Thiền Tông Việt Nam
Nhặt Lá Bồ Đề - Tập 1
Phần I: Trích Giảng Kinh A Hàm

1. Trả lời trong im lặng:

Vua Ba Tư Nặc đến hỏi đạo Tỳ Kheo Ni Khema. Vua hỏi:

- Sau khi Phật Niết bàn có còn chăng?

Bà Khema đáp:

- Câu này Thế Tôn thường không trả lời.

Vua hỏi:

- Như vậy sau khi Phật Niết bàn không còn chăng?

Bà đáp:

- Câu này Thế Tôn thường không trả lời.

Vua hỏi tiếp:

- Sau khi Phật Niết bàn cũng còn, cũng không còn chăng? Chẳng phải còn, chẳng phải không còn chăng?

Bà Khema cũng đáp:

-Câu này Thế Tôn thường không trả lời.

Vua lại hỏi:

- Vì sao không trả lời?

Bà đáp:

- Ví như trong nước có nhà toán học giỏi, thử bảo toán xem cát sông Hằng là bao nhiêu, toán được không?

Vua đáp:

- Không thể toán được.

- Lại bảo toán xem nước biển đại dương là bao nhiêu đấu, toán được không?

Vua cũng đáp:

- Không thể toán được.

Bà nói:

- Cũng vậy, Thế Tôn đã dứt sạch sắc, thọ, tưởng, hành, thức, không thấy có ta và của ta. Ngài đã vào chỗ thâm sâu không thể nghĩ lường được nên Phật không trả lời.

Vua lại đến hỏi Phật, Phật cũng đáp như vậy. Vua khen:

- Hay thay! Hay thay! Phật và đệ tử Phật đều nói không khác.

BÌNH:

Sở dĩ hỏi Như Lai còn hay không còn, là bởi trong lòng còn chứa niệm ta và của ta. Vì chấp năm uẩn là thật nên ta băn khoăn thắc mắc sợ tu hành rốt sau rồi không còn gì để nương tựa nữa. Đó là còn nghĩ đến thân để thụ hưởng. Rõ ràng người đặt câu hỏi này hoàn toàn chưa thoát khỏi năm uẩn. Người đạt năm uẩn không thật, chẳng còn có niệm ta và của ta thì sự còn mất của nó đâu còn quan trọng nữa!

Ví dụ: Có người đứng trên bến tàu thấy người lên kẻ xuống tấp nập, nhưng không hề ngó ngàng gì đến cả. Bất chợt có người thân trong đó liền chạy đến hỏi han: Đi đâu? Bao giờ trở lại? V.v… Vì sao thế? – Vì có liên hệ đến ta; còn thấy có ta là còn vương vấn. Trái lại bao nhiêu người khác vì không dính dáng gì đến ta nên mặc tình họ đi đâu thì đi không cần để ý.

Kết luận điểm này, hể còn nghiệp là còn sanh, còn sanh là còn chỗ để nói. Như Lai đã hết nghiệp nên không chỗ sanh, không chỗ sanh nên không thể nói, do đó chỉ im lặng, dứt hết hý luận.

2. Kinh rùa mù tìm bộng cây:

Một hôm Phật ở Trùng Các Giảng Đường bên hồ Di Hầu, tôi nghe như vầy:

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Ví như quả đất sụp thành bể cả, có một con rùa mù sống vô lượng kiếp, một trăm năm mới trồi đầu lên một lần. Trong biển có bộng cây nổi chỉ có một lỗ, trôi giạt trên mặt biển theo gió sang Đông Tây, con rùa mù một trăm năm mới trồi đầu lên tìm bộng cây, sẽ gặp được bộng cây này chăng?

A Nan bạch:

- Không thể gặp, thưa Thế Tôn! Vì cớ sao? Vì con rùa này nếu đến bể Đông, bộng cây đã theo gió đến bể Tây, Nam, Bắc bốn phía, chung quanh cũng vậy, không thể gặp nhau.

Phật bảo A Nan:

- Con rùa mù tìm bộng cây tuy sai lạc, nhưng có lúc gặp nhau, kẻ phàm phu ngu si trôi giạt trong ngũ thú tạm được thân người, rất khó hơn con rùa mù kia tìm bộng cây. Vì cớ sao? Vì chúng sanh kia không hành nghĩa, không hành pháp, không hành thiện, không hành chơn thật, sát hại lẫn nhau, mạnh hiếp yếu, tạo vô lượng tội ác. Thế nên, Tỳ Kheo! Đối Tứ Thánh Đế nếu chưa được vô gián đẳng, phải chuyên cần tìm phương tiện mong muốn tăng thượng, học vô gián đẳng.

Phật nói Kinh này rồi, chư Tỳ Kheo nghe Phật nói hoan hỉ phụng hành.

BÌNH:

Qua câu chuyện rùa mù Phật dẫn trên, chúng ta xét có trái với tinh thần “Vô ngã” của Phật giáo không? Vì chủ trương của Phật giáo là phá ngã, thấy thân ngũ uẩn giả hợp như bèo bọt không nghĩa lý gì, tại sao ở đây lại quí thân?

Thật ra ở đây nói thân này “khó gặp”, không phải quý thân và quan trọng nó tợ hồ một bảo vật để tôn thờ như người ta lầm tưởng, mà ý nghĩa quý ở đây là muốn nói đến trong cuộc sống, thời gian sống, phải làm gì cho đúng ý nghĩa của nó.

Ở đời có hai hạng người lầm chấp:

- Hạng người thứ nhất quá bi quan đối với thân này, cho nó là bất tịnh, là xấu xa, đê tiện, tạm bợ v.v… rồi muốn phá hoại cho nó tiêu tan, như câu chuyện: Khi Phật còn tại thế, một hôm giảng đạo Ngài nói về pháp “Quán thân bất tịnh”. Sau đó Ngài tuyên bố với chúng Tăng để cho Ngài ở yên một thời gian ba tháng, không ai được thăm viếng chỉ trừ một người thị giả thôi. Sau ba tháng trở ra Ngài thấy số Tỳ Kheo bổng nhiên thưa thớt đi. Ngài hỏi lý do, thì A Nan thưa rằng: Sau khi nghe Thế Tôn giảng về pháp “Quán bất tịnh”, các Thầy Tỳ Kheo quán thấy thân này nhơ nhớp quá nên một số Thầy mướn người giết đi để khỏi còn thấy nó nữa! Phật liền họp các Thâỳ Tỳ Kheo lại, chế giới ngăn cấm: “Không ai được mướn người giết, nếu mướn giết là phạm giới”. Đó là hạng thứ nhất.

- Hạng người thứ hai thì trái lại, họ quá quan trọng thân này, quanh năm suốt tháng cứ một bề lo bồi bổ tưng tiu chìu chuộng cái thân, không dám dùng nó vào việc gì, mặc dù việc đáng làm và nên làm.

Hai hạng trên đều trái với tinh thần đạo lý của Phật dạy. Phật nói thân này là vô thường, bất tịnh v.v… là chỉ rõ lẽ thật cho chúng ta nhận thấy để khỏi đắm mê chạy theo dục lạc. Khi hiểu rõ rồi, chúng ta lại phải lợi dụng nó để tiến tu hoặc làm các việc lợi ích cho mọi người… chớ không phải hiểu rõ lý vô thường để bi quan chán đời rồi đi tự tử, thật là một điều lầm lẫn!

Với cặp mắt của người tu Phật, vẫn thấy thân này là giả tạm vô thường, không đáng kể, nhưng họ vẫn giữ lấy thân này để làm phương tiện tiến tu. Như người muốn qua sông, vẫn biết khúc gỗ mục không đáng giá chút nào, nhưng lúc chới với giữa giòng vẫn phải dùng nó làm chiếc phao khi mình chưa đến bờ. Có ai dại dột gì, khi còn lênh đênh ngoài biển mà vội bỏ “bè” không? Cũng thế, khi chưa đạt đạo thì phải mượn thân này làm thuyền bè để đến bờ giác ngộ. Khi qua đến bờ lúc đó bỏ bè cũng không muộn gì. Nếu chưa đạt đạo mà vội hủy bỏ thân là một điều lầm lẫn đáng tiếc!

