Phụng Hoàng Sách Tấn Tập 1 (2005)
Thỉnh Nguyện Tăng (I)
Ngày 13-8 Ðinh Sửu (14-9-1997) Hôm nay tôi có một vài vấn đề nhỏ nhắc nhở trong chúng. Hồi xưa, khi tôi giảng bài Chứng Ðạo Ca, có một câu nói rằng: “Liễu tức nghiệp chướng bản lai không, vị liễu ưng tu hoàn túc trái.” Nghĩa là người được liễu ngộ rồi thì nghiệp chướng xưa nay đều không; người chưa liễu ngộ phải đền nợ trước. Có Thiền khách Hạo Nguyệt hỏi Thiền sư Trường Sa Cảnh Sầm: - Cổ đức nói: “Liễu tức nghiệp chướng bản lai không, vị liễu ưng tu hoàn túc trái.” Vậy Tổ Sư Tử ở Ấn Ðộ đã liễu chưa mà bị vua Kế-tân chặt đầu? Tổ Huệ Khả liễu chưa mà vẫn chết trong khám? Ðó là câu hỏi đa số người đều hoang mang nghi ngờ. Ngài Trường Sa Cảnh Sầm trả lời rằng: - Ðại đức chưa hiểu nghiệp chướng. Thiền khách hỏi lại: - Thế nào là nghiệp chướng? - Bản lai không. Câu nói thật là khó hiểu! Bây giờ tôi dẫn một câu của ngài Tông Mật: “Thể của tâm mình là không, thể không mà thành sự.” Hai bên đều nói một ý, nhưng bên kia nói văn chương, bên đây nói đơn giản. Cái gì là thể không? Cái gì là thành sự? Quay lại mình sẽ biết! Tất cả nghiệp đều từ thân, miệng, ý phát sanh. Tuy nói thân, miệng, ý nhưng chủ động là ý, ý dấy niệm rồi phát ra ngôn ngữ, hành động. Ngôn ngữ, hành động thiện là từ ý thiện; ngôn ngữ, hành động ác là từ ý ác. Mặc dù nói tất cả các nghiệp do ý tạo, nhưng sự thật cái trực tiếp tạo nghiệp là miệng và thân. Giả sử trong ý mình muốn giết người, nhưng nếu không nói, không làm thì không giết ai hết. Như vậy thành nghiệp là do lời nói và hành động. Còn nếu chỉ trong ý niệm thì chưa thành nghiệp. Do đó, trong Luật nói, giả sử mình có ý niệm xấu với người nữ, lý đáng phạm tội, nhưng nếu biết dừng ngay lúc ý niệm đó vừa khởi thì không có tội, vì đâu phạm tới ai. Bởi vậy, cái chủ động tạo nghiệp là ý, nhưng thành nghiệp là khẩu và thân. Bây giờ xét kỹ, ý có thật không? Những niệm khởi lên chúng ta nhìn tường tận tung tích nó thấy có thật không? Quí vị nghĩ cái này, cái kia liên miên nhưng khi quay lại tìm thì không thấy, nó lặng mất. Nếu thể nó là thật có, tìm ắt phải thấy, phải gặp. Nhưng vì thể không thật, nên tìm lại liền mất. Tìm lại nó mất nên gọi là thể không. Thể không nhưng theo nó thì thành nghiệp, thành sự. Vậy khi ý niệm ác vừa dấy lên, mình biết quay lại tìm để dẹp bỏ, nó liền tan hoang, không thành, không có. Nếu theo ý niệm đó thốt ra lời ác, hành động ác thì thành sự, thành sự tức tạo nghiệp. Vậy gốc của nghiệp có hay không? Thật có hay thật không? Gốc thì xưa nay là không, nhưng ngọn thì thành sự, thành có. Cho nên người tu thiền chúng ta phải đi thẳng từ gốc. Dẹp nghiệp không phải dẹp ở thân, miệng mà dẹp ngay ở ý. Những ý niệm vừa dấy lên chúng ta phải quán chiếu cho nó tan mất, cũng giống như sương mù, có ánh nắng rọi xuống thì tự nhiên tan, không còn gì. Nếu để nó dày đặc, thành sự rồi là thành nghiệp. Như vậy câu nói: “liễu tức nghiệp chướng bản lai không” để chỉ rằng, người liễu ngộ thì thấu suốt bản chất của nghiệp xưa nay là không, thể không thật. Còn nếu người chưa liễu, nghĩa là chưa thấu suốt thì bị nghiệp dẫn đi tạo tội, sau phải đền tội. Làm ác thì chịu ác, quả báo nhất định không sai chạy. Trở lại hai vị Tổ Sư Tử và Tổ Huệ Khả, hai vị đó liễu rồi, thấy bản chất nghiệp là không nhưng tại sao phải đền nợ trước? Chúng ta thấy các ngài có đền nghiệp, nhưng các ngài thấy nghiệp là không có thật. Thân đã không thật thì nghiệp làm sao thật! Bởi vậy khi vua Kế-tân hỏi Tổ Sư Tử: - Ngài nói rằng Ngài đã được không tướng, đã lìa sống chết, vậy có thể cho ta cái đầu chăng? Tổ trả lời: - Thân chẳng phải của ta, sá gì cái đầu. Vua liền chặt đầu Ngài rơi xuống đất. Ðối với Tổ, cái đầu cũng là không, vậy Ngài có trả nghiệp chăng? Ðây là một vấn đề rất thiết yếu trong nhà Phật. Nghiệp đối với người mê thì phải đền trả đầy đủ, nhưng đối với người ngộ, thấy nghiệp không thật nên không