Thiền Tông Việt Nam
Phụng Hoàng Cảnh Sách Tập 5 (2004)
Câu Chuyện Buổi Chiều (II)

Hỏi: Trước đây khi có vấn đề khó xử, con thường bỏ đó đi ngủ, khi thức dậy tự nhiên có giải đáp. Từ khi con biết ngồi thiền, thấy cũng có vài kết quả tương tợ. Tại sao vậy?

Đáp: Khi có một vấn đề thắc mắc, mình bỏ qua, đi ngồi thiền. Lúc ngồi thiền tâm lặng, trí sáng nên giải quyết vấn đề một cách dễ dàng.

Hỏi: Giải pháp đến sau khi ngồi thiền hay trong khi ngồi thiền?

Đáp: Trong lúc ngồi thiền tâm yên thì thấy được giải pháp.

Người tu thiền như một khạp nước đục, để yên thì lóng trong, khi đục nó tối, khi trong nó sáng. Ngồi thiền lắng tâm mình cũng giống như lắng các cặn bã trong nước. Khi cặn bã lặng rồi tự nhiên nước trong. Nước trong thì những gì bên trên ảnh hiện đầy đủ.

Hỏi: Khi người thân gặp vấn đề khó khăn, chúng ta có thể dùng sức thiền định giúp đỡ họ không?

Đáp: Thật ra, giúp người khác qua thiền định là khi nào sự thiền định của mình có đủ sức mạnh mới có thể được, nếu chưa đủ sức mạnh muốn giúp cũng không được.

Trong nhà Phật có Từ bi quán. Khi mình thương người đó khổ, ngồi thiền rải tâm từ bi cho họ được bình an. Điều này có, nhưng có trong sự quán tưởng của mình chớ không phải là cái thật.

Hỏi: Vậy có giúp được người kia khỏi cảnh khó khăn không?

Đáp: Thực tế ít khi được như ý. Bởi vì trong thực tế, khả năng và sức mạnh thiền định của mình chưa đủ để chuyển được hoàn cảnh của người khác. Do đó, có thể giúp được trong chỗ nhẹ nhàng của nội tâm, chớ không thể chuyển đổi hoàn cảnh.

***

Đi dự Đại hội kỳ này Thầy làm được hai việc. Thật ra, dự Đại hội là phần phụ, còn phần chánh là lên Yên Tử.

Trước khi lên Yên Tử, Thầy đi chùa Lân, còn gọi là chùa Long Động. Ngày xưa, Điều Ngự Giác Hoàng truyền giới Tỳ-kheo và Bồ-tát cho ngài Pháp Loa tại chùa này. Hồi trước đường lên Yên tử khó đi hơn bây giờ. Ban đầu Thầy còn đi thong thả, dần dần leo hết nổi, đến mấy dốc cao đứng quá, có người đứng trên đưa tay xuống kéo, hai người ở dưới đẩy lên, vậy mới leo được. Thầy như thế, Nhật Quang cũng không kém gì. Lên tới am Vân Tiêu Thầy dừng lại nghỉ. Cứ đi mười lăm phút phải nghỉ, từ Hoa Yên lên Vân Tiêu chừng nửa cây số, đi từ sáu giờ đến chín giờ mới tới. Lần trước, Thầy chỉ mới tới Hoa Yên, vì hồi đó xe đỗ rất xa, lội bộ lên tới chùa Hoa Yên trời đã xế chiều, phải trở ra xe liền vì không có chỗ ở lại, nên không kịp lên chùa Đồng.

