Thiền Tông Việt Nam
Nhặt Lá Bồ Đề - Tập 3
Phần III: Trích Giảng Thiền Sử

1. Đạo tại trước mắt 

Có vị Tăng đến hỏi Thiền Sư Duy Khoan:

(Đạo tại chỗ nào?

Sư đáp:

(Chỉ tại trước mắt.

(Sao tôi chẳng thấy?

(Do ông có ngã nên không thấy.

(Tôi có ngã nên chẳng thấy, Hòa Thượng có thấy chăng?

(Có ông, có ta lăng xăng cũng chẳng thấy.

(Không tôi, không Hòa Thượng lại có thấy chăng?

(Không ông không ta, ai lại cầu thấy?

Bình:

Đạo là cái gì mà lại cầu thấy, vừa nghĩ thấy đạo, đạo đã thành cái bị thấy. Vừa thấy kia đây càng xa tít. Thế nên nói: Chỉ buông xả cái thấy hai tức là đạo rồi, nói gì thấy chẳng thấy. 

Chẳng rời hiện tại thường lặng lẽ

Còn tìm tức biết anh chưa thấy.

2. Sáu căn tức giải thoát

Thiền Sư Quảng Trừng, ở Đại Đồng Tào Châu.

Có vị Tăng đến hỏi:

(Làm thế nào diệt được sáu căn?

Sư nói:

(Hươi kiếm chém hư không, đâu thể gây thương tích cho các vật.

Bình:

Sáu căn vốn không có lỗi, lỗi tại phân biệt mà khởi tham sân, phân biệt nếu không, tham sân từ đâu mà có, ngay đó sáu căn tức giải thoát, đâu cần diệt chẳng diệt?

3. Chẳng làm việc gì?

Thiền Sư Dược Sơn Duy Nghiễm, một hôm đứng hầu Hòa Thượng Thạch Đầu. Hòa Thượng hỏi:

(Trong ấy ông làm việc gì?

Sư thưa:

(Một việc cũng chẳng làm.

(Thế ấy thì ngồi không chăng?

(Nếu ngồi không tức là làm.

(Ông nói chẳng làm, là chẳng làm việc gì?

(Ngàn Thánh cũng chẳng biết.

Bình:

Vậy ai biết cái chỗ chẳng làm? Nếu có chỗ tức thành cái bị biết rồi!

Thế nên, ngồi không mà tỉnh sáng tức thiền. Ngồi mà kềm tâm là chưa thoát khỏi Nhị thừa, ngồi mà tâm chạy đầu này đầu kia là thuộc phàm phu. Nếu còn thấy có chỗ làm tức còn bị trói. Tuy nhiên chớ hiểu không làm là ngồi không mặc tình tâm ý chạy Đông chạy Tây là lầm! Do đó nói: Chỗ này "ngàn Thánh cũng chẳng biết". Đó là cái chỗ chẳng làm.

4. Ông nay biết ta chăng?

Thạch Đầu Hy Thiên đến tham vấn Thiền Sư Hành Tư.

Sư hỏi:

(Ông từ phương nào đến?

Hy Thiên thưa:

(Con từ Tào Khê đến.

(Đem vật gì đến?

(Khi chưa đến Tào Khê cũng chẳng mất.

(Nếu thế ấy sao chẳng dừng đi, đến Tào Khê làm gì?

(Nếu không đến Tào Khê đâu biết chẳng mất.

Hy Thiên lại hỏi:

(Đại Sư ở Tào Khê có biết Hòa Thượng chăng?

(Ông nay biết ta chăng?

(Biết, lại đâu thể biết đặng.

(Loài có sừng tuy nhiều, chỉ một con lân là đủ.

Bình:

Hỏi: "Đem một vật gì đến", đáp: "Khi chưa đến cũng chẳng mất" là cái đó vốn sẳn có. Hỏi: "Nếu thế ấy sao chẳng dừng đi, đến Tào Khê làm gì?". Đáp: "Nếu không đến Tào Khê đâu biết chẳng mất" là tuy vốn sẵn có nhưng nếu không nhờ thiện tri thức chỉ cho thì đâu thể biết được. Hỏi: "Ông nay biết ta chăng?", đáp: "Biết lại đâu thể biết được" là cái chỗ đó mắt Phật cũng không thể thấy. Cuối cùng câu "Loài có sừng tuy nhiều nhưng một con lân là đủ", thầm tự biết là đủ.

