Phụng Hoàng Cảnh Sách Tập 5 (2004)
Câu Chuyện Buổi Chiều (I)
Thầy kể một câu chuyện tinh tấn cho tụi con nghe. Có một Tôn giả tên là Tissa, nhà giàu, chỉ có hai anh em ruột. Cha mẹ mất, ông đem hết của cải cho người em rồi theo Phật tu, thường vào rừng toạ thiền. Một hôm, người em dâu chợt nảy ra ý nghĩ: “Biết đâu anh mình sau này chán tu, đổi ý trở về đòi của cải lại thì sao. Chi bằng bây giờ tìm cách thủ tiêu cho khỏi trở về.” Nghĩ vậy, cô mướn bọn cướp đi tìm Tissa để thủ tiêu. Bọn cướp thấy Ngài đang ngồi thiền trong rừng, đến muốn giết. Tissa nói: - Khoan! Cho tôi hoãn lại ít hôm. Tôi không sợ chết, không chạy trốn đâu. Hoãn ít hôm cho tôi tu đạt được kết quả, lúc ấy các anh giết tôi cũng chẳng muộn. Tướng cướp nói: - Ta không tin lời ông đâu. Ông nói ở đây, nhưng bọn ta đi rồi, ông đi mất làm sao? Tissa bèn lấy cục đá to dằn lên đầu gối gẫy một bên chân, rồi lấy một cục nữa dằn gẫy luôn đầu gối bên kia. Ngài nói: - Đó, hai chân tôi gẫy hết rồi, không thể đi đâu được. Nên tha cho tôi ít hôm! Bọn cướp thấy Ngài gan dạ quá, lại gẫy cả hai chân không thể trốn thoát được nên thuận lời bỏ đi. Còn một mình Tissa, hai chân gẫy nát, đau đớn vậy mà Ngài vẫn thản nhiên tinh tấn, nghĩ rằng sẽ chết trong một hai ngày nữa, nên cố gắng tu sao cho đạt được quả vị A-la-hán. Ngài nỗ lực tu suốt ngày đêm. Đến ngày thứ ba thì chứng quả A-la-hán. Tụi con thử tưởng tượng chân mình dập như vậy ngồi tu nổi không? - Dạ, không. Bởi vậy nên không chứng quả. Người xưa dám liều chết nên tu có kết quả, còn mình nhiều khi nặng về thân quá, hơi khó chịu một chút là rên rỉ đủ thứ, than thở xin nghỉ ngồi thiền… thì đời nào giác ngộ. Người ta đau như vậy mà can đảm chịu, chiến thắng, dẹp sạch phiền não, sạch rồi mới xong. Người xưa gan dạ, chết cũng ngồi tại chỗ chết nên mới đạt được đạo. Tụi con ở đây có bận tâm gì không? Không có gì bận tâm cả. Buổi sáng Tri sự cắt công tác làm hai ba tiếng đồng hồ, chỉ làm những việc vừa sức. Vậy mà lâu lâu cũng ngán, mệt tu không nổi, đau tu không nổi. Hoàn cảnh thế này mà tu không nổi thì chừng nào tụi con đạt được kết quả? Hiểu vậy rồi, lúc nào cũng phải dũng mãnh. Có ai không chết đâu, chỉ sớm hay muộn thôi. Nếu mình gan dạ có chết sớm mà đạt đạo cũng còn hơn. Bây giờ tụi con chọn cái nào? Chết sớm mà đạt đạo, hay là sống lê thê rên rỉ hoài suốt đời? - Dạ, thà chết sớm mà đạt đạo quả, còn hơn tu đến già chẳng ra gì. Nhưng tu hành giác ngộ thật khó! Đâu có khó! Đừng nên nghi ngờ. Tại tụi con chưa tự tin. Tu là dám chết dám sống. Còn tụi con sợ bệnh, sợ chết thì đến bao giờ mới thành công? Mấy đứa thấy Thầy dường như là mạnh lắm, trong khi bác sĩ chê Thầy đủ thứ bệnh, vậy mà có sao đâu, do tinh thần mạnh thì mọi bệnh đều vượt qua. Hai yếu tố tụi con phải có là: Thứ nhất: Tinh thần phải cứng cỏi, dũng mãnh. Thứ hai: Phải lạc quan, lúc nào cũng thấy trong lòng vui vẻ, được một ngày tu là hạnh phúc một ngày. Đừng nên bi quan, ngồi buồn nhớ người này ăn hiếp mình, người kia nói xấu mình. Buồn bã hoài thì tu chỉ đi xuống chớ không đi lên nổi. Phải vui vẻ thấy rằng được sống như vầy là ít có. Thật ra thời mạt