Xuân Phụng Hoàng Tập 1 (2004)
Lễ Chúc Tết Bính Tý
Thầy Quản chúng Nội viện Tăng: Nam-mô Phật Bổn sư Thích-ca Mâu-ni. Kính bạch Thầy! hôm nay toàn thể Tăng Ni và Phật tử chúng con có duyên sự đầu thành đảnh lễ xin tác bạch. Nam-mô Phật Bổn sư Thích-ca Mâu-ni. Kính bạch Thầy, hôm nay, theo dòng thời gian trôi chảy, một năm cũ đã trôi qua và một năm mới sắp đến, giờ này giữa những tia nắng đầu tiên buổi sáng, nhân ngày đầu năm mới này, toàn thể Tăng chúng chúng con đồng nhất tâm kính chúc Thầy vẫn luôn luôn sống sáng ngời giữa dòng cũ mới, mới cũ trôi chảy không dừng này. Chúng con xét thấy đó là điểm sáng mà chúng con cùng nương về và phải nương về, vì chúng con nghĩ rằng có như vậy chúng con mới được phần an ổn trong công phu và cũng mới có thể đáp lại được phần nào kỳ vọng của Thầy đối với chúng con. Đó là những lời kính thành của chúng con kính dâng lên Thầy nhân ngày đầu năm mới này. Ngưỡng mong Thầy từ bi chứng minh cho lòng kính thành của chúng con. Và sau cùng chúng con đồng nhất tâm cầu nguyện Tam Bảo gia bị cho Thầy trong năm mới này sức khỏe luôn được dồi dào, Thầy ở lâu nơi đời để đem ánh sáng chánh pháp lại cho nhiều người đang còn cần đến Thầy. Nam-mô Phật Bổn sư Thích-ca Mâu-ni. Ni sư Quản chúng Nội viện Ni: Nam-mô Phật Bổn sư Thích-ca Mâu-ni. Ngưỡng bạch Thầy, hôm nay mùa xuân lại về, chúng con đủ duyên lành được quì dưới chân Thầy dâng lên lời chúc mừng năm mới. Toàn thể Ni chúng chúng con xin thành tâm đê đầu đảnh lễ Thầy và kính chúc Thầy pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chiếu hầu dẫn dắt chúng con trên bước đường tu học giải thoát. Kính bạch Thầy, Thầy thường nhắc nhở và khuyến khích chúng con, Thầy luôn mong mỏi cho chúng con sớm đạt được sở nguyện, vì thế để không cô phụ lòng Thầy, chúng con đã nỗ lực rất nhiều ngõ hầu đền đáp được phần nào công ơn giáo dưỡng của Thầy đã mở mắt trí tuệ cho chúng con. Vậy hôm nay nhân ngày đầu xuân, chúng con xin nguyện sẽ cố gắng tiến tu hơn để chấm dứt những ngày tháng lang thang của đứa con cùng tử, sớm quay về thừa hưởng gia tài của mình. Một lần nữa chúng con xin thành tâm đê đầu đảnh lễ Thầy, nguyện cầu hồng ân Tam Bảo gia hộ cho Thầy được nhiều sức khỏe, sống lâu, mặt trời trí tuệ của Thầy hằng soi sáng cho chúng con cùng tất cả chúng sanh trong cõi đời vô minh lạc lối. Ngưỡng mong Thầy từ bi thương xót chứng minh cho chúng con được trượng thừa công đức. Nam-mô Phật Bổn sư Thích-ca Mâu-ni. Hoà thượng: Hôm nay nhân ngày đầu năm, Tăng Ni và Phật tử câu hội về đây chúc mừng năm mới cho tôi, tôi cũng hết sức hoan hỉ hứa khả. Vậy tất cả đứng dậy lễ rồi tôi sẽ nói chuyện sau. Thầy Quản chúng Nội viện Tăng: Nam-mô Phật Bổn sư Thích-ca Mâu-ni, trên đã được Thầy từ bi hoan hỉ chứng minh và hứa khả cho rồi, toàn thể Tăng Ni và Phật tử chúng con xin đầu thành đảnh lễ cúng dường. Hôm nay nhân ngày đầu xuân, nói theo thế thường là Tết Nguyên đán của năm Bính Tý 1996, toàn thể Tăng Ni, Phật tử ở tại Thiền viện Trúc Lâm cùng đến đây để chúc mừng năm mới. Tôi nghĩ rằng, tất cả quí vị ai cũng là người quyết chí tu hành và quyết tâm lo phụng sự Phật pháp, làm lợi ích cho chúng sanh, đó là tâm niệm chung của toàn thể. Nhưng trên đường tu, có khi quí vị thấy như mình tiến tới một cách êm xuôi dễ dàng, có khi thấy có nhiều chướng duyên trục trặc. Có khi vì lòng tha thiết muốn trên đường tu hành chóng đạt được kết quả, quí vị chạy tìm đầu này chốn kia cho ra cái gì Phật Tổ đã dạy, nhưng nhiều khi mỏi gối chùn chân vẫn không tìm ra được điều đó. Hôm nay nhân ngày đầu xuân, để nhắc nhở Tăng Ni và Phật tử chuẩn bị cho một năm mới đầy đủ đức hạnh, trí tuệ và lòng từ bi để chúng ta tự lợi lợi tha viên mãn, tôi có những phần nhắc nhở sau đây: Phần thứ nhất là tôi dẫn thơ của một cổ nhân nói về xuân. Phần thứ hai, tôi dẫn kệ của Thiền sư Huyền