Thiền Tông Việt Nam
Xuân Phụng Hoàng Tập 1 (2004)
Lễ Phổ Trà Giáp Tuất

Đã đến giờ khai mạc, tôi nói lý do buổi họp mặt: Thường ở Thiền viện, mỗi năm vào đêm ba mươi Tết, nếu tháng thiếu là tối hăm chín, có buổi tiệc trà tất niên gọi là “Phổ trà”, để Tăng Ni và quí Phật tử cùng dự.

Trong buổi tất niên đó có mấy điểm nhắm để nhắc nhở nhau. Điểm thứ nhất là kiểm lại các ưu khuyết điểm qua một năm trong sự tu hành cũng như trong mọi công tác. Kế đó là tìm giải pháp nào hay tốt để chuẩn bị cho năm tới mình ứng dụng tu hành, cũng như làm công tác đầy đủ tốt đẹp hơn. Đồng thời tôi cũng có ít lời nhắc nhở để khuyến khích Tăng Ni.

Tiệc trà buổi tối ở Thường Chiếu, Tăng Ni ăn uống không ngại chút nào, vì ở dưới còn ăn chiều, nhiều khi lao động nặng, làm ruộng, làm rẫy phải ăn mới làm nổi. Còn ở đây từ ngày chúng nhập viện tới giờ, tôi hạn chế -  chớ chưa cấm hẳn -  buổi chiều không được ăn, chỉ dùng sơ sơ. Có khi vì công tác lao động còn nhiều, thỉnh thoảng chư Tăng còn làm buổi chiều nên phải có cái gì kha khá chịu mới nổi, cho nên cũng còn ăn hạn chế, chớ chưa tuyệt đối không ăn. Có lẽ từ đây về sau là cấm hẳn, chiều uống một chút bột đỡ lòng, nhè nhẹ ngồi tu cho khỏe.

Muốn thực hiện không ăn chiều, chẳng lẽ buổi Tất niên mình lại ăn tối. Nếu Tất niên tối thì chỉ uống trà thôi, chớ không ăn được. Vì vậy hôm nay buổi Tất niên đặt vào chín giờ sáng. Giờ này lao động đói chút chút rồi, có cái gì sơ sài cho đỡ đói. Buổi Tất niên này chúng ta ăn chút ít cho vui, rồi sau đó sẽ bàn những công tác và sự tu hành đã qua trong một năm có những ưu khuyết nào để rồi mình xây dựng nhắc nhở. Kế đó là tôi có những lời khuyên để quí vị tu.

Ở Việt Nam mình cái gì cũng nói ăn là trước: ăn Tất niên, ăn Tết, ăn giỗ..., thành ra cái gì cũng ăn hết, ăn trước rồi mới nói sau. Vì vậy ở đây ăn Tất niên trước rồi sau mới nói chuyện. Phần khai mạc buổi Tất niên này là một phần thưởng danh dự dành cho người nào nói trúng điều tôi muốn hỏi.

Quí vị chuẩn bị, ở đây tôi muốn cho chư Tăng ưu tiên, rồi chư Ni kế đó, chớ không hỏi một lượt.

Bây giờ, tất cả chư Tăng ở Thiền viện này một năm rồi, quí vị đọc thuộc lòng hai câu liễn của Thiền viện cho tôi nghe. Ai đọc thuộc lòng thì khai mạc buổi lễ.

- Thưa Sư ông, thư ký đọc.

- Ờ! ngoài thư ký ra ai thuộc giơ tay lên đọc tôi nghe coi. Ngồi tại chỗ khỏi đứng dậy.

- Bạch Sư ông, phản quan tự kỷ, trực chỉ nhân tâm.

- Không phải, đó là câu châm ngôn. Đọc hai câu liễn. Vậy thì chưa thuộc. Ai thuộc đưa tay coi?

- Bạch Sư ông, hai câu liễn ở cổng số ba là:

Trúc Lâm thập tải dĩ tương Thập Thiện hoá nhân gian.

Thiếu Thất cửu niên đãi ngộ Thần Quang truyền tâm ấn.

- Chữ Việt?

- Bạch Sư ông,

Trúc Lâm mười kỷ, đã đem Thập Thiện hoá nhân gian.

Thiếu Thất chín năm, đợi gặp Thần Quang truyền tâm ấn.

- Nhưng chú đọc ngược rồi! Đọc từ bên kia qua, đọc lại!

- Bạch Sư ông,

Thiếu Thất chín năm, đợi gặp Thần Quang truyền tâm ấn.

Trúc Lâm mười kỷ, đã đem Thập Thiện hoá nhân gian.

- Rồi, hai câu cổng dưới?

- Bạch Sư ông,

Thế Tôn vi đông cung xả ngọc điện đáo Bồ-đề thành Chánh giác.

Giác Hoàng xử vương vị ly kim tòa đăng Yên Tử giáo Tăng đồ.

Nghĩa là:

Đức Phật làm đông cung bỏ điện ngọc đến Bồ-đề thành Chánh giác.

Giác Hoàng ở ngôi báu lìa ngai vàng lên Yên Tử dạy chúng Tăng.

- Vậy là thuộc mà hơi ngập ngừng. Có ai thuộc làu hơn không? Đây là dành chư Tăng trước, để lỡ chư Ni thuộc làu mất mặt chư Tăng tội nghiệp. Vì chư Tăng thường đi lên xuống đường đó, chư Ni không đi, nên tôi không đặt câu đó cho chư Ni.

Phần chư Tăng có chú Tâm Hạnh thuộc tương đối hai câu liễn của Thiền viện cổng thứ nhất và cổng thứ ba. Vậy là được quyền khai mạc phần bên chư Tăng, chú được lãnh phần đầu tiên.

Bây giờ tới phần chư Ni, ở bên vách tháp chuông có những hình ảnh gì, ai thuộc nói coi!

- Bạch Thầy, ở bên vách tháp chuông có hình Sơ tổ Trúc Lâm giảng pháp. Có hai người đứng nghe. Bên kia là Tổ Bồ-đề-đạt-ma ngồi xây mặt vào vách, ngài Thần Quang đứng ngoài chặt tay cầu pháp. Có bàn tay rơi dưới đất. Rồi tới hình Lục tổ Huệ Năng đeo đá giã gạo.

