Thiền Tông Việt Nam
Kinh Thủ Lăng Nghiêm Trực Chỉ - Thiền Sư Hàm Thị giải - Thích Phước Hảo dịch
33. Quyển 10 - Phần 1

CHI 4.- NHỮNG MA SỰ THUỘC HÀNH ẤM 

TIẾT A- TƯỞNG HẾT TƯỚNG THÙ THẮNG 

A-nan, thiện nam tử kia tu pháp Tam-ma-địa khi tưởng ấm đã hết thì những mộng tưởng bình thường của người đó đã tiêu diệt, khi ngủ, khi thức luôn luôn một Thể Tính Giác Minh rỗng lặng như hư không, trong trẻo không còn những việc bóng dáng tiền trần thô trọng; xem những núi sông, đất liền trong thế gian, như gương soi sáng khi đến không dính vào đâu, khi qua không để lại dấu vết, rỗng chịu theo sự vật chiếu ứng; rõ ràng không còn tập quán cũ, chỉ một tính tinh chân. 

Do khi thức có tưởng, nên khi ngủ có mộng nay tưởng ấm đã hết, thì khi ngủ cũng như khi thức. Do không có tưởng nên không có mộng, không mộng nên luôn luôn một thể. “Thô trọng” là phiền não vậy. Phiền não đều do tưởng sinh, tính giác vốn tự rỗng rang sáng suốt, do bị vọng tưởng che đậy, vọng tưởng hết, thì tính giác hiển bày. Cũng như hư không trong trẻo, tất cả bụi bặm trong ánh mặt trời xuyên qua kẽ hở qua lại trong hư không mà không dừng cũng không dính mắc. Tính giác minh cũng như vậy, khi tưởng hết, thì tính giác hiển bày. Mặc tình căn trần có đối hiện, như hư không nhận các vật mà không bị dính mắc các vật, chỉ một tính tinh chân vậy. “Tập quán cũ”, nghĩa là vọng tưởng từ nhiều đời trước. “Rõ ràng không” nghĩa là rõ ràng nó là không vậy. 

TIẾT B.- PHẠM VI HÀNH ẤM 

Căn nguyên sinh diệt từ đây phơi lộ ra, thấy được mười hai loài chúng sinh trong mười phương, thì khắp rõ hết các loài, tuy chưa thông suốt mối manh mệnh căn của mỗi chúng sinh, nhưng đã thấy cơ sở sinh diệt chung, giống như dả mã (sóng nắng) lớp lớp chớp nhoáng hiện ra, làm các then chốt phát sinh các phù căn trần; ấy gọi là phạm vi hành ấm. 

Sinh diệt là căn nguyên của hành ấm, tưởng ấm chưa hết, thì toàn thân ở trong hành ấm, bị tưởng ấm lăng xăng mà không thể thấy. Nay tưởng ấm hết, nên hay quán tướng sinh tử của mười hai loài chúng sinh. Mối manh mệnh căn mỗi loài, nghĩa là tướng ban đầu của sự sinh diệt. Tướng đó phải biết nó là không, mới có thể chóng rõ; bởi cảnh sở duyên của hành, tức là vô minh vậy. “Dả mã”, tức là sóng nắng, để dụ cho vi tế của hành ấm. Đối trong cái không giác, không phải tưởng hết, thì không thể thấy. Nguyên nhân sinh ra ba cõi, gốc ở nơi đây, nên gọi là then chốt của căn trần. Trên cái then cửa có lỗ, cửa nhờ then gài mà đóng lại, đây là cái nền tảng sinh chung vậy. “Chớp nhoáng” tức là hình trạng chớp nhoáng hiện ra của dả mã (sóng nắng). Lăng xăng (nhiễu) mà gọi là trong, là do tưởng ấm đã hết, nên không có trạng thái phiền động. 

TIẾT C.- TƯỚNG HẾT CỦA HÀNH ẤM 

Nếu cái cội gốc của những lăng xăng, chớp nhoáng u ẩn đó vào được tính đứng lặng bản lai, một phen tập khí bản lai đứng lặng, như sóng mòi diệt hết, hóa thành nước đứng, thì gọi là hết hành ấm. Người ấy có thể vượt khỏi chúng sinh trược, xét lại nguyên do cội gốc là u ẩn vọng tưởng. 

