Thiền Tông Việt Nam
Phụng Hoàng Cảnh Sách Tập 5 (2004)
Thỉnh Nguyện Ni (II)

Ngày 27-12 Bính Tý (4-2-1997)

Trong Thiền viện chúng ta trên dưới năm mươi người, so với các nơi cũng không phải là số nhỏ nên việc điều hành chúng tất nhiên không dễ dàng. Vì thế Thầy giao cho tất cả tụi con một trách nhiệm nặng nề.

Tất cả chúng hiện nay từ các nơi qui về, sự huân tập có nhiều sai biệt. Tụi con đến đây để cùng nhau tu hành, nhất là sống theo nề nếp lục hoà do Thầy vạch ra, đương nhiên trong chúng sẽ có những điểm không đồng với nhau. Không đồng tất có phiền hà, chỗ này vui chỗ kia buồn, người này hờn người kia trách, không thể nào tránh khỏi. Nhưng tất cả tụi con, từ ban Lãnh chúng đến toàn chúng phải thấy trách nhiệm của mình là làm sao giúp cho huynh đệ yên ổn tu hành, đạt được kết quả.

 Bao nhiêu năm rồi tụi con tu kết quả không được là bao, giờ đây đến Thiền viện Trúc Lâm này muốn thực hành cho có kết quả. Như vậy trong lúc quyết tâm tu tụi con phải làm sao cho mọi người trên dưới đều an ổn để cùng tu với nhau, đó là lợi ích lớn. Lợi ích này không riêng cho một người nào mà chung cho toàn chúng. Muốn vậy tụi con phải chung lo góp sức, kẻ việc này, người việc nọ. Ai lãnh trách nhiệm gì ráng làm cho chu đáo. Đó là điều rất thiết yếu.

Tụi con nên nhớ hai điều:

Điều thứ nhất là thông cảm nhau. Vì tất cả tụi con tuy cùng chung lý tưởng, sở nguyện, nhưng ý tứ riêng tư, tâm hành sai biệt. Những sai biệt đó, nếu tụi con không cảm thông được, sẽ khó dung hoà chung hợp với nhau. Sống chung trong Thiền viện như thế này, mỗi người phải tự xét lại, mình có những điều dở, huynh đệ cũng có điều dở, người này có điểm hay, người khác cũng có điểm hay, nên tụi con thấy cái gì đúng thì học tập, cái gì sai khuyên nhắc nhau, khuyên rồi bỏ qua không để lòng.

Tâm niệm chúng ta rất dễ dính mắc, hễ buồn giận thì dính mắc lâu, làm cho mình nghĩ không tốt về người này người nọ. Tụi con tập, thấy ai sai nhắc rồi bỏ qua, không hờn không trách, nhất là đừng nhắc tới nhắc lui gây phiền hà cho mình và cho người chung quanh. Người được nhắc cũng nên ý thức rằng mình chưa là Thánh, nên khi có lỗi được người lớn hoặc người nhỏ thấy nhắc, mình phải ráng sửa, không nên buồn giận.

Khi tụi con khởi niệm buồn phiền là tự mình làm chướng ngại đường tu, cũng làm chướng ngại cho huynh đệ. Vì khi buồn nhau thì gặp mặt không vui, cử chỉ không đẹp, sanh ra phiền não lủng củng với nhau. Vì vậy Thầy nhắc tụi con, sống phải biết bao dung, cảm thông nhau. Đừng bao giờ nghĩ mình đúng, người ta sai; đừng cho rằng cái đúng của mình là tuyệt đối, cái sai của người cũng tuyệt đối. Được như vậy sống chung với nhau mới lâu bền, sự tu không bị trở ngại.

Thứ hai là tha thứ cho nhau. Tụi con thấy không ai tránh khỏi lỗi lầm, từ người nhỏ đến người lớn. Thỉnh thoảng mình cũng có sơ sót hoặc vô tình hay cố ý. Nên khi có sơ sót tụi con nhắc nhở cho nhau, nhắc rồi bỏ qua, đó là cảm thông, là tha thứ. Đừng gút mắc hay chất chứa trong lòng. Được vậy dù người lãnh đạo ở vai trò chịu trách nhiệm với chúng cũng không phiền hà, sự tu hành không trở ngại.

Chúng cũng thế, khi được nhắc, mình phải vui vẻ làm trách nhiệm của mình. Lúc người lớn có sai sót mình bỏ qua, vì không ai là Thánh, chỉ là người phàm đang tu với nhau. Người có trách nhiệm gọi là người lớn, không có trách nhiệm gọi là người nhỏ. Tất cả đều đang tu chớ chưa ai xong việc.

Tóm lại, hai điều Thầy dạy tụi con là phải sống làm sao trên dưới đều cảm thông nhau. Người lớn la rầy người nhỏ thì người nhỏ cảm thông đó là vì trách nhiệm mà rầy chớ không thù ghét gì, nên không buồn phiền, trách cứ. Cũng vậy, người lớn có bổn phận nhắc nhở người nhỏ, thấy điều gì sai quấy thì rầy, biết rằng người đó vì chưa hiểu hoặc chưa thấu đáo được vấn đề nên có những sai sót, rầy rồi bỏ qua, thông cảm, tha thứ nhau.

Được như vậy, tụi con sống trong Thiền viện ngày càng tốt đẹp, sự tu hành càng tiến, chẳng những lợi cho tụi con mà còn cho huynh đệ, đồng thời cũng lợi ích cho tất cả Phật tử đang hướng về mình. Khi Phật tử đến các Thiền viện thấy không khí vui tươi chan hoà, trên dưới yêu thương, giúp đỡ nhau tiến tu, người ta sẽ phát tâm, đó là cơ duyên tốt. Tuy tụi con chưa đi hoá đạo mà đã cảm hoá được người rồi, lại còn giữ tròn trách nhiệm là một thành viên mẫu mực. Đó là tụi con đóng góp cho đạo, làm nền tảng cho Phật pháp được lâu dài.

