Thiền Tông Việt Nam
Hành Hương Hoa Hạ
Hành Hương Hoa Hạ - Phần 2 (Tứ Xuyên-TT2)

THANH DƯƠNG CUNG

Ngày 12-5-2007

Trước khi đến thiền viện Bảo Quang, đoàn đã ghé tham quan Thanh Dương Cung của Đạo giáo, là một giáo phái bản xứ của Trung Quốc. Tứ Xuyên là nơi bắt nguồn của Đạo giáo. Nghe nói cách Thành Đô 6km về hướng tây có một ngọn núi tên là Thanh Thành. Ngọn núi này có 27 đỉnh, rải rác nhiều đền đài của Đạo giáo. Nơi đây vào đầu công nguyên có một đạo sĩ tên là Trương Đạo Lăng (34-156) đã sáng lập ra Đạo giáo. Tương truyền Trương Đạo Lăng là cháu chín đời của Trương Lương, ban đầu theo Nho giáo nhưng về già học tiên thuật của Lão giáo. Ông soạn ra sách “Đạo Thư” gồm 24 thiên là giáo lý cơ bản của “Thiên Sư Đạo”. Từ đó động của ông trong núi Thanh Thành được gọi là Thiên Sư Động.

Giáo lý của Thiên Sư Đạo dựa vào tư tưởng của Lão Tử, phối hợp với bói toán chú thuật và lấy phép phù thủy chữa bệnh giúp dân. Mỗi khi chữa bệnh, đạo sĩ được phần lễ tạ năm đấu gạo nên đạo này còn được mệnh danh là “Ngũ Đẩu Mễ”. Tư tưởng chủ yếu của Đạo giáo là ngắm nhìn thiên nhiên mà trực nhận ra quy luật của vũ trụ vạn hữu. Thế nên tri kiến của Đạo là trực giác từ thiên nhiên, hành động của Đạo là vô vi, làm mà không tác ý(1).

Chúng tôi vào trong thấy các điện đài chính của Thanh Dương Cung gồm có điện Hỗn Nguyên, điện Tam Thanh… kiến trúc cũng hao hao giống các chùa chiền Phật giáo. Cảnh trí yên tịnh, các đạo sĩ mặc áo dài đen, đầu búi tóc đi đi lại lại nhìn khách, không biết nói chi!

Với những nơi không phải là trọng điểm nhắm đến của chuyến hành hương, chúng tôi chỉ tham quan cho biết và lược ghi đôi nét hoặc có nơi thông qua.
(1) Phần này viết theo Mùi Hương Trầm của Nguyễn Tường Bách.

***

THIỀN VIỆN BẢO QUANG

Thiền viện Bảo Quang nằm ngay trong lòng Thành Đô. Đây là thiền viện lớn nhất trong thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên. Dẫn vào chùa là một công viên nhiều cây xanh, rải rác những tháp đá thanh tú được điêu khắc thật tinh xảo. Con đường lát đá hoa cương sang trọng, sạch sẽ nằm giữa hai dãy phố cổ thật đẹp. Bốn chữ thiền viện Bảo Quang hiện ra sau bức tường  màu son đậm, tạo cho ta cảm giác thiền môn là chốn không quá gần cũng không quá xa với cuộc đời.

Kiến trúc chùa cổ rộng lớn thật đúng với tầm cỡ một ngôi đại già-lam của Tứ Xuyên. Các điện đường được phối trí hài hòa dưới những tàng cổ thụ lâu năm. Chúng tôi nhận thấy hầu như các thiền viện, tự viện Trung Quốc thường xây dựng các dãy điện đường cách nhau bởi một khoảng sân rộng. Giữa sân là những đỉnh đồng và lư hương lớn để cho khách thập phương thắp nhang.