- Còn một cái nữa, mới có ba. Còn cái dễ ợt mà không nhớ!

- Bạch Thầy, còn hình Tổ Đạt-ma quảy chiếc giày đạp cành lau về Tây.

- Ờ, thành ra biết mà cũng hơi ngập ngừng, chưa được thông lắm. Đúng ra thì phải đi theo thứ tự, ở bên kia là Tổ Bồ-đề-đạt-ma ngồi xây mặt vào vách, bên cạnh Ngài là Thần Quang đứng chặt tay để cầu pháp. Kế đó là Tổ Huệ Năng giã gạo mà ốm quá không đủ sức nặng cất cái chày, nên phải đeo thêm cục đá để đủ nặng cất cái chày. Tiếp theo là Tổ Trúc Lâm đang giảng Ngữ lục cho hai người đồ đệ là Pháp Loa và Huyền Quang. Sau cùng là hình ảnh Tổ Đạt-ma cỡi cành lau qua biển về Ấn Độ. Phải nhớ rõ ràng như vậy mới được.

Vậy buổi tiệc trà Tất niên này, bên Tăng thì chú Tâm Hạnh được quyền khai mạc, mấy chú tặng cho y cái bánh đầu tiên. Còn bên Ni thì Diệu Sơn lãnh một cái để khai mạc. Tăng Ni bắt đầu ăn bánh uống nước rồi sẽ nói chuyện sau. Kể cả quí vị quay phim cũng vậy, dừng lại ăn bánh uống nước rồi quay phim sau. Thôi bắt đầu, pha trà đi!

Đây là ăn Tất niên trước, quí vị ngồi xây mặt vô, bây giờ chưa nói chuyện. Mời tất cả quí Phật tử ăn bánh uống nước với quí thầy quí cô. Ở trong đây có nhiều thứ bánh, những món tại quê hương mình làm ra và cũng có chút ít từ Thụy Sĩ mang về. Một vài viên sôcôla ở bên kia nghe nói là đặc biệt lắm nên tôi cũng ráng mang về đây, để mỗi vị ăn một viên lấy thảo. Vì vậy mỗi vị chỉ một viên chớ không tới hai viên, ăn cho vui. Mấy kỳ trước tôi chỉ uống nước, kỳ này tôi cũng được ăn nữa.

Có một số Phật tử tới Thiền viện, lấy viết ra ghi mấy đôi liễn. Tôi e rằng mai kia quí Thầy có đi đâu, họ gặp hỏi lại quên không biết. Phật tử thuộc mà quí Thầy không biết, cái đó mới xấu hổ. Bởi vì mọi thứ trong chùa mình, tất cả quí vị đều phải thông hết, những hình ảnh hay liễn đối. Mình là người tại đây đương nhiên phải thông, đến khi người ta hỏi, mình biết để giải thích. Không biết gì hết đến khi người hỏi sẽ lúng túng.

Quí vị ăn uống thật tình nghe, ăn xong cạn dĩa rồi mới nói chuyện, còn ăn chầm chậm chưa cạn dĩa thì tôi chưa nói chuyện được. Trong khi tất cả đang ăn, tôi kể sơ cho quí vị biết ý của tôi, để hiểu những phù điêu ở tháp chuông thích hợp với tinh thần Thiền viện mình. Quí vị cứ ăn bình thường, tôi kể sơ những điều này, không phải là giảng.

Đầu tiên tôi để bức phù điêu Tổ Đạt-ma sang Trung Hoa gặp vua Lương Võ Đế. Thấy cơ duyên không hợp, Ngài mới tự trốn qua sông, đi về phía Bắc tức là nước Bắc Ngụy, thời đó Hiến Minh Đế làm Vua. Ngài lại chùa Thiếu Lâm ở, ngồi xây mặt vào vách chớ không nói chuyện, không giảng dạy gì hết. Cả chín năm như vậy để đợi cơ duyên, có ai đủ duyên đến với Ngài thì Ngài sẽ dạy.

Lúc đó có ngài Thần Quang là một người tinh thông kinh luận, Ngài thường ngồi thiền quán trên núi, trải qua tám năm mà tâm vẫn lộn xộn bất an. Cho nên nghe Tổ đến Thiếu Lâm, Ngài liền tìm tới cầu xin Tổ chỉ dạy đường lối tu hành. Đến chùa thấy Tổ ngồi xây mặt vào vách hoài, không biết làm sao hỏi, buộc lòng phải đứng ngoài trời trước sân chùa.

Tổ ngồi ngó vách, ngài Thần Quang đứng ngoài sân nhằm mùa đông. Miền Bắc nước Trung Hoa mùa đông lạnh lắm, có tuyết. Ngài đứng từ đầu hôm tới sáng khoanh tay hướng về Tổ. Đến sáng Tổ thấy tuyết đã ngập lên đầu gối mà Ngài vẫn đứng thản nhiên, bèn hỏi:

- Ông đến đây cầu việc gì mà phải khổ hạnh như vậy?

Thần Quang thưa:

- Con đến đây cầu pháp môn cam lồ, xin Hoà thượng từ bi chỉ dạy cho con!

Tổ Đạt-ma nói:

- Pháp môn cam lồ là pháp thành Phật. Từ xưa tới giờ chư Bồ-tát tu hành đến thành Phật phải qua bao nhiêu lần khổ hạnh, bao nhiêu lần xả thân mới được pháp đó. Bây giờ ông chỉ dùng chút ít khổ hạnh, đòi pháp cam lồ làm sao xứng đáng?

Nghe quở vậy Ngài lẻn xuống bếp lấy dao chặt một cánh tay đem dâng lên, nói:

- Con xin dâng cái này để cầu pháp môn cam lồ.

Tổ Đạt-ma thấy vậy bảo:

- Được, cũng khá đó!

Và Tổ nhận làm đệ tử, đổi hiệu Thần Quang thành Huệ Khả. Khả là khá, có trí tuệ khá khá.

Qua câu chuyện đó, quí vị thấy dù cho là huyền sử hay dã sử, cũng đều nói lên tinh thần người học đạo. Muốn học đạo thì phải xem thường cái thân, dù phải hi sinh, phải chặt tay cũng sẵn sàng, miễn được đạo mới thôi. Đó là tinh thần khuyến khích tất cả Tăng Ni cũng như Phật tử, khi nghĩ tới cầu đạo giải thoát thì phải coi nhẹ cái thân. Nếu trọng thân quá thì không làm gì giải thoát được. Đây là hình ảnh đầu tiên để tất cả Tăng Ni ý thức trên đường tu phải xem nhẹ thân, đặt nặng đạo lý. Ai đặt nặng thân thì sẽ nhẹ đạo lý, người đó không bao giờ đạt đạo.

Quí vị ăn đi chứ! Nghe nói rồi quên ăn. Ăn đi rồi tôi nói tới phù điêu thứ hai. Nói hết bốn hình ảnh này thì quí vị ăn xong.

Thứ hai là hình ảnh Lục Tổ, từ một tiều phu đốn củi gánh xuống chợ bán đổi gạo về nuôi mẹ, nghe tụng kinh Kim Cang, Ngài liền thức tỉnh phát nguyện đi tu. Nhờ có những người bạn đạo thông cảm giúp cho Ngài một số tiền để lại cung dưỡng mẹ già. Ngài tìm tới Ngũ tổ Hoằng Nhẫn ở Huỳnh Mai xin tu.

Khi vào gặp Tổ, qua những câu chuyện đối đáp, Tổ biết đây là bậc pháp khí, đáng khen. Nhưng vì hình thức cư sĩ quê dốt nên Tổ bảo xuống nhà bếp làm công quả. Ông Tri khố bảo Ngài giã gạo chày đạp cối đá. Ngài là dân tiều phu đốn củi đâu có mập được. Ngài ốm nên nhẹ ký, còn cái chày thì nặng, nên Ngài đạp không cất lên nổi.

Nếu Tăng Ni mình vào chùa, bảo giã gạo, mà mình ốm, nhẹ không đủ sức nặng để cất cái chày thì mình sẽ làm sao? Nếu không từ chối thì cũng đòi thêm người, ít ra phải hai người đứng đạp mới nổi, chớ mình tôi ốm thế này đạp sao được! Còn Ngài bảo làm là làm, một mình không đủ sức nặng cất cái chày thì đeo thêm cục đá. Cột cục đá trên lưng nặng năm, mười ký, lâu ngày như vậy cái lưng bị thắt, làm cho da thịt lở lói. Nhưng Ngài vẫn để vậy đạp chày giã gạo.

Một hôm Ngũ Tổ xuống bếp, nhìn thấy vậy Ngài xót xa nói: “người cầu đạo vì pháp quên mình đến thế ư”, nghĩa là thấy người học đạo có chí tha thiết quên mình đáng quí. Tổ lấy gậy gõ vào cối ba tiếng rồi đi, ngài Huệ Năng hiểu ý, khuya canh ba lên gặp Tổ.

Đoạn này tôi chỉ cần nhắc qua để thấy giai đoạn mở đầu Thiền tông truyền sang Trung Hoa. Từ một vị Thiền sư Ấn Độ, chuyển qua Thiền sư Trung Hoa thì người đầu tiên đó là người quên mình xả thân, nên mới được chỉ dạy truyền đạo. Rồi tới vị Tổ Trung Hoa thứ sáu cũng là một con người quên thân để làm công tác cho chúng. Do đó mới xứng đáng gánh vác Phật sự lớn lao.

Vậy chúng ta mới thấy những vị Tổ chúng ta kính lễ hằng ngày đều là những người quên mình vì đạo, chớ không có ai quí trọng thân này mà được đạo hết. Đó là hai tấm gương nhắc nhở cho Tăng Ni thấy để nỗ lực, cố gắng.

Còn ở Việt Nam có vị nào không? Thiền sư Việt Nam, chúng tôi cho vẽ Tổ Trúc Lâm ở núi Yên Tử giảng Ngữ lục cho hai người đồ đệ nghe. Như vậy ở đây không có hình ảnh quên thân mà có hình ảnh bỏ ngai vàng điện ngọc đi vào núi tu. Cái kia là xả thân, cái này là xả danh vị. Đang làm một vị vua mà vô núi tu rồi dạy tín đồ, dạy đệ tử, chớ không màng địa vị ông vua, không màng ngai vàng. Đây không xả thân mà xả danh xả vị, tức là danh vọng địa vị đều buông hết để vào núi tu. Như vậy có đáng khen không? Cũng là cái gương hi hữu. Cho nên chúng ta phải nhớ để lấy đó làm bài học.

Nhiều khi có một vài vị ở ngoài gia đình khá giả, học hành khá, khi vào đạo, tuy rằng tu mà cũng còn nhớ chuyện khá giả của mình ở ngoài, muốn sống sang cả, muốn hưởng những thứ hơn người v.v... Như vậy chưa xứng đáng là một người quên hết danh vọng ở thế gian để vào đạo.

Đó là ba tấm gương để quí vị nhớ, khi nhìn những gương đó quí vị biết ý tôi muốn nhắc điều gì. Còn hình ảnh cuối cùng là Tổ Đạt-ma hết duyên về Ấn Độ. Hình ảnh này chúng ta thấy trong các chùa đều có, đã được giải thích nhiều nên nay tôi không giải thích, chỉ nói ba hình ảnh trước thôi.

Quí vị ăn tiếp tục cho cạn đi rồi nói chuyện dài.

Bây giờ kiểm lại ưu khuyết trong sự tu hành của Tăng Ni trong một năm rồi. Trước hết là ưu. Qua một năm rồi tôi có được một ít tin tức đáng mừng nhưng rất ít của Tăng và Ni. Theo nhận xét của tôi, qua đi một năm mà chỉ có những tin tức đó thì quá ít. Nhưng dù sao cũng là đáng mừng chớ không đến nỗi phải buồn.

Còn phần khuyết, thật ra Tăng Ni ở đây phải dồn hết tâm lực trong sự tu, còn các công tác thì ít ít thôi. Nhưng vì Thiền viện mới năm đầu, cho nên chư Tăng Ni phải góp công trong phần xây dựng cũng đáng kể. Đã nỗ lực lao động nhiều thì thời giờ tu phải kém ít, không được đầy đủ, không được miên mật như ý tôi muốn.