Giác trong “Vĩnh Gia tập” để nhắc nhở cho quí vị biết rõ đường đi bước tiến của mình đúng với chánh pháp. Phần thứ ba tôi sẽ nhắc nhở quí vị thấy rõ lý vô thường để cùng nỗ lực cố gắng tu, khỏi uổng đi một đời đến với đạo mà chưa nếm được mùi vị giải thoát của đạo. Đó là ý nghĩa buổi nói chuyện hôm nay. Đầu tiên tôi dẫn thơ của cổ nhân, chỉ bốn câu thôi, cho quí vị thấy người tu mình làm thế nào mới đúng. THƠ XUÂN Tận nhật tầm xuân bất kiến xuân, Chúng tôi dịch: Ngày suốt tìm xuân chẳng thấy xuân, Đọc bài kệ đó quí vị thấy người xưa muốn nói gì với chúng ta? Tất cả chúng ta là người quyết tâm tu hành, quyết chí cầu đạo. Vì tu hành vì cầu đạo nên chúng ta luôn sục sạo tìm kiếm nơi này nơi kia, nghe đâu có cái gì hay, lạ chúng ta muốn tìm cho được, gặp cho biết. Đi tìm nơi này nơi kia, cho đó là đi tìm đạo, cầu đạo. Nhưng đi tìm mãi, hết ngày hết tháng hết năm vẫn không ra đạo. Đôi giày chúng ta mang đi đã rách nát rồi mà tìm thấy cái gì? Chỉ thấy những đám mây bay vần qua đầu núi thôi, chưa thấy đạo ở đâu. Khi đã mệt mỏi, tìm kiếm khắp nơi vẫn không gặp xuân - không thấy đạo - bây giờ phải làm sao? - Trở về. Về đâu? Về lại vườn mai cũ của mình, nhìn thấy trên đầu cành hoa mai xuân hiện đầy đủ, đủ mười phần. Quí vị thấy xuân hiện trên đầu hoa mai chỗ nào, quí vị chỉ giùm tôi xem! Mình ở đây không có hoa mai, nhưng có hoa đào. Đi cho mệt mỏi, rách hết bao nhiêu đôi giày tìm không ra xuân, chỉ có trở về chùa lại thấy trên mấy cành đào xuân hiện đầy rẫy. Quí vị có thấy chưa? Đó là hình ảnh vừa đẹp vừa cụ thể. Chúng ta luôn luôn là người cầu đạo. Chữ đạo ở đây để diễn tả chân lý hay thể chân thật, chỗ khác cũng gọi là Phật tánh, là Chân tâm v.v... Nếu nói Đạo, nói Phật tánh hay Chân tâm thì nghe quá thuần túy trong giáo lý, nên các Thiền sư mượn hình ảnh của xuân. Chúng ta tán thán, ca tụng xuân, nhưng xuân ở chỗ nào? Ai nấy đều nói hôm nay là ngày đầu xuân, giờ quí vị chỉ xuân giùm tôi, coi nó ra làm sao? Xuân hình dáng thế nào? Chúng ta nói ngày xuân, đầu xuân, mà cái gì là xuân thì mình không thấy. Nếu cứ ôm từ ngữ đó chạy khắp hết nơi này chốn nọ để tìm thì không bao giờ ra. Bây giờ muốn thấy xuân chỉ cần nhìn lại những cành mai, những cành đào, thấy nó đang trổ hoa. Mai, đào trổ hoa, đó là biểu tượng của mùa xuân, không cần đi tìm kiếm ở đâu xa, chỉ nhìn lại trong vườn cũ của mình, thấy hoa đào nở hoặc hoa mai nở, biết đó là mùa xuân. Xuân chỉ là một từ ngữ trừu tượng, mà cụ thể là những hình ảnh trên cành cây. Nơi nào thích hợp với ngày xuân thì nó thể hiện ra, chớ không thể tìm ở một chỗ nào hiện tướng mùa xuân. Như vậy tướng mùa xuân chỉ có trên cành hoa, hoặc ở những nơi nào phù hợp với nó. Chúng ta không thể dùng mắt để thấy xuân, mà chỉ nhìn trên cành cây, trong những đóa hoa, biết đó là xuân. Cũng vậy, Chân tâm, Phật tánh hay là Đạo không phải là những cái có hình, có tướng để chúng ta tìm, chúng ta thấy. Nó là cái chân thật nhưng không hình tướng, sẵn ở ngay con người mình. Nói theo các Thiền sư là ở tại gót chân của mình chớ không đâu xa, chỉ một lần quay lại là chúng ta nhận ra nó, không phải chạy nơi này nơi kia tìm kiếm. Càng tìm kiếm chúng ta càng không thấy không gặp, chỉ là nhọc công tốn sức thôi chớ không bao giờ gặp. Đây nói lên tinh thần người tu Phật, phải quay lại mình, tìm tận nơi mình, đừng cầu cạnh, đừng trông đợi bên ngoài. Cầu cạnh trông đợi bên ngoài là trái với đạo lý tự giác của đức Phật dạy. Vì vậy, chúng ta muốn giác ngộ thì phải quay lại mình. Khi giác ngộ được rồi, chúng ta mới có thể chỉ dạy cho kẻ khác cùng giác ngộ như mình. Không bao giờ đi cầu nơi khác, cầu bên ngoài mà chúng ta được giác ngộ. Phải quay lại mình! Như vậy hình ảnh bài thơ xuân này thể hiện đầy đủ tánh chất người tu thiền. Người tu thiền phải biết mình mang sẵn bản chất chân thật, chớ không phải