Kính bạch Thầy, hôm nay trước thềm năm mới, tuy với niềm ưu tư đó, chúng con vẫn hi vọng với bản nguyện độ sanh Thầy sẽ hiện hữu mãi bên cạnh chúng con bằng hình thức này hay hình thức khác, để dìu dắt chúng con ra khỏi con đường si mê tăm tối.

Giờ đây không biết nói gì hơn, toàn thể Tăng chúng chúng con đồng thành tâm kính chúc Thầy sức khỏe dồi dào, để đem ánh sáng chánh pháp soi rọi cho người hữu duyên, để dòng pháp nhũ của Thầy mãi tuôn chảy, thấm nhuần và nuôi lớn giới thân tuệ mạng cho chúng con, để chúng con được nương đuốc tuệ của Thầy mà sớm trở về cố hương ngời sáng của chính mình. Ðó là hoài bão mà chúng con hằng cưu mang.

Trong niềm xúc cảm hôm nay, chúng con kính dâng lên Thầy bài thơ mộc mạc như sau:

Thầy đi giữa buổi chiều tàn
Áo vàng gậy trúc bên ngàn cỏ hoa.
Lòng từ vì đạo thiết tha
Âm ba lời dạy vang xa khắp trời.
Sắc không, không sắc đổi dời
Ngay đây nhận lấy sáng ngời gia phong.
Bụi hồng Thầy bước thong dong
Phụng Hoàng chắp cánh trời không tung hoành.
Mây lành Yên Tử kết thành
Trúc Lâm Ðà Lạt thanh thanh một màu.
Thiền tông thôi hỏi thế nào
Cội tùng ngồi ngắm hoa đào ngày xuân.

Cuối cùng chúng con kính xin Thầy ban cho chúng con những lời chỉ dạy đầu năm, để sang năm mới này chúng con lấy đó làm tư lương trên bước đường giác ngộ giải thoát. Kính mong Thầy từ bi chứng minh và hứa khả cho chúng con được ân triêm công đức.

(Ni sư Quản chúng nội viện Ni)

Ngưỡng bạch Thầy,

Hôm nay là ngày đầu xuân, toàn thể Ni chúng chúng con ra trước đây xin thành tâm đê đầu đảnh lễ Thầy và kính chúc Thầy pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chiếu, hầu dẫn dắt chúng con trên bước đường giác ngộ giải thoát.

Ngưỡng bạch Thầy, chúng con đủ duyên lành được nương dưới mái Thiền viện Trúc Lâm đã tròn ba năm. Chúng con như những cùng tử lang thang nghèo đói, nay thức tỉnh trở về được cha trao cho sự nghiệp.

Kính bạch Thầy, Thầy đã bao phen ân cần tha thiết, với tâm lão bà đã nhắc nhở chúng con biết được lối về, nhận ra được bộ mặt thật xưa nay của chính mình. Vì vậy hôm nay nhân ngày đầu xuân, chúng con nguyện luôn nỗ lực đào xới để nắm được hòn ngọc nguyên xưa của mình đã bỏ quên từ lâu, ngõ hầu đền đáp được phần nào công ơn giáo dưỡng của Thầy đã mở mắt trí tuệ cho chúng con.

Chúng con cũng không quên nguyện cầu Tam Bảo gia hộ cho Thầy được nhiều sức khỏe, tuổi thọ thêm dài để ngọn đèn chánh pháp của Thầy soi sáng khắp thế gian, trong đó có chúng con cùng tất cả chúng sanh. Ngưỡng mong Thầy từ bi thương xót chứng minh cho chúng con được ân triêm công đức.

Kính bạch Thầy, chúng con đọc trong báo Giác Ngộ số 44, bộ mới năm thứ 22, PL. 2540, ngày 1-2-1997 có bài thơ tựa đề là Hồ Tuyền Lâm Nguồn Thiền Dậy Sóng của tác giả Nguyễn Ðức kính tặng Thiền sư Thích Thanh Từ. Chúng con thấy bài thơ khá hay nên trong chúng có vị muốn ngâm để dâng lên cúng dường Thầy. Tuy chúng con không có sở trường về ngâm thơ nhưng cũng muốn dâng lên cúng dường Thầy trong ngày đầu xuân, kính xin Thầy hoan hỉ chứng minh cho chúng con.

HỒ TUYỀN LÂM NGUỒN THIỀN DẬY SÓNG

Qua mấy dốc đồi thông reo phơi phới
Về Trúc Lâm nghe vi diệu tâm ca
Lửa tịch mịch cháy tan sầu nghĩ ngợi
Lòng như không nhẹ bổng giữa sương nhòa
Núi tiếp núi, rừng tiếp rừng chất ngất
Ðất trời kia nằm gọn giọt sương này
Ơi rừng cao, rừng cao vời ẩn mật
Tâm truyền tâm từ Ca-diếp, ai hay?
Một đóa hoa đưa lên, một nụ cười đáp lại
Cái thầm trao, cái thầm nhận, không lời
Ðại hùng tâm chín năm nhìn vách đá
Lạ lùng thay, cầm dao chặt tay chơi.
Suối Tào Khê chảy về đâu rồi nhỉ?
Mà hồ Tuyền Lâm nổi sóng dậy nguồn kinh
Ðây núi Phụng Hoàng, ồ vô cùng hùng vĩ
Tối thượng thừa vừa trổ đóa tâm linh.
Gậy Thiền sư múa tung hoành ngang dọc
Chọc nước khuấy trời mà bất động như không
Phật Chúa quỉ ma cùng khiêu vũ
Trên cung cầm vô phân biệt dung thông.