Lý do thứ hai là Tăng cũng như Ni, những người được thu nhận vào đây không phải ròng rặt là người ở Thiền viện nhiều năm, mà có những người chưa từng ở Thiền viện, hoặc ở Thiền viện thời gian rất ngắn. Khi lên đây tu hành bắt phải toạ thiền mỗi thời hai tiếng đồng hồ, lo chiến đấu với cái đau chưa rồi, có đâu mà ngộ, phải không? Thắng được cái đau đến hai tiếng mà không rên, không than thở là đã mệt rồi, thành ra chuyện ngộ chưa xảy ra. Đó là lý do thứ hai, vì cái khổ chịu đau của cặp chân cho nên chưa có tỉnh, chưa ngộ.

Lý do thứ ba, một năm qua, lúc đầu tôi ở nhà thì còn xây dựng, tôi cũng bận rộn nên không theo dõi sát, cũng không khuyến khích nhiều. Sau đó tôi lại đi vắng một trăm ngày, thành ra sự theo dõi khuyến khích của tôi rất sơ sài. Coi như đó là khuyết điểm của tôi, khiến cho ở nhà có những người bệnh ít cũng thành bệnh nhiều, có người xin đi chỗ này chỗ kia trị bệnh rồi đi luôn không trở lại. Đó là vì tôi vắng mặt, sự khuyến khích không được đầy đủ, nên có một số vị rút lui vì lý do bệnh. Khuyết điểm đó gốc tại tôi đi khỏi.

Như vậy, sở dĩ qua một năm Tăng Ni tu tiến không đều, không được như ý tôi mong mỏi là vì ba lý do như tôi vừa kể, khiến sự tu hành không được miên mật, không đạt kết quả tốt. Chỉ một thiểu số có kết quả, đó là do công thừa của những năm về trước ở Thường Chiếu, Linh Chiếu hoặc Viên Chiếu chẳng hạn. Do những năm đó dụng công khá, nên lên đây tiếp tục. Còn những người mới thì đang ra sức chịu đựng chân đau nên chưa có kết quả.

Vậy chuyện cũ đã qua, chúng ta chuẩn bị cho năm tới đây công tác tạm ổn là một, có lẽ tôi cũng được ở nhà là hai, quí vị đã quen ngồi bớt đau là ba. Ba lý do là khuyết điểm của năm nay thì năm tới có lẽ không còn nữa. Thí dụ năm nay trong một trăm người có năm, ba người tiến bộ đáng mừng, thì năm tới phải chừng bao nhiêu? Ít ra cũng được một chục người, hoặc hơn thì mới xứng.

Năm này mọi việc còn bề bộn chưa ổn định, phải cố gắng kềm chế để tu. Trong sự kềm chế khắc phục cái khó, khắc phục đau đớn nên tâm chưa an tịnh. Chưa an tịnh thì khó tiến được, chuyện đó không nghi ngờ. Năm tới tôi tin rằng sẽ có những bước tiến đáng kể và tốt hơn năm nay nhiều. Đó là hi vọng về năm tới của tôi. Tất cả Tăng Ni có hi vọng vậy không? Chắc cũng có. Thôi chờ năm tới kết thúc sẽ biết.

Đó là tôi kiểm sơ phần ưu khuyết tu hành của Tăng Ni tại Thiền viện Trúc Lâm qua một năm. Nói là một năm nhưng số người tới đây không nhất định một lượt, phải không? Có người tới trước từ tháng 8 năm 1993, có người tới đúng mồng hai Tết năm rồi, có người tới mới năm ba tháng chẳng hạn. Sự so le đó cũng làm việc tu tập trong năm rồi chậm tiến.

Bây giờ tới một điểm khác, điểm này tôi ít muốn nói, nhưng nếu không nói, sau này Tăng Ni ở đây cũng như Phật tử sẽ có những điểm hoang mang, nhiều khi nói ra không đúng với ý của tôi. Cho nên tôi phải nói rõ cho tất cả biết. Tại sao tôi lại đặt tên ngọn núi này là “Phụng Hoàng”? Đó là một lý do mà đa số người chưa biết.

Đây, tôi kể cho quí vị nghe, có vẻ hơi huyền hoặc một chút. Nhưng trên thế gian này chuyện hư thực đổi thay không lường được, mới thấy là hư đã biến thành thực, rồi thực cũng có thể biến thành hư. Vì vậy tôi sẽ nói lý do gì núi này tên “Phụng Hoàng”.

Trước hết tôi nói lý do tôi xin đất ở đây để xây Thiền viện. Từ buổi ban đầu, năm 1986, tôi rời Chân Không về lại Thường Chiếu. Những năm đó ở Thường Chiếu cây cối còn lưa thưa, nắng nôi nhiều. Về đó tôi chịu không nổi khí hậu khắc nghiệt nên đau hoài. Vì vậy, cuối năm 1986, chư Tăng Ni dưới đó đề nghị tôi lên Đà Lạt nghỉ, thay đổi không khí coi có hết bệnh hay không. Tôi lên Đà Lạt ở cái thất sau chùa Quan Âm, định nghỉ vài ba tháng cho khỏe.

Khi tôi lên nghỉ đó, mục đích là dưỡng bệnh. Nhưng rồi một đêm - đây là chuyện huyền hoặc - tôi ngủ nằm mộng thấy một con chim phụng hoàng thật to. Nó bay sà sà trên đầu tôi. Thấy vậy tôi lấy hai tay ôm cổ nó. Ôm được cổ chim phụng hoàng tôi mừng quá. Nhìn dưới chân thấy con sư tử đen bằng đồng, còn trên là ôm con chim phụng hoàng.

Tôi giật mình thức dậy, tự đoán mộng: Chim phụng hoàng là điềm lành, mà mình ôm cổ chim phụng hoàng có lẽ mình có duyên ở Đà Lạt và sẽ làm một Phật sự đáng kể. Còn dưới chân là con sư tử đen nhỏ, tôi nghĩ đó là duyên giảng dạy ở Thường Chiếu, vì sư tử tượng trưng cho việc giảng dạy giáo pháp Phật, pháp Phật nói ra như tiếng rống sư tử. Nhưng sư tử này nhỏ chớ không có lớn, nên tôi nghĩ, cái duyên ở Thường Chiếu tôi có, làm Phật sự được, nhưng ít thôi, còn cái duyên ở đây có lẽ là nhiều, là lớn.

