Kinh Bát Nhã Giảng Giải
Đoạn 4
Âm: Dĩ vô sở đắc cố, Bồ-đề-tát-đỏa y Bát-nhã ba-la-mật-đa cố, tâm vô quái ngại. Vô quái ngại cố vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu kính Niết-bàn. Nghĩa: Vì không có chỗ được, nên Bồ-tát y theo Bát-nhã ba-la-mật-đa tâm không ngăn ngại. Vì không ngăn ngại nên không sợ hãi, xa hẳn điên đảo mộng tưởng, đạt đến cứu kính Niết-bàn. Giảng: Đây là đoạn kết thúc. Bồ-đề-tát-đỏa là Bồ-tát. Vì không có chỗ được, nên Bồ-tát y theo Bát-nhã ba-la-mật-đa, tâm không ngăn ngại. Tâm không ngăn ngại nên không bị khủng bố, khủng bố là sợ sệt. Xa lìa điên đảo mộng tưởng đạt đến cứu kính Niết-bàn. Trong âm Hán không có chữ “đạt đến”, nhưng vì thiếu động từ nên chúng tôi phải thêm vào cho rõ nghĩa. Tại sao tu hạnh Bồ-tát không có sở đắc? Tất cả chúng ta quen nhìn cái này có, cái kia không rồi chấp có chấp không, thành ra có sở đắc sở chứng. Thật ra sở đắc sở chứng chỉ là phương tiện. Thí dụ những vị tu hạnh Thanh văn, chứng quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán. Các quả vị đó là để đánh dấu chặng đường hành giả đã đi. Chẳng hạn mục tiêu chánh của chúng ta là đi tới thành phố Hồ Chí Minh. Từ Vũng Tàu mình đi đường bộ, trước phải tới Bà Rịa. Tới Bà Rịa rồi bỏ Bà Rịa, tới Long Thành, bỏ Long Thành tới Thủ Đức, bỏ Thủ Đức mới tới Thành phố Hồ Chí Minh. Cho nên quả vị đạt được chỉ là một chặng đường, chớ không phải cứu kính, không phải chân thật. Cũng vậy, Bồ-tát thấy các pháp thế gian hư dối không thật, căn trần thức, thập bát giới đều là pháp hư giả duyên hợp. Cho đến pháp của Phật dạy là pháp xuất thế gian như Tứ đế, Thập nhị nhân duyên cũng là pháp giả lập, để đưa chúng ta tới chỗ giải thoát sanh tử. Giải thoát sanh tử rồi thì tất cả pháp đó đều là phương tiện hết. Cho nên trong kinh thường nói, pháp của Phật dạy như ngón tay chỉ mặt trăng, như chiếc bè đưa người qua sông. Ngón tay không phải mặt trăng, nhưng nương ngón tay chúng ta nhìn thấy mặt trăng. Chiếc bè không phải bờ bên kia, nhưng nhờ chiếc bè chúng ta qua được bờ bên kia. Vậy pháp của Phật cũng là phương tiện thôi. Pháp thế gian duyên hợp hư dối, pháp của Phật tạm đặt cũng là phương tiện để trừ bỏ mê lầm, nên không thật. Không có một pháp thật thì lấy gì gọi là đắc là được. Không có chỗ được mà được mới đặc biệt. Cho nên nói vì không có chỗ được, nên Bồ-tát y Bát-nhã ba-la-mật-đa tâm không ngăn ngại. Vì không ngăn ngại nên không sợ hãi, xa lìa điên đảo mộng tưởng, đạt đến cứu kính Niết-bàn. Tâm chúng ta hiện giờ có sợ sệt không? Ai khủng bố mình? Mấy con vi trùng, vi rút cũng đủ khủng bố mình rồi. Ít bữa người này đi khám thấy bị siêu vi B, người kia siêu vi C v.v… Nghe thế là hoảng lên, thế là bị khủng bố. Rồi thấy một người trẻ tuổi bị bệnh chết