Nhặt Lá Bồ Đề - Tập 1
Phần IV: Vấn Đáp
1.Vọng không thật có “Biết vọng không thật liền hết vọng” Kinh Kim Cang, Phật dạy: “Tam tâm bất khả đắc” (quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc). Ba thời tìm tâm không thể được. Sơ Tổ dạy Ngài Huệ Khả: “Đem tâm ra đây ta an cho...” Huệ Khả tìm tâm chẳng được. Liền đó Tổ nói: “Ta đã an tâm cho ngươi rồi đó”. Mỗi lời dạy của Phật, Tổ tuy khác nhau, nhưng đều có ý bảo là “vọng tâm” không thật có. Nếu hành giả khi tu thiền khởi tu “Biết vọng không thật” tức liền hết vọng. Vọng tưởng do bóng dáng sáu trần, ngoài sáu trần tức tâm (vọng) không thật có. Gốc mê lầm bởi nhận lầm vọng tưởng cho là tâm mình mà thôi. 2. Nghiệp nào nặng? Người hỏi: - Nghiệp thân và nghiệp ý, nghiệp nào nặng hơn? - Nếu căn cứ vào nghiệp nhân thì ý nặng, căn cứ vào nghiệp quả thì thân nặng. Bởi ý là động cơ phát nhân tạo nghiệp. Tuy nhiên nếu có ý nghĩ mà thân chưa hành động, chưa thành tội. - Nếu nói ý nghiệp nặng, khi ý chưa khởi hành động đâu thể thành tội. Thành tội khi nào phải có hành động của thân. - Căn cứ giới Tỳ Kheo (giới tướng) khi nào có hành động mới thành tội. Nếu căn cứ giới Bồ Tát, ý vừa nghĩ ác đã thành tội. 3. Tâm Bình Thường Thế nào là “Bình thường tâm thị đạo”? - Bình thường tâm nghĩa là không thấy phải, không thấy quấy, thấy thật thấy giả, thấy đây kia, phàm thánh v.v... Tóm lại không thấy hai thì tâm an nhiên lặng lẽ. Thấy như vậy tức có cái thấy bình thường. Cái thấy bình thường như vậy, ấy là đạo. Khi có cái thấy như vậy, không phải dụng công tìm cầu. Muốn được tâm này chỉ đừng khởi vọng. Vì vọng là gốc của luân hồi trong ba cõi, không khởi vọng tức diệt gốc luân hồi. 4. Duy Tâm và Duy Thức “Tam giới duy tâm vạn pháp duy thức” Tâm lành hiện cảnh giới lành. Ví như khi ta làm cho người vui, người đối xử với ta tốt. Vạn pháp duy thức. Các pháp giữa này, có ra đều do thức phân biệt. Ngài Động Sơn hỏi Ngài Ma Cốc: Gió khắp mười phương, khi không gió tại sao không thấy? Ngài Ma Cốc cầm quạt quạt. Gió giáp khắp nhưng phải tùy duyên, có duyên gió mới hiện. Có phân biệt mới thành pháp. 5. Chăn Trâu Ngồi tu thế nào? - Có để tâm không chăng? - Chăn Trâu kia mà! - Chăn thế nào? Tổ Qui Sơn dạy: Khi trâu liếc ngó hai bên muốn ăn lúa mạ người phải kéo nó lại... Như thế lúc nào người chăn cũng nhìn chừng, đâu có rảnh rỗi mà gọi là “vô ký” hay “hôn trầm”. Đâu để rơi vào không. Căn cứ vào Thập mục ngưu đồ (mười bức tranh chăn trâu), người chăn đến khi nào không còn thấy trâu và người nữa (dứt cả năng tri và sở tri) mà chỉ còn một vầng trăng tròn sáng rỡ giữa không trung. Tóm lại, trong khi ngồi tu phải dùng trí huệ Bát Nhã thấy rõ vọng tâm sanh diệt làm đối tượng. Khi có vọng luôn biết có vọng. Khi không vọng vẫn biết không. Tâm luôn lặng lẽ và chiếu soi. Theo pháp tu này, ban đầu có đối tượng, nhưng không có đề mục như Tiểu Thừa. Vì có sự chiếu soi lặng lẽ, nên cũng coi như là lối tu Mặc chiếu. Thiền Mặc chiếu. 