5. Thấy hoa đào nở

Thiền Sư Chí Cần ở Linh Vân Phước Châu, người Trường Khê Bổn Châu. Ban đầu ở chỗ Ngài Qui Sơn, nhân thấy hoa đào ngộ đạo. Sư có làm kệ:

Tam thập niên lai tầm kiếm khách

Cơ hồi lạc diệp hựu trừu chi

Tự tùng nhất kiến đào hoa hậu

Trực đáo như kim cánh bất nghi.

           Tạm dịch:

Ba chục năm qua tầm kiếm khách

Bao lần lá rụng lại vin cành

Từ khi thấy được hoa đào nở

Mãi đến ngày nay lại chẳng nghi.

Tổ Qui Sơn xem bài kệ và hỏi chỗ sở ngộ của Sư mới biết có chỗ khế hợp với Ngài. Tổ bảo: "Theo duyên ngộ đến chỗ tột, hằng không lui sụt, ông phải tự khéo giữ gìn". 

Bình:

Thử hỏi chỗ nào là chỗ Ngài Linh Vân ngộ? Có phải ở hoa đào chăng? Và đâu là chỗ chẳng nghi? Nếu cho cái ngộ ở chỗ hoa đào thì tại sao mỗi năm xuân về chúng ta vẫn thấy hoa đào nở mà không ngộ?

Chớ thấy hoa đào tầm kiếm khách

Quên rằng ôm ấp đã bao năm!

6. Chẳng phải xưa nay

Thiền Sư Sở Nam ở núi Thiên Khoảnh, Hàng Châu. Ban đầu Sư tham vấn Thiền Sư Phù Dung, Phù Dung thấy bảo: "Ta chẳng phải Thầy ông. Thầy ông là Hoàng Bá". Sư lễ bái đến Hoàng Bá.

Hoàng Bá hỏi:

(Hình ảnh (ảnh tượng) ông khi chưa hiện trong tam giới (ba cõi) như thế nào?

Sư thưa:

(Tức hiện nay đâu phải có.

Hoàng Bá nói:

(Có không gát lại, tức hiện nay như thế nào?

Sư thưa:

(Chẳng phải xưa nay.

Hoàng Bá nói:

(Pháp nhãn của ta chính nơi ông.

Bình:

Như vậy ai biết được hình ảnh khi chưa hiện trong ba cõi? Cái này chẳng thuộc xưa nay, vượt ngoài giới hạn của thời gian:

Tuy có hiện thân trong ba cõi

Hiện tại có gì trói được y! 

7. Châu Ma ni

Thiền Sư Tổ hiệu Vân Tế ở núi Chung Nam. Ban đầu đến tham vấn Ngài Nam Tuyền, Sư hỏi: "Mỗi người có hạt châu Ma ni mà người chẳng biết. Hạt châu ấy ở trong tàng (kho) Như Lai phải chính mình nhận được. Thế nào là Tàng?"

Nam Tuyền đáp:

(Cùng ông qua lại đó là Tàng.

(Khi chẳng qua lại thì thế nào?

(Cũng là Tàng

(Thế nào là châu?

Ngài Nam Tuyền liền gọi:

(Sư Tổ.

Sư Tổ liền ứng thinh:

(Dạ!

Ngài Nam Tuyền nạt:

(Đi đi! Ông chẳng hội lời ta nói.

Sư Tổ từ đây có chỗ tin vào. 

Bình:

Qua tiếng kêu dạ, Sư Tổ đã thấy được hạt châu Ma Ni.

8. Không người biết đặng y

Khoảng niên hiệu Trinh Nguyên đời Đường, ban đầu Sư (Thiền Sư Linh Mặc) đến trụ ở đạo tràng Bạch Nhai, sau đến Ngũ Duệ. 

Có vị Tăng đến hỏi:

(Vật gì lớn nhất trong trời đất?

Sư đáp:

(Không người biết đặng y.

(Lại có thể điêu khắc chăng?

(Ông hạ thủ thử xem?