Kỳ này Thầy quyết định lên tới nơi. Tại sao vậy? Ngày trước khi học sử đức Phật, Thầy chỉ biết đại khái qua kinh sách, về sau Thầy muốn biết những chỗ sanh hoạt của đức Phật, Ngài thành đạo ở đâu, truyền bá vùng nào, có thật hay không? Thầy phải đi tới tận nơi thấy tận chỗ. Thầy đi Ấn Độ đến Bồ-đề Đạo Tràng, tới mấy chỗ quan trọng đức Phật giáo hoá. Biết đức Phật là một con người có thật, biết nơi chốn Ngài sanh hoạt Thầy mới yên lòng. Bây giờ chúng ta khôi phục lại Thiền tông đời Trần, vua Trần Nhân Tông, về lịch sử Thầy biết đại khái, còn chỗ Ngài sanh hoạt Thầy chưa nắm vững, nên phải lên tận chỗ các Ngài sanh hoạt.

 Cả đoàn đi khoảng vài trăm người, tối ngủ lại. Quí Thầy tổ chức tụng sám hối sáu căn. Trước khi sám hối Thầy phải giảng một chút, rồi nhờ Nhật Quang nói thế. Nghỉ ngơi đến sáng, đoàn tiếp tục leo núi. Các dốc đứng vừa cao vừa trơn trợt, một mình làm sao leo nổi, Thầy nhờ có trợ lực mới lên tới chùa Đồng. Tới nơi ngồi nói chuyện một chút rồi trở xuống. Khi lên thì rất nặng nề, khi về Thầy bước xuống thật nhanh, đến một lúc hai chân hết làm chủ được, nên phải có hai người kè. Vậy mà cũng vấp một hai lần. Tới Hoa Yên nghỉ một chút rồi xuống luôn. Thầy giở chân không muốn lên, cựa quậy không được, cả người rã rời.

Kỳ này, chùa Thông Giác có trở ngại nên Thầy không lại đó. Phật tử mời Thầy ở khách sạn. Thầy trò ở lại hai ngày hai đêm, đến ngày về họ không tính tiền. Bà Giám đốc và bà Phó giám đốc còn theo Thầy ra Yên Tử. Hôm Thầy giảng ở trường Khoa Học Kỹ Thuật, bữa đầu khoảng bảy trăm người đến nghe, bữa kế tám trăm người, bữa sau một ngàn người. Còn qui y hơn bốn trăm người, giảng tất cả bốn buổi, đó là công tác của Thầy.

Trong buổi giảng, có một người nêu câu hỏi về việc sắp ra đời của Phật Di-lặc. Thầy trả lời:

- Sau khi đức Phật Thích-ca nhập Niết-bàn, thế gian trải qua ba thời: chánh pháp, tượng pháp và mạt pháp. Qua hết thời mạt pháp người ta không còn tin Tam Bảo nữa, không còn biết Phật là gì, chừng đó đức Phật Di-lặc mới ra đời. Không thể có hai đức Phật đồng thời giáo hoá, vì giáo lý của đức Phật kia và đức Phật này không hai không khác, nếu dạy y cái cũ là trùng lặp, còn nói khác tức là tà. Nên hai đức Phật không thể ra đời cùng lúc. Người ta cứ nói Phật Di-lặc sắp ra đời mà không hiểu giáo lý đức Phật Thích-ca hiện tại vẫn đang còn phổ biến.

***

Bây giờ Thầy kể cho tụi con nghe về những cái ngu của Thầy thuở xưa. Hồi xưa Thầy còn làm Quản viện ở Phật học viện Huệ Nghiêm, Thầy có mấy cái ngu, sau lên núi rồi mới biết.

Cái ngu thứ nhất là trong chúng có những người mắc kẹt một vài tật, thí dụ như tham ăn..., rầy một, hai, ba lần không bỏ, Thầy hơi bực. Mỗi người mỗi tật rầy không được, nhiều khi giận và phiền não họ, đó là cái ngu thứ nhất.

Cái ngu thứ hai là Thầy lo cho mấy chú đi học Bồ-đề có xe cộ đưa đến trường đàng hoàng, vậy mà có nhiều chú không đi học, lại bỏ đi chơi. Thầy biết chuyện giận thôi là giận, càng giận thấy càng ngu.

Cái ngu thứ ba là mình hết lòng hướng dẫn cho họ tu, nhưng vẫn có người rũ áo ra đời, Thầy tức giận.