Trong Kinh chép: Một hôm Phật khơi một chút đất dính đầu móng tay đưa lên hỏi trong chúng hội:

“Đất đầu móng tay nhiều hay đất quả địa cầu nhiều?” Trong chúng hội đều đáp: “Bạch Thế Tôn, đất quả địa cầu rất nhiều, so với đất đầu móng tay có thấm vào đâu!”. Phật kết luận: “Cũng thế, chúng sanh khi bỏ thân này rồi mà trở lại được thân người rất ít như đất đầu móng tay, còn đi vào các thú thì nhiều như đất quả địa cầu”.

Cũng nói ý này Cổ Đức có câu: “Trăm năm cây sắt trổ hoa còn dễ, một phen mất thân này, muôn kiếp khó tìm” (Thiên niên thiết thọ khai hoa dị, nhứt thất nhơn thân vạn kiếp nan).

Vì thế, chúng ta là hành giả đang đi trên lộ trình xa vạn dặm, phải có quan niệm chính xác đối với thân này để khỏi phải dở dang giữa đường mà chưa đạt đến bờ kia!

3. Kinh nhơn quả:

Một hôm Phật ở nước Xá Vệ rừng Kỳ Đà vườn ông Cấp Cô Độc, tôi nghe như vầy:

Khi ấy vua Ba Tư Nặc đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, lui ngồi một bên, bạch Phật:

- Thế nào Thế Tôn! Bà La Môn chết rồi trở lại sanh trong dòng Bà La Môn chăng? Sát Lợi, Tỳ Xá, Thủ Đà la cũng thế chăng?

- Đại Vương! Đâu được như vậy. Đại Vương nên biết có bốn hạng người:

1. Có người từ tối vào tối.

2. Có người từ tối vào sáng.

3. Có người từ sáng vào tối.

4. Có người từ sáng vào sáng.

Đại Vương! Thế nào là hạng người từ tối vào tối?

- Có những người sanh ra trong nhà ty tiện hoặc nhà Chiên Đà La (Candala), nhà làm lưới bẫy, nhà đương đát, nhà thợ mộc và các nghề nghiệp hạ tiện, nghèo cùng, chết yểu, thân thể xấu xa, mà lại làm những nghề hạ tiện, cũng bị người sai làm những việc hạ tiện, ấy gọi là tối.

Ở trong chỗ tối, người kia lại thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, do nhơn ấy thân hoại mạng chung sẽ sanh cõi ác đọa địa ngục. Ví như có người từ tối vào tối, từ nhà xí vào nhà xí, dùng máu rửa máu, xả ác thọ ác, người từ tối vào tối cũng như thế.

Thế nào là người từ sáng vào tối?

- Có những người sanh trong gia tộc giàu sang hoặc nhà Sát Lợi giàu sang, hoặc nhà Bà La Môn giàu sang, nhà trưởng giả và các gia đình giàu sang nhiều tiền của, tôi tớ, nhiều trí thức, thân tốt đẹp, thông minh trí tuệ, ấy gọi là sáng. Ở trong chỗ sáng này, thân hành ác, khẩu hành ác, ý hành ác, do nhân duyên ấy thân hoại mạng chung sanh cõi ác, đọa địa ngục. Ví như có người từ lầu cao xuống cưỡi voi, từ voi xuống lưng ngựa, từ ngựa xuống xe, từ xe xuống chõng, từ chõng xuống đất, từ đất rơi xuống hầm, từ sáng vào tối cũng như thế.

Thế nào là người từ sáng vào sáng?

- Có những người sanh trong gia tộc giàu sang cho đến hình tướng tốt đẹp. Ở trong chỗ sáng này tâm hành thiện, khẩu hành thiện, ý hành thiện, do nhân duyên này thân hoại mạng chung sanh cõi lành được hóa sanh cõi trời. Ví như có người từ lầu đẹp đến lầu đẹp, như thế cho đến từ chõng đến chõng, người từ sáng vào sáng cũng như thế. Khi ấy Thế Tôn nói bài kệ:

Người bần cùng khốn khổ

Không tin thêm sân hận

Sân tham tưởng ác tà

Si mê không cung kính

Thấy Sa Môn, Đạo Sĩ

Người trì giới, đa văn

Chê bai, không khen ngợi

Chướng người trí kẻ thọ

Kẻ sĩ phu như thế

Từ đây đến đời sau

Sẽ đọa trong địa ngục

Từ tối vào nơi tối.

Nếu có người bần cùng

Tín tâm ít sân hận

Thường sanh tâm tàm quí

Bố thí lìa xan tham

Thấy Sa Môn, Phạm chí

Người trì giới, đa văn

Thấp mình và thăm hỏi

Tùy nghi khéo giúp đỡ

Khuyên người khiến bố thí

Khen thí và người thọ

Người tu thiện như thế

Từ đây đến đời sau

Cõi lành sanh lên trời

Từ tối vào nơi sáng.

Có sĩ phu giàu vui

Không tin nhiều sân hận

Sân tham, tật tưởng ác

Tà si không cung kính

Thấy Sa Môn, Phạm chí

Chê bai không khen ngợi

Chướng ngại người bố thí

Cũng đoạn người thọ thí

Sĩ phu ác như thế

Từ đây đến đời sau

Sẽ sanh địa ngục khổ

Từ sáng vào trong tối.

Nếu có sĩ phu giàu

Tín tâm không sân hận

Thường khởi tâm tàm quí

Huệ thí lìa sân đố

Thấy Sa Môn, Phạm Chí

Người trì giới, đa văn

Trước kính đón thăm hỏi

Tùy nghi cấp chỗ cần

Khuyên người khiến cúng dường

Khen thí và thọ thí

Kẻ sĩ phu như thế

Từ đây đến đời sau

Sanh tam thập tam thiên

Từ sáng vào nơi sáng. 

Phật nói kinh này rồi, vua Ba Tư Nặc nghe Phật nói hoan hỷ tùy hỷ làm lễ rồi lui đi.

BÌNH:

Đọc qua bài kinh Nhân Quả trên, chúng ta thấy lý nhân quả của đạo Phật rất rộng rãi và phóng khoáng. Bởi một số đông người trong thế gian lầm chấp: Hể người chết sanh cõi người, trời chết sanh cõi trời, thú vật chết sanh thú vật v.v... Họ đâu biết cuộc sống của chúng ta là một dòng chuyển biến, chuyển biến liên tục từng sát na. Từ khi chào đời đã chịu quả báo nghiệp nhân của quá khứ. Dần dần thành một con người là nó đã tạo thêm nghiệp mới. Nếu gặp duyên lành ở trong hoàn cảnh tốt, gần thiện tri thức dạy điều lành, điều tốt thì nó sẽ tiến lên các cõi lành. Trái lại gần người ác, hoàn cảnh xấu xa nhiễm theo nghiệp ác, nó sẽ đọa xuống các cõi dữ. Như thế cứ tiếp tục thăng trầm từ đời này sang kiếp khác, không bao giờ dứt (gây nghiệp trả quả báo, trả quả báo rồi gây nghiệp v.v...)

Vì thế ở đây Phật nêu lên bốn hạng người:

Người từ tối vào tối.

Người từ tối vào sáng.

Người từ sáng vào tối.

Người từ sáng vào sáng.

- Hạng người thứ nhất là người kém phước đức. Đời trước đã gieo nhân bất thiện, nên hiện nay gặp quả báo sanh chỗ xấu ác. Thế mà cũng chẳng biết làm thiện để chuyển đổi nghiệp nhân đau khổ, họ đành chịu quả khổ mãi mãi (như từ tối vào tối).

- Hạng người thứ hai, cũng ở trong hoàn cảnh xấu ác (của nghiệp qua khứ), nhưng họ biết chuyển nghiệp dữ thành nghiệp lành, tức họ hết khổ đau (như từ tối vào sáng).

