Xuân Trong Cửa Thiền Tập 1,2,3
Mùa Xuân Miên Viễn
Bài nói chuyện với Tăng Ni Xuân Đinh Mão - 1987 Hôm nay là ngày Tết Nguyên Đán, quí Tăng Ni Phật tử câu hội về đây để chúc mừng năm mới, tôi rất hoan hỉ. Vậy quí vị lễ Tổ chứng minh cho rồi tôi sẽ nói chuyện. Trước hết tôi chúc tất cả Tăng Ni và Phật tử năm nay được hưởng một mùa Xuân Miên Viễn. Muốn hưởng một mùa xuân miên viễn, chúng ta phải làm gì? Cần những yếu tố nào? Tất cả người trên thế gian đều thừa nhận một năm có bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông. Mùa xuân khí hậu ấm áp, cây cối đâm chồi nảy lộc, mọi người đều vui mừng, nên nói mừng xuân, vui xuân hay chơi xuân. Nói tới mùa xuân là nói tới sự vui tươi, hạnh phúc, coi như nó có sẵn trong mùa xuân. Nhưng mùa xuân theo thời gian dài lắm chỉ tròn ba tháng rồi cũng hết xuân, tới hạ, thu, đông. Cho nên cái vui con người chỉ hưởng một lúc nào rồi mất, nhường chỗ cho mùa hạ nóng bức, mùa thu buồn tẻ, mùa đông ảm đạm thê lương. Người tu chúng ta không thể chấp nhận vui xuân giới hạn theo thời tiết, cần phải có cái vui mãi mãi không mất, mãi mãi còn nơi chúng ta. Chúng ta phải tu như thế nào để hưởng được một mùa xuân miên viễn? Mùa xuân miên viễn phát nguồn từ đâu? Chính đức Phật Thích-ca là vị Giáo chủ đã chỉ cho chúng ta một mùa xuân miên viễn. Gần đây hơn, chính Tổ Bồ-đề-đạt-ma là người đem lại mùa xuân miên viễn trong đạo cho tất cả chúng ta. Tổ đã gieo rắc mùa xuân ấy vào tâm hồn người tu thiền chúng ta như thế nào? Sau đây tôi dẫn một số câu chuyện của các Thiền sư, quí vị sẽ nhận thấy mùa xuân miên viễn thể hiện trong tâm hồn những người đã sáng được lẽ đạo và sống với đạo như thế nào. Trước tiên tôi dẫn câu chuyện: Một vị Tăng hỏi ngài Động Sơn Lương Giới: - Thế nào là ý Tổ sư từ Ấn Độ sang? Ngài Động Sơn đáp: - Đợi dòng nước Động Sơn chảy ngược, ta sẽ vì ông nói. Nước ở Động Sơn là nước trong khe động trên núi chảy xuống, có lúc nào chảy ngược trở lên đâu? Nếu nước ở sông ở biển khả dĩ còn có chảy lên chảy xuống, còn nước suối trên động núi không bao giờ chảy ngược. Tại sao ngài Động Sơn bảo đợi dòng nước Động Sơn chảy ngược sẽ vì ông nói? Câu đó đã nói gì về ý Tổ sư từ Ấn Độ sang? Tổ sư đây là Tổ Bồ-đề-đạt-ma. Những vị học và tu thiền thường thắc mắc không biết Tổ Bồ-đề-đạt-ma sang Trung Hoa có ý gì đem truyền dạy cho chúng ta? Ý đó như thế nào? Ngài Động Sơn trả lời như vậy có dễ hiểu không? Biết ý Tổ sư từ Ấn Độ sang chưa? Sau này Thiền sư Nghĩa Thanh ở Đầu Tử có làm bài kệ tụng về điều đó: Cổ nguyên vô thủy nguyệt hà sanh, Dịch: Nguồn xưa không nước nguyệt đâu sanh, Qua bài kệ này ngài Nghĩa Thanh đã nói gì về câu đáp của ngài Động Sơn? Cổ nguyên vô thủy nguyệt hà sanh. Dòng suối xưa nếu khô cạn thì làm sao