Thật tình Thầy rất lo không biết ngày mai Phật pháp ra sao? Người tu của mình quá hời hợt, bê tha, nên Phật tử buồn trách, than thở. Ở đây Thầy cố gắng tạo điều kiện thuận lợi để tụi con tu, ráng giữ nề nếp, tập có đức hạnh. Ngày sau tụi con làm chỗ trông cậy, tin tưởng của Phật tử, là mục tiêu cho Phật tử hướng đến để họ không chán nản, đó là mình duy trì được Phật pháp.

Vậy nên Thầy mong tất cả tụi con từ trên xuống dưới đều đầy đủ tâm từ bi, hỉ xả. Sống trong đạo, tụi con luôn luôn đem lại niềm hoà kính, tin vui cho nhau, cùng nhau sách tiến tu hành, đạt được kết quả như nguyện. Đó là chỗ mong mỏi của Thầy.

Ngày 28-1 Đinh Sửu (6-3-1997)

Đây là buổi thỉnh nguyện đầu năm, những người có lỗi tự xét thấy thành tâm sám hối, đó là điều tốt. Tất cả lỗi lầm mình ráng sám hối cho tiêu trừ thì trên đường tu không bị chướng ngại. Đó là bước đi lên của người quyết chí tu hành. Tụi con đừng nghĩ mình có lỗi là xấu. Có lỗi mà giấu giếm mới xấu, còn có lỗi biết nhìn nhận và khi được chỉ lỗi không buồn, không trách, biết sửa đổi là càng hay càng tiến. Đó là nhắc tụi con phần thỉnh nguyện.

Bây giờ Thầy nhắc chung việc tu hành. Năm này là năm Đinh Sửu mà Thầy lại nói chuyện con rắn. Thầy thường nhắc Phật tử ráng tu để đuổi mấy con rắn ra. Bữa nay Thầy nhắc cho tụi con luôn.

Trong kinh Di Giáo, Phật dạy các ông Tỳ-kheo: Trong thất các ông có rắn độc, nếu không đuổi ra, các ông có ngủ yên được không? Nếu muốn ngủ yên phải đuổi rắn ra. Rắn độc đó là tam độc tham, sân, si. Rắn sân Thầy đặt là rắn hổ lửa, rắn tham là hổ mây, còn si là rắn hổ đất. Rắn hổ đất ở trong hang, rắn hổ mây ở trên cây, còn rắn hổ lửa rất hung dữ.

Nếu ba con rắn độc đó đang bò loanh quanh trong thất, tụi con có yên tâm nằm ngủ hoặc nằm chơi không? Chắc chắn không bao giờ yên, cứ hồi hộp, lo sợ nhìn chừng nó hoài. Hiện tại nơi nội tâm tụi con có ba con rắn đó hay đã đuổi ra hết rồi? Con nào mạnh nhất? Kiểm tra lại con nào cũng có mặt cả! Ngày nào giờ nào còn ba con rắn độc ẩn náu trong nhà mình là còn bất an. Tụi con muốn an ổn, cầu Phật gia hộ và chư Tăng chư Ni giúp cho mình được an, mà ba con rắn chưa đuổi ra thì có thể an không? Không bao giờ an được!

Như vậy việc tu của chúng ta là phải thấy tai hoạ đang chờ chực, đó là ba con rắn độc đang rình mình. Nếu muốn tu tiến, muốn được thảnh thơi, phải đuổi ba con rắn độc đó ra. Khi nào đuổi ra hết rồi mới thật an vui, nếu còn một con cũng chưa yên. Vậy tụi con kiểm lại cho chín chắn coi, có đứa nào đuổi ba con rắn ra hết không? Chưa có ai cả! Đứa nào cũng còn nuôi! Như vậy tụi con khó được bình an, phải không? Thí như chị em đang nói chuyện vui, có người nào xen vào một câu trái ý thì sao? Có nổi giận nói bậy rồi mai mốt đi sám hối không?

Ba con rắn luôn chực sẵn nên muốn tu cho an ổn phải đuổi rắn ra khỏi nhà. Với các Phật tử, Thầy khuyên họ năm nay đuổi con rắn hổ lửa ra trước, còn hai con rắn kia để dành năm tới đuổi nữa. Thầy hỏi Phật tử có dám hứa với Thầy không? Đa số đều hứa. Còn tụi con dám hứa không? Trong năm này chỉ đuổi một con thôi.

Người ta hỏi Thầy làm sao đuổi nó ra? Họ đồng ý đuổi, nhưng muốn biết làm thế nào để đuổi. Đối với Phật tử, Thầy dạy đơn giản hơn tụi con. Bây giờ Thầy dạy tụi con đuổi bằng cách khi nghe người ta khen, không có sự thật thì không nên mừng, người ta chê không đúng sự thật cũng không nên buồn.

Thầy thường kể cho tụi con nghe chuyện ông Tỳ-kheo bị người ta nói xấu đòi đi tự tử. Thọ thần bảo:

- Nếu ông chưa chứng quả A-la-hán mà người ta nói ông chứng quả A-la-hán, ông có mừng không?

- Không mừng.

Thọ thần hỏi tiếp:

- Người ta nói ông tạo tội đoạ địa ngục nhưng ông không hề tạo tội đoạ vậy ông có buồn không?

-  Không buồn.

- Thế thì tại sao người ta nói xấu ông, ông lại đi tự tử?

Tất cả chúng ta có cái bệnh không biết suy xét. Ai nói gì không đúng sự thật liền nổi tức lên. Khi mình cự với họ là xấu hay tốt? Chúng ta không làm xấu, nếu người ta nói mình làm xấu chỉ cười thôi. Mình không phạm tội, người ta nói phạm tội cũng cười thôi, xem như đó là lời nói chơi, không thành vấn đề chớ có gì đâu.