- Hạng người thứ ba là hạng người có phước đức, do đời trước tạo nhân tốt, đời này hưởng quả lành, nhưng họ không biết tu tiến, cứ tha hồ thụ hưởng dục lạc, gây tạo ác nghiệp để rồi phải gặt hái quả khổ đau (như từ sáng vào tối).

- Hạng người thứ tư, người này vừa có phước đức lại biết huân tu nghiệp lành, tránh xa nghiệp ác. Người này mỗi ngày một tiến lên, tâm trí sáng ngời, tương lai họ sẽ lên quả giải thoát (như từ sáng vào sáng).

Tóm lại trong bốn hạng người nói trên, có hai hạng biết cầu tiến (hạng thứ hai và thứ tư) và hai hạng không biết cầu tiến (hạng thứ nhất và thứ ba). Như thế việc tu hành có tiến hay thối đều do chúng ta có chịu chuyển đổi nghiệp nhân hay không, chứ không phải do ai định đoạt. Và nghiệp nhân cũng không phải cố định thiện ác… mà tùy chúng ta chuyển đổi đó thôi.

Biết được lẽ này, chúng ta mới nỗ lực tu thiện, đoạn ác, và không kẹt vào hai chấp “thường” và “đoạn” của ngoại đạo.

4. Giữ gìn gia bảo:

Một hôm Phật bảo các Thầy Tỳ Kheo rằng: Này các Tỳ Kheo! Trong hàng đệ tử của ta có chia làm bốn hạng người. Thế nào là bốn?

1. Hạng người ngoài chín trong sống.

2. Hạng người ngoài sống trong chín.

3. Hạng người ngoài sống trong sống.

4.Hạng người ngoài chín trong chín.

- Thế nào là hạng người ngoài chín trong sống?

Tức là những kẻ tu hành bên ngoài thấy thanh tịnh nghiêm trang mà bên trong thì buông lung, tư tưởng không thể điều phục.

- Thế nào là hạng người ngoài sống trong chín?

Tức là những kẻ bên trong thanh tịnh nhưng ngoài thì hạnh thô tháo phóng túng.

- Thế nào là người ngoài sống trong sống?

Tức là những kẻ trong ngoài đều không thanh tịnh.

- Thế nào là người ngoài chín trong chín?

Tức là những kẻ trong ngoài đều thanh tịnh.

Này các Tỳ Kheo! Chính hạng người sau cùng này mới là hạng thanh tịnh chơn thật, xứng đáng là người giữ gìn gia bảo của Như Lai.

BÌNH:

Đọc qua bốn hạng người trên, chúng ta mỗi người hãy tự kiểm điểm lại xem mình thuộc hạng người nào?

Chúng ta có phải là kẻ chỉ lo trau giồi cái hình tướng bề ngoài cho trang nghiêm thanh tịnh ra dáng tu hành tinh tiến lắm, nhưng trong lòng để rơm rác đầy dẫy, chất chứa bao nhiêu là tư tưởng xấu xa đen tối mà không hề có phút giây chiếu soi trở lại, điều phục lấy mình. Thật hổ thẹn xiết bao! Có biết đâu dối người thì đặng nhưng dối mình thì không thể được. Một khi nhân duyên chín mùi, chiếc áo đẹp bên ngoài rã nát thì những gì chứa ẩn bên trong lâu nay nó bày hiện ra cả, nhân nào quả nấy, chúng ta tự thọ khổ, che đậy được đâu? Ngoài chín mà trong sống không thể dùng được.

Hoặc kẻ bên ngoài thì buông lung phóng túng, hạnh lại thô tháo, có ai nhắc nhở cho thì bảo: “Tôi tự giữ bên trong”. Thật lầm to! Nếu bên trong đã được thanh tịnh thì cớ gì lại hiện tướng thô tháo? Trừ một vài trường hợp Bồ Tát hiện thân đặc biệt, vì cảm hóa một số người nào đó, còn ngoài ra e rằng chúng ta bị ma mê hoặc mà không hay. Dù quả thật chúng ta có được trong lòng như “Thánh” chăng nữa, song chung quanh chúng ta bao nhiêu người họ còn đang sống với phàm tình, đâu hiểu thấu được bên trong chúng ta thế nào. Do vậy, thấy hành động chúng ta qua thô, họ đâm ra hủy báng chánh pháp, chê bai Tam Bảo; vô tình chúng ta đưa họ vào con đường tội lỗi càng sâu. Như vậy chúng ta cũng chưa tròn được bản nguyện tự lợi, lợi tha. Cho nên dù chúng ta có được trong lòng vô sự chăng nữa, nhưng vì lợi tha cần phải cẩn thận oai nghi không thể thô xuất. Đừng để trong chín mà ngoài sống. 

Còn kẻ cả trong lẫn ngoài đều chẳng thanh tịnh thì sao? Hy vọng chúng ta không thuộc hạng này!

Hạng sau cùng, trong tâm sáng ngời với trí tuệ. Ngoài thân giới hạnh tinh nghiêm không chỗ khiếm khuyết gọi là “Như ngọc lưu ly ngậm ánh trăng” suốt cả trong ngoài. Quả thật một bậc trí và hạnh tròn đầy, không để cho thế gian tim thấy lỗi. Được như vậy thì khỏi phải cầu Như Lai thọ ký nhưng Thế Tôn đã tán thán lắm rồi! Vậy chúng ta có phải là hạng này chăng?

Xét kỹ lại, bốn hạng trên tuy nói riêng biệt, song nhìn lại trong mỗi chúng ta cũng tự có đủ cả, đâu lạ gì? Lúc ngoài thân thanh tịnh mà trong tâm thô động là hạng thứ nhất chứ gì? Lúc ngoài thân tuy thô động mà trong tâm giữ gìn được thanh tịnh là hạng thứ hai. Lúc cả trong ngoài đều thô động là ở hạng thứ ba. Lúc trong ngoài đều thanh tịnh là ở hạng thứ tư. Ba hạng trước, hai hạng 1 và 3 thì thiếu thật tu, hạng hai có tu nhưng còn khuyết điểm, chỉ hạng thứ thứ tư mới là chơn thật tròn đầy.

Tóm lại, nếu chúng ta chưa hẳn như hạng thứ tư này thì phải cố gắng thêm lên cho được khế hiệp, sau này sẽ là bậc lợi lạc khắp nhân thiên.

5. Con vật nào mạnh hơn:

Trong Tương Ưng Bộ Kinh, Phật kể câu chuyện: Như có sáu con thú: khỉ, dã can, cá sấu, chim, chó sói, rắn. Người ta bắt sáu con thú này cột chung lại một chùm. Mỗi con đều dùng hết sức mạnh của mình lôi mỗi hướng. (Khỉ lôi lên cây, cá sấu lôi xuống biển, chim bay lên hư không, dã can lôi vô gò mả, rắn lôi vô hang, chó sói lôi vô bụi rậm). Trong trường hợp ấy nếu con nào mạnh sẽ kéo những con khác theo hướng của mình nhắm.

Cũng thế, mỗi căn, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý của phàm phu, nếu căn nào huân tập chủng tử mạnh, nó sẽ lôi cuốn các căn khác chạy theo nó.

Ví dụ: Như mắt bị nhiễm sắc chạy theo sắc, thì tai cũng ảnh hưởng nhiễm nghe những tiếng của sắc. Mũi, lưỡi, thân, ý cũng đều như vậy.

Vì thế, Tỳ Kheo các ông phải dùng cây trụ “Thiền Quán” để cột sáu con lại, khi vùng vẫy mệt nó sẽ đứng yên.

Bình:

Phật nói sự tương quan của các căn. Căn đối với cảnh nó hấp dẫn tạo thành sức mạnh gọi là “nghiệp”. Bởi nghiệp mới có năng lực dắt dẫn chúng sanh luân hồi trong lục đạo.

Vậy muốn chận đứng động cơ tạo nghiệp, người tu phải dùng Thiền quán làm cây cột trụ để cột nó dừng lại. Thiền quán cánh nào?