Cái cội gốc của những lăng xăng, chớp nhoáng u ẩn mà gọi là tính đó, là bởi do mê chân thức mà có sinh diệt, thì sinh diệt tức đều do thức tính biến hiện. Hành ấm hết; trở về cội gốc, cội gốc đứng lặng, tập khí xoay trở lại, nên nói như sóng mòi diệt, hóa làm nước đứng lặng. Chúng sinh, sinh diệt không dừng, nên hành ấm hết tức là vượt khỏi chúng sinh trược. Cái sinh diệt vi tế này rất là u ẩn, nên nói “cội gốc là u ẩn vọng tưởng”. 

TIẾT D.- CẢNH GIỚI SAI KHÁC CỦA HÀNH ẤM 

D1. – HAI THỨ LUẬN VÔ NHÂN 

- NÊU CHUNG 

A-nan nên biết, các thiện nam tử được sự nhận biết đúng đắn trong Xa-ma-tha đó, chính tâm đứng lặng sáng suốt, mười hai loài Thiên ma không có dịp khuấy phá. Trong lúc nghiên cứu tinh vi cùng tột, cội gốc của các loài chúng sinh. Khi cội gốc sinh diệt bản lai lộ ra, xét cái cội gốc thường chuyển động lăng xăng cùng khắp u ẩn kia, lại móng tâm so đo chấp trước trong tinh viên nguyên thì người ấy rơi vào hai thứ luận vô nhân. 

Người tu thiền chưa hết tưởng ấm, theo tưởng mà khởi mê lầm, nên bị trúng trong cảnh giới ma. Nay tưởng ấm đã hết, thì tâm hiểu biết tà chính rõ ràng, ngưng lặng không động, tức dùng tâm này mà nghiên cứu cùng tột đầu mối sinh diệt của mười hai loài chúng sinh, khi cội gốc các loài đã phơi lộ ra, thì xét cái bản lai thường chuyển động lăng xăng kia không có cội gốc. Do không biết vô minh che đậy, mê thức tính chân thật, lầm chấp cái tưởng sinh diệt, nơi đây hoàn toàn sạch không còn có gì, nên khởi ra cái chấp vô nhân. 

Xét ra, Như lai tạng do bất giác vọng động mà sinh kiến phần; do kiến phần mà có tướng phần sinh diệt lưu chú, luân chuyển mãi không thôi. Nếu không phá cội gốc của thức ấm cho cùng tột để trở lại Như lai tạng, tức khiến cho hành ấm không tịch, rõ biết nhân trong tam giới, chứng được quả vô học của hàng Nhị thừa, mà vô minh trụ địa chưa từng bị tổn hoại, vẫn chẳng gọi là được chính tri kiến vậy. 

- GỐC VỐN KHÔNG NHÂN 

Một, là người ấy thấy cái gốc vốn không có nhân. Vì sao? Người ấy đã được cơ sở sinh diệt hoàn toàn lộ ra, nhưng theo tám trăm công đức của nhãn căn mà thấy trong tám muôn kiếp, tất cả chúng sinh đều theo dòng nghiệp báo mà xoay vần, chết nơi đây sinh nơi kia; chỉ thấy chúng sinh luân hồi trong đó, ngoài tám muôn kiếp thì mờ mịt không thấy gì, bèn khởi nhận định rằng, những loài chúng sinh trong mười phương ở thế gian này, từ tám muôn kiếp trở lại đây, không nhân gì mà tự có. Do cái chấp trước, so đo như thế mà bỏ mất Chính Biến Tri, sa lạc vào ngoại đạo, lầm mất tính Bồ-đề. 

Đây là thấy cái gốc không có nhân. Do nghiên cứu gốc của sinh loại cùng tột tám muôn kiếp không có chỗ khởi. Đây chính là không biết nhân mê của tám thức, liền khiến cho ngàn muôn kiếp cũng không có cội gốc mối manh, không phải chỗ công đức của nhãn căn không thể bì kịp; cũng không phải chỗ, sức của Thiền định không có thể đến được. Lầm chấp là vô nhân thì trái với chính giác. Kinh Niết-bàn nói: “Thế nào gọi là Chính biến tri?”. “Chính” nghĩa là không điên đảo; “Biến tri” là đối với bốn món điên đảo đều thông đạt. Lại “Chính” nghĩa là gọi trúng với thế giới, “Biến tri” là biết rốt ráo trúng trong việc tu tập chứng được Vô thượng Chính đẳng Chính giác. Nay đối với việc tu tập bỗng khởi lên vọng chấp, nên nói mất hết tính Bồ-đề. 

