Kinh Pháp Bảo Đàn Giảng Giải
Phẩm 8 ĐỐN TIỆM (Giảng 1 Chí Thành)
Khi ấy Tổ ở chùa Bảo Lâm tại Tào Khê, còn Thần Tú đại sư ở chùa Ngọc Tuyền tại Kinh Nam. Bấy giờ hai tông thạnh hóa, người đều gọi là Nam Năng Bắc Tú nên có hai tông Nam Bắc, chia ra đốn tiệm, mà người học không biết tông thú. Tổ bảo chúng rằng: Pháp vốn một tông, người có Nam Bắc, pháp tức là một thứ, thấy có mau và chậm. Sao gọi là đốn tiệm? Pháp không có đốn tiệm, người có lợi căn, độn căn, nên gọi là đốn tiệm. Đến phẩm thứ tám nói về đốn và tiệm. Về tông thú tức về sự tu hành không có chia ra Nam Bắc, đốn tiệm. Đốn là nhanh, tiệm là chậm, là thứ lớp. Sở dĩ có thứ lớp là tại sao? Vì căn cơ của người, người thông minh nghe ít hiểu nhiều, còn người tối tăm nghe nhiều hiểu ít; nghe nhiều hiểu ít phải tu từ từ, phải từ thấp đi lên lần lần. Còn người thông minh nghe liền hiểu, hiểu liền ứng dụng được thì đâu có từ từ, vì thế nói căn cơ lợi và độn; lợi căn tu nhanh, tiến nhanh nên gọi là đốn, còn độn căn thì chậm nên gọi là tiệm, đốn tiệm chia ra là tại căn cơ người, chớ không phải tại pháp chia ra như thế. Nhưng đồ đệ của ngài Thần Tú thường chê Tổ sư Nam tông là không biết một chữ, có cái gì hay. Dưới ngài Thần Tú có người đệ tử lớn là Phổ Tịch, kiêu ngạo, muốn làm Tổ thứ bảy, thành ra muốn đưa thầy ông lên làm Tổ thứ sáu, nhưng thầy ông không được truyền y bát nên ông bực tức nói Tổ Huệ Năng dốt không biết chữ, không có gì hay, chỉ thầy ông mới là giỏi là hay v.v.. xứng đáng làm Tổ, do đó mới sanh ra sự tranh chấp. Không phải người lớn tranh chấp, đó là đồ đệ ở dưới tranh chấp. Thần Tú nói rằng: Kia (Tổ Huệ Năng) được Trí vô sư, thâm ngộ được pháp thượng thừa, tôi không bằng vậy. Vả lại Thầy tôi là Ngũ Tổ, chính Ngài truyền y pháp, há lại suông ư? Ngài Thần Tú thật rất tốt, chính Ngài nhận rằng Tổ Huệ Năng được Trí vô sư, còn Ngài học nhiều nhưng là Trí hữu sư, Tổ Huệ Năng đã thâm ngộ được pháp thượng thừa còn Ngài không bằng; và chính Ngũ Tổ truyền y bát cho Tổ Huệ Năng thì đâu phải là chuyện nói suông! Như vậy ông thầy thì hiểu, nhưng học trò vì ngô ngã nên sanh việc chia rẽ khinh chê. Tôi hận không thể đi xa để thân cận, luống thọ ân Quốc vương, vậy những người các ông không nên kẹt ở đây, - tức là không nên ngưng trệ ở đây - nên đến Tào Khê tham hỏi. Như vậy thì quá tốt, sánh với hiện nay có ai bì nổi ngài Thần Tú không? Có ai dám bảo học trò đi nơi khác học không? Hay là bảo: “Thôi ở đây tôi dạy cho đủ rồi đi đâu làm chi, bỏ thầy đi là bất hiếu v.v...” Một hôm Ngài sai đệ tử là Chí Thành rằng: Ông thông minh nhiều trí, nên vì tôi mà đến Tào Khê nghe pháp, nếu nghe được điều gì, hết lòng ghi lấy, trở về nói cho tôi nghe. Chí Thành vâng mệnh đến Tào Khê, theo chúng tham thỉnh, không nói từ đâu đến. Chí Thành đến Tào Khê nhưng không có trình, không xin chi cả, cứ theo chúng vào học. Khi ấy Lục Tổ bảo chúng rằng: Ngày nay có người trộm pháp