Quán thân năm uẩn này do duyên hợp tạm có rồi không. Đã do duyên hợp thì đâu có gì thật có và thường còn. Quán thấy rõ như thế thì không còn niệm đắm trước, là cắt đứt dòng tham ái và không còn tạo nghiệp, tức là ra khỏi dòng luân hồi vậy.

Cũng trong Tương Ưng Bộ Kinh, Phật kể câu chuyện: Có một ông vua, một hôm đang ngồi, bỗng nghe bên cạnh có người khảy đàn Tỳ bà, tiếng kêu thâm trầm lảnh lót. Vua bảo đem đàn lại cho vua xem. Người khảy đàn đem cây đàn lại để trên bàn trước mặt nhà vua. Vua hỏi: “Sao nó không phát ra tiếng hay”. Người kia giải thích: “Vì nó thiếu tay người khảy”. Vua bảo đem cây đàn ra chẻ từng mảnh và hỏi: “Tiếng đàn ở chỗ nào?”. Và cuối cùng Vua bảo: “Nếu không tìm được tiếng đàn thời hãy đốt nó đi!”. Khi đốt cây đàn thành tro vua liền thổi tro bay theo mây khói, nói: “Chỉ có một chút đó mà làm mê hoặc bao nhiêu người”.

Thân ngũ uẩn giả hợp này cũng như cây đàn kia không khác. Đủ duyên thì giả hợp tạm có, khi duyên hết thì tìm lại có còn đâu? 

6. Động cơ gây ra khổ

Thôn trưởng Na Ca Dà hỏi Phật:

- Bạch Thế Tôn, nguyên nhân nào kích động các khổ?

Phật hỏi:

- Nếu trong thôn ông có người chết hoặc có người bị tai nạn, ông có buồn khổ không?

- Bạch Thế Tôn, có khi buồn khổ, có khi không.

- Tại sao?

Nếu những người chết hoặc bị tai nạn ấy là bà con thân quyến của con thì con buồn khổ. Trái lại con không buồn khổ.

Phật kết luận:

- Gốc của sự buồn khổ là do lòng tham ái vậy.

Bình:

Động cơ chính của khổ đau là lòng tham ái. Mà cội gốc của tham ái là do chấp ngã mà ra. Từ chấp ngã nên có ngã sở, tức những liên hệ đến bản ngã như tài sản, vợ con, quyến thuộc v.v… Nếu được thì vui, cố tình giữ gìn không khi nào dám lơi lỏng, lỡ bị mất mát thì buồn bả, khổ đau v.v… Vì thế trong kinh Pháp Cú, Phật dạy:

Do ái sanh ưu

Do ái sanh bố

Nhược ly ân ái

Hà ưu hà bố

Dịch:

Do ái sanh lo

Do ái sanh sợ

Nếu lìa ân ái

Đâu lo đâu sợ

7. Quả có theo nhân không?

Một Cư Sĩ đến hỏi Phật:

- Bạch Thế Tôn, con nghe ngoại đạo nói người sát sanh, trộm cướp, tà dâm, nói dối phải bị cảm thọ đau khổ có đúng chăng?

Phật đáp:

- Chưa đúng hẳn! Ví dụ: Như có người ra trận giết được nhiều địch quân, khi về được vua phong thưởng. Như thế tuy sát sanh mà đâu có khổ. Trái lại nếu người ấy giết quan đại thần trong nước sẽ bị tội.

 -Ví như có người đến đánh nước khác lấy được tiền của châu báu chở về nước mình, sẽ được vua phong thưởng. Như thế tuy làm việc trộm cướp nhưng đâu có khổ. Trái lại, nếu trộm cướp của vua quan sẽ bị bắt bớ tra tấn khổ sở.

- Ví như có người đến kẻ địch của vua đánh bắt gái đẹp đem về làm người hầu cho vua, sẽ được vua phong thưởng. Như thế tuy làm việc bất chánh cũng được vua khen thưởng đâu có khổ sở. Trái lại nếu tư tình với thê thiếp của vau quan sẽ bị hình phạt lưu đày.

- Ví như có người dùng mưu kế dối gạt nước để chiếm lấy đất đai về cho nước mình sẽ được vua khen thưởng. Tuy là dùng lời dối gạt nhưng đâu có khổ. Trái lại, nếu nói dối với triều đình sẽ bị trừng trị.

Bình:

Qua thí dụ nói trên, chúng ta thấy người sát sanh, trộm cướp, tà dâm, nói dối đâu nhất định hiện đời phải chịu quả khổ (có kẻ khổ người vui). Như thế, căn cứ lý nhân quả của Phật dạy có đúng chăng? Tuy nhiên lý nhân quả không sai một mảy, chẳng qua chúng ta chỉ nhìn trên hiện tại mà không biết quá khứ thấy được vị lai. Hể tạo nhân nào thì kết quả nấy, như sát sanh phải đền mạng, trộm cướp phải trả nợ oan khiên v.v… Kinh Nhân Quả, Phật nói: “Giả sử trăm ngàn muôn kiếp nghiệp không mất, nhân duyên đến quả báo tự mình chịu”. Vậy chúng ta phải có cái nhìn rộng rãi và thấu đáo lý nhân quả của Phật dạy để khỏi lầm lẫn trong cuộc sống. 

8. Tai hại ngũ dục:

Một hôm đức Phật kêu các thầy Tỳ Kheo nói:

- Ví như trên núi tuyết, chỗ đất bằng người thú qua lại. Có kẻ lấy nhựa cây gài bên thức ăn để nhử đàn khỉ. Một vài con khỉ vì tham ăn, rời khỏi đàn tìm đến bên thức ăn lấy tay bốc. Ngờ đâu tay vừa bám vào liền bị nhựa dính cứng! Chú khỉ bèn lấy tay kia gỡ ra, thương thay! Lại dính luôn một tay nữa. Chú khỉ lại lấy chân mặt quào ra, và một chân nữa lại dính luôn vào nhựa. Tiếp theo chân trái đồng dính cứng cả. Khổ thay! Chú khỉ chỉ còn cái mồm, chú hy vọng dùng mồm để cạp may ra thoát khỏi. Nhưng than ôi! Nhựa cây kia cũng không chừa lại. thế là hai tay, hai chân và cái mồm chú khỉ dính cứng vào nhựa cây. Thật đáng thương! Người thợ bẩy kia có thể xách chú đi đâu tùy ý.

Này các Tỳ Kheo! Nhựa cây kia ví như ngũ dục, còn năm bộ phận (hai tay, hai chân và cái mồm) dính vào nhựa ví như năm căn.

- Mắt dính sắc.

- Tai dính thanh.

- Mũi dính mùi.

- Lưỡi dính vị

- Thân dính xúc.

Như chí khỉ kia, khi năm bộ phận dính cứng vào nhựa cây thì tùy ý người kia đem đi. Cũng vậy, người nào năm căn dính cứng vào ngũ dục thì tùy ý ma dẫn đi.

Tóm lại vì không chịu ở nơi địa vực của mình nên mới bị nạn khổ. Thế nào là ở nơi địa vực của mình? Tức là quán “Tứ niệm xứ”. Người thường quán tứ niệm xứ thì không bị lôi, không bị dẫn. Cũng như chú khỉ kia nếu ở trong đàn thì không bị nạn.

Bình:

Ngũ dục vốn không hại người, chỉ tại người bỏ quên chánh niệm mà đam mê ngũ dục. Như chú khỉ kia vì ham ăn mà tách ra khỏi đàn nên chịu khổ. Cho nên người tu không khó, chỉ đừng đam mê ngũ dục. Nhưng ngũ dục vốn không lỗi, lỗi tại tâm dấy niệm. Mà dấy niệm tức là động, động thì chẳng phải chánh niệm. Trái lại, tâm nếu không thì cảnh vốn lặng, tuy ở trong ngũ dục mà thường giải thoát. Cho nên trong Tín Tâm Minh có câu:

“Muốn đến nhất thừa, chớ ghét sáu trần.

