Xuân Phụng Hoàng Tập 2 (2005)
Lễ Phổ Trà Bính Tý
Cùng chư Tăng Ni và quí Phật tử, Theo tục lệ Việt Nam, mỗi năm vào đêm hăm chín gọi là đêm tất niên, hoặc giao thừa, còn nói theo tiếng Hán là đêm “trừ tịch”, có lễ cúng tất niên hoặc tiệc tất niên. Do theo tập tục của người Việt Nam, trong nhà chùa chúng ta cũng có tổ chức tất niên. Chữ “tất” là hết, là rốt; “niên” là năm; tức là đêm cuối năm. Tối nay là đêm chót của năm Bính Tý cho nên gọi là đêm tất niên. Tất niên của ngoài thế gian là để vui chơi tiệc tùng, còn chúng ta đêm tất niên là để kiểm tra lại sự tu hành của Tăng Ni cũng như của Phật tử. Qua một năm chúng ta tiến bộ nhiều ít, có những thiếu sót, lỗi lầm gì, hay dở thế nào để chuẩn bị cho sự tu hành sang năm tới của chúng ta, rút tỉa kinh nghiệm tăng trưởng những điều hay và chừa bỏ các lỗi dở để tiến thêm, tiến cao hơn. Ðó là ý nghĩa tất niên ở trong Thiền viện chúng ta tổ chức. Ðêm tất niên hôm nay chúng tôi chia ra những mục để quí vị biết, theo thứ tự mà thực hiện. Mục thứ nhất là kiểm tra lại sự tu hành của chư Tăng, chư Ni và Phật tử trong một năm qua. Mục thứ hai là tôi sẽ nhắc nhở khuyến khích những điều gì sai sót hoặc còn thiếu, để quí vị tiến tu cho được đầy đủ. Những điều gì đã khá, đã hay thì tôi cũng khích lệ cho quí vị tiến thêm. Sau lời nhắc nhở khích lệ đó, chúng tôi sẽ giải thích bổn phận của một người tu phải làm những gì. Xong chúng ta nghỉ nửa giờ, chư Tăng về trai đường uống gì đó chút ít cho khỏe rồi trở lên. Ni về bên kia cũng vậy, nhưng không ra trở lại. Còn Phật tử mời qua nhà khách ăn uống một chút gọi là hương vị cuối năm, chuẩn bị đầu năm. Sau nửa giờ tại đây sẽ chiếu phim. Ðó là ba cuốn phim tôi đi bên Úc Châu về, bữa nay mới hoàn bị, sẽ đem chiếu cho chư Tăng và Phật tử xem, còn chư Ni thì dành hôm khác. Ðến mười hai giờ kém mười lăm nghỉ, kế đó chư Tăng tụng kinh vào giờ giao thừa, có ba hồi chuông để đón giao thừa. Ðó là chương trình đêm nay, báo cho tất cả quí vị biết. Nếu quí Phật tử có khả năng ở lại tới mười hai giờ thì ở, không thì về sớm cũng được. Ðầu tiên là kiểm tra lại sự tu hành của Tăng Ni và Phật tử trong một năm qua. Trước hết là đại diện cho Tăng, hôm nay Quản chúng nhập thất thì Phó Quản chúng đại diện báo cáo cho tôi cùng toàn thể Tăng Ni, Phật tử nghe sự tu hành tiến thối của chúng thế nào, để rồi mình nhắc nhở nhau tiến lên. Quí vị đừng xấu hổ vì những cái dở, có dở rồi mình mới tiến lên hay. (Thầy Phó Quản chúng nội viện Tăng) Kính bạch Thầy, Con xin thay mặt thầy Quản chúng trình bày những ưu và khuyết điểm trong một năm qua trên bước đường tu hành của toàn thể chư Tăng. Kính bạch Thầy, Nhìn chung trong một năm qua, việc tu hành của chúng tiến bộ hơn những năm trước. Về giới đức cũng được thuần thục hơn. Giờ giấc tụng kinh, tọa thiền đều nghiêm túc không có thiếu sót. Về ngồi thiền, đa số ngồi được suốt ba thời, mỗi thời hai tiếng đồng hồ. Quí vị nhập thất ai cũng có được niềm an lạc trong thời gian nhập thất. Ðó là những ưu điểm trong năm qua. Tuy nhiên, bên những ưu điểm đó cũng còn một số khuyết điểm trong việc tu hành, là có vài vị vì chưa khắc phục được thân, nên trong giờ ngồi thiền cũng còn hôn trầm, trạo cử. Vài vị chưa đạt đến hai tiếng đồng hồ, vì mới nhập chúng hoặc vì có những bệnh riêng. Thứ ba nữa là có những vị có trách nhiệm đặc biệt nên giờ giấc tọa thiền cũng như tụng kinh không được đầy đủ. Ðó là nhìn chung về việc tu hành, riêng về đời sống lục hòa thì năm vừa rồi Thầy đã dạy năm nay là năm thứ ba, lục hòa phải được đầy đủ tuyệt đối, nhưng điều chúng con thấy hổ thẹn là năm thứ ba mà lục hòa chưa được đầy đủ. Do đó hôm nay con trình lên để Thầy kiểm qua rồi nhắc nhở cho huynh đệ chúng con, sang năm chúng con hứa sẽ cố gắng khắc phục thực hiện lục hòa được trọn vẹn hơn. (Ni sư Quản chúng nội viện Ni) Kính bạch Thầy, Hôm nay con xin trình lên tổng quát phần tu hành của huynh đệ chúng