Nghĩ vậy rồi tôi hết ngủ, ngồi nghĩ nếu mình có duyên ở trên này thì làm gì đây? Tôi nghĩ ra, nếu có duyên ở đây mình lập cái Thiền viện. Thiền viện đó lập cách nào? Thì đây là cuốn sổ nhật ký năm 1986 tôi còn ghi rõ ràng đêm đó, sau khi ngủ mộng rồi thức dậy. Đây, tôi nói mấy cái tên đêm đó tôi đặt quí vị nghe.

Tôi chia ra hai khu vực. Nay nói khu ngoại viện trước. Tôi nghĩ chỗ tôi ở phải có cái hồ, phải tìm chỗ nào có hồ nước. Ở dưới mé hồ là “Thủy Toạ đình”, tức là nhà thủy tạ. Bên cạnh hồ sẽ có một con đường đi quanh, tôi đặt là “Nhiêu Khê lộ”, tức là con đường quanh quanh theo suối. Rồi Tam quan, ở cổng dưới, phía trên tôi để bảng “Trúc Lâm”, bên dưới tôi để bảng “Bất Nhị môn” (cửa bất nhị). Cái cổng ở trước Phật điện để là “Bảo Sở môn”. Còn cái cổng giữa không để tên. Bên này chánh điện là “Hồng Chung lâu”, bên kia “Đại Cổ các”. Kế đó tôi đặt “Tham Vấn đường” là chỗ chúng ta đang ngồi đây. Sau chùa tôi để “Tàng Kinh ốc”.

Đó là cái đêm tôi ngủ không được, thức dậy tôi ghi rõ ràng. Rồi nơi mấy cái cổng tôi đặt liễn luôn, thành ra suốt đêm ngủ không được. Đây là những đôi liễn tôi đặt từ năm đó mà bây giờ tôi bảo quí vị đọc.

Đôi liễn ở trước chùa:

Thiếu Thất cửu niên đãi ngộ Thần Quang truyền tâm ấn.

Trúc Lâm thập tải dĩ tương Thập Thiện hoá nhân gian.

Đọc đôi liễn này quí vị thấy tâm hồn tôi thế nào? Đây là tôi đối chiếu, bên kia là Tổ Đạt-ma, bên này là Tổ Trúc Lâm. Tổ Đạt-ma ngồi ở chùa Thiếu Lâm (hay là Thiếu Thất) chín năm đợi ai? Đợi gặp ngài Thần Quang để truyền tâm ấn. Như vậy Tổ từ Ấn Độ qua Trung Quốc chỉ truyền tâm ấn cho một người là hết duyên.

Còn bên này ngài Điều Ngự Giác Hoàng, tức là Tổ Trúc Lâm, ở trên núi mười năm để làm gì? - “Dĩ tương thập thiện hoá nhân gian”, nghĩa là Ngài đem giáo pháp Thập thiện giáo hoá khắp cả nhân gian. Như vậy thời của Tổ Đạt-ma sang Trung Hoa truyền đạo chỉ một thầy truyền cho một trò. Nhưng ở Việt Nam, Thiền tông du nhập vào đến lúc hệ Trúc Lâm ra đời thì không còn hạn chế một thầy một trò nữa, mà phải đem truyền bá khắp nhân gian, mở rộng trùm khắp.

Tới đôi liễn thứ hai, tôi so sánh đức Phật với ngài Giác Hoàng:

Thế Tôn vi đông cung xả ngọc điện đáo Bồ-đề thành Chánh giác.

Giác Hoàng xử vương vị ly kim toà đăng Yên Tử giáo Tăng đồ.

Ở đây có tánh cách hơi tự ái dân tộc một chút. Tự ái ở đây không phải tự ái cuồng điên dại khờ, mà là để đem cái hay của chư Tổ Việt Nam ra so sánh đối chiếu, từ đức Phật cho đến các vị Tổ khác.

Nhìn về đức Phật, Ngài đang làm Đông cung Thái tử nhưng xả bỏ điện ngọc đi xuất gia, và sau Ngài thành Phật, tức là thành Chánh giác. Ở Việt Nam mình, một ông Tổ là Điều Ngự Giác Hoàng, đang ở ngôi vua mà lìa toà vàng, đến núi Yên Tử để giáo hoá Tăng đồ.

Vậy, bên kia Phật là đông cung, bên này Tổ Việt Nam chúng ta là một ông vua, thì mình đâu có xấu hổ gì phải không? Một ông vua đi tu được ngộ đạo rồi lên núi để giáo hoá Tăng đồ, bên kia vị đông cung đi tu được thành Phật. Như vậy, vị Giáo chủ là đông cung, vị Tổ Việt Nam là ông vua, đó cũng là một điều kỳ đặc của quê hương xứ sở mình mà ít ai để ý tới.

Qua mấy đôi liễn đó quí vị thấy tôi thế nào? Tôi lúc nào cũng nghĩ đức Phật là cái gốc để chúng ta qui hướng về. Nhưng Phật niết-bàn hơn hai ngàn năm rồi, làm sao chúng ta biết đức Phật? Vậy là nhờ sự truyền thừa của chư Tổ, nên ngày nay chúng ta mới biết được Phật. Nhưng lâu nay chúng ta có cái bệnh là học Tổ Trung Hoa, Tổ Ấn Độ, Tổ Nhật Bản mà Tổ Việt Nam thì ngó lơ không để ý gì tới. Rồi nhiều khi mình có cái mặc cảm ở Trung Hoa, Nhật Bản các Tổ rất hay, còn ở Việt Nam không có gì hay hết.

Nếu ở Việt Nam không có gì hay thì tại sao Phật giáo Việt Nam lưu truyền tới bây giờ vẫn còn và người theo Phật giáo rất đông. Nói không có gì hay hết nghĩa là sao? Như vậy là mình đã quên hết công ơn của người xưa, quên hết khả năng và đạo đức của người trước. Bởi vậy nên tôi phải làm sống dậy những gì kỳ đặc của Tổ Việt Nam.