có trả. Nói không trả, người ta tưởng rằng mọi oan khiên đã tạo chắc không dính dáng gì nữa. Chúng ta đừng nghĩ rằng ngộ đạo rồi, những oan khiên thuở xưa bỗng dưng hết sạch. Không phải vậy! Chính đức Phật còn bị các nạn kim thương, mã mạch..., ngài Mục-kiền-liên cũng bị người đánh bầm dập mình mẩy mà chết. Như vậy, dù ngộ rồi, oan khiên xưa vẫn phải trả. Tuy nhiên, người mê khi trả thì oán hờn số phận, than trời trách đất. Người ngộ biết mình còn nợ cũ phải trả cho hết, nên trả với thái độ bình thản, không hờn trách gì cả. Thân này không thật thì bao nhiêu thứ nợ có thật đâu. Nên người ngộ đạo rồi trả mà thấy như không trả. Ðó là trọng tâm. Hiểu như vậy, trên đường tu chúng ta mới không buồn, không trách, sao có những vị Hòa thượng khi gần tịch rất thảnh thơi, ra đi một cách tự tại, mình thấy thích quá; lại có những Hòa thượng đạo hạnh rất cao, khi gần tịch bị đau đớn hành hạ; còn có người tu không cao khi ra đi lại thảnh thơi, an nhàn. Ðiều đó nói lên những oan khiên cũ. Hiện đời tuy tu hành cao siêu nhưng oan khiên cũ còn thừa, thời gian cuối nó hành hạ. Còn những vị tu tuy không cao lắm, nhưng nợ trước không có, bây giờ tu không tạo nghiệp nữa nên ra đi thảnh thơi. Hiểu như vậy, quí vị sẽ không còn thắc mắc, nghi ngờ. Vậy trên đường tu hành, hiện tại chúng ta nỗ lực tu, đừng gây tạo ác nghiệp, luôn cố gắng dẹp bỏ các sự nhiễm ô. Còn nghiệp quá khứ nếu còn thừa thì phải trả, nhưng đền trả với tâm biết rõ thân này huyễn hóa không thật, đã không thật thì điều gì xảy đến cũng không oán hờn, buồn tủi. Như vậy là trả mà coi như không trả. Ý nghĩa “nghiệp chướng bản lai không” mà vẫn đền nợ trước là vậy. Tôi nhắc thêm về cái “biết”. Tánh của niệm hay ý là không. Khi mình quán chiếu lại thì ý niệm tan mất. Thể nó là không, nhưng nếu mình theo thì thành sự, tạo nghiệp sanh tử khổ đau. Như vậy, xét cho tường tận, tại sao hiện giờ chúng ta tu mà bao nhiêu nghiệp chướng chưa sạch được? Vì vừa dấy niệm thương ai, ghét ai, mình liền theo nó. Theo nó nên thương thì nói những lời tha thiết, ghét liền nói hung dữ thù hằn, do đó tạo thành nghiệp. Còn nếu vừa dấy niệm, liền quán chiếu cho tan nát thì không tạo thành nghiệp. Vậy, chúng ta không chỉ tu trong giờ ngồi thiền, mà phải tu trong tất cả các giờ. Vừa có một ý niệm xấu dở, chúng ta liền phủi sạch, đừng để dính mắc thì tất cả nghiệp cũng theo đó mà hết. Nếu chúng ta nuôi dưỡng tất sẽ tạo thành nghiệp. Ðừng nghĩ thể nó là không, rồi làm gì cũng không. Tuy thể nó là không, nhưng theo thì thành sự. Nên trên phương diện tu hành, chúng ta phải luôn cần mẫn, chăm chỉ quán sát nội tâm mình, những gì xấu, dở phải ngừa đón, dẹp bỏ ngay từ buổi đầu. Nói theo từ bây giờ là bóp chết khi còn trong trứng nước, đừng để nó thành hình, thì nghiệp hiện tại chúng ta không gây. Còn nghiệp quá khứ, nhẹ chúng ta chuyển được, nếu nặng phải trả, nhưng trả mà như không trả. Ðây là điều thiết yếu trong sự tu hành. Mong rằng tất cả chư Tăng lúc nào cũng nhớ, cũng thấy rõ như vậy. Ðừng nghĩ là mình tu, ráng tụng kinh tọa thiền đủ giờ, còn ngoài ra trong sanh hoạt bình thường không cần quán chiếu. Ngoài giờ chuyên tu ra, chúng ta vẫn theo dõi, thấy rõ từng tâm niệm của mình. Như vậy sự tu mới có kết quả nhiều, mới chóng được chín muồi, một ngày nào đó sẽ hốt nhiên cảm ngộ. Nếu không thì rất khó. Tất cả chư Tăng đã có túc duyên được cùng sống, cùng tu hòa hợp, nên ráng nuôi dưỡng phước duyên lớn này và tu tập đến nơi đến chốn. Chớ để một lý do nào làm trở ngại sự tu của mình. Ðó là sáng suốt, thành công trên đường tu. Ðừng bao giờ mơ ước những gì cao siêu, quá sức. Chúng ta cứ mỗi ngày nhìn kỹ, thấy rõ những niệm khởi của mình, rồi dẹp sạch thì sẽ được thanh tịnh. Mà thanh tịnh tức trở về với thể không sanh diệt chớ chẳng có gì lạ. Nếu cứ trông cậy, mơ ước những điều ở đâu bên ngoài, rốt cuộc chúng ta trở thành kẻ nô lệ, tay sai của quỉ thần. Vậy mong toàn chúng biết quay nhìn lại mình để tu hành đạt kết quả tốt. Ngày 13-9 Ðinh Sửu (14-10-1997) Buổi thỉnh nguyện hôm nay, tôi thấy toàn chúng rất thanh tịnh, đó là điều tốt. Chúng ta ở trong tập thể tu hành, mỗi ngày thân, khẩu, ý càng thanh tịnh. Ðây là điều tôi rất hoan hỉ. Dù sống trong thời mạt pháp nhưng chúng ta có phước duyên rất nhiều, được chung sống một nơi, cùng tu, cùng tiến, điều này hết sức quí báu. Tuy nhiên, nhiều huynh đệ có cái nhìn không thấu đáo. Thí dụ, đang ở trong chúng yên tu lại nghĩ nên ra ngoài kiếm chỗ nhập thất. Nghĩ như vậy tưởng là tốt, tưởng mình sẽ có nhiều thời giờ tiến tu, nhưng thật tình tôi nói thẳng: Bỏ Thiền viện này để đi tìm một nơi khác yên tu, tôi không tin chắc ở yên được. Vì sao? Tôi đã kinh nghiệm qua những chướng duyên của người tu. Tôi thấy có nhiều thầy mới nhìn qua cũng không có dáng vẻ gì, nhưng khi nhập thất tu một mình, lâu lâu cũng bị nạn, nhất là nạn Ma-đăng-già. Bởi vậy, ở riêng đối với người chưa vững vàng là một cơ hội tốt để thối tâm, để mất giới luật, chớ không phải cơ hội tiến tu. Ở đây, lâu lắm mấy huynh đệ mới tới phiên nhập thất, nhưng một ngày nhập thất là một ngày chí quyết tu hành, không có gì trở ngại. Mọi công tác huynh đệ lo hết, mình chỉ việc chuyên tu thôi. Thời gian tuy ngắn nhưng giá trị rất lớn. Người quyết tâm tu ở trong chúng có sự bảo bọc đầy đủ. Còn ra tu riêng rời rạc, không có sự bảo bọc sẽ dễ bị vấp ngã, nhiều khi hình thức còn, mà tâm niệm tu đã mất hết. Nên tôi khuyên tất cả chúng, ai có phước duyên được nương với chúng tu hành là điều đáng mừng. Ðừng cho là duyên thường, trái lại phải thấy đó là duyên thù thắng. Phải cố gắng sao cho tâm niệm mình được bình an để yên ổn tu, dù chậm nhưng nhất định mỗi ngày mỗi tiến, chớ không lùi. Còn mình muốn cho nhanh, cho gấp, tìm nơi này nơi kia ở riêng, làm theo ý mình để được kết quả sớm, nhưng kết quả chưa nắm chắc, mà thất bại có thể đến dồn dập, bất ngờ. Mong rằng trong chúng ý thức được sự tu hành của mình, cố gắng tự thúc liễm, tự kềm chế những quan niệm sai lầm, đừng để nó gạt. Như vậy đường tu mới được lâu dài, vững vàng, đạt kết quả tốt. Ðó là lời tôi nhắc nhở toàn chúng. Ngày 13-10 Ðinh Sửu (12-11-1997) Hôm nay thỉnh nguyện, toàn chúng đều được thanh tịnh, không có lỗi lầm, đó là điều rất tốt. Trên đường tu, chúng càng ngày càng được trong sạch và tinh tấn, tôi rất mừng. Sau đây tôi có ít lời nhắc nhở toàn chúng. Nói là nhắc nhở nhưng sự thật tôi đặt ra một số câu hỏi cho tất cả quí vị tự nghiệm, rồi trả lời để thành một hệ thống trong buổi nói chuyện này. Câu hỏi đầu tiên là: Tất cả chúng ta xuất gia, nhằm đạt mục đích gì? - Chúng con xuất gia để thấy được lẽ thật và học theo mục đích của Hòa thượng là khôi phục Thiền tông Việt Nam, làm hưng thạnh Phật giáo Việt Nam nói chung, ngày sau lan rộng đến thế giới. - Còn ai có ý kiến gì khác? - Kính bạch Thầy, mục đích của con xuất gia là tìm sự giải thoát. - Ðây là câu hỏi rất thông dụng, nên tôi phải đặt lại cho tất cả nhớ. Ðúng ra chúng ta phải trả lời: Mục đích của người xuất gia - chớ không riêng một cá nhân nào - đều nhằm giải thoát sanh tử. Tại sao chúng ta nhắm mục đích đó? Chính đức Phật sau khi chứng kiến cảnh già bệnh chết, Ngài xuất gia tu để giải thoát sanh tử. Ðó là mục đích của đức Phật, ngày nay chúng ta cũng nhắm theo đó thực hiện. Như vậy, tôi nhắc lại cho dễ nhớ, mục đích chúng ta xuất gia là quyết tâm tu giải thoát sanh tử, không còn bị trở lui lại vòng lục đạo luân hồi. Ðó là căn bản, là gốc của sự tu hành, còn tới chừng nào mới thành tựu là chuyện khác. Câu hỏi thứ hai: Cái gì dẫn chúng ta đi trong luân hồi sanh tử? - Bạch Sư ông, nghiệp dẫn đi trong luân hồi. - Mục đích của chúng ta là giải thoát sanh tử, nhưng bây giờ phải biết cái gì dẫn mình đi trong sanh tử để tu cho giải thoát. Chú này nói nghiệp, quí vị có đồng ý không? - Kính bạch