con trong nội viện. Về việc tu hành trong năm thứ ba, chị em chúng con cũng có cố gắng, giờ giấc tụng niệm tọa thiền đều được đầy đủ. Tuy nhiên có đôi khi huynh đệ vì bệnh nên nghỉ, do đó thời khóa quí vị cũng hơi thiếu. Phần lục hòa, chúng con vâng lời Thầy dạy nên có cố gắng thực hiện tương đối đầy đủ. Bên cạnh đó cũng có huynh đệ vì mới đến, chưa theo kịp được nếp sống lục hòa nên còn đôi điều lủng củng. Sau đó con nhắc nhở, thấy huynh đệ có cố gắng và theo kịp với đại chúng. Nói chung, chúng con cũng có phần tiến hơn hai năm về trước, tuy vậy vẫn còn những khuyết điểm do các huynh đệ mới chưa theo kịp. Chúng con kính trình lên Thầy, nhờ Thầy nhắc nhở để chị em chúng con tiến thêm. (Hòa thượng) Phần Tăng Ni đã xong. Ðúng ra thì bây giờ đến cư sĩ, nhưng cư sĩ tôi biết mỗi người ở mỗi nơi, không ai biết ai, nên không ai đại diện để nói lên được. Thôi để quí vị tự nghiệm, tự xét rồi cố gắng chớ không kiểm tra lại. Bây giờ tôi nhắc nhở Tăng Ni và Phật tử ngày cuối năm. Trước khi nhắc nhở tôi cũng tự kiểm điểm lại mình trong năm qua. Riêng phần tôi vì có những việc phải đi xa và đi gần, cộng lại ba lần đi hết tám mươi ngày, gần ba tháng vắng mặt ở Thiền viện, do đó sự nhắc nhở sách tấn cho Tăng Ni cũng còn thiếu sót chưa đủ. Ðó cũng là cái khuyết của tôi. Giờ đây tới phần nhắc nhở tất cả Tăng Ni rồi sẽ nói tới Phật tử sau. Tất cả quí vị đã nghe đại diện bên Tăng và đại diện bên Ni trình bày qua. Trong đó chỉ nói đại khái những điều còn sơ sót, chớ những bước tiến tốt của Tăng Ni thì chưa ai dám nói. Sáng mai tôi sẽ nói những niềm vui mà tôi đã nhặt được qua những lời trình bày của Tăng Ni cũng như của cư sĩ cho quí vị nghe. Hôm nay chúng ta chỉ kiểm tra những cái khuyết để nhắc nhở thôi. Tôi thường đặt nặng với chư Tăng, Ni ở đây, trong vòng ba năm quí vị phải thực hiện cho được pháp lục hòa, đó là nếp sống của Thiền viện. Còn phần tọa thiền, về hình thức, quí vị phải ngồi cho đủ hai tiếng không được thiếu. Hiện nay phần tọa thiền chỉ một ít người bệnh hoặc mới đến chưa ngồi được hai tiếng, chớ hầu hết đều được. Ðó là quí vị đã thực hiện được một điều tôi chỉ định. Nhưng về phần lục hòa thì như đại diện bên Tăng đã cho biết, còn hổ thẹn vì huynh đệ chưa thực hiện được trọn vẹn. Tôi xin nói rõ hai chữ lục hòa cho tất cả nhớ. Lục là sáu, hòa là hòa thuận, cũng có chỗ gọi là hòa kính. Trong nhà Phật, nghĩa “Tăng” nguyên chữ Phạn là “Sanga”, mình đọc âm trại một chút gọi là “Tăng-già”, Trung Hoa dịch nghĩa là “hòa hợp chúng”, tức là trong một đoàn thể sống hòa hợp với nhau phải thực hiện đủ sáu điều: Một là thân hòa đồng trụ: Sống với nhau, ở chung với nhau thì phải thực hiện cho đúng về mặt tu hành, công tác, ăn uống, ngủ nghỉ, đều nhịp nhàng, đều đồng bộ ai cũng như ai. Không ai được quyền thiếu, vắng, trễ mà phải làm đúng như nhau. Gọi thân hòa đồng trụ, tức là về thân: ăn, ở, lao động và tu hành đều như nhau. Hai là khẩu hòa vô tránh, tức là về miệng thì chỉ nên luận bàn đạo lý mà tuyệt đối không được tranh cãi, to tiếng hoặc có những lời nói có vẻ chống đối. Nếu tranh cãi, hoặc chống đối tức là phạm lỗi. Khẩu hòa vô tránh nghĩa là miệng hòa không tranh cãi. Như vậy về thân thì sống nhịp nhàng trong mọi sanh hoạt, về miệng phải luôn luôn hòa thuận, nói năng nhẹ nhàng, nhã nhặn và kính trọng nhau. Ba là ý hòa đồng duyệt, tức là ý của mình phải vui vẻ với nhau. Tại sao phải vui vẻ với nhau? Bởi vì chúng ta nhiều khi sống hòa về hành động, về thân, về lời nói - những điều này tương đối dễ hòa - nhưng về ý thì mỗi người có tâm ý khác nhau, không ai giống ai, cái đó hòa rất là khó! Nếu ý mình không hòa thuận thì cuộc sống sẽ có tỵ hiềm, bực bội, rồi chống đối nhau. Cho nên ở đây buộc phải ý hòa, cùng vui với nhau. Chúng ta phải luôn sống với tâm ý vui hòa. Dù có những ý niệm sai biệt, chúng ta đều xả bỏ tâm niệm riêng tư, sống trong tình hòa thuận. Hòa thuận để làm gì? Ðể