đang ẩn trong hội này. Chí Thành liền ra lễ bái và thưa đầy đủ việc của ông. Tổ bảo: Ông từ Ngọc Tuyền lại nên là kẻ do thám. Chí Thành đáp: Không phải. Tổ hỏi: Sao được không phải? Chí Thành thưa: Chưa nói là phải, đã thưa rồi là không phải. Tức là Ngài nói rõ đến mà làm thinh là ăn trộm, còn đã thưa trình rồi thì không còn là ăn trộm nữa. Tổ bảo: Thầy ông dùng cái gì chỉ dạy chúng? Chí Thành thưa: Thường chỉ dạy đại chúng trụ tâm quán tịnh, thường ngồi chẳng nằm. Trụ tâm quán tịnh là trụ tâm lại và nhìn thấy chỗ lặng lẽ đó và thường ngồi thiền chớ không có nằm. Tổ bảo: Trụ tâm quán tịnh là bệnh chớ không phải thiền, thường ngồi là câu chấp nơi thân, đối với lý có lợi ích gì. Hãy lắng nghe bài kệ của tôi đây: Sanh lai tọa bất ngọa, Khi sống ngồi thiền mãi không nằm, khi chết nằm luôn không ngồi, có ai chết rồi mà ngồi dậy không? Như vậy vốn là một khúc xương thúi, vì sao mà lập công khóa? Nằm và ngồi chẳng qua là xương sống dựng đứng lên hay nằm ngã xuống, dựng lên gọi là ngồi, ngã xuống gọi là nằm. Như vậy nằm ngồi vốn là một khúc xương thúi, là cái hình thức, đâu có gì quan trọng mà lấy đó làm công phu tu hành. Tu hành là điểm nào nữa kia, chớ không phải hình thức đó, nhưng hiện nay thấy ai ngồi được nhiều thì thiên hạ phục lắm. Thế nên ở đây tuy dạy tu thiền nhưng ngồi tối đa là hai giờ rồi xả, chớ không ngồi hoài vì chúng ta tu cũng phải có chút ít công khóa chừng mực, nhưng thật ra chủ tâm là làm sao ngộ được đạo, chớ không phải lấy việc ngồi làm sở trường. Chí Thành lại lễ bái thưa rằng: Đệ tử ở chỗ Đại sư Thần Tú, học đạo chín năm mà không được khế ngộ. Ngày nay nghe Hòa thượng nói một bài kệ liền khế ngộ được Bản tâm. Sanh tử là việc lớn, đệ tử xin Hòa thượng vì lòng đại bi chỉ dạy thêm. Tổ bảo: Tôi nghe Thầy ông dạy học nhân pháp giới định tuệ, chưa biết Thầy ông nói giới định tuệ, hành tướng như thế nào, ông vì tôi nói xem. Chí Thành thưa: Đại sư Thần Tú nói: “Các điều ác chớ làm gọi là giới, các điều thiện vâng làm gọi là tuệ, tự tịnh ý mình gọi là định.” Ngài Thần Tú nói như thế, chưa biết Hòa thượng lấy pháp gì dạy người? Hiện nay thường trên lá phái bằng chữ nho, chúng ta thấy có mấy câu: “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý, thị chư Phật giáo.” Đây là bốn câu kệ của Phật Ca-diếp, đó là lời dạy chung của chư Phật. Ngài Thần Tú cũng dạy chư ác mạc tác là giới, chúng thiện phụng hành là tuệ, vì có trí tuệ mới biết điều thiện mà làm, tự tịnh kỳ ý là định. Tổ bảo: Nếu tôi nói có pháp cho người tức là nói dối ông, chỉ tùy phương mở trói, giả danh là tam-muội. Như Thầy ông nói giới định tuệ thật là không thể nghĩ bàn, nhưng chỗ thấy giới định tuệ của tôi lại khác. Chí Thành thưa: Giới định tuệ chỉ là một thứ vì sao lại có khác? Tổ bảo: Thầy ông nói giới định tuệ là tiếp người Đại thừa, còn tôi nói giới định tuệ là tiếp người Tối thượng thừa, ngộ hiểu chẳng đồng, thấy có mau và