Thiền Tông Việt Nam
Xuân Phụng Hoàng Tập 1 (2004)
Lễ Phổ Trà Ất Hợi

Trước hết tôi tuyên bố lý do tiệc trà hôm nay. Theo như thường lệ, ở Thiền viện cứ mỗi năm vào tối ba mươi tháng đủ, hai chín tháng thiếu thì có một “Tiệc trà tất niên” hay còn gọi là “Đêm phổ trà”. Ở thế gian, vào cuối năm thường có buổi liên hoan Tất niên, để kiểm điểm các công tác, sự việc xảy ra trong năm, những gì hay, dở, rút tỉa kinh nghiệm, chuẩn bị cho năm tới. Trong chùa cũng mượn tổ chức của thế gian, tức là đạo và đời không tách biệt nhau, chúng ta cũng có buổi trà tất niên.

Ở Thường Chiếu và các Thiền viện khác gọi là ăn tất niên, nhưng lên đây chư Tăng, chư Ni không được ăn chiều, nên nói “Tiệc trà tất niên” thôi, chớ không gọi là ăn được. Ăn thì trái với luật lệ cho nên gọi là tiệc trà tất niên. Trong tiệc trà tất niên này vì e ngồi khuya xót ruột, uống trà ngủ không được, nên có chế biến một chút, được uống một tách sữa dằn bụng cho khỏe, rồi nói chuyện và tiếp tục uống trà. Tôi nói lý do cho quí vị hiểu, kẻo nói ăn tất niên mà tới chỉ uống tách sữa rồi về, không có gì hết.

Vậy mời mỗi người uống một tách sữa thay vì ăn tất niên. Mình uống sữa tất niên rồi uống trà sau. Trong buổi này quí vị thấy không phải nghiêm chỉnh như những buổi giảng, mà có tánh cách là buổi tất niên vui vẻ.

Buổi nói chuyện hôm nay tôi chia ra hai phần: Phần thứ nhất là kiểm điểm lại mình đã tu hành tiến bộ thế nào trong một năm qua. Phần thứ hai là tu hành còn những gì sơ sót, chưa được tốt, chúng ta sẽ xét lại để bổ túc. Nhưng tôi thích nói những gì dở trước, phần hay nói sau. Kế đó, tôi trình những món quà của Tăng Ni Phật tử chúc mừng năm mới cho tôi, để quí vị thấy kết quả trong thời gian tu hành vừa qua của Tăng Ni và Phật tử gần xa như thế nào, cho quí vị vui một chút.

Đầu tiên mời quí vị uống hết tách sữa, uống trà bổ túc rồi sẽ nói chuyện. Tất cả quí Phật tử cũng có phần, uống hết rồi mới nghe nói chuyện chớ đừng e dè. Uống từ từ đừng gấp, sữa nóng.

Tưởng rằng ở đây hơi xa, quí Phật tử khó tới dự, nhưng nhìn thấy cũng có một số Phật tử nam nữ ráng đến dự tiệc trà, vậy là rất tốt. Như mọi năm ở Thường Chiếu, Phật tử đông lắm. Buổi tối này gọi là Tiệc trà tất niên, buổi sáng mai mới gọi là chúc Tết đầu năm.

Chúc Tết đầu năm có hai phần: Phần thứ nhất là chư Tăng của nội viện Tăng và chư Ni của nội viện Ni, mỗi bên có người đại diện chúc Tết. Nếu Phật tử có đại diện thì cho quí Thầy biết, mai dành phần cho, còn không có thì thôi. Kế đó tôi sẽ có lời nhắc nhở đầu năm cho tất cả Tăng Ni và Phật tử. Sáng mai tám giờ bắt đầu lễ chúc Tết. Vì ngày mồng một là lễ vía đức Di-lặc, nên mười giờ chư Tăng lên chánh điện hết để cùng Phật tử lễ vía luôn, bên Ni thì làm lễ ở nội viện.

Quí Phật tử có đủ sữa trà không? Trong thời gian uống sữa, trà, tôi bắt đầu nói chuyện tuần tự cho quí vị nghe.

Trước hết, chúng tôi kiểm điểm lại những gì trong năm qua, tức là năm thứ hai của Thiền viện Trúc Lâm, chúng ta thực hiện chưa được vuông tròn. Kế đó chúng tôi sẽ nói những gì năm qua chúng ta thực hiện được tốt. Năm thứ hai này chúng ta cũng có phần giảm công tác. Vì năm thứ nhất hoàn toàn dành cho xây dựng, sự tu hành tuy có mà không thấm vào đâu. Sang năm thứ hai, công tác bắt đầu được giảm. Giảm công tác thì phải tăng sự tu hành cho có kết quả.

Kiểm lại, hồi đầu năm thứ hai này, tôi có nói đặt nặng việc thực hiện cho được tinh thần lục hoà. Nhưng lục hoà chia làm hai phần: lục hoà sự tướng và lục hoà ở nội tâm.

Sự tướng như thân hoà đồng trụ, lợi hoà đồng quân, khá hơn chút nữa là khẩu hoà vô tránh. Thân hoà, khẩu hoà rồi tới lợi hoà, ba cái đó chúng ta phải thực hiện cho đủ, cho được. Rồi năm tới, tức năm thứ ba, phải thực hiện cho được ý hoà đồng duyệt, giới hoà đồng tu và kiến hoà đồng giải. Trong ba năm, thực hiện sáu điều hoà đó. Ba cái sau hơi khó nên tôi để năm sau.

Bây giờ kiểm lại năm nay, tức đến ngày nay là kết thúc, trong ba điều thân hoà, khẩu hoà, lợi hoà, tất cả Tăng Ni trong nội viện tự kiểm lại xem mình đã thực hiện đầy đủ chưa?

Thân hoà đồng trụ là ăn, mặc, ngủ, nghỉ, công tác... mình đều hoà đồng nhau. Khẩu hoà vô tránh là lời nói hoà nhã êm ái không tranh cãi to tiếng. Lợi hoà đồng quân là tất cả tài lợi trong Thiền viện đều cùng chia sớt bình đẳng, không ai hơn ai kém. Ba điều đó Tăng Ni kiểm lại xem mình đã thực hiện tròn đủ chưa?

Trước hết là bên Tăng, Quản chúng xét thấy được hết chưa?

Nam-mô Phật Bổn sư Thích-ca Mâu-ni.

Kính bạch Thầy, kính thưa toàn thể đại chúng,

Trong năm rồi, theo tinh thần Thầy chỉ dạy, qua ba điều hoà trên về phần sự, theo con thấy thì tương đối chớ tuyệt đối chưa được. Cũng có mấy huynh đệ hay nóng nóng, nói hơi mạnh tiếng một chút.

- Nghĩa là khẩu hoà chưa được tròn phải không? Lợi hoà có tròn chưa?

- Bạch Thầy, lợi hoà thì những gì của chúng, trong viện chia đều hết.