(Trong cửa việc này trước sau như thế nào?

(Ông nói trước mắt, từ thành đến nay bao lâu?

(Học nhân chẳng hội.

(Cái hỏi này của ta, chẳng phải cái hỏi của ông.

(Hòa Thượng há không chỗ tiếp người.

(Đợi ông cầu tiếp ta liền tiếp.

(Xin thỉnh Hòa Thượng tiếp.

(Ông kém thiếu cái gì?

(Làm sao được vô tâm?

(Núi nghiêng lấp biển thường yên tịnh.

Đất chuyển ngủ khò há động y.

Bình:

Cái thể bằng trời đất kia, không lệ thuộc không gian, thời gian, cũng chẳng do tạo tác thành. Nếu sống được với cái đó thì tất cả động tịnh của thế gian không gì lay chuyển được. Đó là chỗ không người biết đặng!

9. Ông hỏi cái gì?

Có vị Tăng đến hỏi Hòa Thượng Phước Khê:

(Thế nào là tự kỷ?

Phước Khê đáp:

(Ông hỏi cái gì?

(Hòa Thượng há không phương tiện?

(Ông đến đây hỏi cái gì?

(Cái gì là điên đảo?

(Hôm nay ông đáng ăn gậy trong tay của Lão Tăng.

Bình:

Hỏi ở trong đáp.

10. Trồng hoa trên đá

Hòa Thượng Thạch Đầu bảo:

(Nói năng động dụng chớ dính mắc.

Thiền Sư Dược Sơn Duy Nghiễm thưa:

(Không nói năng động dụng cũng chớ dính mắc.

(Ta trong ấy một mũi kim cũng chẳng lọt.

(Con trong ấy như hoa trồng trên đá.

Thạch Đầu chấp nhận và nói kệ khen:

Tùng lai cộng trụ bất tri danh

Nhậm vận tương tưởng chỉ ma hành

Tự cổ thượng hiền giai bất thức

Tạo thứ phàm lưu khởi khả minh.

            Tạm dịch:

Từ xưa chung ở chẳng rõ danh

Ngồi đứng theo nhau trong các hành

Chư thánh từ xưa còn chẳng biết

Hà huống phàm phu có thể rành.

Bình:

"Nói năng động dụng chớ dính mắc" là chẳng chấp có. "Chẳng nói năng động dụng cũng chẳng dính mắc" là chẳng chấp không. "Ta trong ấy một mũi kim cũng chẳng lọt, con trong ấy như hoa trồng trên đá" là bặt cả có không, tâm hằng miên mật không một điểm dính mắc, không một kẻ hở, tức là hằng sống trong ấy. Rõ được chỗ này liền rõ cái kẻ "Từ lâu chung ở chẳng biết tên". Vì y không tên tuổi vậy.

11. Thượng đường

Thiền Sư Dược Sơn Duy Nghiễm dạy chúng:

(Tổ Sư chỉ dạy phải khéo bảo hộ, khi tham, sân, si cần thiết phải ngăn cấm chẳng để nó tăng trưởng. Nếu ông muốn biết cây khô ở Thạch Đầu, cần phải gánh vác chỗ thật (thân cây) không nhánh lá mới được. Tuy nhiên như thế, phải nên tự xem, chẳng được dứt bặt nói năng. Tôi nay vì ông nói năng, để hiển bày cái không nói năng. Cái ấy xưa nay vốn không tai, mắt, tướng mạo v.v...

Có vị Tăng hỏi:

(Làm thế nào khỏi bị các cảnh làm mê lầm?

Sư đáp:

(Ngoại cảnh có gì ngại được ông.

(Con chẳng hội.

(Cảnh đâu làm ông mê lầm?

Bình:

1. Cái cội nguồn chân thật ấy là cái không ngôn ngữ, còn có ngôn ngữ chỉ là cành lá. Cho nên nói: "Cái ấy xưa nay vốn không tai, mắt, tướng mạo v.v..."

2. Cảnh vốn không làm lầm người, chỉ tại người tự lầm cảnh. Nghĩa là tự mê mình mà chạy theo cảnh, thành ra bị cảnh chuyển, không thấy được sự thật. Nếu ngay nơi cảnh mà tỉnh giác trở lại thì có gì chướng ngại?