chúng ta yên ổn, vui tươi, tu hành thăng tiến. Nếu sống mà ý mình chống đối thù nghịch thì đó là gốc của phiền não, sân si, không bao giờ tu hành tiến bộ được. Vì vậy mà ý phải vui hòa với nhau, trên dưới thuận thảo, không có sự chống đối, không điều gì tỵ hiềm, đó là niềm vui an ổn tu hành. Việc này khó làm, không phải ngày một ngày hai chúng ta thực hiện được, mà phải dày công nỗ lực, lâu lắm mới thấm nhuần tinh thần này. Thứ tư là giới hòa đồng tu, nghĩa là cùng ở chung với nhau trong một Thiền viện, Tỳ-kheo có bao nhiêu giới, Sa-di bao nhiêu giới cùng hòa đồng giữ gìn như nhau. Ðó là luật Phật dạy chung cho hàng xuất gia, chúng ta phải đồng giữ. Thứ năm kiến hòa đồng giải, là chỗ thấy biết theo ý kiến riêng tư của mình, nhận định như thế này, hiểu biết như thế nọ, mỗi người dù có sai biệt, đều cùng đem ra bàn bạc một cách hòa thuận để nhắc nhau những chỗ thiếu, dở và khuyến khích nhau những điều hay, tốt, chớ không phải có ý niệm khác biệt nhau rồi đối nghịch nhau. Ðến cuối cùng là lợi hòa đồng quân, tức là cuộc sống về tài lợi đều cùng như nhau. Bao nhiêu món ăn cũng chia đều cho nhau, bao nhiêu thứ mặc chia đồng không khác. Cho tới mùng màn chăn chiếu gì cũng vậy, không ai được nhiều, không ai ít. Sống hòa đồng như vậy gọi là lợi hòa đồng quân. Ðiều này không phải giản đơn, bởi vì lâu nay chúng ta quen sống có tư hữu, người nào cũng có riêng, mà bây giờ bắt giống hệt nhau, ngang bằng nhau thì hết sức là khó. Nhưng ở đây tôi cố gắng tạo điều kiện cho Tăng Ni thực hiện được điều đó. Muốn như vậy thì tất cả tài sản đều qui về Thiền viện hết. Ở đây Phật tử không có quyền cúng cho một vị Tăng, một vị Ni nào món đồ riêng hay số tiền riêng, mà chỉ cúng cho Thiền viện, rồi Ban lãnh đạo phân chia ra. Không ai được nhận riêng, cũng không ai cúng riêng. Ðể thực hiện được lợi hòa đồng quân, phương pháp tổ chức ở đây hơi khác các chùa. Chư Tăng chư Ni không ai có quyền giữ tiền riêng, cũng không ai có quyền tích trữ đồ đạc riêng. Tất cả đều chia đồng nhau. Nếu một chiếc áo rách thì đem đến trình Tri sự, Tri sự sẽ phát chiếc áo lành mới. Một đôi dép rách đem lại Tri sự sẽ phát đôi dép khác, chớ không có hai đôi dép hoặc một chiếc áo dư. Ðiều này quí Phật tử nghe dường như mới chớ thật tình thì Phật đã dạy từ thuở nào. Ðó là sáu điều hòa thuận. Như vậy, ở đây hai điều thân hòa đồng trụ và khẩu hòa vô tránh, tôi thấy hơi dễ một chút. Ðến thứ ba ý hòa đồng duyệt rất là khó. Tới giới hòa đồng tu, kiến hòa đồng giải và lợi hòa đồng quân, ba cái đó lệ thuộc vào tổ chức của mình. Nếu tổ chức mình khéo thì dễ giữ, tổ chức không khéo sẽ giữ không được. Không hòa thì không gọi là Tăng. Bởi vì Tăng là một tập thể hòa hợp chung sống với nhau, không chống đối, thù địch, không chia rẽ, không chênh lệch hơn kém. Vì vậy muốn thành ý nghĩa Tăng đòi hỏi chúng ta phải thực hiện lục hòa, đó là vai trò tối thiết yếu. Nếu lục hòa chúng ta không giữ được thì nghĩa Tăng bị giảm kém đi rồi. Dù cho chúng ta cạo tóc, mặc áo nhuộm, thọ giới mà sống không hòa thuận thì cũng chưa đủ ý nghĩa Tăng. Nên tôi chú trọng nhất là lục hòa, buộc Tăng Ni phải thực hiện cho được trong vòng ba năm. Hôm nay kết thúc ba năm, mà theo lời báo cáo của Phó Quản chúng Tăng thì trong chúng vẫn còn một ít người chưa thực hiện trọn vẹn được lục hòa. Ðây tôi xin nhắc tất cả quí vị tinh thần lục hòa này. Tại sao chúng ta đi tu? Chắc ai cũng như ai đều trả lời vì bản nguyện giải thoát sanh tử nên mới từ giã cha mẹ, anh em xin vào chùa tu để cầu giải thoát và độ tất cả chúng sanh. Ðó là bản nguyện mà tất cả người tu, bên Tăng cũng như bên Ni, đều ôm ấp. Bản nguyện đó cao cả, quí báu làm sao! Nếu mang bản nguyện cao cả như vậy mà chúng ta không thực hiện được thì rất là thiếu sót, rất là hèn yếu! Nhưng muốn thực hiện thì chúng ta phải hòa thuận, cùng vui, cùng chia sớt nỗi niềm tâm sự của nhau, để rồi an ủi, nhắc nhở, khuyến