chậm; ông nghe tôi nói cùng với kia đồng hay chăng? Tôi nói pháp chẳng lìa Tự tánh, lìa thể nói pháp thì gọi là nói tướng, Tự tánh thường mê, phải biết tất cả muôn pháp đều từ nơi Tự tánh khởi dụng, ấy là pháp Chân giới, Chân định, Chân tuệ, hãy lắng nghe tôi nói kệ đây: Tâm địa vô phi Tự tánh giới, Ngay nơi đất tâm mình mà không có lỗi gọi là Tự tánh giới; đất tâm không si tức là ngay nơi Bản tâm mình mà hằng giác hằng liễu gọi là Tự tánh tuệ, chớ không phải vâng làm những điều lành mới là tuệ; ngay nơi tâm mình không loạn gọi là Tự tánh định. Ba điểm này để tâm nghiệm xét thì thấy hai bên dạy khác nhau. Không làm các điều ác gọi là giới; làm các điều ác là thân làm, khẩu làm, thân và khẩu là tướng bên ngoài, ngoài thân hành động, miệng nói năng mới gọi là phạm, thân khẩu ngừa tránh làm những điều ác gọi là giới. Còn Tổ bảo: Ngay nơi tâm mình không dấy niệm ác đó là giới, vừa dấy niệm ác thì đã phạm giới; thành ra một bên ở ngoài ngọn, một bên đi tận gốc. Thế nên nói kia là tướng, đây là tánh, rõ ràng như vậy. Vâng làm các điều lành là tuệ, nói và làm những điều lành tức là hành động, cũng là tướng bên ngoài; lựa điều lành mà làm thì tuệ đó là tuệ của suy tư, của phán xét, tuệ của cái động bên ngoài; còn ngay trong tâm mình hằng liễu liễu thường tri thì tuệ đó là sẵn ở trong tâm, đó mới thật là tuệ. Chúng ta thấy rõ một bên thuộc về tướng, một bên thuộc về tánh. Tướng là ở ngoài hành động, tánh là đi thẳng vào cội nguồn của tâm. Định của ngài Thần Tú dạy là trụ tâm quán tịnh để định, như vậy lấy cái lặng lẽ làm cảnh để quán, định đó có cảnh bị quán và người hay quán; còn ngay nơi tâm mình không dấy loạn đó là định thì định đó không còn năng sở nữa. Như vậy chúng ta thấy Lục Tổ chỉ thẳng chỗ tột cùng, nên nói kia tiếp người Đại thừa, đây là tiếp người Tối thượng thừa. Tóm lại, người Đại thừa làm những điều lành, nói những điều lành, cứu giúp người, ví như nói bố thí, trì giới, nhẫn nhục v.v... nhưng vẫn còn là ở hình tướng, còn Tối thượng thừa là bất cứ điều gì cũng không lìa tâm tánh, ngay nơi tâm tánh mà ứng dụng tu, ngay nơi tâm tánh mà sống. Hiểu như thế mới không lầm lẫn, mới hiểu tại sao Ngài nói Ngài là Tối thượng thừa, bên kia là Đại thừa, tức là thấp hơn Ngài một bậc. Thấp tại chỗ nào? Vì bên kia ở ngoài tướng, còn đây là ngay trong tâm tánh, pháp Tối thượng thừa là pháp chỉ thẳng tâm tánh. “Chẳng tăng chẳng giảm tự kim cang”, Tự thể kim cang của mình là không thêm không bớt, vừa thêm vừa bớt tức là có sai biệt, có biến động, còn thể đó như như, không tăng không giảm, gọi là kim cang. “Thân đến thân đi vốn tam-muội”, nếu nơi tâm mình hằng không thêm, không bớt, không động, không tịnh thì dù thân này tới lui qua lại nhưng vẫn ở trong chánh định, chánh định đó không xuất không nhập. Trái lại nếu ngồi kềm mới được định, buông ra thì loạn, đó là có xuất có nhập, mà có xuất có nhập tức không phải là đại