Và cái ngu thứ tư là khi thấy những điều hay tốt, Thầy khuyên học chúng làm mà họ không chịu làm, Thầy cũng giận.

Khi lên ở Pháp Lạc thất nhập thất tu, Thầy nhớ lại mấy chuyện đó mới thấy mình ngu.

Thứ nhất là người có tật xấu, mình rầy hoài họ không bỏ vì đó là thói quen, tập khí của họ. Họ nghe rầy, biết xấu nhưng không sửa được, thương không hết giận làm gì! Tụi con nhớ mình giận là ngu. Những tật xấu trong chúng chẳng qua là do tập khí. Khi người ta có lỗi, bị rầy cũng biết xấu, vậy mà bỏ không được là vì tập khí sâu dày. Biết vậy nên thương chớ không giận. Bây giờ mới biết mình giận là ngu.

Thứ hai là cho đi học trường Bồ-đề đàng hoàng, có xe đưa đón mà không vô trường học lại bỏ đi chơi. Thầy biết được, nhiều khi giận muốn run, sau này Thầy biết đó là cái ngu của mình. Mình cứ làm tròn bổn phận của người lớn lo cho người sau, nếu họ không biết lo thì mình nhắc, nhắc họ không nghe là chuyện của họ. Nếu chịu học thì họ giỏi, mai kia có lợi, còn nếu không chịu học sau sẽ bị thiệt thòi. Đó là chuyện của họ, bổn phận mình làm tròn rồi thôi, có gì đâu mà giận, giận là ngu.

Thứ ba là đối với những người tu mình lo lắng, muốn cho họ mai sau làm rường cột Phật pháp, vậy mà tu nửa chừng họ cởi áo ra đời, Thầy giận. Sau này Thầy mới thấy đó là ngu. Tu được hay không là chuyện của họ, mình đâu có bắt họ tu cho mình, họ cũng đâu có cam kết với mình là sẽ tu suốt đời. Khi họ muốn tu thì mình ráng lo, bây giờ không muốn tu nữa là quyền của họ, tại sao mình giận? Mình giận là ngu.

Thứ tư là Thầy khuyên học chúng ráng tập theo những điều hay tốt mà họ không chịu làm, Thầy giận. Nếu họ không làm những điều tốt đó thì họ thiệt, mình đâu có thiệt thòi gì, giận chi cho khổ. Như vậy là đeo mang việc của người, tức là ngu, phải không?

Thế gian có những cái tức cười, nhiệt tình chừng nào sân nhiều chừng ấy. Bây giờ Thầy cũng lo cho chúng, thương nên rầy la nhắc nhở nhưng Thầy không giận nữa. Hồi xưa lo mà giận là ngu, bây giờ Thầy biết rồi, cũng lo mà không giận. Như vậy tụi con nhớ, khi nào thương và giúp đỡ người, nếu người đó không làm được những điều tốt đẹp, đúng như ý mình muốn thì thôi, đó là chuyện của họ. Nếu mình giận là ngu. Chúng ta ráng làm tròn bổn phận của mình, còn trên đời này có nhiều người phức tạp lắm, chính Thầy nhiều khi cũng rất ngại tập khí con người.

Khi học pháp, ai cũng biết điều hay điều dở, tới chừng gặp việc tập khí vẫn y nguyên không bớt. Như tất cả tụi con đều biết nổi giận la lối là xấu, vậy mà gặp điều trái ý cũng nổi giận đùng đùng. Đó là tập khí nhiều đời. Cho nên tụi con biết tu, có tiến bộ, thấy được đạo, nhưng còn tập khí nhiều đời phải chuyên cần cố gắng bỏ. Không nên theo thói quen của mình, cần phải miên mật tu thời gian dài mới thắng được nó.