khích nhau tinh tấn tu hành, đạt được bản nguyện. Còn nếu chưa hòa thì bản nguyện đó chúng ta khó mà đạt được. Ở đây tôi dùng một thí dụ, quí vị nghe rồi nghiệm, gẫm xem có đúng như hoàn cảnh này không. Như ở trước sân chùa có một cây bồ-đề to, bị giông tố làm trốc gốc ngả nghiêng, cành khô, lá đổ. Mọi người trong chùa đồng ý với nhau rằng chúng ta phải chống đỡ cho cây bồ-đề đứng vững, sống trở lại, cành lá nó sẽ xanh tươi rợp bóng sân chùa, che mát cho những người núp dưới cội cây. Khi đã đồng ý với nhau muốn chống đỡ, bồi đắp lại cho cây bồ-đề được đứng vững thì mỗi người phải làm sao? Người thì tìm cây để chống, người tìm dây để kéo buộc lại, người lo lấy đất bồi, người đem nước tưới v.v... Trong khi chúng ta cố gắng chung lưng nhau lo chống đỡ cây bồ-đề đứng vững lại, giả sử có người nhiệt tình kêu huynh đệ đi lấy cây chống, nhưng có những người chậm chạp, tìm cây không ra và bị la rầy. Khi bị la rầy mình nên giận, bỏ cuộc, hay là nên nghe lời nhắc nhở để cố gắng làm hết sức đặng chống đỡ cây bồ-đề? Hoặc trong khi mọi người lo tìm dây để cột lôi kéo phụ, mà có người lại đi cà lơ mơ, không nhanh nhẹn, không nỗ lực, rồi bị mấy người nhiệt tình la, quở thì sao? Bởi vì khi chung sức chống đỡ cây bồ-đề to, là việc làm cấp bách và nặng nề, thì mỗi người phải tận lực, phải nhiệt tình. Nếu chúng ta có mặt và đồng ý chống đỡ mà không chịu nỗ lực, không nhiệt tình, bị người khác rầy la thì chúng ta phải nghĩ rằng đây là việc chung, việc lớn. Chúng ta không thể nào vì một lời chê trách mà sanh ra buồn phiền bỏ cuộc. Bỏ cuộc tức là hư việc lớn. Cho nên trong lúc đó dù ai la, quở, mình cũng phải nỗ lực làm cho tròn, cho hết sức thì khả dĩ chúng ta mới hợp tác cứu được cây bồ-đề, không còn nghiêng ngả, không còn khô cành đổ lá nữa. Ngược lại, khi có những người nhiệt tình la rầy, mình đâm ra bực bội rồi bỏ cuộc thì hư cả việc lớn. Như vậy, hình ảnh cây bồ-đề nói lên điều gì? Nói lên bản nguyện của tất cả chúng ta muốn tu hành giác ngộ. Muốn tu hành được giác ngộ để làm lợi ích cho chúng sanh, việc ấy quá lớn, quá to. Nếu trong khi tu hành, chúng ta lại vì một hai lý do gì đó không được hòa thuận, không giữ đúng lục hòa thì bản nguyện của chúng ta đâu thể nào thực hiện được. Cũng như trong khi muốn chống đỡ cây bồ-đề đứng vững mà chúng ta lại không nhiệt tình, bỏ cuộc thì làm sao cứu được cây bồ-đề? Cho nên trong công tác này, tất cả chúng ta thấy việc cần thiết đầu tiên để cho cây bồ-đề đứng vững là phải hòa thuận với nhau, cùng cố gắng kẻ lo việc này, người tìm việc kia, làm sao chung lưng góp sức chống đỡ cho cây bồ-đề được đứng vững. Rồi từ đó mới tới những công tác kế là chúng ta bồi đất, tưới nước cho nó. Thành ra cái gốc của chúng ta bây giờ là phải hòa thuận để làm việc lớn. Ðó là điều quá thiết yếu. Nếu chư Tăng chư Ni bản nguyện rất to mà lại có ý niệm riêng rẽ thì bản nguyện đó không bao giờ thực hiện được. Chúng ta nguyện được giác ngộ, giải thoát và cứu độ chúng sanh thì bước đầu chúng ta phải hòa hợp chung sống với nhau trong niềm đạo đức chân thật, để cùng tu cùng tiến đến chỗ lợi ích cho mình cho người vuông tròn. Như vậy mới là xứng đáng. Nếu chúng ta không có sự hòa thuận, chung hợp với nhau thì không bao giờ làm được việc gì. Cho nên tôi đặt lục hòa là bước đầu tối quan trọng trong cuộc sống chư Tăng chư Ni. Quí vị đến đây luôn luôn phải chú trọng, phải nhìn thẳng lục hòa là điều thiết yếu trong đời tu của mình. Khi không thực hiện được một điều nào trong lục hòa thì mình phải tự xấu hổ, tự thấy như đã phạm một lỗi lớn, để rồi cố tránh không cho tiếp diễn nữa. Ðược như vậy mới mong trên đường tu quí vị không lui sụt, mới thu hoạch kết quả tốt đẹp. Bằng không đời tu của mình e rồi cũng không đi đến đâu. Ðó là điều tôi nhắc cho tất cả nhớ, hiểu rõ ý nghĩa lục hòa mà tôi hết sức chú trọng. Về hình thức hòa thuận, có thể Tăng Ni dễ thực hiện được, nhưng về