- Nhưng lâu lâu, ai được tiền riêng có cất để muốn sắm gì thì sắm không?

- Dạ, sắm riêng không có, nhưng như ở nhà cho vải thì tới trình xin may, khỏi lấy của viện.

- Nhưng may thêm vậy là đủ hay dư?

- Dạ, may đủ. Có mấy vị ở nhà gởi cho bánh trái thì có khi xin đem về Tăng đường chia. Không ăn riêng mà có chia.

- Nghĩa là chỉ riêng cho một Tăng đường thôi?

- Dạ, có khi chia đủ hai Tăng đường, nhưng không chia trên Quá đường.

- Như vậy cũng còn sót chút chút. Còn gì nữa hết? Giờ đến bên Ni. Quản chúng Ni kiểm lại coi trong năm qua, ba điều đó chúng thực hiện hết chưa?

Nam-mô Phật Bổn sư Thích-ca Mâu-ni.

Kính bạch Thầy, kính thưa toàn thể đại chúng.

Theo lời Thầy hỏi, chúng con xét thấy phần khẩu hoà đôi khi chúng con cũng có những lời nói chưa được ổn nhưng mà tương đối trong chúng vẫn hoà vui. Phần lợi hoà thì tuyệt đối chúng con chia đều, không có chuyện riêng tư, đôi khi có huynh đệ tự ý đan nón đan vớ thêm chút ít, nên con thấy cũng chưa được toàn vẹn. Chúng con xin trình lên Thầy liễu tri cho.

- Đó là nói về phần lục hòa, là nếp sống đạo đức của Tăng Ni Thiền viện. Còn phần nữa là sự tu hành của Tăng Ni trong Thiền viện. Suốt năm qua, về đường lối tu cũng như tinh thần tu của Tăng Ni, quí vị kiểm lại coi tiến bộ nhiều ít, hay là có điều gì thiếu sót, cho tôi biết để kết thúc năm nay, chuẩn bị cho sang năm.

Trước hết bên Tăng kiểm lại thử coi. Quản chúng đại diện.

Nam-mô Phật Bổn sư Thích-ca Mâu-ni.

Kính bạch Thầy, theo lời Thầy chỉ dạy, con kiểm lại việc tu hành của chư Tăng trong năm qua. Về hình thức, thời khóa, ngồi thiền và tụng kinh thì thấy ngồi thiền đa số có tiến bộ. Lúc đầu ngồi chưa được lâu vì còn mới, bây giờ đã tiến bộ nhiều, những buổi đi kiểm thiền thấy ngồi rất nghiêm chỉnh. Tuy nhiên cũng có lúc giải đãi, chớ không phải hoàn toàn như vậy.

- Nhưng mà ngồi đúng hai giờ chưa?

- Dạ, đúng hai giờ thì chỉ một số ít thôi chớ chưa hoàn toàn hết. Mấy vị lớn thì đã quen, một số vị nhỏ nhỏ có tiến bộ, nhưng thường chỉ một tiếng rưỡi tới một tiếng bốn lăm phút, chớ hai tiếng trọn vẹn trong cả ba thời thì chưa được nhiều.

- Còn tinh thần tu trong chúng?

- Con thấy trong chúng có tinh thần tu tha thiết. Khi tu có những lúc yên ổn, an lạc, có niềm vui, nhưng đôi khi cũng có vài vị giải đãi. Thưa Thầy, nếu xét chung thì có tinh thần tiến bộ. Tuy nhiên, thỉnh thoảng cũng có giải đãi không sao tránh khỏi. Mong rằng sang năm tới, xin Thầy có lời khích lệ để chúng tu tiến hơn.

- Còn bên Ni thì sao?

- Kính bạch Thầy, xét tinh thần chúng tu, con biết rằng huynh đệ chúng con ai cũng quyết chí tiến tu, nhưng vì tập khí lâu đời, cũng có những lúc dở. Tuy nhiên huynh đệ rất cố gắng, giờ thiền ráng ngồi đủ hai tiếng. Thỉnh thoảng cũng có người đi xuống sau khi xả thiền, không đợi hồi hướng, viện lý do này kia, nhưng con cũng thông cảm chắc cũng khó chịu gì đó. Đa số đều cố gắng ngồi cho hết giờ, một vài huynh đệ có trở chân chút ít. Về tâm nguyện tu hành, chúng con thấy đôi lúc cũng có sơ sót, lỗi lầm, được Thầy nhắc nhở, các huynh đệ sám hối, rồi vui vẻ tinh tấn tu hành tốt.

Theo con nhận xét về phần tu tập, trong chúng có cái hay và cũng có cái dở. Con mong rằng nhờ đủ duyên ở gần Thầy, được Thầy khuyến khích nhắc nhở, huynh đệ chúng con không dám lơ là, lúc nào cũng cố gắng. Nam-mô Phật Bổn sư Thích-ca Mâu-ni.

Đó là báo cáo của hai bên nội viện Tăng và nội viện Ni. Bây giờ theo cái nhìn tổng quát của tôi, tất cả quí vị kiểm nghiệm lại có đúng hay không. Theo nguyên tắc chúng tôi nói năm rồi, Tăng Ni phải thực hiện ngồi thiền hai giờ, mỗi thời đều phải như vậy. Nhưng bên Tăng còn thấy trục trặc chút chút, chưa trọn hai tiếng. Bên Ni dường như ráng ngồi đủ hai tiếng, có một hai người trở chân chớ không phải tất cả. Như vậy thấy tinh thần tu quí vị có cố gắng.

Khi xưa tôi ở Chân Không bắt đầu dạy cho Tăng Ni ngồi thiền, có những vị lớn như quí Sư bà cũng ra tập tu. Khi ngồi thiền tôi tập cho bắt đầu ngồi một tiếng, lần lần tiếng rưỡi, rồi hai tiếng. Khi ngồi một tiếng được rồi, tiến lên mười lăm phút nữa, quí vị nói: “Giả sử Thầy cho tụi con ra gánh một trăm đôi nước còn khỏe hơn ngồi mười lăm phút chót.”

Vậy là mười lăm phút đó khổ sở vô cùng. Từ tiến mười lăm phút cho tới đủ hai giờ, lúc nào mười lăm phút sau cũng khổ lắm. Nhưng vì nỗ lực tu nên Tăng Ni luôn cố gắng, dù có đau chân, dù có khó chịu, cũng ráng ngồi cho đúng mức của mình là hai tiếng đồng hồ. Đó là điều tôi thấy nỗ lực ghê gớm lắm.