chúng ta cũng sợ, không biết mình có bị vậy không. Hồi hộp là sợ sệt, sợ sệt là khủng bố. Như vậy vô thường khủng bố, vi trùng khủng bố chúng ta liên miên, không có phút giây an ổn. Ngoài các điều khổ căn bản đó, còn những thứ khác để sợ sệt nữa. Sợ người thương xa lìa, sợ kẻ oán gặp gỡ… Cho nên nếu tâm không có sở đắc, tức không thấy có gì để được, thì chẳng còn gì để sợ hết. Đó là không ngăn ngại, tức tự do tự tại. Từ tâm vô ngại xa lìa hết các thứ sợ sệt, xa lìa luôn điên đảo mộng tưởng. Hiện giờ quí vị có điên đảo không? Như tôi thường nói điên đảo là cái nhìn lộn ngược. Nhơ mà tưởng sạch là điên đảo, giả mà tưởng thật là điên đảo… Giả sử như đầu năm mùng một Tết, có ai đến chùa chúc thầy, cô năm nay về Phật sớm, quí vị chịu không? Lời chúc đó tốt hay xấu? Mình tu là mong được về Phật, mà nghe nói về Phật sớm thì bực mình rồi, như vậy có điên đảo không? Lẽ ra tu tới mười năm, hai chục năm mới được về Phật, bây giờ mới năm ba năm, người ta chúc mình về Phật sớm thì mừng, tại sao lại giận? Tại mình còn ham sống dai, chưa chịu về Phật. Tuy nguyện được về Phật mà chờ chừng nào đuối mới chịu về, chớ bây giờ còn đi đứng được, còn vui vẻ thì khoan đã. Quí vị tụng kinh luôn nguyện sau này được về cõi Phật, mà nghe nói về Phật sớm liền sợ, như vậy có điên đảo không? Rõ ràng chúng ta sống trong điên đảo mê lầm. Bởi vì chúng ta cứ tưởng mình sống lâu, nhưng vô thường tới giờ nào thì dẫn mình đi giờ đó, chớ nó đâu có đợi chờ. Nếu chúng ta biết rằng thân này là tạm bợ giả dối thì chuyện ra đi là chuyện thường, không có gì phải sợ nữa cả. Tôi nêu thí dụ để quí vị thấy chúng ta sống trong điên đảo nhiều hơn là thực tế. Chúng ta hôi nên dùng dầu thơm, nước hoa để khỏa lấp. Biết mình hôi mà ai chê hôi thì giận. Chúng sanh điên đảo như vậy, nên không thấy được lẽ thật. Từ không thấy được lẽ thật nên sống trong mộng tưởng. Mộng tưởng là sao? Là tưởng tượng hư ảo như trong giấc mộng. Tất cả những gì chúng ta thấy trong mộng, có thể biến thành sự thật sau khi chúng ta thức dậy không? Không bao giờ có. Như vậy mộng là hư ảo, mà chúng ta lại sống với những tưởng tượng hư ảo đó nhiều hơn thực tế. Có nhiều người khi vào chùa tu, thấy quí thầy Pháp sư, Giáo thọ đi giảng đi dạy, được mọi người hoan nghênh liền thích. Thích nên dù mới học được chút ít, mà tưởng tượng mai kia mình sẽ làm Pháp sư, Giáo thọ… Việc chưa tới mà tưởng tượng như vậy thì có mộng ảo không? Hoặc nghe ai tán thán người xưa tu phải ở trong rừng sâu, núi thẳm mới đắc đạo, thế là đang ở trong chúng êm đềm, tu hành bình thường, liền xách gói vô núi vô rừng ở. Vô rừng vô núi tưởng tượng ba tháng bảy tháng thì đắc đạo. Đến chừng khổ quá, thấy không được gì thì xách gói ra. Như vậy tưởng không có lẽ thật mà mình