Nếu mình không xấu, nghe người ta nói xấu liền nổi tức lên, đó là mình xấu thật. Như vậy là không khôn chút nào. Tất cả những lời người ta khen hoặc chê mình, nếu đúng thì mình sửa và mang ơn họ, không đúng chỉ cười thôi, không nên buồn giận. Như vậy con rắn sân hổ lửa sẽ không tác quái. Đó là cách trị rắn hổ lửa, không cần ráng nhịn hoặc uống nước cho nguội, chỉ dùng trí xét kỹ, không để cơn sân lôi cuốn.

Bây giờ Thầy nói theo thứ tự: Con rắn hổ lửa từ rắn hổ mây xúi. Rắn hổ mây từ rắn hổ đất xúi. Con hổ đất chui dưới đất ở trong hang không dễ thấy. Rắn hổ đất là si, nó ẩn náu mình không thấy, nhưng từ si mới có tham và sân. Nếu đuổi được rắn hổ đất đi thì hai con rắn kia theo đó mà đi hết.

Muốn nó đi phải làm sao? Trong nhà tối muốn sáng chỉ cần thắp cây đèn lên là bóng tối không còn. Nếu tụi con cầm gậy cầm cây đánh đuổi bóng tối, bóng tối có đi không? Chỉ có cách thắp đèn lên liền tan bóng tối. Cũng vậy, chỉ có trí tuệ mới phá được si mê. Nhưng trí tuệ ở đâu? Mỗi ngày tụi con đều tụng “chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách”, nghĩa là tất cả cái si đều từ bản ngã mà ra. Bản ngã không thật lại chấp là thật, đó là si. Do si mới có tham. Từ tham có sân.

“Chiếu kiến ngũ uẩn giai không” nghĩa là soi thấy thân năm uẩn không có thật thể, không cố định. Không thật thể là đứng về lý nhân duyên: thân năm uẩn là tướng duyên hợp, do từng phần ráp lại nên không có tướng thật. Không cố định là nói theo lý vô thường: thân này luôn luôn biến chuyển. Như vậy, thân này vừa là duyên hợp hư dối, vừa là vô thường biến chuyển, chỉ là một dòng sanh diệt không thật, không bền, không cố định. Nếu chúng ta chấp nó là thật, bền, cố định, đó là si mê.

Khi chúng ta chấp thật, thấy món ăn ngon muốn ăn là tham ăn, thấy hình tướng đẹp ưa thích là tham sắc. Tất cả cái tham đều qui tụ về mình, vì nghĩ mình quí nên muốn được cái này, cái kia cho mình. Nếu thấy mình không thật, không quí, mọi ưa muốn theo đó hết, hết tức không tham, không sân. Như vậy không chấp ngã thì tham sân theo đó hết, đó là lẽ thật. Cho nên trong kinh nói “độ nhất thiết khổ ách” nghĩa là thấy năm uẩn không thật thì qua hết khổ nạn.

Tụi con tu mấy năm rồi? Mười, hai mươi năm mà thấy thân này thật hay không thật? Ngày nào cũng tụng kinh ra rả nhưng vẫn thấy thật. Còn thấy thật thì tham, sân không bao giờ hết được. Nếu thấy rõ thân năm uẩn không thật, thấy rõ như ban ngày tụi con tu dễ như trở bàn tay. Bởi vậy Phật dạy lý vô ngã, học Phật trước phải thấu suốt lý vô ngã. Thấy ngã không thật thì mọi thứ được giải quyết một cách dễ dàng. Còn thấy ngã thật tất cả đều là khó khăn. Lý này hết sức sâu xa, cao siêu. Tụi con thâm nhập được lý này sẽ tự tại, thảnh thơi.

Tụi con nhớ cửa thiền là cửa không, tức cửa trí tuệ Bát-nhã, là thấy thân không thật, là vô ngã. Đó là cửa đi tới giải thoát sanh tử. Nếu chưa thấy được như vậy là chưa vào cửa giải thoát sanh tử. Vấn đề rất rõ ràng. Bởi vậy tụi con học đạo, hiểu đạo là điều tốt, nhưng rồi phải hành đạo, quán chiếu tường tận thân này là hư dối, không thật.

Ngày xưa Phật dạy các Tỳ-kheo, khi rảnh phải ngồi dưới cội cây hoặc chỗ vắng để quán chiếu lại mình, thấy cho tường tận thân mình, đó là đi trên đường giải thoát. Nếu không quán chiếu, không thấy rõ thân mình đúng như thật thì trên đường giải thoát chưa tiến. Dù ở chùa mười năm, hai mươi năm cũng không tiến được. Đó là lẽ thật. Tăng Ni khi đi tu ai cũng mong cầu giải thoát nhưng sau lại tạo tội gây nghiệp, đó là vì không thấy được thân này là vô ngã, nên vẫn tiếp tục con đường thế gian phàm tục.

Vậy tụi con nhớ thấy cho tường tận thân tâm mình. Những giờ phút toạ thiền, thấy ý niệm lăng xăng, không thật; còn khi ra ngoài thấy rõ thân người duyên hợp như thế nào. Được vậy tu sẽ có kết quả chắc chắn, không nghi ngờ. Ngược lại, tu rất lâu tiến. Đây là lời nhắc nhở của Thầy, mong tất cả cố gắng.

Ngày 28-2 Đinh Sửu (5-4-1997)

Trong buổi thỉnh nguyện, những người có lỗi tự ra sám hối, đó là điều tốt. Hôm nay Thầy nhắc tụi con hai điểm.

Thứ nhất, ở đây Thầy chủ trương chúng ta tu phải có đủ hai mặt: giải và hạnh. Giải là do học kinh và đọc sách mà hiểu được lý đạo. Hạnh là sự thực hành, làm thế nào để giữ tròn tư cách một người tu. Dầu cho tụi con hiểu đạo sâu rộng tới đâu mà hạnh không hợp với người tu thì lời nói cũng theo đó mất giá trị. Nếu tụi con hành đúng, dù nói dở người ta cũng tha thứ được, vì đối với người tu, Phật tử nhìn về mặt đức hạnh nhiều hơn.