- NGỌN CŨNG KHÔNG NHÂN VÀ KẾT LUẬN 

Hai, là người ấy thấy cái ngọn không có nhân. Vì sao? Người ấy đã thấy được cái cội gốc sinh diệt, biết người sinh ra người, rõ chim sinh ra chim, chim quạ xưa nay là đen, chim hộc xưa nay là trắng; loài người, loài trời, thân vẫn đứng thẳng, các loài súc sinh, thân vẫn nằm ngang; sắc trắng không phải do rửa mà thành, sắc đen không phải do nhuộm mà có, suốt tám muôn kiếp  không hề thay đổi, hết đời này tột thân hình này cũng như vậy; từ xưa đến nay không thấy gì là Bồ-đề, làm sao lại còn có việc thành đạo Bồ-đề, rời nhận định tất cả các vật ngày nay đều không có nguyên nhân gì cả. 

Đây là do từ cái thấy gốc không có nhân, nên thấy ngọn cũng không có nhân. Bởi do chưa cùng tột được thức tính, chỉ quán hành ấm hiện tiền, cơ sở sinh diệt tất cả hiện thành không có mê ngộ. Trước tám vạn kiếp rốt ráo không thấy Bồ-đề, cuối cùng sau tám vạn kiếp, cũng không có việc thành đạo Bồ-đề. Như ông Xá-lợi-phất xem thân chim bồ câu trước tám vạn kiếp và sau tám vạn kiếp quả báo không thay đổi. Nay ở trong hành ấm đã thấy tướng này, bèn so sánh tất cả khoảng giữa nghiệp quả chuyển biến, trí lực không thể đến kịp, lầm cho là mỗi loài trải qua tám vạn kiếp đều không thể có. Luận nói: Có vị A-la-hán biết một đời, hoặc hai đời, ba đời, mười, trăm, ngàn, muôn kiếp, cho đến tám vạn kiếp, quá ở đây về trước cũng không thể biết, song không khởi tâm so tính, nên không có lỗi này. 

Do so đo chấp trước như thế nên bỏ mất Chính Biến Tri, mà sa lạc vào ngoại đạo, làm mất tính Bồ-đề. Ấy gọi là ngoại đạo thứ nhất, lập những luận vô nhân. 

Ngài Thanh Lương làm lời sớ: “Mười một vị Luận Sư nói về vô nhân, chấp tất cả vạn vật không nhân, không duyên, là tự nhiên sinh ra, tự nhiên diệt mất. Nên lý tự nhiên đó là thường, là nhân của vạn vật, là nhân của Niết-bàn. Đây là chấp tất cả pháp, không có cái nhân nhiễm tịnh, như gai nhọn thì tự nó nhọn, sắc đen của chim quạ không phải do nhuộm, sắc trắng của chim hộc nó tự trắng”. Du Già Hiển Dương đều nói rằng: “Do như thế, nên khởi ra cái thấy vô nhân, rồi lập cái luận vô nhân ấy vậy”. 

D2. – BỐN CÁI LUẬN BIẾN THƯỜNG 

- NÊU CHUNG 

A-nan, các thiện nam tử đó ở trong Tam-ma-địa, chính tâm đứng lặng sáng suốt thì thiên ma không có dịp để khuấy phá; trong lúc xét cùng cội gốc của sinh loại, xem cái cội gốc thường chuyển động u ẩn kia, lại móng tâm so đo chấp trước trong tính viên thường thì người ấy sa vào bốn cái luận biến thường. 

Chấp sinh diệt trong hành ấm không dứt, cho là biến thường; nghĩa khắp tất cả pháp đều như vậy. Đây là lấy cái sinh diệt làm tính thường trụ. Không phải thường mà chấp là thường, thảy đều thuộc về đoạn kiến vậy. Ngài Thanh Lương nói: “Bốn cái biến thường đó, nghĩa là chấp ta và thế gian tất cả đều là thường còn, chỉ có ẩn và hiển. Nương trong cái tĩnh lự thượng và trung mà khởi túc trụ thông, tùy theo niệm mà sinh bốn cái luận biến thường”. 

- CHẤP HAI MUÔN KIẾP LÀ THƯỜNG CÒN 

Một, là người đó xét cùng bản tính của tâm và cảnh cả hai đều không có nhân, tu tập có thể biết trong hai muôn kiếp, mười phương chúng sinh có những sự sinh diệt đều xoay vần không hề tan mất, nên chấp cho đó là thường. 

