Thiền Tông Việt Nam
Xuân Phụng Hoàng Tập 2 (2005)
Lễ Chúc Tết Mậu Dần

(Thầy Quản chúng nội viện Tăng)

Kính bạch Thầy,

Hôm nay nhân ngày đầu năm mới, thuận theo thế tục, ở trong nhà đạo chúng con toàn thể Tăng Ni và Phật tử đồng câu hội về trước Thầy, kính dâng lên lời tác bạch mừng tuổi đầu năm. Ngưỡng mong Thầy chứng minh cho chúng con.

Kính bạch Thầy,

Hôm nay là cái Tết thứ năm tại Thiền viện Trúc Lâm này, toàn thể chư Tăng chúng con lại được quì trước Thầy, được trực tiếp nhìn thấy Thầy để kính dâng lên lời mừng tuổi đầu xuân. Ðây là niềm vui trước nhất của chúng con.

Song năm nay chúng con không chúc Thầy bằng những lời cầu chúc lặp đi lặp lại trên chữ nghĩa theo thường lệ, cũng như những lời xin hứa... xin hứa..., mà chúng con kính dâng lên Thầy những niềm vui của huynh đệ chúng con đã nỗ lực công phu tiến tu có được.

Chúng con thầm nghĩ rằng: Chính đây mới là những lời cầu chúc đầy đủ ý nghĩa nhất, sẽ đem lại niềm vui thật sự cho Thầy. Bởi hơn hai mươi năm qua, kể từ khi Tu viện Chân Không được thành lập cho đến ngày nay, Thầy đã dồn hết tâm lực để lo lắng cho chúng con tu hành, mong làm sống dậy con đường Thiền tông Việt Nam đã bị quên lãng từ lâu nay, cũng như Thầy hằng mong mỏi kết quả tu hành ở chúng con.

Hôm nay những kết quả đó đã có được, dù rằng chưa phải là những kết quả viên mãn sau cùng. Nhưng sống giữa thời mạt pháp, cách xa đức Phật hơn hai ngàn năm trăm năm như thế này, hầu hết mọi người đều tưởng rằng không bao giờ có được những tin tức ấy, mà năm nay lại có được thì cũng có thể tạm nói là quá hi hữu.

Từ đó chúng con đã có được niềm tin vững mạnh để tiến tới, cũng như chứng nghiệm rõ ràng đường lối mà Thầy đã hướng dẫn cho chúng con đang đi là có hiệu quả thật sự, có thể thể nghiệm ngay hiện tại đây, chớ không phải chỉ có trên những lời giảng nói, hay phải đợi sau khi chết. Chính đây là điểm khích lệ lớn lao cho chúng con hiện tại, cũng như cho những người sẽ bước theo sau, đầy đủ niềm tin rằng nếu ai đã thực hành đúng đắn cũng đều có những kết quả lợi ích thiết thực không nghi ngờ.

Kính bạch Thầy,

Trên đây là những lời chân thành bộc bạch của chúng con kính dâng lên Thầy nhân ngày đầu năm mới này, để thay cho lời chúc mừng năm mới của chúng con đối với Thầy. Kính mong Thầy từ bi chứng minh.

Tiếp theo chúng con kính mong Thầy từ bi ban cho chúng con những lời nhắc nhở tiến tu đầu năm, để chúng con được khích lệ tinh tấn thêm hơn trong năm tới.

Sau cùng toàn thể chúng con đồng nhất tâm hướng về Tam Bảo, cầu nguyện Tam Bảo gia bị cho Thầy sức khỏe luôn được dồi dào, tứ đại an hòa, thành tựu được những Phật sự như ý.

Ngưỡng mong Thầy từ bi chứng minh và nạp thọ cho chúng con được ân triêm công đức.

(Ni sư Quản chúng nội viện Ni)

Ngưỡng bạch Thầy,

Hôm nay là ngày đầu năm, như lời thầy Quản chúng đã chúc Thầy quá đầy đủ, vậy con xin chúc những lời chúc xuân thường lệ.

Toàn thể Ni chúng chúng con ra trước đây xin đê đầu đảnh lễ Thầy và kính dâng lên Thầy lời chúc mừng năm mới. Chúng con thành tâm kính chúc Thầy pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chiếu, hầu dẫn dắt chúng con trên bước đường giải thoát.

Kính bạch Thầy, chúng con đủ duyên lành được dự vào pháp hội của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử và được Thầy nuôi lớn giới thân tuệ mạng bằng những dòng sữa pháp tươi mát ngọt ngào. Chúng con khác nào như người lữ hành đang đi trên sa mạc giữa trưa hè bỗng gặp được tàn cây che mát và suối nước trong. Ôi! Thật là phước lành nhiều đời của chúng con!

Kính bạch Thầy, mặc dù tuổi Thầy đã cao, sức khỏe đã mòn, nhưng với tâm lão bà tha thiết tột cùng, Thầy vẫn không ngừng giảng dạy để vạch bày chỗ thâm sâu, chỉ thẳng lý huyền mong cho chúng con thấu được và sống được với chính mình. Cảm niệm thâm ân này nên lòng chúng con luôn cưu mang thao thức, qua những tháng năm dài nhìn lại tuổi đời chồng chất mà đạo nghiệp còn xa. Mặc dù trong khi tu chúng con cũng có được niềm vui, có lóe sáng và đôi khi cũng bừng vỡ, nhưng đó chỉ là những cảm ngộ nhẹ, chưa phải là mục tiêu của Thầy mong muốn.

(Ðại diện Phật tử)

Kính bạch Thầy,

Hôm nay là ngày đầu xuân Mậu Dần - 1998, đất trời hòa nhịp đón xuân sang, người Việt Nam vui vẻ đón xuân theo truyền thống cổ truyền của dân tộc. Ðây cũng là truyền thống của những dân tộc ở phương Ðông.