đi cầu cạnh, tìm kiếm bên ngoài. Đó là một bài thơ xuân tôi thấy rất hay, nên nhân ngày đầu năm, tôi nhắc cho quí Tăng Ni, Phật tử. Chúng ta tu là phải khéo quay lại mình để thấy được cái chân thật từ nơi con người mình, chớ không phải ở đâu xa. Nếu đi tìm ở đâu, cầu cạnh ở đâu là chuyện hoang đường. Tôi dẫn thêm một Thiền sư Ni, cũng với tinh thần này cho quí vị thấy. Ni sư Diệu Nhân đời Lý, khi sắp tịch bà nói một bài kệ: Sanh lão bệnh tử, Bà nói: “Sanh lão bệnh tử, tự cổ thường nhiên.” Sanh, già, bệnh, chết, bốn tướng này từ ngàn xưa vẫn là như thế, không có khác. Nếu chúng ta ngồi ôn cố lại những tổ tiên chúng ta cho đến đời mình, thì những ông cố ông sơ gì đó cho tới bây giờ, có vị nào sanh ra mà không già, không bệnh, không chết chăng? - Không có. Nghĩa là người nào sanh ra cũng già, bệnh, chết. Lớp người trước như vậy, lớp người kế như vậy, lớp người kế nữa như vậy, mãi đến người sau này như chúng ta hiện giờ cũng như vậy, phải không? Đó là con đường chung của muôn ngàn kiếp người chớ không riêng một cá nhân nào, nên bà nói “tự cổ thường nhiên”, cái việc thường của muôn đời chớ không phải của một người. Biết sanh già bệnh chết là chuyện thường của muôn người thì phải làm sao? Dục cầu xuất ly Muốn cầu ra khỏi hay xa lìa nó cũng giống như người mở trói lại cột thêm. Nói là mở trói mà vô tình mình cột thêm. Hai câu này quí vị nghe có trái với lẽ thường của chúng ta không? Ai tu mà không cầu giải thoát? Nhưng giải thoát cái gì? Tức là giải thoát sanh lão bệnh tử. Vì sao? Vì sanh lão bệnh tử là cái nhân của luân hồi: sanh ra, già bệnh chết, rồi tiếp tục sanh ra, già bệnh chết, triền miên như vậy, nên gọi là dòng luân hồi. Người tu muốn thoát khỏi vòng luân hồi đó, gọi là giải thoát. Nhưng tại sao bà lại nói, muốn cầu vượt ra khỏi sanh già bệnh chết là người đó nói muốn mở trói, trái lại đang cột thêm? Bởi muốn ra khỏi luân hồi sanh tử nên chúng ta chạy ngược chạy xuôi tìm điều này, kiếm việc kia cầu ra khỏi. Vì vậy chúng ta càng rối rắm, càng bực dọc thêm mà không ra được cái gì hết. Vậy muốn ra khỏi sanh tử phải làm sao? Chỉ mỉm cười với sanh tử, phải không? Mỉm cười với sanh tử là ra khỏi sanh tử. Còn muốn chạy cầu cái này kiếm cái kia, cởi mở hay cắt đứt thì càng tìm kiếm càng rối rắm. Với tinh thần người đạt lý đạo thì sanh tử là chuyện thường. Mà chuyện thường thì chẳng có gì chúng ta phải sợ hãi, phải gấp rút. Chúng ta chỉ thản nhiên nhìn nó với tâm an lành thanh tịnh. Nhìn sanh tử với tâm an lành thanh tịnh thì sanh tử có lôi mình được không? Còn nếu mình hoảng hốt, sợ sệt thì sanh tử có dẫn mình đi không? Vậy, hoảng hốt, sợ sệt sanh tử chính là bị sanh tử dẫn đi. Cho nên nói “mở trói mà lại cột thêm”. Nếu chúng ta thản nhiên thấy sanh tử là một lẽ thật của con người không ai tránh được, thì có gì phải sợ? Do không sợ, chúng ta thấy rõ sanh tử là một trò chơi, không có gì quan trọng hết, nên tâm mình được an nhiên thanh tịnh. Từ tâm an nhiên thanh tịnh đó, không có nghiệp nào lôi dẫn chúng ta vào sanh tử được. Như vậy, mở trói bằng cách thản nhiên tự tại, chớ không phải mở trói là chạy kiếm cái dao, kiếm sợi dây, cái rựa... để cắt để mở, chỉ phiền mà không được. Phải ngay nơi thực tế nhìn sanh tử như trò chơi, không quan trọng, thì lòng mình an nhiên, đó là thoát ly sanh tử. Đây là một lẽ thật bà thấy tường tận. Đến bốn câu kế: Mê chi cầu Phật, Người mê thì đi cầu Phật, người lầm đi cầu thiền. Bây giờ thiền, Phật đều không cầu thì không còn lời gì để nói nữa, nghĩa là sao? “Mê chi cầu Phật” tức là người mê đó thì đi cầu Phật. “Hoặc chi cầu thiền” tức là người lầm đó thì đi cầu thiền. Như vậy hiện giờ quí vị tu là tu cái gì? Tu thiền. Tu thiền để cầu thành gì? Thành Phật. Như vậy mình quả là người mê, người lầm phải không? Đây là tôi nói cái trọng tâm, cái gốc của đạo. Phàm cái gì có