Tất cả muôn pháp chỉ do tâm hiện; tâm này cảnh này đều không thể được, cũng không chỗ mất. Đây là nghiên cứu cùng tột đến hai muôn kiếp, chấp cho là thường vậy. 

- CHẤP BỐN MUÔN KIẾP LÀ THƯỜNG 

Hai, là người đó xét cùng cội gốc của tứ đại, thấy tứ đại thường trụ, tu tập biết được trong bốn muôn kiếp mười phương chúng sinh tuy có sinh diệt, nhưng đều có bản thể thường hằng, không hề tan mất nên chấp đó là thường. 

Bốn món tứ đại từ vọng tưởng sinh, vọng tưởng không có thật tính, y nơi chân mà trụ; lấy đó tu tập tột bốn muôn kiếp, thấy không tăng giảm, chấp cho là thường. 

- CHẤP TÁM MUÔN KIẾP LÀ THƯỜNG 

Ba, là người đó xét cùng nguyên do bản lai sáu căn của sự chấp thọ bởi thức mạt-na và của các tâm ý, ý thức thấy tính vẫn thường hằng; tu tập có thể biết được trong tám muôn kiếp, tất cả chúng sinh xoay vần không mất, bản lai thường trụ; rồi xét tột tính không mất đó mà chấp là thường. 

Tất cả căn, thân khí giới đều thuộc về tướng phần, do thức mạt-na nắm giữ. Nếu không phát minh chuyển tàng thức này làm Như lai tạng, thì tâm, ý, ý thức đó trọn không diệt hết. Nếu y theo đó mà tu tập tột tám muôn kiếp, thấy vốn không mất, nên chấp cho là thường. 

- CHẤP CÁI KHÔNG SINH DIỆT LÀ VIÊN THƯỜNG VÀ KẾT LUẬN 

Bốn, là người đó tưởng ấm đã hết lý sinh không còn chuyển chẳng dừng, tư tưởng sinh diệt đã diệt hết rồi, thì trong lý tự nhiên thành không sinh diệt; người đó nhân tâm niệm so đo, như thế mà chấp là thường. 

Sinh diệt y nơi tưởng, tưởng hết nên lý sinh không chỗ nương, chẳng phải thật hằng đoạn, nhân tưởng diệt mà chấp là không vậy. Trong lý tự nhiên thành không sinh diệt; nghĩa là tính sinh diệt không tan không mất, tức lấy cái sinh diệt chẳng diệt, làm cái không sinh không diệt, chấp đó là thường. 

Do sự chấp thường đó, nên bỏ mất chính biến tri, phải đọa lạc vào ngoại đạo, lầm mất tính Bồ-đề. Ấy gọi là ngoại đạo thứ hai, lập những luận viên thường. 

Giải thích đồng như vô nhân. Trước chấp về vô nhân, bỏ mất Chính Biến Tri, nay chấp viên thường, mất Chính Biến Tri. Thường tức là vô nhân, nghĩa là cái sinh diệt không có nguyên nhân này, vốn tự như đây vậy. 

D3.- LUẬN CHẤP MỘT PHẦN VÔ THƯỜNG, MỘT PHẦN THƯỜN 

- NÊU CHUNG 

Lại các thiện nam tử đó, trong Tam-ma-địa chính tâm đứng lặng, thiên ma không còn dịp khuấy phá. Trong lúc xét cùng cội gốc sinh loại, xét cái cội gốc thường chuyển động u ẩn kia, lại móng tâm so đo chấp trước giữa mình và cái khác, thì người ấy mắc vào bốn kiến chấp điên đảo, là những luận “Một phần vô thường, một phần thường”. 

Tự tức là thân mình, tha tức là chúng sinh và quốc độ; hoặc ta hay sinh ra vật, hoặc vật khác hay sinh ra ta. “Năng sinh” là thường, “Sở sinh” là vô thường. Ấy là luận “Một phần vô thường, một phần thường”. 

- CHẤP TA LÀ THƯỜNG, VẬT KHÁC LÀ VÔ THƯỜNG 

Một, là người ấy xét tính diệu minh vắng lặng khắp giáp mười phương thế giới, cho là cái thần ngã rốt ráo; do đó mà chấp cái ta cùng khắp cả mười phương đứng lặng sáng suốt không lay động, còn tất cả chúng sinh thì ở trong tâm ta, tự sinh tự chết, vậy tâm tính của ta thì gọi là thường, còn những cái sinh diệt kia, thì thật là vô thường. 