tinh thần, ý niệm hòa thuận thì quí vị nghĩ sao, đã được hết chưa? Tức là về ý hòa đồng duyệt, chư Tăng chư Ni mình thực hiện được chưa? Có khi nào huynh đệ nói lên ý kiến này ý kiến nọ, mình không đồng ý, rồi mình cũng bực, cũng la không? - Có, ờ, như vậy là có phạm lỗi gì không? Mà tôi nói phạm lục hòa cũng gần như phạm một giới lớn vậy. Quí vị nhớ điều tôi đã nêu - phạm một điều hòa gần như phạm một giới trọng vậy. Tại sao? Như tôi đã nói nãy giờ, một điều hòa mà mất đi thì cuộc sống trong chúng sẽ có mầm chia rẽ. Một khi chia rẽ thì phiền não sanh, phải không? Phiền não sanh thì tu không bao giờ được định, mà không được định làm sao có giác ngộ? Có khi nào quí vị phiền não rần rần mà ngồi tu tâm định không? Không bao giờ được định! Muốn định thì phải an lạc, vui tươi, tu mới tiến. Như vậy sống không hòa vừa làm cho tập thể mình hư, vừa làm cho đời tu mình hỏng nữa. Ðó là điều hết sức thiết yếu. Vậy nên tôi khuyên phải giữ lục hòa, đã là năm thứ ba rồi. Thôi bây giờ tôi gia hạn. Quí vị muốn tôi gia hạn chừng bao nhiêu? Một năm hay nửa năm? Thôi thì tôi gia hạn cho quí vị một năm nữa, làm sao thực hiện cho được lục hòa. Ðược lục hòa rồi mới tới những cái khác. Nếu chưa được lục hòa thì trên đường tu còn nhiều trở ngại lắm. Ðó là điều tôi rất tha thiết trông mong Tăng Ni cố gắng thực hiện cho được. Quí vị thấy, đây là nói xa hơn, nhìn tập thể Tăng Ni chúng ta hiện giờ ở mọi nơi tinh thần hòa hợp kém lắm, nên tu hành cũng có nhiều cái suy sụp. Vì vậy, tôi muốn rằng tất cả chúng ta ở đây, làm sao phải xứng đáng với ý nghĩa người xuất gia hi sinh tất cả. Hi sinh tình mẫu tử, tình huynh đệ, hi sinh tất cả những cái vui của thế gian để làm một người xuất gia thì chẳng lẽ không hi sinh được ý niệm riêng tư, không hi sinh được những sở hữu riêng tư? Có gì là quan trọng? Quí vị phải làm cho được điều đó, trong lúc tôi còn sống, thì khi tôi theo Phật mới tin rằng quí vị có thể hợp tác với nhau làm Phật sự được. Chớ ngày nay tôi còn sống, nhắc tới nhắc lui mà quí vị làm không được, tới chừng tôi nhắm mắt theo Phật rồi, người xách gói đi đầu này, người xách gói đi đầu kia, mạnh ai nấy tự tung tự tác thì cái công lao xây dựng bao nhiêu năm sẽ đi về đâu? Do thấy như vậy, nên tôi tha thiết mong mỏi chư Tăng Ni thực hiện cho được lục hòa. Nhất là chư Tăng, tâm ý hơi bồng bột hơn bên Ni, bồng bột nên nó nổi, mà nổi thì vừa có ý bất hòa là miệng thốt ra liền. Cho nên ý không hòa thì khẩu cũng không hòa luôn, phạm cả hai cái một lượt. Còn bên Ni ít bồng bột nên nó chìm sâu, thấy như là khẩu hòa, vì không dám la, mà cái ý vẫn ngầm ngầm. Như vậy thì cả hai bên, bên nào cũng nên biết chỗ khuyết của mình mà chừa sửa để thực hiện cho được lục hòa. Ðó là điều chúng tôi mong mỏi. Như vậy sang năm, tức là năm thứ tư của Thiền viện chúng ta, đến ngày tất niên, quí vị sẽ báo cáo cho tôi nghe đã được vuông tròn lục hòa, phải không? Mong tất cả chư Tăng chư Ni có mặt hôm nay, cố gắng thực hiện cho được lục hòa, đó là điều tôi mong ước. Bây giờ tôi nhắc nhở cho chư Tăng Ni nhớ lại bổn phận của mình trên đường tu. Thật tình người tu Phật là làm một việc rất khó chớ không phải dễ. Quí vị thấy thói quen của chúng ta, đừng nói nhiều, chỉ một cái nóng giận thôi, khi chúng ta muốn bỏ, quí vị nghĩ bỏ chừng bao lâu mới hết? Kể cả các Phật tử cư sĩ, quí vị là Phật tử, ai cũng biết nóng giận là tật xấu, biết rõ như vậy, bây giờ quí vị quyết tâm bỏ nóng giận thì chừng bao lâu hết? Nghĩa là không ai chọc thì thôi, thấy như mình an lắm, tốt lành lắm, nhưng khi gặp cảnh nào trái nghịch, lúc đó chú nóng giận núp ở đâu đó nhào ra liền, kềm không nổi, chận không được. Nên bình thường thấy ai cũng tốt, gặp việc mới biết tập khí nhiều đời rất khó bỏ. Ðó là chỉ nói một món nóng giận mà chúng ta cũng chưa thể định bao lâu mới bỏ hết, huống nữa còn bao nhiêu thứ khác, nhiều quá! Vậy nên trên đường tu, chúng ta đừng