Thiền Tông Việt Nam
Nắng Mới Trong Vườn Thiền
Nhắc Nhở Tăng Ni Ngày Đầu Hạ

Tất cả chúng ta được yên tu trong mái chùa trang nghiêm thanh tịnh, trước nhất phải nghĩ đến thâm âm Tam Bảo, thâm âm của Thầy tổ. Thật ra, tôi ngồi đây sắp xếp, chỉ dạy mọi việc cho Tăng Ni cũng từ sự chỉ dạy của Hòa thượng ân sư. Từ lâu Hòa thượng Trúc Lâm chịu trách nhiệm sắp đặt, chỉ dạy và chứng dự tất cả các buổi lễ, họp chúng của Tăng Ni trong tông môn nhưng giờ đây Ngài đã lớn tuổi, cần phải nghỉ ngơi nên tôi thay nhọc Ngài làm việc này. Tuy nhiên, tôi cũng đã bắt đầu bước vào giai đoạn của người lớn tuổi, sức khỏe suy kém, xong nghĩ đến bổn phận đối với Ân sư, tôi không dám từ nan bất cứ việc gì Thầy tổ giao phó nên đã cố gắng hết sức. Mong Tăng Ni cũng theo đó mà cố gắng tu học cho xứng đáng là con cháu trong tông môn.

Hôm nay là ngày 13 tháng 04, sáng mai là 14 rồi tới Rằm. Đạo Phật có lễ mừng Phật Đản sinh, là ngày lễ trọng trong năm của Phật giáo, do đó toàn thể chư tôn đức Tăng Ni các chùa, Thiền viện... đều tổ chức lễ mừng Phật Đản. Chiều 14 các đoàn xe hoa sẽ diễu hành trên địa bàn huyện, sáng mai tinh sương toàn thể Tăng Ni tín đồ Phật tử trong tỉnh Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung tổ chức mừng Đại lễ Phật Đản thật long trọng. Đó là Phật sự chung của Giáo hội. Riêng các thiền viện, nhiều năm qua Hòa thượng Trúc Lâm trực tiếp điều hành, chỉ đạo, hướng dẫn cho Tăng Ni mừng Phật Đản và làm lễ vào hạ an cư. Sáng rằm có thời thuyết giảng Phật pháp tại tổ đình Thường Chiếu, do chính Hòa thượng Ân sư chịu trách nhiệm. Chiều lại Ngài chủ trì lễ an cư kiết hạ cho chư Tăng và chư Ni khu vực ngoại viện. Trước đó từ ngày 13, 14 Hòa thượng cũng đến chứng dự lễ an cư cho các thiền viện Ni như Viên Chiếu, Linh Chiếu, Huệ Chiếu, Phổ Chiếu v.v... truyền thống này chúng ta phải duy trì. Như vậy, từ đây về sau thiền viện Trúc Lâm Trí Đức Tăng cũng như Ni sáng Rằm tổ chức mừng Phật Đản và sang ngày hôm sau làm lễ An Cư kiết hạ dưới sự sắp đặt của các vị chịu trách nhiệm ở đây.

Bây giờ tôi muốn nhắc nhở tất cả Tăng Ni trong mùa hạ chúng ta phải làm gì? Mùa an cư nhất định là phải sắp xếp được tu học cho thật tốt. Bình thường có những thiền sinh hay xin đi đây đi đó, thăm viếng Thầy tổ, cha mẹ hoặc có duyên sự bệnh tật... nhưng vào mùa an cư thì hạn chế tối đa, nói đúng hơn là cấm túc, không cho đi đâu cả, trừ trường hợp Thầy tổ hoặc cha mẹ lâm trọng bệnh hoặc qua đời. Ngày trước Hòa thượng Ân sư rất kỹ trong việc xuất ngoại, đi lại vào mùa an cư kiết hạ. Hiện nay thiền viện chúng ta đang ở vào giai đoạn xây dựng, các vị có trách nhiệm vì duyên sự phải đi lại liên hệ, nhưng luôn nhớ trong mùa an cư, dù làm Phật sự gì cũng không quên chúng ta đang kiết giới an cư. Tăng Ni làm việc với tinh thần chánh niệm, nhanh chóng, không để kéo dài làm mất thời gian tu học. Chúng ta phải tuân thủ nghiêm túc luật định của Phật trong chùa an cư. Hòa thượng Ân sư cho phép những vị có trách nhiệm, trưởng ban, trưởng ngành trong viện vì Phật sự liên hệ bên ngoài, có thể xuất ngoại nhưng phải làm chủ lấy mình, giữ gìn thời khóa tu học đầy đủ trong mùa an cư. Xin quý vị lãnh đạo ở đây cũng phải nhớ như vậy.