Tăng Ni đã cố gắng như vậy là tốt, nhưng phải làm sao đến năm thứ ba này, không còn lý do gì mà không ngồi được hai tiếng hết, tất cả phải làm cho được. Năm thứ nhất châm chước vì lao động. Năm thứ hai còn tha thứ vì đang ráng chưa thể tới mức chót. Năm thứ ba là nhất định phải tới mức chót, Tăng Ni phải ngồi đủ hai tiếng đồng hồ. Đến cuối năm tới tôi gắt gao hơn, cuối năm tôi đi kiểm tra để coi ngồi đủ hai tiếng hay không. Tôi đặt chỉ tiêu cho quí vị là phải ngồi tròn hai tiếng chớ không thiếu được, đó là cái yếu của Tăng Ni còn sót lại.

Kế đó là theo nhận định của tôi, bên Tăng cũng như bên Ni, sự tu hành ai cũng nỗ lực cố gắng tối đa, nhưng vì tập khí nhiều đời, thỉnh thoảng tôi cũng thấy những cái còn yếu, còn kém.

Bên Tăng cái yếu là dễ giận, quí vị còn không? Có khi trái ý nói nhỏ không được, nói hơi to. Nói to tức là ở trong nó nóng rồi mới la lớn. Ở trong nguội đâu có la lớn, phải không? Như vậy là còn cái nóng chút chút ở trong, chớ chưa nguội thật, đó là tôi thấy bên Tăng. Còn bên Ni trường hợp này ít, không thấy la lớn, nhưng hình như cũng còn thưa kiện, tôi phải xử kiện nhiều. Tôi nghĩ rằng năm tới chắc bớt xử kiện, còn bên Tăng sẽ được nhẹ nhàng hơn. Đó là những điều tôi thấy còn yếu, còn thiếu sót.

Tất cả chúng ta tu, mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm, phải tiến chớ không thể nào dừng được. Nếu dừng lại là chúng ta lùi rồi. Cứ đến cuối năm chúng ta kiểm lại để thấy rằng sự tu tập của mình một năm qua chưa tiến được bao nhiêu, mà tuổi tác thì nhất định phải tăng chớ không có dừng. Có người nào cuối năm nói, tôi nay hai mươi mốt, năm tới cũng hai mươi mốt nữa, được không?

Nhất định năm tới là hai mươi hai. Nếu người ba mươi thì năm tới phải ba mươi mốt, không thể dừng.

Tuổi tác không dừng còn sự tu lại dừng, đó là điều không thể chấp nhận, như vậy là không theo kịp nhau. Đời sống mình, ai bảo đảm được tám mươi, chín mươi tuổi mới chết? Có khi năm mươi, sáu mươi, hoặc còn nhỏ hơn nữa. Vì vậy chúng ta tu không thể nào chần chờ để cho tuổi thọ tăng mà đức hạnh không tiến, điều đó không thể được.

Do đó đức Phật thường dùng thí dụ: “Cứu lửa cháy đầu.” Mình tu phải gấp, phải như người cứu lửa đang cháy trên đầu vậy (nếu đầu có tóc, chớ đầu chúng ta chắc khó cháy). Đầu có tóc mà mắc kẹt một đốm lửa trong tóc, nó cháy lên mình có thong thả rửa mặt rửa mày rồi mới phủi nó? hay là phủi liền? Vừa biết lửa rớt trên đầu mình là vội phủi liền, không chần chờ chút nào hết.

Sự tu hành cũng vậy, phải luôn luôn thấy điểm nào xấu, điểm nào dở trong tâm tư mình là gạt bỏ liền, không để nó kéo dài. Đó là thứ nguy hiểm, không thể chấp chứa được. Sự tu hành của chúng ta, lúc nào cũng phải cố gắng, phải vươn lên chớ không thể chần chờ, vì vô thường đuổi gấp.

Qua một năm quí vị thấy mình đã mất hết một tuổi rồi, nếu tu hành không tiến thì làm sao cho kịp với tuổi thọ của mình. Cho nên mình phải ráng tu, không thể chần chờ được. Đó là tôi nhắc phần yếu kém của quí vị. Quí vị ráng nhớ vươn lên chớ không nên dừng lại, cũng không nên lùi, hai điều đó là không thể được. Lúc nào cũng phải tiến, đó là điều thiết yếu.

Bây giờ tới phần kế, tôi nói về một số vị đã có tiến ở trong nội viện Tăng và nội viện Ni. Qua một năm, có những vị đã trình bày riêng cho tôi biết sự tiến bộ trong việc tu hành, tôi lấy làm hoan hỉ. Nếu việc làm của mình đổ bao nhiêu công, của, bao nhiêu tinh thần chăm lo, mà không có kết quả thì tự nhiên mình phải buồn. Còn nếu mình đem hết tâm lực để lo cho Tăng Ni, thấy có kết quả thì đó là niềm vui của tôi.

Trong năm qua, có một số Tăng Ni, những khi tôi hỏi riêng thấy trình bày có bước tiến đáng mừng, nên tôi khẳng định câu tôi thường nói với Tăng Ni và Phật tử rằng: “Có tu là có tiến, chỉ mình không chịu tu thì không tiến thôi, chớ ai quyết tâm tu nhất định đều có tiến. Chỉ khác nhau kẻ mau người chậm chớ không ai không tiến.”

Điều đó tôi thấy rõ ràng, nên cuối năm thật tình tôi cũng có những việc buồn, nhưng cái buồn đó nhỏ, còn cái vui thì lớn, nhiều hơn. Bởi vì khi tôi nhận được những tin tức tu hành tiến bộ của Tăng Ni, tôi thấy đó là điều đáng mừng. Nghĩ rằng tuổi thọ của tôi mỗi năm một giảm, nếu Tăng Ni cứ ì một chỗ không tiến bước nào, thì đó là cái lo của tôi. Nhưng ngày nay tôi thấy Tăng Ni có tiến, đó là điều mừng, tôi bớt lo, biết rằng mai kia tôi ra đi, có người thay thế lo lắng những gì đáng làm để cho Phật pháp lâu dài. Phần tiến bộ đó tôi đã nhận được từng người riêng.

Kế đến là phần trình bày những tiến bộ nổi của Tăng Ni, Phật tử qua kiến giải trình cho tôi bằng kệ, bằng những lá thư, để cho tất cả quí vị nghe, biết sức tu hành của Tăng Ni thật sự, chớ không phải chúng tôi nói suông theo ý nghĩa thường. Trước khi đọc, tôi xin nói điều này ngừa trước, gọi là thuốc ngừa bệnh. Có nhiều người đề nghị những bài thơ, kệ của Tăng Ni Phật tử tu có tiến bộ, tôi nên đọc lên và kể tên vị đó ra, để khuyến khích mọi người cố gắng tu tiến. Nhưng tôi không chấp nhận điều đó. Tôi sẽ đọc, nhưng những bài thơ, bài kệ đó coi như vô danh, không nói của ai hết, chỉ đọc để chứng minh có sự tiến bộ trình cho tôi. Tôi không kể tên, tại sao vậy? Bởi vì qua kinh nghiệm của tôi và lời chỉ dạy của đức Phật, tôi biết điều đó không nên kể tên rõ ràng.