Đây là chấp tâm ta là thường, chúng sinh là vô thường. “Thần ngã”, là cái chấp của Số Luận Sư bên Tây Vức (Ấn Độ), tức là ở trước nói có thần ngã khắp cả mười phương thế giới vậy. 

- CHẤP KIẾP HOẠI, KIẾP KHÔNG HOẠI 

Hai, là người ấy không xét cái tâm, lại xét khắp hằng sa quốc độ trong mười phương, thấy có chỗ bị kiếp tai phá hoại, thì cho là có tính rốt ráo vô thường, còn những chỗ không bị kiếp tai phá hoại, gọi là rốt ráo thường. 

Đây là riêng xét về quốc độ, tức là cho cái hoại diệt hiện tiền đó là vô thường. Còn cái không hoại diệt hiện tiền đó là rốt ráo thường. Như từ cõi Tam Thiền trở xuống, tam tai phá hoại được, Tứ Thiền trở lên tam tai không thể phá hoại, ấy là chỗ rốt ráo Niết-bàn. 

- CHẤP TÍNH LÀ THƯỜNG, SINH TỬ LÀ VÔ THƯỜNG 

Ba, là người ấy quán xét riêng cái tâm mình nhỏ nhiệm tinh tế, giống như vi trần lưu chuyển trong mười phương mà tính không dời đổi, lại có thể khiến cái thân này sinh rồi lại diệt, rồi chấp cái tính không mất đó là tính thường của mình, còn tất cả sự sống chết tự tính ấy sinh ra thì gọi là vô thường. 

Đây là chấp tâm ta có thường và vô thường, tâm ấy rất vi tế lưu chuyển trong mười phương, nhưng tính không dời đổi. Có thể khiến cho thân ta có sinh có diệt, mà cái không sinh diệt đó phần nhiều là tính thường; từ đó mà lưu xuất, tùy duyên thay đổi, thì gọi là vô thường vậy. Luận Duy Thức nói: Ngoại đạo chấp thể tính của ta thường sinh ra rất vi tế, như cực vi ẩn núp chuyển biến trong thân để tạo tác sự nghiệp; nghĩa là thể thường, tức là tính không thay đổi. Sinh ra vi tế, tức là từ ngã mà lưu xuất, ấy tức là tâm ta chấp thường và vô thường vậy. 

- HÀNH ẤM LÀ THƯỜNG, SẮC, THỌ, TƯỞNG LÀ VÔ THƯỜNG VÀ KẾT LUẬN 

Bốn, là người ấy biết tưởng ấm hết, thấy dòng hành ấm chấp cái thường lưu chuyển của hành ấm là tính thường, còn những sắc ấm, thọ ấm, tưởng ấm v.v… Nay đã diệt hết, thì gọi là vô thường. 

Đây là lấy cái sinh cho là tính thường, lấy cái diệt cho là vô thường. Hành ấm chưa không, hiện tại còn lưu động gọi là thường. Sắc ấm, thọ ấm, tưởng ấm diệt gọi là vô thường. Thường không phải là thật thường, thì diệt cũng không phải là thật diệt. Chưa tột được cội gốc của sinh, thấy được tính giác chân thật, thì dù cho hàng phục, hay đoạn trừ cũng chưa phải là rốt ráo vậy. 

Do đây mà chấp trước so đo, “một phần thường, một phần vô thường”, đọa lạc vào ngoại đạo, lầm mất tính Bồ-đề. Ấy gọi là ngoại đạo thứ ba, lập những luận “một phần thường, một phần vô thường”. 

Kết luận đồng như trước đã giải thích.    

D4- BỐN CÁI LUẬN HỮU BIÊN 

- NÊU CHUNG 

Lại trong các thiện nam tử trong Tam-ma-địa, chính tâm đứng lặng vững chắc, thiên ma không có dịp khuấy phá, khi xét cùng cội gốc sinh loại, xét cội gốc thường chuyển động u ẩn kia, lại sinh chấp trước so đo về phần vị, người đó rơi vào bốn thứ luận hữu biên: 

Phần vị có bốn, nghĩa là: Phần vị tam tế, phần vị kiến văn, phần vị bỉ ngã, phần vị sinh diệt. Chấp phần vị này cho là vô biên mà thành ra hữu biên. 

