Kinh Bát Nhã Giảng Giải
Đoạn 5
Tóm lại toàn bài kinh Bát-nhã này chia ra ba phần căn bản: 1. Bát-nhã lập cước trên nền tảng nhân duyên. Nhân duyên là chỗ đứng vững chắc của tinh thần Bát-nhã. Tất cả các pháp, lớn như quả địa cầu, nhỏ như hạt bụi đều do duyên hợp mà có. Con người là duyên hợp, sự vật là duyên hợp, vậy lý nhân duyên là lẽ thật trùm hết muôn vật. 2. Bản tánh của sự vật là không. Vì không có một vật nào tự nó mà thành, không có một chủ thể nguyên vẹn sẵn có, phải đợi đủ duyên mới thành. Nên tất cả pháp đều tánh Không, duyên khởi không thật. 3. Hiển bày nghĩa Trung đạo. Như bài kệ của ngài Long Thọ đã nói. Các pháp do duyên sanh tánh Không. Cho nên nó có là có trong giả danh, giả tướng. Thấy được tất cả pháp không thật có, cũng không thật không, giả danh, giả tướng là thấy được nghĩa Trung đạo. Thấu triệt được như vậy là chúng ta khéo tu, là người có trí tuệ Bát-nhã, chắc chắn sẽ đến được bờ Niết-bàn, giải thoát an vui, chấm dứt vĩnh viễn dòng trầm luân sanh tử. Đó là giá trị quí báu nhất của bài Bát-nhã Tâm Kinh này vậy. Mục Lục
|
Đoạn 5