cầu, cái đó ở trong hay ở ngoài? Nếu là cái của mình thì không cầu, còn cầu tức không phải cái của mình. Người tu Phật, tu thiền mà đi cầu Phật, cầu thiền ở bên ngoài, có phải là người mê lầm không? Đó quả là người mê lầm. Cho nên nói “mê đó cầu Phật, lầm đó cầu thiền”. Người mê lầm mới cầu Phật cầu thiền ở bên ngoài. Nếu thật tình nhận ra được Phật tức tâm, tâm tức Phật, thì Phật ngay nơi mình, chỉ cần chiếu soi lại mình để nhận ra Phật. Chiếu soi lại mình, đó là thiền. Thấy ra Phật sẵn có của mình, đó là Phật. Như vậy thiền, Phật đều là quay lại chính mình. Quay lại chính mình, đó là giác, là tỉnh; còn cầu Phật bên ngoài, cầu thiền bên ngoài, đó là mê là lầm. Con đường tu thiền rõ ràng như vậy. Chúng ta quay lại mình để nhận Phật nơi mình, quay lại mình để soi sáng chính mình. Đó là thiền, là Phật chớ không tìm cầu ở đâu khác. Như vậy mới là người tu thiền chân chánh. Cho nên câu kết: “Thiền, Phật chẳng cầu”, thiền và Phật đều không cầu, tức là không tìm ở bên ngoài nữa, thì “uổng khẩu vô ngôn”, không còn lời gì để nói. Không còn lời gì để nói nghĩa là sao? - Là hết nói. Hết nói nghĩa là gì? Đây cũng như lối xác định của vua Trần Nhân Tông, nói rằng: “Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.” Đối cảnh mà không tâm thì chớ hỏi thiền. Chớ hỏi thiền nghĩa là gì? Là thiền ngay chỗ “đối cảnh mà vô tâm”. Đừng kiếm đừng tìm, đừng hỏi han gì khác. Ở đây cũng vậy, ngay chỗ không cầu Phật, không cầu thiền ở bên ngoài, chính đó là đầy đủ, không còn gì phải nói thêm nữa, cho nên “uổng khẩu vô ngôn”, không còn gì để nói. Bài kệ này và bài kệ Tìm xuân hồi nãy tôi đã nói, quí vị thấy là hai hay một? - Không hai, phải không? Vậy chúng ta cứ chạy tìm xuân bên ngoài làm gì? Xuân ngay ở vườn cũ, trên những cành mai, cành đào đã thấy xuân rồi. Đừng tìm đâu khác. Và Phật, thiền không phải ở đâu xa, chính ngay nơi mình. Cũng như giải thoát không phải ở nơi nào mà ngay nơi sanh tử chúng ta an nhiên tự tại, không làm cho mình rối bận nữa, đó là giải thoát sanh tử rồi. Cái lý của đạo, cái lý của thiền mới thực tế làm sao, gần gũi làm sao! Không có gì huyền bí xa xôi. Vậy mà người học đạo cứ chạy đi tìm kiếm, đuổi theo cái gì xa xôi, khiến càng nhọc nhằn, càng khổ sở mà kết quả không đến đâu. Giống như anh chàng đi tìm xuân rách hết mấy đôi giày vẫn không thấy xuân đâu hết, chỉ cần trở về lại vườn cũ đứng ngắm chơi thì thấy xuân liền. Để thấy tinh thần Thiền tông hay đạo Phật cụ thể như vậy, không phải như người ta tưởng huyền hoặc khó hiểu. Đó là tôi giải hai bài kệ nêu lên điểm chủ yếu của người tu thiền hay là người học Phật. Bây giờ tới phần thứ hai, tôi sẽ nhắc lại bài kệ của Thiền sư Huyền Giác còn ghi trong bộ “Vĩnh Gia tập”. Bài kệ này tôi đọc lên, quí vị gẫm lại cho kỹ mới thấy giá trị của nó. Bài kệ này nói lên để giúp cho người tu đã có công phu, đã có chỗ nhận chánh xác cái gì là mình rồi, biết ứng dụng để khỏi lầm lẫn. Nhược dĩ tri tri tịch, Đó là chữ Hán, bây giờ tôi giải thích từng câu cho quí vị hiểu: Nếu lấy cái biết, biết vắng lặng Bốn câu này dùng một hình ảnh cụ thể cho mình thấy. Nêu lên: “nếu mình dùng cái biết, biết vắng lặng” vì ở đây có một số vị ngồi thiền khi tâm được yên rồi, thấy chỗ lặng lẽ cho đó là cứu kính. Với ngài Huyền Giác, Ngài bảo rằng: Chưa! Tại sao vậy? Nếu mình lấy cái biết nhìn chỗ lặng lẽ đó, thì đây không phải là không có duyên để biết, tức là có duyên để biết. Giống như cái gì? Giống như tay mình cầm cái như ý. Thí dụ như tay tôi cầm chai dầu, thì phải có cái tay và chai dầu. Quí vị thấy chỗ đó dễ hiểu hay khó, vì mình lấy cái biết để biết cái lặng, thì cái lặng và cái biết là hai. Cái lặng ví dụ như chai dầu, cái biết dụ cho tay. Như vậy còn có cái tay, còn có chai dầu, là hai cái. Cho nên nói: chẳng phải không tay và không cái như ý. Đó là đoạn thứ nhất, còn