cứ tưởng. Thế gian biết bao nhiêu mộng tưởng, nào tưởng danh, tưởng lợi, tưởng làm giàu… Cho nên người thấy tất cả pháp hư dối, do duyên hợp không thật, tự tánh nó là không, nên không có sở đắc. Không có sở đắc gọi là Bồ-tát. Y theo trí tuệ Bát-nhã mà tu thì tâm không còn ngăn ngại, xa lìa các sợ sệt, điên đảo mộng tưởng. Khi xa lìa được sợ sệt, điên đảo mộng tưởng rồi thì sẽ đến cứu kính Niết-bàn, là chỗ an lạc giải thoát. Niết-bàn là chữ Phạn, Trung Hoa dịch là vô sanh, tức không còn bị sanh tử nữa. Tất cả chúng ta tu là cốt đạt đến Niết-bàn, ở đây tôi xin nói rộng một chút. Chúng ta thường nghe tu tiên có thuốc trường sanh bất tử. Tại sao người ta ham uống thuốc đó? Vì thiên hạ sợ chết, nên nghe nói thuốc trường sanh bất tử ai cũng thích, cũng ham tu tiên để được sống hoài không chết. Nhưng lời nói đó có phải là chân lý chưa? Nếu các ông Tiên có thuốc trường sanh bất tử, thì lẽ ra hiện nay có nhiều tiên lắm. Nhưng xem kỹ từ Trung Hoa đến Việt Nam, còn ông Tiên nào không? Nếu không còn, vậy mấy ông đi đâu? Chết hết. Thế thì nói bất tử mà tử là sao? Cho nên chuyện đó không có lẽ thật. Với cái nhìn của đạo Phật, đức Phật thấy con người có sanh thì phải có tử. Vì thân này duyên hợp, hợp thì phải tan, chỉ khác là tan muộn hay tan sớm thôi. Cho nên ngay cả đức Phật thành đạo rồi, mà tới thời kỳ tứ đại hoại cũng phải chịu hoại thôi. Đó là một lẽ thật. Muốn không tan hoại thì đừng tụ hợp, cho nên Niết-bàn là vô sanh. Chỉ một tâm thể trong sáng thanh tịnh, không hình không tướng, bất sanh bất diệt. Nói tới Niết-bàn nhiều vị đâm ra nghi ngờ đức Phật sau khi thành đạo, Ngài có Niết-bàn không? Niết-bàn trong nhà Phật có chia làm hai: Hữu dư y Niết-bàn và Vô dư y Niết-bàn, tức Niết-bàn còn thân và Niết-bàn mất thân. Niết-bàn còn thân nghĩa là vị ấy đã ngộ đạo, trí tuệ viên mãn rồi nhưng mà vẫn còn sống, còn đi giáo hóa, làm các Phật sự. Giáo hóa, làm Phật sự trong tâm thanh tịnh sáng suốt, không bị phiền não che mờ cho nên không khổ, đó gọi là Hữu dư y Niết-bàn. Vị đã ngộ đạo, đã bỏ thân này, chỉ còn tâm trong sáng thanh tịnh đó gọi là nhập Vô dư y Niết-bàn, tức Niết-bàn không còn thân, hoàn toàn vô sanh. Rõ ràng người khéo tu theo trí tuệ Bát-nhã sẽ chóng được Niết-bàn. Niết-bàn không đợi chết, ngay trong cuộc sống cũng vẫn an trụ Niết-bàn. Người biết các pháp duyên hợp hư giả, tâm không dính mắc ở vật, không dính mắc ở người, hoàn toàn thanh tịnh. Ngay đó là Niết-bàn rồi. Cho nên Niết-bàn là an lạc, không có các trạng thái buồn khổ, không còn đối đãi nữa, nên gọi cứu kính Niết-bàn. Trong Trung A-hàm bài kinh nói về nhân duyên, đức Phật có dạy: “Người thấy được nhân duyên là thấy pháp, người thấy được pháp là thấy Phật.” Vậy chúng ta thấu triệt được lý nhân