6. Có đọa địa ngục không? Hỏi: Ông Đề Bà Đạt Đa phá Phật nhiều đời, phạm tội ngũ nghịch. Nếu đọa tại sao mỗi đời đều còn theo phá Phật? - Người tu đắc đạo có hai trường hợp: Nếu còn yếu phải nhờ hoàn cảnh thuận lợi để tiến lên. Trái lại khi đã mạnh rồi phải dùng nghịch cảnh để tiến. Ông Đề Bà Đạt Đa tuy phá Phật nhưng là Bồ Tát nghịch hạnh, làm trợ duyên để Phật tiến đạo, nên không đọa địa ngục vì không có ác tâm. Tuy nhiên trên lý nhân quả, Phật vẫn nói ông đọa địa ngục Vô gián. Câu chuyện Ngài Mục Kiều Liên xuống địa ngục thăm ông Đề Bà Đạt Đa. Ngài hỏi: Ông ở đây có khổ không? Ông trả lời: - Tôi vẫn vui như Tỳ Kheo đạt quả đệ tam thiền. - Chừng nào ra khỏi? - Khi nào Phật vào địa ngục. Như vậy, Đề Bà Đạt Đa dù ở địa ngục mà không thấy có địa ngục. 7. Chỗ khác biệt giữa đại thừa và tiểu thừa Đại thừa nhận tâm mình rộng lớn trùm khắp pháp giới, tức thể nhập pháp thân (thể đại, tướng đại, dụng đại). ( Đại Thừa Khởi Tín luận.) Tiểu thừa chỉ diệt “sanh diệt” của sáu thức rồi nhập “Diệt tận định” chứng A La Hán. Đại thừa gọi đó là “Trầm không trệ tịch, tiêu nha bại chủng” (không phát đại bi tâm độ sinh). 8. Chấp thiện thì ác liền sanh Ở Hy Lạp một dạo có phong trào giết người khủng khiếp! Tại sao? Vì người đạo ấy cho rằng mọi người không chịu theo kinh thánh để lên Thiên đường. Sự thường, nếu ai không làm theo mình thì ghét. Nhưng chưa hẳn cái hiểu của mình là đúng, và khi cái mình cho là đúng là tốt mà kẻ khác không theo, thì coi như kẻ đó là kẻ “xấu số” sẽ bị cái “ác” đến với họ. Nghĩ thiện, chấp thiện thì cái ác liền sanh. Nghĩ thương người nào thì muốn bảo vệ người ấy. Thấy người khác muốn hại người mình thương, liền có niệm phản đối (ác) và sẽ có ra hành động phản đối can thiệp bảo vệ. Chấp cái thương, cái thiện là tai họa. Muốn làm thiện mà bị cản trở, thì trở nên bực, tâm ác theo đó mà sanh. Vậy, “không nghĩ thiện, không nghĩ ác là hơn tất cả”. “Nếu là cái thật thì không thương giận. Thương giận thì không phải thật”. 9. Khác nhau trên một cái nhìn Chúng ta sở dĩ phiền não là bởi do nhìn người trên cặp mắt chỉ trích, hoặc cặp mắt khinh miệt tự cao... rồi thấy người xấu xa dở tệ... bởi thế mới sanh ra phiền não, tâm tật đố sân si... Trái lại, nếu dẹp những lối nhìn trên mà nhìn mọi người trên “cặp mắt bình đẳng” mỗi người đều tốt, đều có tánh đặc biệt của họ. Người ăn cướp vẫn có tánh tốt. Nhất là mỗi người đều có Phật tánh (như Bồ Tát Thường Bất Khinh nhìn) thì đâu có phiền não. Đạo Phật nhìn bằng cái nhìn như vậy (tất cả