hơi dễ hiểu. Đoạn thứ hai: Nhược dĩ tự tri tri, Nếu mình lấy cái tự biết mà biết. Thí dụ mình ngồi thiền tới khi nó yên lặng, biết được cái biết của mình, mình khởi niệm biết mình đang biết. Bởi vì có những người ngồi yên, thấy sao như mình không biết gì rồi tưởng đâu mình đang phiêu phiêu ở đâu, cho nên nhớ lại: “mình đang biết, mình đang biết”, tức lấy cái biết để biết cái biết. Nhớ lại mình đang biết, nên nói rằng “tự tri tri”, tự biết cái biết của mình. Như vậy cũng không phải là không có duyên biết. Thí dụ như cái tay của mình tự nắm lại thành nắm tay: “như thủ tự tróc quyền”, thì “phi thị bất quyền, thủ”, không phải không có cái tay và nắm tay. Như vậy cái tay này ở bên ngoài gọi là nắm tay, ở trong gọi là cái tay, có cái tay và nắm tay. Tuy nó là một mà biến thành hai. Quí vị thấy rất là tế nhị. Hai trường hợp, một bên là biết cái lặng tức còn năng biết và sở biết, một bên là biết cái biết của mình. Đang ngồi yên lặng, rồi nhớ mình đang biết, nhớ tức lấy cái biết mà biết cái biết, đó là cái tay tự nó như vậy mà làm thành nắm tay. Như vậy vừa có tay, vừa có nắm tay. Tuy nắm tay và tay không hai, vì cả hai đều là cái biết, nhưng lại biến thành hai. Bây giờ muốn đúng thì phải thế này: Diệc bất tri tri tịch Cũng không dùng biết biết cái lặng Diệc bất tự tri tri Cũng không tự biết cái biết. Tại sao? Dĩ tánh liễu nhiên cố Vì tánh biết của mình là liễu nhiên, là rõ ràng như vậy. Thí dụ bây giờ ngồi, tôi không biết lặng, tôi không biết mình đang biết, mà tôi cứ nghe, cứ thấy, có cái gì xúc chạm tôi biết, như vậy có biết không? Tánh biết nó sẵn vậy còn phải làm thêm gì nữa! Thêm gì nữa cũng là một lớp bệnh. Đây hết sức tế nhị. Vì tôi e có một số vị tới chỗ yên rồi đâm hoảng hốt nên tôi phải dẫn cho rõ. Dĩ tánh liễu nhiên cố Vì tánh biết nó rõ ràng như vậy. Bất đồng như mộc thạch Nó đâu giống như cây như đá. Nếu mình là cây là đá thì đâu có nghe chim kêu, muỗi cắn mình đâu có ngứa, gió thổi đâu có mát, người đi qua đâu có thấy. Nhưng mình vẫn thấy người đi qua, vẫn nghe tiếng chim kêu, muỗi cắn vẫn biết ngứa, thì đâu phải như cây, gỗ. Nó nhẹ nhàng, rất là thanh thản. Trái lại, nếu biết cái biết, nhớ mình đang biết đây, nhớ như vậy là như cái tay mình đang tự nhiên thảnh thơi lại nắm thành một nắm, đó là thêm một vấn đề. Chỗ này phải hết sức cẩn thận. Bây giờ Ngài mới giải thích rõ về chỗ này: Như thủ bất chấp vật Như tay không nắm vật, tay cũng không làm thành nắm. Bất khả vi vô thủ Đâu thể nói là không tay. Tay tôi nắm chai dầu, bây giờ tôi buông ra không nắm chai dầu, rồi tôi cũng không nắm cái tay lại thành nắm tay, vậy tôi có tay không? Tay tôi vẫn y nguyên, phải không? Đâu đợi tôi nắm tay lại mới nói tôi có tay, hay nắm chai dầu mới nói tôi có tay. Chính khi tôi không nắm chai dầu, cũng không nắm tay lại thành nắm thì lúc đó tay tôi thản nhiên tự tại. Tay tôi hiện tiền thản nhiên tự tại, đó là chỗ rất thâm yếu. Cho nên “bất khả vi vô thủ”, không thể nói là không tay. Dĩ thủ an nhiên cố Vì cái tay đang an nhiên tự tại vậy. Bất đồng ư thố giác Không giống như sừng thỏ. Đừng nói nó là không ngơ. Nó an nhiên hiện có chớ không phải là không ngơ. Bởi vì gần đây tôi nghe có một số Tăng Ni trình bày chỗ tu tới khi lặng lẽ quá thì hoảng, tưởng như mất mình, rồi phải gượng kiếm cái gì, nhìn thấy cái này hay cái kia, như thấy mình đang yên lặng, hoặc biết mình đang biết, vì sợ nó mất. Nên tôi phải dẫn bài kệ này, giải thích cho quí vị rành rẽ manh mối tu hành để khỏi sợ. Nhưng nói thật với quí vị, tới chỗ tri tịch, thấy nó lặng lẽ, chỗ đó ngủ ngon lắm. Nên có khi hoảng phải tỉnh lại. Tỉnh lại tức là “tri tri”, biết mình đang tỉnh, không thôi sợ nó ngủ. Đó cũng là phương tiện ban đầu để trị bệnh thôi, chớ đến chỗ cứu kính thì không phải vậy. Hồi xưa tôi cũng dùng thí dụ nói cho quí vị yên lòng. Tôi nói