Tuy nhiên, Thầy nói như vậy không phải bảo tụi con dốt nát không biết gì. Chúng ta học hiểu rồi ứng dụng tu. Từ chỗ hiểu, tụi con ứng dụng tu thành công và có kết quả, như vậy hạnh giải được đầy đủ. Nếu chỉ hiểu mà không ứng dụng tu, đó là hiểu suông, hiểu rỗng, không có lợi ích gì cho đời tu của mình.

Sự hiểu của tụi con là ngọn đuốc soi sáng con đường đang đi. Nếu có ngọn đuốc sáng mà mình không đi thì ngọn đuốc đó trở thành vô nghĩa. Hoặc có đuốc sáng mà chân mình què cũng không lợi gì. Cho nên cả hai phải tương ứng nhau. Giải là ngọn đuốc sáng. Hạnh là hai chân vững mạnh đi từ con đường tối tăm ra chỗ sáng suốt. Trong đời tu tụi con không nên xem thường sự học hiểu, cũng không nên xem thường sự thực hành tu tập. Hai việc phải đi đôi.

Ở đây Thiền viện đặt nặng tu nhiều hơn. Những gì mình hiểu phải cố gắng ứng dụng cho được. Điều gì có trong Thanh qui hoặc những lời Phật Tổ dạy, mình thấy hay phải thực hành cho được. Như vậy đời tu của tụi con sẽ có kết quả tốt.

Tụi con nên nhớ việc tu của mình không phải tầm thường. Người xuất gia vượt qua hết tâm tình phàm tục, làm việc siêu xuất thế gian nên gọi là phi thường. Muốn làm con người phi thường không phải dễ. Phải sáng suốt, nhận định cho chín chắn, phải bền chí và có tâm lâu dài.

Vậy trước tiên, người tu thiền phải có nhận định sáng suốt. Những gì Phật Tổ dạy, quí Thầy nhắc tụi con phải thấy cho tường tận để ứng dụng tu thì mới có kết quả tốt. Nhiều khi Phật Tổ dạy, quí Thầy nhắc một đàng, tụi con làm một ngả, dù tu lâu bao nhiêu năm cũng không có kết quả. Bởi vậy khi tụi con nghe những lời nhắc nhở của quí Thầy, phải nhận định cho kỹ càng, chín chắn để ứng dụng tu. Làm sao đời tu của mình không bị các chướng che lấp, tất cả những gì dở, làm ngăn trở sự tu đều phải tan biến trước trí tuệ sáng suốt. Đó là một bước quan trọng trên đường tu của tụi con. Như trong Bát chánh đạo của giáo lý Nguyên thủy, chánh kiến và chánh tư duy đứng đầu. Ban đầu phải có trí nhận định cho thấu suốt, đúng đắn, bằng không tụi con tu sẽ chậm tiến, lệch lạc, không có kết quả. Đây là điều rất thiết yếu.

Ngày xưa khi Thầy tự tu, bản thân Thầy có những kinh nghiệm riêng, thấy có kết quả đúng như mình mong muốn. Sau đó, Thầy dạy lại cho một số người tu cũng được tiến, tuy nhiên vẫn có người còn rất chậm. Gần đây thấy trong hoàn cảnh tốt, tụi con cũng như bên quí Thầy tu hành có tiến, Thầy rất mừng. Rõ ràng là khi hoàn cảnh thuận lợi tụi con tu tiến, nhất định không nghi ngờ. Tuy nhiên, những ai nhận định còn mờ mịt hoặc nhận định chưa rõ ràng thì trên đường tu chậm tiến hơn.

Bởi vậy Thầy nhắc lần nữa, tụi con phải học kinh, đọc sử, nghe Thầy giảng, nhớ cho thật kỹ những điểm then chốt trong sự tu hành để ứng dụng tu cho đúng. Ứng dụng đúng tụi con tu sẽ tiến, đó là điều lâu nay tụi con không ngờ.

Thứ hai, tụi con phải có lập trường kiên cố. Dù trên đường tu bị trở ngại vì thân bệnh, hoặc do tâm xao lãng, hoặc bị duyên trần làm cho yếu đuối, tụi con vẫn phải cứng cỏi vững vàng, đừng để nó chi phối. Thân tụi con có bệnh nhưng tinh thần mạnh mẽ vẫn lướt qua được, còn thân đau mà tinh thần yếu sẽ càng đau thêm. Phải cương quyết, liều chết trên đường tu hành, miễn là chúng ta được sống trong đạo, đang tinh tấn tu, dù ngày mai có ngã ra chết mình cũng vui, đó là cái chết tốt để mình vươn lên, không lui sụt.

Nếu tụi con vì một hai lẽ bệnh duyên hoặc ngoại cảnh mà thối tâm và sự tu hành bị chướng ngại, đó là thiệt thòi lớn của tụi con. Việc làm của mình là phi thường thì phải có ý chí mãnh liệt cương quyết, không thể nào yếu đuối, nhút nhát mà thành công được. Tụi con phải liều chết liều sống, được vậy sự tu sẽ có kết quả không nghi ngờ.

Thứ ba, dù có ý chí mãnh liệt đến ngất trời, nhưng nếu ý chí đó giống như lửa rơm thì chỉ cháy phừng phừng rồi tắt, chớ không lâu dài. Bây giờ người ta hay dùng từ đột xuất, nghĩa là những công tác qua một đợt rồi thôi, không kéo dài. Cái gì đề ra mà không bền bỉ theo dõi thì khó thành công. Ở đây tụi con cần có ý chí cứng cỏi vững mạnh và một tinh thần bền bỉ, dù cho gặp cảnh gì đi nữa cũng phải nguyện tu chừng nào sáng đạo mới thôi, chớ không tu lừng chừng lấy có.

Chúng ta đi tu là hi sinh cuộc đời, hi sinh tất cả người thân của mình để làm việc lớn. Nếu làm nửa chừng bỏ cuộc thì uổng đi một đời và cô phụ lòng tốt của cha mẹ, thân nhân, của đàn-na thí chủ. Vậy tụi con phải lập chí bền vững, lâu dài, dù cho hoàn cảnh nào cũng không chán, không sợ, không lùi bước. Đó là ý chí mạnh và tâm bền vững.