Sáu trần không ghét, hoàn đồng chánh giác”.

9. Hành động không cố định

Có một vị Ni Kiền Tử đến Phật nói rằng:

- Nếu sát sanh, trộm cướp, tà dâm v.v... thì phải đọa địa ngục. Và nếu làm việc gì ở thời gian dài thì ta sẽ hưởng điều đó.

Phật bảo:

- Ông nói như vậy không đúng. Tại sao? Vì nếu nói như ông thì trên thế gian này không mấy ai đọa địa ngục. Nếu làm việc gì thời gian dài sẽ hưởng điều đó, thì sát sanh trộm cướp chẳng hạn, trong một ngày họ chỉ cần hành động chốc lát là xong, ngoài ra thời gian còn lại họ làm việc khác. Như vậy, thời gian sát sanh v.v... thì ngắn, thời gian làm việc khác dài, do đó họ sẽ hưởng cái thời gian dài kia.

Thứ hai nói đến sát sanh, trộm cướp, tà dâm v.v... phải đọa địa ngục thì trên đời này không có ai tu được cả. Vì sao? Vì tu hay không tu cũng phải đọa địa ngục thôi. Do đó, ta chỉ nói chớ sát sanh, trộm cướp, tà dâm v.v... và nếu lỡ phạm thì hãy sám hối, sửa đổi.

Bình:

Chúng ta có cái lầm chấp là cái gì cũng cố định cả. Thiện cố định là thiện, ác cố định là ác, bất di, bất dịch. Chấp như vậy thì không có ai tu hành được, nó cố định như vậy rồi, có tu đi nữa cũng không thay đổi được gì. Vô tình đưa nhau đến chỗ đánh liều, lỡ lầm cho lỡ lầm luôn, không còn hy vọng vươn lên. Vì vậy Phật bác cái chấp tạo ác cố định đọa địa ngục, đem lại cho chúng ta niềm tin ở sự cải thiện. Hy vọng vươn lên, trổi dậy, đâu cam chịu giam mình mãi mãi trong tối tăm, tội lỗi!

Còn nói, nếu làm việc gì ở thời gian dài sẽ hưởng điều đó. Giả sử thời gian dài ta làm việc thiện, chỉ thời gian ngắn làm việc sát sanh, trộm cướp v.v… hỏi có phải đọa địa ngục không? Do đó hai câu này có điều mâu thuẫn nhau vậy.

10. Nguyên nhân có kiến chấp

Một Cư sĩ hỏi Phật:

- Bạch Thế Tôn, tại sao ngoại đạo có sáu mươi hai kiến chấp? Như họ chấp: thế giới thường còn, thế giới vô thường, thế giới hữu biên, thế giới vô biên, thân này thật có, thân này không thật có, Niết bàn còn có, Niết bàn không còn có v.v...

Phật đáp:

- Do có thân kiến (chấp thân) nên có cái kiến chấp như thế. Vậy ông có biết thân kiến là gì không?

Cư sĩ thưa:

- Do chấp sắc uẩn là ta, là của ta, thọ uẩn là ta, là của ta, tưởng uẩn là ta, là của ta, hành uẩn là ta là của ta, thức uẩn là ta là của ta, đó là thân kiến.

Phật khen:

- Đúng thế!

Bình:

Do chấp ngã (ngũ uẩn làm ta) nên có tranh tụng, từ đó sanh ra sáu mươi hai kiến chấp. Nếu thấy được thân ngũ uẩn giả hợp này như điện chớp, như bọt nước, như sương mai, thì các kiến chấp cũng theo đó mà dứt.

11. Kiết sữ và bị kiết sử

Hai Tôn giả cãi nhau về nghĩa kiết sử và bị kiết sử. Một vị bảo kiết sử và bị kiết sử tên tuy khác mà nghĩa đồng. Vị kia nói tên khác nghĩa khác. Hai vị cãi nhau nhưng không ngã lẽ, đến cầu Phật xin giải quyết. Phật dạy: 

- Dụ như hai con bò (một đen một trắng) bị tròng vào một cái ách. Vậy con nào trói cột con nào, hay tại cái ách trói cột cả hai con, làm cho mất tự do?

Cũng thế, mắt thấy sắc “niệm dấy khởi” tức trói cột (kiết sử), chớ mắt và sắc nguyên lai là vô sự. Năm căm kia: tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng đều như vậy.

Bình:

Căn trần không lỗi mà lỗi bởi “thức”. Thức có phân biệt tốt xấu, v.v… mới khởi niệm yêu ghét, tham sân theo đó mà hiện. Do có tham sân nên mới tạo thành nghiệp dẫn đi trong luân hồi. Trái lại, nếu không khởi niệm yêu ghét thì tham sân không khởi, tham sân không khởi thì không tạo nghiệp, không tạo nghiệp tức là dứt sanh tử.

Để làm sáng tỏ ý này, xin dẫn bài kệ của Cổ đức:

Kiến sắc phi can sắc

Văn thinh bất thị thinh

Sắc thinh vô ngại xứ

Thân đáo Pháp Vương thành.

Dịch:

Thấy sắc không dính sắc

Nghe tiếng chẳng mắc tiếng

Sắc tiếng nếu không ngại

Thẳng đến thành Pháp vương (Phật).

12. Tạo cái vui nào là nhân tốt 

Một vũ kịch sư đến hỏi Phật: -Con nghe ngoại đạo nói: Ai vũ kịch hay làm cho nhiều người vui, sau khi chết sẽ sanh lên cõi trời “Hý tiếu” có phải vậy chăng?

Phật lặng thinh không đáp. Ông lập lại câu hỏi trên ba lần. Phật mới nói:

-Người vũ kịch vui làm tâm người buông lung, ba độc (tham sân si) dấy khởi. Do tạo nhân ấy sẽ mắc quả báo sanh địa ngục “Hý tiếu”. BÌNH:

Người ta dễ ngộ nhận, cứ nghĩ nếu làm bất cứ việc gì cho người khác vui thích là được phước lành. Nhưng họ đâu biết vui có nhiều thứ. Nếu vui trong tịch tỉnh trong sáng, dứt các vọng niệm, phù hợp với đạo lý là vui trong sạch, vui giải thoát. Trái lại, vui theo ngũ dục, chạy theo sắc đẹp, tiếng hay v.v… làm tâm thần dao động, phiền não phát sinh, là vui theo trần tục, kiết tập nhân sanh tử.

Như vậy, nếu người tạo nhân nào gây cho người khác cái vui nào, kết quả lên xuống rõ ràng không thể lầm lẫn.

13. Pháp vẫn còn đó

Ngài Xá Lợi Phất tịch, ông Cunda sau khi thiêu xong gom lấy Xá lợi cùng y bát của Ngài đem đến trình Phật. Ngài A Nan trông thấy buồn bã thưa với Phật:

- Ngài Xá Lợi Phất là thầy giáo giới cho con, con thường tin tưởng nơi Ngài, mà nay đã tịch rồi! Ôi chán ngán quá! Con không còn đủ tinh thần để tu nữa!

Phật hỏi A Nan:

- Xá Lợi Phất tịch, nhưng giới uẩn có đem theo chăng?

- Thưa Thế Tôn, không đem theo. -Định uẩn có đem theo không?

- Thưa Thế Tôn, không đem theo.

- Tuệ uẩn... cho đến giải thoát tri kiến uẩn có đem theo chăng?

- Thưa Thế Tôn, không có đem theo.

Phật bảo:

- Như vậy, Xá Lợi Phất tuy đã tịch nhưng “pháp” vẫn còn đó, ông cứ y đó mà tu hành, cớ gì phải buồn chán?