Thầy, vọng tưởng dẫn mình đi trong luân hồi sanh tử. - Kính bạch Thầy, vô minh dẫn mình đi. - Ai trả lời cũng đúng hết, nhưng nói thẳng là do nghiệp. Tại sao vậy? Bởi vì nghiệp là nhân lôi dẫn mình đi trong lục đạo luân hồi. Cho nên trong kinh dạy: Người tạo thập ác thì nghiệp ác dẫn đi vào địa ngục, người làm thập thiện thì nghiệp thiện dẫn sanh lên cõi trời. Còn giữ năm giới nghiệp dẫn sanh trở lại nhân gian. Như vậy sở dĩ luân hồi trong lục đạo là do nghiệp dẫn. Vậy nghiệp là sức mạnh lôi kéo, dẫn mình luân hồi triền miên trong sáu đường. Ði đường này hay đường kia đều do nghiệp. Câu hỏi thứ ba: Nghiệp từ đâu ra, theo thứ tự thì nghiệp từ đâu ra? - Bạch Thầy, từ thân khẩu ý. - Ờ đúng, nghiệp từ thân, khẩu, ý, đơn giản như vậy. Khi thân làm ác gọi là thân tạo nghiệp ác, làm lành là thân tạo nghiệp lành. Miệng và ý cũng như vậy. Nếu thân, khẩu, ý không tạo nghiệp thì hết luân hồi. Như vậy, chúng ta thấy có sợi dây chuyền rõ ràng: Chúng ta đang bị trầm luân trong sanh tử luân hồi. Ngày nay, chúng ta phát nguyện tu là để giải thoát sanh tử. Muốn giải thoát thì phải biết cái gì dẫn mình đi trong sanh tử. Chúng ta đã biết rõ là do nghiệp dẫn, nghiệp này từ thân, khẩu và ý tạo ra. Nhưng trong ba cái đó, trọng tâm là ý. Nếu ý nghĩ lành thì thân làm lành, nói lời lành. Nếu ý nghĩ dữ thì thân làm dữ, miệng nói dữ. Như vậy điều lành, điều dữ do ý mà có. Tạo nghiệp lành thì sanh cõi trời, người, a-tu-la. Tạo nghiệp dữ sanh địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh. Ðó gọi là lục đạo luân hồi. Câu hỏi thứ tư: Muốn hết nghiệp chúng ta phải làm sao? - Bạch Thầy, muốn hết nghiệp phải dừng ý nghiệp, vì nó là động lực luân hồi sanh tử. - Ờ, muốn hết nghiệp phải dừng ý. Bởi vì ý chủ động tạo nghiệp, còn thân và miệng là cái bị động. Bây giờ làm sao để dừng ý? Ðó chính là lý do phải tu thiền. Chúng ta ngồi lại nhìn thấy từng niệm khởi, nếu chúng ta đi theo niệm lành thì tạo nghiệp lành, đi theo niệm dữ tạo nghiệp dữ. Người tu thiền không những bỏ niệm ác, niệm dữ, ngay cả niệm thiện cũng bỏ luôn. Có lắm người thắc mắc, tu là bỏ ác làm thiện, tại sao tu thiền bỏ luôn cả ác lẫn thiện? Nếu chúng ta bỏ ác, làm thiện thì còn nghiệp để sanh trong ba cõi lành là người, a-tu-la và cõi trời. Còn nghiệp là còn sanh. Bây giờ nếu muốn giải thoát sanh tử luân hồi là phải dứt nghiệp, dừng nghiệp. Muốn dứt nó thì phải dừng ngay động cơ chủ yếu tạo nghiệp là ý. Ý nghĩ lành chắc chắn sẽ làm lành, tạo nghiệp lành và sanh cõi lành. Ý nghĩ dữ thì tạo nghiệp dữ, sanh cõi dữ. Nay ý không nghĩ thì tạo nghiệp gì? Không nghĩ thì không còn tạo nghiệp, hết nhân tạo nghiệp. Lúc ấy thế nào? - Bạch Thầy, được giải thoát. - Ðây tôi nói tuần tự để quí vị thấy rõ. Thí dụ như tu Tịnh độ, niệm Phật cầu vãng sanh. Niệm Phật là niệm lành, chuyên trì niệm danh hiệu Phật thì khi nhắm mắt được sanh về cõi lành, cõi Cực Lạc. Như vậy còn niệm thì còn sanh. Cõi lành trong tam giới là trời, a-tu-la, người; cõi lành của Phật ở ngoài tam giới như cõi Cực Lạc... đều còn niệm, còn sanh. Vậy, niệm là cái nhân để sanh, tùy theo niệm lành dữ, tốt xấu, niệm cao siêu hay thấp kém cạn cợt mà tạo nghiệp, tái sanh ở cảnh giới tương ưng. Chúng ta thấy rõ niệm là gốc của sanh tử, sanh nơi này nơi kia là do niệm. Do đó, còn niệm là còn sanh. Muốn hết sanh phải vô niệm, hết niệm tức vô sanh. Không còn niệm là không còn sanh tử. Chúng ta phải thấy rõ mục tiêu mình nhắm tới và đường lối đang tu luôn phù hợp nhau. Vọng tưởng là nhân tạo nghiệp sanh tử, muốn hết sanh tử chúng ta phải dừng vọng tưởng. Nhân đã dừng thì quả sanh tử làm sao còn, thật là rõ ràng! Bây giờ có người đặt câu hỏi: Khi hết niệm, không nghĩ thiện, nghĩ ác nữa thì còn cái gì không, hay là hết sạch? Bởi vì còn niệm là còn sanh nơi này nơi kia, giờ hết niệm, không sanh đâu hết thì chừng đó còn cái gì? Tôi dẫn câu chuyện Lục Tổ ôm bát đi về phương