pháp mà tạo được duyên tu hành như đây rất ít có, ai đã từng ở các nơi thì biết. Tụi con sống ở đây không lo đủ thiếu, không lo cất chứa gì hết. Mọi chuyện đều đã có người lo, chỉ có làm lụng chút ít rồi tu. Chính trong khi làm cũng tu, chẳng có ai quấy rầy. Vậy mà tu không được Thầy cũng đầu hàng, không còn cách nào nữa! Có nhiều người tha thiết xin vào đây lắm, nhưng Thầy không cho vì không còn chỗ. Tụi con vào được rồi mà không cố gắng tu rất uổng, thật đáng tiếc! Cho nên phải quyết tâm tu, đời người có mấy chục năm thôi, không dài. Tụi con ít ra gần phân nửa đời người rồi. Phân nửa là tính theo nguyên tắc căn bản sống tới già rồi chết, chớ cái bất thường chưa nói đến. Vậy mà không cố gắng đem hết tâm lực tu rất uổng. Tụi con ráng ngày nào cũng tinh tấn, ngày nào cũng vui vẻ mới tốt. Ai buồn bã, bực bội than thở sẽ xuống tinh thần, tu không tiến, trong lòng phiền não, ngoài thân thể đau ốm, cuối cùng thối Bồ-đề tâm. Cho nên tụi con phải can đảm và cương quyết. Được thân này đã khó mà đầy đủ sáu căn khỏe mạnh cũng là ít có, lại được gặp duyên có thầy lành, bạn tốt để sách tấn tu hành, thật là hi hữu. Ở các nơi người tu phải đi đám, mai đám này mốt đám kia, đi hoài không còn thời giờ tu. Nơi đây tụi con được ở một chỗ yên tu mà không thành công Thầy cũng bó tay đầu hàng. Phật tử các nơi đang hướng về Trúc Lâm hết lòng ủng hộ, trông chờ kết quả. Tụi con thử tính xem từ hồi vào Viện tới bây giờ, có bao nhiêu cái áo lạnh? - Dạ, nhiều lắm! Phật tử thương tụi con, nghĩ Tăng Ni ở đây quyết tâm tu hành, mọi người dồn hết sức để lo, nhất là mấy Phật tử ở xa gởi áo lạnh về, nói nghe xót ruột: “Mỗi ngày sau khi đi làm về, con dành tất cả thời giờ đan áo lạnh gởi cúng dường Tăng Ni, chỉ mong quí Thầy Cô tu hành giác ngộ độ chúng con.” Tấm lòng của Phật tử, tụi con nghĩ sao? Nếu không tu, thật là đáng trách! Bởi vậy phải gắng tu, lúc bệnh tu theo bệnh, mạnh tu theo mạnh, đừng bao giờ nản chí, đừng bao giờ để phiền não làm chướng ngại sự tu hành. Được như vậy thì sống trên đời này không hổ thẹn, nếu lơ mơ uổng đi một đời, không xứng đáng nhận của cúng dường. Người ta không đòi cái gì chỉ lo cho mình tu, vậy mà không chịu tu là mang nợ. Bây giờ nợ Thầy lãnh nhưng tụi con phải chia, chẳng lẽ Thầy lãnh nợ nuôi tụi con, rồi bắt Thầy trả hoài, còn tụi con trốn nợ sao? Thầy lãnh thì Thầy chịu năm mươi phần trăm, còn tụi con năm mươi phần trăm. Nên tụi con phải ráng cố gắng tinh tấn tu hành, đừng bao giờ bỏ phí thời giờ, đừng để bị mấy chú phiền não quay. Phải dẹp hết, không có gì quan trọng. Giả sử người ta kêu tên mình chửi cũng chẳng đáng để lòng. Ở đây thật ra chưa ai dám chửi tụi con, có gì quan trọng mà phải buồn lo. Đời tu rất quí, nên Thầy gắng thực hiện hai điều: một là tạo duyên tốt để tụi con tu, hai là nhắc nhở tụi con tu. Từ tháng này năm nọ, Thầy không ngừng nhắc nhở khuyến khích tụi con. Đó là làm hết bổn phận của Thầy, còn lôi thôi là tại tụi con, không phải lỗi Thầy, sau chớ đổ thừa ở Trúc Lâm Thầy tạo duyên tu không được. Bây giờ ráng tu, giờ nào cũng là giờ quí báu, đừng để trôi suông vô ích, sau tìm lại không