Vào chùa trước tiên là điện Di-lặc, kế đến có ngôi cổ tháp 12 tầng. Trên tháp phía trước khắc ba chữ “Quang Minh Tạng”, phía sau là “Xá-lợi Bảo Tháp”. Kế nữa là Thất Phật Bảo Điện, thờ sáu vị Phật quá khứ và đức Thích-ca-mâu-ni. Chung quanh là các dãy nhà dành cho chư Tăng, nhà khách, nhà ăn… Tương truyền, ngày xưa có một cư sĩ tị nạn chiến tranh ở vùng này. Ban đêm ông nằm mộng thấy ngay khu vực tháp hào quang sáng rực. Ông liền cho đào lên và phát hiện có 12 viên xá-lợi của Phật. Do đó ông xây tháp này, đặt tên là tháp Bảo Quang, để thờ phụng xá-lợi Phật. Nhìn kỹ ta thấy tháp hơi bị nghiêng, người hướng dẫn viên giải thích rất vui. Họ bảo khi xây tháp có Tứ thiên vương  đến nâng phụ bốn góc tháp, trong đó có một vị mạnh quá nên nâng tháp cao hơn các vị kia. Do vậy mà tháp bị nghiêng như chúng ta thấy hiện tại.

Cảnh trí nơi đây được bàn tay con người chăm chút khá kỹ lưỡng với những non bộ, những vòm cổng uốn cong mỹ thuật. Thế nên chùa không chỉ dành cho Phật tử đến bái sám mà còn là thắng cảnh cho du khách tham quan. Giữa lòng phố chùa trở thành một góc yên bình cho bao người sau một ngày làm việc mệt mỏi. Chiều về ghé lại chùa, ngồi yên ả một mình trên ghế đá, dưới cội đại thọ, hít thở thật sâu, thân tâm lắng dịu, bao lo toan muộn phiền cũng theo đó vơi đi.

Đặc biệt chùa có La-hán Đường tôn trí mấy trăm tượng La-hán, diện mạo không vị nào giống vị nào. Sự khác biệt ấy để nói lên biệt hạnh của quý ngài. Tất cả đều sống động hồn nhiên và gần gũi với con người. Đây thật là một kho tàng nghệ thuật điêu khắc phong phú. Các chùa Việt Nam cũng có thờ La-hán, nhưng thường là Thập Bát La-hán (18 vị La-hán), chớ không nhiều như ở Trung Hoa. Con số ấy chỉ mang ý nghĩa tượng trưng mà thôi. Thật ra chư vị La-hán ngay thời Phật còn tại thế đã vô số, nói gì đến những vị tu hành chứng Thánh sau này, an trụ trong mật hạnh, các ngài không cần đề danh. Mỗi vị có một hạnh tu và phương pháp giáo hóa riêng. Đa số cuộc đời các ngài kỳ bí, ẩn hiện khó lường, đến đi với chúng sanh chớp nhoáng, không lưu lại dấu vết. Bồ-tát và Thánh tăng thường là như thế.

Trong số 18 vị La-hán thường được nhắc đến, có Tôn giả Tân-đầu-lô rất gần gũi với chúng ta. Ngày nay sau buổi thọ trai, khi phục nguyện, chư Tăng Ni tại các tự viện thường niệm thỉnh danh hiệu Tôn giả Tân-đầu-lô-phả-la-đọa chứng trai. Ngài là vị La-hán thứ nhất trong số 18 vị La-hán, được đức Phật thọ ký ở lại nhân gian giáo hóa chúng sanh. Ngài cùng 1.000 vị La-hán khác trụ ở Tây Ngưu Hóa Châu. Theo truyền thuyết, Ngài xuất thân dòng Bà-la-môn, là một đại thần danh tiếng của vua Ưu-điền. Vì thích tu nên Ngài cáo quan vào núi nỗ lực thiền định. Sau khi chứng Thánh quả, Ngài cưỡi hươu về triều giáo hóa vua, nhân đó có danh hiệu La-hán Cưỡi Hươu.

