Xuân Trong Cửa Thiền Tập 4
Biểu Tượng Hoa Sen
Xuân Tân Mùi - 1991 Hôm nay là ngày Tết Nguyên Đán, chúng tôi dùng hình ảnh hoa sen để chúc Tết quí Phật tử. Trong đạo Phật biểu tượng hoa sen có những gì kỳ đặc? Hôm nay chúng tôi nói lên biểu tượng đó để tất cả quí Phật tử ý thức việc tu hành, sống theo tinh thần của biểu tượng hoa sen và đi đúng theo hướng của đức Phật đã dạy. Nói đến hoa sen trước nhất trong chùa, chúng ta thấy tượng đức Phật ngự trên toà sen. Hẳn quí vị cũng nhớ thuở xưa khi thành Phật Ngài ngồi ở đâu? Ngài ngồi dưới cội bồ-đề, trên toà cỏ. Hiện nay chúng ta lại để đức Phật ngồi trên toà sen, như vậy là không đúng sự thật rồi. Vậy toà sen mang ý nghĩa gì mà tất cả Phật tử chúng ta lại quí trọng để làm đài cho đức Phật ngồi? Kế đến khi đi chùa quí Phật tử thấy tháp thờ các vị Trụ trì hay những vị có đạo đức cao đều có để các búp sen. Vậy các búp sen nói lên ý nghĩa gì mà trong đạo Phật từ chùa, tháp cho đến mộ của Phật tử cũng để hình ảnh hoa sen? Cả đến gia đình Phật tử cũng dùng lá cờ có hình hoa sen. Đó là những điều chúng tôi thấy người Phật tử cần phải hiểu rõ để khi có người hỏi chúng ta biết cách giải thích. Tuy không phải khó nhưng giải thích không suôn, vì chúng ta không biết được ý nghĩa rõ ràng. Đây tôi nêu ra hai phần:
Theo tinh thần Phật giáo Nguyên thủy: Thường hoa sen xuất phát từ trong bùn nhơ, luôn luôn sen mọc trong ao, trong hồ. Điều đó ca dao Việt Nam đã có nhắc đến và quí vị cũng đã nhớ, đã thuộc. Như vậy giá trị của hoa sen là từ nơi bùn nhơ sen trỗi dậy, vươn lên khỏi bùn, ra khỏi nước rồi trổ hoa. Lúc đầu mầm nó chui trong bùn nhưng khi gần trổ hoa thì nó vượt khỏi bùn, ngâm trong nước và lên khỏi mặt nước mới trổ hoa. Khi ở trong bùn thì hôi, nhưng khi nó nở hoa thì thơm ngát. Vậy giá trị của hoa sen là từ chỗ nhơ nhớp hôi hám mà trổ hoa có mùi hương tinh khiết, đó là điểm kỳ đặc của hoa sen. Tỉ dụ như hoa hồng, hoa cúc, hoa mai chúng ta trồng trên khô, trổ hoa thơm thì cũng thường, vì chúng không có cái gì hôi hám. Còn sen ở trong bùn lại trổ được hoa thơm, điều đó thật hiếm có. Thế nên đạo Phật dùng ý nghĩa này của hoa sen để tượng trưng cho người tu hành. Theo sử, đức Phật ngày xưa là Thái tử con vua Tịnh Phạn, Ngài sống trong cảnh vương giả đầy đủ ngũ dục, tức là sắc, thanh, hương, vị, xúc dư thừa. Ngài sống trong ngũ dục, chìm trong ngũ dục, nhưng chính từ trong ngũ dục sau này Ngài thức tỉnh, Ngài thoát ra khỏi ngũ dục và đi tu. Khi đi tu Ngài sống khổ hạnh đến ngày viên mãn đạo quả, thành một đức Phật sáng suốt giác ngộ, cũng như hoa sen từ trong bùn vươn ra khỏi bùn, lên khỏi mặt nước rồi trổ hoa. Thế nên đức Phật dạy: Trước tâm ta buông lung, (Kinh Pháp Cú 326) Đức Phật kể lại: Thuở trước lúc ở trong cung Thái tử, tâm Ngài buông lung chạy theo ái dục, thụ hưởng dục lạc, nhưng ngày nay tức là khi đi tu, Ngài chế ngự được nó giống như người nài (người chăn