nghĩ một vài năm, hoặc năm mười năm là hoàn toàn trong sạch, mà có thể là thời gian rất dài. Dài chừng bao lâu? Nếu giỏi lắm cũng phải suốt một cuộc đời, còn chưa giỏi thì năm mười kiếp, chớ không thể một đời là xong. Còn nếu chậm nữa thì Phật nói ba a-tăng-kỳ, tức là ba vô số kiếp mới hết tập khí. Chúng ta thấy từ khi bắt đầu đi trên con đường tu, đến giác ngộ giải thoát là chặng đường rất dài, dài gần như là thăm thẳm, nhìn không thấy chỗ cuối. Nhưng kiểm lại thân của chúng ta, quí vị có ai biết chắc là mình sống được bao lâu không? Ai dám quả quyết là tôi tám mươi, chín mươi tuổi mới chết không? Không ai bảo đảm được điều đó. Lúc nào chúng ta cũng thấy việc chết sống thật là bất thường, không cố định. Thí dụ chúng ta sống được tám mươi tuổi - đó là nói cái mức rất cao - thì trong chúng ta đây, thử kiểm coi quí vị đã bao nhiêu tuổi rồi? Nếu người trẻ nhất ít ra cũng hai mươi mấy, phải không? Vậy là còn bao nhiêu năm nữa. Tôi thí dụ tuổi thọ chúng ta là tám mươi, đó là chỗ cùng, giống như trên con đường đi, từ chỗ khởi hành đến chỗ cuối cùng là tám mươi cây số. Mình đi qua một cây số thì biết đến chỗ cuối của nó còn lại bao nhiêu, phải không? Vậy quí vị đã qua hết mấy chục cây số rồi? Như Thông Ðạt hết mấy chục cây số? - Gần năm chục rồi, vậy tới số tám mươi còn bao xa? Thời gian qua rồi chúng ta không thể tìm lại được. Một cây số đã đi qua mình không có quyền trở lại, mà phải đi đến chỗ cuối cùng của nó. Chúng ta qua một chặng đường là thấy ngày kết thúc đời mình gần hơn. Ðừng bao giờ mơ ước rằng chúng ta sẽ trở lại những ngày thuở nào, nghĩa là không thể mong trở lại cái thuở còn mười tám, hai mươi, mà nhất định phải đi, đi cho tới chỗ cuối cùng. Qua một năm tôi cho là đi được một cây số. Tám mươi cây số là mức tôi đặt rất cao. Ở đây ai sống được tám mươi tuổi là hi hữu lắm rồi. Quí vị nhìn lại mình so với số tám mươi đó, mình xài phân nửa rồi, có khi hơn nữa. Vậy thời gian còn lại không dài. Ðường tu thì dài mà tuổi thọ còn quá ngắn, có phải vậy không? Ngắn thì mình phải làm sao? Thí dụ trong một thời gian năm tiếng đồng hồ phải làm xong một việc, mình đã làm bốn tiếng mà công việc còn nhiều quá thì phải thế nào? Phải làm gấp đôi gấp ba phải không? Làm nhanh lên mới có thể kịp, chớ làm lơ mơ không thể nào xong. Tỉ dụ tuổi thọ của tôi, thấy không còn dài nên tôi làm rút, lúc nào tôi cũng thúc quí vị chạy cho kịp tôi. Thúc mãi nhiều khi quí vị nghĩ Thầy sao trối hoài. Mà không trối sao được, bởi vì tôi thấy điểm cuối nó rõ lắm, gần lắm, nên tôi mong rằng quí vị phải nỗ lực. Thời giờ của mình là thời giờ vàng ngọc, qua rồi không tìm lại được. Chúng ta cố gắng thực hiện cho được điều mình mong muốn. Ðiều đó là xa là dài mà thời gian còn lại quá ít, cho nên mình phải nỗ lực hơn, quyết tâm hơn chớ không thể chần chừ, thả trôi. Tôi thấy nhiều người sao sống một ngày lờ đờ trôi giống như dòng nước sông Hương mùa khô, nó lờ đờ chớ không chảy mạnh. Phải nghĩ đời chúng ta còn ngắn trong khi việc làm chúng ta còn nhiều, phải đem hết tâm lực thực hiện cho được những gì cần thiết. Vậy nên những điều Phật dạy, chúng tôi nhắc lại, quí vị thấy đó là điều thiết yếu thì phải cố gắng thực hiện cho được chớ đừng lơ là, đừng chần chừ hoặc hẹn. Ðừng hẹn năm nay tu ít ít để dành sang năm mới ráng tu. Năm nay tuổi còn trẻ, sức mạnh còn nhiều mà tu ít, sang năm già đi một chút nữa, thời gian lại ngắn đi, chừng đó nói tu nhiều hơn là vô lý. Ðó là lối hẹn suông chớ không phải thật. Do đó, những gì hôm nay mình thấy cần làm thì phải làm cho được, rồi ngày sau tiếp tục thêm, chớ đừng nghĩ để dành chờ đợi. Ðó là điều không hay, không tốt. Bản thân mình, mình phải biết rõ. Bản nguyện thì rất cao siêu, con đường tu còn dài mà tuổi thọ lại ngắn, nên chúng ta không thể chần chừ, không nên hứa hẹn. Ðến điều thứ hai, chúng ta tu không phải chỉ cho mình, mà còn để đền ơn cha mẹ. Vì quí vị thấy, chúng