(Phật tử Ðà Lạt)

Kính bạch Thầy,

Hôm nay nhân ngày đầu năm, chúng con xin đại diện cho một số Phật tử gần xa ở Ðà Lạt kính chúc Thầy năm mới được nhiều sức khỏe để rộng độ Tăng Ni và chúng sanh, trong đó có Phật tử chúng con.

Nói ngày đầu năm là nói theo thông tục, vì các Phật tử chúng con vẫn nhớ lời Thầy giảng qua bài thơ của Thiền sư Mãn Giác:

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Ðình tiền tạc dạ nhất chi mai.

Hay là:

Mùa xuân không có thời gian
Cũng không nhất định ở phương hướng nào.

Ðó là thơ của Hòa thượng Mật Thể. Nhớ nghĩ được như vậy là chúng con cảm thấy an lạc và hạnh phúc rồi.

Tương lai Thiền học Việt Nam có hay không, điều đó đang được Thầy ngày đêm xây dựng bằng những bước đi căn bản từ việc thiết lập các Thiền viện, rèn luyện Tăng chúng, thuyết giảng Phật pháp, cải tiến các nghi thức hành trì theo tinh thần độc lập tự chủ, không phụ thuộc, không lệ thuộc vào nghi thức của người xưa mang nặng màu sắc Mật tông và Tịnh độ tông. Nói khác hơn, là làm sống dậy tinh thần Thiền tông đời Trần, một thời đại oanh liệt nhất trong lịch sử Việt Nam. Thời đại mà ba lần dân tộc đứng dậy chống quân giặc xâm lược ngoại Mông giành lại sự độc lập và thống nhất cho đất nước.

Khôi phục Thiền tông Việt Nam, Việt hóa các nghi thức hành trì làm cho mọi người khi đọc lên ai cũng hiểu được, từ đó mọi người nhớ nghĩ và bắt chước tu theo. Ðó là điều Phật tử chúng con tâm đắc. Dù ở bất cứ môi trường nào thì Phật tử chúng con vẫn thấy rằng tam vô lậu học giới, định, tuệ là nguyên tắc cơ bản trên bước đường tu học.

Chúng con vẫn thường nhớ lời Thầy nhắc nhở câu nói của người xưa: Tu mà không học là tu mù, vì không biết chánh đạo để đi; học mà không tu chỉ như cái đãy đựng sách, không biết ứng dụng thì không lợi lạc gì cho mình, cho người. Vì vậy Phật tử chúng con nghe lời Thầy dạy, cố ứng dụng tu để đem lại lợi lạc cho mình và người.

Bước vào Thiền viện chúng con thấy an lạc thảnh thơi, cảm giác hạnh phúc tràn ngập tâm hồn. Bao nhiêu âu lo phiền muộn, bao nhiêu bon chen giành giật của cuộc đời lắng xuống, gánh nặng trần gian bỏ lại ở đằng sau. Ðó là những giờ phút an lạc và hạnh phúc mà chúng con cảm nhận được khi sống trong không khí đầm ấm và an hòa của Thiền viện. Trước thềm năm mới, nhìn lại bước đường mình đã đi qua, Phật tử chúng con, dưới sự dìu dắt hướng dẫn của Thầy, tuy có tiến bộ hơn trước nhưng nghiệm lại cho kỹ thì vẫn thấy rằng:

Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách,
Nhật viễn gia hương vạn lý trình.

mà trong Thiền Tông Việt Nam Thầy đã dịch:

Lang thang làm khách phong trần,
Quê nhà ngày một muôn lần dặm xa.

Vì lẽ đó nên chúc mừng năm mới đối với Thầy không gì tốt hơn là Phật tử chúng con nguyện tinh tấn tu học, cùng nhau sách tấn siêng năng học hỏi Phật pháp, ứng dụng lời Thầy dạy, tinh chuyên hành trì giới luật, trau dồi ba nghiệp thường thanh tịnh để đem lại lợi lạc cho mình và cho người.

Ngưỡng mong Tam Bảo từ bi gia hộ cho Thầy thường được sức khỏe, tứ đại an hòa, đạo tràng ngày một thêm đông, thân tâm thanh tịnh, lục hòa trọn vẹn, Bồ-đề tâm kiên cố, trong tương lai có người kế tục sự nghiệp của Thầy.

(Cư sĩ nước ngoài)

Kính bạch Thầy,

Chúng con là những Phật tử từ phương xa, hôm nay là ngày đầu xuân, với lời ít mà lòng nhiều, chúng con kính chúc Thầy sức khỏe luôn luôn bình thường, niềm an lạc của Thầy vô lượng, chan hòa cho tất cả Phật tử trong nước lan tràn cho chúng con từ phương xa, để mãi mãi ngày xuân hôm nay cũng là những ngày xuân Di-lặc.

Chúng con không biết lấy gì để báo đáp công ơn dạy dỗ của Thầy, cũng như của chư Tăng chư Ni, để biểu trưng cho lòng thành chúng con xin kính dâng lên Thầy một ít quà xuân, kính mong Thầy từ bi tiếp nhận để chúng con được ân triêm công đức.

(Hòa thượng)

Như vậy mục chúc tết của Tăng Ni và Phật tử đến đây xong rồi, tất cả Tăng Ni, Phật tử cùng đứng dậy. Quí vị đảnh lễ Tam Bảo ba lễ đầu năm đi.

Xong tất cả quí vị ngồi xuống, đến phần của tôi.