12. Sanh diệt khứ lai

Thiền Sư Như Mãn ở Phật Quang, Lạc Kinh đáp những câu hỏi của vua Đường Thuận Tông.

Vua hỏi:

(Phật đản sanh từ phương nào đến? Khi nhập diệt đến phương nào? Đã nói Ngài thường trụ ở đời. Vậy nay Phật ở đâu?

Sư đáp:

(Phật từ vô vi đến, khi diệt độ trở về với vô vi. Pháp thân đồng hư không, thường trụ chỗ vô tâm, có niệm về vô niệm, có trụ về vô trụ, đến vì chúng sanh đến, đi vì chúng sanh đi, trong sạch chân thật như biển, thể hằng vắng lặng. Người trí khéo xét biết, chớ sanh niệm hồ nghi.

Vua hỏi: 

(Phật đản sanh tại Vương cung khi nhập diệt giữa rừng Song Thọ, thuyết pháp 49 năm, tại sao nói Phật không nói một pháp? Núi sông, biển lớn, trời đất, mặt trời, mặt trăng trải qua thời gian (thời chí) cũng đều hoại diệt, tại sao nói chẳng sanh, chẳng diệt? Những điều nghi ấy xin bậc trí khéo giản trạch.

Sư đáp:

(Thể tánh của Phật vốn vô vi, do mê tình (chúng sanh) vọng phân biệt, pháp thân đồng hư không, chưa từng có sanh diệt, có duyên Phật ra đời, hết duyên Phật nhập diệt. Những nơi giáo hóa chúng sanh cũng như bóng trăng hiện trong nước, chẳng phải thường, chẳng phải đoạn, chẳng phải sanh, chẳng phải diệt, sanh cũng chưa từng sanh, diệt cũng chưa từng diệt. Thấy rõ chỗ vô tâm tự nhiên không có một pháp để nói.

Vua nghe xong rất vui vẻ và càng kính trọng Thiền Tông.

Bình:

Ngài chỉ thẳng Phật Pháp thân không sanh diệt đến đi, có đến đi là thuộc Hóa thân. Tuy hiện có sanh diệt đến đi mà thể hằng vắng lặng, như bóng trăng trong nước không thể nói có hay không. Nếu thấy được chỗ không tâm thì Phật thường hiện tiền, nhận được chỗ không tâm liền thấy "Phật không nói pháp". Phải khéo nhận kỹ chớ kẹt trên ngôn từ!

13. Từ trong ấy ra

Thiền Sư Hy Thiên ở núi Nam Nhạc, Thạch Đầu. Sư con nhà họ Trần, quê ở Cao Yếu, Đoan Châu. Ban đầu đến Tào Khê đặng độ. Khi Sư chưa thọ giới Cụ túc lại gặp lúc Lục Tổ thị tịch. Vâng lời di chúc, Sư đến yết kiến Ngài Thanh Nguyên và xin y chỉ.

Một hôm, Thanh Nguyên hỏi Sư: 

(Có người nói Lãnh Nam (nơi Lục Tổ ở) có tin tức (đại đạo) phải chăng?

Sư thưa:

Có người chẳng nói Lãnh Nam có tin tức.

(Nếu thế ấy Đại tạng, Tiểu tạng từ đâu mà ra?

(Từ trong ấy mà ra.

Ngài Thanh Nguyên gật đầu chấp nhận. 

Bình:

Cái gì là trong ấy?

(Ba đời chư Phật thường hộ niệm!

14. Đãi gạo

Ở Động Sơn, Tuyết Phong đang đãi gạo, Khâm Sơn hỏi:

(Đãi cát bỏ gạo hay đãi gạo bỏ cát?

Sư đáp:

(Gạo cát đồng thời bỏ.

Khâm Sơn hỏi:

(Đại chúng lấy gì ăn?

Sư bèn lật úp thau đãi gạo. 

Khâm Sơn nói: Cứ theo nhân duyên này huynh hợp ở Đức Sơn.

Trong đây ai có thể đáp một câu để khỏi bị người kiểm điểm xem?

Bình:

Gạo là gạo, cát là cát chẳng dính dáng gì đến việc kia!

Mục Lục