được. *** Tất cả Ni chúng ở đây và Phật tử tập tu thử nghiệm coi mình tu có lợi gì cho hiện tại và vị lai không? Quí vị có thấy mỗi một ngày mình nhớ tu thì ngày đó sẽ ít phiền não không? Còn ngày nào nhớ nhà, nhớ anh em bà con thân thuộc nhiều, nhớ mà không gặp thì phiền não, quên tu. Bởi vậy hồi trước ở Thường Chiếu, chư Tăng chư Ni còn lao động nhiều, Thầy có nói: “Phải coi lao động như ăn cơm, học kinh như uống nước, tu như hơi thở.” Thiếu cơm sáu bảy ngày mới chết, thiếu nước có thể đôi ba ngày, còn thiếu thở thì chết liền. Bởi vậy người tu lúc nào thiếu tu là đã mất tánh chất của người tu rồi. Cho nên trong hoàn cảnh nào cũng phải luôn nhớ mình đang tu, đừng bao giờ quên. Nhiều khi chúng ta cứ nhớ hồi cư sĩ mình thế nào, làm ăn buôn bán ra sao... Đó là nhớ tu hay nhớ phàm tục? Người xả tục xuất gia không nên nhớ những việc thế gian. Giả sử vừa sực nhớ lại, bỏ liền không cho tái xuất hiện, phải nhớ mình đang tu. Đang tu là có ai làm gì trái ý, bực bội cũng bỏ qua không giận. Nếu không giận, không buồn phiền, gương mặt tự nhiên tươi tắn dễ thương. Người tu hay giận hay quạu, thấy mặt người ta ghét thì không giáo hoá được ai. Ở trong gia đình, người Phật tử biết tu thì gia đình đó vui, người này làm người kia vui lây, còn không biết tu thì làm khổ lây. Ai nói trái tai liền nổi giận, nói qua nói lại một hồi mình phiền người khác cũng phiền, rồi một chùm phiền não, khổ lây cả nhà. Bây giờ chúng ta biết tu rồi, có điều gì không vừa ý, bỏ qua tươi vui như thường. Ai sống đời đây mà tranh hơn tranh thua. Nếu có người muốn gì đều được như ý, người đó cũng không khỏi chết. Cái chết luôn chực sẵn từ cuối đường, chúng ta cứ đi tới từng bước hoài thế nào cũng đến cuối đường. Như vậy qua một ngày là gần cái chết một chút. Vậy mà không lo chết, lại lo chuyện hơn thua là khôn hay dại? Bởi vậy, người tu tại gia lúc nào cũng nhớ mình là Phật tử, ráng lo tu, dẹp bỏ phiền não, đừng chứa chất, nghĩa là có thì bỏ liền, không dung dưỡng. Đó là người khéo tu. Ở trong chùa cũng vậy, quí cô lúc nào cũng phải tu, đừng nghe nói trái ý nổi sân lên, hết nhớ tu. Người tu lúc nào cũng từ bi hỉ xả, sân si không phải là người tu. Như vậy, tu là hơi thở, nghĩa là quên một phút giây là thấy chết, mất tư cách người tu. Người tại gia cũng như xuất gia đều phải luôn nhớ tu, không quên, giống như hơi thở nếu ngưng là chết, còn nhớ thở là sống. Được vậy sẽ mau đạt đạo. Có hôm nào tụi con quên thở không? Không ai dám quên thở mà tu thì quên. Đó là chỗ sơ sót, là điều đáng tiếc. Giả sử chúng ta đang ngồi trong nhà, chợt có ai kêu tên mình nghe hơi nặng nề, lúc đó nhớ mình đang tu hay là ra ăn thua? Nếu ra ăn thua là quên mình đang tu. Người tu nghe ai nói nặng cũng bỏ qua, không có gì quan trọng. Mình đang lo giải quyết vấn đề sanh tử, không rảnh để lo chuyện hơn thua. Hơn thua rồi tới đâu? Nếu người ta nói, mình bực tức, rồi tìm cách làm sao trả lại cho người ta bực tức bằng mình hoặc hơn nữa, như vậy được cái gì? Chỉ tăng thêm oán hờn! Vì vậy tu là bỏ qua, không có gì quan trọng. Điều quan trọng là làm sao ngày nào cũng dọn dẹp phiền não nơi mình