Trong luật Phật dạy không nên “nhất bộc thập hàn”, là một ngày nắng mười ngày lạnh, tu như vậy không bao giờ có kết quả. Ở đây Thầy tạo duyên cho tụi con tu, ngày nào cũng như ngày nấy công phu đều đặn, không vì những duyên bên ngoài làm dở dang, không bị khách khứa gây trở ngại, cũng không bị hoàn cảnh thiếu thốn khiến lo âu. Chỉ cần có một lập trường thật bền thật vững là tụi con tu có kết quả.

Thầy đã lo mọi chuyện chung quanh để không có gì làm phiền hà tụi con, nếu sự tu của tụi con được tiến đều đều, dù chậm hoặc vừa phải, cũng sẽ có ngày thành công. Còn tu khi nhanh khi ngừng thì cái tiến đó không bền, không bảo đảm. Như vậy nếu hoàn cảnh tốt mà tụi con không có lập trường, không có ý chí rồi cũng sẽ dở dang.

Cho nên tất cả phải có lập trường thật vững, ý chí thật bền, ngày nay không được thì ngày mai, ngày mai không được qua ngày mốt, năm nay không được sang năm tới, cứ như vậy tiến hoài. Nhất là mình có sự giản trạch đúng đắn, được sự nhắc nhở hằng tháng, hằng ngày của quí Thầy, cái gì sai liền sửa, như vậy trên đường tu tụi con sẽ có kết quả tốt không nghi ngờ.

Tụi con tu có kết quả, mai kia mới làm lợi ích cho nhiều người được. Nếu tu không tốt, không kết quả gì, sau này có chùa, có bổn đạo, dạy đệ tử cũng không đi đến đâu. Tu không giác ngộ tức vẫn còn mê, mê thì dạy ai, hướng dẫn ai? Có dẫn dạy cũng chỉ là mê thôi. Ngày nay có những người tu không đúng chánh pháp, bịa ra những chuyện huyền bí, cúng kính lôi thôi, chỉ vì lợi dưỡng bày biện đủ thứ. Bởi vậy, tụi con tu phải ráng nắm vững chánh pháp, thấy rõ được đường đi của mình, đồng thời phải có những bước tiến dài xa, khi nhìn lại thấy không uổng một đời tu hành. Mai kia tụi con có làm Phật sự, hướng dẫn cho người mới đúng chánh pháp.

Tóm lại Thầy mong tất cả tụi con vào đây, đầu tiên phải có trí tuệ giản trạch cho đúng cho tinh tế, để sự thực hành không bị sai lạc. Thứ hai là lập trường phải thật vững, dù khó khăn nhọc nhằn, tụi con cũng không hề lay chuyển. Thứ ba là phải có ý chí bền bỉ lâu dài, đừng để nay tiến mai lùi, khi vui khi buồn, như vậy không đến nơi đến chốn được.

Mong tụi con cố gắng!

Ngày 28-4 Đinh Sửu (3-6-1997)

Thỉnh nguyện kỳ này tốt, ít có lỗi lầm. Nếu mỗi ngày toàn chúng đều cố gắng tinh tấn tu, thương yêu, hoà hợp nhau, không có gì xảy ra, đó là tụi con tu hành tinh tấn, gây uy tín cho Thiền viện.

Bây giờ Thầy nói vài vấn đề cho tụi con nghe. Câu chuyện nóng bỏng nhất là cách đây một tuần, Thầy đang ở trên thất, nghe điện thoại của một Phật tử thành phố, con ông Thái Nguyện - trưởng đoàn Thái Tuệ - báo tin:

- Thưa Hoà thượng, ba con ngồi thiền đến hôm nay là ba ngày ba đêm rồi không xả, không biết có nguy hiểm không, xin Sư ông dạy cho con.

Thầy bảo:

- Con ra chỗ ba con ngồi thiền, nhìn coi mặt hồng hào hay tái mét, nếu mặt hồng thì không có gì.

Nó ra ngoài nhìn rồi trả lời:

- Mặt ba con hồng lắm, ngồi thẳng bon như vách núi vậy.

Thầy nói:

- Nếu tới ngày thứ bảy ba con chưa xả, con gọi điện thoại ra Thường Chiếu, thưa thầy Trụ trì vô đem theo cái linh, đi vòng vòng rung cái linh, ba con sẽ dậy chớ không có gì, đừng sợ.

Thầy nói như vậy nhưng nó vẫn sợ, kêu ông anh làm kỹ sư ở riêng về hỏi:

- Bây giờ ba ngồi hoài không cục cựa nhúc nhích, làm sao?

Anh nó thấy cũng sợ, nghe Thầy nói muốn cho ba dậy thì lấy linh lắc, nó bèn lấy chuông đánh, ba nó xả ra.

Hôm Chủ nhật, ông Thái Nguyện ra lễ Thầy. Ông vui mừng lắm, thưa:

- Bây giờ có tu hành con mới đủ lòng tin, con mới thấy sự tu có những điều kỳ đặc. Hồi nào đến giờ con không dám tưởng.

Ông kể từ khi bắt đầu ngồi đến lúc xả là sáu mươi tám tiếng đồng hồ. Người cư sĩ quyết tâm còn tu được như vậy, đó là điều đáng mừng. Trên đường tu, dưới sự hướng dẫn của Thầy, Tăng Ni và Phật tử đều có tiến bộ đáng khích lệ. Đó là báo cho tụi con tin vui nhỏ.

Tụi con thấy cư sĩ mà tu như vậy, còn mấy người xuất gia mình lết bết quá, ngồi hai tiếng mà rên, tụi con thấy có xấu hổ không? Bởi vậy tụi con phải nỗ lực, dù cho đau nhức gì cũng ráng!