Nước Việt Nam chúng ta có tới tám mươi phần trăm dân số là Phật tử. Như vậy sự truyền bá của các Tổ quá sâu rộng mà mình không biết gì hết, mình chỉ biết ở Trung Hoa, ở Nhật Bản, Ấn Độ, thì đó có phải là nhược điểm lớn lao của mình không?

Nếu xưa kia chư Tổ không truyền ở Việt Nam thì làm sao chúng ta ngày nay có duyên mà đi tu, có chùa mà tập tu, có được giáo lý mà hiểu. Dĩ nhiên là phải có chư Tổ truyền thừa đặc biệt. Vậy mà chúng ta lại quên hệ thống truyền thừa đó. Thật là khuyết điểm lớn, phải không?

Bởi vậy khi thành lập Thiền viện Trúc Lâm tôi muốn nói lên rằng đây là Thiền viện tu theo đạo Phật, nhưng nó được truyền thừa từ chư Tổ Việt Nam cho đến ngày nay. Nó không phải chịu sự hướng dẫn của những vị ở bên Nhật, ở Trung Quốc, mà trực tiếp là người Việt Nam. Đó là điều tôi nhắm.

Bởi vậy, những đôi liễn này, tuy tôi không giỏi về văn chương, nó không hay, nhưng tôi không cho ai sửa, vì đó là cái ý tôi muốn nói lên cho người sau biết. Vậy mà quí chú ở đây một năm rồi vẫn không thuộc, có đáng trách không? Điều tôi muốn nói, muốn nêu lên mấy chú lại không hiểu. Nên tôi mới đặt câu hỏi để mấy chú ý thức rằng việc làm của tôi có lý do, có cái nhìn như thế nào. Mấy chú ở đây phải hiểu tinh thần đó thì mới xứng đáng là người ở Trúc Lâm, chớ ở mà chỉ biết tu rồi thôi, không biết cái gì xung quanh mình hết! Không tự hỏi tại sao Thầy bày ra như vậy, tại sao Thầy lập nên như vậy!

Vậy là chính từ hình ảnh con chim phụng hoàng tôi thấy trong mộng rồi biến mộng thành cái thực. Đêm đó, tôi ngồi dậy diễn tả Thiền viện Trúc Lâm bằng cách này cách kia rồi làm liễn luôn. Lúc đó là năm 1986, đến năm 1993 là bao nhiêu năm? À, bảy năm, trong bảy năm đó, không xin đất được, tôi tưởng rằng giấc mơ đã chìm trong lãng quên rồi. Có khi nói chuyện với quí Phật tử thân tín, họ hỏi tôi: “Thầy xin đất Đà Lạt được chưa?” Tôi nói: “Chắc là mộng, mộng là không có.”

Tôi khi mộng lại hứng làm đủ chuyện, còn ghi rõ ràng ngày giờ ở đây để quí vị biết đây không phải tưởng tượng, mà là sự thật của tôi. Bởi giấc mộng thấy chim phụng hoàng nên khi được lên đây cất Thiền viện, tôi liền để tên núi là “Phụng Hoàng”, cho quí vị nhớ lý do gì mà có Thiền viện này.

Quí vị mới thấy rằng việc làm của chúng ta không phải ngẫu nhiên, mà có cái duyên đâu từ thuở nào. Có lẽ tôi ra đời cũng là sự dẫn dắt của vị nào đó muốn tôi ra đây làm việc này, nên chuyện chư Tổ ngày xưa xa lơ xa lắc giúp mình, sao cứ muốn khơi dậy, sao không yên tâm như các chùa ngồi yên tu, người ta sao mình vậy tu tới chết thôi.

Tôi muốn làm sao sống dậy hình ảnh của người xưa tu hành đáng quí đáng kính, và chúng ta là người kế thừa được những của báu đó. Vì những của báu đó bị quên lãng cho nên bây giờ chúng ta phải khôi phục lại.

Muốn khôi phục lại thì trước tiên phải có cơ sở để có hình thức. Cơ sở đó là Thiền viện Trúc Lâm. Kế nữa, chúng ta phải lượm lặt những tư liệu của chư Tổ ngày xưa còn sót lại, tìm hiểu cho tường tận. Thứ ba là chúng ta thực hành cho có kết quả. Như vậy mới thật sự làm sống dậy tinh thần của hệ phái Trúc Lâm Yên Tử. Không phải chúng ta muốn làm sống dậy là cứ nói khan, vậy không thực tế.

Đầu tiên là phải có cơ sở, có cái chùa, có Thiền viện, có những gì gợi cho người ta nhớ. Kế đó chúng ta phải hiểu được những gì người xưa đã ứng dụng và giảng dạy, lượm lặt hết để ghi lại thành những tập sách cho người sau thấy còn có tài liệu. Rồi thứ ba là phải ứng dụng tu có kết quả. Nếu nói người xưa dạy như vậy là hay, là cao siêu, mà mình bây giờ tu không được thì kêu gọi người ta tu theo để làm gì? Trước hết là mình phải tu được.

Đó là cả ba vấn đề.

Vấn đề thứ nhất là hình thức, đó là Thiền viện Trúc Lâm, phần cơ sở chúng ta tạm ổn. Thứ hai là khai thác lại những tư liệu của người xưa còn bị quên lãng. Chúng ta làm cho nó sống dậy, cho mọi người thấy cái hay, cái quí đó. Đây là việc tôi đang làm, đang giảng dạy.

Thứ ba là phải tu hành cho có kết quả tốt đẹp, chừng đó mình nói mọi người mới tin. Nếu nói đạo Phật hay, người xưa hay, chư Tổ hay mà bây giờ tôi không hay, tu không được thì biểu ai tu bây giờ? nói lại để làm gì? Cho nên mình phải làm được.

Vậy, chuyện đó là chuyện của ai? chuyện của mấy chú, mấy cô hay chuyện của tôi? Hai chuyện trước là do tôi, tôi chủ xướng cất chùa, tôi chủ xướng giảng dạy, nhưng hành được kết quả hay không là quí vị. Quí vị phải nỗ lực đem hết tâm tư mình mà thực hành.