Kính bạch Thầy, trong không khí đầm ấm an hòa của ngày đầu năm, toàn thể Phật tử chúng con xin thành kính đảnh lễ chúc mừng Thầy sức khỏe và hoan hỉ.

Theo quan niệm thông tục, mỗi năm, mùa xuân bắt đầu cho sự vận hành miên viễn của vũ trụ không gian và thời gian tương ứng, giới hạn tối đa kiếp sống con người chừng trăm năm, nhưng thật ra cũng hiếm thấy người đời đến được trăm tuổi.

Là đệ tử của Phật, qui y Tam Bảo, chúng con quay về nương tựa Phật Pháp Tăng, thông qua học hỏi hành trì mà hiểu được sự vật và thế giới là vô thường sanh diệt liên tục. Nhưng phải thường xuyên nhận biết trong cái vô thường có cái thường thì mới an trụ trong chánh pháp. Ðó là nương vô thường sanh diệt mà đạt được thường, lạc, bất sanh bất diệt, trở về quê hương gặp lại chính mình. Ðó là “phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc” của Thượng sĩ Tuệ Trung mà Thầy thường nhắc nhở chúng con.

Dù vậy, chúng con vẫn thấy còn có sự khác biệt giữa hai thái độ: quan niệm vô ngã và sống thật vô ngã. Thế giới vô thường, chúng sanh vô ngã, nhưng cuộc sống thường nhật chúng con hầu như luôn là hữu ngã, nên đau khổ vẫn triền miên, có an lạc đó rồi lại khổ đau đó.

Nguyên nhân sâu xa là do không chịu tu tập, hoặc tu tập không tinh tấn, tâm niệm chánh tà xen nhau liên tục, lúc có lúc không, thế nên từ vô lượng kiếp đến nay cứ làm kẻ cùng tử lang thang trong luân hồi lục đạo, luôn mang trong mình viên minh châu quí báu nhưng không nhận ra được, đói rách vẫn cứ đói rách, chẳng khác nào người đếm tiền thuê ở ngân hàng, lui về tay trắng nằm không. Có lúc chúng con chợt thốt lên rằng:

Ngọc ơi ngọc ở đây này,
Sao còn đuổi bắt đọa đày mà chi.
Ngước lên đức Phật từ bi,
Hoa khai nhãn tạng chứng tri rõ ràng.

Hình ảnh niêm hoa vi tiếu trên núi Linh Thứu xưa vẫn là hình ảnh bây giờ và ở đây. Nếu tạm phân phương diện tục đế thì thời gian là búa vô thường ngày đêm cứ việc tàn phá mọi hình hài và sự vật. Thêm một năm Thầy già đi một tuổi, công đức đào tạo hướng dẫn Tăng Ni và Phật tử càng sâu thì sức khỏe Thầy càng giảm. Ðó là sự nghiệp hoằng dương chánh pháp của Thầy.

Vẫn biết đây chỉ là biểu hiện của Bồ-đề tâm và đại bi tâm, nhưng chúng con mạn ý Thầy nêu lên có ba vấn đề quan trọng trong quá trình xiển dương chánh pháp, làm rạng rỡ tông môn, làm sáng tỏ đạo Phật Việt Nam. Ðó là:

Một là thiết lập và xây dựng môn qui ở các Thiền viện, tạo nơi tu tập ổn định cho Tăng Ni Phật tử, sáp nhập đường lối tu và làm sáng tỏ Thiền tông Phật giáo Việt Nam.

Các Thiền viện không những là nơi tu thiền mà còn là những công trình văn hóa của Phật giáo và dân tộc Việt Nam. Ðây là những công trình mang đậm nét bản sắc dân tộc, ai đến đây đều cảm nhận được điều đó. Dù đi nam, đi bắc, đi trung, dù đông tây đôi ngả mịt mù, nhưng ai đã đến Ðà Lạt đều phải tìm cách đến núi Phụng Hoàng chiêm ngưỡng công trình Thiền viện Trúc Lâm, tận hưởng những giờ phút an lạc tuyệt vời, có thể nói rằng:

Mái chùa cong vút lên cao,
Tháp chuông đứng lặng Phụng Hoàng là đây.
Hồ xanh chen lẫn núi mây,
Ở đây thanh thản lòng nghe nhẹ nhàng.

Vấn đề thứ hai là các bản dịch và trước tác của Thầy, công trình này đã hình thành tư liệu cụ thể góp phần xây dựng tủ sách Thiền học Phật giáo Việt Nam. Theo thiển ý của chúng con là nên có sự phân công và tổng hợp có hệ thống, để về sau này những ai có chí nguyện nghiên cứu và tu tập Thiền tông có điều kiện dễ dàng học hỏi và nhanh chóng thâm nhập.

Ðiểm thứ ba, truyền đăng tục diệm là hình ảnh nói lên sự liên tục của ngọn đèn pháp, thế gian thường gọi tre già măng mọc, mạch sống Thiền tông không dứt đoạn thì gọi là truyền đăng tục diệm.

Phật giáo Việt Nam đã bao lần suy thạnh trong lịch sử, Phật giáo đời Trần là giai đoạn Phật giáo nổi bật nhất và thạnh nhất. Nguyên nhân cơ bản là bắt đầu từ sức mạnh Thiền tông, khẳng định được mình, biết rõ mình là ai. Tính độc lập tự chủ được thể hiện trên cơ sở tự thắng được mình. Dân tộc Việt Nam giành được độc lập tự chủ, ba lần chiến thắng quân Nguyên cũng trên cơ sở đường lối này.

Ngày nay Thầy khôi phục Thiền tông đời Trần, khẳng định đường lối tu, tiếp tục phát huy cái hay cái đẹp và sức sống của người xưa, từ bi chỉ dạy mọi người nương theo để tiếp bước trên đường học đạo, nương theo phương tiện truyền thừa đến bến bờ giải thoát. Thật là đại nguyện, đại từ bi tâm!