nam. Ngài đi được mấy ngày thì Huệ Minh đuổi kịp. Ngài để y bát lại trên bàn thạch, bước vào lùm cây ngồi ẩn. Huệ Minh gặp được y bát mừng quá liền cầm lên, nhưng không nhấc nổi, biết đây có cái gì mầu nhiệm chớ không phải tầm thường, nên đổi ý giành y bát thành tâm cầu pháp. Huệ Minh kêu: - Hành giả! Hành giả! Tôi tới đây không phải vì y bát mà đến để cầu pháp. Lục Tổ trong lùm cây đi ra nói: - Nếu ông cầu pháp thì phải dứt hết các duyên, chớ sanh một niệm, tôi sẽ nói cho ông nghe. Huệ Minh đứng yên lặng giây lát, Lục Tổ nói: - Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, chính khi ấy cái gì là Bản lai diện mục của Thượng tọa Minh? Ngay đó Huệ Minh liền ngộ. Như vậy chúng ta mới thấy, không nghĩ thiện, không nghĩ ác thì Bản lai diện mục hiện tiền chớ không phải là không ngơ. Ðó là mặt thật muôn đời của mình, là cái chưa bao giờ sanh, chưa bao giờ diệt. Nếu sống được với mặt thật đó thì không còn bị nghiệp dẫn đi sanh tử, tức là giải thoát sanh tử. Cho nên chúng ta đừng ngại buông hết niệm thiện ác rồi trở thành không ngơ. Tôi nói cái gần nhất, như hiện giờ đang ngồi, không nghĩ thiện, nghĩ ác gì hết mà chúng ta vẫn biết. Ðó, vẫn hiện tiền chớ nào phải không biết! Cái biết không khởi niệm thì đâu có tạo nghiệp. Rõ ràng cụ thể là tất cả chúng ta sẵn có cái giải thoát mà lâu nay chúng ta quên, chỉ sống theo thân tạm bợ và niệm sanh diệt, vì vậy mà tiếp tục luân hồi. Bây giờ muốn thoát khỏi sanh tử luân hồi thì chỉ dừng hết những ý niệm lăng xăng đó để trở về với Bản lai diện mục của mình. Ðó là giải thoát sanh tử. Ðến đây là đạt được mục đích chớ chẳng có gì khác, khỏi nói sanh đi đâu hết. Như vậy, chủ trương đường lối tu của mình, nhân và quả rõ ràng không nghi. Giải thoát sanh tử là cái quả mình mong muốn, thì nhân gây ra sanh tử phải dừng. Nhân sanh tử không còn thì quả giải thoát tự nhiên đến. Vậy là rõ ràng đường tu đâu đó cụ thể, chớ không phải là ý niệm tưởng tượng, cũng không phải chúng ta tin suông, tin rỗng. Nó thực tế như vậy, tôi nói cho tất cả hiểu, nắm vững để tu và dạy người khác tu đừng lầm lẫn. Nhiều khi dạy cũng không biết dạy cái gì, tu không biết tu ra sao, rồi cứ lẩn quẩn là không tốt. Hôm rồi, người ta yêu cầu tôi giảng bài thơ của ngài Quảng Nghiêm, trong đó có câu ít ai dám dịch: Nam nhi tự hữu xung thiên chí “Làm trai tự có chí xông trời, đừng theo đường của Như Lai đã đi”. Nghe câu đó ai cũng giật mình. Tại sao mình tu theo Phật mà không đi đường của Phật? Vậy thì đi đường ai? Ði lối khác là theo đường tà rồi! Nhưng riêng tôi thấy câu đó hay quá, mỗi lần giảng mỗi lần thấy hay. Hôm rồi ngồi thiền, bất thần tôi nhớ lại câu này, thấy có một ý rất hay nên nói cho quí vị nghe. Không đi theo lối mòn của đức Phật, ý này có hai: Thứ nhất là nói về sự tướng. Khi Thái tử đi tu không có ai hướng dẫn, cho nên phải tìm học với ngoại đạo. Ngài hành tới nơi tới chốn mà kết quả không đúng với mục đích Ngài nhắm nên từ giã ngoại đạo ra đi. Thời đó người ta tán thán phép tu khổ hạnh nên Ngài cũng tu khổ hạnh, nhưng vẫn không đạt được mục đích. Cuối cùng Ngài mới tọa thiền dưới cội bồ-đề và đã đạt được mục đích của Ngài nhắm là giác ngộ thành Phật. Như vậy nếu đi theo đường của Phật thì có quanh co không? Chẳng lẽ chúng ta được Phật dạy rồi, khi đi tu mình lại theo ngoại đạo và tu khổ hạnh, rốt sau mới chịu ngồi thiền dưới cội bồ-đề. Như vậy là quanh co vô ích. Ðó là lối mòn của Phật đã đi. Bây giờ mình đã được chỉ thẳng còn đi quanh co chi nữa? Ðây là nói về sự. Kế đến là lối mòn của giáo lý từng cấp bậc mà trong câu chuyện của ngài Vân Môn đã nói(*). Cái này mới thấm thía. Bây giờ tôi lấy hình ảnh Phật dụ trong kinh Lăng Nghiêm và kinh Viên Giác. Phật nói rằng kinh điển như ngón tay chỉ mặt trăng. Quí vị thấy trăng mồng sáu, mồng bảy hình dáng như lưỡi liềm, mọc ở phương đông. Có người mắt sáng thấy được mặt trăng đó, muốn chỉ cho