Tất cả chúng ta luôn đặt việc tu học lên hàng đầu, các công tác Phật sự khác chỉ là thứ yếu. Như vậy chúng ta mới giữ được giá trị tu học của mình trong mùa an cư. Đó là một việc, nhưng không lẽ tới mùa an cư chúng ta mới tu học? Hòa thượng Ân sư thường dạy dùng mùa an cư hay bất cứ lúc nào chúng ta cũng luôn thúc liễm thân tâm. Nếu đợi đến mùa an cư mới ráng tu, mới miên mật thì thời gian khác mình làm gì? Chúng ta có thói quen dễ trôi theo công việc, quên mất công phu tu hành. Có thời gian dài, công việc nhiều khiến mình lãng quên việc chính yếu là tu học nghiêm túc. Đó là đã đi lệch mục đích chánh của mình rồi.

Muôn pháp đều là không là giả, nhưng trên thực tế chúng ta còn vướng mắc nhiều thứ quá, buông chưa được. Nói không mà không có không được, nói giản mà cái gì cũng dính cũng mắc, như vậy nghĩa là sao? Chư huynh đệ có đồng ý chúng ta thiếu tu không? Nghĩ cho cùng chúng ta phải tu và trong tất cả các công việc đó làm sao tu cho đắc lực. Có lần Hòa thượng nói, như người đã lên lưng cọp thì không nói hay nói dỡ, làm sao đừng bị cọp xơi là được. Bây giờ không nói mùa hạ, mùa thu, không nói tu hành nghiêm túc hay không nghiêm túc, mà khi đối duyên tiếp cảnh làm sao giữ được ông chủ của mình, không bị cảnh duyên kéo lôi, không làm chạy theo trần cảnh là tốt. Được vậy nhất định chúng ta sẽ an ổn, tự tại ở bất cứ chỗ nào.

Làm sao để không bị cảnh duyên kéo lôi? Làm sao thực hiện được những điều chúng ta vừa nói một cách trọn vẹn? Rất là khó. Muốn căn tiếp xúc với trần cảnh, tức là các giác quan tiếp xúc với cảnh duyên bên ngoài, vẫn không bị cảnh duyên cuốn hút, Hòa thượng Ân sư dạy phải buông. Làm gì thì làm, phải biết buông. Thành bại, vui buồn... tất cả đều phải buông và buông cho được, chứ không phải nói buông mà không buông. Nếu buông được nhất định chúng ta sẽ an ổn, phong ba bão táp không làm gì mình. Tất cả những hiện tượng, cảnh duyên bên ngoài không đủ lực kéo lôi chúng ta nếu thực sự định tuệ đầy đủ. Trong Kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ dạy nếu định tuệ đồng đẳng thì trong bất cứ phút giây nào, làm việc gì, ở đâu, ta cũng an nhiên tự tại. Đó là điều chư huynh đệ cần phải nhớ.

Tôi cũng đang tu tập theo lời dạy ấy. Thực tập thành công mình mỉm cười, tuy nhiên đôi khi cũng thất bại nặng nề. Hòa thượng dạy nếu chiến bại liền biết mình chiến bại, tích cực vươn lên, làm sao từ chỗ chiến bại đứng dậy và kiên quyết nhất định không chịu thua. Hòa thượng Ân sư biết sức tỉnh giác của chúng ta không liên tục nên Ngài khuyên từng phần, từng đoạn. Vì chúng ta chưa đủ sức ráp nối lại, cho nên có khi giác có khi không giác. Giống như người bước qua bước lại thụt lùi bốn năm bước, chạy một hơi nữa cây số rồi đứng lại hoặc nằm dài xuống, trong khi người ta chạy qua năm, mười cây số, mình cũng chưa ngồi dậy nổi. Đó là trạng thái bất thường trong việc tu học.

