Tham Vấn 1
Tham Vấn HT. Thích Thanh Từ - Câu 1
Phật tử hỏi:
Kính bạch Hòa Thượng cách khoảng 1 năm, Hòa Thượng là người vô sự, nay lại lo cho Thiền Viện Trúc Lâm thì Hòa Thượng lại mất đi sự buông bỏ mà Hòa Thượng đã nói. Kính mong Hòa Thượng giải thích cho chúng con. Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Sư Ông đáp: Một năm về trước tôi nói giao trách nhiệm cho Tăng Ni để làm người vô sự, năm nay tôi lại đa mang xây cất Thiền Viện Trúc Lâm, giảng pháp, nói chuyện với Phật tử là mất vô sự trở thành đa sự phải không? Như vậy tôi có lỗi gì hay là có ý gì cần phải nói cho quý Phật tử hiểu, vì sẽ thấy đoạn trước là hay thì đoạn sau là dở. Ở đây ý của chúng tôi, những năm về trước tôi giảng dạy ở đây. Nếu tính từ khi bắt đầu giảng dạy tới ngày chúng tôi nghỉ là ngót 10 năm hơn, những cái gì tôi biết và thấy tôi đều giảng dạy cho Tăng ni Phật tử nghe hết, rồi chúng tôi cứ giảng đi giảng lại bao nhiêu đó hoài thì nó thừa. Quý Phật tử cũng như Tăng Ni sẽ ỷ lại hoặc lại nói như vẻ khinh mạn “Thầy có nhiêu đó nói hoài chứ có gì mới đâu” phải không? Đó là cái bệnh mà chúng sinh thường mắc phải. Trong kinh Pháp Hoa Phật có ví dụ ông thầy thuốc, có mặt ở đó có thuốc hay. Con ông bệnh đưa không thèm uống, ỷ lại có ba đó lo gì? Cho nên ba đi xa đợi ba báo tin về ba mất rồi, chừng đó mới đem thuốc ra uống, nhờ uống vậy mới lành bệnh. Đó là phương tiện ông thầy thuốc tôi cũng bắt chước chút chút ở đó. Bởi vì tôi cứ ở đây giảng hoài quý Phật tử nói “Thầy còn ở đó lo gì, giờ lo làm ăn đã chừng nào rãnh thì chạy đến” cho nên tôi báo tin tôi nghỉ tôi không giảng nữa nhân đó tôi làm người vô sự. Như vậy đối với Phật tử thấy “à mình ráng học ráng tu để thầy nghỉ không có ai để hỏi” đó là cái nhắc cho quý Phật tử cố gắng.
Rồi đến những chư Tăng chư Ni gần chúng tôi thì “thầy dạy đến đó thầy nghỉ rồi, những gì học được ráng tu, chớ thầy không dạy nữa” như vậy họ khỏi có khinh lờn khỏi bị tội. Còn tôi thì rảnh rang tôi tu thêm, phương tiện lợi cả ba cho cả Tôi, Tăng Ni, quý Phật tử. Khi tôi nghỉ bây giờ được khu đất người ta cho cất Thiền Viện Trúc Lâm, ngày xưa tôi có mơ ước làm sao mình phải khơi dậy Thiền Tông Việt Nam. Bởi vì tôi đọc sử thấy rõ đối với Phật giáo Việt Nam trước đời Lý đời Trần đã có Thiền Tông truyền từ trước thế kỷ thứ 8 mãi đến thế kỷ thứ 12-13-14 rồi mãi đến sau này thế kỷ 18 ngoài Huế còn có Ngài Liễu Quán vẫn ngộ đạo. Thì như vậy Thiền Phật giáo Việt Nam sâu đậm biết ngần nào, từ thế kỷ thứ 3-4 mãi đến thế kỷ thứ 18 là mười mấy thế kỷ mà bây giờ hỏi không ai biết có buồn hay không? Ở Nhật Bản ngang với đời Trần có phái Nhật Liên Tông ra đời. Ngài Nhật Liên là vị trì Kinh Pháp Hoa chỉ dạy đồ đệ câu “Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh”, số đồ đệ không quá 1000 bây giờ kiểm lại đồ đệ trên 1 triệu, từ đó đến giờ không mất. Rồi đến Thiền Lâm Tế, Thiền Tào Động ở Nhật Bản đến giờ cũng không mất. Kế đó nữa người tu