Khi Phật còn tại thế, nhân một cuộc đọ sức với ngoại đạo, Tôn giả dùng thần thông lấy cái bát quý treo trên trụ cao của một vị Trưởng giả. Sự việc này làm cho ngoại đạo rất nể phục chư Thánh tăng đệ tử Phật. Hay tin, chẳng những không khen mà Phật còn quở trách Tôn giả biểu diễn thần thông làm mê hoặc dân chúng, khiến họ ngộ nhận mục đích tu học của đạo Phật giác ngộ giải thoát. Thế Tôn thường khuyên dạy các thầy Tỳ-kheo nên dùng đạo thông giáo hóa chúng sanh, không nên dùng thần thông. Chỉ trừ đức Phật hoặc những trường hợp thật đặc biệt với sự cho phép của Thế Tôn, các thầy mới được dùng thần thông. Để răn đe hàng Thánh đệ tử ghi nhớ việc này, Phật dạy Tôn giả phải vĩnh viễn lưu lại nhân gian làm phước điền cho chúng sanh, vì thế Ngài thường làm bậc ứng cúng trong các pháp hội như đã nói ở trên.

Một lần ở thời Ngũ Đại, triều vua Ngô Việt thiết trai, có một Hòa thượng tướng mạo gầy ốm, lông mày dài bạc trắng bay đến, ngồi vào chỗ dành cho khách quý, thọ thực vui vẻ. Ăn xong, Ngài cho biết mình là Tân-đầu-lô rồi biến mất. Dưới thời vua A-dục và vua Lương Võ Đế, Ngài đích thân hiện đến giáo hóa, làm tăng trưởng lòng tin mọi người. Thời Đông Tấn, ngài Đạo An là bậc cao tăng phiên dịch kinh điển, thường lo sợ chỗ dịch của mình không đúng với Thánh ý. Ngài khấn nguyện xin chư Hiền Thánh hiển lộ để chứng minh. Tối hôm đó, Ngài nằm mộng thấy một vị Hòa thượng lông mày trắng đến nói:

- Ta là Tân-đầu-lô ở Ấn Độ, lấy tư cách là một Đại A-la-hán, ta bảo chứng những kinh điển ông dịch đều rất chính xác.

Ngài Đạo An rất vui mừng, từ đó mới an tâm dịch kinh.

Ngoài ra, còn một vị La-hán rất quen thuộc với chúng ta, mà kinh điển thường hay khen ngợi, đó là Tôn giả La-hầu-la. Sau khi theo Phật xuất gia, nhờ sự giáo dưỡng của Thế Tôn, Ngài bỏ dần tập khí vương giả và thói xấu trêu ghẹo người, nỗ lực tu tập và chứng Thánh quả. Sau khi thành A-la-hán, Ngài thay đổi hoàn toàn, luôn khiêm cung nhẫn nhục, không thích tranh cãi hơn thua. Phòng của mình bị người đến ở, Ngài lẳng lặng vào nhà xí ngủ qua đêm. Đi khất thực bị bọn côn đồ ném đá trúng đầu chảy máu, Ngài lặng lẽ đến bờ suối rửa sạch rồi tự tay băng bó vết thương. Tín chủ cúng cho Ngài tịnh thất, ít lâu sau đòi lại cúng cho người khác, Ngài cũng bình thản dọn ra khỏi phòng. Sau khi đã chứng Thánh quả, Ngài vẫn siêng năng lặng lẽ tu tập. Đức Phật khen Ngài là Mật hạnh đệ nhất trong mười vị đại đệ tử và chọn Ngài vào trong số 18 La-hán lưu lại nhân gian, giáo hóa chúng sanh.

Xem gương người xưa, ta thảng thốt nhìn lại mình và hiểu rõ vì sao cho đến bây giờ đạo nghiệp vẫn chưa tới đâu. Từ những chuyện rất nhỏ trong cuộc sống, trong ứng xử, biểu hiện được một nội tâm sâu lắng định tĩnh bên trong hay nông cạn vụng về toát ra cả bên ngoài. Vui buồn từng cử chỉ, cắng đắng từng lời nói, hơn thua từng việc nhỏ… đã gây tạo những đau khổ lớn cho nhau. Tất cả đều vì bất giác, vì bản ngã mà ra. Con người chỉ là hạt cát. Một hạt cát giữa trùng dương sa mạc thì cũng chỉ là cát thôi. Có gì phải bận lòng! Vậy mà ta quên.

Trưa nay, đoàn dùng cơm tại chùa Bảo Quang rồi sang viếng viện Văn-thù, một trong những ngôi cổ tự lâu đời của Thành Đô.

Mục Lục