Tôi nêu lên điều này trong mùa an cư kiết hạ, mong toàn thể chư tăng ni ai cũng ý thức cho những khuyết, dở của mình mà cố gắng vươn lên. Từ "cố gắng" nghe rất quen nhưng thực hiện được hay không còn tùy thuộc vào quyết tâm của mỗi người. Cố gắng tức là phải vươn lên, tỉnh sáng lên, phải có thái độ dứt khoát đứng dậy, đi tới, không chịu thua, dù cho đoạn đường dài, dù chúng ta có gặp phải những đối tượng ma quái, thú dữ hoặc là sóng to gió lớn gì cũng vượt qua, nhất định không khiếp sợ. Miệng nói không khiếp sợ mà tay chân run bây bẩy thì chỉ là nói suông. Giả tỉ có vị nào đó gặp ma quái, miệng đọc thần chú nói không khiếp sợ, mà tay chân thì run rẩy đến mức muốn sụp xuống lạy nó thì đó là người đọc tụng thần chú suông. Chúng ta là đệ tử Phật nói được thì phải làm được mới không hổ danh Phật tử.

Tới giờ tụng kinh, đứng trước tượng Phật trang nghiêm, đọc lại lời Phật dạy, có ai kiểm soát được vọng tưởng lăng xăng trong lòng của huynh đệ không? Không ai kiểm soát được ngoại trừ chính mình mà thôi. Người có trách nhiệm chỉ động viên nhắc nhở, bản thân chúng ta phải có tỉnh lực vươn lên. Người thiếu tỉnh lực nghe thì nghe nhưng chưa chắc đã làm được. Trước đây tôi có những huynh đệ lúc nhỏ siêng năng tu học lắm. Anh em chúng tôi phần nhiều xuất thân từ chốn quê mùa, cày sâu cuốc bẫm. Các đời Tổ tiên ngày xưa làm quan quyền gì thì không biết nhưng qua tới đời bố mẹ thì sự nghiệp không còn nhiều, tất cả phương tiện sống của gia đình cũng chẳng có bao nhiêu. Sinh ra trong hoàn cảnh như vậy, một số anh em cùng phát tâm tu học, mỗi người có một sở trường gọi là căn khí riêng. Tuy nhiên, ai nấy đều nhớ và nhắc nhau anh em mình sinh ra trong hoàn cảnh nghèo khó, thiếu thốn nên phải gắng lên. Ai được đi học càng cố gắng nhiều hơn, bởi vì mình không có phương tiện, cha mẹ không đủ điều kiện. Nếu học hành không đỗ đạt ở lại lớp, người thân sẽ buồn lắm. Làm sao năm học nào cũng hoàn thành tốt đẹp và được lên cấp.

Nhìn lại quá trình tu học của anh em chúng tôi thời đó, có thể nói rằng trong nhóm ba bốn anh em, không vị nào tu học dưới mười năm, tất cả đều mười năm, mười bảy năm hết. Nhất là sư huynh của tôi vào chùa từ năm bốn tuổi, huynh ấy rất đẹp, đặc biệt hồi nhỏ khôn lanh nhưng ở nhà là khóc, đưa vô chùa mới hết khóc. Cuối cùng gia đình đưa vô chùa nhờ quý cô cho ăn cơm, ngủ lại, rồi dần dần quý cô nuôi luôn. Ông anh này sống vui vẻ, lớn lên được sư phụ thương, học hành rất giỏi vì gia đình có phương tiện đầy đủ.  Học xong phổ thông với danh hiệu học sinh giỏi nhưng đến những năm sau, khi đã có bằng cử nhân luật thì sanh tật chểnh mảng. Lý do trên mảnh này ai mà biết nổi! Tôi thường nói với mấy huynh đệ, chúng ta chính là kẻ dối gạt. Vì sao? Thầy dạy chánh niệm tỉnh giác chúng ta vâng dạ nhưng đối trước Phật, đang tụng kinh mà mình vẫn thả hồn theo vọng tưởng, lơ mơ đi khắp chân trời góc biển. Sư phụ không kiểm soát nổi những lúc như thế, không phải mình dối gạt là gì?