bóng mặt trăng rọi ở dưới. Dòng suối có nước trong, chúng ta mới thấy được bóng mặt trăng ở dưới đáy suối, nếu dòng suối đã khô thì không thấy bóng mặt trăng. Mãn ngạn Tây lưu nhất phái phân. Mãn là đầy, ngạn là bờ. Dòng suối xưa kia vẫn tràn cả bờ từ phương Tây trôi mãi chia ra một mạch (phái: mạch). Ở đây dường như có sự mâu thuẫn. Câu trên nói dòng suối khô cạn không có bóng mặt trăng. Câu dưới lại nói dòng suối từ phương Tây chảy lại tràn đầy cả bờ rồi chia ra chảy mãi. Như vậy ý nói gì? Câu đầu nói dòng suối không nước tức là không bóng trăng để chỉ câu đáp của ngài Động Sơn. Đợi dòng suối chảy ngược tôi sẽ vì ông nói. Câu hai: Dòng suối đó không có bóng mặt trăng tức là khô cạn. Tuy nói cạn mà không cạn vì nó vẫn chảy tràn cả bờ và trôi mãi cho tới ngày nay. Đến hai câu sau rất là đẹp: Thông Lãnh bãi tuần Hùng Nhĩ mộng, Ở núi Thông Lãnh không còn thưa hỏi nữa, trên núi Hùng Nhĩ chỉ là giấc mộng thôi. Là ý nghĩa gì? Tổ Bồ-đề-đạt-ma khi tịch tại Thiếu Lâm, nhục thân Ngài được nhập tháp trên núi Hùng Nhĩ. “Thông Lãnh bãi tuần” tức là ở Thông Lãnh không còn thưa hỏi nữa, Tổ Bồ-đề-đạt-ma đã hết duyên giáo hóa ở Trung Hoa. Nhục thân Ngài nhập tháp trên núi Hùng Nhĩ chẳng qua là một giấc mộng. Tuyết đình hưu thoại Thiếu Lâm xuân. Tuyết đình là nơi sân tuyết, khi Tổ Huệ Khả đến hỏi đạo với Tổ Bồ-đề-đạt-ma. Tổ Đạt-ma ngồi xoay mặt vào vách lặng yên, Tổ Huệ Khả đứng ngoài sân, mùa đông tháng chạp ở miền Bắc Trung Hoa tuyết xuống ngập đầu gối mà ngài Huệ Khả vẫn đứng trơ nhìn thẳng vào Tổ, mặt không đổi sắc. Tổ thương tình xoay lại hỏi: - Cầu việc gì mà chịu khổ hạnh vậy? - Con xin Ngài dạy cho pháp môn cam lồ. Từ đó về sau Tổ mới nhận Ngài là đồ đệ. Khi thầy trò còn thưa hỏi qua lại là lúc Tổ còn duyên giáo hóa. Khi Tổ Huệ Khả không còn thưa hỏi nữa tức là Ngài đã đạt đạo, thấy được chân tướng mà Tổ Bồ-đề-đạt-ma truyền dạy, lúc ấy ở Thiếu Lâm hoàn toàn là một mùa xuân. Nên nói: trước sân đầy tuyết không còn thưa hỏi nữa, núi Thiếu Lâm hoàn toàn là một mùa xuân: mùa xuân miên viễn, mùa xuân không còn bị thời gian chi phối, xuân mãi mãi, không bao giờ có vẻ ảm đạm của thu, lạnh lẽo của đông nữa. Muốn được mùa xuân miên viễn phát xuất từ Thiếu Lâm, phải qua một cơn tuyết ngập tới gối, chớ không giản dị như những vị hiện giờ mong ước. Vừa được ấm no sung túc vui cười, vừa mong ước được mùa xuân Thiếu Lâm, chắc chắn là không được. Trên đường đạo, chúng ta phải chịu đựng những gian nan khổ sở mới hưởng được một nguồn vui không bao giờ cùng tận. Người tu phải đối diện với sự lạnh lẽo cô đơn, từ bỏ mọi sự ấm áp của thế tình, lúc đó chỉ có nguồn chánh pháp sưởi ấm lòng chúng ta thôi. Nếu chúng ta tu mà muốn được tình đời sưởi ấm mãi, chắc rằng chúng ta