Vẫn biết Thiền sư Vạn Hạnh đã dạy:

Nhậm vận thịnh suy vô bố úy,
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.

Nhưng tâm lý thường tình thế gian ai không cảm xúc, không lo lắng khi nghĩ đến Thầy đâu thể sống hoài. Vì vậy chúng con nghĩ rằng truyền đăng tục diệm là vấn đề quan trọng nhất để tiếp tục duy trì và phát triển mạnh mạch sống Thiền tông Việt Nam.

Ðó là ngọn đèn thiền tăng thêm sức mạnh cho đại chúng, có như thế Phật tử chúng con ngày một ân triêm công đức, có nơi nương tựa lâu dài để gột sạch phiền não, xóa dần nghiệp chướng sâu dày, thừa hưởng pháp lạc của Phật Tổ. Về phía chúng con ra sức tinh tấn tu học, cùng nhau sách tấn để tiến bộ thêm hơn.

Cuối cùng Phật tử chúng con kính chúc Thầy và đại chúng thân tâm thường an lạc, mong Thầy từ bi tiếp nhận.

(Hòa thượng)

Qua những lời chúc Tết của Tăng Ni và Phật tử nhân ngày Nguyên đán năm Mậu Dần, chúng tôi sẽ có ít lời nhắc nhở tất cả quí vị trên đường tu. Những lời nhắc nhở này cũng là lời chúc Tết đầu năm cho tất cả quí vị.

Như lời của Quản chúng bên Tăng nói rằng năm này không chúc tết tôi theo lối thông thường bằng lời hứa mà không thực hiện được, hoặc bằng những ngôn ngữ đẹp mà trống rỗng, chỉ chúc Tết tôi bằng hành động là sự tu hành của chúng Tăng với những kết quả dù khiêm tốn nhưng đủ dâng cho tôi lấy làm niềm vui trong ngày đầu năm. Ðó là điều tôi rất hài lòng.

Như tôi từng nói với Tăng Ni là suốt đời tôi làm Phật sự, mà Phật sự thì quá rộng, quá lớn, tất cả chúng sanh đều là mục tiêu để mình truyền bá chánh pháp, chớ không riêng một nơi, một chốn, một số người nào. Nhưng đời tôi nếu có làm được gì thì cũng hạn chế trong một phạm vi, một nơi chốn, chớ không thể rộng rãi hơn. Vì vậy tôi trông cậy ở người sau khá nhiều. Nếu người sau tôi sự tu hành không tiến bộ, không đạt kết quả thì đó là thất vọng lớn trong đời tôi.

Quí vị thấy năm này là tôi đã sống được ba phần tư thế kỷ rồi, phần còn lại chắc cũng không bao nhiêu. Cho nên tôi đang trông đợi, nhất là trong giới xuất gia, Tăng và Ni, quí vị tu thế nào cho có kết quả, dù chưa được mãn nguyện như ý nhưng cũng phải được một phần ba hay phân nửa chỗ mình mong đợi. Ngày nay rõ ràng qua sự kiểm nghiệm tôi thấy điều đó đã đi đến chỗ cụ thể chớ không còn là ước mơ suông nữa. Ðó là một điều rất vui. Mai kia tôi theo Phật thì ở lại đây còn có khá nhiều người thay tôi làm những Phật sự tôi đang làm dở dang.

Như vậy kể từ đây về sau, nếu chư Tăng, chư Ni, cũng như quí Phật tử, mỗi năm mỗi tiến, tiến đều và tiến vượt bậc, thì chắc rằng tới ngày cuối cùng ra đi, tôi chỉ cười chớ hết buồn lo. Ðó là chỗ tôi hi vọng. Năm này tiến được một bước, những năm tới sẽ đôi ba bước, và có thể sẽ đi khá xa trên con đường mà quí vị quyết tiến.

Qua kinh nghiệm, tôi thấy trong Tăng Ni nhiều người có những bước tiến có thể nói là đáng tin cậy. Do sự tiến bộ đó mà gần đây tôi rất vui, vui về hai mặt:

- Thứ nhất là sự truyền bá và đường lối giáo hóa của tôi ngày nay có chứng cứ chớ không phải chỉ nói suông.

- Thứ hai là tôi mất mà con đường truyền bá không mất. Nó sẽ tiếp tục. Chúng ta đang trong thời mạt pháp, mạt pháp không phải là Phật pháp bị hoại diệt, mà là lúc giáo pháp đến kỳ suy thoái. Trong thời Phật pháp suy thoái mà vẫn còn có một số người cố vươn lên làm được những việc bảo tồn giá trị của chánh pháp, thật là điều rất hi hữu, rất đáng mừng, nên đó là niềm vui của tôi.

Vậy hôm nay qua sự phát nguyện, trình bày của Tăng Ni và Phật tử, tôi thấy đó là điều đáng cho tôi vui mừng khi bước sang năm mới.

Sang năm mới này, tôi sẽ nhắc nhở điều gì để quí vị đi vững vàng trên con đường mình đang tiến?

Hôm nay, tôi chỉ mượn một hình ảnh trong kinh Pháp Hoa để nhắc nhở tất cả quí vị. Ðó là hình ảnh Ðề-bà-đạt-đa.

Mới nghe tên Ðề-bà-đạt-đa chắc quí vị mất cảm tình liền, phải không? Ai nghe tới tên ông cũng chán, không thích, nhưng ở đây tôi lại dẫn. Trước khi nói ngài Ðề-bà-đạt-đa, chúng tôi dẫn xuất xứ để quí vị nghe nhớ rồi hiểu sâu hơn.

Ðọc trong các bộ kinh A-hàm, Ðề-bà-đạt-đa nhiều lần dùng phương tiện này, cách thức nọ để hại Phật. Cuối cùng ông lại xúi vua A-xà-thế thả voi say đón đường hại Phật, với mục đích là giết Phật chết để ông thế ngôi vị của Phật. Ðồng thời Ðề-bà-đạt-đa xúi vua A-xà-thế giết hại Vua cha để lên làm vua.