bình đẳng trên thể tánh) nên phá hết các kiến chấp chủng tộc, nhân loại v.v... Đạo Phật lấy chúng sanh làm đối tượng cứu khổ, để thực hành hạnh từ bi. Vì thế từ bi của đạo Phật cao tột, vượt ngoài tình gia đình, quốc gia, nhân loại. Nó là thứ tình chúng sanh. Tất cả chúng sanh đều bình đẳng. Có cái thấy như vậy, nên Phật mới thí thân cho cọp đói v.v... 10. Biết chủ khách Hỏi: Khi tu chỉ biết "Khách có biết có, không biết không", còn gì nữa không? - Như ngươì chủ nhà biết khách biết chủ, đó là giai đoạn thứ nhất. Ở địa vị chủ loại khách, khách hết, sắp xếp việc trong nhà, làm đẹp nhà cửa. Đến lúc hư hoại muốn gở phá nhà (nhà dụ cho thân ngũ uẩn) tùy ý. Một Thiền sư nói: Sở dĩ ta không làm chủ được nhà mình là cứ để “tâm trộm” lén vào khuấy phá. Hỏi: Người tu “Biết vọng” mà vọng cứ khởi có lợi ích gì? Lục Tổ nói: Không sợ niệm khởi mà sợ giác chậm. Vọng khởi mà tỉnh giác là đều có tánh giác hiển lộ. Một trăm lần vọng khởi có một trăm lần giác. Biết sóng là nước, thì không sợ vọng, vì nó là chân. Trong Pháp Bảo Đàn Kinh, Ngọa Luân nói: “niệm bất khởi”. Lục Tổ nói: “Niệm sổ khởi”. Hễ có niệm liền giác, giác là Phật. Nhớ mặt biển mà không ngại sóng dậy, vì sóng từ biển sanh. Sống với bao nhiêu người mê mà mình vẫn tỉnh, chớ không phải đóng cửa không tiếp khách. 11. Hồ Hán đều hiện Như tấm gương xưa, người Ấn (Hồ) đến hiện người Ấn, người Hoa (Hán) đến hiện người Hoa. Người nào đến, vật nào đến đều hiện rõ mỗi thứ. Dầu hiện rõ muôn thứ mà mặt gương không thay đổi. Như nhạn bay trong hư không, không lưu lại dấu vết nào. Như trăng soi dòng nước, mà nước và trăng không đến nhau. Nước chẳng dính trăng. Người thấy tánh, gặp duyên liền khởi dụng, nhưng thể tánh chân thật không thay đổi. Ấy là tự tánh dụng. 12. Một câu tóm tắt Hỏi: Xin cho một câu tóm tắt nghĩa tu thiền? - Biết cái giả không theo, nhận cái thật thường sống. 13. Sống cái nào gọi là "ông chủ" 1. Phân biệt tốt xấu, yêu ghét... Cái biết này thuộc về thức tình. 2. Biết được cái phân biệt tốt xấu trên tức biết được cái thức tình. Cái này thuộc về Trí. Và Trí này thuộc về Trí dụng. 3. Biết lặng lẽ trùm khắp không so sánh phân biệt. Trí này thuộc về Trí thể. Trí này cũng gọi là “ông chủ”. Người tu phải sống trở lại với Trí này. Hỏi: Kinh Kim Cang nói: “Tâm ba thời không thể đặng”. Tại sao lại dạy phải sống với ông chủ (có đặng). - Kinh dạy phá ba thời vì tâm ba thời vọng không thật. Nhưng ông chủ hằng hữu, phi thời gian, lúc nào cũng vẫn hiện tiền. 14. Định nghĩa Chơn Không Tên Chơn Không có ba nghĩa: 1. Y cứ kinh điển Đại thừa: - Chơn không thể tịch tịnh của các pháp. Từ thể hiện bày diệu dụng, hay gọi là Diệu hữu. 2. Y cứ Thiền Tông: - Chơn không là tánh giác, tánh giác này “không một