 Tôi nhắc lại cho chư Tăng Ni và Phật tử hiểu. Thứ nhất là tôi đọc trong Trung A-hàm, có một bài kinh kể một ngoại đạo tới hỏi Phật nhiều câu hỏi, có một câu thế này:

- Thưa ngài Cồ-đàm, đệ tử của Ngài tu có những người ngộ đạo không?

Phật nói:

- Có, đệ tử của ta tu có những người ngộ đạo.

Ông ta hỏi thêm:

- Thưa ngài Cồ-đàm, những người ngộ đạo đó rồi sẽ được Niết-bàn hết, hay có người được, người không được?

Phật trả lời:

- Những người ngộ đạo đó có người được Niết-bàn, và có người không được Niết-bàn.

Ông ngoại đạo bẻ lại:

-  Tại sao ngộ đạo rồi có người được Niết-bàn, người không được?

Đức Phật giải thích bằng một thí dụ:

- Ví như có hai người cùng bị bắn tên độc vào tay. Biết tên độc, họ liền cho rước thầy thuốc mổ lấy mũi tên ra, đồng thời cho thuốc khử độc. Khi mổ lấy tên rồi, khử độc xong, người thầy thuốc dặn: “Từ đây về sau các anh ráng gìn giữ đừng để nhiễm trùng, nhiễm trùng nguy hiểm.”

Một người mổ xong rồi tự nghĩ rằng: Mũi tên độc mình đã nhổ ra và đã có thuốc khử độc rồi, có gì nữa mà sợ. Anh ta xông pha những chỗ dơ, những chỗ không tốt, bị nhiễm trùng làm độc lại, thì người đó làm sao? - Chết.

Còn người thứ hai tuân theo lời thầy thuốc, nghĩa là sau khi mổ, lấy tên và khử trùng xong, anh gìn giữ rất tinh sạch, nhờ giữ sạch sẽ nên được lành luôn, mạnh khỏe.

Vậy Phật nói thí dụ hai người cùng bị tên độc, cùng được mổ lấy tên độc ra, mà tại sao một người mạnh, một người chết? Lỗi tại đâu? Lỗi tại chỗ xem thường, nghĩ rằng mình đã lấy được tên, đã khử trùng khử độc thì không sợ gì hết rồi tha hồ xông pha. Từ chỗ xông pha lại sanh ra tai hoạ, sự đạt đạo không đến nơi đến chốn, tức là không được Niết-bàn.

Vậy Phật chỉ cho chúng ta thấy, dù có ngộ đạo, biết rõ chân lý không nghi ngờ, mà cứ tha hồ xông pha, muốn làm gì thì làm, tự do phóng túng thì có ngày hỏng luôn. Còn có người dù đã đạt đạo nhưng biết cẩn thận, dè dặt, giới luật tinh nghiêm, người đó sẽ đi tới cứu kính Niết-bàn không nghi ngờ. Đó là điều hết sức quan trọng, đừng ngỡ rằng tôi ngộ rồi, ngang đó muốn làm gì cứ làm, thật nguy hiểm không có kết quả tốt.

Với lời Phật dạy như vậy tôi đã thấy rõ những người tu thỉnh thoảng có những phút giây bừng sáng, thấy được những gì xưa kia chưa từng biết, chưa bao giờ thấy, nhưng không khéo họ có thể bị thối lùi. Cho nên tuy được rồi vẫn phải dè dặt, phải cẩn thận. Như ở Thường Chiếu và các Chiếu bên Ni, có những người tôi thấy tu khá, thấy được lẽ thật hiện tiền, nhưng tôi e cái duyên không tốt, sợ lui, nên tôi phải gom lên đây một số để cho quí vị tiếp tục nuôi dưỡng.

Từ chuyên môn của nhà thiền gọi là “trưởng dưỡng thánh thai”, là nuôi lớn thai thánh của mình. Tuy thấy nhân Thánh rồi, nhưng nếu không nuôi dưỡng, nó cũng sẽ bị mờ, bị hoại, nên phải có thời gian nuôi dưỡng. Muốn vậy tất phải ở trong một cái khuôn để rồi mọi người cùng tu với nhau, cùng nỗ lực, không có những chướng khác, thì bảo đảm sẽ tiến.

Như Quốc sư Huệ Trung ở Trung Quốc, ngộ đạo nơi Lục Tổ rồi, Ngài còn lên núi Bạch Nhai ở hơn bốn mươi năm. Chúng ta ngạc nhiên, đã ngộ đạo rồi còn lên núi ở làm gì? Để thấy rằng người xưa rất cẩn thận chỗ đó. Thấy đạo là một việc, còn luôn luôn sống được với đạo là một việc. Không phải thấy là rồi. Nên tôi không dám tán thán người A ngộ, người B ngộ gì hết, tôi chỉ nói chung chung là có một số người tu tiến. Sự tiến bộ đó giờ mình thấy thì mừng, nhưng còn phải chờ, chờ thời gian dài dưỡng cho nó được thành tựu viên mãn mới chắc, chớ còn một hai bước đầu chưa bảo đảm.

Theo kinh nghiệm bản thân tôi qua một thời gian dạy dỗ Tăng Ni, có những người bừng sáng đến trình tôi nghe. Tôi mừng quá, tưởng rằng ngang đó chắc là năm bảy năm nữa người đó đáng cho tôi tin cậy, đáng cho tôi gởi gắm. Không ngờ một thời gian nó chuyển mất. Thật ra từ ngày ở Chân Không đến giờ, có lắm người cười, lắm người khóc khi thấy được cái gì lạ lùng mới mẻ, đến trình với tôi. Nhưng thỉnh thoảng những người cười khóc đó cũng đi lệch như thường, làm cho tôi phải dè dặt.

Điều đó đúng như bài kệ của các Thiền sư ngày xưa đã nói, “đốn ngộ tuy đồng Phật”, phải không? Khi đốn ngộ thấy mình như Phật rồi, những gì Phật nói, nay mình thấy giống hệt như vậy. Những phút sáng rỡ đáng mừng đó là những phút giây làm Thánh, đồng Phật mà! Nhưng rồi sao? Phút đốn ngộ đó mạnh lắm, sáng sủa lắm, nên nó kích động có khi mình phải khóc, có khi mình phải cười hai ba ngày. Nhưng qua thời gian nó nguội từ từ. Nếu gặp duyên gì đó không thuận thì có thể nó lại mất.

Cho nên mới có câu thứ hai là “đa sanh tập khí thâm”. Nghĩa là đốn ngộ thấy giống như Phật rồi, nhưng tập khí nhiều đời còn sâu dày quá. Thí dụ khi mình thấy đạo thì thân này không ra gì hết, tất cả chuyện hơn thua phải quấy không ra gì. Nhưng chừng năm bảy tháng, từ từ nó ra gì lại. Đó là cái đáng ngại, nên câu “đa sanh tập khí thâm” hết sức rõ ràng.