cho sạch. Nếu nuôi dưỡng phiền não thì chưa phải người tu, dù là tại gia hay xuất gia. Nhiều khi Phật tử tại gia nghĩ mình ăn chay là tu rồi, nhưng hễ ai động tới thì tranh hơn tranh thua đủ thứ, vậy đâu phải là thật tu. Tu là phải sửa cho hết những cái xấu dở của mình. Sửa được rồi, hiện tại mình vui, đi đâu cũng vui, không làm ai phiền giận thì có gì để buồn. Giả sử có ai giận phiền là do mình có cử chỉ hay lời nói gì đó khiến họ không vừa lòng, chớ không thể bỗng dưng lại phiền, mình nên tới xin lỗi: “Tôi có lỡ làm hoặc nói cái gì khiến huynh phiền, cho tôi xin lỗi, tha thứ cho điều tôi sơ sót.” Có ai dám xin lỗi như vậy không? Hay là chỉ lên sám hối với Phật mà không dám trực tiếp xin lỗi người buồn mình. Như thế là yếu đuối, nhát nhúa, dám làm không dám chịu, giận thì nói nặng người ta, khi người ta phiền không can đảm tới xin lỗi. Nếu lỡ làm điều gì khiến người ta buồn phiền, mình phải tới xin lỗi, thực tế như vậy mới tiêu tội. Còn tới sám hối với Phật cho hết tội, e là không hết. Phật làm sao tha được cái giận của người ta. Vậy mà ai cũng chịu sám hối với Phật chớ không can đảm đi xin lỗi người mình đã làm phiền. Như vậy tụi con khéo tu hay là vụng tu? Nếu người nào không giận, không buồn ai thì tâm hồn sẽ thanh thản nhẹ nhàng. Tu như vậy có lợi vô cùng, bản thân mình lúc nào cũng an lành vui vẻ, không có gì buồn phiền. Nếu hiện tại chúng ta an lành vui vẻ thì khi nhắm mắt cũng được tốt đẹp. Người biết tu thì ngay trong đời này đã tốt đã vui. Vui cho bản thân mình và vui lây đến người xung quanh. Ở đây người nào cũng như vậy thì không có ai mặt mày bí xị. Sở dĩ bí xị là vì có ai đó làm mình không vui, mà không vui tức là thiếu tu. Vậy khi thấy có ai mặt quạu đeo chúng ta đánh giá người đó sao? Là quên tu! Quên tu thì bị gõ đầu chớ đừng nói phải quấy gì cả. Nhiều khi có người nói vô: “Người đó làm vậy chị giận phải quá mà, thật đáng giận!” Đó là cách nói không đúng. Không có gì đáng giận, phải giận, nếu mình biết tu. Chỉ khi mình không biết tu hay quên tu mới giận như vậy. Khi giận là đã quên tu rồi. Dù cho mình đúng một trăm phần trăm mà nổi giận tức quên tu thì cũng là quấy. Nhớ như vậy tu hành sẽ tốt hơn. Đừng nghĩ mình tu để Phật ban phước cho hết phiền não. Chờ Phật ban cho hết phiền não chuyện không thể có, phải tự mình dẹp sạch mới được. Ai cũng biết ngày mai mình sẽ già sẽ chết mà hôm nay không chịu tu, vậy là khôn ngoan tới cỡ nào? Một ngày qua là mất một khoảng thời giờ quí báu của mình. Hiểu như vậy rồi, ngày nay mình có già yếu cũng phải nhớ tu, đừng nhớ thân quyến bà con. Đừng thèm nhớ vì họ không cứu được mình, con cháu cứu không được quí bà, chỉ có chính mình cứu được mình. Bởi vậy tu một ngày là quí một ngày, thời gian còn ngắn lắm nên dồn hết sức để tu. Dầu cho tiền bạc, nhà cửa bao nhiêu tới chừng nhắm mắt đều để lại hết, không đem theo được gì. Chỉ sự tu là quan trọng, biết tu mới cứu được mình. Biết tu còn giúp được cha mẹ anh em, bà con thân thuộc, vì mình tu được, ai tới thăm cũng vui, thấy mình từ hồi tu tới giờ lúc nào cũng tươi nên người ta phát tâm theo. Ngược lại, nếu cha mẹ bà con