Người tu phải chân thật, biết vọng tưởng không thật, trần cảnh không thật, buông bỏ cho nhẹ lòng. Vì sao chúng ta phải chân thật? Vì tập khí nhiều đời khiến mình nói một nơi làm một ngả, miệng tụng kinh mà vọng tưởng dẫn đi khắp xóm làng. Cho nên phải kịp thời tỉnh giác để buông vọng tưởng, những dây mơ rễ má trong tâm thì mới chân thật với chính mình. Huynh đệ nơi đây có nhân duyên lành cùng phát tâm tu học theo pháp môn của Hòa thượng Ân sư. Chúng ta luôn khẩn cầu tha thiết trình bạch lên thầy, con trầm luân sinh tử nhiều đời do vì chạy theo ngũ dục thế gian, bây giờ con muốn tu hành để được giác ngộ, giải thoát. Không có vị nào nói khác hơn, tôi tin chắc như vậy. Thậm chí nhiều năm gần đây các vị cư sĩ Phật tử cũng đến trình với Hòa thượng Trúc Lâm na ná như chư Tăng Ni.

Chư huynh đệ ở đây, cùng phát nguyện làm tròn bổn phận của mình là tu học theo pháp thiền của Hòa thượng Ân sư. Chúng ta cùng chung một lý tưởng, không ai rẽ con đường khác, nên phải cố gắng nhớ lời phát nguyện của mình đối với các bậc thầy. Tôi mong rằng đại chúng trong thiền viện Trúc Lâm Trí Đức này, quý vị lãnh đạo, chức sự và toàn chúng ai nấy đều hoan hỷ hướng đến đỉnh cao là nhất định tu theo pháp thiền của Hòa thượng Trúc Lâm. Nhất định chúng ta sẽ là người hưởng được lợi lạc, giá trị thiết thực đối với pháp tu này, được tự tại, giải thoát an vui.

Từ lâu tôi có một tâm quyết là làm sao giữ vững được giá trị Thanh Quy mà Hòa thượng Ân sư đã cho ra đời. Các thiền viện đều ứng dụng bản Thanh quy này, tuy nhiên tùy hoàn cảnh của mỗi viện mà có một số điều thực hiện không đồng bộ. Bây giờ chúng ta lấy chuẩn mực theo thiền viện Trúc Lâm Phụng Hoàng Đà Lạt, nơi Hòa thượng Ân sư đang tu làm nền tảng. Thiền viện Trúc Lâm có bộ phận Tăng và bộ phận Ni, sau lễ khánh thành, chiều lại Hòa thượng tuyên bố khai pháp cho phần nội chúng chuyên tu. Bên Tăng Hòa thượng nhận 50 vị được tuyển từ thiền viện Thường Chiếu lên, bên Ni cũng tuyển một số chư ni ở các thiền viện lên. Hòa thượng đưa ra Thanh quy tại thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt, ngày đêm bốn thời thiền, mỗi thời hai tiếng.

Tôi có một chút trách nhiệm nên rất băn khoăn về điểm này. Tại Thường Chiếu thời tiết áp dụng đúng như quy chế mà Hòa thượng đặt ra tại Trúc Lâm thì không theo nổi. Có những lần tôi đã thử nghiệm, sắp đặt cho chúng ngồi thiền, tu tập suốt một tuần hoặc hai tuần, nhất là những ngày tết năm nào cũng từ mùng hai đến Rằm tháng giêng, đại chúng Thường Chiếu ngồi thiền hưởng Tết. Trong thời gian này chư Tăng có thể ngồi thiền một ngày bốn thời, đầu ngày, cuối ngày, đầu đêm, cuối đêm. Khí hậu trên Đà Lạt không quá lạnh, cũng không quá nóng như ở Long Thành, nên thiền sinh ở Đà Lạt ngồi thiền xong không thấy đổ mồ hôi, có vị chỉ rươm rướm, có vị phải mặc thêm áo len. Thiên nhiên đã ưu đãi đặc biệt cho Đà Lạt một khí hậu lý tưởng, nên thiền sinh tại thiền viện Trúc Lâm ngồi thiền mát mẻ, nhẹ nhàng, tươi tắn.