định. Chí Thành nghe kệ rồi hối tạ, mới trình một bài kệ: Ngũ uẩn huyễn thân, Như vậy nghe Tổ nói, Chí Thành liền tỉnh ngộ. Nơi ngài Thần Tú, Chí Thành thấy Ngài dạy về hình thức, bắt ngồi nhiều, bắt làm lành và giữ không làm ác, tức là căn cứ trên thân ngũ uẩn, nhưng thân ngũ uẩn là thân huyễn hóa, nếu y cứ vào thân huyễn hóa tu thì làm sao được cứu kính? Nếu xoay lại để tìm Chân như thì pháp trở thành bất tịnh, quán để cầu tịnh thì tịnh đó mất rồi! Tóm lại, hai câu trên là căn cứ vào thân tướng mà tu nên chưa phải là cứu kính; hai câu sau là tìm Chân như, mà quán tịnh thì trở thành bất tịnh. Như vậy là Chí Thành hiểu được ý của Lục Tổ, nên Lục Tổ liền ấn khả. Tổ liền ấn khả đó, lại bảo Chí Thành rằng: Giới định tuệ của Thầy ông là khuyên dạy người tiểu căn tiểu trí, còn giới định tuệ của tôi là dạy người đại căn đại trí. Nếu ngộ được Tự tánh cũng chẳng lập Bồ-đề, Niết-bàn, cũng chẳng lập giải thoát tri kiến, không một pháp có thể được mới hay dựng lập muôn pháp. Nếu hiểu được ý này cũng gọi là thân Phật, cũng gọi là Bồ-đề Niết-bàn, cũng gọi là giải thoát tri kiến. Người thấy tánh lập cũng được, không lập cũng được, đi lại tự do, không bị trệ ngại, ứng dụng tùy việc làm, nói năng tùy đáp, khắp hiện Hóa thân, chẳng lìa Tự tánh, liền được tự tại thần thông, du hí tam-muội, ấy gọi là kiến tánh. Chí Thành lại thưa: Thế nào là nghĩa chẳng lập? Tổ bảo: Tự tánh không lỗi, không si, không loạn, niệm niệm Bát-nhã quán chiếu, thường lìa pháp tướng, tự do tự tại, dọc ngang trọn được, có gì nên lập? Tự tánh tự ngộ, đốn ngộ, đốn tu cũng không thứ lớp, cho nên chẳng lập tất cả pháp. Các pháp là lặng lẽ, có thứ lớp gì? Chúng ta thấy Tổ dạy thật là thấu đáo. Tôi nhắc lại để thấy điểm Tổ nói. Tổ bảo: Nếu ngộ Tự tánh mà tu thì không lập Bồ-đề, không lập Niết-bàn, không lập Chân như, giải thoát gì cả. Tại sao không lập? Vì ngay thể đó là như vậy, nó không có tên, bởi không tên nên không lập, nhưng vì tùy duyên muốn cho người ta hiểu nên lập Bồ-đề, Chân như, Niết-bàn, vì thế lập cũng được, không lập cũng được. Còn người học đạo không hiểu cứ chấp theo danh từ Bồ-đề, Chân như, Niết-bàn, nghe Tổ nói cái đó không tên thì giật mình. Hiểu thì lập cũng được, không lập cũng được, còn không hiểu, quen lập rồi nay nghe nói chỗ đó không có Chân như, Niết-bàn, liền hoảng hốt sợ tu đến đó không có gì cả. Nhưng không ngờ khi thấy được cái thật thì cái thật đó nguyên là không tên, sở dĩ có tên là tùy duyên lập để cho người ta hiểu thôi, chớ đâu phải tên đó là thật! Cũng như mỗi người mang một cái tên, tên đó là do bản chất của mình mà thành hay là cái tên giả đặt bên ngoài? Tên là cái giả đặt bên ngoài, còn bản chất là cái của mình. Khi nói đến ai nếu không nói tên, người ta thấy như khó hiểu, nên tên chỉ là giả danh để giản trạch người A khác với người B, người C... Nghĩa là mỗi người khác nhau trên danh tự, chớ sự thật bản chất của mỗi