rằng chúng ta ngồi thiền, thấy vọng tưởng dấy lên, rồi vọng tưởng đi khỏi, vắng, thì chúng ta thấy yên lặng. Thấy vọng tưởng lên rồi biết vọng tưởng lặng, như vậy cái ta đâu có mất, cái biết đâu có mất. Nhưng quí vị đừng có chấp chỗ lặng đó là thật, vì lặng đó là cái bên ngoài. Thí dụ như tôi ngồi trên thất, có khách tới tôi biết có khách, khách về tôi biết không khách. Chỗ khách tới ngồi là cái ghế, ở ngoài tôi, phải không? Khách đi vắng tức chỗ cái ghế đó trống, chớ không phải tôi vắng, quí vị nhớ không? Nếu chấp cái ghế trống đó là mình thì sao? - Là bệnh rồi. Cho nên phải hiểu cho thật rõ, khách đến thì ngồi ghế đối diện nói chuyện với mình, khách về ghế trống thì không có người nói chuyện nữa. Như vậy, ghế trống là trống cái ghế chớ không phải trống người chủ ngồi trong nhà. Nếu chúng ta cứ nhìn cái ghế trống đó cho là chỗ đúng rồi, được không? - Không được. Phải biết rõ, trống là cái ghế chớ không phải mình. Mình đang ngồi, đang là chủ. Nhưng nếu bây giờ lại khởi nghĩ mình đang là chủ đây, nghĩa là mình đang thấy nghe, biết rõ ràng đủ rồi, lại khởi nghĩ mình đang làm chủ đây, thì đó là lấy cái biết để biết lại cái biết, tức là cái tay đang thong thả đem nắm lại cho thành nắm tay. Vô tình một sự việc mình tạo thành hai, có cái tay và có nắm tay. Cho nên khi không có khách, mình vẫn an nhiên thấy nghe bình thản, không có gì thêm bớt nữa thì trúng. Còn khởi niệm bây giờ không có khách mình ở đâu, mình là cái gì, đó là bậy. Việc tu rất là tế nhị. Nhiều khi không nói kỹ, quí vị tu tới chỗ đó rồi đâm ra hoảng, hoặc có khi hiểu thế này, hiểu thế kia, cứ nghĩ sợ mất mình. Nếu mất mình thì hỏi làm sao mà nghe, làm sao mà thấy, làm sao có cảm giác, phải không? Còn nghe, còn thấy, còn cảm giác làm sao mất mình cho được? Chỉ mất cái mình động thôi, còn cái thể hiện tại có mất đi đâu. Đó là ý nghĩa thâm trầm trên đường tu. Vậy phần thứ hai tôi nói xong rồi. Bây giờ tôi dịch lại bài này cho quí vị nghe cho dễ nhớ: Nếu lấy biết biết lặng, Đó là nói chuyện xưa để nhắc nhở quí vị. Bây giờ tới phần thứ ba, nói chuyện nay, để quí vị thấy thêm cái gọi là nhu cầu bức thiết để tất cả nhớ mà cố gắng. Nãy giờ quí vị chúc Tết tôi đều có cái ý muốn tôi được sống dai phải không? Sống chừng bao nhiêu thì vừa? Nhiều người nói giống như ngài Triệu Châu, ngài Hư Vân. Nhưng tôi thì không dám nghĩ tới điều đó. Quí vị nhớ xem, ngày mồng một Tết năm nay tôi đã được bao nhiêu tuổi rồi? Ờ đã bảy mươi ba tuổi, đó có phải già chưa? Bảy mươi ba tuổi là quá cổ lai hi rồi. Qua một năm là mất hết một tuổi của tôi. Như vậy sang năm mới là đáng mừng hay đáng lo? Nếu đáng lo thì sao nói là mừng tuổi? Bởi vì qua mất một năm thì cái chết nó gần lại một phần. Tôi đặt giả sử, lấy cái mốc thời gian của những người thân, đặt làm giả sử tuổi thọ của tôi. Người thân nhất là cha, ông thân tôi sống được có bảy mươi chín tuổi. Nếu tôi lấy cái mốc thời gian đó thì quí vị thấy tôi sống còn được mấy năm nữa? Chỉ còn sáu năm nữa. Còn nếu tôi lấy cái mốc thời gian của ông Phật mình là tám mươi tuổi, thì tôi còn sống được bao nhiêu tuổi nữa? Có bảy năm thôi. Đó là hai cái mốc giả sử chớ chưa phải thật, bởi vì vô thường đâu lường trước được. Ngày nay còn là biết ngày nay, chưa chắc ngày mai được an ổn. Nhưng bây giờ mình cứ giả sử, giả sử tôi sống được bảy mươi chín tuổi như ông thân tôi thì tôi chỉ còn được sáu năm. Giả sử tôi được phước hơn, sống bằng tuổi Phật thì tôi còn được bảy năm. Gần hay xa? Như vậy mất một năm quí vị có tiếc hay không? Qua một năm là mình đã mất một tuổi. Mất một tuổi tức là gần với sự chết. Vậy thì chúng ta phải nghĩ sao về đời tu của mình? Bây giờ tôi kể lại cho quí vị nghe trách nhiệm của tôi hiện nay là đang làm cái gì, làm rồi chưa. Một là tôi phải làm việc cho tôi, làm sao tới khi ra đi tôi được an vui, tự tại chớ tôi