vật”. Lục Tổ nhận được tánh này nên nói kệ : “Bản lai vô nhất vật..."" 3. Y cứ Thiền sử: - Tên vị Thiền sư Chơn Không đời Lý, Việt Nam. 15. Tu tập đừng đặt nặng thời gian Hỏi: Có người vừa phát tâm tu thì tính toán thời gian, tôi phải tu năm năm, bảy năm v.v... Tính toán như thế có hợp đạo lý không? Thử hỏi có hai người: - Một người làm cho hết việc. - Một người làm cho hết giờ. Vậy người nào tốt? Đáp: Người làm hết việc tốt. Vậy mà thường người tu học hay có quan niệm tu cho mau thành, chóng kết quả. Do vậy mà dễ bị gạt. Đúng ra chúng ta tu, không thể hẹn thời gian. Vì có ai biết bao giờ hết vọng tưởng đâu? Đặt thời gian là yếu đuối, là lười biếng! Tu ít mà muốn kết quả nhiều. Người mạnh, sẵn sàng làm bất cứ bao lâu, miễn xong việc là xong. Tóm lại, chúng ta hãy nỗ lực tiến tu, đừng đặt nặng thời gian. 16. Tinh thần cầu nguyện Hỏi: Vì sao trong Kinh Nhật Tụng lại chọn phẩm Phổ Môn làm kinh cầu an? Đáp: Vì phẩm này nói nhiều về cứu khổ cứu nạn, mà người ta hay cầu an vì sợ khổ. Vì vậy chọn phẩm này làm kinh cầu an. Nhưng ít ai hiểu được tầm quan trọng của phẩm này. Chúng ta thường cứ nghĩ tụng cho có phước, chứ không hiểu được ý nghĩa thâm sâu của kinh. Kinh Pháp Hoa đến phẩm Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn này là đến phần phá Tưởng ấm, mà con người có khổ là do tưởng. Phá tưởng thì hết khổ. Một viên đạn bất ngờ xuyên qua chúng ta, chúng ta đâu có sợ. Một nhát dao qua nhanh không làm ta sợ, nhưng nếu cứ khứa khứa, từ từ thì ta tưởng tượng mà rợn mình! Để chứng tỏ cái sợ từ tưởng mà có, cho nên niệm Quán Thế Âm Bồ Tát là trở về tánh nghe. Trở về tánh nghe thì bặt chỗ tưởng. Không chỗ tưởng, thì khổ từ đâu mà có? Nên nói, niệm Quán Thế Âm Bồ Tát thì qua khổ nạn. Đó là nói về “lý”. Về “sự”, niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát hết khổ như thế nào? Giả sử chúng ta đi đường sợ ma, lúc đó sợ quá, thành khẩn niệm Quán Thế Âm Bồ Tát. Bởi lo niệm Quán Thế Âm Bồ Tát nên một lúc hết nhớ đến ma, sợ cũng theo đó mà hết, tức là hết khổ. Bị tai nạn cũng vậy. Gặp lúc tai nạn, chúng ta mãi lo niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát nên không còn thời giờ rảnh để tưởng nhớ đến sự việc xảy ra, do đó cũng quên hết khổ. Hỏi: Tôi thấy có nhiều chuyện niệm Quán Thế Âm rất linh ứng là sao? Đáp: Vẫn biết đức Quán Thế Âm Bồ Tát rất linh ứng và sẵn sàng cứu khổ cho chúng ta, nhưng nó cũng còn đòi hỏi chúng ta phải tu nghiệp lành đúng với quả mong cầu thì việc cầu an của ta mới có kết quả. Bây giờ tôi hỏi lại: như gặp tai nạn thì bao nhiêu người niệm danh hiệu Quán Thế Âm, nhưng tại sao có người được khỏi, có người không khỏi? Đâu phải ai niệm cũng được khỏi hết? Như vậy Bồ Tát có lòng thiên vị người