Thật ra, tụi con thấy có nhiều Giảng sư nói thao thao bất tuyệt, đến khi gặp duyên vẫn bị rớt như thường. Nói thì đơn giản, tới lúc hành mới khó. Bởi vậy, nhiều khi tụi con có những tập khí nặng, Thầy buộc lòng phải xử phạt. Xử phạt đó là cạo gọt tập khí của tụi con, chớ không phải để làm khổ, làm phiền não chướng ngại sự tu hành. Tập khí tụi con tự bỏ không được, buộc lòng Thầy phải kềm chế, tìm cách gọt giũa cho mau sạch. Cho nên người tu phải ở trong chúng, được thầy lành bạn tốt chỉ dạy, đó là có phước số một. Còn ra cất thất ở riêng, không có ai khuyên nhắc để sửa chữa, tập khí rốt cuộc vẫn còn y nguyên.

Ở đây, tụi con gắng học theo những lời Phật Tổ dạy, thấy được chỗ dở của mình để sửa, nghe lời chỉ bảo nhắc nhở của người lớn và huynh đệ sống chung. Có người lớn tuổi, học được chút ít mà không chịu giũa mài, sau ra làm thầy thiên hạ tập khí còn y nguyên, rồi cũng tham, sân... như người thế gian. Bởi vậy, tất cả phải ráng tu tiến, khắc phục bản thân mình, sau ra làm Phật sự không bị chê cười. Tụi con ở đây coi như bị giam lỏng, tu chừng nào thấy khả dĩ được thì Thầy cho ra làm Phật sự.

***

Hồi sáng có ông nhà nước tới thăm. Theo ông, học chỉ là mở mang kiến thức, nếu người tu chỉ có học thì không phải là người tu. Như vậy, bên cạnh sự học cần có tu. Học rồi phải tu cho có hiệu quả, ra làm Phật sự mới không bị trở ngại. Đừng nghĩ phải đi học cho có bằng cấp này bằng cấp nọ rồi không chịu điều phục mình, tập khí vẫn còn nguyên, có ích gì cho đời tu?

Những lời Phật dạy, chúng ta hiểu, ứng dụng tu rồi mới thấy vô cùng thâm sâu. Vậy nên tụi con phải ráng, đừng để giống như đài phát thanh hay cuộn băng nhựa, thâu bao nhiêu phát ra bấy nhiêu, không có hồn gì cả. Khi tu thấy như nhọc nhằn, tập khí lâu đời phải cạo gọt cho sạch, trâu đen thành trâu trắng, nói được những lời từ Vô sư trí, lúc ấy đem ra sử dụng mới tốt.

- Thưa Thầy, kinh Bát-nhã nói: “vô trí diệc vô đắc”, trí đó là Bát-nhã ba-la-mật, sao lại nói là không trí không đắc?

Tinh thần Bát-nhã là phủ nhận tất cả, không có Tứ đế, không có Thập nhị nhân duyên, rồi cuối cùng không chứng cũng không đắc. Tứ đế là Thanh văn, Thập nhị nhân duyên là Duyên giác, trí đắc là Bồ-tát. Địa vị Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát đều còn trong đối đãi nên phủ nhận hết để đưa tới cứu kính Niết-bàn. Sau đó dùng trí lực độ chúng sanh. Đây là trí căn bản, sẵn có nơi mình, chớ không phải trí thức học ở ngoài. Căn bản trí còn gọi là Vô sư trí.

***

Có một cô Mỹ hỏi Thầy mười câu hỏi, nay Thầy nhớ câu nào kể lại câu đó cho tụi con nghe.

Hỏi: Sự liên quan giữa con người với vũ trụ như thế nào?

Thầy trả lời: Rất là mật thiết!

Hỏi: Đạo Phật chủ trương từ bi. Nay mình ngồi trong nhà còn thiên hạ đau khổ ở ngoài, sao gọi từ bi được?

Thầy đáp: Tất cả đều là duyên nghiệp. Chính mỗi người tự chọn lấy nghiệp riêng của mình. Dù thương cũng khó cứu được, chỉ cố gắng tu, đem đạo lý dạy họ chuyển nghiệp.