không muốn quằn quại, rên rỉ, than thở. Mà muốn việc đó có dễ hay không? Nói thì dễ lắm, nhưng thực hành được điều đó không giản đơn. Mà tôi phải làm việc đó. Chỉ còn mấy năm mà phải làm cho rồi, quí vị nghĩ có ngán chưa! Đó là việc của tôi. Thứ hai là việc của Tăng Ni mà tôi đang chịu trách nhiệm. Tôi nghĩ rằng trong vòng sáu, bảy năm, giả sử tôi còn có mặt, tôi phải có những người nào, hoặc là Tăng, hoặc là Ni, những người chớ không phải một người nghe, tức là phải có nhiều người, có khả năng khi tôi theo Phật, quí vị đó đảm đang được, gánh vác được việc của tôi làm và có thể mở rộng hơn chỗ tôi muốn. Như vậy thời gian chỉ có sáu, bảy năm mà tôi muốn thấy được có những người Tăng Ni ở đây và ở các Thiền viện có khả năng thật sự, cụ thể, cho chúng tôi tin tưởng. Việc làm đó khó hay dễ? Quí vị thấy có người nào có thể thay tôi được chưa? Đó là vấn đề thứ hai tôi phải làm. Vấn đề thứ ba là đối với Phật giáo Việt Nam, như tôi thường ước mơ và đã cụ thể ước mơ đó bằng những hình ảnh trong câu nói: “Ngôi nhà Phật giáo Việt Nam đang mờ tối quá, tôi muốn đời của tôi ít ra cũng làm được một ngọn nến thắp sáng trong ngôi nhà Phật giáo Việt Nam.” Bởi vậy tôi mới dùng chữ “Chiếu” đó, nghĩa là soi sáng được ngôi nhà Phật giáo Việt Nam. Từ ngọn nến tôi thắp lên đó, nếu được nhiều ngọn nến tiếp tục mồi và thắp khắp ngôi nhà to lớn của Phật giáo Việt Nam, nơi nào cũng sáng hết, đó là tôi mãn nguyện vô cùng. Nhưng việc đó quí vị thấy dễ làm không? Đã làm được bao nhiêu chưa? Còn việc thứ tư là tôi thấy rằng đạo Phật dạy cho chúng ta một con đường giác ngộ, nếu chúng ta bước lên trên con đường đó, dù giác được ít, được nhiều cũng đều là thấy lối đi, bớt đau khổ. Vì mê là gốc khổ, nếu chúng ta có giác thì dù ít dù nhiều cũng bớt khổ. Nhìn lại mọi người trên thế gian, thấy người ta đi trong mê lầm, trong tối tăm, mình biết một chút, mình giác một chút, hết sức là thương họ, muốn cho người ta cùng được giác chút ít như mình, như vậy mình mới thấy an vui được phần nào. Đó là chuyện tôi lo cho ai? Lo cho rất nhiều người, tôi chỉ dám nói là nhiều người chớ không dám nói to là chúng sanh. Thấy rất nhiều người cần điều đó. Vậy gom lại những điều tôi muốn làm, là nhiều hay ít? Lo cho mình cũng đang lo chớ chưa xong. Lo cho Tăng Ni để thế mình cũng đang lo chớ chưa xong. Lo cho ngôi nhà Phật pháp tối, muốn thắp nến lên để được sáng cũng chưa xong. Muốn cho mọi người được giác để bớt khổ đau cũng chưa được bao nhiêu. Như vậy, bốn trách nhiệm nặng đó mà tôi còn có sáu, bảy năm, quí vị nghĩ sao? Tôi làm kịp hay không, kịp tới đâu? Tôi lấy một ví dụ, ví như có một người đứng ra cam kết lãnh một công tác, gọi là ký giao kèo với người ta, làm trong thời gian mười ngày phải xong. Rồi người ấy kêu thân bằng quyến thuộc lại cùng chung sức làm. Nhưng trọng trách người đó chịu, trách nhiệm ký giao kèo. Làm tới tám ngày rồi mà công việc mười phần chưa được năm. Lại thấy những người thân thuộc hợp tác làm với mình đó, kẻ thì đốt thuốc nói dóc, người thì ngồi nói chuyện nhảm nhí tào lao, thì người đó có vui không? Có yên lòng không? Ngày giao kèo đã kề bên, công việc còn mê mê mà những người cộng sự viên thân thuộc của mình lại không nỗ lực để phụ làm với mình. Quí vị thấy người đó có vui không? Chắc là phải la quá, nhất định phải la! Tại sao la? Bởi vì công việc còn quá nhiều, còn quá bề bộn mà những người chung lo với mình lại không nhiệt tình, không cố gắng, e làm không kịp rồi sẽ bị người ta trách, người ta kiện thưa, phiền hà, nên ai lơ là thì nhất định phải la. Đó vì cái gì mà la? Vì một trọng trách. Vậy nên tôi nghĩ chắc từ đây về sau tôi sanh tật khó. Tôi sẽ khó vì chuyện của tôi còn nhiều quá mà thời gian cho phép tôi làm thì ít, ngắn quá. Nếu thấy ai lơ là, đã là hợp tác thì phải chung lo, mà không chịu chung lo, không cố