A-xà-thế là đệ tử của Ðề-bà-đạt-đa. Như vậy hai thầy trò, trò nắm quyền quốc vương, thầy nắm quyền giáo chủ truyền bá trong thời đó. Vậy nên dùng đủ mọi cách để phá hại Phật, mà quan trọng nhất là thả voi say chà Phật. Nhưng khi voi hung hăng chạy đến, do đức từ bi của Phật cảm hóa, nó không hại Phật, trái lại còn quì đảnh lễ Ngài.

Qua những lần Ðề-bà-đạt-đa tìm cách hại Phật như vậy, các vị đệ tử lớn bèn thưa hỏi: “Ðề-bà-đạt-đa mới một đời này hại Phật, hay đã nhiều đời như vậy rồi?” Ðức Phật kể rằng: “Ðã nhiều kiếp ta ra đời làm hạnh Bồ-tát, thì Ðề-bà-đạt-đa là người phá hại ta rất mạnh mẽ, nguy hiểm.” Mà đời nào gặp cũng phá hại hết, cho tới chuyến chót này thành Phật cũng gặp Ðề-bà-đạt-đa phá hại lần cuối cùng.

Nghe như vậy tôi hơi ngạc nhiên. Trong A-hàm có một bài kinh, kể lại sau khi đức Phật thuyết pháp cho đại chúng nghe rồi, có một vị hỏi: “Với mắt Phật thấy Ðề-bà-đạt-đa sau này chết có thể khỏi đọa địa ngục hay không?” Phật trả lời: “Ta xét lại thì Ðề-bà-đạt-đa không có một điểm nào thiện hết, làm sao thoát khỏi địa ngục?” Ðó là lời hỏi của ngài Ma-ha-nam, là bà con của Ðề-bà-đạt-đa, sợ ông bị đọa nên hỏi Phật như thế.

Như vậy Ðề-bà-đạt-đa theo kinh A-hàm là một người tội lỗi ngập đầu, tức là phạm tội ngũ nghịch phải đọa địa ngục. Nhưng tôi lại nghi. Trong kinh thường dạy, người tu chân chánh, người đạo đức, thành thật, nếu có ai đó tìm mưu kế phá hại thì người phá hại đó sẽ đọa địa ngục, không phải một đời mà đọa nhiều kiếp. Hại người tu chân chánh thôi còn đọa như vậy, huống nữa Phật tu hạnh Bồ-tát mà phá hại Ngài, thì thử hỏi chết bị đọa tới cỡ nào?

Một đời phá hại Phật, khi chết phải đọa địa ngục tới trăm ngàn muôn kiếp mới trở lại. Vậy mà không biết tại sao hễ Phật ra đời là có Ðề-bà-đạt-đa. Nếu trăm ngàn muôn kiếp ông mới được trở lại làm người, thì tại sao đức Phật mỗi đời này qua đời kia tiếp tục làm hạnh Bồ-tát đều có mặt Ðề-bà-đạt-đa để phá hoài như vậy? Tôi hơi ngạc nhiên chỗ đó.

Nhưng đọc kinh Pháp Hoa, tới phẩm Ðề-bà-đạt-đa thì chúng ta lại thấy khác. Chính trong kinh đức Phật nói: Trong vô lượng kiếp về quá khứ, Ngài làm vua, vì cầu Vô thượng Bồ-đề thường bố thí ngoại tài, nội tài v.v... sau cùng bỏ ngôi Vua để cầu được học pháp Ðại thừa. Có một vị tiên nhân đến nói rằng: “Ta có pháp Ðại thừa, nếu Ðại vương không trái ý ta, ta sẽ dạy cho.”

Nghe vậy Ngài mừng quá xin đi theo vị tiên nhân. Từ đó Ngài hầu hạ tiên nhân suốt ngày đêm không mỏi mệt: hái trái, gánh nước, nấu ăn... cho đến lấy thân làm giường ghế cho tiên nhân, Ngài đều hi sinh phụng thờ không mệt mỏi. Rồi đức Phật bảo các Tỳ-kheo: “Thuở ấy, Vua chính là thân ta, còn tiên nhân nay chính là ông Ðề-bà-đạt-đa. Ta nhờ thiện tri thức Ðề-bà-đạt-đa mà được đầy đủ sáu pháp ba-la-mật, Tứ vô sở úy, Thập bát bất cộng v.v... thành bậc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Như vậy Ðề-bà-đạt-đa là thiện hữu tri thức bậc nhất của ta.”

Quí vị nghĩ sao? Ðề-bà-đạt-đa là người tội lỗi số một hay là thiện hữu tri thức số một của Phật? Ðó là một nghi vấn tôi xin đặt ra với quí vị. Nếu theo quan niệm lâu nay thì chúng ta nói tội lỗi số một, phải không? Nhưng với cái nhìn của Phật, trong kinh Pháp Hoa thì là thiện tri thức số một.

Như vậy chúng ta phải nhận xét thế nào cho đúng với giá trị của Ðề-bà-đạt-đa? Nếu ông là người có ác tâm hại Phật, tức phải là người tội lỗi số một. Nhưng nếu Ðề-bà-đạt-đa do tâm trợ đạo, giúp cho Phật mau thành chánh quả, tạo đủ mọi cách làm trở ngại để Phật vượt lên và vượt nhanh hơn, mau chóng thành Phật, thì Ðề-bà-đạt-đa là người có công số một, phải không?

Như vậy, quí vị nghĩ trên đường tu của chúng ta, người có công lớn với chúng ta là người nào? Người nuôi mình đủ ăn đủ mặc và yêu cầu mình ráng tu, khi mình buồn thì khuyên nhắc để vui lên mà tu, đó có phải là thiện tri thức số một không? Nếu phải thì cũng một phần thôi.