phải chịu lạnh muôn kiếp. Chúng ta phải cam lạnh với tình đời, phải buông xả, chỉ còn trơ trọi một con người, khi ấy chúng ta mới được sưởi ấm bằng một nguồn vui miên viễn của mùa xuân Thiếu Lâm. Dòng suối từ Tây chảy sang và chảy mãi đến Việt Nam chúng ta, dòng suối đó đến nay vẫn còn. Chúng ta có hưởng được hay không là do sức chịu đựng và sức nỗ lực của chúng ta, cũng như sau một cơn tuyết lạnh rồi chúng ta mới thấy được một mùa xuân ở Thiếu Lâm. Đó là ý nghĩa bài kệ của ngài Nghĩa Thanh. Đến câu chuyện một vị Tăng hỏi ngài Cửu Phong (ngài Cửu Phong là vị Thị giả hỏi chết Thủ tọa ở Thạch Sương). Tăng hỏi: - Tổ tổ truyền nhau là truyền việc gì? Là truyền y bát chăng? Nếu truyền y bát thì khô khan làm sao! Y bát là vật vô tình, truyền vật vô tình đâu có lợi gì cho chúng ta, đâu có sưởi ấm chúng ta mãi mãi. Nếu nghĩ Tổ Tổ truyền nhau là truyền y bát, điều đó không phải là đạo lý, nên ngài Cửu Phong đáp: - Thích-ca nghèo, Ca-diếp giàu. (Nguyên văn chữ Hán: Thích-ca xan, Ca-diếp phú.) Tăng hỏi: - Thế nào là Thích-ca nghèo? Ngài đáp: - Không một vật cho người. Tại sao đức Thích-ca nghèo lắm vậy? - Không một vật cho người, không nghèo là gì? Vì vậy nên sau này con cháu Ngài nghèo, mà nghèo nhất là ngài Hương Nghiêm Trí Nhàn, Ngài nghèo cho tới không có đất cắm dùi, và không có dùi để cắm nữa. Ngài trình bày chỗ nghèo của mình: Năm xưa nghèo còn có đất cắm dùi, Như vậy Phật Tổ truyền thừa cái gì? Đức Thích-ca không có một vật cho người, có cái gì mà truyền! Vị Tăng lại hỏi thêm: - Thế nào là Ca-diếp giàu? Ngài Cửu Phong đáp: - Trong nước Mạnh Thường Quân. Khi xưa ở Trung Hoa, Mạnh Thường Quân là người nuôi rất nhiều dũng sĩ, những dũng sĩ nào thất thời thất thế ông đều nuôi hết, nên nói Mạnh Thường Quân là người giàu. Như vậy Tổ Ca-diếp giàu là giàu cái gì? Nếu Tổ Ca-diếp nghèo thì chắc không truyền tới bây giờ. Bởi Ngài giàu cho nên Ngài truyền nối mãi cho tới ngày nay không dứt, không giàu là gì? Con cháu đông vầy, đó là cái giàu của ngài Ca-diếp. Đức Thích-ca nghèo vì không một pháp cho người, Tổ Ca-diếp giàu vì truyền mãi không dứt. Không một pháp cho người mà truyền mãi không dứt có mâu thuẫn không? - Không. Nếu chúng ta thấy được cái không mâu thuẫn đó là chúng ta thấy được mùa xuân miên viễn, còn nếu chúng ta thấy có sự mâu thuẫn là không thấy được mùa xuân miên viễn. Thiền sư Tử Thuần ở núi Đơn Hà có làm bài kệ nói về câu đối đáp trên: Tịch quang ảnh lý hiện toàn thân, Dịch: Tịch quang trong bóng hiện toàn thân, Tịch quang ảnh lý hiện toàn thân. “Tịch” là lặng, “quang” là sáng. Trong cái sáng lặng bóng nó hiện toàn thân. Quí dị thiên nhiên quýnh xuất luân. “Quí” là sáng, “dị” là khác, “quýnh xuất luân” là vượt khỏi bình thường. Cái giàu sẵn