voi) dùng câu móc điều phục voi. Như vậy quí vị thấy từ trong vũng bùn ngũ dục, Ngài thoát ra và trở thành một vị giác ngộ giải thoát. Đức Phật không phải từ phương trời nào xuống, mà chính là một con người hưởng đầy đủ dục lạc ở thế gian, rồi tự điều phục, thoát khỏi ngũ dục trở thành đấng giác ngộ. Khi Ngài ở trong cung vua thọ hưởng dục lạc, ví dụ như hoa sen còn ở trong bùn; khi Ngài vượt thành xuất gia không còn ở trong thế gian của dục lạc nữa, ví dụ như hoa sen vượt ra khỏi bùn nhưng còn ở trong nước; khi Ngài cố gắng tu hành cho đến lúc được viên mãn giác ngộ, giống như hoa sen vượt khỏi nước, nở hoa. Như vậy hoa sen từ lúc mới mọc đến khi trổ hoa trải qua nhiều giai đoạn: giai đoạn một là ở trong bùn, giai đoạn hai là ra khỏi bùn ở trong nước, giai đoạn ba là ra khỏi nước, giai đoạn bốn là nở hoa thơm ngát. Cũng như vậy cuộc đời của đức Phật có nhiều giai đoạn: giai đoạn một là đắm mê dục lạc ở thế gian, giai đoạn hai là vượt thành xuất gia, giai đoạn ba khi tu Ngài cố gắng tinh tấn tu cho đến được giới thanh tịnh, điều phục được tâm, giai đoạn bốn là giác ngộ viên mãn. Thế nên sau này chư Tổ dùng hoa sen để tượng trưng cho công hạnh tu hành của đức Phật, hình tượng đức Phật ngự trên đài sen là ý nghĩa như vậy. Sau khi giác ngộ rồi đức Phật cũng dùng hoa sen để dạy đệ tử và các đệ tử Phật cũng học theo gương của Ngài. Như giữa đống rác nhớp (Kinh Pháp Cú 58-59) Qua bài kệ này chúng ta thấy đức Phật dạy đệ tử của Ngài phải giống như hoa sen, giống cách nào? Như khi vào thành phố chúng ta thấy mấy xe rác hôi hám nhơ nhớp, người ta đem đổ bồi các chỗ trũng, các đầm. Chính nơi đó sen mọc lên, khi sen nở, hoa có mùi rác hay mùi thơm thanh khiết? Sen nở có mùi thơm thanh khiết. Đó là đức Phật dùng hình ảnh hoa sen để ví dụ. Ngài dạy tiếp: “Cũng vậy giữa quần sanh, uế nhiễm, mù, phàm tục”, tức là ở giữa mọi người chung quanh chúng ta, họ là những kẻ uế nhiễm, mù tối, phàm tục; đệ tử của bậc Chánh giác phải như thế nào? Đệ tử của Phật phải cố gắng “sáng ngời bằng trí tuệ”, tức là ở chỗ mù tối, uế nhiễm chúng ta phải luôn luôn nuôi dưỡng trí tuệ mình được sáng ngời để xứng đáng là đệ tử bậc Chánh giác. Như thế quí vị thấy đức Phật dùng hoa sen để nhắc nhở đệ tử Ngài phải sống đúng như tinh thần của hoa sen, từ chỗ nhiễm nhơ phàm tục phải dùng trí tuệ sáng ngời đi đến giác ngộ. Tiếp đến chúng tôi nói biểu tượng hoa sen theo tinh thần Phật giáo Đại thừa hay là Phật giáo phát triển, nó có hơi khác một chút. Hẳn đa số Phật tử ở đây đều có tụng kinh Pháp Hoa, Pháp Hoa là gì? Pháp là Diệu Pháp, Hoa là Liên Hoa, nói tắt là Pháp Hoa, nói đủ là Diệu Pháp Liên Hoa Kinh. Liên Hoa là hoa sen, Diệu Pháp ví dụ như hoa sen nên gọi là Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, như vậy kinh Pháp Hoa là bộ kinh nói lên ý nghĩa Diệu Pháp giống như hoa sen. Diệu Pháp là gì? Tức là Tri kiến Phật. Kinh Pháp Hoa nói: “chư