Thiền Tông Việt Nam
Kinh Kim Cang Giảng giải
Giảng Đề Kinh

Bản giảng này là y theo bản dịch của ngài Tam Tạng pháp sư Cưu-ma-la-thập, vì bản này được công nhận là văn chương lưu loát và sâu sắc hơn hết. Nếu xem lại bản của ngài Nghĩa Tịnh cũng như của ngài Huyền Trang, chúng ta thấy cả hai bản dịch đều nặng về văn nghĩa. Ngài La-thập không kẹt trong văn nghĩa, chỉ cốt làm sao cho ta nhận được lời Phật dạy, ý Phật nói, nên văn dịch của Ngài thâm thúy và gẫy gọn dễ hiểu.

Thái tử Chiêu Minh đời Lương, khi đọc Kim Cang, lãnh hội được ý chỉ nên chia quyển kinh làm ba mươi hai phần để cho người đọc dễ nhận hiểu.

ĐỀ KINH: Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật.

Kim Cang là một chất cứng hay phá các thứ khác mà các kim loại khác không phá được nó.

Bát-nhã là âm theo tiếng Phạn.

Ba-la-mật là âm theo tiếng Phạn.

Kinh là chữ Hán.

Đề kinh gồm cả chữ Hán lẫn chữ Phạn. Người Trung Hoa khi dịch kinh, chữ nào dịch được thì dịch, chữ nào không thể dịch hết nghĩa thì để nguyên âm tiếng Phạn.

Bát-nhã nghĩa chánh là trí tuệ.

Ba-la-mật hoặc dịch là “đến bờ kia” hoặc dịch là “cứu kính viên mãn”. Trí tuệ được cứu kính viên mãn gọi là Bát-nhã ba-la-mật, vì nếu chỉ nói “trí tuệ” e có lầm lẫn. Ở thế gian người khôn ngoan lanh lợi cũng gọi là người có trí tuệ, thế nên từ ngữ “Trí tuệ Bát-nhã” là để giản trạch cho đừng lầm với trí tuệ của người thế gian. Trí tuệ Bát-nhã là trí tuệ thấu được lý thật, thấy được Thể chân thật của các pháp, không còn kẹt trong các kiến chấp, trong những cái nhìn thiên lệch chưa thấu đáo. Do thấu được lẽ thật, nên trí tuệ này khi đến chỗ cứu kính chẳng những phá được tất cả tà thuyết ngoại đạo mà còn dẹp hết những mê lầm chấp trước của mọi người. Cho nên khả năng công phá đó vượt hơn tất cả, dụ như kim cương là chất cứng nhất có thể phá tan các kim loại khác mà các thứ khác không phá hoại được nó. Kim Cang Bát-nhã ba-la-mật là một trí tuệ vững chắc, kiên cố phá dẹp tất cả tà thuyết ngoại đạo làm cho chúng ta sạch hết những chấp trước sai lầm, những mê mờ đen tối để đến bờ giải thoát, giác ngộ.

Kinh là những lời giảng dạy của đức Phật góp lại thành bộ. Kinh là Khế kinh tức là khế lý và khế cơ. Tất cả những kinh Phật đều phải đủ hai nghĩa khế lý khế cơ, nghĩa là vừa hợp chân lý, vừa hợp căn cơ người. Thiếu một trong hai điều kể trên thì chưa gọi là kinh được, vì chủ yếu của đạo Phật cốt giáo hóa chúng sanh giác ngộ, thấy được lẽ thật (đúng chân lý) và chúng sanh tin nhận được (hợp căn cơ). Khế cơ và khế lý còn có thể hiểu là tùy duyên và bất biến. Kinh Phật nói ngàn đời cũng không sai, đó là bất biến; nhưng vào mỗi thời theo căn cơ mà nói, hoặc thấp hoặc cao, đó là tùy duyên.

Mục Lục