- CHẤP BA ĐỜI 

Một, là người ấy so đo cái cội gốc sinh diệt, lưu chuyển không dừng, rồi chấp quá khứ, vị lai là hữu biên, chấp tâm tương tục là vô biên. 

Đây là do hành ấm hiện tiền lưu chuyển không dừng, chấp là vô biên, thì ắt cho quá khứ vị lai là hữu biên. Đây là do vô biên mà thành hữu biên vậy. Chẳng biết rằng, tâm không có ba đời động niệm liền sai. Đây không phải là chỗ của người hành và thức ấm chưa hết thấy được. 

- CHẤP CHÚNG SINH

Hai, là người đó xét tám muôn kiếp thì thấy chúng sinh, còn trước tám muôn kiếp thì bặt không nghe thấy gì, rồi gọi chỗ không nghe thấy, gọi là vô biên, còn chỗ có chúng sinh gọi là hữu biên. 

Chúng sinh tức là sinh diệt. Đây là chỗ hành ấm sinh diệt hiện thấy là hữu biên. Nghĩa là có phân biệt, trước tám vạn kiếp thì không nghe, cũng không thấy, thênh thang không bờ bến, gọi là vô biên. Chẳng phải thật trước tám vạn kiếp bặt không nghe, không thấy. Bởi do người tu thiền chưa xét được cội gốc của thức ấm, thấy nghe không thể đến kịp, rồi vọng chấp nơi đó, mà khởi tưởng là vô biên. 

-  CHẤP TÂM TÍNH  

Ba, là người đó chấp rằng mình biết cùng khắp là được tính vô biên, còn tất cả các người kia hiện ra trong cái biết của mình, mà mình không hề biết họ, nhận biết cái biết của họ, vậy thì những người kia không được tâm vô biên và chỉ có tính hữu biên. 

Mình có thể biết cùng khắp tất cả người kia, ấy là mình được tính vô biên. Mình từng chẳng biết cái biết của người kia, ấy là người kia không thể hiện trong tính biết của mình, nên người kia là hữu biên. Xét theo đây là do lấy chỗ biết cùng khắp, chẳng phải do cái biết cùng khắp. Kia bảo là vô biên để đi đến hữu biên vậy. 

- CHẤP SINH DIỆT VÀ KẾT LUẬN 

Bốn, là người ấy khi xét cùng hành ấm là không, dùng tri kiến hiện tâm mình mà so đo tất cả chúng sinh trong mỗi cái thân, gồm có phân nửa sinh, phân nửa diệt, và chứng tỏ sự vật có ra trong thế giới, phân nửa tính hữu biên, phân nửa tính vô biên. 

Xét cùng hành ấm là không. Nghĩa là khi hành ấm đã lộ bày, xét cùng muốn khiến nó là không, mà nó vẫn còn sinh diệt, bèn chấp tất cả trong mỗi thân của chúng sinh, đồng là phân nửa sinh, phân nửa diệt, thế giới cũng như vậy; tức cho cái sinh là tính hữu biên, cái diệt là tính vô biên. 

Do những so đo chấp trước hữu biên, vô biên như thế mà đọa lạc vào ngoại đạo, làm mất Tính Bồ-đề. Ấy gọi là ngoại đạo thứ tư, lập những luận hữu biên. 

Giải thích đồng như đoạn kết luận ở trước. 

D5- BỐN THỨ LUẬN CÀN LOẠN BẤT TỬ 

- NÊU CHUNG 

Lại các thiện nam tử, trong Tam-ma-đề, chính tâm đứng lặng vững chắc, thiên ma không còn dịp khuấy phá, trong lúc xét cùng cội gốc sinh loại. Xét cái cội gốc thường chuyển động u ẩn kia, sinh lòng so đo chấp trước về tri kiến, thì người đó mắc vào bốn thứ luận hư vọng, biến kế, điên đảo, càn loạn bất tử. 

“Tri kiến”, nghĩa là khi nghiên cứu cùng tột hành ấm, hiện biết hiện thấy cho là sinh diệt, tưởng ấm đã hết cho là không sinh diệt, thì cái thường chuyển động u thanh kia, ở đây lại chấp trước so đo, không thể tự giải quyết được, bèn thành càn loạn. “Bất tử”, luận Bà Sa giải thích: “Ngoại đạo chấp trời là thường còn, gọi là bất tử. So đo mà không đáp càn loạn thì được sinh lên cõi trời kia. Nếu thật không biết mà đáp những ngôn từ bí mật những điều không nên nói mà nói, hoặc đáp không, nhất định. Trong Phật pháp quở trách, thật là càn loạn; nên gọi là những lý luận hư vọng “Càn loạn bất tử”. 