những người chung quanh cùng thấy, nói rằng: “Kìa, có mặt trăng!” Nhưng có người mắt không tỏ sáng lắm, lại nhắm hướng không được chín chắn, nhìn chẳng thấy, hỏi rằng: “Ở chỗ nào?” Lúc ấy người thấy rồi phải làm sao? Phải chỉ: “Ðây, cứ nương ngón tay tôi, nhìn thì sẽ thấy.” Người kia nương theo đúng hướng ngón tay chỉ, thấy được mặt trăng. Ngón tay dụ cho kinh điển. Mặt trăng là mục đích giải thoát của mình. Chân lý giải thoát nằm ở chỗ mặt trăng chớ không phải ngón tay. Ta chỉ nương theo ngón tay để thấy mặt trăng, thấy được trăng là đạt mục đích tối thượng của mình. Trong số người chung quanh đó, có người mắt sáng và định hướng rất rõ, khi hỏi mặt trăng chỗ nào, nói ở phương đông, từ chân trời lên khoảng ba sào, họ theo đó nhìn liền thấy mặt trăng. Người đó có cần ngón tay chỉ hay không? Bây giờ chúng ta đặt lại vấn đề. Muốn giải thoát sanh tử thì vọng tưởng phải lặng, không còn nghĩ thiện ác. Bởi vậy kinh Phật dạy phải quán thân này là giả để mình không còn đắm nhiễm, cảnh cũng giả để tâm không đuổi theo, cốt cho tâm lặng không chạy, gỡ cho nó đừng dính mắc. Nhưng nếu có người biết rõ tâm rồi, họ tự dừng không dính mắc, đó là đúng mục tiêu Phật muốn chỉ. Như trường hợp ngài Lâm Tế hỏi Tổ Hoàng Bá: - Thế nào là đại ý Phật pháp? Ý hỏi mục tiêu của Phật dạy, chỗ cứu kính của đạo Phật nằm chỗ nào. Ba lần hỏi, ngài Hoàng Bá ba lần đánh. Lâm Tế buồn bã từ giã ra đi, tới Ðại Ngu. Ngài Ðại Ngu chỉ hỏi: - Hoàng Bá dạy lời gì? Lâm Tế kể lại: - Con ba phen hỏi đại ý Phật pháp, ba lần bị đánh. Chẳng biết con có lỗi hay không lỗi? Ngài Ðại Ngu nói: - Hoàng Bá với tâm lão bà đã vì ông chỉ chỗ tột khổ, ông lại đến trong ấy hỏi có lỗi không lỗi. Ngay câu nói ấy Sư đại ngộ, thưa: - Xưa nay Phật pháp của Hoàng Bá không nhiều. Ngài Lâm Tế đại ngộ là ngộ cái gì? Thấy có lỗi, không lỗi tức thấy có hai. Nơi tâm mà còn hai là bệnh, tạo nghiệp sanh tử. Chủ yếu Phật dạy dứt cái hai đó. Nghĩ thiện nghĩ ác là hai, phải quấy là hai. Còn hai là còn vọng tưởng, nếu dừng vọng tưởng thì không có hai, ngay đó là thấy rồi. Ngài Ðại Ngu nắm đứng lại bảo: - Con quỉ đái dưới sàng, vừa nói có lỗi không lỗi, giờ lại nói Phật pháp Hoàng Bá không nhiều. Ngươi thấy đạo lý gì? Nói mau! nói mau! Hết sức là đơn giản, phải không? Trường hợp này như người vừa được chỉ mặt trăng ở phương đông, nhìn lên chừng ba sào liền thấy. Trái lại chúng ta thì không thấy, phải nhờ người đưa tay chỉ, nhìn cho thật kỹ mới thấy. Hai bên khác nhau. Ở đây ngài Lâm Tế ngộ được là do biết cái hai đó không phải đại ý Phật pháp. Ðại ý Phật pháp là dừng cái hai đó. Nên hỏi thấy cái gì, Ngài không nói. Khởi nói là thành hai, bèn thoi vào hông ngài Ðại Ngu ba thoi. Ngài Ðại Ngu nói: - Thầy ông là Hoàng Bá, không can hệ gì đến ta. Như vậy nào có kinh điển gì! Không phải giáo ngoại biệt truyền là gì? Mà có trái với giáo lý đâu. Giáo lý cốt để chỉ mặt trăng. Bây giờ không nương ngón tay mà ta vẫn thấy mặt trăng thì cái chủ đích nhắm đã đạt được, đâu còn cần ngón tay. Tuy nhiên, có người thay vì nương ngón tay để thấy mặt trăng, lại cho ngón tay là mặt trăng, mình phải nói sao đây? Như vậy là mất ngón tay và mất mặt trăng luôn. Vì tưởng ngón tay là mặt trăng rồi cứ hài lòng ngón tay này là chỗ cứu kính. Ngày nay Phật giáo Việt Nam có một số người lấy ngón tay cho là mặt trăng, cứ đem kinh ra tụng rồi cho như vậy là tu. Phật dạy trong kinh để chúng ta hiểu đường lối tu chớ đâu phải dạy mình tụng suông. Vậy mà cứ đem ra tụng hoài bao nhiêu đó, làm sao thấy mặt trăng được, tụng ngàn đời cũng không thấy. Nếu mình là người ngoài cuộc, biết rõ điều đó thì có nên nói hay không? Ðồng ý như vậy hay là phải nói? Ðó là một vấn đề tôi thấy rất khó xử. Nói ra mích lòng, còn không nói thì mình có thể chấp nhận cho Phật giáo đi xuống như vậy hay sao? Thành ra cái lối mòn mà ngài Quảng Nghiêm nói đó, là lối mòn dựa theo kinh điển. Kinh