Hỏi: Người thân của mình làm những điều xấu ác, mình có nên giận hay không?

Đáp: Không nên giận. Tại sao vậy? Ví dụ có người thân của mình đang đứng bên vực thẳm, sắp rớt xuống vực, lúc đó mình nên giận hay nên thương?

- Dạ, thương.

- Phải, vì nếu họ làm lành sẽ được đi chỗ tốt, nay họ làm điều xấu ác, sắp rớt xuống vực thẳm thì rất đáng thương, đâu nên giận. Trong cuộc sống, nếu có ai lầm lỗi, chúng ta nên thương xót hơn là phiền trách họ. Vì ngu mê không biết đúng sai, nên mới gây tạo nghiệp xấu dở như vậy.

Hỏi: Đạo Phật dạy từ bi và cũng dạy phản quan tự kỷ. Phản quan tự kỷ là xoay lại mình, không lo cho người ở ngoài, mà không lo cho người thì không có từ bi. Như vậy có mâu thuẫn không?

Đáp: Điều này không mâu thuẫn. Vì sao? Bằng chứng như Tăng Ni ở đây tu, trước phải phản quan soi sáng lại mình, biết cái gì xấu dở để chừa bỏ. Khi dẹp bỏ hết cái xấu dở rồi, Bản tâm trong sáng, lúc ấy mới ra làm Phật sự giúp người. Nếu không dẹp hết những cái xấu dở đó, khi ra làm sẽ bị mắc kẹt ở danh lợi. Vì vậy, trước phải phản quan tự kỷ rồi sau mới từ bi, có hệ thống chớ không phải mâu thuẫn.

Hỏi: Trên thế giới này có nên đi tu hết không?

Đáp: Trên thế giới chỉ có một ít đi tu thôi. Tại sao vậy? Vì đi tu là việc làm rất khó, đòi hỏi quyết tâm nhiều, hi sinh lớn.

Ở đây tụi con có quyết tâm, có hi sinh không? Lâu lâu có cãi nhau không? Khi nào người ta làm việc nhẹ, mình làm việc nặng, bực bội không? Nếu bực bội thì đâu có hi sinh. Còn tới giờ toạ thiền có rề rà chầm chậm không? Nếu có là không quyết tâm.

Hỏi: Trên đường tu của quí Thầy Cô có điều gì khó nhất?

Đáp: Thông thường, người ta nói bỏ nóng giận là khó, trừ tham lam là khó. Còn Thầy nói trên đường tu, điều khó nhất là Phật dạy lẽ chân thật, biết rõ mà sống không được. Thí dụ Phật dạy thân này là vô thường, bất tịnh; biết rõ vô thường bất tịnh mà ai chê xấu thì buồn, nghe nói chết liền sợ. Lẽ ra biết nó bất tịnh thì cứ mặc người chê, có gì quan trọng. Tại sao người ta chê chịu không nổi? Vì biết rõ mà không sống được. Phật lại dạy tâm vọng tưởng là hư dối, bỏ cái hư dối đó được Tâm chân thật, vậy mà khó ai bỏ được. Phật dạy thì tin nhưng làm không nổi, đó là cái khó.

Hỏi: Đạo Phật dạy đừng dính mắc, vậy dính mắc là trúng hay sai?

Đáp: Câu hỏi này còn tùy trường hợp. Nếu nói thuần trong đạo, đối với người tu thì không dính mắc là đúng, còn đối với người thế gian vẫn cho dính mắc miễn là hợp lý. Thí như người làm ruộng thì cho họ được tham là cầu mong trúng mùa. Cầu trúng mùa là tham, là dính mắc, nhưng hợp lý vì họ còn phải nuôi sống gia đình, đóng góp cho xã hội. Các ngành khác cũng vậy. Tham hợp lý thì được, nhưng đừng quá tham rồi lo gom góp, vơ vét của người là không được.