gắng, thì tôi phải la. La đó là vì trọng trách chớ không phải vì một ý riêng tư nào hết, không phải vì thương hay ghét mà vì một trọng trách. Như vậy, tất cả Tăng Ni và Phật tử có mặt ở đây nghĩ tôi sẽ là người khó hay dễ? Bây giờ đang là khó và sẽ còn khó nữa, càng ngày càng khó hơn. Nên quí vị nói tôi sanh tật, già khó quá, phải không? Càng già càng khó! Cái khó của tôi là tại chỗ nhìn như vậy, thấy ai không nhiệt tình, không cố gắng để làm tròn, tự nhiên tôi phải la. La là để thúc đẩy quí vị ráng làm, cho xong xuôi một trọng trách. Tăng Ni được gần tôi đừng nghĩ là có phước, quí vị sẽ nghĩ rằng quí vị là khổ, bởi tôi thúc riết chạy không kịp, rồi quí vị rên! Do hiểu rõ những điều tôi muốn, tôi đang cố gắng, quí vị cũng phải cố gắng nỗ lực với tôi chớ đừng có chần chờ. Làm sao trong thời gian mấy năm nữa, mỗi năm chúng tôi đều có được những niềm vui, thấy việc làm của mình có phần kết quả. Mỗi năm được tin vui để mình yên lòng rằng ngày mai không đến nỗi thất vọng, vẫn có thể có được những tin tức đáng cho mình trông đợi, tin cậy. Trước hết là tin những người tu ở đây và ở các Thiền viện đủ khả năng để thay thế tôi. Nói đủ khả năng thay thế tôi là còn lạc hậu đó, quí vị phải siêu việt hơn tôi, vượt hơn tôi thì mới có thể duy trì được sự nghiệp của tôi. Nếu bằng tôi là đã lạc hậu rồi. Như vậy, những người có trách nhiệm, được sự hướng dẫn của tôi, đều phải cố gắng làm sao cho bằng và hơn tôi, chớ đừng chỉ được chút ít rồi tự mãn: ta thảnh thơi, ta an nhàn, ta thấy được đạo, rồi không cần gì nữa hết, thổi sáo, cỡi trâu, du lịch chơi, tự tại. Đó là không tốt. Trách nhiệm chúng ta còn nặng lắm, bởi vì mình phải đủ sức để tiến trên con đường giác, rồi mình phải mồi những ngọn đèn để thắp sáng cho ngôi nhà Phật giáo Việt Nam, sáng nhiều hơn nữa chớ không phải chỉ một ngọn. Một ngọn nếu có sáng chỉ sáng chút ít chung quanh nó thôi, nhiều nơi khác còn u ám lắm. Một ngọn rủi gió thổi tắt là rồi, tối om, phải không? Cho nên mình phải có nhiều ngọn, ngọn này có lu, có tắt thì còn ngọn khác, khiến cho ngôi nhà Phật pháp Việt Nam được sáng. Như vậy, những điều mơ ước của tôi không phải là nhỏ. Chừng nào chúng ta đem được những lời giáo hoá đầy đủ chân lý, đầy đủ tánh giác ngộ của Phật chỉ cho mọi người cùng nghe, cùng biết để thức tỉnh, chừng đó việc làm của mình mới gọi là được vuông tròn một chút. Nhưng bây giờ tôi thấy cũng có phước, những lời nói của tôi chưa phải là Tăng Ni mang đi mà khoa học mang đi rải giùm, phải không? Từ những cuốn băng, cuốn phim đi nơi này nơi kia rải cho người ta nghe, giúp tôi cũng nhiều. Tôi nghĩ rằng mai kia Tăng Ni có khả năng duy trì được sự nghiệp của tôi - duy trì là một lối nói tiêu cực, phải nói phát triển được những gì tôi làm. Tôi làm một, tới quí vị làm mười, đợt sau là trăm. Ba bốn đợt vậy đó thì muôn ngàn. Đợt thứ nhất, ai kêu tôi bằng Thầy đó, phải mười, đợt thứ hai ai kêu tôi bằng Sư ông phải trăm. Phải vậy mới được, cứ tăng lên tăng lên chớ không có quyền chỉ làm ngang bằng như tôi thì được cái gì! Cho nên phải nhân lên, mười, trăm, rồi ngàn, cứ vậy mà tăng thì Phật pháp mới tốt đẹp và sở nguyện của tôi mới được tròn đầy. Đây là lời nhắc đầu năm của tôi để cho quí vị chuẩn bị. Tăng Ni Phật tử ý thức sự tu hành chớ không nên mừng xuân rồi vui chơi, dẫn đi thênh thang cười chơi hoài. Mừng xuân là chuẩn bị cho bước tiến năm này phải nhiều hơn năm trước và chúng ta sẽ cứng cỏi đứng trước mọi ngọn gió, tám ngọn bát phong đó, tám ngọn đó thổi mấy cũng không lung lay, chớ không phải những chuyện thường. Vậy tôi mong tất cả Tăng Ni và Phật tử, năm Bính Tý này, quí vị sẽ tiến bộ nhiều và quí vị sẽ nỗ lực hơn so với năm Ất Hợi vừa qua. Đó là lời mong mỏi của tôi. Vậy ngang đây chấm dứt buổi nói chuyện đầu xuân. Mục Lục
|
Xuân Phụng Hoàng Tập 1 (2004)
|
Lễ Chúc Tết Bính Tý