Năm Tầng Biết Vọng
2. BIẾT BIẾT VỌNG : TÂM MINH
Trời đất sáng trưng, mơ màng trước mắt bóng người năm xưa. - Kìa quê nhà đẹp lắm! Bên cạnh là vườn hoa muôn sắc với tiếng nhạc du dương. Nọ, hương thơm ngào ngạt với trăm mùi ngon ngọt. Không khí êm đềm tưởng chừng muôn thuở. Ta đang ngủ chăng? Chợt chiếc gối trên đầu rơi xuống đất. A! Ta đang ngủ! - Thế nào là BIẾT BIẾT VỌNG ? - Biết vọng tức lìa Vọng, vọng quên tâm hiện. *** Thiền giả luôn luôn phản chiếu trở lại chính mình, mỗi mỗi qui về nguồn tâm, không dừng ở chỗ thấy nghe hiểu biết. KINH LĂNG NGHIÊM thường nói: “Khi thấy cái hay soi thấy thì cái hay thấy chẳng phải là cái soi thấy, cái hay thấy còn lìa cái soi thấy, cái soi thấy không thể theo kịp (kiến kiến chi thời, kiến phi thị kiến, kiến du ly kiến, kiến bất năng cập). Còn có “thấy”, tức còn có “bị thấy”, là còn hai chưa thể tự dừng - thật hết sức tế nhị. Thiền giả không thể nhìn cạn cợt mà vội thông qua điểm nầy. Bài kệ của Ngài Động Sơn qua cầu làm sáng tỏ thêm: Rất kỵ tìm nơi khác, Xa xôi bỏ lảng ta. Ta nay riêng tự đến, Chỗ chỗ đều gặp va. Va nay chính là ta, Ta nay chẳng phải va. Phải nên như thế hội, Mới mong hợp như như. (Thiết kỵ tùng tha mích Điều điều dữ ngã sơ Ngã kim độc tự vãng Xứ xứ đắc phùng cừ Cừ kim chánh thị ngã Ngã kim bất thị cừ Ưng tu nhậm ma hội Phương đắc khế như như.) Tuy vậy vẫn chưa khỏi mặt trăng thứ hai. Ngẩng đầu trông thấy trăng, Tuy nhiên chưa phải thật. Xoay về trăng không bóng, Muôn đời một ánh trăng. Mặc dầu tướng sanh diệt dẫy đầy cả thế gian, sóng tâm thức lên xuống không ngừng mà thể chân thật chưa từng thiếu sót mảy may. Cho đến vọng tâm có thể diệt mà thể nầy vẫn không hai. KINH LĂNG GIÀ nói: Chỉ tâm tướng diệt mà tâm thể chẳng diệt, tương tục diệt mà thể tương tục chẳng diệt. Lại nói: Tướng chẳng hoại có tám. Là chỉ ngay trong tâm thức sinh diệt đã ngầm cái bất sanh bất diệt chớ không đâu xa! Chỗ nầy phải tinh tế lắm, nếu không, thì không khỏi bị ngôn ngữ chuyển chạy mãi không có ngày dừng! Có vị tăng hỏi Đại Tùy: - Kiếp hỏa cháy rực, đại thiên đều hoại, chưa biết cái nầy hoại, chẳng hoại? Đại Tùy đáp: - Hoại. Tăng hỏi: - Thế thì theo kia đi. Đại Tùy đáp: - Theo kia đi. Vị tăng mang nghi vấn thẳng đến núi Đầu Tử ở Thơ Châu, Đầu Tử hỏi: - Vừa rời chỗ nào? Tăng thưa: - Núi Đại Tùy ở Tây Thục. Đầu Tử hỏi: - Đại Tùy có ngôn cú gì? Tăng liền nhắc lại lời hỏi trước. Đầu Tử thắp hương lễ bái nói: Tây Thục có Cổ Phật ra đời, ông nên trở lạu mau. - Vị Tăng trở về đến Đại Tùy, thì Đại Tùy đã tịch. Sao lại quá nhọc nhằn như thế! Há chẳng nghe nói, chuyển vật thì sống, theo vật thì chết, xưa nay rành rẽ rõ ràng đâu từng che giấu? Hoại cùng chẳng hoại, Lời nói hai đầu. Một niệm về nguồn, Tự tâm sáng tỏ. Và đây: Luận A Đà Na Thức nói: - Thức nầy rất rộng sâu và tế nhị, sanh diệt tương tục không gián đoạn nên in như “chơn” - Giác ngộ tuy đồng Phật - vì nó sanh diệt nên chẳng phải “chơn” - Nhiều đời tập khí sâu - Khéo! Khéo! Lại trong phần chú giải Kinh Lăng Già có đoạn: Tánh Như Lai tàng là chỉ cho thể thường trụ bất biến. Thể không có chơn vọng mà có mê ngộ. Mê thì tâm phân biệt sanh mà chẳng phải là chơn trí. Tâm phân biệt diệt mà chẳng phải là chơn tịch. Mê trí cho là sanh, mê tịch cho là diệt, thảy đều do phân biệt nên vô thường. Nếu giác thì phân biệt liền dứt, thấy xưa không sanh thì nay cũng không diệt. Chỗ không sanh diệt bản tánh thường trụ. Vì trừ cái phân biệt nên nói là vô ngã mà chẳng phải là không có cái ngã Như Lai tàng thường trụ bất biến. Vì dẹp vô ngã nên nói chơn ngã, mà chẳng đồng với cái ngã phân biệt của ngũ uẩn. Quán kỹ! Quán kỹ! Hòa thượng Phật Nhãn có hai câu thơ: Chỉ có người biết Xuân Muôn kiếp một mùa Xuân. Ai là “người biết Xuân”? thế nào là “Muôn kiếp một mùa Xuân” hay là “Mùa Xuân bất diệt”? tự xoay lại liền thấy, tìm kiếm tức xa. HÒA THƯỢNG THOẠI NHAM sẽ nhắc nhở thêm: Hòa thượng Thoại Nham Ngạn hằng ngày tự kêu: - Ông chủ! Tự đáp: - Dạ! Lại nói: - Tỉnh táo nhé! - Dạ! - Mai kia mốt nọ đừng để người gạt nhé! Ai biết chăng? Tự gọi tự đáp, Bôi mày vẽ mặt. Bao đời tử sanh, Nhắc anh kẻ ấy! *** CHỈ QUYẾT: BIẾT BIẾT VỌNG: “Đại sự một phen đã sáng lại sáng mãi không cùng, niệm niệm nối nhau, tùy duyên bảo nhậm, nghiệp cũ hằng tiêu, “thường tri” chẳng dứt. Trong cảnh trần ai sai biệt mà “chơn chơn” rõ ràng. Trong cuộc vô thường biến chuyển mà “bất sanh, bất diệt” rạng ngời. Chơn vọng biện rành, thức trí chẳngmê. Dù có trăm ngàn tạp niệm dấy khởi mà cũng không tạm rời trong giây lát. Trâu trắng sờ sờ, quê nhà trước mắt, thẳng đó vô sanh, chuyển tất cả vọng tình thầm hợp như như. Ngay đây, ai biết vọng? Ai lìa vọng? *** Mục Lục
|
2. BIẾT BIẾT VỌNG : TÂM MINH