Lại có những người chuyên ăn rồi phá mình, phá bằng cách này hoặc bằng cách khác. Mình đang tu hành, tự hứa trong lòng ráng năm nay dẹp tật nóng nảy, sân hận đi. Mới vừa được nửa năm, tu hơi khá khá thì có ai đó chọc tức mình, dằn không được. Vậy người chọc tức đó là người trợ lực đưa mình tiến lên, hay là người đẩy mình lùi xuống, quí vị nghĩ sao?

Nếu đưa lên mà mình tức quá, nhịn không nổi, la ó om sòm thì đó là tuột. Còn nếu người ta tạo cái duyên bực tức mà ngay đó mình thắng được, an ổn vượt qua, thì chính đây là đưa mình lên. Như vậy cùng một việc làm mà có thể là đưa mình lên, cũng có thể đẩy mình tuột xuống. Vậy thì lỗi tại ai, tại người đó hay chính mình?

Chúng ta phải đặt câu hỏi lại, người chọc tức đó là người xấu, làm khổ mình, khiến mình phải lùi xuống không tiến được, hay là người tốt, giúp mình vượt lên, thoát qua được nạn sân si? Quí vị nghĩ sao?

Như vậy tốt do mình mà xấu cũng tại mình, phải không? Còn việc làm của họ có công hay có tội? - Nếu mình vượt qua được thì họ có công, còn mình tuột xuống tức họ có tội.

Thông thường người ta hay nói ai chọc phá những người thế gian tội còn nhỏ, chớ chọc phá người tu tội lớn lắm. Mà đức Phật tu hạnh Bồ-tát, Ðề-bà-đạt-đa cứ theo phá hoài, tội nhỏ hay lớn? Tội lớn mà cứ phá hoài không chán, vậy là có cố ý không? Nếu cố ý tức là chấp nhận tội để giúp cho người đó.

Mỗi lần Ðề-bà-đạt-đa hại Phật là mỗi lần Phật tuột xuống hay vươn lên? - Càng phá Ngài càng vươn lên. Vậy Ðề-bà-đạt-đa là người có công lớn làm cho Phật mau thành Phật phải không? Còn chúng ta bây giờ nếu ai chọc thì sao? Mình đang tu êm ái vui vẻ, bỗng dưng có người tới sỉ nhục, nói mình là kẻ gian trá, xảo quyệt, giả bộ tu chớ có tu gì... nói một hồi mình chán ngán, bèn trả áo trở về nhà, tu mà bị làm nhục vậy tu chi! Thế là tuột xuống hay là vươn lên?

Như vậy, việc làm của người phá đó, đối với ai thiếu ý chí cương quyết, thiếu tâm quyết tử trên đường tu, sẽ là tai hại. Ngược lại, với người có ý chí cương quyết và quyết tử trên đường tu, đó là lợi lớn.

Tôi thường nói, giả dụ tôi nguyện tu hạnh nhẫn nhục, mà đi từ đầu làng tới cuối xóm, ai gặp tôi cũng xá chào, khen ngợi hết, thì quí vị nghĩ chừng nào tôi thành tựu hạnh nhẫn nhục? Chắc một ngàn năm cũng chưa thành, vì có ai chọc tức đâu mà biết mình có nhẫn hay không nhẫn, phải không?

Nhưng giả sử tôi đi tới đầu đường có người chỉ mặt nói: “giả bộ tu chớ có thật thà gì đâu”, mắng những câu rất nặng, chê rồi bỏ đi một nước, mà lúc đó tôi vẫn điềm nhiên như không. Vậy là tôi thành tựu hạnh nhẫn nhục, sự tu tập có thể kết quả sớm. Còn nếu mình hứa nhẫn nhục mà không có cơ hội nhẫn nhục thì kéo dài hoài, chừng bao nhiêu năm mới thành công?

Giả sử mình phát nguyện tu hạnh nhẫn nhục, mới chừng ba tháng thì gặp đủ thứ chuyện, kẻ chê, người mắng, quí vị nghĩ hạnh nhẫn nhục chừng bao lâu sẽ kết thúc? Chỉ chừng năm sáu tháng là thấy thành công hoặc thối lùi liền, hai điều đó rõ ràng.

Như vậy lời nói của đức Phật rõ ràng chí lý. Nếu không có người làm ngăn trở trên đường tu của Ngài thì thời gian tu sẽ kéo rất dài. Nhờ có người ngăn trở và Ngài cương quyết vượt qua hết, nên thời gian tu được rút ngắn, chóng thành Phật. Vậy là nhờ Ðề-bà-đạt-đa mà Ngài chóng thành Phật, thì Ðề-bà-đạt-đa là người thân hay người thù?

Quí vị nghĩ Ðề-bà-đạt-đa là người thân hay người thù? Nói một cách cương quyết xem, thân hay thù? Nói mạnh lên! Ðể rồi mai mốt có ai làm Ðề-bà-đạt-đa thử thì mình thấy thân chớ không phải thù, đó mới là thứ thật. Chớ nói yếu yếu rồi gặp việc lại bảo: “Hôm đó tôi đâu có hứa!”

Vậy ta phải xác nhận lại: Ðề-bà-đạt-đa đối với Phật là ân nhân, là thiện tri thức bậc nhất. Ngày nay đối với những người giả bộ làm Ðề-bà-đạt-đa phá phách chúng ta, phải xem họ là thiện tri thức bậc nhất của mình, phải không?

Quí vị nghĩ, người tu biết tội lỗi mà ngăn trở sự tu hành của người khác thì đọa biết bao nhiêu kiếp! Ở đây ngăn trở mà không bị đọa thì ắt không phải là người ác, phải không? Chính là người giúp mình tu tiến. Nên Ðề-bà-đạt-đa theo Phật luôn, Phật có mặt ở đâu thì Ðề-bà-đạt-đa tới đó. Như vậy ông là người tạo duyên tốt lành để Phật chóng thành Phật.