vậy khác hơn là vượt khỏi tất cả cái giàu sang bình thường của người đời. Gia phú nhi nô thiên đắc lực. “Gia phú” là nhà giàu, “nhi nô” là con tôi tớ. Cha giàu mà con là tôi tớ riêng được chỗ đắc lực. Cha giàu dụ cho ông Trưởng giả trong kinh Pháp Hoa, con tôi tớ dụ cho gã cùng tử chịu làm tôi tớ. Nhưng nếu người con tôi tớ hiểu được việc nhà rồi tức là đã đắc lực thì ông cha: Dạ phân đăng hỏa chiếu tây lân. Ban đêm chia đèn lửa để chiếu rọi xóm gần. Nếu đứa con nghèo khi có sức mạnh hoặc có khả năng quản lý được gia nghiệp rồi thì người cha liền chia đèn chia lửa để soi sáng cho láng giềng chung quanh. Trong bài kệ này, hai câu đầu nói lên ý đức Thích-ca Ngài nghèo, bởi vì trong cái sáng lặng lẽ, có cái bóng hiện ra toàn vẹn. Cái bóng đó không thật, không thật thì có gì để chia, có gì để trao! Nhưng trong đó có ngầm cái giàu, không phải cái giàu thông thường của thế nhân, mà cái giàu vượt trên tất cả những cái thường tình. Đó là cái giàu của thiên nhiên sẵn có. Hai câu sau chỉ cái giàu của ngài Ca-diếp. Ngài Ca-diếp rất giàu. Con cháu của Ngài nghèo nàn, một khi có sức kham nhẫn chịu đựng được, có đủ khả năng gánh vác được thì Ngài trao chia cho đèn lửa để nối tiếp mãi mãi. Danh từ trong đạo thường nói người sau nối tiếp người trước là “tục diệm truyền đăng” nghĩa là nối lửa trao đèn. Tại sao không nói trao ngọc trao vàng mà nói trao lửa trao đèn? Bởi vì chủ yếu của đạo Phật là giác ngộ, mà giác ngộ là trí tuệ, trí tuệ là sáng suốt. Vì chúng sanh bị vô minh mê mờ nên phải trôi mãi trong luân hồi lục đạo. Chỉ có ngọn đèn trí tuệ mới phá được vô minh. Nếu vô minh hết thì chúng sanh ra khỏi dòng luân hồi. Nói đến sự truyền bá chánh pháp là nói đến sự trao đèn nối lửa để soi sáng cho chúng sanh, cho con người và cho nhân loại. Chúng ta học đạo cốt làm sao thấy được chủ yếu của đạo để trên đường tu khỏi bị lầm lẫn. Nếu học đạo mà không thấy chủ yếu đó, chúng ta cứ nghĩ những phương tiện là đạo, tỉ dụ như bố thí, nhẫn nhục là đạo, đó chưa phải là cứu kính. Mục tiêu của Phật là chúng ta phải có ánh sáng trí tuệ mới cứu khổ được chúng sanh. Nói đến việc trao đèn, chúng tôi nhớ câu chuyện nhan đề là “Giáo Lý Tối Thượng” của một Thiền sư Nhật Bản: Ngày xưa có một chú mù đi thăm bạn. Vì là bạn cố tri nên gặp lại ngồi nói chuyện mãi quên giờ. Khi ra về trời đã khuya, ngoài trời tối đen, anh bạn thương chú quá, nói: - Ngoài kia trời tối, để tôi đốt đèn cho anh cầm về. Anh mù cười nói: - Tôi thấy ngày như đêm, đêm như ngày, cần gì đèn. Anh bạn giải thích: - Tuy anh không cần đèn, nhưng anh nên cầm cây đèn đi, người đi đường thấy được cây đèn họ tránh khỏi đụng vào anh. Thấy có lý, anh mù nhận cây đèn anh bạn đốt và trao cho. Trên đường về bất thần có người