Về phần tôi, có chia ra mấy mục:

* Mục thứ nhất là tôi đọc những tin vui của Tăng Ni và Phật tử trong năm qua đã gởi đến cho tôi, hoặc trực tiếp trình bày sự tu có những biến chuyển tốt cho tôi biết.

* Mục thứ hai là bài pháp đầu năm thay cho lời chúc Tết của tôi với Tăng Ni và Phật tử. Trong bài pháp đầu năm này, chúng tôi sẽ nói rõ cho tất cả quí vị hiểu thấu đáo về vấn đề bản ngã của chúng ta là gì, là thế nào.

Trước hết, tôi xin đọc lại những tin vui tôi đã nhận được từ gần xa gởi đến, cũng như trực tiếp Tăng Ni trình với chúng tôi.

Ðây là một bài kệ trình kiến giải của một Phật tử ngoài Bắc mới gởi vào.

BỪNG TỈNH

Thấy Bụt, Bụt ấy là lòng,
Bụt há cầu! (Ðây là câu trích trong Quốc Âm Thi Tập của Nguyễn Trãi)
Nhọc nhằn lặn lội tận đâu đâu
Khấn vái miệt mài mê mẩn mãi,
Nào ngờ sẵn có tự bao lâu.
Dòng đời xiết chảy nhòa sóng bạc,
Mặt nước yên bằng rõ đáy sâu.
Chốn cũ giờ đây trong lặng quá,
Một cõi bao la vạn pháp mầu.

Phật tử Huyền Cương ở Hà Nội mới gởi vào. Trong khi tu, ông có những biến chuyển, trình cho chúng tôi.

Ðó là một cư sĩ ở xa, còn một cư sĩ gần hơn, ở Long Thành, gởi tặng tôi:

Con thành tâm kính chúc Sư ông thân tâm thường lạc, để “xuân miên viễn”.

Biết nói gì đây phút giây này
Ðông tàn mai nở rộ đó đây
Nhìn mai ngoài nở tâm phơi phới
À! Trong tôi xuân vẫn muôn đời.

Quí vị nghe lại câu:

Nhìn mai ngoài nở tâm phơi phới
À! Trong tôi xuân vẫn muôn đời.

Những bài thơ này quí Phật tử nghe thì có thể nói do các vị đó giỏi làm thơ, nên làm tặng tôi. Sự thật có những người chưa từng làm thơ, nhưng vì cảm hứng trong khi tu mà có những bài thơ này tặng.

Còn đây là Phật tử Ðức Phước tặng:

Bao năm tu miệt mài
Thể tánh chưa tỏ ngộ
Tâm luôn hướng bên ngoài
Cầu Phật từ gia hộ.

Công đức chưa hoàn thiện
Tâm hạnh còn nhiễm ô
Hội không đủ phước duyên
Lũy kiếp chưa giác ngộ.

Lục Tổ thẳng chơn tâm
Qua Ðàn Kinh Pháp Bảo
Giản trạch nhờ ân sư
Hoát nhiên sáng được đạo.

Thật tánh, tánh không hai
Vô trụ sanh tâm tịnh
Vô niệm thể tướng dụng
Chân lý sáng nghìn trùng.

Tâm không ví hư không
Thanh tịnh nhưng năng sanh
Thường hằng và sáng chiếu
Diệu dụng chẳng nghĩ bàn.

Còn một Phật tử này rất thân thiết ở đây cũng gởi cho tôi một bài thơ:

CHÚC XUÂN HÒA THƯỢNG

Thiền viện, Thiền viện thành
Ðời Thiền sư qua nhanh
Xuân này đà bảy bốn
Bạc hết mái đầu xanh.

Trước thất hoa đào nở
Trên cành tiếng chim oanh
Thênh thang lòng rỗng lặng
Muôn dặm bầu trời xanh.

Xưa nay không một vật
Xuân này xuân năm trước
Ðời Thiền sư an nhiên
Có gì đâu để chúc!

Hoa tàn xuân nào hết
Bên giậu cội mai già
Ðêm qua nảy nụ hoa
Xin kính dâng Hòa thượng.

Còn đây đến phần Tăng và Ni, tôi đọc mà không nói tên vì tôi biết Tăng Ni tu có những giờ phút chuyển biến, thấy những điều vui và mới lạ, nhưng tập khí nhiều đời chưa hết nên tôi không muốn nói tên, sợ quí vị biết tên rồi lâu lâu thấy tập khí họ hiện ra, quí vị chán, nghĩ: “Tu nói nghe hay mà làm chưa được!” Vì vậy, tôi chỉ đọc cho quí vị nghe để thấy sự chuyển biến ở nội tâm của những vị đó, vậy thôi.

Ba tháng qua mau như giấc mộng
Trăm điều dồn lại một bầu không
Vỡ tan mới biết toàn thể hiện
Ðâu ngờ trong ấy tiếng chim kêu.

Một bài khác:

Sau bao năm loạn lạc
Ta đến đất bình yên
Tâm không bôn ba nữa
Sải tay là ngủ liền.

Thong thả quá! Một bài của vị khác:

Trúc biếc mai vàng nhật nhật tân
Cho nhau tất cả chẳng định phân
Ðêm qua giấc mộng theo sương khói
Ai ngắm bình minh mỉm miệng cười.

Một người khác:

Lỗ mũi người chưa sanh
Ðập nát cả càn khôn
Trong nhà người tớ già
Trẻ con khóc tu oa.