Bây giờ quí vị tu hành, đi tới đâu gặp những người ác tri thức theo dõi tới đó, làm mình phiền, mình khổ lụy, lúc đó phải nguyện thế nào? - Nguyện đời đời từ đây cho tới thành Phật, tôi có mặt chỗ nào ác tri thức cũng nên có mặt nơi đó để giúp tôi, phải không? Sao lắc đầu! (cười). Phải nguyện như vậy mới được. Biết họ là ác tri thức phải nguyện như vậy để họ giúp mình chóng thành Phật. Nếu không mình cứ kéo dài lê thê biết chừng nào thành.

Chúng ta tu muốn thành Phật phải đầy đủ pháp lục độ: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ. Chỉ nói một hạnh bố thí, mình có đồ gì chưa dư, mới đủ thôi, mà người ta đã xin rồi, có bực không? Nếu mình bực thì đâu làm hạnh bố thí được. Cho nên mình chưa dư mà có người đến xin, mình vẫn bố thí, vậy là tốt. Cho tới cái mình đang cần mà họ xin mình vẫn bố thí được mới tròn công hạnh. Chớ còn ai tới cũng cúng dường cho mình hết thì làm sao mình thành tựu hạnh bố thí? Phải có người xin mình, xin cho tới không còn cái áo mặc nữa, như vậy mới tròn hạnh nguyện.

Biết đâu chung quanh chúng ta có nhiều Ðề-bà-đạt-đa. Nhiều Ðề-bà-đạt-đa để mình chóng thành Phật chớ có gì đâu. Người mới tu thường thích lựa chỗ nào huynh đệ thuần thục, ai cũng hiền lành hết để mình tu cho tiến. Nhưng như vậy là chỉ mới một chiều, đúng ra người tu nào cũng phải chọn môi trường chung quanh có nhiều người chọc phá dữ dội thì mình tu mới tiến, phải không? Nếu ai cũng muốn gì được nấy thì tu chừng nào mới tiến.

Như vậy sự tu có khác hơn cuộc sống ngoài đời. Trong cuộc sống ngoài đời, nếu ai cũng khen ngợi mình, tô điểm cho mình, thế là tốt, có danh dự. Trái lại, đối với người tu, càng tô điểm, càng tán thán mình nhiều, vô tình bản ngã càng cao, mà bản ngã cao, tu chừng nào thành Phật? Chắc là ba vô số kiếp, hoặc năm sáu vô số kiếp, phải không? Vì vậy cần có những người phá phách mình.

Có người nói, nếu anh đó chị đó thiếu, xin mình, mình bố thí là phải, đằng này họ đầy đủ như mình, có dư hơn mà lại xin mình, dễ tức không? Hỏi dễ tức không là hết bố thí rồi. Chính cái khó bố thí đó là hạnh mình cần tu tập.

Trong kinh có kể câu chuyện: Trong một tiền thân của đức Phật, Ngài phát nguyện bố thí. Có người lại xin con mắt Ngài để về làm thuốc. Nghe vậy, Ngài sẵn sàng móc cho, nghĩ đó là việc hữu ích. Dè đâu cho rồi người ấy ném xuống đất, lấy chân chà lên. Tức không? Bởi vì nếu xin để làm gì đó hữu ích, mình thấy là việc thiện mình dễ chịu, hi sinh được. Còn hi sinh cho cái rỗng không vô ích làm sao hi sinh? Việc này người đời không bao giờ làm được, chỉ có Bồ-tát trong những trường hợp đó mới có thể làm được. Làm được như vậy mới thật là Bồ-tát.

Như vậy nói tới người tu, quí vị nghĩ sao? Người tu là người thiệt thòi hơn tất cả, hay là người được quí trọng hơn tất cả?

Lâu nay chúng ta có cái bệnh, thường nghĩ mình tu là người hiền lương, làm thầy dạy đạo đức cho Phật tử, là người đáng quí trọng. Vì nghĩ là quí trọng nên ai chê nổi sân lên liền, phải không? Bây giờ chúng ta phải nhìn lại, người tu là người thiệt thòi và chịu đựng hơn tất cả. Thiệt thòi và chịu đựng, đó là ý nghĩa người tu. Quí vị chịu không? Chịu nhẹ xìu à, chịu mà không dám nói mạnh!

Nhưng đây là một lẽ thật, tất cả điều thiệt thòi chúng ta phải chịu, tất cả những gì bỉ ổi xấu xa mình cũng phải chịu. Bởi vậy quí vị nghĩ lại sẽ thấy đức Phật tâm lý vô kể.

Trước khi cho xuất gia Ngài hỏi: “Quyết tâm tu chưa?” Hễ quyết tâm tu thì cạo đầu trước đã, cạo đầu có thiệt thòi chưa? Xấu đau xấu đớn là hết sức thiệt thòi rồi! Ðó là điều số một phải làm. Nhưng bây giờ không biết sao người ta nói “mô-đen đó đẹp”, rồi bắt chước cạo đầu, chớ hồi xưa người ta để tóc dài, bắt cạo đầu là xấu ghê lắm.

Thêm điều nữa: “Ông muốn đi tu hả? Phải đi ăn mày.” Không được làm ra tiền, làm ra cơm gạo, mà phải đi ăn mày, xấu không? Chấp nhận ăn mày mới cho tu. Ôm bình bát đi xin là ăn mày chớ gì nữa. Như vậy có phải là Ngài làm cho mình thiệt thòi đủ thứ chưa?