Chúng ta không thể nghe ai nói ngộ, tin liền, mà phải chờ xem, bởi vì còn tập khí nhiều đời. Trong giờ phút ngộ thì thật họ thánh đó, nhưng chừng năm mười tháng, một hai năm sau nó nguội từ từ, rồi cái phàm sống trở lại. Nếu không được sự nuôi dưỡng tiếp tục, có thể nó mất hồi nào không hay. Đừng tưởng ngày đó họ trình kệ là họ ngộ đạo rồi và sẽ giữ được mãi mãi. Chưa dám tưởng điều đó! Còn phải dè dặt. Đó là điều tôi nói cho quí vị hiểu.

Khi chúng ta thấy được chân lý, thấy được lẽ thật rồi, mình không dại gì làm những chuyện tạo nhân phiền não nữa. Tuy nhân mới mình không tạo, nhưng cái cũ nó còn thầm thầm ở trong, nên mới nói “phong đình ba thượng dũng”. Nghĩa là gió dừng rồi nhưng sóng ngoài biển vẫn chưa yên. Đừng tưởng gió dừng là tất cả đều êm hết. Nhiều người nói: “Tôi không tạo nghiệp đó mà sao chuyện đó đến với tôi?”

Nghiệp hiện tại mình không tạo nhưng cái cũ nó còn, vì còn nên vẫn tiếp tục. Vì vậy mới dùng câu “phong đình ba thượng dũng”, gió dừng mà sóng vẫn vỗ ầm ầm.

Khi chúng ta đã thấy được đạo, thấy chân lý, thấy lẽ thật rồi, thì dại gì nuôi dưỡng những vọng tưởng điên đảo, phải không? Ai dại gì! Nhưng mà nó cũng nổi lên dài dài. Thấy đạo là thấy mà nó vẫn còn tiếp tục, cho nên câu chót là: “Lý hiện niệm du xâm.” Lý là lẽ thật đã hiện rồi mà niệm vẫn xâm lấn hoài chưa chịu hết. Qua bài kệ đó, quí vị thấy người xưa đã kinh nghiệm quá rõ, quá kỹ.

Đó là tôi nói cho quí vị biết, nếu thấy một người nào lóe sáng được, đó là đáng mừng vì công phu tu không uổng phí, nhưng đừng vội cho đó là Thánh. Tuy lóe sáng song vẫn còn những áp lực tập khí muôn đời che đậy, phủ kín, nên phải được nuôi dưỡng lâu dài thì kết quả mới đầy đủ. Nếu không có sự nuôi dưỡng thì khó được kết quả như lúc đầu mình thấy.

Sở dĩ tôi đọc mấy bài này mà không nói tên ai, không nói người nào là vì tôi không muốn nói một điều mà mai kia e không đúng. Bây giờ thì tốt nhưng e mai kia không tốt, rồi người ta nói: “tại sao người đó Thầy khen ngộ này kia, mà bây giờ ông đó dở như vậy”, thì nó trái với đạo lý.

Cho nên gần đây tôi chỉ dùng một câu hết sức đơn giản. Những người đến trình với tôi sở ngộ, sở đắc, tôi nói rằng: Lời trình đó đúng nhưng phải lấy cây thướcbát phong để đo, chớ trình thì đúng mà bát phong thổi bay tức chưa đúng thật. Bây giờ quí vị nhớ, thấy được đạo là tốt lắm rồi, chuyện đó hi hữu. Nhưng muốn biết mình có ứng dụng được chỗ mình thấy đến nơi đến chốn hay không, phải dùng cây thước bát phong. Quí vị nhớ bát phong không? Phải thuộc lòng tám gió đó. Thứ nhất là gió gì?

- Lợi: Mình nói thấy đạo, giả như ai đó mua vé số nhét vô túi mình nói: “à, con gởi thầy”, rồi mai kia họ lấy dò nói trúng độc đắc, thì gió đó có xao xuyến lòng mình không? Nếu họ bảo rằng: “vé số hôm qua con nhét vô túi thầy đó, bữa nay trúng mấy triệu”, mình vẫn thản nhiên như không, tức là gió lợi không động mình nổi, đúng là thứ thật. Còn nếu nghe nói vậy, mình đi la lối om sòm, khoe đầu này đầu kia tức gió lợi đã thổi mình bay rồi. Đó chỉ mới một gió thôi, quí vị thấy dễ không?

-  Suy: Gió thứ hai là suy, nghĩa là bị suy hao. Ví dụ mình đang ở trong ngôi chùa đủ tiện nghi, đủ điều kiện tốt để tu, bỗng dưng ai đó không cho ở nữa, bắt mình ra chỗ khác, chùa rách, Phật đổ, hư hao hết, bị mất quyền lợi lớn lao. Lúc ấy mình có buồn không, ra đi có tự tại không? Đó là gió thứ hai, quí vị có rung rinh chăng? Cho nên, nói đạo thì nói tới mây xanh, mà gặp trường hợp đó âu sầu ảo não, vừa đi vừa khóc, chùi nước mắt dài dài, tức là gió suy đã thổi mình bay rồi.

Mới có hai gió thôi mà quí vị thấy dễ hay khó, huống nữa còn sáu gió sau. Sáu gió sau còn dài nữa, tôi không có thì giờ kể hết, chỉ kể đại khái vậy thôi. Quí vị phải thuộc lòng tám gió, đó là cây thước đo mình. Chớ còn nói đạo thì thao thao bất tuyệt, nói tuyệt đối, nói đủ thứ hết, mà gặp một gió thổi bay thì người ta không đủ lòng tin. Tôi nói lên lẽ thật để cho tất cả Tăng Ni, nhất là những vị tu hành có tiến bộ, phải ráng tập sống được với cái gì mình thấy. Nếu chỉ nói mà chưa sống được thì chưa phải thứ thật.

Đó là tôi đã nói đại khái vì sao tôi tránh né không nêu đích danh người nào, ở đâu, được cái gì. Và đây, kết quả cụ thể, tôi đi từ cư sĩ lần lần đến người xuất gia.

Vừa rồi tôi được một Phật tử ở Phước Thái đến trình với tôi, nói: “Đây là món quà con xin cúng dường Hoà thượng cuối năm.” Món quà này, tôi nói để quí vị biết sơ lược. Ông Phật tử này năm nay năm mươi mốt tuổi, trường hợp ông khá kỳ đặc. Đây, tôi đọc lời thưa của ông ấy:

“Kính bạch Sư ông, hôm 30 tháng 6 Giáp Tuất, con bị xe đụng gẫy chân, đó cũng là cơ duyên con được yên nghỉ. Lợi dụng thời gian này con đã học kinh Pháp Bảo Đàn. Từ chỗ thân tâm thanh tịnh và thấm nhuần được lời dạy của Tổ, con đã làm được một số bài thơ, viết thành tập tạm lấy tên là “Thi đạo ca”, tóm lại vầng trăng xưa. Một điều lạ lùng là trước khi học Pháp Bảo Đàn, chưa bao giờ con làm thơ được cả.”