Phật ra đời vì khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến”, nghĩa là chỉ dạy cho chúng ta ngộ được Tri kiến Phật, tức là cái thấy biết Phật của mình. Vậy cái thấy biết Phật của mình ở đâu? Ở ngay trong thân vô thường nhơ nhớp này. Tri kiến Phật là cái thanh tịnh, sáng suốt, là Diệu Pháp, là Pháp sẵn có nơi con người chúng ta. Thân nhơ nhớp ô uế này dụ như đống bùn. Đức Phật dạy thân chúng ta là nhơ nhớp là bất tịnh nhưng trong cái nhơ nhớp bất tịnh có cái thanh tịnh sáng suốt, vì vậy mà dụ Tri kiến Phật như hoa sen. Chúng ta khéo ứng dụng tu theo lời Phật dạy trong kinh Pháp Hoa thì sẽ được giác ngộ, thấy được Tri kiến Phật. Đến các Thiền sư nói về hoa sen như thế nào? Như một Thiền sư đời Lý, ngài Đạo Huệ có bài kệ: Sắc thân dữ Diệu thể, Tôi dịch: Sắc thân cùng Diệu thể, Cành hoa tức là cành hoa sen. Các Thiền sư không nói hoa sen ở trong bùn nữa mà nói hoa sen ở trong lò lửa. Hoa sen trong bùn thì dễ hiểu, còn hoa sen trong lò lửa là điều quá sức tưởng tượng của chúng ta. Tôi sẽ giải thích ý nghĩa này. Lò lửa là chỉ thân vô thường, trong kinh Pháp Hoa cũng có dụ là “Tam giới vô an du như hoả trạch”, nghĩa là ba cõi không an giống như trong nhà lửa. Thân vô thường của chúng ta bị thiêu đốt, nó khô, nó chết từng phút từng giây, nhưng trong đó lại có một cái chưa bao giờ bị thiêu đốt, luôn nguyên vẹn trong sáng tươi tốt, nói theo kinh Pháp Hoa đó là Tri kiến Phật, nói theo bài kệ này đó là Diệu thể. Lò lửa dụ cho Sắc thân, cành hoa dụ cho Diệu thể. Cành hoa là biểu trưng cho trí tuệ sẵn có của chúng ta, nhà Phật gọi là Phật tánh hay Chân tâm. Trí tuệ đó sẵn trong thân vô thường này giống như hoa sen trong lò lửa. Thân chúng ta bị lửa vô thường thiêu đốt bại hoại nhưng hoa sen của chúng ta, tức Tánh giác của chúng ta, không bao giờ khô héo. Thế nên đã bao lần thân này hoại đi qua thân khác mà Tánh giác không thêm, không bớt, không thay đổi dụ như hoa sen trong lò lửa vẫn tươi tốt. Đến vị thứ hai, cũng đời Lý, Thiền sư Ngộ Ấn nói khác hơn một chút: Diệu tánh hư vô bất khả phan, Tôi tạm dịch: Diệu tánh rỗng không chẳng thể vin, Trong bài này Thiền sư cũng nói hoa sen ở trong lò lửa. Diệu tánh rỗng không chẳng thể vin nghĩa là mỗi người chúng ta có cái tánh nhiệm mầu tức là Tánh giác, nó rỗng rang nên chúng ta không thể nào vin theo được, không thể nào nắm bắt được. Rỗng không tâm ngộ việc dễ tin là nếu khi tâm chúng ta rỗng rang không còn dính mắc nữa thì lúc đó chúng ta mới tin được nó. Tươi nhuần sắc ngọc trong núi cháy nghĩa là ở trong ngọn núi cháy rực, hòn ngọc vẫn tươi nhuần không bị khô, không bị cháy cũng không bị nứt bể... Lò lửa hoa sen nở thật xinh là ở trong lò lửa hoa sen vẫn nở thật đẹp. Như vậy hoa sen ở trong lò lửa là để nói ngay thân vô thường sanh diệt của chúng ta vẫn có cái Thể tánh hay là cái Diệu tánh lúc nào cũng tươi nhuần, lúc nào cũng đẹp đẽ không bị khô héo, hư hao trong