Rồi lại hỏi: “Quyết định đi tu chưa?” Nếu quyết định đi tu thì mặc áo vá. Xin vải về kết từng miếng, ráp lại thành áo bá nạp. Áo bá nạp là áo vá trăm mảnh chớ không có gì lạ. Vậy mà bây giờ người ta lại quan trọng, cho áo bá nạp là áo dành cho hàng đạo đức cao, thành ra ý nghĩa khác. Chớ thật ra là bắt mặc áo rách, áo vá. Mà có vô tiệm may xin vải không? - Không. Phải ra các đống rác, bươi lấy mấy miếng vải rách dơ người ta bỏ, đem về giặt rồi kết lại làm áo mặc.

Như vậy là Phật đày đọa chúng ta đến mức tồi tệ nhất rồi phải không? Thế mà bây giờ lại đổi khác nhiều quá. Cạo đầu thấy cũng đẹp! Rồi ăn mày mà Phật tử cúng dâng cung kính quá, cũng không nhục nhã gì. Hai cái gọi là nhục, bây giờ hết nhục. Còn mặc áo vá thì nay thợ khéo may coi cũng đẹp, cũng lành lặn. Rốt cuộc ba việc thấp kém thiệt thòi đó mình đều không có.

Thứ tư là hồi xưa Phật không cho cất nhà ở, phải đi lang thang. Chỉ người bụi đời mới đi lang thang, nay Phật bắt người tu cũng phải đi lang thang vậy đó. Như thế có phải Ngài đẩy mình tới chỗ hết sức thấp kém trong tầng lớp xã hội hay không? Nhưng rồi tại người ta văn minh quá, từ chỗ đi lang thang ở dưới cội cây, lò gạch bể..., mỗi ngày mỗi chế biến ra cảnh chùa chiền, tu viện, riết rồi từ chỗ thấp kém trở thành tốt đẹp quí giá, hết thiệt thòi.

Nếu chúng ta ở địa vị bị mọi người khinh miệt như vậy mà tu được, quí vị nghĩ các công hạnh của mình có mau thành tựu không? Còn bây giờ được mọi người cung kính, liệu mình tu có mau thành công không?

Nhiều khi chúng ta cứ đổ thừa là đời mạt pháp tu không được. Nhưng thật ra là tại người ta khôn quá, những điều Phật cố ý làm cho xấu, chế biến một hồi thành tốt cả, rốt cuộc không còn cái gì xấu nữa. Rồi tán thán với Phật tử rằng chư Tăng Ni tu hành đạo cao đức trọng, cung kính có phước... này kia, riết rồi mình đi tới đâu cũng được người ta cung kính. Ði ra ngoài thì mời lên xe tốt, tới nơi ngồi ghế cho cao, cúng đồ thật ngon...

Vậy là từ kẻ ăn mày giờ được người cung kính, thành ra mất nghĩa ăn mày. Là kẻ sống lang thang, bây giờ được nhà cửa sang trọng, hết lang thang. Là kẻ đầu trọc xấu xí bây giờ người ta bắt chước làm theo cho đẹp. Rốt cuộc tất cả cái gì đáng bị chê ngược lại bây giờ được khen, vậy thì sự tu của mình càng khó, rất là khó.

Quí vị phải hiểu chỗ đó, đừng nghĩ rằng chúng ta được Phật tử, được mọi người trọng vọng là chúng ta tu dễ. Không phải đâu! Nếu trong cảnh như ngày xưa Phật dạy, mình tu mười năm, bây giờ cảnh hiện tại của mình phải tu hai, ba mươi năm, chưa biết bằng hay không.

Như vậy, hiện tượng Tăng Ni sở hữu vật chất ngày càng tốt đẹp, càng sang trọng là hiện tượng tu lâu đắc đạo. Còn ngày xưa dễ đắc đạo quá. Quí vị nghĩ, một vị Tăng hay vị Ni đi khất thực lang thang ở ngoài đường, rồi tối thì vào miếu hoặc đến gốc cây ngồi thiền, ngủ tại chỗ đó. Chỉ có ba cái y, một cái thì đắp, cái gối đầu, cái nữa trải ở dưới. Ở gốc cây nếu lỡ có trận mưa thì sao? Vậy đó mà các ngài chấp nhận mọi sự thiếu thốn. Những điều khó khăn, nguy hiểm có thể tới bất cứ lúc nào mà các ngài vẫn an ổn là do tâm kiên quyết tu hành, không hề có niệm buông lung phóng túng. Thế nên mới chịu được.

Còn mình bây giờ có cái gì sợ đâu? Ở trong nhà không ai động tới, mỗi tháng có cơm ăn đầy đủ, không lo thiếu bữa nào, cũng không ai chọc ghẹo phá phách mình, được bảo vệ đủ thứ hết, phải không? Thật ra, người tu ngồi chỗ nguy hiểm kế cận bên mình thì nhiếp tâm rất mau, còn chỗ có giường êm nệm ấm lại khó nhiếp niệm. Nhất là ngồi một mình, chân hơi đau đau là xả nằm nghỉ cho khỏe nên tu rất chậm tiến.

Trong Thiền Quan Sách Tấn có kể chuyện một vị Tăng ngồi thiền hay bị hôn trầm, ngủ gục suốt, làm chủ không được. Gần chỗ Sư ở có cây đại thọ ngả nghiêng dựa mé vực thẳm, Sư leo lên đó ngồi thiền. Nếu ngủ gục thì cắm đầu rơi xuống vực chết bỏ mạng. Như vậy ngồi đó là ngồi trong thế chờ chết chớ không phải thường, sa xuống là chết. Nhờ thế mà Sư tỉnh queo, vì sợ chết quá. Trải mấy ngày đêm, Sư giữ tâm định tỉnh không dám chợp mắt, Sư được đại ngộ. Còn người ngồi chỗ bình yên quá gục tới gục lui, buông chân ra nằm ngoẻo ngủ thì chừng nào mới ngộ đạo? Chính nhờ chỗ hết sức hiểm nguy một còn một mất, tỉnh thì còn, ngủ mê thì rơi xuống vực chết, mà thành công.