đạo Phật theo hệ Nguyên Thủy Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan… tu thiền các vị học giả các nước Tây phương họ tìm đến học và nghiên cứu. Còn ở Viêt Nam mình có ai tìm đến học không? Tại sao đạo Phật Việt Nam có gần 20 thế kỷ mà không ai thèm học? Lỗi tại cái gì? Lỗi duy nhất là hiện giờ các chùa lấy hai thời khóa tụng làm cái chuyên môn tu, mà thời khóa tụng phát xuất từ đời nhà Thanh vua Thế Tổ nhà Thanh hiệu Thuận Trị. Ông là người miền bắc Trung Quốc gần Tây Tạng nghiêng về Mật Tông “Đạt Ma Giáo” ông muốn đồng hóa Phật giáo theo Mật. Ông kêu Hòa Thượng Ngọc Lâm là quốc sư soạn hai thời khóa tụng. Hai thời khóa tụng quý vị vào chùa thấy, nếu đầu hôm Tịnh Độ Tụng Kinh Di Đà. Hôm nào có cầu an cầu siêu thì trước phải tụng Chú Đại Bi rồi tụng Kinh Di Đà, niệm Phật rồi tụng Chú Vãng Sanh. Mở đầu là thần chú, kết thúc cũng thần chú. Khuya thì trì chú Lăng Nghiêm hoặc Đại Bi Thập Chú toàn là thần chú như vậy mình tu theo Mật Tông hồi nào không hay. Mà Mật Tông cũng không được Mật Tông chánh gốc, Mật Tông lai mới khổ, chánh gốc Mật Tông Tây Tạng người ta còn phục. Bây giờ vào chùa hỏi đang tu theo tông phái đường lối nào không hiểu? Vậy ai học với mình? Mình không hiểu mình tu cái gì mà, đó là cái tôi thấy rất đau lòng. Thiền Tông có từ khi bắt đầu có Phật Giáo ở Việt Nam cho đến bây giờ tức là trước thế kỷ thứ 3 tới thế kỷ thứ 18 mà quên hết trơn không biết gì. Một nền tảng sâu đậm vậy mà mình bỏ mất, nên tôi rất đau lòng khi biết cái hay của tổ tiên mình bỏ quên. Vì thế tôi nghĩ mình phải tạo một thiền viện. Ở đây chúng tôi tạo thiền viện chúng tôi chưa hài lòng bởi nhiều lý do, vì tạo ở đây nó không đủ pháp lý, lập thì lập vậy thôi xem như cất chùa, không có tinh thần thiền viện. Tôi muốn lập thiền viện có hướng đi hẳn hoi dứt khoát mà cả giáo hội cả chánh quyền đều thừa nhận để chúng tôi làm sống dậy tinh thần thiền học Việt Nam, mà lâu nay trong thiền viện mình lơ lửng giữa chừng, chưa dứt khoát bởi vì chưa đủ điều kiện. Nên bây giờ được có đất, được phép mở thiền viện thì đó là điều kiện chúng tôi cố gắng làm cho được. Đây là lý tưởng tối hậu, nghĩa là cái mình ấp ủ từ lâu biết cái hay của Tổ Tiên mình mà mình không cơ hội nói. Bây giờ có cơ hội làm cho sống dậy, không làm thì trách nhiệm giao cho ai? Nếu tôi không làm ai thế cho tôi để làm, nếu có người thế tôi chắc tôi làm người vô sự luôn. Không ai thế được buộc lòng tôi phải đa sự vì cái tâm muốn làm sao cho Phật Giáo Việt Nam ngoi đầu lên với các nước Phật Giáo bạn, thấy Việt Nam có cái gì, có gì quý vẫn còn chứ chưa mất, đó là chủ yếu chỗ nhắm của tôi. Bởi không ai thế được bất đắc dĩ tôi phải gánh tôi phải làm người đa sự. Nói vậy quý Phật tử hiểu rồi, thắc mắc này là phải bởi vì ngày xưa tôi nói và bây giờ tôi làm khác nhau. Trích từ “Sử 33 vị Tổ Thiền Tông Ấn Hoa & Tham Vấn”
H.T thiền sư Thích Thanh Từ Mục Lục
|
Tham Vấn 1
|
Tham Vấn HT. Thích Thanh Từ - Câu 1