Đây là bài thơ đầu tiên:

BỪNG NGỘ

Một chiều hạ xe đụng gãy chân,
Cơ duyên thấy được giả thân vô thường.
Từ đây học Pháp Bảo Đàn,
Bừng con mắt tuệ thênh thang mây trời.

Như vậy chúng ta thấy người Phật tử cư sĩ bị xe đụng gẫy chân mà không buồn. Nhân cơ hội gẫy chân đọc kinh, nhờ đọc kinh nên bừng sáng. Đó là một bài, còn một bài nói về cái chết, tôi đọc quí vị nghe.

GIẢ THÂN

Nếu mai tôi chết, đình đám làm chi,
Đừng khóc làm gì, cũng đừng tiễn biệt.
Nếu mai tôi chết, đó lẽ thường thôi,
Hết duyên thì rã, trở về tứ đại.
Nếu mai tôi chết, hãy đốt tôi đi,
Chôn cất làm chi, cho thêm chật đất.
Đốt lấy tro rồi, hãy đem làm phân,
Bón cây nảy mầm, ra nhiều hoa trái.
Cây trái cho người, hoa đẹp cho đời,
Hương tỏa khắp nơi, chỉ vô thường thôi.

Đọc bài thơ này tôi nhiều khi cũng xấu hổ, người tu mình chưa chết đã lo làm cái tháp to. Ông này là cư sĩ mà nói được vậy, quí vị mới thấy chỗ đặc biệt. Tôi đọc thêm bài số mười bảy:

CHỚ HỎI

Chớ hỏi chưa sanh mình đâu nhỉ?
Cũng đừng thắc mắc chết về đâu?
Chỉ nhìn hiện tại biết quá khứ
Tương lai cũng ở hiện tại rồi.
Mỗi phút mỗi giây luôn hằng tỉnh
Không còn một niệm lấy gì sinh?
Quá khứ chưa sanh từ cõi Phật,
Vị lai sau chết Niết-bàn thôi.

Quí vị thấy, nói được thế này cũng đáng mừng lắm, phải không? Nghĩa là đừng thắc mắc trước khi sanh mình ở đâu, sau khi chết mình ở đâu. Tại sao đừng thắc mắc?

Chỉ nhìn hiện tại biết quá khứ,
Tương lai cũng ở hiện tại rồi.

Đó là hai câu trả lời, nhưng ở dưới này nói rõ hơn:

Mỗi phút mỗi giây luôn hằng tỉnh,
Không còn một niệm lấy gì sinh?

Đó là câu tôi thấy đáng khen.

Quá khứ chưa sanh từ cõi Phật

Khi chưa sanh mình, hồi quá khứ chưa sanh, lúc đó đã trong Phật rồi.

Vị lai sau chết Niết bàn thôi.

 Như vậy quá khứ là Phật, sau này Niết-bàn, có gì mà thắc mắc mình ở đâu lại, rồi chết về đâu? Người cư sĩ mà nói được như vậy cũng là đáng quí.

Bài này cũng đáng khen:

GỖ ĐÁ VÀ NGƯỜI

Gỗ đá thì đâu biết vui buồn,
Ghét yêu không vướng, nói gì thương!
Tham sân chẳng dính, nói gì mắc!
Người mà như vậy gỗ đá chăng?

Đáp:

Gỗ đá vô tri chẳng vui buồn,
Làm sao phân biệt ghét, yêu thương.
Tuy không phân biệt nhưng gỗ đá,
Người không phân biệt tâm ngàn phương.

Câu cuối tôi thấy đáng khen, gỗ đá không phân biệt, nhưng gỗ đá là gỗ đá, còn người không phân biệt tâm ở ngàn phương.

Người mà tâm trí thường phân biệt,
Ghét, yêu, thương, giận nên dính mắc.
Có trí như gỗ đá kết thân,
Người không phân biệt Thánh nhân nào bằng?

Ông cư sĩ đó có hai cái đáng khen. Thứ nhất, bị xe đụng gẫy chân mà không nghĩ đến chuyện gẫy chân đau đớn, lại nhân đó học kinh. Vậy mới thấy ý chí đáng quí. Kế đó là nhân học kinh rồi thấu được lý kinh và sống được.

Đó là thơ một Phật tử tặng tôi ăn Tết. Bây giờ là cư sĩ nữ, để cho quí vị thấy nam nữ đều tu có tiến hết.

Một lần gặp suốt đời không quên được,
Từ đó người là lẽ sống đời tôi.
Cùng như nhau mày ngang mũi dọc,
Thì ngay đây chào vĩnh biệt luân hồi.

Hơn bốn mươi năm bặt dấu hài,
Mải mê tìm kiếm khắp Đông Tây.
Một sớm thân dừng tâm ý bặt,
Thanh tịnh bản nhiên thể hiện bày.

Thanh tịnh bản nhiên thể hiện bày,
Sơn hà đại địa hốt sanh đây.
Có gì mà phải ưu tư nhỉ,
Trời xanh nào ngại mây trắng bay.

Cư sĩ nữ mà nói hay vậy đó! Đây, một người khác nữa:

Khổ đau chồng chất nghẹn ngào,
Vỡ tung một phát vườn đào trổ hoa.
Bây giờ nếm nước Ma-ha,
Cõi Phật Di-đà tức ở tại tâm.

Hôm qua Ta-bà khổ, Ta-bà khổ,
Hôm nay không khổ chỗ Ta-bà,
Nơi đây ta đã đến nhà,
Tại cảnh Ta-bà trái nở hoa đơm.

Hoa là vạn hạnh người tu,
Trái là một niệm không chung không cùng.

Hai người đều là Phật tử nữ, quí vị nghe cũng vui phải không? Có những cái trình như vậy là vui. Lại có Phật tử này trình nghe oai lắm. Trước nói thăm tôi, chúc Tết tặng quà. Đây là quà tặng, đề là:

THẦN THÔNG

Hướng mặt về Đông nhìn khắp trời Tây,
Ngồi một chỗ nghe khắp lời thiên hạ,
Với tay lên đụng các tầng trời,
Chưa dỡ chân đã đi khắp tam thiên thế giới.

KHÔNG TÊN

Nằm trong hũ trải mình che vũ trụ,
Luôn rong chơi thế giới hằng sa.
Kìa kìa cỏ mọc ngọn cây,
Cá bơi biển lửa chim đùa núi bay.

Cư sĩ mà có những cái đó thì Tăng Ni cũng phải dè dặt.

Nãy giờ tôi đọc bài của cư sĩ chớ chưa nói gì tới những người xuất gia. Bài của người xuất gia nhiều quá, tôi kể không hết. Đây tôi chỉ đọc một vài vị cho thấy điển hình thôi.