đụng vào anh mù. Người mù than phiền: - Anh không thấy tôi sao? Người kia nói: - Dạ, tôi không thấy. - Tôi cầm cây đèn mà anh không thấy à? Người đi đường đáp: - Thưa bạn cây đèn bạn tắt từ bao giờ! Qua câu chuyện trên, “giáo lý tối thượng” ở chỗ nào? Để quí vị suy gẫm, chúng tôi sẽ giải thích sau. Trong nhà thiền, Thiền sư được trao đèn là ngài Đức Sơn. Ngài Đức Sơn sau khi đầu phục, được ngài Long Đàm Sùng Tín nhận làm đệ tử. Một đêm, Ngài đứng hầu thầy trong thất. Mãi tới khuya, ngài Sùng Tín bảo: - Đêm đã khuya sao ông không xuống? Ngài Đức Sơn liền bước ra vén rèm lên, bèn trở lại thưa: - Ngoài kia tối đen. Nói đến tối đen tức là muốn xin đèn chớ gì? Ngài Sùng Tín liền thắp đèn cầy rồi trao. Ngài Đức Sơn vừa đưa tay cầm cây đèn thì ngài Sùng Tín thổi phụt tắt. Ngay đó ngài Đức Sơn liền ngộ, từ đó về sau không cần đèn nữa. Như vậy trao đèn đó có trao hay không? Tại sao ngài Đức Sơn cầm đèn, vừa đưa tay nhận lấy, ngài Sùng Tín lại thổi phụt tắt đi? Đó lại gọi là trao đèn tiếp lửa. Trao ở chỗ nào? Nếu hiểu câu chuyện này thì hiểu câu chuyện trên. Trong câu chuyện trước, người bạn thương người bạn mù quá nên đốt đèn cho anh cầm tay để tránh tai nạn. Đã là mù thì dù có đèn cũng là vô ích, nó tắt hay còn cháy, có biết đâu! Bởi vậy nên đèn tắt lúc nào cũng không biết! Khi sáng mắt rồi đưa đèn mới hữu dụng. Cũng như vậy, nếu ngài Huệ Khả không đứng lạnh ngoài tuyết trước sân Thiếu Lâm thì Tổ Đạt-ma đâu có trao đèn cho Tổ Huệ Khả. Khi đủ khả năng đủ sức nhận rồi mới trao. Nhưng trao mà không trao. Trao đèn cho người lúc họ đi đêm, nếu sáng ngày thì họ đâu có cần nữa. Vì vậy nơi chúng ta nếu không phát sáng được cái Vô sư trí thì dù thầy dù bạn có muốn cho chúng ta sáng, sáng cũng không nổi. Cái học ngôn ngữ lý thuyết nơi thầy nơi bạn không cứu được cái mê của chúng ta. Muốn cứu được cái mê của chúng ta, chính cái Vô sư trí phải phát. Khi nào phát được cái Vô sư trí, lúc đó mới được trao đèn. Trao đèn là trao như vậy, nên mới gọi là giáo lý tối thượng. Còn nếu Vô sư trí chưa phát mà trao cũng vô ích thôi. Hiểu như vậy quí vị mới hiểu nghĩa trao đèn tiếp lửa, trao mà không trao gì hết. Bởi vậy mới có câu chuyện sau này: Có vị Tăng hỏi Thiền sư Cư Hối: - Tổ Đạt-ma lại là Tổ chăng? Ngài Cư Hối đáp: - Chẳng phải Tổ. (Trả lời coi ngang ngược quá!) - Đã chẳng phải Tổ lại đến làm gì? - Vì ông chẳng tiến. (Vì ông chẳng tiến được, nên Ngài sang.) Vị Tăng liền hỏi: - Sau khi tiến thì thế nào? Ngài Cư Hối đáp: - Mới biết chẳng phải Tổ. Câu này thật là hay! Sau khi tiến được mới biết chẳng phải Tổ. Ngài Đức Sơn vì tiến không được, thấy ngoài trời tối đen, nên cần đèn. Cần đèn thì thầy đốt cho. Đốt cho rồi liền thổi phụt tắt. Tắt rồi mới tiến được. Tiến được mới