vô chùa thăm, thấy tụi con khóc lên khóc xuống làm sao phát tâm nổi. Đi tu mà buồn thảm như vậy còn ai dám tu. Họ về còn thắc mắc: “Đi tu gì khổ quá, rủ nó về cho rồi!” Đó là không tự cứu được mình còn làm hoạ lây tới những người chung quanh. Nếu khéo tu, chính mình đã được an ổn tự tại, còn tạo sự an ổn cho người chung quanh. Như vậy, khéo tu là đem lại lợi ích lớn cho bản thân và mọi người, không khéo tu thì đem hoạ đến cho thiên hạ. Cho nên tu phải vui vẻ tươi tắn, lúc nào cũng thấy mình đã đạt được sở nguyện. Sở nguyện của chúng ta là tu để cứu mình, cứu người, bây giờ đã được tu, tuy việc làm chưa tới cứu kính nhưng đạt sở nguyện là vui rồi. Nghĩ vậy nên luôn luôn vui vẻ tươi cười. Thấy người nào vẻ mặt sầu não ưu tư biết là quên tu, nhớ thân thuộc rồi muốn trở về. Đó là một lý do thối Bồ-đề tâm. Vậy nên tụi con phải sáng suốt, không một phút giây nào bỏ qua, lúc nào cũng là lúc tu. Giả sử người nào đó nghe mình nói điều gì trái ý, trong một phút giây họ trả lại một câu nói nặng, lúc đó nếu không biết tu đâu có tỉnh giác kịp. Nên lúc nào cũng sẵn sàng tu, chờ tới giờ ngồi thiền, sám hối mới tu thì muộn lắm rồi. Ngay lúc có sự việc xảy đến là lúc mình phải tu. Khéo tu trong mọi lúc là người biết tu, còn đợi tới thời khoá thì không hay. Đó là lẽ thật. Khi ngồi thiền, nét mặt tụi con tươi vui biểu lộ tâm hồn thơ thới nhẹ nhàng, không được chăm bẳm quá hay mặt hầm xuống như đang giận ai. Nhờ tụi con tu gương mặt bình thản tươi vui, chúng sanh thấy phát tâm hoan hỉ cũng bớt khổ, đừng để người ta thấy mặt sợ không dám ngó, lại càng khổ thêm. Hiểu vậy tụi con ráng nhớ trách nhiệm mình, không quên tu một phút giây nào. Tu như hơi thở, vừa quên tu liền là xác chết. *** Mây không phải là bầu trời, mây chỉ là hiện tượng tạm bợ. Biết như vậy là chánh xác, còn tưởng mây là bầu trời tức mê. Bây giờ biết rõ mây không phải là bầu trời, chỉ là hiện tượng tạm bợ, tụ rồi tan, tuy mây vẫn còn nhưng mình không lầm. Thầy giảng rõ vì sợ tụi con ngồi thiền cứ thấy vọng tưởng bỏ hoài cũng chưa hết, lâu ngày sanh nghi: “Sao không thấy cái thật, cứ thấy cái giả hoài, làm uổng công quá vậy, coi như cả ngày làm việc không công!” Hễ biết nó là giả tự nhiên không lầm. Không lầm thì cái giả hết, cái thật tự hiện bày, khỏi tìm kiếm ở đâu. Nên nói “thú hướng chân như tổng thị tà”. Vừa muốn tìm cái thật là đã rơi vào tà rồi. Cái thật đâu ngoài cái giả, chỉ cần cái giả tan hết là hiện đầy đủ tất cả. Như vậy dễ hay khó? Có người nào thiếu không? Có cụm mây nào ngoài bầu trời đâu! Thử đem so sánh một lượn sóng với biển cả, lượn sóng có thấm vào đâu so với biển. Cũng như cụm mây có thấm vào đâu so với bầu hư không. Nên chúng ta bỏ cái tạm bợ nhỏ hẹp để được cái thênh thang, đó là chuyện phi thường chớ không nhỏ. Người đời cứ tìm cầu những thứ tầm thường, thí dụ như có tiền cất nhà lầu sắm xe hơi. Đâu biết nhà lầu rồi sẽ hoại, xe hơi đi lâu cũng hư. Chỉ có cái sẵn có của mình là chân thật mà lại bỏ quên chạy theo cái giả từ đời này đến đời kia, thật uổng! Vậy nên trong kinh Phật nói chỉ có si mê không biết lối đi mới thật khổ. Bởi vì mờ mịt không