khi tất cả đều bị ngọn lửa vô thường thiêu đốt. Như thế quí vị thấy ngay trong thân vô thường có cái không phải vô thường, cái đó gọi là Diệu tánh (theo ngài Ngộ Ấn) hay là Diệu thể (theo ngài Đạo Huệ), đều chỉ cho cái chân thật đó. Lại có một vị Tăng hỏi Hòa thượng Tộ ở Trí Môn: - Hoa sen khi chưa ra khỏi nước thì thế nào? Ngài đáp: - Hoa sen. - Sau khi ra khỏi nước thì thế nào? - Lá sen. Như thế lời đáp có dễ hiểu không? Lời đáp như là không có đáp, không thể hiểu gì cả. Nhưng sau này có một vị Quốc sư Nhật Bản, ngài Viên Thông Đại Ứng làm bài tụng để chúng ta thấy rõ nghĩa đó. Ngài tụng: Liên hoa hà diệp ly nê thủy, Tôi tạm dịch: Hoa sen cành lá lìa bùn nước, Nói là ra khỏi nước hay chưa ra khỏi nước, nói là hoa sen, cành sen hay lá sen, cách nói đó là để chúng ta không bị tình giải trói buộc. Vị Tăng hỏi “hoa sen khi chưa ra khỏi nước như thế nào” là ý ngầm hỏi khi Phật tánh của chúng ta còn lẫn trong tâm phàm tục này hay là trong cái vọng tâm phiền não này thì thế nào? Ngài liền trả lời: Hoa sen. Lại hỏi: Sau khi ra khỏi nước thì thế nào? Lẽ ra sau khi ra khỏi nước là sắp nở, cũng như là tâm giác của chúng ta khi thoát khỏi phiền não là sẽ sáng, nhưng Ngài lại đáp là “lá sen”. Như vậy đáp là hoa sen, là lá sen, lối đáp đó đều không cho chúng ta hiểu mà để chúng ta thấy. Nếu khi nào chúng ta không khởi niệm suy nghĩ phân biệt - danh từ chuyên môn nhà thiền gọi là không khởi tình giải - lúc đó “ra với chưa ra bặt điểm trần”, nghĩa là không còn một mảy niệm nào làm cho nhơ nhớp. Nếu không còn một mảy niệm nhơ nhớp thì “vô hạn hương thơm thu chẳng hết”, khi ấy hương thơm tràn khắp, dù chúng ta muốn thu, thu cũng không hết. “Theo mưa quyện gió nở đầy ao” là theo mưa theo gió, đầy ao nở toàn là hoa sen. Tóm lại ý bài tụng này muốn nói rằng khi người ta đến chỗ tâm niệm không còn đuổi theo ngoại cảnh hay là không còn khởi những tình giải lăng xăng nữa, khi đó tâm thanh tịnh không còn dính một mảy bụi nhơ nhớp, khi ấy nơi nơi hoa sen đều nở rực, nơi nơi là mùi hương thơm ngát của hoa sen, không còn có những hôi hám bẩn thỉu nữa. Đó là ý nghĩa hoa sen. Tôi nhắc lại, tinh thần Phật giáo Nguyên thủy nói về hoa sen như chúng ta từng học từ thuở bé “trong đầm gì đẹp bằng sen...”, đó là ý nghĩa từ chỗ nhơ nhớp trở thành thanh tịnh thơm tho, đẹp đẽ, để chỉ cho tất cả chúng ta từ con người phàm tục dở xấu, nhưng khéo tu khéo sửa sẽ trở thành con người hay, con người tốt. Con người hay tốt không phải ngẫu nhiên có, mà phát xuất từ con người xấu dở trước kia. Cũng như đức Phật, không thể bỗng nhiên có Phật ra đời, mà chính Ngài từ con người phàm tục thọ hưởng dục lạc rồi sau thức tỉnh bỏ dục lạc đi tu đến giác ngộ. Như vậy đâu phải Ngài từ trên trời rơi xuống, cũng không phải từ hành tinh xa lạ nào đến đây, mà chính là con người chứa đầy đủ bản tánh người như chúng ta, nhưng khi tu rồi Ngài dẹp bỏ tất cả, Ngài trở thành