thấy thầy có trao đèn cho mình không? Khi chưa tiến được thì mong thầy trao cho mình một cái gì, cho nên còn thấy có Tổ. Khi tiến được rồi thì còn gì nữa mà trao? Mới biết không phải Tổ. Không phải Tổ mà là Tổ. Cái đó mới là lạ lùng. Qua câu chuyện trên, cũng ngài Tử Thuần có làm bài kệ: Thiếu Lâm tục diệm sự kham kỳ, Dịch: Thiếu Lâm tiếp lửa việc lạ kỳ, Tại sao cả nước Đại Đường mà không Thiền sư? Bởi vì nói Tổ thì người ta cứ nghĩ như ở ngoài thế gian, ông Tổ thợ mộc thì dạy cách làm mộc, phải đục đẽo như thế nào, cần những đồ nghề gì. Ông Tổ thợ rèn chỉ dạy cách làm thợ rèn. Còn ông Tổ trong nhà Thiền dạy chúng ta cái gì? Truyền cho chúng ta cái gì? Không có một pháp cho người, mà dạy cái gì, truyền cái gì? Đã không có dạy, không có truyền thì gọi là Tổ được không? Tuy không dạy, không truyền mà vẫn là Tổ. Mới nhìn qua coi như không phải Tổ, vì mỗi người chúng ta đã sẵn có cái chân thật đó rồi chớ không phải Ngài cho, nên nói không phải Tổ. Nếu không có sẵn, dù Ngài chỉ Đông, vẽ Tây, thì chắc rằng chúng ta cũng không thấy được cái chân thật đó, cho nên nói không phải Tổ mà là Tổ. Cũng như vậy, ngài Hoàng Bá nói cả nước Đại Đường không có Thiền sư, chỉ tạm gọi là Thiền sư. Ý nghĩa của bài kệ như sau: “Thiếu Lâm tục diệm sự kham kỳ.” Sự truyền đăng tục diệm ở Thiếu Lâm rất lạ lùng. Sự đó phát xuất từ lúc nào? “Lạp dạ phương khai tuyết hậu chi”: sau đêm tháng chạp tuyết lạnh mới nở được hoa, nên nói: Tháng chạp tuyết rơi sau mới chia tức là chia đèn tiếp lửa sau đêm tuyết ở Thiếu Lâm. Như vậy chúng ta thấy rằng việc truyền thừa của chư Tổ là mồi đèn tiếp lửa để soi sáng mãi mãi cho chúng sanh ở thế gian. Vì lẽ vừa nêu trên, chúng tôi đặt tên Thiền viện Thường Chiếu. Nếu nói Thường Chiếu suông thì thấy nó lơ lửng quá! Vậy cái gì Thường Chiếu? - Tuệ Nhật Thường Chiếu hay Tuệ Đăng Thường Chiếu, nghĩa là truyền đèn tiếp lửa. Trong kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn có câu: “tuệ nhật phá chư ám” tức là mặt trời trí tuệ phá hết mọi tối tăm, mà Thường Chiếu là phá ám chớ gì? Vì thế chúng ta phải hiểu cho tường tận chủ đích của người trước. Thường Chiếu theo tinh thần nhà thiền là ngọn đèn, ngọn đuốc hay là mặt trời trí tuệ mãi mãi soi sáng không bao giờ gián đoạn. Chúng tôi có tham vọng muốn chia đèn tiếp lửa từ thuở Phật Tổ, nối mãi mãi đến bây giờ và về sau, để soi sáng chúng sanh không để bị gián đoạn, tắt dứt. Tuy hiện giờ có soi chút chút, nhưng nếu mai kia khi tôi mất rồi, quí vị phải tiếp tục soi sáng mãi mãi đừng để nó gián đoạn, nếu gián đoạn thì mất ý nghĩa Thường Chiếu rồi. Chủ đích của người tu Phật là dùng ánh sáng trí tuệ để soi sáng chúng sanh phá tan màn vô minh đen tối, giúp chúng sanh thoát khỏi dòng trầm luân