Bình:

Chúng ta có thói quen trông cậy bên ngoài mà ít khi tin tưởng nơi mình. Trên đường tu hành còn xa, nếu không sáng suốt nhận ra chánh pháp để thực hành đem lại niềm tin vững chắc cho chính mình, cứ phải trông cậy nơi thầy bên ngoài mãi, e có lúc ta phải chới với giữa đường, không chỗ nương tựa. Vì thầy dù có thương xót giúp đở chúng ta, nhưng cũng giới hạn. Còn tự nhận ra “pháp” mới chính là ông thầy chơn thật giúp ta trên trọn quãng đường. “Pháp” đó ở đây Phật gọi là Giới, Định, Huệ, Giải thoát, Giải thoát tri kiến, chỗ khác gọi là Trí Tuệ Bát Nhã, Pháp thân hay Bản Lai Diện Mục. Chúng ta khéo sống với cái ấy mới là chỗ nương tựa lâu dài; khỏi phải buồn lo mất mát, xa lìa.

14. Dễ quên hay dễ nhớ

Có ông Bà La Môn tu Mật tông đến hỏi Phật:  

- Con có khi có những bài chú chưa từng học mà bỗng nhiên nhớ cả, có khi có những bài chú đã học thuộc lòng mà lại quên, như vậy là sao?

Phật nói: Có hai nguyên do:

1. Khi quên là bị năm món triền cái (tham, sân, thùy miên, trạo hối, nghi hoặc) nó che đậy khiến tâm trí bị mờ đi, do vậy dễ quên.

2. Khi nhớ, lúc rảnh rang tạm thời xa lìa năm món triền cái, nên tâm trí sáng suốt nhớ được nhiều việc.

Ví dụ: Như một bát nước trong, ta đem hòa vào màu xanh, vàng, đỏ... làm mất đi sự trong suốt, nên nhìn vào bát nước ta khó thấy được mặt mày. Cũng vậy, khi tâm có sự tham nhiễm thì làm mờ đi trí sáng suốt.

- Như bát nước trong đem đun sôi sùng sục, nhìn vào đâu thấy được mặt mày. Cũng vậy, lúc ta nổi sân thì tâm sôi động, bứt rứt, quên mất sáng suốt.

- Như bát nước trong bị rong rêu phủ, nhìn vào chẳng thấy được mặt mày. Khi thùy miên, tâm trí mơ màng khó nhớ.

- Như bát nước trong bị lắc lư dao động, ta nhìn vào, mặt mày dao động khó thấy. Cũng vậy, khi trạo hối thì tâm không yên nên khó nhớ.

- Như bát nước trong, vừa quấy động vừa để chỗ tối, lúc nhìn vào ta cũng không thấy được mặt mày. Cũng vâỵ khi tâm nghi hoặc thì trí bị mờ, không nhớ được việc lâu xa.

Tóm lại, có năm món triền cái (triền: trói buộc; cái: phủ che) thì trí nhớ lu mờ, không năm món triền cái thì trí nhớ sáng lẹ.

Bình:

Điều này cho chúng ta thấy cái sáng suốt vốn sẳn có nơi tâm thể bình thường, chớ không từ đâu đem lại, chỉ vì tâm khởi thất thường trở thành điên đảo vọng động nên cái sáng suốt ẩn đi như là tâm trong sáng bị che phủ bởi năm triền cái. Muốn trí tuệ sáng soi chúng ta cứ sống trở lại với tâm bình thường (như bát nước trong) thì năm món trói buộc kia không còn che phủ nữa, ngay đó trí tuệ hiện tiền không đâu xa cả.

15. Cái già sẵn trong trẻ 

Một hôm Phật đi khất thực trong thành Xá Vệ trở về. Chiều hôm đó nghe trong người hơi lạnh, Ngài ra ngồi phơi nắng, vén y để lộ làn da lưng nhăn nheo. Thấy vậy Ngài A Nan xoa lưng Phật than rằng:

- Ôi! Da dẻ Thế Tôn không còn láng mịn như thuở xưa nữa! Lưng Ngài đã hơi khòm tới trước, còn đâu những gì của thời trai tráng!

Phật bảo:

- Đúng thế, A Nan! Già nó ở sẳn trong trẻ, cái chết nằm trong cái sống. Thân ta rồi đây cũng hư hoại một lúc nào đó không tránh khỏi.

Bình:

Có sanh ắt có tử, có thành thì có hoại, sự vô thường hằng chi phối cả thế gian không chừa một ai. Dù Phật đi nữa nhưng nếu còn mang cái thân giả hiệp này thì cũng đồng chịu sự sanh, già, bịnh, chết, vô thường, biến hoại. Vì sao? Vì nó là cái từ duyên mà được.

Có một số người thắc mắc: “Đã là Phật sao còn già, còn chết?”

Quả thật chúng ta lầm lẫn quá lớn! Thành Phật đâu phải thành cái đãy da hôi thúi này. Mà thành Phật là thành cái tâm trí tuệ thấy đúng lẽ thật. Nếu nhận cái thân bảy, tám mươi năm này là Phật, tức là hủy báng Phật vậy. Rõ ràng người này chưa thấy được chân Phật.

Thân vàng trượng sáu, ba mươi hai tướng tốt nay thời còn đâu? Thế mà có kẻ còn muốn luyện phép này phép nọ, hy vọng ôm giữ cái thân bèo bọt này cho đến ngàn năm muôn thuở, há có phải mê muội lắm chăng?

Hiểu được lẽ này chúng ta cần phải nỗ lực tiến tu. Vì cơn vô thường hằng theo đuổi chúng ta không rời một giây phút nào, và cái chết chực sẵn bên ta không hẹn ngày giờ, nếu cứ dễ duôi thong thả qua ngày e có lúc phải hối hận!

Chúng ta còn có thì giờ để hẹn nay hẹn mai nữa sao?

16. Có pháp môn nào?

Hôm nay tôi đọc trong Tương Ưng Bộ Kinh thấy có một bài kinh chưa từng nghe. Bài kinh tựa là “Có pháp môn nào?”.

Phật nói rằng:

-Này các Tỳ Kheo! Chẳng phải do niềm tin, chẳng phải do người truyền, chẳng phải do học vấn mà khi mắt đối với sắc, tai đối với thinh, mũi đối với hương v.v... biết có tham sân si, không tham sân si, thì cái biết ấy (biết có tham sân si, không tham sân si) là có pháp môn nào?

Bình:

Nói có pháp môn đó như là quán Tứ Niệm Xứ, câu niệm Phật hay câu thoại đầu chẳng hạn, còn khi sáu căn đối với sáu trần “Biết” có tham sân si hay không tham sân si thì “cái biết” đó là pháp môn gì? Ai truyền? Do học mà được chăng? Như thế cùng với Thiền có khác nhau gì? Như Ngài Tuyết Phong sau khi ở Đức Sơn về, có vị Tăng hỏi:

- Hòa Thượng đến Đức Sơn được cái gì đây?

Tuyết Phong đáp:

- Ta đi tay không về tay không.

Thử hỏi Ngài được cái gì? Cùng với trên có gì khác nhau? Cho nên Đức Sơn cũng nói:

- Tông ta không ngữ cú, không một pháp cho người.

Xưa nay chúng ta chỉ nghe Tổ nói, bây giờ đây mới nghe Phật nói, mà đây là bài Kinh của Phật giáo Nguyên Thủy. Chúng ta mới thấy rõ từ trước Phật đã nói như thế rồi, chứ đâu phải Thiền là cái gì bày đặt ra!

Giờ đây, qua cái biết vọng của chúng ta hằng ngày. Có vọng biết có vọng, không vọng biết không vọng, thì “Cái biết” có vọng, không vọng đó là pháp môn gì? Ai truyền cho? Cùng với cái “Biết” có tham sân si, không tham sân si trong kinh đâu khác! Kia nói tham sân si, đây nói là vọng tưởng hay vọng niệm vậy thôi.

Nhờ đọc trong Kinh rồi chúng ta mới có thêm niềm tin sâu xa vững chắc nơi đường lối tu của mình, không thì chúng ta cứ chạy Đông chạy Tây rốt cuộc không đi đến đâu hết.

Vậy thì, có vọng Biết có vọng, không vọng Biết không vọng. Cái Biết này là pháp môn gì?