Phật. Hiện nay chúng ta có giống Ngài không? Chúng ta tu dễ hay khó hơn Ngài? Nếu quí Phật tử nam “lỡ” làm Hoàng tử thì chắc là hưởng suốt đời chớ không bao giờ bỏ ngai vàng đi tu! Nếu quí Phật tử nữ làm Công chúa chắc cũng khó đi tu lắm! Đức Phật cũng là một con người, nếu Ngài mang tánh chất thánh thiện sẵn, chắc là Ngài không có gia đình, không có con. Thế thì Ngài cũng như chúng ta, Ngài cũng có gia đình, cũng có con, nhưng Ngài dám dứt bỏ tất cả, một phen ra đi khi nào ngộ đạo mới trở về. Đó là điều đặc biệt của Ngài. Trái lại chúng ta hiện nay đi đâu thì nhớ nhà, nhớ người này, nhớ người kia, nhớ con, nhớ đủ tất cả... Thế nên chúng ta cũng có tư cách như Ngài mà không làm được như Ngài, còn Ngài cũng có tư cách như chúng ta mà Ngài đã làm được con người xuất trần. Nhìn đức Phật rồi gẫm lại chúng ta, tất cả chúng ta đều có khả năng làm Phật, nhưng rất tiếc là chúng ta không gan. Thường thường quí vị ai cũng nói mình gan lắm, chớ đâu có ai nói tôi nhát lắm, tôi khiếp nhược lắm, phải không? Nhưng anh hùng là anh hùng với những người yếu thế hơn mình, như bên nam thì anh hùng với vợ con, vợ con nói sái ý thì la hét và muốn tát tai liền, nhưng lại không anh hùng với mình, những sự nóng giận, tham lam, si mê của mình không có gan bỏ, mà không có gan bỏ tức là không có anh hùng! Trong đạo Phật, anh hùng là anh hùng với chính mình. Những gì biết là xấu, là dở liền cắt đứt ngay. Tôi thấy quí Phật tử bên nam chắc cũng có nhiều người ghiền rượu, ghiền thuốc phải không? Biết ghiền rượu, ghiền thuốc là hại sức khoẻ, là tốn tiền, nhưng quí vị có bỏ được không? Mười người khoảng hai, ba người bỏ được, còn bảy, tám người không bỏ được, như vậy là không gan, biết hại nhưng không gan bỏ. Hành động cử chỉ mạnh bạo hung tợn tỏ ra là anh hùng, nhưng rốt cuộc cái hại, cái dở của mình lại bỏ không nổi thì đâu gọi là anh hùng. Như vậy để thấy người đời không can đảm giải quyết những điều hư, điều dở của mình. Trái lại, đức Phật từ con người dở tức là con người hưởng thụ ngũ dục trong cảnh vua chúa sang giàu, nhưng khi thức tỉnh rồi ngay đó Ngài dứt bỏ hết, Ngài đi tu. Chúng ta hiện nay thật ra hưởng thụ có bao nhiêu đâu, sánh với đức Phật khi còn làm Thái tử, Ngài thụ hưởng trăm phần mà Ngài dứt bỏ một cách dễ dàng, còn quí Phật tử thụ hưởng chưa được mười phần mà bỏ không được, như thế mới thấy chỗ yếu của chúng ta. Chính sự yếu đuối đó làm cho chúng ta tu không tiến, còn Ngài khi quyết định làm thì dứt khoát làm, khi vượt thành xuất gia rồi cho đến khi ngộ đạo mới trở về thăm gia đình. Còn chúng ta hiện nay ngồi trong chùa thì nhớ gia đình, về gia đình lại nhớ trong chùa, đi đi lại lại không có thái độ dứt khoát, nên không thể bì được với Ngài. Đến các Thiền sư, các ngài thấy rõ thân chúng ta là thân vô thường bại hoại, ai cũng bị vô thường chi phối. Quí vị nhớ thuở nào chúng ta là người trẻ, nay là người già. Sắc tươi