Tụi con thấy, chúng ta phải khéo dạy sao cho người ta hành được, không nên khẳng định không cho dính mắc, như vậy sẽ gây trở ngại cho sanh hoạt thế gian.

Hỏi: Bạch Thầy, con tập toạ thiền là có điên rồ không?

Đáp: Con ở ngoài thế gian mà đến xin toạ thiền là sáng suốt chớ không điên rồ. Tại sao Thầy nói là sáng suốt? Bởi vì ở thế gian bao nhiêu điều phiền hà lôi kéo, tâm con rối loạn, giờ vào đây toạ thiền để tâm lóng lặng, tâm lặng thì trí sáng. Đó là sáng suốt chớ không phải điên rồ, con đừng sợ.

Hỏi: Bạch Thầy, đôi khi ngồi thiền con có cảm giác như bay bổng, đến khi nói chuyện với người thì cảm giác đó không còn nữa, vậy là sao?

Đáp: Trong nhà Phật dạy mình khi toạ thiền thấy như bay bổng là ảo giác không thật. Nên nếu có thấy rồi một lúc cũng hết.

***

Năm rồi Thầy dạy tụi con giữ lục hoà, năm nay Thầy giao tụi con phải mở sáng con mắt trí tuệ. Lục hoà là phương pháp để sống cho an ổn. Nhờ an ổn, trí tuệ mình sáng lên, rồi mới thực hiện lòng từ bi.

Ai cũng nghĩ từ bi là cho cơm cho áo, sự thật từ bi không phải mục đích đó. Từ bi là làm sao tự mình biết có cái thật, rồi chỉ cho người cùng biết, cứu người ta thoát khổ muôn đời. Nếu chúng ta cho người cơm áo, họ bớt khổ trong đời này nhưng vẫn cứ mê muội, tiếp tục tạo nghiệp, khi hết thân này tới thân khác họ cũng khổ nữa. Còn nếu mình chỉ cho họ biết người nào cũng có Tánh giác, tánh Phật sẵn, nếu khéo tu sẽ trở về Bản tánh sẵn có thì thoát được khổ luân hồi.

Trong kinh Phật dạy: Cái khổ bị thiêu đốt ở địa ngục chưa phải là khổ, cái khổ làm ngạ quỉ đói khát cũng chưa phải là khổ, cái khổ làm lạc đà hay trâu ngựa kéo xe, bị đánh đập chưa phải là khổ, chỉ có chúng sanh mê muội không biết đường đi mới khổ, vì đó là khổ muôn đời. Khổ trong địa ngục rồi cũng có ngày ra, làm thân trâu ngựa còn có kỳ chấm dứt, chỉ có cái mê muội không biết bao giờ mới hết.

Đức Phật mong cho chúng sanh hết mê muội nên chỉ cho biết lẽ thật. Thấy được lẽ thật là giác, giác tức sáng suốt hết mê muội, đó là gốc của sự tu. Bởi vậy trọng tâm của đạo Phật là giác ngộ, tự giác cho mình rồi giác tha, đó là từ bi. Không phải làm từ thiện lo cơm lo áo mới là từ bi. Đó là phụ, bố thí tài không quí bằng bố thí pháp. Bố thí tài chỉ giúp người đỡ khổ một lúc, còn thí pháp giúp người vĩnh viễn thoát khổ tử sanh.

Ý nghĩa tu hành là như vậy đó, nên năm nay tụi con phải mở sáng con mắt trí tuệ nghen! Đứa nào mở mắt được lại trình cho Thầy mừng.

***

Chúng sanh chấp mình là thật, thân thật và tâm thật. Chấp thân này là thật, nên khi những nhu cầu vật chất mình có quyền hưởng mà ai đoạt mất thì tức tối nổi sân. Lúc nổi sân có ngầm si và tham trong đó. Do si nên ngỡ thân này thật, từ si sanh ra tham.