Với giấc mộng của tôi, tôi tin rằng sẽ có kết quả tốt. Tại sao? Vì tôi thấy ở Thường Chiếu mình cũng rất đông đảo, nhưng chỉ là con sư tử nhỏ bằng ngón chân thôi. Trên này là con phụng hoàng rất to, cần cổ nó cả ôm thế này. Tôi tin rằng Phật sự ở đây sẽ kết quả tốt, mà kết quả tốt là trông cậy vào Tăng và Ni.

Tôi không nghĩ một trăm, hai trăm Tăng Ni mới là kết quả tốt. Tôi chỉ nghĩ bên Tăng chừng ba mươi người, bên Ni chừng ba mươi người, mà tu đắc lực, có hiệu nghiệm, có kết quả, đó là tốt rồi. Chúng ta thực hành được, cái đó mới quí, chớ đông người mà không ra trò trống gì thì đông cũng là số không thôi. Vì vậy tôi chỉ cần mỗi bên ba mươi người thật tu, có hiệu nghiệm, có kết quả. Đó là điều rất đáng mừng, chớ không phải phát triển rộng, nhiều mới quí.

Như vậy, giai đoạn đầu tiên, từ mộng đã biến thành thực: có chùa rồi, có những cái gì tôi muốn làm rồi. Kế đến, bây giờ là giai đoạn chúng ta gom nhóm tư liệu của người xưa giảng dạy, soạn thành tập, làm căn bản cho sự tu hành ở đây. Đồng thời Tăng Ni công phu tu hành đắc lực, có kết quả.

Như vậy, ngọn đuốc của người xưa chúng ta mồi được cháy, rồi chúng ta lại mồi tiếp tục cho nhiều người, đó là mình soi sáng cho thế gian. Không phải chúng ta tu chỉ để mà tu, không phải tu để chờ tới chết, được Phật rước về Cực Lạc yên thân. Chúng ta tu để sáng đạo. Từ sáng đạo, chúng ta hướng dẫn cho mọi người thấy được giá trị của Phật pháp.

Trong đời tôi, nhiều khi có những chuyện tôi nói đùa chơi mà nó biến thành sự thật. Như những năm về trước có quí Thầy khuyến khích tôi học tiếng Anh để cùng quí Thầy ra ngoại quốc học này kia cho vui. Đồng lứa với tôi trước hết là thầy Nhất Hạnh. Khi tôi còn ở Phương Bối, Thầy sắp đi Mỹ nên mua những cuộn băng tiếng Anh về học. Học một mình buồn quá, Thầy rủ tôi học chung. Tôi nói: “Thôi! Thầy tính đi thì học chớ tôi ở Việt Nam muôn đời, tôi không đi đâu hết, học chi cho uổng mất thời giờ. Tôi không học.”

Kế là lúc ở Ấn Quang có thầy Huyền Vi. Những năm sắp đi Ấn Độ, Thầy cũng học chữ Anh, rước giáo sư về dạy. Học một mình buồn cũng rủ tôi học. Tôi nói: “Thôi! Tôi không học, tôi là người Việt Nam.” Tôi có nói dóc một câu: “Tôi tu. Sau này ai muốn học với tôi, muốn tu với tôi thì phải học tiếng Việt Nam, chớ tôi không học tiếng người ta.”

Bây giờ có những người ngoại quốc tới, muốn hỏi đạo với tôi, tôi không biết tiếng ngoại quốc rồi làm sao? Như hôm qua có cô Mỹ hỏi: “Sách Thầy có dịch ra tiếng Anh chưa?” Tôi trả lời cho mấy vị thông dịch lại là chưa có cuốn nào dịch ra tiếng Anh hết. - “Vậy làm sao tụi con đọc?” Tôi trả lời: “Cô học tiếng Việt đi!”

Những điều tôi nói chơi, từ từ nó gần như có thật. Bản chất tôi là người Việt Nam, lỡ sanh ở xứ Việt Nam tôi phải làm tròn bổn phận của người Việt Nam. Ai cần tìm hiểu gì nơi tôi phải ráng học tiếng Việt Nam nói chuyện với tôi, chớ tôi không có thì giờ học tiếng họ. Như có một cô Phật tử người Đức qui y với tôi, bắt đầu học tiếng Việt Nam dưới Sài Gòn. Còn một cô người Mỹ gốc Do Thái cũng qui y với tôi, rồi cũng bắt đầu học tiếng Việt Nam. Tôi nói: “Ai muốn hiểu đạo lý Việt Nam thì phải học tiếng Việt Nam, vì tôi không có thời giờ học tiếng nước ngoài.”

Như vậy không phải là mình tự cao, nhưng tôi nghĩ bổn phận mình là người Việt Nam, đang tu học, đang tìm kiếm những tài liệu sách vở Việt Nam, suốt đời mò mẫm chưa hết, còn thì giờ đâu để học thêm cái khác nữa. Mình làm xong phần Việt Nam rồi, chừng đó muốn làm thêm gì nữa thì làm. Trừ những vị có duyên lúc trước đã học tiếng ngoại quốc sẵn rồi mới đi tu, thì chuyện đó sao cũng được. Còn mình chữ Việt viết sách chưa xong, kinh điển chữ Hán dịch không nổi, lo học tiếng ngoại quốc để làm gì?

Vậy nên chúng ta phải làm những việc trong khả năng mình, trong tầm tay mình trước, chừng nào dư thừa mới làm việc khác. Chớ trong khả năng mình không chịu làm, muốn làm cái khác, rốt cuộc không tới đâu. Chủ trương của tôi thực tế như vậy.

Qua những hình ảnh đó, quí vị thấy chuyện gì đã xảy ra không phải không có lý do. Nhưng nãy giờ tôi chỉ nói tổng quát, chưa vào chi tiết. Sau khi nằm mộng rồi tôi phấn khởi trong lòng, nghĩ chắc mình có duyên ở Đà Lạt. Hồi xưa tôi cũng hay nói tôi thương mấy cây thông lắm. Không biết sao tôi thích thông và thích ở núi, đó là hai thứ tôi thích.