17. Kinh ngũ ấm vô thường

Một hôm Phật ở xứ A Tỳ Đà (Ayyojjhà) bên cạnh sông Hằng, tôi nghe như vầy:

Khi ấy Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Ví như sông Hằng dòng nước chảy mạnh, kết tụ thành hòn bọt, người sáng mắt nhìn kỹ phân biệt, biết nó không thật không bền chắc. Vì cớ sao? Vì các hòn bọt kia bên trong không chắc thật như thế. Tỳ Kheo! Các sắc tướng, hoặc quá khứ, vị lai, hiện tại, trong ngoài, thô tế, tốt xấu, xa gần, Tỳ Kheo xem kỹ, suy xét phân biệt, biết nó không thật, không bền chắc, như bệnh, như nhọt, như đâm, như giết, vô thường, khổ không, phi ngã. Vì cớ sao? Vì sắc không chắc thật vậy. Chư Tỳ Kheo! Ví như mưa to bong bóng nước vừa hiện, chợt tan, người sáng mắt nhìn kỹ, suy nghĩ biết nó không thật, không bền chắc. Vì cớ sao? Vì bong bóng nước kia không chắc thật vậy. Như thế Tỳ Kheo! Các thứ thọ, hoặc quá khứ, vị lai, hiện tại, trong ngoài, thô tế, tốt xấu, xa gần, Tỳ Kheo xem kỹ suy xét phân biệt, biết nó không thật, không bền chắc, như bệnh, như nhọt, như đâm, như giết, vô thường, khổ, không, phi ngã. Vì cớ sao? Vì thọ không chắc vậy. Chư Tỳ Kheo! Ví như cuối mùa xuân, đầu mùa hạ trời không có mây, không chuyển mưa, khi mặt trời đúng trưa thấy ngựa nắng chập chờn, người sáng mắt nhìn kỹ suy xét phân biệt nó không thật, không bền chắc. Vì cớ sao? Vì những con ngựa nắng kia không chắc thật vậy. Như thế Tỳ Kheo! Các thứ tưởng, hoặc quá khứ, vị lai, hiện tại, trong ngoài, thô tế, tốt xấu, xa gần, Tỳ Kheo xem kỹ suy xét phân biệt, biết nó không thật, không bền chắc, như bệnh, như nhọt, như đâm, như giết, vô thường, khổ, không, phi ngã. Vì cớ sao? Vì tưởng không chắc vậy. Chư Tỳ Kheo! Ví như người sáng mắt đi tìm thứ gỗ rắn chắc, vác búa bén vào rừng, thấy cây chuối ngay thẳng, dài lớn, liền chặt gốc trảy ngọn, rồi lột lần từng bẹ một, trọn không thấy gỗ, nhìn kỹ suy xét phân biệt, biết nó không thật, không bền chắc. Vì chớ sao? Vì cây chuối không chắc thật vậy. Như thế Tỳ Kheo! Các thứ hành, hoặc quá khứ, vị lai, hiện tại, trong ngoài, thô tế, tốt xấu, xa gần, Tỳ Kheo nhìn kỹ suy xét phân biệt, biết nó không thật, không bền chắc, như bệnh, như nhọt, như đâm, như giết, vô thường, khổ, không, phi ngã. Vì cớ sao? Vì các thứ hành kia không chắc vậy. Chư Tỳ Kheo! Ví như thầy huyễn thuật ở ngã tư đường cái, thuật ra những thứ tượng binh, bộ binh, người có trí sáng mắt, nhìn kỹ suy xét phân biệt, biết nó không thật, không bền chắc. Vì cớ sao? Vì những thứ huyễn thuật kia không chắc thật vậy. Như thế, Tỳ Kheo! Các thứ thức hoặc quá khứ, vị lai, hiện tại, trong ngoài, thô tế, tốt xấu, xa gần, Tỳ Kheo nhìn kỹ, suy xét phân biệt, biết nó không thật, không bền chắc, như bệnh, như nhọt, như đâm, như giết, vô thường, khổ, không, phi ngã. Vì cớ sao? Vì thức không chắc thật vậy.

Khi ấy Thế Tôn muốn trùng tu nghĩa này nói bài kệ:

Quán sắc như hòn bọt

Thọ như bong bóng nước

Tưởng như ngựa sóng nắng

Chư hành như cây chuối

Các thức như huyễn hóa

Bậc tôn quí đã nói

Chung quanh suy xét kỹ

Chánh niệm khéo quán sát

Không thật không kiên cố

Không có ngã, ngã sở

Đối thân khổ ấm này

Đại trí phân biệt nói

Người lìa ba pháp kia

Thân đã thành vật bỏ

Thọ noãn và các thức

Lìa các thân phần này

Bỏ luôn ngoài nghĩa địa

Như cây không hiểu biết

Thân này hẳn như thế

Dối trá gạt kẻ ngu

Như giết, như trúng thương

Không có sự bền chắc

Tỳ Kheo cần tu tập

Quán sát ấm thân này

Ngày đêm hằng chuyên tinh

Chánh trí buộc niệm trụ

Hành hữu vi thường dứt

Hằng được chỗ thanh lương.

Bấy giờ chư Tỳ Kheo nghe Phật nói hoan hỷ phụng hành.

Bình:

Đây là hình ảnh vô thường của ngũ ấm (hay ngũ uẩn) mà Phật diễn tả rất rõ ràng: Trước tiên Phật dạy chúng ta quán sắc ấm như hòn bọt. Đã là bọt nước thì đâu có lâu bền. Bởi sắc ấm không thật có, do các duyên nhóm hợp tạm có (dụ như trong thân ta, phần cứng thuộc đất, phần lỏng thuộc nước, hơi thở thuộc gió, nhiệt độ thuộc lửa). Bởi do duyên hợp, nên đủ duyên tạm có, thiếu duyên nó tan hoại. Vì vậy Phật dùng hòn bọt để thí dụ cho sắc ấm.

Thứ hai, quán thọ ấm không thật như bong bóng nước. Thọ đâu có thật, do sáu căn tiếp xúc với sáu trần sanh cảm thọ, như thọ vui, thọ khổ, thọ bình thường v.v… Nhưng những cái thọ này đâu có lâu dài, chỉ thoáng qua rồi mất. Dụ như bong bóng nước, một phen động đến liền tan.

Thứ ba là tưởng ấm không thật như sóng nắng giữa trưa, trên mặt đường thẳng tráng nhựa, do ánh nắng phản chiếu, ta thấy sóng nắng chập chờn như ngựa chạy v.v… Sóng nắng do ánh nắng phản chiếu mà có chứ đâu phải thật. Tưởng ấm cũng vậy, do tâm duyên theo cảnh dù cảnh đã qua… nhưng những bóng dáng tiền cảnh còn lưu lại trong tâm thức mỗi khi nghĩ đến thì nó hiện ra. Cái bóng dáng làm sao cho là thật được.

Thứ tư hành ấm không thật. Hành là sự sinh diệt của tâm thức. Trong Kinh Phật nói, mỗi sát na (khoảng chớp mắt) có sáu mươi niệm sinh diệt. Nó như dòng thác chảy, thay đổi tiếp nối rất nhanh, không đứng yên một chỗ, nhưng chúng ta chỉ thấy trên giả tướng của hành ấm rồi cho đó là thật có (thí dụ như cây chuối).

Thứ năm thức ấm không thật như huyễn hóa. Ví như nhà ảo thuật kia hóa ra con cọp, nhưng thật ra con cọp đâu có thật, chỉ do thuật mà thôi. Thức là cái phân biệt, sự phân biệt này nó cũng không thật có, tùy chủng tử nghiệp tánh của các loài chúng sanh mà hiện ra khác nhau. Dụ như cái bàn viết này, với ta là cái bàn viết, trái lại với con mọt là thức ăn của chúng v.v… Vậy cái phân biệt nào là đúng. Vì thế Phật nói thức ấm không thật có.