Đây, một vị Tăng:

BA LẦN MỞ

Lần thứ nhất, mắt tâm mở hé,
Thấy nghe rõ ràng không điếc lé.
Lần thứ hai, thấu thoát toàn thân,
Chơn giả phân minh sanh tử nhẹ.
Lần thứ ba, tâm hoa nở tròn,
Không đài, không cánh, không bờ mé.
Ơn Thầy mở mắt lớn dường nào,
Đệ tử nguyện vâng không tránh né.

Đó là một vị Tăng, còn đây là một vị Ni, tôi chỉ đọc bốn câu thôi:

Ngày nào say ngủ còn ngơ ngáo,
Một sớm giật mình thấy bản lai.
Ô hay, mặt mũi nào đâu khác,
Khác tiếng cười vang vỡ đất trời.

Quí vị Phật tử mà nói nghe ngang dọc quá, không lẽ mấy ông thầy mình cứ e dè, nên tôi đọc một bài này của một ông thầy:

Cất bước đạp tan tam giới mộng,
Dừng chân nắm trọn cả càn khôn,
Ngồi lại phóng quang trùm pháp giới,
Nằm dài duỗi cẳng giáp hư không.

Còn nhiều nữa nhưng không có thì giờ đọc hết, đại khái cho quí vị biết sự tu hành của Tăng Ni và Phật tử có những bước tiến, coi đây là kết quả của năm nay thôi. Đó là để thấy rõ con đường tu hành của Tăng Ni và Phật tử trong mấy năm qua có kết quả tốt.

Tuy nhiên, trăm người được nhiều lắm là mười người, không phải trăm người được cả trăm. Mười người đó hiện giờ thấy tốt, thấy những lời nói hùng dũng đáng khen, nhưng còn phải dè dặt. Nếu có duyên tốt, nuôi dưỡng đàng hoàng thì có thể tiến được, không bị lùi sụt và có thể tiến hơn nữa. Trừ ra có một hai cái duyên không thuận thì chưa biết sao.

Tôi nghĩ rằng việc làm, cũng như sự giáo hoá của tôi là phải làm sao cho tất cả Tăng Ni cũng như Phật tử luôn luôn được sự vun vén, như cây trồng mỗi ngày mỗi tăng trưởng cho tới đơm hoa kết quả, chớ tôi không muốn nó bị xàu héo trong lúc đang lớn.

Vậy nên tôi mong tất cả Tăng Ni đều an ổn tu ở trong khuôn viên nhất định của mình, cùng học, cùng nghe sự nhắc nhở của quí Thầy, để quí vị luôn luôn tu tiến chớ không lùi. Cư sĩ cũng vậy, quí đạo hữu được nghe quí Thầy dạy, đọc kinh sách hiểu, từ chỗ hiểu đó mình phải nuôi dưỡng cho nó tăng trưởng ngày càng thêm lớn, đừng để nó lụn bại.

Trên đường tu mình phải tiến để kịp với tuổi thọ của mình. Nếu ngày nào đó được như những người trong các bài này vừa nói, không còn sợ sệt sanh tử, không còn ngại ngùng thì đó là tốt, là cái vui của đời tu. Chớ chẳng lẽ mình đi tu mà kết quả không có gì cũng uổng. Nhiều khi tu được chút ít phước báo rồi thỏa mãn. Phước báo là tốt nhưng tốt trong sanh diệt. Chúng ta có thể vươn lên hơn nữa để đi tới chỗ siêu thoát, như vậy mới thật là chuyện đáng mừng vui.

Hôm nay trong buổi tất niên, kiểm điểm lại trên đường tu có cái dở, có cái hay, và đặc biệt một số Tăng Ni Phật tử cũng lượm lặt được những cái hay đáng mừng, đáng cho chúng ta tin tưởng.

Có một số người đối với đường lối tu của mình còn e dè, ngại ngùng, nên tôi hay nhắc tới nhắc lui để cho Tăng Ni rõ đường lối tu cụ thể. Tu theo đúng thì có tiến bộ thật sự chớ không phải là chuyện mơ hồ. Vì có nhiều người đặt câu hỏi với tôi rằng: “Thầy dạy Tăng Ni Phật tử tu biết vọng không theo hay biết vọng rồi buông. Như vậy, ‘biết vọng’ là mình có cái hay biết, còn vọng là cái bị biết, mà hay biết và bị biết là đối đãi, đối đãi thì chưa phải cứu kính.”

Họ bẻ như vậy, sẵn đây tôi giải thích rõ cho Tăng Ni Phật tử hiểu, để đừng nghi ngờ mà trở ngại sự tu. Bởi vì phương pháp tu nào buổi ban đầu cũng đều là đối đãi, phải có năng có sở mới tu, chớ hết năng hết sở thì khỏi tu, phải không? Mình bây giờ còn vọng tưởng, muốn cho hết vọng tưởng thì phải thấy, phải biết nó, vậy mới hết được. Nhắc đến đây tôi nhớ ông Phật tử này có làm một bài thơ cũng hay hay, nói về “cái biết”. Tôi đọc quí vị nghe để thấy lòng tin của Phật tử đó thế nào:

 BIẾT

Phiền não biết, phiền não đoạn,
Tham sân biết, tham sân dứt,
Vui buồn biết, buồn vui dừng,
Thiện ác biết, thiện ác bặt.
Từng sát-na biết, có gì dính mắc,
Tự tại vĩnh hằng trời xanh mây trắng bay.

Như vậy là đủ lòng tin nơi cái biết đó. Phiền não biết, phiền não đoạn. Nếu phiền não dấy lên mà mình biết đó là phiền não thì nó dừng; còn nó dấy lên, mình chạy theo tức nó làm loạn. Cho nên chữ “biết” này rất là khéo. Đối với người Phật tử, nhận được đường lối tu không còn nghi ngờ như vậy rất quí.

Tôi từng nói với quí vị, sở dĩ chúng ta bị vọng tưởng lôi kéo, tạo nghiệp là bởi chúng ta không có cái nhìn thấu suốt. Nó dấy lên là chúng ta chạy theo nên nó dẫn tạo nghiệp. Bây giờ nó dấy lên mình thấy rõ không theo, tự nhiên nó dừng, nó hết. Như vậy tức là chúng ta dừng nghiệp từ trong trứng nước, chớ không phải theo tạo rồi sau mới ăn năn sám hối thì đã muộn màng. Từ chỗ dấy niệm mình thấy rõ không theo, thì những niệm ác, niệm tội lỗi, niệm phiền não ngang đó không còn, nên có năng có sở mà không trái với lý thiền.

Thí dụ quí vị nhìn trong mười mục chăn trâu thì người chăn và con trâu có phải năng sở không? Buổi đầu phải có năng là người chăn, sở là con trâu. Có năng có sở. Chăn lần lần tới cuối cùng là con trâu trắng. Rồi trâu mất tức sở lặng. Còn chú chăn đó làm sao? Chú chăn lần lần cũng mất luôn, phải không? Như vậy cái sở không còn thì cái năng cũng buông. Bây giờ mình biết vọng, vì có vọng mới biết, khi vọng hết rồi thì sao? Cái biết vọng có buông không? -  Cũng buông luôn.

