Truyền Tâm Pháp Yếu
ĐOẠN 3
CHÁNH VĂN: Có thức thực, có trí thực. Thân tứ đại là bệnh ghẻ đói, tùy thuận nuôi dưỡng không sanh tham đắm, gọi là trí thực. Buông lung ý, chấp mùi vị vọng sanh phân biệt, chỉ cầu món ngon không sanh nhàm chán, gọi là thức thực. GIẢNG: Thức thực là chạy theo vọng tình, thích món ngon vật lạ, thỏa mãn mong cầu của thân. Trí thực là nhận chân lẽ thật của cuộc sống, chẳng hạn như chúng ta ăn uống chẳng qua là mượn phương tiện, rồi phải trả. Nhờ mượn mới sống nên biết rõ ăn là vay mượn không thật. Đây gọi là trí thực. Thân tứ đại là bệnh ghẻ đói, tùy thuận nuôi dưỡng không sanh tham đắm, gọi là trí thực. Chúng ta biết thân tứ đại luôn luôn đòi hỏi, thiếu nước nó đòi nước, thiếu cơm nó đòi cơm, thiếu cái gì nó đòi cái nấy. Nhiều khi nó đòi quá sức chứa của nó nữa. Nên người ta thường nói ăn bằng con mắt, thấy là thèm mà sức chứa không nổi. Người chạy theo đòi hỏi ngon dở của thức ăn, để thỏa mãn thân gọi là thức thực. Nếu biết thân hư giả tạm bợ, tùy thuận nuôi dưỡng nó qua ngày để sống tu hành, làm lợi ích chúng sanh gọi là trí thực. Buông lung ý, chấp mùi vị vọng sanh phân biệt, chỉ cầu món ngon không sanh nhàm chán, gọi là thức thực. Tại sao cầu món ngon gọi là thức thực? Bởi vì tìm món ngon vật lạ để thưởng thức, thưởng thức là phân biệt chê khen ngon dở. Vì vậy người buông lung ý mình, đòi hỏi những món ngon gọi là thức thực. CHÁNH VĂN: Thanh văn là nhân tiếng được ngộ, nên gọi là Thanh văn. Bởi không rõ tự tâm, nên trên lời dạy sanh hiểu biết, hoặc nhân thần thông, hoặc nhân tướng tốt, ngôn ngữ vận động, nghe có Bồ-đề Niết-bàn tu hành trải qua ba vô số kiếp mới thành Phật đạo, đều thuộc đạo Thanh văn, gọi đó là Thanh văn. GIẢNG: Sao gọi là Thanh văn? Chữ thanh hay thinh là tiếng, nhân nghe tiếng Phật dạy mà ngộ đạo, gọi là Thanh văn. Thời Phật còn tại thế, Ngài nói pháp Tứ đế cho năm anh em Kiều-trần-như nghe, sau khi nghe xong năm vị liền ngộ đạo, chứng quả A-la-hán, gọi là Thanh văn. Không ngộ tự tâm, chỉ nhân lời nói của Phật mà hiểu, nhân hiểu rồi tu hành được thành đạo, gọi là Thanh văn. CHÁNH VĂN: Phật duy chỉ thẳng chóng rõ tự tâm xưa nay là Phật, không có một pháp có thể được, không có một hạnh có thể tu, đây là đạo vô thượng, đây là chân như Phật. GIẢNG: Tất cả pháp tu thứ bậc từ thấp lên cao, như từ Tu-đà-hoàn đến A-la-hán, hay Bồ-tát từ thập tín, thập trụ cho tới thập địa v.v… đều là pháp tùy thuận tâm của chúng sanh. Chỗ này Phật chỉ thẳng cho chúng ta nhận rõ tự tâm, tự tâm xưa nay là Phật, không có một pháp nào khác có thể được, không có một hạnh nào khác có thể tu, đây gọi là đạo vô thượng, là chân như Phật. Ở đây chúng ta đi thẳng một con đường Phật thừa, mê thì làm chúng sanh, giác thì trở về với Phật. Vậy Phật là chỉ cho tâm thể thanh tịnh sẵn có của mình. Gọi chân như Phật tức là Phật chân thật như như sẵn có nơi mình, đi thẳng con đường đó gọi là đạo vô thượng, không gì hơn. Mục Lục
|