- CHẤP TÁM THỨ CŨNG 

Một, là người đó quán sát cội gốc của sự biến hóa, thấy chỗ dời đổi gọi là biến, thấy chỗ tương tục gọi là thường, thấy chỗ thấy được gọi là sinh, chỗ không thấy được gọi là diệt, chỗ các nhân tương tục không có đứt đoạn gọi là thêm, chính trong cái tương tục chỗ rời nhau ở giữa gọi là bớt, chỗ mỗi mỗi cái sinh ra gọi là chỗ thường thường mất đi, thì gọi là không, dùng lý quán sát tất cả và dùng tâm thấy nó sai biệt; có người đến cầu pháp, hỏi nghĩa thì đáp rằng: “Nay ta cũng sinh, cũng diệt, cũng có, cũng không, cũng thêm, cũng bớt”. Trong tất cả thời đều nói lộn xộn khiến cho người nghe không thể hiểu được. 

Cội gốc biến hóa, tức là cội gốc sinh diệt. Sinh diệt của hành ấm, nói đủ có tám tướng; nghĩa là: Biến, hằng, sinh, diệt, tăng, giảm, có, không. “Dùng lý quán sát tất cả”, nghĩa là dùng thiền lý thì đều ở chỗ nhất quán. “Dụng tâm thấy có sai khác”, nghĩa là dụng tâm phân biệt thì có tám tướng. Thiền giả nếu không đạt được nguyên nhân của hành ấm, thì không quyết định được thật nghĩa trước sau. Ước đáp cho người đến hỏi, nêu lên sáu câu nói làm rối loạn cho người nghe, không thể hiểu được; nghĩa là câu, bài không thứ tự, không thể ghi chép. 

-  CHỈ ĐÁP LÀ KHÔNG 

Hai, là người ấy chính xét cái tâm luôn luôn là không, nhân cái không mà được chứng; có người đến hỏi chỉ đáp một chữ: Chỉ nói là “không”; ngoài chữ không ra, không nói gì cả. 

Ngay nơi đó sinh ra, tùy chỗ đó mà diệt hết, tâm pháp đều như vậy. Xét đây thì tùy đó sinh ra, tùy theo đó mà diệt mất, nên nói rằng, luôn luôn là không. Đối với chỗ luôn luôn không chấp, không chứng, chỉ dùng chữ không mà đáp. Không nhân có đối đãi, không phải chân thật nghĩa không, nên gọi là càn loạn. 

- CHỈ ĐÁP LÀ PHẢI 

Ba, là người ấy chính xét cái tâm mỗi mỗi đều có chỗ, nhân cái có mà được chứng; có người đến hỏi, chỉ đáp một chữ, chỉ nói là phải; ngoài chữ phải ra, không nói gì cả. 

Đây là đối với chỗ niệm, niệm sinh cho là thật có, nên nhân cái có mà được chứng, mới dính mắc nơi cái có, mà đáp là phải. Đây là càn loạn vậy. 

- ĐỦ CẢ CÓ KHÔNG VÀ KẾT LUẬN 

Bốn, là người ấy chấp cả có và không. Do cái cảnh rời rạc mà tâm cũng rối loạn; có người đến hỏi thì đáp rằng: “Cũng có tức là cũng không, trong cái cũng không, không phải là cũng có”; tất cả đều càn loạn không thể nói hết được. 

Đây là ở chỗ sinh diệt của hành ấm, không thâm đạt được cội nguồn, luống thấy sự lưu chú lầm cho Có và Không mà sinh ra cái càn loạn này, không thể gạn cùng. “Chi” tức là chi tiết và điều khoản, nghĩa là không cùng tận vậy. 

Do cái so đo chấp trước đó, càn loạn, rỗng không, như thế mà sai lạc vào ngoại đạo, lầm tính Bồ-đề, ấy gọi là ngoại đạo thứ năm, chấp trước hư vọng luận về bốn tính điên đảo, càn loạn bất tử. 

Giải thích đồng như đoạn kết luận ở trước. 

 

Mục Lục