duyên, các pháp duyên hợp hư giả, có hình có tướng đều là duyên hợp, tánh Không. Thấy được như vậy thì chúng ta không còn bị các thứ trói buộc. Không bị trói nghĩa là tự tại, tự tại là an lạc Niết-bàn. Bát-nhã là trí tuệ hay dẹp trừ vô minh mê lầm. Cũng như có ánh sáng mới phá được đêm tối. Chúng ta tu muốn được giải thoát, thì phải có trí tuệ. Vì vậy người tu Thiền phải tụng Bát-nhã, nhắc tới nhắc lui cho nhớ đến trí tuệ là hàng đầu. Người tu Tịnh độ cũng phải tụng Bát-nhã, dầu niệm Phật cầu về Cực lạc nhưng cũng phải có trí tuệ. Người tu Mật cũng vậy. Vì thế Bát-nhã là con đường chung của tất cả các tông phái. Tu theo Phật thì phải lấy trí tuệ làm đầu, lấy trí tuệ làm lương thực đi đường, chớ không thể nào khác hơn được. Hơn nữa, trí tuệ là ngọn kiếm bén chặt phăng tất cả những gì ngăn trở chúng ta. Như có món đồ đẹp mắt thấy vừa ý, đó là cột trói rồi. Khi ấy chúng ta phải dùng trí tuệ Bát-nhã thấy món đồ đó tánh Không, duyên hợp tạm có, hư giả. Thấy thế thì cái đẹp không còn cột trói mình nữa. Cho nên công dụng của trí tuệ Bát-nhã rất đặc biệt. Đó là lý do đêm nào chúng ta cũng tụng Bát-nhã Tâm Kinh, chớ không phải tụng để bổ túc phần thiếu sót như nhiều người lầm tưởng. Âm: Tam thế chư Phật y Bát-nhã ba-la-mật-đa cố, đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề. Nghĩa: Chư Phật trong ba đời cũng nương Bát-nhã ba-la-mật-đa được đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Giảng: Chẳng những Bồ-tát mà đến ba đời chư Phật tu hành, cũng đều y Bát-nhã ba-la-mật-đa này mà được đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề là tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tức giác ngộ viên mãn tròn đầy. Cho nên Bát-nhã là con đường của hàng Bồ-tát đi, Bát-nhã cũng là con đường của ba đời chư Phật đi. Chúng ta tu theo Phật thì không thể đi con đường nào khác hơn. Vì vậy trí tuệ Bát-nhã quí giá cao siêu vô cùng. Âm: Cố tri Bát-nhã ba-la-mật-đa thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhất thiết khổ chân thật bất hư. Nghĩa: Nên biết Bát-nhã ba-la-mật-đa là đại thần chú, là đại minh chú, là vô thượng chú, là vô đẳng đẳng chú, hay trừ được hết thảy khổ, chân thật không dối. Giảng: Ở đây nói công dụng của Bát-nhã. Tại sao Bồ-tát y Bát-nhã đến được Niết-bàn, tại sao chư Phật y Bát-nhã thành tựu quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác? Bởi vì Bát-nhã ba-la-mật-đa tức là Bát-nhã tột cùng có công dụng như đại thần chú, đại minh chú, vô thượng chú, vô đẳng đẳng chú. Ở Ấn Độ thời xưa hay dùng thần chú để trị ma, trị rắn… Khi đọc câu thần chú đó người hay rắn cũng phải tiêu. Vì vậy nói Bát-nhã có diệu dụng to lớn vô cùng, giống như đại thần chú, đại minh chú, vô thượng chú, vô đẳng đẳng chú. Những thứ chú này là hay nhất của Ấn Độ. Mà trí tuệ Bát-nhã còn hay hơn nữa. Vì nó hay trừ được tất cả khổ, chân thật bất hư. Quí vị nhìn lại con đường tu của mình, nhiều khi chúng ta chỉ tin mình cố gắng tu thì sẽ thành Phật, nhưng không biết dẹp phá phiền não, chưa hết điên đảo mộng tưởng thì làm sao giác ngộ được. Muốn dẹp phá những thứ đó thì phải dùng trí tuệ Bát-nhã chiếu soi bản thân mình, mọi người mọi vật trên thế gian. Biết rõ tất cả pháp vốn không có thể tánh chân thật, mà phải đợi duyên hợp mới có nên gọi là Tánh không. Do duyên hợp mới có nên có trong tạm bợ hư giả. Chiếu soi tường tận, thấu đáo như vậy rồi thì tất cả kinh sợ, tất cả điên đảo mộng tưởng đều sạch hết, đó là đạt đến Niết-bàn. Trí tuệ Bát-nhã này có công dụng phi thường, vượt hơn tất cả thần chú kỳ đặc nhất của Ấn Độ thời ấy. Tất cả chủ ý của Phật được tóm gọn trong một bài kinh ngắn ngủi. Qua đó, Phật chỉ tường tận thấu đáo sự tu hành cho chúng ta. Người đời khổ, người tu có khổ không? Người đời sân hận, người tu có sân hận không? Người đời tham lam, người tu có tham không? Sở dĩ chúng ta không hơn người đời vì chúng ta chưa có trí tuệ Bát-nhã. Nếu dùng trí tuệ Bát-nhã thấy đúng như thật, thì chúng ta không giống như người đời. Không giống người đời nên không đắm mê điên đảo, đó là sức mạnh phi thường giúp chúng ta phá tan mọi khổ đau, chướng ngại trên đường tu. Âm: Cố thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa chú, tức thuyết chú viết: Yết-đế, yết-đế, ba-la yết-đế, ba-la tăng-yết-đế, bồ-đề tát-bà-ha. Nghĩa: Vì vậy nói chú Bát-nhã ba-la-mật-đa, liền nói chú rằng: Yết-đế, yết-đế, ba-la yết-đế, ba-la tăng-yết-đế, bồ-đề tát-bà-ha. Giảng: Chính Bát-nhã đã là chú rồi, tại sao còn thêm bài chú nữa? Ở đây nói, “nên biết Bát-nhã ba-la-mật-đa là đại thần chú, là đại minh chú, là vô thượng chú, là vô đẳng đẳng chú hay trừ tất cả khổ, chân thật không dối, nên nói chú Bát-nhã ba-la-mật-đa, liền nói chú rằng: Yết-đế, yết-đế, ba-la yết-đế, ba-la tăng-yết-đế, bồ-đề tát-bà-ha”. Yết-đế Yết-đế là tiếng Phạn, sau này có người dịch là “đi qua, đi qua”. Ba-la yết-đế là “đi qua bờ kia”. Ba-la tăng-yết-đế là “cùng qua đến bờ kia”. Bồ-đề tát-bà-ha là “giác ngộ mau thay”! Ý nghĩa câu thần chú này rất đơn giản. Như vậy câu thần chú này không có gì bí mật cả. Nhưng chỗ cứu kính đó quí báu không thể lường, nên các ngài không cho chúng ta khởi hiểu. Do đó câu thần chú nhằm bặt hết các niệm tưởng của chúng ta. Chỗ này, chúng ta tu phải ứng dụng theo lời Phật dạy, tu theo kinh nghiệm của các vị Bồ-tát đã hành, mới có thể đến được bờ kia. Như vậy chính Bát-nhã là pháp đưa chúng ta đạt đến Niết-bàn, không nghi ngờ. Ai tu theo Phật mà không sử dụng được lý Bát-nhã, đó là người chưa khéo tu. Mục Lục
|
Đoạn 4