Kế đó là si mê về tâm. Khi tụi con nghĩ, liền cho là tôi nghĩ, tôi tính, nhưng cái nghĩ đó có phải thật tôi không? Nếu thật tôi thì lúc nào cũng phải hiện tiền, phải có mặt. Thế nhưng cái nghĩ khi thế này, lúc thế nọ, có ai bảo đảm cái nghĩ của mình luôn đúng một trăm phần trăm không? Không đúng một trăm phần trăm mà người khác cãi là chúng ta giận. Đó mới là cái vô lý!

Có khi mình nghĩ, ba hoặc năm năm nữa mình sẽ làm cái này cái nọ, ai dè tới lúc đó chết mất. Đừng nói chi xa, thí dụ quí Phật tử ở thành phố, nghĩ mình lên Trúc Lâm sẽ gặp người này hoặc làm việc kia. Đến lúc lên đây hoàn cảnh thay đổi, mọi việc không còn như mình nghĩ, vậy mà ai cãi lại là mình giận. Như vậy chấp vào cái gì mà giận? - Vì cho cái nghĩ là thật tâm mình. Điều không thật lại cho là thật, đó là si mê. Từ si mê nên bảo thủ, ai nghĩ khác mình nổi sân lên rồi tranh đấu.

Như vậy, nếu không chấp thân này là thật và không chấp cái suy nghĩ là thật thì còn gì để hơn thua hay giành giật, phiền não với nhau? Người muốn giải thoát phải nhận chân lẽ thật là thân này tạm bợ, vọng tưởng hư dối để đi sâu vào cái chân thật. Si mê là chấp hai cái giả đó cho là mình. Tụi con ở đây tu khá rồi mà còn chấp hai cái tạm bợ đó không? Tu khó giải thoát là ở chỗ đó. Tụi con thấy thân này hết sức mong manh, đang khỏe mạnh bất thần đứt mạch máu ngã ra chết. Đức Phật dạy thân là duyên hợp, lâu ngày cũng sẽ tan hoại, không có gì bền vững. Một cái không bảo đảm, không thật vậy mà cứ chấp chặt một trăm phần trăm, hễ thứ gì thuộc về mình thì cố giữ gìn, ai động tới là nổi sân.

Cái suy nghĩ cũng vậy, tốt xấu, đúng sai đủ thứ, thế nhưng vẫn chấp cái nghĩ của mình là đúng, ai nghĩ khác nổi giận. Nếu hai cái đó tụi con không chấp thì đâu còn phiền não. Tu dễ ợt chớ đâu có khó! Chỉ vì mình cố chấp nên mới khổ. Lẽ thật là như vậy. Tụi con không cần nói lý gì cao xa, chỉ nhớ thân này không thật, suy nghĩ này không thật. Nhớ luôn luôn như vậy, tụi con dụng công ít mà kết quả nhiều, còn nếu cứ chấp thân tâm thật, dù cố gắng ngồi thiền đêm này qua đêm kia cũng không đi tới đâu, xả thiền ra vẫn sân si như thường.

Vậy nên phải biết nắm vững trọng tâm sự tu ở chỗ nào. Chúng ta ngồi thiền để thấy thân và tâm không thật, phá tan cái chấp lầm muôn thuở. Chấp thân nhẹ hơn chấp tâm. Vì thấy thân vô thường dễ thức tỉnh, còn tâm nhỏ nhiệm khó nhận nên khó phá.

Sống trong huynh đệ, khi qua lại với nhau, có điều gì dù hợp lý hay không hợp lý cũng luôn luôn nhớ thân này giả tạm không thật thì không còn hơn thua. Biết suy nghĩ không thật thì đâu cần cãi cho ra lẽ. Lẽ phải cũng không thật, càng cãi càng thấy ngu si. Vậy đó mà khi ai nói trái ý cứ ngồi giãi bày, muốn cho mình đúng hơn người ta. Tụi con phải nhớ vọng tưởng không có gì đúng cả, chỉ do chấp mà sanh chuyện.