Và một người khác:

TỰ THUẬT

Biển cả mênh mông
Không gian thênh thang
Một chiều gió lộng
Từng lớp sóng trào
Bọt nổi trắng xoá
Tung cao mênh mang
Nào bọt yêu ghét
Nào bọt lợi danh
Nào bọt được mất
Nào bọt... nào bọt...

A ha!
Một trận cười vỡ tan
Từng lớp từng lớp
Tan về với
Biển cả mênh mông
Không gian thênh thang
Dòng nước lắng trong
Cảm nghe mằn mặn đượm nồng
Rõ ràng
Rõ ràng
Dốt!
Rõ ràng cái gì?
“Bóng trúc quét thềm trần chẳng dấy
Vầng trăng xuyên biển nước không ngân”
Im!
Cá vàng to vừa sổng lưới
Ngư ông nhàn hạ ngắm trăng lên.

Ðó là những tin tức. Tin tức này không phải chỉ có trong bài kệ mà chính là do Tăng Ni trình cho chúng tôi những giờ phút chuyển biến. Nhân chỗ chuyển biến đó mà có cảm hứng làm những lời này. Những lời này tôi ghi nhận là đáng tin cậy, nên đem ra đọc cho quí vị nghe.

Như vậy quí vị thấy, không riêng gì Tăng Ni tu có kết quả, mà các cư sĩ gần xa khi ứng dụng tu cũng có kết quả. Nhưng có người thì trình bằng thơ, kệ, có người chỉ trình qua bằng lời nói cho chúng tôi hiểu thôi. Những trường hợp đó chúng tôi kể không hết. Chúng tôi xác nhận rõ ràng rằng qua những năm gần đây, giới Tăng Ni và Phật tử tu có nhiều người đạt được kết quả đáng tin cậy. Ðó là một tin vui cho tôi và cho quí Phật tử.

Bây giờ đến phần nhắc nhở ngày đầu năm cho Tăng Ni và Phật tử - bài thuyết pháp đầu năm.

Tất cả chúng ta sống trên thế gian này, mỗi người phải nhận định cho tường tận, thấu đáo về bản thân mình. Thấy tường tận được lẽ thật của mình thì mới biết được lẽ thật của người và của mọi vật chung quanh. Cho nên người tu theo Phật phải luôn luôn quán chiếu để thấu suốt bản chất cái thân chúng ta.

Như hiện giờ đêm nào chúng ta cũng đọc bài kinh Bát-nhã, mà trọng tâm là ở chỗ “Bồ-tát Quán Tự Tại chiếu kiến năm uẩn đều không”, nghĩa là phản quan hay soi sáng lại thấy năm uẩn không có thực thể. Từ cái nhìn đó, Bồ-tát Quán Tự Tại mới giải quyết được mọi khổ nạn trên đời.

Ở đây tôi hướng dẫn cho quí Tăng Ni và Phật tử nhìn lại bản chất của thân mình hiện giờ xem nó như thế nào? Bởi vì chúng ta sống thường ôm ấp một ảo tưởng rằng thân mình là đẹp, quí, là sang trọng, do đó nên ái ngã rất nặng nề. Từ ái ngã nặng nề sanh ra tâm ngã mạn, cống cao v.v..., thúc đẩy chúng ta gây ra không biết bao nhiêu là tội lỗi để rồi phải trầm luân muôn kiếp.

Ðó là lý do khiến tôi muốn tất cả Tăng Ni và Phật tử phải nhìn lại thử coi thân chúng ta trên thực tế nó như thế nào, nhận lại mình cho tường tận. Thấy rõ rồi chúng ta mới giải trừ được những căn bệnh trầm kha muôn đời của mình là ái ngã, ngã mạn v.v...

Trước tiên, theo cái nhìn của chúng tôi, khi nhìn lại thân, bước đầu tôi thấy rất hổ thẹn. Thay vì người ta hãnh diện mang thân này, tôi thấy là hổ thẹn mang thân này. Tại sao vậy?

Bởi vì trong thân này chứa toàn đồ hôi hám, nhớp nhúa. Mỗi khi khạc đàm dãi ra, nhìn nó chúng ta có gớm không? Khi khạc có giấu người ta không? Muốn nhổ ở đâu phải giấu không cho người ta thấy. Nếu nó là đồ tốt, là của quí thì đâu có giấu, phải không? Vì biết nó nhớp quá nên hổ thẹn, sợ người ta thấy cười, mình mắc cỡ.

Ðó là khi nó ra đường ở trên. Còn nếu lúc mình vô tình hay trong người không khỏe, có những cái “hạ phong” không làm chủ được, đi gần ai mà lỡ vậy thì sao? Có hổ thẹn không? - Cũng hổ thẹn luôn!

Rồi sao nữa? Nếu lỡ đi đâu không rảnh tắm rửa, mình biết mình hôi hám, đi gần ai sợ người ta nghe mùi hôi. Nếu lỡ đứng gần ai mình có hổ thẹn ngầm không? - Cũng hổ thẹn! Hổ thẹn vì hôi hám.

Quí vị thấy con người chúng ta chứa toàn những đồ nhớp nhúa, nhầy nhụa, hôi hám, cho nên hớ ra cái gì cũng hổ thẹn. Sáng lỡ chưa súc miệng mà có khách, khi nói chuyện quí vị có hổ thẹn không? Sợ bay hơi hôi người ta chịu không nổi!