biết lối đi, mấy chục năm chết đây rồi sanh trở lại, rồi mấy chục năm nữa chết đi... Nên Phật nói: “Nước mắt chúng sanh nhiều hơn biển cả.” Cái khổ lớn nhất là khổ trầm luân. Bây giờ, quí Phật tử biết rõ vọng tưởng là nhân tạo nghiệp, không theo nó tức bớt khổ. Khi nào nó lặng xuống thì sáng ra, liền hết mê lầm, tức giác ngộ giải thoát. Được như vậy muôn đời khỏi bị đau khổ. Nếu người có lòng đại từ đại bi, giải thoát rồi nhưng vì thương chúng sanh mà dạo chơi trong sanh tử để hoá độ người, gọi là “du hí tam-muội”, nghĩa là đùa chơi trong cõi đời mà vẫn ở trong chánh định. Đó là hạnh Bồ-tát, không nỡ bỏ chúng sanh mê nên trở lại lăn lộn giữa cõi đời để độ họ. Sống giữa cõi đời này người ta khổ nhưng mình vẫn tự tại. *** Tụi con nghe nói chúng sanh mê, đức Phật giác, phải không? Nay Thầy hỏi: “Chúng sanh mê là mê cái gì? Phật giác là giác cái gì?” Đây là gốc của sự tu hành. Ở Thiền viện tu giác ngộ mà người ta hỏi câu này không trả lời được là thiếu căn bản. Bây giờ Thầy giải thích cho tụi con hiểu. Cái mê thứ nhất của chúng sanh là thân năm uẩn hư dối lại tưởng là thật. Bởi tưởng thật nên chấp nó là ngã, rồi giành giật, hơn thua phải quấy, có khi sát phạt nhau không gớm tay. Mê là si, từ si sanh tham, giành giật ngũ dục. Nếu có ai chống lại liền sát phạt, đó là từ tham sanh sân. Như vậy, cái mê gốc của con người là mê lầm chấp thân. Thân này do duyên hợp tạm có, biến đổi không dừng. Từ lúc lọt lòng mẹ, mỗi ngày mỗi chuyển biến cho đến già rồi chết, trong một dòng sanh diệt liên tục. Cái gì thật thì không chuyển biến thay đổi, thay đổi tức không thật. Đời sống chúng ta giống như dòng nước chảy liên miên không dừng, thế nhưng chúng ta không biết tưởng thân là thật, là mình, sanh ra chấp ngã, tự hào, cái gì cũng ta. Nói đẹp thì ta đẹp hơn, nói tốt thì ta tốt hơn, nói phải ta phải hơn... Bởi vậy ai xúc phạm liền nổi sân. Như tưởng mình đẹp ai nói xấu là xúc phạm, tự thấy mình hơn lại nói mình thua là xúc phạm, nghĩ mình phải mà nói quấy là xúc phạm. Cứ vậy cả ngày tranh hơn thua, phải quấy, rốt cuộc rồi cũng chết. Thật là mê muội đáng thương! Đó là mê về thân. Cái mê thứ hai là không biết trong thân tạm bợ hư dối lại có cái chân thật. Cái mê này thế gian không biết, chỉ người tu mới biết. Người tu hiểu rằng thân là tạm bợ hư dối, trong cái hư dối có cái thật. Hiểu như vậy mà chưa thấy thật rõ ràng, nên chúng ta tu là để nhận được cái thật đó. Như vậy tụi con thấy, chúng sanh không biết có cái chân thật, thấy giả cho là thật, cứ như vậy mà khổ rồi tạo khổ cho kẻ khác. Cả cuộc đời, kết thúc được cái gì? Chỉ là một lớp giả dối không thật. Người tu nghe lời Phật dạy, biết nơi thân giả có cái thật nên nỗ lực tu, mượn thân giả này làm phương tiện để tìm ra cái chân thật. Đó là chỗ thức tỉnh thiết thực nhất. Biết chỗ mê của chúng sanh rồi thì cái giác hiện tiền. Đức Phật giác ngộ khi Ngài thấy người ta già bệnh chết, biết mình cũng già bệnh chết, không nghi ngờ. Rõ như vậy thì cuộc đời chỉ là trò chơi tạm bợ, không có giá trị. Ngài thức tỉnh ra đi tìm đạo. Mà tìm đạo là tìm cái gì? Thật ra, Ngài thấy có những vấn đề phải