***

Có nhiều Phật tử tại gia cứ nghĩ mình tu ở nhà khó tiến, phải xuất gia tu mới tiến. Nay quí Thầy nói cho Phật tử hiểu rõ. Phàm cái gì quá thừa thì thành dở. Nếu xuất gia lúc còn khỏe, còn trẻ, đủ sức học hành, toạ thiền tụng kinh... theo kịp mọi thời khoá, mọi công tác, sau nhiều năm dài đầu tư, đủ sức để đi truyền bá. Được như vậy, người tu là một của báu, nên gọi là “Tăng bảo”. Còn già rồi đi tu, vô chùa không có con cháu, không ai làm Thị giả, đến lúc bệnh ai lo? Nuôi một người già có nhiều vấn đề. Người già đau hoài, cần có thuốc men, đi không vững phải có người đỡ đần, ăn chung với chúng không nổi phải ăn riêng... Như thế người già vô chùa tu vô tình là một gánh nặng trong đạo, không khéo dễ bị tổn phước.

Vì vậy đối với quí Phật tử lớn tuổi, khuyên rằng nên ở nhà tu, tạo điều kiện tốt, đơn giản, việc ăn ở gọn lại, đừng phiền hà ai, rảnh bao nhiêu tu bấy nhiêu, có dư dả thì cúng dường thêm. Như vậy là có phước nhiều rồi. Còn mình muốn vô chùa tu cho tiến, vô tình lại là gánh nặng của chùa mà không có lợi gì, quí Phật tử phải hiểu điều đó.

Còn một vấn đề nữa, lâu nay quí Phật tử thường nghĩ người tu phải làm lợi ích chúng sanh, mà sao quí Thầy Cô ở đây tu cứ im lặng trong Thiền viện năm bảy năm, không làm gì cho ai cả, vậy có ích kỷ không? Thầy sẽ giải thích cho quí Phật tử hiểu.

Ở ngoài đời, một đứa học trò nếu muốn ngày mai làm lợi ích cho xã hội, có khả năng dựng xây đất nước thì phải dồn sức học ít ra cũng hơn mười năm. Học rồi ra trường mới làm được việc này việc nọ. Trong thời gian này nó chăm chỉ học, không làm gì cho ai cả. Đó có phải tiêu cực không? Đâu có tiêu cực, nó chăm chỉ học cho giỏi, sau ra giúp xã hội, đất nước hữu hiệu hơn.

Ở đây cũng vậy, chư Tăng chư Ni còn trẻ, có học, ham tu, quí Thầy cho vào đây chuyên tu năm mười năm. Trong thời gian chuyên tu phải dồn hết tâm lực cố gắng tu cho tiến bộ đáng kể, tới chừng Thầy theo Phật mới có thể mở mang nơi này nơi kia. Còn mấy người mới tu hai ba năm đẩy ra làm việc, rốt cuộc vì cái dở của họ chưa bỏ được mà đã lo giáo hoá người, lâu ngày cũng thành một nhóm anh em dở với nhau.

Ở đây Thầy chủ trương phải tu cho chín chắn, đáng tin cậy, sau ra làm Phật sự mới đem lại lợi ích cho đạo, cho Phật tử nhiều hơn. Tu như vậy không phải là tiêu cực. Nói thế cho quí vị hiểu tại sao ở đây Thầy khó khăn, không cho quí Thầy Cô ra khỏi nội viện. Ở trong này tu trong mọi công việc, giả sử đang nấu bếp cũng tu, cuốc đất cũng tu, không được nói chuyện ồn ào. Không phải tới giờ ngồi thiền lặng lẽ mới tu. Mỗi khi phóng ý chạy theo ngoại cảnh đều phải buông xả, đó là tu. Dù làm việc gì trong phạm vi này đều là tu hết. Như vậy cả ngày tu chớ không phải hai ba buổi ngồi thiền mới tu. Đó là chủ trương tu hành của Thầy ở Thiền viện này.

Mục Lục