sanh tử. Vì vậy mà tôi thích tên Chiếu. Có người cười bảo là chiếu lác chiếu rơm gì đó, vì không rõ mục tiêu tôi nhắm với tham vọng hơi nhiều. Chúng tôi mong rằng quí vị có mặt hôm nay, trong ngày đầu năm, ý thức được bổn phận và mục đích của mình. Biết được mục đích rồi lúc nào chúng ta cũng nhắm thẳng mục đích đó. Hòa thượng Viện trưởng đã dạy chúng ta: Làm việc gì một thời gian rồi, phải tự hỏi lại mình xem có đi đúng mục đích của mình hay không? Vì danh lợi hay vì cái gì? Phải luôn luôn hỏi lại mình để nhắc mình đi đúng mục tiêu mà mình đã nhắm. Ở đây, chúng tôi nhắm mục tiêu “Phật Tổ tương truyền”. Chúng ta đã thừa hưởng ánh sáng mặt trời đó, chúng ta nên đem ánh sáng ấy soi lại cho những người chung quanh và những người sau để cùng sáng với chúng ta. Có những khi cần giảng chữ Thường Chiếu, tôi giảng có tính cách nhè nhẹ để người ta không thấy tham vọng của mình, tôi nói Thường Chiếu là tên của một Thiền sư Việt Nam. Bây giờ cần nói sâu nguyện vọng của mình, tôi nói là Tuệ Nhật Thường Chiếu hay Tuệ Đăng Thường Chiếu, chớ không phải là chuyện thường. Hôm nay tôi nêu ra cho tất cả quí vị thấy bản hoài của người tu phải đạt cho kỳ được cái gì mà Phật Tổ mong muốn nơi chúng ta. Phần kết luận bài nói chuyện hôm nay là lời chúc xuân đầu năm của tôi với Tăng Ni và Phật tử, tôi xin nhắc lại lời của người xưa: Bất đạp kim thời lộ, Tức là không giẫm trên con đường hiện thời, thường dạo một mùa xuân kiếp ngoại. Kiếp ngoại xuân là gì? Kiếp là chỉ cho thời gian, như nói một đời, một kiếp. Hoặc trong kinh nói tiểu kiếp, trung kiếp, đại kiếp chỉ cho thời gian dài thăm thẳm. Kiếp ngoại xuân là xuân vượt ngoài thời gian, năm, tháng. Nói tới xuân là nói tới thời gian. Nhưng nếu chúng ta không giẫm trên con đường hiện thời là chúng ta hưởng được mùa xuân ngoài thời gian, còn gọi là mùa xuân miên viễn. Vì sao không đạp trên con đường hiện thời? Con đường hiện thời chỉ cho con đường mà chúng sanh đang tranh đua chen lấn nhau đi, đó là con đường danh, lợi, tài, sắc v.v… Nếu chúng ta không đạp trên những con đường đó thì chúng ta sẽ hưởng được một mùa xuân kiếp ngoại, mùa xuân miên viễn không còn bị lệ thuộc thời gian. Hai câu này chúng tôi tạm dịch theo thể văn lục bát: Chẳng đi theo bước đương thời, Hôm nay, ngày đầu năm Đinh Mão, chúng tôi mong rằng tất cả Tăng Ni cùng Phật tử sẽ hưởng một mùa xuân miên viễn. Làm sao một đời này chúng ta luôn luôn được an vui, không còn cảm thấy khổ đau vì ngoại cảnh, vì cái đuổi xua của quỉ vô thường, mà chúng ta hằng vui trong một mùa xuân kiếp ngoại hay nói cách khác là một mùa xuân miên viễn. Mục Lục
|
Xuân Trong Cửa Thiền Tập 1,2,3
|
Phật Pháp Thiết Thực, Hiện Tại, Không Có Thời Gian, Đến Để Mà Thấy...
Mùa Xuân Miên Viễn