điển chỉ là Phật phương tiện giải thích để mình tu, sửa trị lần lần. Nếu chúng ta đã thấy được cái gốc rồi thì quá tốt, đâu có cần phương tiện. Hiểu vậy mới thấy Thiền tông đi thẳng vào cốt tủy của đạo Phật, trở về cái gốc chẳng hề quanh co. Vậy mà những người chưa nắm vững chỗ này, thường chê bai Thiền tông. Kiểm điểm lại chúng ta thấy sự sai lầm của giới tu sĩ mình rất đậm, rất sâu. Muốn sửa lại cũng cay đắng lắm, không phải năm năm, mười năm mà được. Ðời tôi chắc chưa làm xong, thôi thì ký thác cho đời mấy chú. Mấy chú ráng tu cho đến nơi đến chốn, rồi sau này chỉ cho người ta thấy những cái hay cái dở. Vì tu mà không đạt đạo là do những sai lầm đó. Cho ngón tay là mặt trăng thì muôn kiếp không thấy mặt trăng, không làm sao thấy được! Ðây là lẽ thật, không có gì phải ngờ vực. Ðiều này tôi rất đau lòng. Hôm nay giải thích rõ ràng để tất cả cùng hiểu. Ðó là phần nhắc nhở của tôi. Ngày 13-11 Ðinh Sửu (12-12-1997) Hôm nay có hai việc cần nhắc quí vị: Thứ nhất là có một Phật tử cho tôi biết có hai thầy đi chợ ghé quán uống cà phê. Tôi không biết là thầy nào, hôm nay xin nhắc chung toàn chúng. Mặc dầu trong giới luật cũng như Thanh qui, tôi không cấm uống cà phê, nhưng quí vị nếu quen uống hoặc vì bệnh muốn uống cho ấm thì chỉ nên mua về chùa, chớ không nên ngồi quán. Ðó là cái thói của thế tục, rảnh rang vô quán cà phê uống nhâm nhi rồi nói dóc với nhau cho vui. Chúng ta là người tu chớ phạm điều này. Ra ngoài uống cà phê như vậy, vô tình mình làm mất uy tín Thiền viện. Bây giờ Phật tử Ðà Lạt biết quí thầy ở đây hết, cho nên ai đi ra ngoài, họ đều biết người đó ở Thiền viện hay ở các chùa. Mình cà rà vô quán ngồi, thiếu tư cách để cho người quí trọng, và làm mất luôn uy tín của những huynh đệ trong Thiền viện. Vì vậy từ đây về sau tuyệt đối không được ra chợ ngồi uống cà phê, dầu sớm hay muộn đều không nên. Ðó là điều tôi xin nhắc, mong quí vị nào đã lỡ thì từ đây về sau đừng tái phạm. Thứ hai là tôi nghe có một số thầy còn nóng nảy, cãi với các cư sĩ và mấy người dân ở ngoài. Quí vị nên nhớ, dầu chuyện đúng một trăm phần trăm, mà nóng nảy lớn tiếng với người thế gian thì mình cũng bị thua thiệt rồi, vì họ nói mình sân. Tu hành mà tham, sân, si không giảm thì người ta đánh giá sự tu của mình không có kết quả. Bởi vậy quí vị nào nóng nảy phải ráng nhớ mình đã là tu sĩ, đừng tranh hơn thua với người. Trong kinh Di Giáo, Phật dạy: “Người thế tục thọ hưởng dục lạc, chẳng phải là người hành đạo, không biết pháp ngăn ngừa, giận dữ còn có thể tha thứ. Người xuất gia học đạo, không còn thọ hưởng dục lạc mà vẫn ôm lòng giận dữ thì không thể được. Thí như trong lúc trời quang mây tạnh mà sấm chớp nổi lên là điều không thể có.” Bởi vì chỉ khi trời chuyển mưa mới có sấm chớp. Nếu có sấm chớp lúc không chuyển mưa, đó là chuyện nghịch lý. Cũng vậy, chuyển mưa là dụ cho thế gian còn tham lam danh lợi. Vì còn tham lam mà không được toại ý nên nổi giận, cái đó còn có thể hiểu được. Còn người tu chúng ta đã dứt bỏ tham lam mà còn nổi sân là chuyện phi lý. Bởi vậy phải chừa tật nóng nảy, dầu mình đúng một trăm phần trăm cũng phải nói nhỏ nhẹ, khuyên răn người ta, chớ không nên nổi nóng. Vì khi mình thốt ra những lời nóng giận là biểu hiện sự thô tháo, thiếu tánh cách hiền hậu, nhu hòa của người tu. Vậy tất cả quí vị khi thấy ai làm việc gì sai quấy, mình phát nổi nóng thì tránh đi chỗ khác, đừng nói, để trong lòng êm dịu rồi dùng lời nhỏ nhẹ, ôn hòa khuyên người ta. Còn đang giận mà nói ra thì tự mình đã mất uy nghi của người tu, lại bị người chê cười sân si, đó là điều không tốt. Mong tất cả quí vị tránh được những lỗi lầm đó để cho trong chúng hoàn toàn thanh tịnh và cũng khỏi nghe tiếng nhơ xấu ở ngoài đồn đại tới tai tôi. Vậy ở trong chúng nếu có vài ba người vô tình hay cố ý làm hoen ố tập thể thì quí vị đó phải dừng lại, đừng nên tái phạm, không tốt. Ðó là lời nhắc