ta có thân này đâu phải bỗng dưng có, đâu phải từ trên trời rơi xuống hoặc dưới đất chui lên, mà phải từ cha mẹ sanh ra, nuôi nấng, bao nhiêu công lao khó nhọc. Bây giờ đã nên người, chúng ta chưa làm được điều gì cho cha mẹ mà đã đi tu thì chúng ta phải tu làm sao cho xứng đáng với công ơn cha mẹ, chớ đâu phải mình đi tu rồi thôi, bất cần. Câu chuyện tôi sắp kể đây có thể là huyền thoại nhưng tôi nhắc để quí vị nhớ. Tôi đọc trong sử Trung Hoa, có một vị xuất gia tu hành rất thanh tịnh và tinh tấn. Thầy có bà mẹ làm nhiều điều tội ác, nên khi chết bị đọa xuống địa ngục. Khi ngục tốt đem các dụng cụ tới để hành phạt bà thì có một người bảo rằng: - Không nên hành phạt bà này! Hỏi tại sao, người ấy nói: - Con bà này đang tu hành rất tinh tấn, chúng ta không nên hành phạt bà. Nghe qua, bà an lòng quá, nhờ phước con mình tu hành tinh tấn nên nay tuy có tội mà không bị hành phạt. Nhưng thời gian sau, không biết ông thầy đó vô tình hay cố ý lại phạm giới. Người giữ ngục bảo ngục tốt đem đồ tới hành phạt bà. Bà hỏi: - Tại sao mấy hôm trước các ông nói tôi có con tu hành tinh tấn nên không phạt tôi, bữa nay các ông lại hành phạt? - Ơ, lúc trước con bà tu hành tinh tấn nên tôi nể, nhưng giờ con bà đã phá giới, tu hành không ra gì, vì vậy mà phải hành phạt bà. Bà tức quá, đau khổ quá, liền nói: - Xin ngục tốt cho phép tôi về gặp con tôi một chút để nhắc nhở nó. Ngục tốt nghĩ tình dẫn bà về, tay thì bị trói, dẫn đi trong đêm khuya. Ông thầy ngủ mộng thấy mẹ về. Gặp con, bà chỉ mặt mắng: - Trước kia nhờ con tu hành nên mẹ bị tội mà không ai hành phạt, bây giờ con không lo tu, lại phạm giới nên mẹ bị hành phạt khổ lắm, mẹ về cho con biết. Ông thầy giật mình tỉnh dậy hoảng lên, từ đó ông cố gắng tu hành tinh tấn. Dù chuyện đó như huyền thoại, nhưng cũng là bài học cho chúng ta. Chúng ta không làm được gì cho cha mẹ, không nuôi cha mẹ bằng cơm nước, áo quần..., nhưng chúng ta tu, nhờ có đức hạnh cha mẹ cũng được phước lây. Nếu chúng ta tu không ra gì thì đời mình đã bỏ hỏng, lại còn phụ công ơn khổ nhọc của cha mẹ nữa, thật là không xứng đáng chút nào! Ðó là điều tôi nhắc cho Tăng Ni phải nhớ. Kế đến là ơn Thầy, ơn Tổ, ơn Phật. Chúng ta nhờ Phật đã chỉ cho một con đường tu hành tiến tới giác ngộ, giải thoát sanh tử, thật là một công đức lớn vô kể. Rồi được các vị Tổ tiếp nối truyền bá đến nay. Trực tiếp nhất là Thầy chỉ dạy hướng dẫn cho mình. Bao nhiêu người đó đều mong mình tu hành, trở nên người tốt, đầy đủ đạo đức để làm lợi ích cho đạo, cho chúng sanh. Vậy mà mình không nỗ lực, không cố gắng tu thì làm sao đền được lòng tốt của Thầy, công của Tổ và người khai sáng là Phật? Nhớ đến Phật, Tổ, Thầy, chúng ta cố gắng tu cho xứng đáng với ý nghĩa truyền đăng tục diệm, tức là trao đèn nối đuốc, để cho ánh sáng trí tuệ của Phật pháp được sáng rỡ mãi ở thế gian. Ðó là trách nhiệm mà tất cả Tăng Ni không ai có thể thiếu được. Ðến công ơn thứ ba, như quí vị thấy chúng ta là một người dân ở trong nước thì phải nhờ nhà nước bảo trợ, giúp đỡ để chúng ta yên ổn tu. Thí dụ chúng ta không đi lính, không làm các việc bên ngoài, không đóng thuế v.v..., nhưng chúng ta cũng được bảo vệ an ổn. Vậy bổn phận đối với đất nước chúng ta phải làm tròn là phải tu cho xứng đáng một người tu, đem lại an lành cho mọi người, thái bình cho đất nước. Như vậy mới đền ơn được. Thứ tư là ơn thí chủ. Chúng ta làm không đủ cho mình ăn, thí chủ là những người giúp cho chúng ta có đủ phương tiện sống, có chỗ nơi êm ấm, đầy đủ cơm ăn thì công ơn đó không phải nhỏ. Vì vậy chúng ta phải cố gắng tu. Tu làm sao tự mình được giác ngộ, thấy được lý thật của đạo để hướng dẫn, chỉ bảo cho Phật tử cùng tiến cùng tu, vậy mới đền được ơn thí chủ. Tóm lại, chúng ta không phải chỉ tu cho mình thôi, mà còn tu để đền đáp tứ trọng ân, phải không? Ðó là điều quá lớn. Vậy một năm qua, quí vị kiểm lại thử coi mình có làm tròn được