Khi còn vọng thì phải sử dụng cái biết vọng để biết, để dừng. Khi vọng lặng rồi, không cần dùng biết vọng làm gì, tự nó sáng rõ thôi. Như vậy hết trâu thì chăn cũng sẽ mất. Nhưng hết trâu hết chăn, chỗ đó không khéo trong nhà thiền gọi là “rơi trong biển độc”, tức là chìm trong chỗ vô sanh, không lợi ích cho mình cho người, không tiến lên được Phật quả. Nên tới chỗ đó phải qua mục thứ chín “Lá rụng về cội”, mục thứ mười “Thõng tay vào chợ”.

Ở đây cũng vậy, khi chúng ta không còn vọng tưởng thì cái biết vọng cũng buông luôn. Ngay đó nếu mình không biết gì hết là chìm trong lặng lẽ, trong biển vô sanh. Còn nếu ngang đó mình vẫn thường sáng, thường giác, không bị chìm, đó là trở về nguồn. Từ chỗ thường sáng thường giác đó, mình mới được tự tại, rồi mới dùng mọi phương tiện giáo hoá chúng sanh.

Như vậy đường lối tu của chúng ta cụ thể, rõ ràng, không phải là chuyện mơ hồ. Đừng nghe người ta nói rồi hiểu lầm tưởng là mình tu không đúng với Thiền tông.

Tôi đã nhiều lần nhắc quí vị, từ Tổ Bồ-đề-đạt-ma đến Tổ Huệ Khả, chúng ta thấy cụ thể vô cùng. Khi ngài Huệ Khả than rằng: “tâm con bất an, xin Hoà thượng dạy pháp an tâm”, Tổ không dạy gì hết, chỉ cần một câu: “đem tâm ra ta an cho”. Tâm đâu mà đem, phải không? Câu nói đó không phải là vô nghĩa, cho nên nghe nói “đem tâm ra ta an cho”, thì tự Ngài tìm lại cái gọi là tâm xem nó ở đâu.

Bình thường cứ nói tâm mình nghĩ tốt, tâm mình nghĩ xấu, tâm mình nghĩ thiện, tâm mình nghĩ ác. Cái nghĩ thiện, ác, tốt, xấu v.v... cho là tâm mình. Bây giờ nhìn lại kiếm thì nó mất tiêu. Nhìn lại thấy không còn, bèn trình với Tổ: “Bạch Hoà thượng, con tìm không được.” Hết sức là thật thà. Bây giờ cái con nói đó con tìm không được. Tổ bảo: “Ta đã an tâm cho ngươi rồi.”

Thật là dễ như trở bàn tay, tìm không được là đã an tâm rồi. Tại sao vậy? Bởi vì tâm mình bất an là do nó dấy lên, nó phân biệt, đuổi theo ngoại cảnh. Bây giờ tìm lại nó lặng, tự nhiên là an chớ gì. Vậy an có pháp gì không? Chỉ cần thấy nó, khi nó dấy lên mình không theo, nó lặng. Có phải là pháp an tâm không? Đó là an tâm rồi.

Vậy, thấy vọng tưởng không theo tức là an tâm. Đây là cái gốc mà Tổ Bồ-đề-đạt-ma đã dạy cho ngài Huệ Khả chớ đâu phải là chuyện bâng quơ. Cho nên tôi muốn cho Tăng Ni đủ lòng tin trên đường tu, cũng như quí Phật tử biết rõ, để tự thực hành và giải thích cho những ai chưa biết còn đang nghi ngờ. Chỉ cho họ thấy rõ là điều thiết yếu. Nếu mình tu mà không biết đường lối thế nào, đi tới đâu, không biết kết quả ra sao, thì sự tu không bao giờ đạt được kết quả.

Chúng ta tu có đường lối cụ thể. Từ những năm trước tôi đã từng nói, vì Tăng Ni bận bịu làm nhiều việc, Phật tử cũng ít tới lui, nên sự tu hành chưa được tiến bộ bao nhiêu. Nhưng gần đây, thấy Tăng Ni được khung cảnh tốt để yên tu, cũng như quí Phật tử có cơ hội gần gũi để nghe quí Thầy giảng dạy, tu hành được nên có kết quả cụ thể. Kết quả đó là bước đầu tiên trên đường tu của mình, cũng là một khích lệ lớn lao cho người chung quanh biết để cùng tu.

Thật ra một lần lóe sáng như vậy là một công phu, nhưng chưa phải là một thành tựu lâu dài. Tôi thường nói, một khi mê thì trên đường đi mình tạo nghiệp luân hồi không biết bao nhiêu kiếp, lúc tỉnh thì bao nhiêu nghiệp luân hồi từ đó sẽ dừng. Vậy một lần tỉnh là một kết quả vô cùng quan trọng chớ không phải là thường. Tuy chưa là cứu kính nhưng nó là một bước hết sức quan trọng.

Thí dụ: Mình đi tìm một ngôi nhà ở con đường A, nhưng tới ngã ba, một bên là đường A, một bên là đường B. Nếu mình lầm đường B là đường A rồi cất bước đi tiếp, thì chừng nào mới tìm được ngôi nhà mình muốn tìm? Càng đi càng xa, đi riết rồi không biết đâu mà tìm. Chỉ lầm ở bước đầu là nó dẫn mình tới vô số lầm. Còn nếu mình tới ngã ba mà nhận được đúng đường A để đi, thì mỗi bước mỗi bước của mình càng gần với mục đích đã nhắm. Mình sẽ tới đích không nghi ngờ.

Vậy nhận thức đúng và sai quan trọng cỡ nào? Nếu sai thì nó dẫn mình đi miên viễn, không biết tới đâu mới đạt được mục đích. Còn nếu mình nhận đúng thì sẽ đến đích chắc chắn không nghi ngờ. Vậy nên có được một, hai vị Tăng Ni Phật tử nhận biết đúng như vậy là cái mừng hết sức lớn của tôi, thấy rằng trên đường tu có người thấy được điều mình mong mỏi. Còn đến chỗ cứu kính thì phải thời gian dài nữa, không phải thấy như vậy là mọi việc xong xuôi.

Như vậy, tới đây có thể kết thúc buổi tiệc trà tất niên được rồi. Kiểm điểm sự tu hành của Tăng Ni qua một năm và thấy được kết quả chẳng những của Tăng Ni thôi, mà Phật tử cũng có những kết quả đáng mừng. Vậy là công của tôi không luống uổng. Nhờ ơn Tam Bảo gia hộ khiến cho tất cả chúng ta đủ duyên tu, để rồi tiến từng bước trên con đường sáng suốt giác ngộ. Điều đó hết sức là quí.

Mục Lục