tìm: Thứ nhất là vấn đề sanh, con người từ đâu sanh ra? Thứ hai là chết rồi còn hay hết, nếu còn thì làm gì, đi đâu? Thứ ba là nếu chúng ta không muốn tiếp tục đi trong vòng sanh tử đó phải làm sao? Đó là ba câu hỏi then chốt của con người mà thế gian này ít ai nghĩ tới. Cứ sanh ra rồi tới chết là hết. Còn đức Phật thắc mắc, ta có mặt ở đây đâu phải ngẫu nhiên mà có, vậy trước mình là cái gì giờ mới tới đây? Đó là lý do Ngài tìm lại đầu mối của sanh tử. Người thế gian chỉ biết mình đang ở đây, không biết từ đâu tới rồi chết ra sao? Họ cứ hưởng thụ cho thoả mãn rồi chết ra sao thì ra, đi đâu cũng được. Chỗ Phật tỉnh giác là Ngài biết thân này tạm bợ giả dối nên thức tỉnh đi tu. Đến các vị tiên dạy tu thiền để học, nhưng họ cũng chưa giải quyết được những vấn đề Ngài thắc mắc. Ngài tới vị này học một thời gian rồi từ giã đến vị khác, rồi lại từ giã đến chỗ khác nữa. Cuối cùng Ngài thấy vấn đề đó chỉ có tự mình giải quyết. Đến khi Ngài giác ngộ thành Phật, là giác ngộ cái gì? Trong kinh kể nhiều lắm, Thầy chỉ nói cái căn bản là Tam minh. Trước hết Ngài giác ngộ Túc mạng minh, tức là biết được vô số đời trước đã từng ở đâu, cha mẹ tên gì..., biết suốt hết các đời qua đã từng làm gì, bây giờ mới tới đây. Vậy là Ngài rõ được nghi vấn “sanh từ đâu đến”, biết được đây không phải là lần đầu mà đã vô số lần sanh tử rồi, bây giờ chỉ là tiếp tục sanh. Thấu suốt như vậy là đã giải quyết được vấn đề thứ nhất. Kế đến Ngài chứng Thiên nhãn minh, thấy rõ con người chết không phải hết, mà do nghiệp thiện hoặc ác dẫn đi luân hồi trong lục đạo: người, trời, a-tu-la, địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh. Như vậy, chết không phải là hết mà còn tiếp tục sanh ở trong sáu đường luân hồi. Thế là Ngài giải quyết được câu hỏi thứ hai. Tới canh năm Ngài chứng được Lậu tận minh, là thấy tột nguồn gốc con người do cái gì mà phải tiếp tục sanh, và bây giờ muốn dứt phải làm sao để dứt. Đó là Tứ thánh đế. Muốn được Niết-bàn phải diệt Tập đế. Tập đế là nhân của quả khổ, tức Khổ đế. Diệt hết Tập nhân này thì được Niết-bàn. Muốn diệt phải có phương pháp, phải tu theo ba mươi bảy phẩm trợ đạo là Đạo đế. Như vậy, Ngài giải quyết được cái nghi thứ ba. Đức Phật chứng quả Đại giác: Giác ngộ được kiếp người từ đâu tới, chết rồi sẽ về đâu và muốn ra khỏi sanh tử phải làm sao? Đó là mục tiêu của đức Phật. Nay chúng ta bắt chước đi theo tất nhiên cũng phải biết cho rõ. Chẳng lẽ nói tôi tu để giác ngộ mà giác ngộ cái gì mình không biết! Đức Phật giác ngộ trọn vẹn ba điều trên, không còn bị lôi dẫn trong sanh tử nữa, còn chúng ta bây giờ không biết mình từ đâu lại đây, cũng không biết mai kia chết rồi ra sao, chưa giải thích được. Tụi con phải hiểu gốc mê của mình thì mới giác được, còn nếu không hiểu, nói tu không biết tu cái gì, riết rồi cũng như người thế tục, không biết mình là gì? Thật ra, con người không có gì ngoài ba vấn đề: Từ đâu tới? Chết rồi sẽ ra sao? Và nếu muốn không tiếp tục sanh tử nữa phải thế nào? Việc chánh của đời tu là giải quyết những vấn đề này. Mục Lục
|
Phụng Hoàng Cảnh Sách Tập 5 (2004)
|
Câu Chuyện Buổi Chiều (I)