những điều đã hứa nguyện, có làm được cái gì mà bao nhiêu người chung quanh đang trông đợi hay không? Nếu thấy chưa tròn thì năm tới chúng ta phải chuẩn bị làm cho tròn, cho tốt hơn. Không phải cứ thả trôi năm này qua năm khác, để chờ đến ngày từ giã cõi đời, không lợi cho mình cũng như cho người, không lợi cho tất cả, thì đó thật là một đời sống vô giá trị, không có nghĩa lý gì hết, uổng đi một kiếp người. Ðây là lời khuyên răn nhắc nhở của tôi trong buổi tất niên này, tôi nghĩ rằng tất cả Tăng Ni có mặt ở đây đều phải cố gắng thực hiện cho được. Ðó là nói với Tăng Ni, bây giờ nói với Phật tử. Quí Phật tử có mặt ở đây tuy không đông lắm, nhưng tôi nghĩ rằng cũng có thể là đại diện, rồi mai mốt kia quí vị sẽ đem những lời nhắc nhở này để nhắc nhở lại huynh đệ. Tất cả chúng ta có đủ duyên, đủ phước nên được làm người, thân thể đầy đủ không hư, không thiếu. Ðó là phước lớn. Lại còn có duyên phước đủ cơm ăn áo mặc và có thời giờ học hiểu đạo lý, phước đó càng lớn hơn nữa. Nhưng chúng ta nên nhớ người có phước không nên hưởng hết, nếu hưởng hết phước thì sẽ đi xuống. Như ở thế gian, khi có tiền, chúng ta không nên xài hết, vì xài hết thì sẽ thiếu, phải đi vay mượn tức thành thiếu nợ. Vậy chúng ta nên biết gieo trồng, làm sao cái phước của mình ngày xưa mười, ngày nay mười lăm, hai mươi. Cứ cho nó tăng chớ không để giảm. Như vậy là chúng ta biết bảo vệ cho mình trong đời này và những đời sau nữa. Quí Phật tử đừng nghĩ là làm có tiền để cúng chùa, làm từ thiện, hoặc giúp đỡ kẻ này người kia, tạo phước, là đủ. Trong nhà Phật thường dạy phước phải đi đôi với tuệ. Tuệ là trí tuệ. Phước đức và trí tuệ hai cái phải đầy đủ, đi đôi với nhau chớ không phải được một bên còn thiếu một bên. Có phước mà không có trí tuệ thì phước đó dễ làm cho người ta sa đọa. Do có phước, chúng ta được sanh làm người giàu sang, quyền thế, nếu không có trí tuệ thì dễ bị trụy lạc, dễ tạo tội lỗi. Vì vậy, phước phải đi đôi với tuệ. Trí tuệ ở đây không phải trí tuệ thế gian mà là trí tuệ của đạo. Chúng ta phải thấy rõ được lẽ thật của bản thân mình, của cuộc đời, đừng có lầm lẫn. Muốn thấy được lẽ thật đó, chúng ta phải học lời Phật dạy, phải nghe kinh để mình thâm hiểu và ứng dụng vào trong cuộc sống. Ðừng chỉ đem sức mình làm ra tiền cúng chùa giúp người, tưởng như vậy là đủ. Chúng ta phải hiểu lời Phật dạy, thấu được lý đạo, ứng dụng trong cuộc sống hằng ngày của mình, làm sao vừa có phước, vừa dẹp bớt tham, sân, si và sống một cuộc đời thanh cao tốt đẹp. Ðó mới là xứng đáng. Muốn vậy quí vị phải chịu khó học đạo và tập tu, những khi thấy có thể được thì phải tập tọa thiền, sám hối để cho tâm mình bớt nhiễm nhơ. Tâm được yên định phần nào, trí tuệ mới sáng suốt, như vậy đời tu của mình mới có tiến. Trên con đường tu hành, chúng ta là con người hướng thiện, hướng tới mục tiêu cao cả tốt đẹp, vì vậy phải có cái nhìn cho đúng với lẽ thật, làm việc lợi ích cho chúng sanh. Ðừng nên có những ý niệm không hợp đạo lý, hay những hành động làm đau khổ chúng sanh. Như vậy quí vị mới xứng đáng là người đệ tử cư sĩ ở trong nhà đạo, mới thấy trong cuộc đời của mình, thời gian này có mất đi thì sau càng quí càng tốt hơn chớ không lo, không sợ. Nếu chúng ta cứ nghĩ thụ hưởng cho sung sướng, làm cho được những điều mình thích, mà không nghĩ tới sự đau khổ của người khác, không nghĩ tới tổn thương đạo lý, đó là sai lầm. Vậy hôm nay ngày cuối năm, tôi nhắc nhở tất cả quí vị chuẩn bị sang năm mới, tu tiến hơn và làm những điều tốt đẹp, cao thượng hơn. Hôm nay, buổi lễ tất niên, kiểm tra lại sự tu hành của Tăng Ni cũng như của Phật tử. Những lời nhắc nhở của tôi, mong quí vị nhớ và cố gắng thực hiện để năm tới chúng ta tiến bộ hơn năm này, và chúng ta sẽ là những con người đầy đủ tài đức để làm mẫu mực cho những người chung quanh. Ðó là điều mong mỏi của tôi. Mục Lục
|
Xuân Phụng Hoàng Tập 2 (2005)
|
Lễ Phổ Trà Bính Tý