người tự là như thế, không có tên. Hiểu như vậy chúng ta mới thấy chủ yếu của Tổ dạy là đi thẳng vào tâm tánh, người ngộ được tâm tánh thì lập cũng được, không lập cũng được, còn không ngộ tâm tánh nghe nói tu không cần Bồ-đề thì hoảng sợ, vì không cần Bồ-đề thì tu làm chi, chớ không ngờ đến được chỗ đó rồi thì tên không còn quan trọng nữa. Người đến được chỗ đó thì đi lại tự do không bị trệ ngại, ứng dụng thì tùy tác, nếu ai hỏi gì liền đối đáp không cần phải suy nghĩ; nếu nhận được rồi thì không nói sai, còn chúng ta hiện nay vì không thấy, vì chưa nhận được, dù suy nghĩ để nói cho đúng nhưng rồi cũng sai. Tỉ dụ người ta hỏi “Tự tánh như thế nào”, chúng ta suy nghĩ một lúc rồi nói “chắc Tự tánh như thế này, như thế kia v.v...” nhưng càng nói thì càng sai vì chúng ta chưa thấy, còn người thấy rồi nói cách nào cũng được, có khi nạt, có khi hét, có khi đánh, làm thế nào cũng đúng cả. Hiểu như thế chúng ta mới thấy sự tự tại của chư Tổ. Trở về Tự tánh rồi thì Tự tánh là Bát-nhã, là không si, không loạn, không có lỗi, không kẹt với các tướng nên nói thường lìa pháp tướng, đạt đến đó thì tung hoành tự do. Như vậy là chỗ tu, không có gì là thứ lớp, ngay nơi đó là thể, không có dấy niệm xấu đó là giới, hằng sáng suốt đó là tuệ, hằng yên lặng đó là định, chớ không có thêm cái gì bên ngoài cả. Người tu thường nói tu phải đủ giới định tuệ, nếu chúng ta hướng về Tự tánh thì Tự tánh đầy đủ giới định tuệ có thiếu sót gì đâu. Nhưng đa số người cứ lập giới tướng, cho đó là tối thượng mà quên ngay Bản tánh! Nếu người nào giữ suốt ngày không dấy niệm ác thì người đó có giữ giới chưa? Những giới tướng Phật chế ra đối với người đó là dư rồi! Nếu người đó hằng ngày, hằng giờ hằng sáng suốt thì đó là tuệ; còn tâm họ hằng lặng lẽ, đi, đứng, nằm, ngồi vẫn lặng lẽ thì đó là định, đâu cần phải ngồi mới là định. Hiểu như thế chúng ta mới thấy giới định tuệ sẵn nơi Bản tâm, người biết tu hướng về đó sống thì lúc nào cũng có đủ giới định tuệ. Trái lại người không biết cứ chạy theo giới tướng, mà chạy theo giới tướng nếu có giới nào giữ không được thì sầu khổ. Tỉ dụ như giới gần nhất là Tỳ-kheo không rời ba y, giả sử có người cần đi đâu gấp, không kịp mang theo đủ ba lá y thì sầu khổ vì phạm giới mất y. Nếu hướng về giới tánh mà sống, chúng ta thấy nhẹ nhàng thảnh thơi, nghĩa là luôn luôn giữ tâm không dấy niệm ác, đó là giữ giới, như vậy ai tu cũng được, xuất gia tại gia đều tu được cả, vì thế Tổ bảo rằng tại gia, xuất gia đều tu được không phải đợi xuất gia mới tu. Chí Thành liền lễ bái, nguyện làm người hầu hạ, sớm chiều không lười mỏi. Chí Thành là người Thái Hòa Cát Châu. Nghe được những lời dạy này, ngài Chí Thành ngộ, nên đảnh lễ Tổ một lần nữa và nguyện làm người hầu hạ sớm chiều không lười mỏi. Lúc này Ngài quên về trình lại thầy tức ngài Thần Tú.
Mục Lục
|
Kinh Pháp Bảo Đàn Giảng Giải
|
Phẩm 8 ĐỐN TIỆM (Giảng 1 Chí Thành)