Như vậy, tất cả các thứ trong cơ thể mình, nếu không khéo che lấp, không khéo sửa sang thì nó bày ra toàn những thứ làm chúng ta hổ thẹn. Những thứ không sạch đó hiện ra mình thấy hổ thẹn, vậy mang thân này có phải là cái thân đáng hổ thẹn không? Thế nhưng chúng ta không hiểu, lại tự cao, hãnh diện đủ thứ. Ðó là tự cao hãnh diện trong ảo tưởng chớ không phải thực tế. Thực tế là một cái thân đáng hổ thẹn.

Bởi hổ thẹn quá nên ở miệng thì người ta phải kiếm cái gì ngậm hay nhai cho bớt hôi, hút những thứ thuốc thơm hoặc nhai kẹo cho át mùi, phải không? Sáng ra đánh răng phải có kem thơm thơm một chút. Toàn những thứ che đậy, để át cái mùi hôi hám của chính mình chớ không có gì thật hết.

Rồi đến thân mình thì mồ hôi ra hôi hám quá, buộc lòng người ta phải có xà bông thơm, nước hoa v.v... ướp nó cho đỡ hôi. Chớ nếu trong thân ra toàn mùi hoa sen thì chắc khỏi dùng mấy thứ đó. Nay nó ra toàn mùi bất hảo buộc lòng phải dùng nước hoa, vậy có gì là hãnh diện? Toàn là những thứ che đậy để làm giảm bớt cường độ hôi hám của nó thôi.

Kết thúc lại, thân ta là cái thân đáng hổ thẹn, lỡ mang nó là đáng hổ thẹn. Nhớ như vậy thì quí vị có muốn mang nó lần thứ hai, thứ ba nữa không? Ðã không muốn mang mà còn tự cao, ngã mạn thì thật là vô lý. Người ta sống ở trên đời không thấy được lẽ thật của thân mình, nên mới ôm ấp những ảo tưởng, rồi tự hào, tự khoe khoang v.v... Ðó đều là ảo tưởng, không có lẽ thật.

Ðiểm thứ hai, mang thân này là thân lo âu, sợ sệt. Ngày nào còn mang nó là còn lo âu, sợ sệt. Tại sao vậy? Lo cái gì cho nó? - Lo đói, lo khát, lúc nào cũng phải chuẩn bị có cái gì ăn cho đỡ đói, uống cho khỏi khát.

Rồi gì nữa? Lo đau ốm. Ngày nay mạnh nhưng không biết ngày mai có được mạnh không? Cứ hồi hộp, lo âu không biết mình có mạnh mẽ, khỏe khoắn lâu dài không? Bởi vậy gặp nhau luôn luôn cầu chúc cho được mạnh khỏe, an khang. Vì sợ nó đau, sợ nó ốm nên chúc như vậy.

Chúng ta còn lo sợ tai nạn. Ði đường sợ, ở nhà sợ. Làm gì cũng sợ không biết tai nạn có thể xảy ra lúc nào. Kế đó lại lo âu có những người thù oán muốn hại mình. Như vậy, quí vị thấy, ngày nào còn mang thân này là còn lo âu, sợ hãi, không có an vui. Ðó là một lẽ thật của thân.

Một điểm nữa, thân này là một hiện tượng bức bách, khổ nhọc cho chính mình. Ai có thân cũng bị sự bức bách của nghiệp lực do bản thân hiện ra. Như những người còn trẻ, những thanh niên thì bị sự bức bách của ái dục, rồi phải đuổi theo, gây bao nhiêu nỗi phiền hà về sau. Hoặc bị bức bách về sự nóng lạnh của ngoại cảnh, về những đòi hỏi của sáu căn, mắt ưa sắc đẹp, tai thích tiếng hay... Nó cứ đòi hỏi, thúc giục, bức bách mình phải đuổi theo, tìm kiếm cho được những thứ đó.

Vậy mang thân này là một sự bức bách, ép ngặt khiến mình không an ổn bao giờ. Nó đòi hỏi hết cái này đến cái khác, khiến cho chúng ta lúc nào cũng bực bội, bất an. Ðuổi theo sự bức bách của thân là đuổi theo dục lạc thế gian, rồi tạo nghiệp, chịu khổ. Ðó là điều thứ ba.

Thứ tư, mang thân này là thân rất chán chường. Chán chường thế nào? Bởi khi còn khỏe mạnh, đi đây đi kia, làm việc này việc nọ thì còn thấy vui một chút. Nếu ngã bệnh nằm xuống, vô bệnh viện, quí vị thấy những người nằm bệnh trên giường mệt mỏi nhọc nhằn, yếu đuối, nhìn thấy họ thật chán chường không còn vui thích.

Kế đó là khi tuổi già, muốn đi mà đi không được, bước chân run rẩy, muốn ăn thì mắc nghẹn, nuốt không vô, mắt mờ, tai điếc, mọi thứ... Như vậy mang thân này có chán chường không? Không có gì là thích thú phấn khởi cả.

Thứ năm, thân này thật là vô ý nghĩa. Vô ý nghĩa là sao? Nếu mang thân này rồi chúng ta chỉ một bề chạy theo nhu cầu của nó, thực hiện những đòi hỏi của nó - dù cho đủ khả năng tạo được hết những gì nó muốn, thỏa mãn những gì nó đòi - rồi cuối cùng nó cũng phải bại hoại. Vậy mà khi những đòi hỏi không được thỏa mãn mình lại buồn bực. Ðến lúc già yếu phải khổ vì những đòi hỏi của nó mình không đáp ứng được... Rồi cuối cùng, khi thân bại hoại nó hiện ra những tướng ghê gớm, chán chường, không có gì gọi là thích thú hết. Cả cuộc đời kết thúc một cách vô ý nghĩa.