trẻ lần lần bị thiêu đốt, trở thành già, tóc ngày xưa xanh nay đã bạc, răng ngày xưa cứng chắc nay đã rụng, những gì tốt đẹp thuở xưa nay đều bại hoại. Cái gì làm hoại? Nhà Phật gọi đó là lửa vô thường thiêu đốt. Tuy thân chúng ta bị lửa vô thường thiêu đốt, nhưng trong đó có cái không bị thiêu đốt, đó là Phật tánh, là Chân tâm của chúng ta. Thế nên Thiền sư dụ Phật tánh, Chân tâm như hoa sen, thân vô thường như lò lửa. Như vậy tất cả chúng ta ai cũng có hoa sen trong lò lửa, nhưng hiện nay chúng ta nhớ lò lửa hay nhớ hoa sen? - Cứ nhớ thân lửa cháy rần rần, còn hoa sen thì không nhớ chút nào, thế nên khi thân cháy rụi thì chới với. Nay ngay trong lò lửa này chúng ta nhận ra hoa sen, thấy hoa sen tươi thắm trong lò lửa, chúng ta cười vui, dù lửa cháy đến đâu đi nữa chỉ làm tươi thắm thêm hoa sen của mình. Lò lửa cháy, nó khô nó hoại, hoa sen vẫn tươi thắm mãi, vậy là trong cảnh vô thường chúng ta thoát được cái vô thường. Trái lại, nếu chúng ta chỉ nhớ thân lò lửa này, dầu chúng ta cung cấp nuôi dưỡng nó bao nhiêu đi nữa, nó cũng phải bại hoại. Có ai nuôi thân này khỏi bại hoại không? Hẳn là không, nuôi cách nào rồi cũng bại hoại, cũng không còn. Vậy tại sao cái sẽ không còn mà chúng ta cố giữ, cố lo cho nó mãi, trong khi cái còn mãi, không bao giờ mất, lại không nhớ? Như thế chúng ta là người trung thành với mình hay là người phản bội mình? Chúng ta thương chúng ta hay là ghét? Ghét mới bỏ cái thật giữ cái giả, trái lại nếu thương mình thì cái thật phải giữ, cái giả đừng màng. Quí Phật tử thử kiểm điểm lại xem, quí vị lớn tuổi trong sáu bảy mươi năm nay quí vị giữ cái nào? Lò lửa hay hoa sen? Lò lửa cháy rực thiêu đốt hết bao nhiêu sự nghiệp mà cứ giữ, còn hoa sen tươi thắm trong đó lại bỏ quên! Thật là chúng ta tự hủy hoại, tự bỏ quên mình! Thế nên người Phật tử tu theo Phật cần yếu là phải nhớ lại mình, biết được mình, tìm ra cái thật của mình, đó là căn bản của sự tu. Trong kinh đức Phật dạy chúng ta tu là phải buông xả tâm chấp ngã này, cái ngã này tức là lò lửa. Khi không chấp thân, không chấp cái ngã này là mình thì tâm chúng ta mới không dính mắc, không tham, không sân, không phiền não. Khi ấy trí tuệ chân thật hiện ra, gọi là hoa sen hay Tri kiến Phật. Vậy trí tuệ đó sẽ phát ra khi nào chúng ta không chấp cái hư giả là mình, cái hư giả là quí. Quí vị có bằng lòng điều đó không? Tuy nó giả mà thương nó quá, không đành quên nó, vì thương nó nhiều nên có ai xúc chạm đến nó thì nổi sân. Vì lẽ đó đức Phật thường dạy người Phật tử phải biết thân này là vô thường, vô ngã. Vô ngã là không phải thật ta mà chấp là ta. Như hiện nay quí vị nghĩ da thịt là mình chăng? Nếu da thịt là mình thì chỗ nào lỡ có u nhọt, người ta cắt bỏ ra thì cái đó là mình hay là miếng thịt thúi? Chúng ta có gớm không? Nếu là mình thì lúc nào cũng là mình, chớ không thể còn ở trong thân là mình, cắt bỏ ra ngoài là không phải mình, rồi