Ở Thường Chiếu, tôi theo dõi và từng tham gia những thời thiền ban sáng, ban chiều, đầu đêm, cuối đêm cùng với các thiền sinh. Thời thiền sáng ngồi lên bồ đoàn một hồi nóng chảy mồ hôi, ngủ gục. Tôi không hiểu ma quái gì cứ ngủ gục? Có người nói tại ăn sáng nhiều, có người nói hồi sáng không ăn gì hết, chỉ uống một ly nước mà vẫn ngủ gục. Nghĩa là sao? Gượng không nổi. Thời thiền sáng còn như vậy, huống gì buổi chiều. Đến 7 giờ 30 phút tối, ở xứ này khí hậu thật bức bách khó chịu. Ngồi chỉ 1 giờ 30 phút thôi mà có khi tưởng tượng dường như mình đi đâu lâu lắm mới về, nhưng mở mắt ra thấy vẫn còn ngồi đây. Thật khó chịu. Chỉ có thời thiền khuya là tươi mát thanh sảng, không có vấn đề gì. Ở đây, bốn thời thiền chỉ bằng trên Trúc Lâm một thời cuối đêm, tức là từ 3 giờ đến 5 giờ sáng mà thôi, như vậy là kém hơn nhiều.

Bây giờ chúng ta phải làm sao để giữ được giá trị Thanh quy và chương trình tu học thống nhất như trên Trúc Lâm. Đây là điều tôi trăn trở, suy nghĩ. Một Thiền sinh ngày đêm ngồi bốn thời thiền, mỗi thời hai tiếng, cộng lại là tám tiếng. Một thiền sinh chỉ có buổi khuya mà chưa chắc đã ngồi đủ hai tiếng. Vì 3 giờ thức dậy, dù có nhanh gọn cỡ nào cũng mất 15 phút vệ sinh cá nhân, bắt đầu lễ Phật ngồi thiền và hô canh thì đã 3 giờ 15 phút rồi. Sau đó nhập thiền ngồi yên là hơn 3 giờ 30 phút. Như vậy hai tiếng mà mất nửa tiếng chỉ còn tiếng rưỡi. Một tiếng rưỡi làm sao có thể dám so sánh với các vị ngồi tám tiếng?

Bây giờ tôi mới vọng tưởng, muốn cho công hạnh hiện hành của mỗi vị ngồi thiền 8 tiếng thì trong tất cả thời đi đứng nằm ngồi, thiền sinh ở đây phải luôn giữ sự tỉnh giác. Chúng ta tu làm sao để không quên ông chủ, không bị các pháp kéo lôi, tâm thường biết rõ ràng, vào được chỗ chân tâm vô niệm. Tại thiền viện Trúc Lâm từ "chân tâm vô niệm" được khắc trên bia đá đặt ngay trước cổng phương trượng của Hòa thượng. Toàn thể Tăng Ni môn hạ của Hòa thượng phải biết và nhớ thực hiện đến chỗ chân tâm vô niệm. Cho nên không chỉ mùa an cư mà lúc nào chúng ta cũng phải có sức phấn đấu tu tập. Thiền viện Tổ Đình Thường Chiếu, thiền viện Trúc Lâm Trí Đức, tất cả các thiền viện, Tăng Ni thuộc môn hạ của Hòa thượng nhất định phải vào phải sống tới chỗ chân tâm vô niệm. Đó là đỉnh cao mà huynh để chúng ta phải đạt được. Bây giờ tôi chưa được nhưng nhất định chúng ta phải phấn đấu sống cho được tới chỗ đó.

Trong đại chúng, mỗi vị tự ý thức và tu hành tốt như vậy thì huynh đệ có một cuộc sống hết sức nhẹ nhàng, đỡ nhọc nhằn vì mỗi người đều tự làm chủ lấy mình. Có thế chúng ta mới đền đáp được công ơn giáo dưỡng của thầy tổ, thiện hữu tri thức, thâm ân hộ trì của Tam bảo cũng như đàn na thí chủ. Chúng ta luôn luôn soát xét lại công phu, nhớ chủ đích của thiền thời Trần phản quan tự kỷ là việc bổn phận chính của mình. Chỉ có người hằng sống thật sự với chân tâm vô niệm mới hưởng hết giá trị thiết thực trong Phật pháp. Chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ và giữ gìn giá trị bản Thanh quy mà Hòa thượng Tôn sư đã cho ra đời. Nó là xương sống của thiền phái. Giữ Thanh quy, hành trì Thanh quy để được giá trị của Thanh quy.