Ngày 28-5 Đinh Sửu (2-7-1997)

Hôm nay thỉnh nguyện Thầy nhắc một chút về lý vô thường. Kỳ này Thầy đi về Thường Chiếu gặp ba đám ma. Một là đám Hoà thượng Thiện Hào tám sáu, tám bảy tuổi gì đó. Hai là đám bà Sáu mẹ Thiện Trung tám mốt tuổi. Ba là về đây gặp đám ma của Trí Hạnh sáu mươi hai tuổi. Không mấy ngày chứng kiến ba đám tang.

Thông thường, người ta già rồi bệnh chết hoặc có người trẻ bệnh chết, nhưng ai cũng nghĩ cái chết là của người khác chớ không dính gì tới mình. Thật ra, cái chết của người là một cảnh tỉnh lớn cho mình. Đức Phật khi ra bốn cửa thành, Ngài thấy người già, biết rằng mình cũng sẽ già; thấy người bệnh, biết mình cũng sẽ bệnh; thấy người chết, biết mình cũng sẽ chết. Việc đó không riêng ai hết mà liên hệ mật thiết với mình, nên khi đức Phật thấy cảnh sanh già bệnh chết, Ngài thức tỉnh liền, đi tu và tu đến nơi đến chốn.

Ngày nay tụi con ít hôm nghe người này người nọ chết, hoặc là thân nhân hoặc là người ngoài. Mỗi khi thấy người già bệnh chết là một lần cảnh tỉnh cho mình. Đừng bao giờ nghĩ rằng mình không liên quan, vì chết là cái chung chớ không dành riêng ai. Nên Thầy khuyên tụi con, mình đã ý thức sớm cảnh khổ của cuộc đời là già, bệnh, chết, ái biệt ly, cầu bất đắc, oán tắng hội, ngũ ấm xí thạnh thì phải làm sao để tránh chớ không thể tiếp tục mãi, vì đó là cái khổ triền miên từ kiếp này sang kiếp khác, gọi là trầm luân muôn kiếp.

Đức Phật nói cái khổ lớn nhất là si mê không biết lối đi. Bởi vì mình chết rồi sanh trở lại, chịu bao nhiêu nỗi khổ rồi chết, rồi lại sanh, cứ như thế liên tục. Mang thân này muốn cho đừng đắm nhiễm thì tụi con phải nghĩ nó là thân tạm bợ, vô thường, hư dối. Nhớ đúng như vậy là tỉnh giác, nếu lầm tưởng thân thường còn là si mê.

Tất cả các thứ tham lam, lo tính những chuyện lâu dài muôn đời tụi con bỏ đi, chỉ cố gắng tu để đạt được đạo, để giải thoát sanh tử, đó là tối thượng. Chúng ta tu, nếu cứ nghĩ mình sống dai hoặc còn mãi là lầm lẫn. Từ chỗ lầm lẫn đó, khi bất chợt ngã đùng ra chết, tiếc thân này quá liền kiếm thân khác. Đời sau cũng tưởng mình sống dai rồi ngã ra chết, lại tiếc nuối kiếm thân khác. Cứ như vậy lẩn quẩn trong vòng luân hồi.

Bây giờ cần biết thân này là vay mượn, tạm dùng. Thầy thường dụ như ở ngoài biển cả chìm thuyền, vớt được gốc cây mục, biết là gốc cây mục tạm mượn để bơi vào bờ, đó là người khôn. Còn được gốc cây mục rồi cứ ôm hoài mà không cố bơi vào bờ là người ngu.

Thân này tạm bợ, đủ thứ vi trùng hoành hành quậy phá trong đó. Mình không làm chủ được, thân bị quậy phá tan nát rồi ngã ra chết. Bởi vậy, không có gì thật mà lầm tưởng là lâu dài chắc thật. Từ chỗ lầm đó sanh ra tất cả các bệnh tham, sân. Nếu chúng ta thấy rõ thân là tạm bợ không thật, thì lòng tham giảm, lòng sân giảm, đó là trí tuệ, là căn bản sự tu.

Như Trí Hạnh, kỳ giảng trước có mặt, nhưng trong buổi giảng ngày mai còn không? Đó là sự đánh thức cho tất cả tụi con, tụi con phải nhớ.

Không phải chuyện chết chóc là chuyện người ta, không dính dáng đến mình. Đừng bao giờ nghĩ như vậy. Một người chết là một đòn đau cho mình thức tỉnh. Thấy người chết biết mình cũng sẽ chết. Như vậy tụi con bớt tham lam, bớt nóng giận, bớt si mê.

Hôm nay Thầy nhắc cho tất cả tụi con nhớ để nỗ lực tinh tấn tu hành.

Ngày 28-7 Đinh Sửu (30-8-1997)

Qua thỉnh nguyện thấy trong chúng có những lỗi nhỏ đều ra sám hối, đó là điều rất tốt. Sau đây là lời Thầy nhắc nhở tất cả tụi con.

Ở đây, Thầy chịu trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi sự tu của tụi con. Trách nhiệm của người hướng dẫn là gìn giữ bảo vệ cho tụi con tu được tròn cả hai mặt:

- Mặt thứ nhất là đối với cuộc sống hằng ngày, mọi hành động, mọi tư tưởng không lệch lạc, không sai lầm trong lúc sống với chúng. Đó là về tư cách, đức hạnh, phải nhắc nhở dạy bảo.

- Mặt thứ hai quan trọng hơn là khi tụi con tu có những hiện tượng gì lạ xảy đến, nội tâm tụi con hoặc mừng vui hoặc buồn sợ, hoặc có những điều lạ lùng, tụi con đem trình với Thầy. Thầy biết ngay từ buổi đầu sẽ dạy cho rõ đúng hay sai để tụi con biết mà sửa. Đừng sợ trình rồi Thầy nói chúng nghe xấu hổ. Nghĩ như vậy sau này thành bệnh.

Tụi con phải cẩn mật, trong lúc tu thường có hai trường hợp:

Người nào quyết chí, tu một cách thành khẩn, miên mật thì sẽ có kết quả. Đó là những hiện tượng khác lúc bình thường, mà hồi xưa tụi con chưa từng biết, bây giờ mới biết. Đây là Trí vô sư. Hiện tượng khác lạ này là điều tốt.