Tóm lại Phật nói thân ngũ ấm (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) là vô thường để phá cái mê lầm chấp ngã ngàn đời của chúng sanh. Khi thấy rõ nó là vô thường, là giả có, là tạm bợ thì lần lần chúng ta sẽ nhẹ tâm si mê chấp ngã (vì nó không thật mà chấp cái gì?). Si mê chấp ngã đã hết thì các phiền não (tham sân si) cũng theo đó mà hết. Đến đây vòng luân hồi đã dứt, mọi khổ ách tiêu tan. Điển hình cho pháp tu này là đức Quán Thế Âm Bồ Tát khi dùng trí Bát Nhã quán sâu năm ấm đều không, liền được xa lìa khổ ách.

18. Không yêu ai hơn tự ngã

Tâm ta đi cùng

khắp Tất cả mọi phương trời

Cũng không tìm thấy được

Ai thân hơn tự ngã

Tự ngã đối mọi người

Quá thân thiết như vậy

Vậy ai yêu tự ngã

Chớ hại tự ngã người.

Mạt Lợi phu nhân và vua Ba Tư Nặc một hôm cùng luận đạo. Vua Ba Tư Nặc hỏi:

- Chẳng hay ái khanh thương ai nhất trên cõi đời này? Phu nhân trả lời:

- Tiện thiếp thương yêu bệ hạ nhất. Và phu nhân hỏi lại:

- Chẳng hay bệ hạ thương yêu ai nhất trên cõi đời này? Nhà vua trả lời:

- Trẫm yêu thương ái khanh nhất chứ còn ai nữa.

Bà Mạt Lợi lại nói:

- Nếu bệ hạ cho phép, thần thiếp sẽ nói khác đi một chút.

- Được ái khanh cứ nói đi.

- Muôn tâu bệ hạ, thật ra trên cõi đời này, thần thiếp chỉ có riêng yêu thương thần thiếp nhất mà thôi.

Vua nghe qua chừng khó hiểu:

- Vậy là sao? Ái khanh hãy nói rõ hơn.

- Muôn tâu bệ hạ, chỉ vì thần thiếp thương yêu mình, nên muốn bệ hạ ban bố cho thân này được hạnh phuc. Muốn cho thân mình có được hạnh phúc, thần thiếp phải thương yêu bệ hạ. Có thế bệ hạ mới thương yêu lại thần thiếp và ban bố cho tình thương, thần thiếp được hạnh phúc. Vì thương yêu mình, mà thần thiếp yêu bệ hạ. 

Nhà vua nghe qua sự thật của “yêu thương” qua phu nhân sủng ái nhất của mình, nhà vua bàng hoàng. Một sự thật xem chừng quá trớ trêu.

Bà Mạt Lợi nói tiếp:

- Như bệ hạ, bệ hạ cũng chỉ yêu thương riêng có bệ hạ thôi. Để hiểu rõ việc này, như thần thiếp đây, nay lại đi yêu đương với một người khác thì bệ hạ nghĩ sao? Có phải bệ hạ chém đầu thần thiếp không?

Đến đây nhà vua đã rỏ ý, hiểu được nội vụ vấn đề, Ngài gật đầu:

- Phải chính thế, ái khanh nói rất đúng lý. Trẫm cũng chỉ yêu thương mình trẫm thôi. Ta chỉ có yêu thương tự ngã thôi.

Rồi sau đó vua Ba Tư Nặc và hoàng hậu Mạt Lợi cùng đưa nhau đến ra mắt đức Phật. Nhà vua muốn cầu Phật xác minh điều Mạt Lợi phu nhân đã nói.

Qua sự trình bày của nhà vua, đức Phật lắng nghe và gật đầu chấp nhận lời bà Mạt Lợi. Nhân đó Phật mới nói lên lời pháp như vầy.

Bình:

Thật là chí lý! Nếu thành thật nhìn lại tâm mình thì sẽ thấy tâm mình nó là như vậy. Cõi lòng thâm sâu, tiếng nói thâm trầm của con tim mình là như vậy.

Tâm ta đã đi cùng khắp, tất cả mọi phương trời, dạo qua mọi nơi, mọi cảnh, mọi người… Nào tìm thấy ai thân thiết hơn chính ta, thân hơn tự ngã.

Trên đời này không gì thiết tha yêu thương bằng ái tình. Cái tình này nó còn có lúc lướt qua tình phụ mẩu. Trong ái tình, việc đầu ấp tay gối giữa vợ chồng đậm đà như vậy, yêu thương hạnh phúc như vậy. Như vợ chồng bà Mạt lợi, cặp tình nhân này thiên hạ mấy ai hơn? Thật tâm đâù ý hợp. Việc yêu thương đủ cả hai mặt tinh thần và vật chất, xác thịt và tâm hồn, một cuộc tình thật trọn vẹn. Thế mà để lắng sâu hơn vào tiếng lòng, bà Mạt Lợi đã nghe ra tiếng nói trung thực của mình. Tiếng nói ấy đã núp sâu dưới bao nhiêu lời tình gối chăn với nhà vua qua bao nhiêu năm dài chung sống: “Thần thiếp chỉ yêu thương mình thần thiếp thôi!”. Ta chỉ yêu thương ta thôi! Một phát giác không kém phần phủ phàng! Sự thật nó là vậy.

Và đến lượt nhà vua cũng thế thôi. Nhà vua nghe được tiếng lòng mình. Từ tiếng lòng đó, nó sẽ thôi thúc nhà vua tàn nhẫn hơn để chém đầu “ái khanh” mình, khi mà đương sự ngoại tình!

Đó là gì? Cái “tự ngã” mình bị đụng chạm, bị mất mát, thiếu sự vuốt ve, thiếu sự thọ hưởng.

Như vậy sự thật của cái gọi là “yêu thương” trên cõi đời này là gì? Bên dưới, bề trái của tình yêu nó là như vậy, thì hỏi tình yêu là gì? Và mình có yêu được gì không?

Và để nói lên một sự khá chua chát như vậy, có thể nói: Tình yêu là một sự lợi dụng lẫn nhau qua thân xác và tâm hồn, chằm thỏa mãn tự ngã mà thôi.

Không ai nhìn ra bộ mặt tình yêu. Không ai rờ đụng đến tình yêu. Vì sao? Vì nó không thật có. Mà nó chỉ là sự phóng hiện của tự ngã. Nói yêu người, tức yêu tự ngã, yêu mình.

Như vậy “tự ngã” là cái duy nhất để mình yêu thương. Nói yêu, nói thương, nói gì gì đó, tất cả đều là tiếng nói vì tự ngã. Nên tự ngã thân thiết hơn bất cứ cái gì trên thế gian này.

Hãy suy cùng nghĩ cạn sẽ thấy cái tự ngã đã quá thân thiết với chính mình. Mình đã yêu “tự ngã” muốn giữ gìn “tự ngã” mình, thì phải tôn trọng “tự ngã” người. Vì người cũng yêu “tự ngã” của họ như mình. Vậy thì chớ có tàn hoại tự ngã người. Một người muốn có đời sống cao thượng thánh thiện phải sống như vậy.

Tôn trọng “tự ngã” tức tôn trọng sự tự do, bình đẳng. Đời sống mình và người có được tự do bình đẳng trong nền tảng như vậy thì cuộc đời đáng sống biết chừng nào. Hạnh phúc không cầu mà tự có.

Nếu không như vậy, hạnh phúc trên cõi đời này chỉ là một cái bóng hấp dẫn vậy thôi. Mọi người cùng đổ tìm nó, và rồi chỉ chuốc lấy sự nhọc nhằn ê chề và niềm ngao ngán, bao nhiêu nỗi thống khổ bủa vây.

Đây là một sự thật khá phủ phàng. Dù không đồng ý, chúng vẫn có mặt.

Cuộc đời vì thế có ra lắm chuyện. Và rồi hỏi ai đã đem lại nỗi khổ cho cuộc đời này? Có ai đâu! Chỉ có “cái ta” (tự ngã) làm khổ mình thôi.

Để tạo đời sống tương đối khá dễ chịu cho nhau thì hãy tập sống như lời khuyên này:

Vậy, ai yêu tự ngã

Chớ hại tự ngã người. 

Mục Lục