Vào mùa an cư, Tăng Ni cố gắng tu học, huynh đệ ở đâu thì cứ ở yên một chỗ tu học. Đừng nghĩ đi đây đi đó, tìm thầy trên núi nên non v.v... rồi không yên ổn tu hành. Nếu chúng ta để cho vọng tưởng dấy lên, không làm chủ được, ở tại đây không yên mà tới nơi khác cũng không được thì sút giảm hết việc tu học. Cuối cùng chỉ chuốc lấy bất an phiền muộn và dẫn tới thoái tâm Bồ-đề. Thật là nguy hại. Cho nên với tư cách là người đi trước các huynh đệ, tôi nói bằng chân tình, bằng kinh nghiệm của bản thân là mình ở đâu thì yên đó, đừng có đứng núi này trông núi nọ. Trong nhà thiền có câu "Người đâu trâu đó", làm việc nào biết việc ấy, đang sống ở đây, tu học ở đây thì hành trì tu tập tại nơi đây, không nghĩ gì khác. Rất mong như vậy.

Bây giờ tất cả huynh đệ chúng ta đối trước Tam bảo đồng phát nguyện rằng: Nguyện từ nay về sau lúc nào con cũng sống và phát huy được trí tuệ của chính mình. Nhờ thầy chỉ dạy, nhờ huynh đệ hướng dẫn, nhờ tất cả phương tiện, giáo pháp cổ đức để lại, con nương theo đó luôn nhớ và sống với trí tuệ. Con biết trí tuệ Bát-nhã phát huy thì mọi dây mơ rễ má trong nhiều đời không làm gì được con. Nên nhớ người tu không thể thiếu trí tuệ, đại chúng Thiền viện Trúc Lâm Trí Đức ngay bây giờ phải biết phát huy trí tuệ Bát nhã. Cho nên vào đầu năm học, tôi đề nghị đại chúng phải học kinh Bát Nhã để trưa huynh đệ nhận ra và phát huy trí tuệ Bát nhã của mình. Nếu phát huy được trí tuệ Bát nhã thì không có hiện tượng gì xoay chuyển nổi mình, huynh đệ sẽ có năng lực bổ sung vào những chỗ khuyết trước đây.

Tóm lại, chúng ta bị trôi dạt mãi mãi trong trầm luân sanh tử do vì quên trí tuệ Bát nhã. Bởi mà mình không nhận ra nên vớ đại một mớ vọng tưởng tào lao cho là mình, từ đó trôi dạt và tạo nghiệp, kéo dài sự khổ đau trong nhiều kiếp. Bây giờ biết trí tuệ là gốc, là chìa khóa, là mốc quan trọng trong đời tu thì tất cả huynh đệ phát tâm tu học mạnh mẽ. Trí tuệ là quan trọng bậc nhất, vì chỉ có trí tuệ mới phá tan bóng tối vô minh, đưa chúng ta ra khỏi ngục tù si mê. Tôi rất vui vì có chút duyên lành được nói lên những tâm tình của mình cho đại chúng nghe,  không ngoài ý muốn huynh đệ chúng ta trước tiên nhớ lại nguyện tu hành, kế nửa phát tâm dũng mãnh thực hiện lời hứa với thầy tổ là nêu cao và bảo vệ giá trị Thanh quy mà Hòa thượng đã cho ra đời. Chúng ta kiên quyết sống hòa hợp, làm sao thực hiện trọn vẹn tới chỗ chân tâm vô niệm mà Hòa thượng đã ân cần chỉ dạy.

Những vị tịnh nhân cư sĩ phát tâm tu học và tiến tới xuất gia, rất cần nương tựa và sự hướng dẫn của chư huynh đệ. Chúng ta làm được việc của mình đồng thời cũng động viên nhắc nhở cho người sau đủ duyên lành, thực hiện tròn nguyện tu hành. Đó là những việc chúng ta phải làm. Tôi xin hướng về mười phương Tam bảo, hướng về Hòa thượng Trúc Lâm mong mỏi chư Tăng Ni, ai nấy cũng vững niềm tin đối với Tam bảo, với pháp môn mà Hòa thượng đã dày công khôi phục. Tất cả hãy cố gắng tu hành cho được viên mãn. Chúc nguyện toàn thể đại chúng Thiền viện Trúc Lâm Trí Đức vào hạ tu học vui khỏe, tăng tiến.

Mục Lục