Bởi vậy, sau khi nằm mộng khoảng tuần lễ, có mấy Phật tử ở Bình Dương lên thăm, tôi nghĩ mình tìm đất thử coi, nếu có duyên. Rồi tôi rủ quí vị đó đi vào đập Đa Thiện, hôm đó có thỉnh Hoà thượng Linh Sơn cùng đi. Vô Đa Thiện rồi lên mấy ngọn đồi nhìn xuống hồ, vì phải có hồ có suối tôi mới chịu. Tôi nhìn những ngọn đồi cao, cây thông cũng dễ thương, nhìn kiếm chỗ nào mình thích, tương đối cũng bằng lòng sơ sơ. Đi về, tôi định chuẩn bị làm giấy tờ xin. Nhưng chưa làm giấy thì mấy Phật tử rủ đi Tuyền Lâm chơi, tôi cũng đi nữa.

Vô đây tôi thấy rất là hoang sơ. Đa Thiện ồn, còn ở đây chưa có nhà cửa, chỉ toàn là cây thông, nên tôi thích. Tôi nghĩ có lẽ xin ở đây, bèn hỏi mấy chú đưa đò:

- Đất đây có chủ chưa?

- Không có chủ.

- Mình xin được không?

- Được.

Nghe nói được tôi mới nhờ mấy Phật tử làm đơn từ để xin. Như vậy là cuối năm 1986 bắt đầu làm đơn xin đất ở đây để cất Thiền viện. Đầu tiên tôi xin tuốt trong kia, qua khỏi đảo này vô trong nữa, nghĩa là chỗ “khỉ ho cò gáy”. Tôi không dám xin ngoài này, vì tôi nghĩ mấy chỗ thị tứ mình dễ gì đặt chân tới được, thôi ráng núp tuốt trong đó, hoạ may còn xin được.

Lúc đầu tôi xin trong đó. Họ trả lời mấy dược sĩ ở Sài Gòn đã xin rồi. Tôi thất vọng, thôi xin chỗ kế đó, mấy cái đảo giữa này. Rồi cũng trậm trầy trậm trật năm này qua năm kia, kéo dài mãi đến năm 1991. Năm đó tôi bệnh nhiều nên nhập thất để trị bệnh. Có một ít Phật tử đến hỏi tôi: “Vụ xin đất ở Đà Lạt xong chưa?” Tôi nói: “Thôi, chắc là mộng rồi đạo hữu ơi”, nghĩ chắc là mộng mị không bao giờ có.

Từ 1986 đến 1991 là năm năm mà không ra gì, tưởng trôi luôn. Nhưng mấy đạo hữu đó lại hỏi: “Thầy đưa giấy tờ cho con coi.” Tôi lục hết giấy tờ đưa cho họ. Quí vị nói: “Thôi Thầy để tụi con xin thử, coi được không.” Tôi trả lời: “Bây giờ tôi khoán trắng cho quí đạo hữu đó, chừng nào quí đạo hữu xin được, hợp pháp đàng hoàng, tôi mới bắt đầu khởi công. Còn bây giờ tôi giao hết giấy tờ, lo nhập thất thôi, tôi không biết gì nữa hết!” Vậy mà cuối năm 1992 thì được. Vừa được giấy tờ, tôi lên đây chuẩn bị khởi công. Năm 1993 bắt đầu lo cất nhà khách tạm, đặt viên đá đầu tiên, đến năm 1994 khánh thành.

Như vậy từ cái hư đã biến thành thật, từ mộng mị bây giờ biến thành hình thức cụ thể như thế này. Nên tôi tin rằng Phật pháp Việt Nam không phải chìm lặng như vậy mãi, có thể sẽ sáng sủa hơn. Do đó những điều tôi chưa dám nghĩ, bỗng dưng khiến cho tôi thấy được những điềm lành để tôi khởi nghĩ. Từ khởi nghĩ rồi biến thành sự thật.

Những điều tôi khởi nghĩ nay tạo thành hình thức cụ thể rồi, đã thành công phần nào, thì những giai đoạn sau, tôi tin rằng sẽ sáng sủa hơn, không còn tối tăm nữa. Vì vậy tôi đặt hết lòng tin ở Tăng Ni. Quí vị ráng tu làm sao để cho mơ ước của tôi hay lý tưởng tối hậu của tôi được kết quả đúng như sở nguyện. Đó là chỗ trông đợi của tôi. Không lẽ chặng một chặng hai mình được, còn chặng ba lại để nó trôi vuột thì rất là uổng, công sức của mình thành ra phí đi.

Hôm nay ngày Tất niên, tôi ôn lại những chuyện cũ để nhắc cho tất cả Tăng Ni biết những gì tôi đã làm, làm với tâm thành do Tam Bảo xui khiến, đưa đẩy. Bây giờ tôi làm được một, hai phần nhỏ rồi, còn phần thứ ba lớn nhất, lâu dài nhất, kết quả tốt nhất là phần dành cho Tăng Ni hiện có mặt. Vậy tất cả quí vị ráng nỗ lực tu hành, làm sao mà năm, bảy năm trước khi theo Phật, tôi vui vẻ nhìn thấy công tác của mình được thành tựu viên mãn.

Quí vị thấy ở trước thất tôi trồng hai bồn bông đã nói lên sở nguyện rồi, nghĩa là sở nguyện tôi mong được vuông tròn. Bây giờ mới vuông tròn có phân nửa thôi, còn méo chớ chưa tròn. Chừng nào Tăng Ni tu đắc lực thì chừng đó mới thật là vuông tròn, không thì nó là mặt trăng lưỡi liềm mất, phải không? Đó là điều mơ ước, trông đợi của tôi.

Vậy nên trách nhiệm của Tăng Ni ở đây không phải nhẹ. Nghĩa là quí vị phải dồn hết tâm lực, làm sao tu để có kết quả tốt, tự cứu được mình và rồi sẽ cứu được mọi người. Như vậy vừa tròn sở nguyện của người tu, vừa duy trì được chánh pháp lâu dài. Nếu mình lôi thôi thì uổng một đời tu, lại làm cho chánh pháp suy tàn nữa.

Hôm nay là ngày Tất niên, tôi nói hết tâm tư tôi cho quí vị biết để rồi quí vị cố gắng nỗ lực tu hành. Đó là kết thúc buổi tiệc Tất niên hôm nay.

Nam-mô Phật Bổn sư Thích-ca Mâu-ni.

Mục Lục