Nếu người không biết tu thì thử hỏi từ lúc có mặt trên đời cho đến ngày nhắm mắt, họ đã làm được gì cho mình, đem được ích lợi gì đến cho người? Thật là chưa có gì đáng kể hết. Như vậy một cái thân đứng trong cõi đời này, chiếm một vị trí, một chỗ ăn chỗ ở của người ta mà rốt cuộc không làm được gì hết, có phải là một cuộc đời vô ý nghĩa không?

Người thế gian không thấy được lẽ này. Họ cứ tưởng tượng thân này là quí, là thật, là sang cả..., rồi cứ đuổi theo những đòi hỏi của nó, mắc phải cái lỗi mê lầm chấp trước về thân, thấy thân này là ta, thân này của ta... Từ đó giành giật nhau, cái gì ta được thì người phải mất, cái gì ta vui thì người phải khổ. Chúng ta cứ giành, giành cho được về phần mình, do chấp thân mà tạo bao thứ nghiệp.

Rồi lại chấp những gì gần gũi lệ thuộc về ta, nào là thân quyến của ta, sự nghiệp của ta... Như vậy, từ mê lầm thân đi tới chấp thân, chấp tất cả cái “của thân”, suốt cuộc đời cứ quanh đi quẩn lại trong vòng mê chấp. Mình chấp, rồi người chấp, tất cả chúng sanh đều chấp.

Từ cái chấp riêng tư đó sanh ra đụng chạm nhau về quyền lợi cá nhân, quyền lợi gia đình, quyền lợi trong xã hội, đi đến chỗ chống đối, thù địch rồi giết hại lẫn nhau vô số. Gốc từ chỗ mê lầm, từ những ảo tưởng chấp thân là thật có, quí báu, sang trọng... mà tạo ra đủ thứ khổ đau cho nhau. Ðó là sự mê lầm về thân.

Nói tới đây quí vị thấy mang thân này thật là bi quan. Nhưng đối với người tu Phật lại không bi quan. Ðây, tôi báo tin mừng cho quí vị, chúng ta rất mừng, mừng vui vô hạn! Mừng vui cái gì? - Khi chúng ta nhìn tường tận cái thân rồi, thấy nó vô giá trị, vô ý nghĩa, là thứ tạm bợ, nhớp nhúa, không đáng gì hết, gần như là đồ bỏ đi; nhưng chúng ta đã được đức Phật Thích-ca, chư Tổ từ Ấn Ðộ, Trung Hoa, Việt Nam chỉ cho chúng ta, báo cho chúng ta biết rằng trong cái tạm bợ, nhớp nhúa, vô ý nghĩa đó lại có một thứ của quí không thể tưởng tượng, không thể ngờ được. Ðó là tin mừng vô hạn mà tôi sẽ kể cho quí vị nghe.

Chúng ta biết rõ thân này không quí báu gì, lại còn tệ xấu, nhớp nhúa, chẳng đáng để chúng ta quí mến. Nhưng khi ta khéo nhìn qua lớp giả dối tạm bợ đó thì lại có một cái quí báu vô hạn tàng ẩn bên trong. Nếu nhận được cái quí báu vô hạn tàng ẩn bên trong, chúng ta mới thấy rằng giá trị của cuộc sống thật tuyệt vời hi hữu chớ không phải thường.

Vậy nên tôi nói rằng chúng ta vui mừng vì biết rõ trong đống rác bẩn thỉu, nhớp nhúa lại có chôn một hòn ngọc quí vô giá. Biết rõ thế thì chúng ta không ngại tay phải chạm đồ dơ dáy trong đống rác, mà phải ráng bươi đống rác đó ra tìm cho được hòn ngọc quí. Ðống rác là vô nghĩa, là chán chường, nhưng bươi được hòn ngọc quí trong đống rác ra, đó là thứ vô giá.

Còn gì vui mừng hơn từ một đống rác mà tìm được hòn ngọc quí! Thật là điều vui mừng cho tất cả những ai đủ duyên được chỉ và nhận rõ rằng hòn ngọc đó là có thật. Người đó sẽ biến đống rác thành nơi quí báu vô cùng. Trái lại, ai không được chỉ và không nhận rõ thì đống rác chỉ là vô nghĩa.

Của quí có sẵn trong đó mà trên thế gian này bao nhiêu tỷ người không mấy ai nhận ra được, chỉ sống mê say theo sự đòi hỏi của thân cho đến ngày bại hoại. Hoặc thấy thân là quí, là sang trọng rồi mê chấp theo nó, tới khi thân bại hoại lại thấy khổ đau. Do đây những vị đã ngộ đạo chỉ cho chúng ta biết trong đó có một cái quí không thể tưởng tượng. Không bao giờ chúng ta dám nghĩ rằng thật có điều đó. Vậy mà nó lại có, cho nên đây gọi là điều quí báu không ngờ, không thể tưởng tượng.

Chúng tôi thấm thía những câu nói của Lục Tổ: “không ngờ tánh mình vốn tự thanh tịnh, không ngờ tánh mình vốn tự đầy đủ v.v...” nghĩa là không bao giờ ngờ. Mình cứ tưởng thân này là vô thường, bại hoại, nhớp nhúa, là vô nghĩa, mà không ngờ trong cái bại hoại, trong cái nhớp nhúa vô nghĩa lại có một cái hoàn toàn thanh tịnh, chứa đầy đủ tất cả sự quí báu.

