Thiền Tông Việt Nam
Tham Vấn 1
Tham Vấn HT. Thích Thanh Từ - Câu 19
 
Phật Tử hỏi:
Kính bạch Hòa Thượng con đọc kinh “Pháp Bảo Đàn” Lục Tổ dạy vô niệm: Vô là không có hai tướng, không có các tâm trần lao. Niệm là niệm chân như bản tánh.
Còn từ vô niệm của pháp môn Tịnh Độ hình như con hiểu là không còn niệm. 
Vậy là cùng một danh từ mà nhà Phật khi dùng khác nhau làm sao giảng trạch cho đúng để người hành một cách phổ thông.

Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni


Sư Ông đáp:
Vì Lục Tổ giải thích chữ “vô niệm” vô là vô cái gì? Vô là không có hai tướng, không có các tâm trần lao. Mà hai tướng lúc nảy tôi có giải thích đó nghĩa là hai tướng không thiệt nên mình không bị kẹt trên hai tướng. Không có tâm trần lao tức là tâm phiền não hơn thua, phải quấy… tất cả cái đó không có thì gọi đó là vô. Còn niệm là niệm chân như bản tánh, chữ niệm này với chữ niệm trên nó khác, mình thường nói niệm khởi là gì? Là một ý nghĩ dấy lên gọi là niệm khởi, phàm cái gì có dấy lên thì gọi đó là niệm. 

Còn chân như Phật tánh có dấy lên không? Không. Như vậy niệm chân như Phật tánh là niệm sao? Ví dụ nói niệm Phật dấy lên niệm “Nam mô A Di Đà Phật” đó là niệm Phật, bây giờ không còn dấy niệm gọi là vô niệm. Còn bây giờ niệm chân như Phật tánh là niệm sao quý Phật tử biết không? Bởi chữ niệm nó có cái nghĩa là dấy lên mà chữ niệm cũng có nghĩa là nhớ như kỷ niệm những món đồ để mình nhớ, nhớ lại những cái gì đã qua… chữ niệm có nghĩa là nhớ.

Bây giờ mình không có chạy theo hai tướng, không chạy theo các tâm trần lao phiền não đó gọi là vô. Bây giờ mình hằng nhớ chân như Phật tánh không quên nó thì đó là niệm chân như Phật tánh. Nghĩa là không theo cái kia mà nhớ cái này, cũng như là không chạy theo vọng tưởng mà nhớ đến mình đang tỉnh đang sáng thì đó là niệm chân như Phật tánh là vậy.

Thì như vậy niệm này và với niệm Tịnh Độ nói rằng dấy niệm Phật hay vô niệm thì cái niệm hơi khác chút. Hai bên tùy chỗ ứng dụng tùy chỗ dùng những từ ngữ, chớ còn không cái phổ thông được cho nên mình học chỗ nào phải hiểu cho xác chỗ nấy.

Trích từ “Sử 33 vị Tổ Thiền Tông Ấn Hoa & Tham Vấn”
H.T thiền sư Thích Thanh Từ
 
Mục Lục