Lại có những trường hợp xấu người tu phải trải qua, như Ngũ ấm ma, gồm năm mươi thứ, mỗi ấm có mười loại ma. Những thứ ma đó người tu ít ai không bị lầm vì nó đổi thay thiên hình vạn trạng tùy theo sở thích từng người. Nhưng trong kinh Lăng Nghiêm có một câu đủ làm tiêu chuẩn để mình tu không sợ. Khi mỗi thứ ma hiện ra hình tướng gì đến với mình, Phật đều dạy rằng: “Nếu biết cái đó do tâm dằn ép của mình mà hiện ra thì là thiện. Nếu tự cho là mình chứng Thánh liền lạc đường tà.”

 Như vậy tất cả những gì tụi con thấy trong lúc tu thiền, hoặc là hình ảnh Phật, Bồ-tát, hoặc là quái vật..., tụi con phải nhớ đó là do trong lúc tu, tâm mình bị dằn ép nên biến hiện ra chớ không phải từ ngoài đến. Nếu biết như vậy, tụi con không bao giờ lạc. Còn khi thấy những tướng lạ đó sanh vui mừng, hỏi ra huynh đệ không ai thấy hết rồi tưởng mình đã đắc đạo, tưởng mình chứng Thánh, đó là bệnh khó trị.

Bởi vậy người tu không hiểu rõ chỗ này, tu thiền rồi điên là tại như vậy, cứ mơ ước có thần thánh hoặc Phật, Bồ-tát đến, tưởng chừng như ở ngoài đến làm gì cho mình. Những người đó đều lạc vào đường tà. Chúng ta tu, tất cả những hiện tượng lạ đến, mình đều biết là do sức dằn ép từ nội tâm, là bóng nội tâm hiện ra chớ không phải ở ngoài, nhớ như vậy không bao giờ lạc. Đó là điểm thứ nhất.

Điểm thứ hai, tụi con khi tu nhớ rõ mình toạ thiền để đạt được định. Định là sao? Là tâm lặng. Chúng ta ngồi thiền để tâm yên lặng thanh tịnh, đó là mục tiêu mình nhắm, còn những tướng lạ bên ngoài không phải là mục tiêu của mình, không phải chuyện của mình. Chúng ta ngồi thiền một giờ, hai giờ tâm yên tĩnh lặng lẽ là đúng, đừng cần thấy cái gì hết. Từ tâm thanh tịnh lặng lẽ đó, trí tuệ sáng ra. Thiền định như vậy là đúng. Nếu tụi con ngồi thiền nhớ chuyện năm trên năm dưới, rồi những hình ảnh ấy hiện ra, đó là sai. Cho nên, thật tình biết rồi không bao giờ bị lạc.

Thầy nhắc tụi con một lần nữa, mình ngồi thiền trọng tâm là được định. Định là không còn nghĩ, tâm không còn dấy khởi, vì nghĩ là động, động tức ngược với định. Không nghĩ không dấy khởi là tâm thanh tịnh. Tâm định thì tự nó sáng. Thí dụ: Tụi con đọc kinh sách có chỗ không hiểu, một hôm nào đó tâm được an định và chợt thấu suốt hết những chỗ trước kia không hiểu. Đó là do tâm định, Trí vô sư sáng tỏ.

Từ định sanh tuệ, điều đó Thầy kinh nghiệm rất rõ ràng, không nghi ngờ gì hết. Tụi con tu, muốn được trí tuệ không cần kiếm ở đâu, chỉ tâm an định thì trí tuệ sáng. Như đức Phật Thích-ca khi ngồi thiền dưới cội bồ-đề, tâm Ngài hoàn toàn an định thanh tịnh, vừa khởi nhớ lại quá khứ Ngài liền thấy vô số kiếp trước đã từng làm gì, ở đâu, đó là chứng được Túc mạng thông. Cái đó từ trong tâm mình chớ đâu phải ai tới ban phép cho để được thấy.

Bởi vậy, tu thiền, tụi con ráng cẩn thận dè dặt, đừng bao giờ mong những chuyện viển vông. Tụi con nhớ trách nhiệm của Thầy rất nặng, vì đường lối tu thiền hiện tại chỉ có Thầy là người đứng ra lãnh chúng và dạy chúng đông. Nếu trong chúng có người nào phát cuồng phát điên lên thì sao? Người ta sẽ tố Thầy dạy tu thiền điên. Đây là điều rất nguy hiểm, nên Thầy nhắc tụi con cẩn thận, trong khi tu phải nắm vững mục tiêu và nguyên tắc tu cho đúng.

Kinh Lăng Nghiêm có dạy rõ về Ngũ ấm ma. Thí dụ, nếu ngồi thiền thấy có ma nhăn răng hiện ở trước mặt, tụi con phải biết đó là do tâm dằn ép rồi hiện ra tướng lạ. Tướng lạ là từ tâm hiện chớ không phải từ ngoài đến. Nhớ như vậy thì không sợ, cứ ngồi yên giữ chánh niệm nó sẽ mất. Còn nói đây là ma nhát mình, hoảng quá bỏ chạy là điên.

Tụi con thấy điều quan trọng đó, nắm cho vững thì khi tu không xảy ra những chuyện tà vạy. Sở dĩ người ta nói tu thiền điên là do không nắm vững nguyên tắc đó, nên khi tu thấy cái gì theo cái đó. Thí dụ nghe trong hư không có tiếng nói, thọ ký cho con giác ngộ, mai mốt con sẽ thành Phật, làm giáo chủ gì đó, nghe thích quá tưởng tượng mình sẽ như vậy, rồi tin đó là thầy tới điểm đạo cho mình, sau nói bậy bạ lung tung. Hoặc nghe có Phật hay Bồ-tát đến thuyết kinh, rồi vừa đi vừa nói lảm nhảm với người đang thuyết pháp, lâu dần thành điên.