lại gớm nó. Như thế làm sao nói thân này là thật được? Nhưng trong đó có cái chân thật ẩn náu mà chúng ta không thấy. Thế nên người tu dù xuất gia, dù tại gia đều phải làm sao thấy được, tìm ra được cái chân thật của mình. Nhưng muốn thấy được cái thật thì phải biết cái giả. Khi có những món đồ giả, nếu muốn mua đồ thật đừng lầm đồ giả thì phải làm sao? Phải biết đồ giả như thế nào, đồ thật như thế nào, biết được cái giả rồi mới tìm ra cái thật, chớ nếu tưởng giả là thật thì mỗi lần mua là mỗi lần lầm. Thân này cũng vậy, trong nó có cái giả mà cũng có cái thật, nếu không nhận ra cái giả thì không bao giờ biết được cái thật. Thân chúng ta là thân vô thường luôn luôn bị thiêu đốt, bị bại hoại. Cái gì bị thiêu đốt, bị bại hoại là giả, nhưng chúng ta cứ cho là thật. Thân mình là thật, nên khi nghe Phật nói thân này vô ngã, không phải là mình thì buồn khổ. Hiểu như vậy để biết thân chúng ta là tướng duyên hợp, duyên hợp thì không thật. Thế nên nhiều lần tôi hay đặt câu hỏi quí Phật tử: Thân này là thật hay giả? Nhiều người trả lời là giả, tất cả quí vị hẳn là đồng ý. Nhưng câu trả lời “giả” là trong thâm tâm thấy giả hay bắt chước nói theo Phật? Tôi hỏi tiếp: Tại sao biết thân này là giả? Đa số quí vị đáp: Vì Phật nói thân này vô thường tạm bợ hư dối nên nói là giả. Vậy là bắt chước mà đáp chớ không phải chính mình nhận biết. Thế nên tôi không chịu cách nói đó. Nay tôi đặt câu hỏi quí vị: Mũi quí vị đang làm gì? - Đang thở. - Thở nghĩa là làm gì? - Chúng ta hít không khí ở ngoài vào độ mấy giây đồng hồ liền trả ra. Hít vào, trả ra. Có ai hít vào mà không trả ra không? Nếu trả ra mà không hít vào thì thế nào? Như thế thì cuộc sống này là nhờ hít vào, tức mượn không khí ở ngoài, rồi trả ra, mượn trả, mượn trả đều đều... Quí vị nói: tôi ngồi chơi, chớ không ngờ mình đang mượn trả, mượn trả đều đều không có lúc nào ngồi chơi cả. Nếu trả rồi không mượn lại thì thế nào? Người ta gọi đó là tắt thở, là chết. Nếu thân này là thật thì không cần mượn, của mình rồi thì mượn làm chi, trái lại phải mượn mới còn, mới sống thì đâu gọi là thật. Mũi mượn không khí, miệng mượn tách nước, một lát sau lại trả, rồi đến mượn chén cơm rồi lại trả... mượn trả đều đều suôn sẻ đó là cuộc sống yên lành. Nếu mượn mà trả không được thì thế nào? Thì xuống đất. Nếu trả mà mượn không được thì thế nào? Cũng xuống đất. Chúng ta thấy cuộc sống thật đáng tức cười, chỉ là mượn trả, nếu suôn sẻ thì cười vui cho là hạnh phúc, nếu trục trặc thì nằm giãy giụa rồi chở đi cứu cấp. Như vậy trong cuộc sống này cái gì là thật? Trong nhà Phật nói thân này do tứ đại (đất, nước, gió, lửa) hợp thành, nhưng tự nó không bảo vệ được, phải mượn đất nước gió lửa bên ngoài bồi bổ luôn, nên lúc nào cũng mượn trả. Xét theo lẽ đó thân mượn trả là thân tạm bợ vô thường, giả dối không thật. Không thật mà tưởng thật là không sáng suốt. Nếu thấy rõ như vậy, quí vị có tỉnh