nhở của tôi đối với toàn chúng. Bây giờ nói về sự tu hành của chúng. Thật ra hai năm qua, chư Tăng tu hành có những bước tiến đáng mừng. Ðó là sự tiến bộ riêng rẽ của từng người, chớ không phải của toàn tập thể một lượt. Nhưng thật ra, trong năm mươi, ba mươi người mà đã được năm, bảy người tiến thì đó cũng là điều hi hữu đáng mừng. Ngày xưa ở hội Qui Sơn một ngàn năm trăm người, nhưng kiểm lại những vị còn ghi trong sử thì chỉ có năm, mười người ngộ đạo thôi, chớ không phải một ngàn người được đến năm trăm người. Chúng ta ở đây chỉ bốn, năm mươi người, thật quá khiêm nhường, mà đã có được một số người tỉnh táo, sáng suốt hoặc một số người thấy cái chân thật, yên lòng tu hành không thối chuyển thì đó là điều rất đáng khích lệ. Sở dĩ được như vậy, không gì khác hơn là do tâm quyết liệt, liều chết tu, nhất định có kết quả. Tôi thường nói thế từ trước đến nay. Hồi mới bắt đầu tu thiền, tôi cho đây là việc mò kim đáy biển chớ chẳng phải chuyện dễ. Chúng ta thường bị ám ảnh chỉ có những người thượng căn, thượng trí tu thiền mới được, rồi xét lại, tự thấy mình không phải là các bậc ấy, e rằng khó thấy đạo. Ðó là một mặc cảm đáng buồn. Rồi nghe nói đời mạt pháp chỉ tu Tịnh độ chớ tu Thiền không tới đâu, lại thêm một mặc cảm thứ hai. Còn mặc cảm thứ ba là các Tổ thời xưa được trực tiếp truyền thừa, thầy truyền qua trò thì tu mới dễ đạt đạo. Mình không được ai truyền, làm sao mà tu! Mang ba mặc cảm đó tôi thấy rất khổ, không có một chút hi vọng. Nhưng vì tôi quyết tâm, liều chết tu, rõ ràng là có kết quả. Dù kết quả chưa trọn, chưa được viên mãn nhưng tôi thấy đúng như những gì tôi muốn. Bản thân tôi ngày trước ở trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, không thầy, không bạn mà tôi cố gắng làm được. Còn bây giờ toàn chúng ở đây, trên có thầy, dưới có bạn, đồng thời hoàn cảnh rất thuận lợi, nếu tu không được quả là yếu đuối. Ðó là do thiếu sự quyết liệt. Nếu tinh thần quyết liệt thì sự tu hành có kết quả không nghi ngờ. Bằng chứng là qua các vị quyết tâm tu đã cho tôi thấy những kết quả đáng vui mừng đó. Như vậy, mong sao quí vị đã đến đây rồi thì phải tu một cách quyết liệt, đừng để thời giờ quí báu trôi qua mất. Bởi vì hoàn cảnh tốt không thể đến hai lần. Hễ không làm được lần này thì rất khó tìm lại lần thứ hai. Như trường hợp chú B.H, mỗi lần tôi về Thường Chiếu, chú đều đến sám hối để được trở lên đây. Tôi nói: “Ði rồi khó trở lại, tôi không chấp nhận điều đó.” Vậy mà mấy lần tôi về, chú đều đắp y đến sám hối. Vậy quí vị thấy, lỡ lầm rồi muốn trở lại không phải dễ. Ai được tới đây mà tu hành lơ là không đến đâu, một khi lui sụt rồi, muốn trở lại rất khó. Vì vậy, tôi mong rằng trong chúng từ lớn tới nhỏ, đừng nghĩ mình già hay trẻ, mỗi vị đều quyết tâm tu. Như chúng ta đọc quyển Hoa Trôi Trên Sóng Nước, thấy một người phụ nữ lớn tuổi như vậy mà nỗ lực quyết tu cũng được kết quả. Huống chi mình ở đây là nam nhi, ai cũng có ý chí mãnh liệt hết, cứ ráng tu sẽ có kết quả không nghi! Vậy mong toàn chúng nỗ lực tu hành, bỏ qua những chuyện tầm thường. Các việc thế gian mình đã quen tập, bây giờ phải bỏ hết, làm sao vượt qua được những si mê tăm tối, vọng tưởng điên đảo, để tâm mình trong sáng, thấy được và sống được với cái chân thật. Ðây là điều cốt yếu, còn mọi chuyện thế gian chỉ là ảo tưởng, tạm bợ, sẽ tan hoại hết, không có nghĩa gì. Chỉ có cái chân thật mới cứu mình muôn đời. Vậy tất cả phải ráng tu, đừng lơ là. Ðó là lời nhắc nhở của tôi. (*) Một hôm Thiền sư Vân Môn thượng đường, đưa cây gậy lên bảo chúng: “Phàm phu gọi nó là thật, Nhị thừa phân tích nó là không, Duyên giác gọi nó là huyễn có, Bồ-tát thì đương thể tức không, Thiền gia thì thấy cây gậy gọi là cây gậy, đi chỉ đi, ngồi chỉ ngồi, không được động đến.” (Thiền Sư Trung Hoa tập II, HT. Thích Thanh Từ soạn dịch) Mục Lục
|
Phụng Hoàng Sách Tấn Tập 1 (2005)
|
Thỉnh Nguyện Tăng (I)