Lục tổ Huệ Năng không ngờ trong thân này có những điều đó, nên khi nhận ra được, Ngài la lên “không ngờ”, chứng tỏ Ngài đã tìm ra được một cái hữu ích vô cùng vô tận từ một vật vô giá trị. Chính những Thiền sư Việt Nam cũng đã không ngờ như vậy.

Chúng ta đọc những câu này của Thiền sư Ngộ Ấn thì thấy rõ:

Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận,
Liên phát lô trung thấp vị càn.

Phần là cháy. Ngọc phần sơn thượng là hòn ngọc ở trên ngọn núi cháy. Hòn ngọc trên ngọn núi cháy rực mà sắc của nó vẫn tươi nhuần, thật là việc không ngờ.

Một ngọn núi cháy hừng hực, nếu không thể làm tan biến được hòn ngọc, ít ra cũng làm rạn nứt hoặc khô nám. Vậy mà trái lại hòn ngọc ở trên ngọn núi cháy vẫn trong sáng, tươi nhuần. Chuyện thật không ngờ, không ai ngờ!

Nhưng chỗ không ngờ này còn có thể ngờ được, còn cái không ngờ sau thì không bao giờ chúng ta ngờ nổi, đó là:

Liên phát lô trung thấp vị càn.

Một cành hoa sen nở trong lò lửa mà vẫn tươi nhuần không héo. Thật là một điều không ngờ! Ai cũng nghĩ lò lửa cháy rực thì dù cho món đồ nào, củi hay là lá, hay bất cứ cái gì dù tươi mấy để vô cũng phải khô, phải cháy. Thế mà trong lò lửa cháy rực đó, lại có cành hoa sen nở tươi nhuần không héo, thì chúng ta có thể ngờ được không? - Thật là không ngờ.

Như vậy, người tu thấy được lẽ thật của thân rồi, biết rõ nó không có giá trị, không xứng đáng gì. Từ đó, chúng ta đi sâu hơn, đào sâu hơn thì chúng ta lại thấy trong cái vô nghĩa, vô giá trị đó có một cái quí báu phi thường đang nằm sẵn. Nắm được cái quí báu vô thượng đó trong tay thì chúng ta còn gì mừng hơn nữa? Từ chỗ vô nghĩa bỏ đi bây giờ biến thành điều hữu ích vô cùng tận thì thật là quí vô thượng, tức là trên hết, không gì hơn.

Ðể thấy rằng trên đường tu, chúng ta phải phăng tìm cho ra của báu phi thường ở trong một đống rác tầm thường, trong cái thân bại hoại tầm thường. Tìm ra được mới là ý nghĩa của đời tu. Chớ nếu tu mà cứ sống qua ngày, làm một ít điều thiện, tự mãn, hài lòng để rồi chờ chết, không tìm ra được cái quí báu kỳ diệu trong tấm thân tầm thường này thì thật là uổng đi một đời tu.

Những Thiền sư đều thấy rõ điều đó, cho nên trên đường tu các ngài an lành, tự tại, lúc ở cũng như lúc đi, không có gì phải buồn, sợ. Trái lại, chúng ta thấy người đời, khi chết rất sợ mất thân này, nhưng khi mang thân thì cũng chỉ là cái thân tầm thường đáng chán, mà lại hài lòng với nó.

Ðó là những ý nghĩa rất thâm trầm mà trong kinh đức Phật đã từng chỉ cho các thầy Tỳ-kheo cũng như toàn chúng biết rõ: Có một của báu phi thường ở trong tấm thân hết sức tầm thường. Kinh Pháp Hoa đã diễn tả: Ðó là hòn ngọc trong chéo áo hay là chàng cùng tử đi lang thang trở về lãnh được sự nghiệp của cha trao lại.

Như Thiền sư Mãn Giác có nói:

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Ðình tiền tạc dạ nhất chi mai.

Nghĩa là:

Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,
Ðêm qua, sân trước, một cành mai.

Một dòng vô thường biến chuyển không ngừng, trong cái vô thường biến chuyển không ngừng đó bỗng nhiên có một cái chân thường hiện tiền, biểu trưng là một cành mai mùa đông. Lối diễn tả của các ngài tuy khác nhau nhưng đều cùng qui về một ý.

Hay là Thiền sư Chân Không:

Xuân đến xuân đi ngỡ xuân hết,
Hoa nở hoa tàn chỉ là xuân.

“Xuân đến xuân đi”, có đến có đi tưởng là hết rồi, tuy nhiên “hoa nở hoa tàn chỉ là xuân”. Vậy thì xuân không cùng, không tận. Tất cả tướng nở, tàn của hoa đều nằm trong mùa xuân miên viễn đó, không có ra ngoài.

Vậy thì tất cả chúng ta tu là để đạt được chỗ đó, chớ không phải chúng ta tu tầm thường để được cái chùa to, có một số bổn đạo là đủ. Chúng ta chỉ hài lòng khi tìm ra được cái chân thường trong vô thường, tìm ra hòn ngọc báu trong đống rác nhớp. Ðó là trọng tâm của người tu Phật.

Bây giờ quí vị sẽ thắc mắc hòn ngọc đó ở đâu, thầy chỉ giùm coi. Quí vị muốn tôi chỉ không? - Ờ, chắc nhiều người muốn chỉ lắm. Tới mục này, tôi gọi là mục “sét đánh vỡ màng tai”. Tôi chỉ mà không chỉ. Tôi dẫn những câu chuyện, quí vị lóng lặng tâm tư, nghe tôi kể chuyện, rồi quí vị tự quyết định, tôi không có một lời phê phán nào hết.