Như vậy, dù cho có Phật hiện, cũng biết là do nội tâm mình đè nén nên thấy vậy. Biết rõ do tự tâm hiện thì không mừng không sợ, nên không điên. Tụi con nắm vững nguyên tắc đó chưa? Phải thật vững mới được, đó là cái đáng ngại.

Tu cốt tâm an định chớ không cầu cái gì lạ. Có người ngồi thiền, thấy trước mắt mình phát sáng ra và có hào quang, đôi khi thấy được người và vật ở bên kia vách nữa, rồi tưởng mình được Thiên nhãn thông, tưởng như vậy là bệnh. Tất cả cái thấy đó không có gì quan trọng. Quan trọng là tu sao cho tâm mình an định, còn tất cả những hiện tượng xảy ra đều là việc bên ngoài. Khi tâm định mình sẽ sáng ra được những điều trước kia chưa hiểu. Tu như vậy sẽ không sai.

Hôm nay Thầy nhắc tụi con nhớ hai đặc điểm trong nhà thiền dạy: Một là theo kinh Lăng Nghiêm thì tất cả tướng hiện ra trong lúc ngồi thiền, nhất là những lúc mình nhắm mắt, là do nội tâm phát ra chớ không phải ở bên ngoài đến, thảy đều không thật. Nếu thật thì bao nhiêu người ngồi đều phải thấy, chớ đâu có riêng mình, phải không? Hiểu rõ nên không mừng không sợ, nếu có khởi mừng sợ là sai.

Thứ hai, có người ngồi thiền buông hết tâm lăng xăng, tới chừng không nghĩ gì hết, phát hoảng lên, cho là đã mất mình. Tụi con nên hiểu, khi vọng niệm lặng xuống, thấy, nghe, biết rõ ràng, đó là đúng, là định. Vậy mà sanh hoảng tức thành loạn. Những sai lầm đó vì không biết rõ nên tu lẽ ra chỗ tốt lại thành xấu.

Đây là những điều tụi con phải cẩn thận. Trong những năm tháng mình nhập thất, có các hiện tượng lạ đến cần phải cẩn thận, phải biết rõ để không bị lầm lạc. Đó là lời Thầy nhắc, tụi con ráng ghi nhớ.

Ngày 28-8 Đinh Sửu (29-9-1997)

Hôm nay thỉnh nguyện, toàn chúng ai có lỗi đều biết thành tâm sám hối. Vậy là tụi con có tinh thần gắng tu, cố dẹp trừ các nghiệp chướng để tiến nhanh trên bước đường tu.

Sau đây Thầy có ít lời nhắc nhở tụi con về thái độ dứt khoát theo tinh thần Trúc Lâm Đại Đầu-đà. Tụi con phải hiểu, nhất là phái nữ, nếu mình không đi tu thì thôi, một khi đã cạo tóc xuất gia, không bao giờ để tóc trở lại với thế gian. Nếu hoàn tục rồi, muốn tu lại cũng không được nữa. Vậy nên tụi con phát nguyện tu phải dõng mãnh đi mãi cho tới ngày thành công.

Tu rất là khó, bởi vì ai cũng có sẵn tập nghiệp quá khứ sâu dày, khi khởi sự tu hành, những nghiệp chướng đó hay lôi dẫn mình làm việc trái với đạo lý. Do đó tụi con phải có ý chí mãnh liệt và phát nguyện mạnh mẽ thì việc tu mới đến nơi được. Nếu yếu đuối hoặc lơ là thì đường tu của mình dễ bị trở ngại.

Một người tu khi rời bỏ gia đình rồi thì không còn giúp gì được cho cha mẹ, cho những người quen thân, chỉ có một việc là tu. Nếu tu thành công mới làm lợi ích cho cha mẹ và người xung quanh được. Ngược lại tu lơ mơ, rốt cuộc không có lợi cho đời, cũng chẳng ích gì cho đạo, sống một cách lừng chừng không tới đâu hết, thật là uổng một đời, còn mang tội lớn với cha mẹ. Cha mẹ nào muốn rời con, chỉ vì mình ham tu quá nên cha mẹ buộc lòng cho xuất gia. Vậy phải nhớ làm sao cho cha mẹ hài lòng, phải tu hành chín chắn đàng hoàng để cha mẹ yên lòng rằng nhờ con mà nghiệp chướng của mình được giảm bớt.

 Do đó, tụi con phải cố gắng tối đa trên đường tu. Phút giây nào hơi thối tâm lùi bước là tự cảnh tỉnh liền. Đâu phải tụi con bỏ cha mẹ để đến chùa chơi? Nhớ vậy để tụi con tự rầy, tự quở, thúc đẩy mình tiến lên. Tất cả tụi con, đứa nào cũng có khả năng tu được, nếu biết răn nhắc mình thì tụi con sẽ tu đến nơi đến chốn, còn lơ là, đó là cớ thối tâm. Một khi duyên tốt mất rồi, đời không ra đời, đạo không ra đạo, thật uổng phí một cơ duyên quí báu, còn làm trò cười cho thiên hạ chớ có ích gì!

Trên đường tu, tụi con phải luôn luôn tỉnh sáng, thấy rõ bổn phận, trách nhiệm của mình. Nếu hôm nay nỗ lực cố gắng, ngày mai lơ là hoặc vui chơi... là tự tụi con làm mất thời gian quí báu trong lúc mọi người đang trông đợi. Khi tụi con đến đây, cha mẹ, anh em trong gia đình đều trông tụi con tu có những bước tiến để về nhắc nhở, khuyên dạy họ tu theo. Nếu ở đây ba năm, bảy năm mà tu không ra gì, thật là uổng công tụi con xuất gia, uổng công Thầy Tổ dạy dỗ, phụ lòng cha mẹ anh em trông chờ!

Thầy mong mỗi đứa tụi con đều ý thức trách nhiệm của mình, làm sao cho được thành công toại nguyện, để những người trông đợi mình đều hoan hỉ. Đó là xứng đáng, là tốt đẹp.

Mục Lục