không? Tỉ dụ như hết nước thì mượn nước, như nước lã hoặc nước trà, hoặc nước cam, nước xá xị v.v... Nếu khô cổ cho một tách nước vào thì hết khô. Nhưng chúng ta lại cầu kỳ, cho nước lã không chịu, phải kiếm nước cam, nước chanh mới bằng lòng. Cũng vì ý muốn đó nên cực nhọc, vì phải làm ra tiền mới mua được, chớ nước lã thì không phải mua, không phải tốn gì cả. Đến cần bồi bổ đất, tức khi bao tử trống thì kiếm chén cơm với vài thức ăn đơn giản như rau luộc... nhưng chúng ta lại đòi phải có gì xào chiên thơm thơm, phải có thịt, có cá... nên phải cực. Một hôm vào buổi sáng sớm, trên xe đi từ Phước Thái về thành phố Hồ Chí Minh đến một chiếc cầu vào thành phố, tôi nhìn thấy nước dưới sông đen ngòm mà có nhiều người cầm rổ đi vớt, đi xúc, nước đã hôi mà cứ dầm dưới đó là vì cần kiếm ít con cá, ít con tép con con về ăn, chỉ bấy nhiêu đó là vừa ý rồi. Thay vì ở nhà cuốc một liếp trồng rau, buổi sáng cắt vào ăn, khỏi phải lạnh phải hôi gì cả, thế mà không chịu. Lại gần đây trong chuyến đi lên nghỉ trên Đà Lạt, mỗi sáng tôi đi quanh hồ Xuân Hương, nhiều hôm trời lạnh buốt, đi trên bờ còn phải mặc áo lạnh, mà vẫn có những người cầm nơm xuống hồ đi nơm cá, cả mình ướt đẫm, lạnh đánh bò cạp nhưng họ vẫn chịu đựng. Vì sao phải cực nhọc như vậy? Cũng vì mượn đất vào cho hợp với lưỡi của mình, thật ra miễn thứ đất nào có đủ chất bồi bổ cơ thể là được, đâu cần phải có những thứ ngon ngọt mới được. Như ở chùa chúng tôi đâu có ăn con vật nào mà vẫn sống. Nếu phải chịu lạnh lẽo kiếm mấy con vật đó để ăn, thử hỏi cái khổ này ai đày mình vậy, ai làm mình khổ? Có phải cái lưỡi không? Chúng ta thấy tất cả cuộc sống của chúng ta vì lệ thuộc vào cảm giác của mũi, tai, mắt, lưỡi, thân nên phải khổ. Nếu biết là vay mượn, chúng ta chỉ mượn những gì cần xài thôi, cũng như xe hết xăng không chạy được thì đổ xăng vào, thân hết nước thì khô, khó chịu, uống tách nước vào thì hết khô, cần gì phải bày biện cho thêm khổ, càng cầu kỳ chừng nào thì càng khổ chừng nấy. Uống trà, không thích trà thường, phải trà hiệu này hiệu kia, thế nên bao nhiêu tiền cũng không đủ, đó là lỗi tại ai? Nếu hiểu rõ tinh thần Phật dạy, chúng ta thấy tu là phải đơn giản. Muốn đơn giản cuộc sống, chúng ta phải thấy rõ bản chất của thân. Nó là một đống bùn nhơ, một tướng vô thường, nó là cái lò lửa chớ không có gì tốt, quí báu. Nếu chúng ta không lầm nó, đương nhiên đời sống chúng ta sẽ đạm bạc, yên ổn và việc tu hành của chúng ta cũng được dễ dàng, trái lại nếu lệ thuộc vào nó thì đường tu của chúng ta sẽ rất là khó. Tóm lại tôi giải thích cũng khá nhiều, hẳn quí Phật tử không nhớ tôi muốn chúc điều gì. Vậy tôi cô đọng lại lời chúc Tết đầu năm của chúng tôi, để tất cả quí Phật tử có mặt về kể lại cho quí Phật tử vắng mặt là, tôi gởi lời chúc tất cả quí Phật tử sang năm mới đều là những mầm sen chuẩn bị thoát ra khỏi bùn, khỏi nước và trổ hoa tươi đẹp thơm tho. Mục Lục
|