Quí vị chuẩn bị, coi chừng “sét đánh vỡ màng tai”.

Trước hết tôi dẫn Thiền sư Hoài Nhượng. Quí vị nhớ Thiền sư Hoài Nhượng là đệ tử của ai không? - Là đệ tử của Lục tổ Huệ Năng. Khi Lục Tổ ngộ đạo, Ngài trình bài kệ trong đó có câu:

Bản lai vô nhất vật
Hà xứ nhạ trần ai.

Sau này Thiền sư Hoài Nhượng ở Tung Sơn đến, Lục Tổ hỏi ngay:

- Có mang vật gì đến?

Nếu mình nghe hỏi thì trả lời sao? - Thưa, con có mang một túi, trong đó có ba y và cái bình bát gì đó, phải không? Ngài Hoài Nhượng nghe hỏi mang vật gì đến, trả lời không được. Ngót tám năm sau, Ngài bừng sáng, đến Lục Tổ trả lời:

- Nói giống một vật tức chẳng trúng.

Lục Tổ hỏi:

- Lại có tu chứng không?

Ngài trả lời:

- Tu chứng chẳng phải không mà nhiễm ô không thể được.

Ngang đó Lục Tổ chấp nhận. Về sau, Ngài đến ở góc phía Nam núi Hoành Nhạc, cho nên người ta gọi Ngài là Nam Nhạc Hoài Nhượng.

Có vị Tăng hiệu Ðạo Nhất (về sau là Mã Tổ Ðạo Nhất) cũng cất am ở đây, suốt ngày chỉ ngồi thiền. Ngài Hoài Nhượng biết đây là một bậc pháp khí (người hữu ích trong Phật pháp), bèn đi đến hỏi:

- Ông ngồi thiền để làm gì?

Vị Tăng thưa:

- Con ngồi thiền để làm Phật.

Ngài im lặng đi.

Hôm khác ông Tăng cũng ra ngoài gộp đá ngồi thiền nữa, Ngài đi tới đem theo cục gạch, ngồi mài. Vị Tăng thấy lạ, mình ngồi thiền mà ông Thiền sư lại đem gạch tới đây mài, làm sao ngồi nhắm mắt được, cho nên phải nhìn, không nhịn được mới hỏi:

- Hòa thượng mài gạch để làm gì?

Ngài trả lời:

- Ta mài gạch để làm gương.

Sư Ðạo Nhất mới hỏi:

- Mài gạch đâu thể thành gương được?

Ngài trả lời:

- Ngồi thiền đâu thể thành Phật được!

- Vậy làm sao mới phải?

Ngài trả lời:

- Như trâu kéo xe, nếu xe không đi, đánh xe là phải hay đánh trâu là phải?

Ngang đó hết câu chuyện. “Như trâu kéo xe, nếu xe không đi, đánh xe là phải hay đánh trâu là phải?”

Qua câu chuyện thứ hai:

Thời đức Phật còn tại thế, có bảy vị Ni mà trong kinh gọi là Thất hiền nữ. Bảy vị dẫn nhau vào thi lâm để quán thây chết. Khi vào thi lâm, một cô chỉ thây chết nói:

- Thây ở đây mà người ở đâu?

Các cô lặng lẽ quán sát, cả thảy đều ngộ đạo.

Tôi không thêm câu nào.

Tới câu chuyện thứ ba: Mã Tổ Ðạo Nhất sau khi ngộ đạo rồi, người ta quí Ngài nên không gọi Ðạo Nhất, vì Ngài họ Mã nên gọi là Mã Tổ. Lúc đó Ngài đang giáo hóa, có một Thiền khách tên là Huệ Hải đến hỏi đạo. Mã Tổ hỏi:

- Ðến đây cầu việc gì?

Ngài Huệ Hải đáp:

- Ðến cầu Phật pháp.

Mã Tổ nói:

- Kho báu nhà mình chẳng đoái hoài, bỏ nhà chạy đi tìm cái gì? Ta trong ấy không có một vật, cầu Phật pháp cái gì?

Ngài Huệ Hải lạy rồi thưa:

- Cái gì là kho báu nhà mình của Huệ Hải?

Mã Tổ bảo:

- Chính nay ngươi hỏi ta, là kho báu của ngươi, đầy đủ tất cả không thiếu thốn, tự do sử dụng, đâu nhờ tìm cầu bên ngoài.

Hết.

Như vậy tôi nói là sét đánh vỡ màng tai. Quí vị nghe nãy giờ có vỡ màng tai chưa? Nếu không vỡ thì thôi, về nhà lặp đi lặp lại chừng nào vỡ màng tai thì tốt.

Ngang đây kết thúc bài pháp ngày Tết Nguyên Ðán.

Ðầu xuân Tăng Ni và Phật tử đồng tề tựu đến đạo tràng này chúc mừng năm mới, tôi không có gì biếu quí vị, nay kể lại những câu chuyện này gọi là tặng quí vị sang năm mới. Nếu vị nào lỗ tai mỏng, nghe tôi kể nó vỡ màng tai ngay bây giờ thì tốt. Nếu nó chưa vỡ thì quí vị nghiền ngẫm. Một lúc nào đó, sang năm này, quí vị sẽ vỡ màng tai cho mọi người chung quanh đồng vỗ tay tán thưởng: “Một Thiền sinh vỡ màng tai!”

Câu chuyện chúc xuân của tôi đơn giản có vậy. Tất cả chắp tay hồi hướng.

Mục Lục