Thiền Tông Việt Nam
Tham Vấn 1
Tham Vấn HT. Thích Thanh Từ - Câu 9
 
Phật Tử hỏi:
Kính bạch thầy trong kinh Lăng Nghiêm Đức Phật dạy Ngài A Nan cách mở gút nói rằng: sáu gút mở hết thì một cũng không còn. Tại sao Tổ Bồ Đề Đạt Ma khi sang Trung Hoa với nhiệm vụ phá kiến chấp đối đãi hai bên của chúng sanh. Tại sao còn quải một chiếc giày như vậy Ngài vẫn còn mang một cái, còn một là còn lại đối với hai. Xin thầy từ bi chỉ dạy để khai thông chỗ này cho con.
Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni.


Sư Ông đáp: 

Ở trong kinh Lăng Nghiêm Phật dạy mình mở sáu gút, nãy giờ tôi dạy Quý Phật tử mở sáu gút chưa? Dạy chỗ nào? Thấy nghe mà chấp, thấy biết mà chấp... thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm... mình chấp thì đó là gút, còn không là sao? Là mở sáu gút rồi.

Bởi vậy kinh Lăng Nghiêm nói sáu căn là gốc của luân hồi sanh tử, sáu căn cũng là nhân giải thoát luân hồi. Thì như vậy nó là chỗ làm cho mình đi trong luân hồi sanh tử chính nó cũng giải thoát sanh tử chứ không ở đâu xa hết. Vì vậy hổi nãy tôi nói đại khái không hết sáu gút, kinh Lăng Nghiêm nói rõ sáu gút. 

Kinh Lăng Nghiêm nói sáu gút mở thì một cũng không còn. Tại sao hình ảnh Tổ Bồ Đề Đạt Ma Ngài một đôi dép mà không quải hết, mà quải một chiếc như vậy là không còn chấp hai bên, nhưng còn một chiếc là còn một cái tức là đối với hai. Thì câu nói đó rất rõ, hay.

Nhưng thế này Tổ muốn dùng hình tướng để nói lên cái ý chí lý tưởng của mình, chớ không phải Tổ dạy cho mình cái chỗ hoàn toàn cứu kính như lời Phật đã dạy ở trong kinh. Tổ muốn cho tất cả thấy rằng chúng ta đau khổ vì chấp hai bên, nếu dứt chấp hai bên thì không còn đau khổ nữa. Cho nên tượng trưng quải một chiếc dép chớ chưa phải nói chỗ cứu kính hết hai cũng không còn một. Là phương tiện chỉ chúng ta chấp hai bên là còn khổ, không chấp hai bên là hết khổ. 

Tôi nói ví dụ như hiện giờ nếu Qúy Phật tử thấy người ta khen là quý, là mừng là vui. Khi bị người ta chê thì sao? Buồn khổ. Mừng vui khi được khen thì sẽ buồn khổ khi bị chê. Trong thế gian này mọi người trong chúng ta được thiên hạ khen hết không? Nếu người nào hơi giống giống như mình, gần mình thì khen mình. Ngược lại thì chê mình phải không?

Mấy chú uống rượu thì khen mấy chú uống rượu giỏi, uống rượu nhiều phải không? Mấy chú ăn trộm thì khen mấy người ăn trộm hay lấy tiền người ta được nhiều. Còn mấy người tu, người nào tu dở khen người tu hay. Thì như vậy mấy chú uống rượu không bao giờ khen ông thầy tu, có khen không? Nếu mình được những bạn đồng tu khen mình vui, gặp những người không đồng tu họ chê thì sao? Buồn.

Bây giờ nếu bạn đồng tu mình khen thì mình cũng thấy đó là khích lệ mình, tu thôi chớ có gì đâu, thôi ráng tu không có mừng. Còn nếu người không đồng tu mình chê thì mình nói đó là thử thách coi mình tu thiệt hay tu giả. Nếu tu giả nóng giận, tu thiệt mình không giận, bây giờ mình tu thiệt đừng giận ai hết. 

Phật tử chịu tu thiệt không? Mình tu ai khen thì chịu, ai chê thì giận. Giả sử bữa nào ăn chay bị láng giềng người ta nói “giả bộ ăn chay, miệng ăn chay trong bụng không ăn chay” nói vậy cái giận liền phải không? Muốn phá người ta, người ta tu muốn phá. Mà họ có phá đâu, họ thử mình tu thiệt hay tu giả, tu thiệt thì họ nói thì họ nói, mình thiệt mình biết. Nhưng Phật tử cứ chịu giả không chịu thiệt, muốn cho ai cũng khen hết. Nhiều khi người ta khen cho mình vừa lòng thì cũng vui nữa. Bởi vậy cho nên còn vui là còn khổ, mà còn vui, khổ thì trên thế gian này chắc không bao giờ hết khổ phải không? Bởi vì đâu ai khen mình hoàn toàn 100 người khen nhiều lắm 40-50 người, còn 50-60 người kia chê thì sao? Thì khổ nhiều. Bởi vậy đừng có màng cái khen chê mà sống với cái tâm an như thanh tịnh thì người đó là người hết khổ, cho nên mới nói buông được hai bên là hết khổ.

Đó là sự thật, còn thí dụ thứ hai nữa là nghĩ tới cái nghèo cái giàu. Thấy người ta giàu mình nghèo khổ không? Bởi mình nghĩ giàu nghĩ nghèo cho nên ai cũng muốn giàu mà không chịu nghèo, mà lỡ nghèo thì than thân trách phận đủ thứ hết. Bây giờ mình đừng thấy cái giàu nghèo, lo làm ngày hai bữa cơm vui vẻ sống đạo đức gọi là “An Bần Lạc Đạo” đó. 

Thì như vậy có khổ không? Đâu có khổ, nghĩa là mình chấp nhận mình không phải lười biếng, không trốn trách nhiệm mà làm hết sức mình được bao nhiêu sống bấy nhiêu không than không trách. Có tiền nhiều ăn ngon tiền ít ăn dở cũng sống thôi, người ta có thịt có cá, mình không có ăn rau muống nước tương cũng sống vậy phải không? Mà tâm mình an thì không có buồn, không khổ… thì đâu có bệnh hoạn. Như vậy mình không chấp giàu chấp nghèo cũng hết khổ. Tóm lại cái gì còn thấy hai bên là còn khổ. 

Nếu thấy đẹp thấy xấu khổ không? Giả sử mình được cái phước là đẹp rồi thấy hãnh diện, mai mốt mình già suy yếu mình xấu lại, qua trận bệnh già gầy còm. Chấp cái đẹp trước mình vui thì cái xấu sau mình khổ. Còn nếu không đủ phước mình xấu, người khác đẹp hơn mình thì sao? Thì thôi khổ dài dài, khổ không có ngày ra, thì như vậy càng chấp đẹp chấp xấu càng khổ. Cho nên không chấp hai bên là hết khổ.

Đó là ý nghĩa mà ở đây tôi nói chư Tổ muốn cho mình đừng dính hai bên, không dính hai bên là hết khổ. Đó là một lẽ thật, mà lẽ thật đó chưa nói đến chỗ tột cùng cứu kính của Phật muốn dạy. Muốn nói giai đoạn đầu mình thoát được hai bên thì mình sẽ hết khổ, ra khỏi vòng trần lụy này.

Trích từ “Sử 33 vị Tổ Thiền Tông Ấn Hoa & Tham Vấn”
H.T thiền sư Thích Thanh Từ
 
Mục Lục