này, ghét bỏ người kia sao? Điểm này chúng ta phải hiểu rõ. Tùy theo nghiệp tương ứng của mỗi người mà có. Người có phước lành thì niệm đến điều lành, cảm việc lành. Trái lại, người nghiệp ác quá nặng có thể không cảm nổi điều lành. Người có phước không nhất định họ niệm Bồ Tát thì Bồ Tát hiện, mà có thể họ niệm Chúa thì Chúa hiện, hoặc niệm thần thánh thì thần thánh hiện đều do phước lành của họ mà cảm nên. Còn người tạo nghiệp ác quá nặng, tuy có niệm đến điều lành, nhưng không đủ sức cảm hiện, nên vẫn bị khổ. Người xưa nói: “Linh bất linh tại ngã” là như thế. Tóm lại, cảm ứng chẳng phải không, nhưng có là do ở chúng ta, chẳng phải ở Bồ Tát. Phật Bồ Tát chỉ là cái duyên phụ thuộc bên ngoài thôi. Nếu chúng ta một bề hướng bên ngoài mà cầu sự linh ứng, đó là bỏ gốc theo ngọn, trái với ý chỉ của kinh. Hiểu vậy thì chúng ta niệm mới cảm ứng bất tư nghì. 17. Xin một chữ Một người học thiền từ phương xa gởi thư đến xin một chữ để tu. Đáp: Một chữ “Tỉnh” hoặc một chữ “Xả”. 18. Phật ở đâu? Đây là lời nói của Ngài Phó Đại Sĩ nói về chỗ sở hành của mình: Tâm Phật Dạ dạ bảo Phật miên Riêu riêu hoàn cộng khởi Khởi tọa trấn tương tùy Ngữ mặc đồng sở chỉ Tiêm hào bất tương ly Như thân ảnh tương tợ Dục thức Phật khứ xứ Chỉ giá ngữ thinh thị Dịch: Đêm đêm ôm Phật ngủ Ngày ngày cùng Phật dậy Ngồi đứng hằng theo nhau Nói nín đồng chung ở Mãi mãi chẳng xa nhau Như hình cùng với bóng Muốn biết nơi Phật đi Chỉ chỗ nói năng ấy. “Muốn biết nơi Phật đi Chỉ chỗ nói năng ấy”. Đây là chỗ Ngài Mã Tổ trả lời với Huệ Hải: - Chính cái ngươi hỏi ta đó! Nhận ra được điều này rồi sống cùng như vậy. 19. Đừng kềm tâm và đoạn vọng tưởng Chỉ biết vọng không theo là đủ, đừng kềm tâm và đoạn tư tưởng (vì đoạn vọng tưởng là pháp tu của Tiểu thừa). Tại sao? Vì tư tưởng như mây khói, đâu có thật mà phải đoạn trừ. Như bài kệ của Lục Tổ bác cái hiểu lầm của ông Ngọa Luân, trong Kinh Pháp Bảo Đàn. Lối tu "chăm chăm nhìn vọng tưởng như mèo rình chuột" là lối dạy tu của pháp tu công án, dùng áp lực để tâm thành một khối, đủ duyên sẽ phát ngộ (bộc phát). 20. Nghiệp và vọng tưởng có đáng sợ không? - Nghiệp: Đáng sợ với người thấy nghiệp là thật, không đáng sợ với người biết nghiệp không thật. Không đáng sợ mà làm chủ nên chuyển được nghiệp. - Vọng tưởng: Nếu biết thì không sợ. Đừng sợ vọng khởi, chỉ sợ biết chậm. Nó khởi mặc khởi, mình chỉ giữ vững cái Biết, bám sát cái biết. Mình tức biết, biết tức tánh, không ngại. Lại thêm trong giấc ngủ có nhiều mộng mị, là do nơi nghiệp thức chủng tử khởi hiện hành. Đây là do thiếu sự làm chủ, vì thiếu trí tuệ quán chiếu. Muốn tiêu trừ mộng mị, thì tăng cường độ huân quán trí tuệ. Hãy điềm đạm huân tu. Vọng trước là thù, sau ấy là bạn. Mục Lục
|