Như vậy khó khăn nguy hiểm không phải là cái cớ làm cho chúng ta phải thối tâm lui bước. Nếu chúng ta quyết tâm sống chết trên đường tu thì đó là cơ hội tốt để thành công. Ðiều này nghiệm thật kỹ quí vị sẽ thấy.

Vậy tất cả sự tu của chúng ta ngày nay đòi hỏi phải có những gì? - Ðược sung túc, vui vẻ, được mọi người kính trọng, phải không? Hễ được các thứ này thì yên lòng tu, còn nếu thiếu thốn, không vui vẻ, hoặc phải chịu khổ đau và bị người ta khinh miệt thì hết muốn tu, nếu thế là sai rồi.

Ngày nay chúng ta còn ở đây, trong một hoàn cảnh mọi nhu cầu tương đối được đầy đủ, yên ổn để tu, có thể là giai đoạn để chúng ta nuôi dưỡng thánh tâm cho được mạnh. Khi đã mạnh rồi, mai kia tôi đẩy quí vị ra ngoài, muốn đi đâu thì đi, làm gì được thì làm, không được thì ráng chịu.

Chừng đó quí vị sẽ thấy có những trường hợp được người ta quí trọng, có trường hợp bị người ta khinh khi, hoặc gặp kẻ ác muốn hại mình, thì những lúc đó sẽ là cơ hội tốt để quí vị tu nhanh, tu mau, phải không? Chớ nếu ở dưới sự bảo bọc ấm no, bình an như thế này, tu chắc chậm lắm. Lúc đầu thì được, nhưng sau lại không được.

Do đó quí vị đừng nghĩ Thiền viện Trúc Lâm là nơi mình ở cho tới ngày nhắm mắt. Không phải đâu! Ðây chỉ là nơi nuôi dưỡng cho quí vị đủ sức mạnh rồi đẩy quí vị ra. Lúc đó quí vị sẽ là kẻ lang thang, bị người khinh bỉ đủ thứ, nhưng đó chính là cơ hội tốt để quí vị tu nhanh. Muốn mau đạt đạo thì phải được rèn luyện như thế đó. Nói vậy để quí vị chuẩn bị tinh thần.

Trở lại câu chuyện hồi nãy, chúng ta nên xem người làm trở ngại đường tu của mình là người tốt hay xấu? - Ờ, tốt. Nhưng hiện giờ mình đang ở trong chúng năm, sáu mươi người đông quá như vầy, người ngoài đâu dám vô chọc. Chỉ có huynh đệ trong đây chọc mình thôi, phải không?

Biết đâu trong này lâu lâu có người nào đó phát tâm đại Bồ-tát: “Ờ, mấy huynh đệ tu bình yên quá chắc không tiến, thôi tôi chịu đọa địa ngục, phá thử coi quí vị tu được không?” Rồi người đó chọc, quậy mình. Người này gọi là gì? - Thiện tri thức số một đó.

Nếu mình thấy được như vậy thì từ đây về sau, tất cả chúng ta có người nào đáng ghét không? - Không có người nào đáng ghét hết, ai cũng là thiện tri thức số một số hai. Như vậy, ở chung một trăm người là một trăm Bồ-tát. Nâng đỡ khuyến khích chúng ta khi buồn để chúng ta tu tiến, đó là Bồ-tát khuyến khích điều thiện. Còn nếu ai đó thấy chúng ta tu hành có nghị lực kha khá, đạo đức có tiến đôi phần, họ bắt đầu trổ tài phá, phá kịch liệt thì chúng ta thấy họ thế nào? - Ðó cũng là người tốt, là thiện tri thức nữa, phải không?

Nói theo trong kinh này, kẻ giúp đỡ chúng ta để an ổn tu hành là Bồ-tát thuận hạnh, người ngăn trở, phá phách trong lúc chúng ta tu là Bồ-tát nghịch hạnh. Mà nghịch hạnh là Bồ-tát hạng lớn chớ không phải nhỏ, thứ nhỏ không dám làm. Chỉ Bồ-tát hạng lớn mới dám làm nghịch hạnh. Bởi vậy đừng có khinh thường mấy người đó mà phải cung kính nhiều hơn. Ðó là Bồ-tát hạng lớn mà.

Quí vị hằng nhớ như vậy thì trên đường tu có cái gì trở ngại không? Có nơi nào chúng ta chán không? Ðó là điều ngày nay tôi chúc Tết quí vị.

Tôi chúc năm Mậu Dần này, tất cả Tăng Ni và Phật tử chúng ta, qua một năm rồi trên đường tu có tiến đôi chút, sang năm Mậu Dần chúng ta phải tiến mạnh hơn, tiến vững hơn, bằng cách xem tất cả người giúp đỡ, khen ngợi mình là thiện tri thức, và kẻ phá phách, ngăn trở, miệt thị mình là thiện tri thức cỡ lớn, phải cung kính hơn. Chúc cho quí vị phát được cái tâm đó mạnh mẽ và nhớ mãi trọn năm.

Ðó là lời chúc thực tế của tôi, tôi không chúc rỗng nữa. Và tôi tin rằng tròn một năm tới tôi không phải xử kiện lần nào hết. Vì sao? - Vì chung quanh quí vị toàn là thiện tri thức cỡ nhỏ và cỡ lớn không thôi, đâu còn gì để thưa kiện tôi xử. Ðó là một điều tốt lành đẹp đẽ nhất trên đường tu của chúng ta.

Ðừng bao giờ nghĩ chúng ta gặp chướng hay gặp nạn. Chúng ta tu sẽ có những thiện tri thức thuận hạnh giúp cho các phương tiện để được đầy đủ, đồng thời có những thiện tri thức nghịch hạnh giúp chúng ta tăng trưởng ý chí và tiến tu một cách nhanh chóng, mau thành đạo quả. Tất cả đều là thiện tri thức của chúng ta.

Mục Lục