Thiền Tông Việt Nam
Phụng Hoàng Sách Tấn Tập 2
Chương 1: Thỉnh Nguyện Tăng


Lễ An cư kiết hạ 15-5 Mậu Dần (9-6-1998)

Hôm nay nhân ngày lễ An cư tôi có ít lời nhắc nhở toàn thể chư Tăng.

Trong nhà Phật lấy ba tháng an cư làm một tuổi đạo. Tuổi đạo khác tuổi đời. Tuổi đời là qua hết một năm thì được một tuổi, dầu năm đó mình làm việc tốt hay xấu, cứ hết một năm là một tuổi. Nhưng tuổi đạo thì khác, một năm tuổi đạo lấy ba tháng an cư làm căn bản. Ba tháng an cư chư Tăng được ở yên một chỗ tinh tấn tu hành, đức hạnh viên mãn, cho nên xứng đáng một tuổi. Như vậy tuổi đạo là tuổi đức hạnh, không phải tuổi suông, tuổi thường. Do đó khi quý vị bạch thưa với tôi thì tôi bảo: "Chớ có buông lung!".

Giờ tôi giải thích cho quý vị hiểu tại sao chớ có buông lung. Bởi vì chúng ta có ba phần thân, khẩu, ý. Thân buông lung là đi đầu trên xóm dưới, hoặc đi đứng không nghiêm trang, tề chỉnh. Nếu đi đứng nhiều nơi thì thời giờ tu suy giảm, nên buông lung làm giảm đức hạnh của người tu trong ba tháng an cư. Còn nếu thân tướng đi lại lau chau, không nghiêm trang tề chỉnh thì Phật tử hoặc những người chung quanh nhìn thấy cho rằng người tu thiếu tư cách, đức độ.

Như vậy buông lung đi đây đi kia là lỗi lớn, thiếu sự nghiêm chỉnh tu hành trong ba tháng an cư; còn buông lung về hình thức, chao đảo lăng xăng là thiếu đức hạnh, thiếu tư cách, làm mất lòng tin của Phật tử. Vì vậy mà tôi bảo: "Chớ có buông lung!".

Về khẩu, buông lung là nói càn nói bướng, nói những điều sai quấy tội lỗi, không biết dè chừng, không tự chế ngự. Người tu lúc nào cũng dè dặt từng lời nói, đáng nói mới nói. Nói hợp đạo lý, đúng lẽ thật, lợi ích chúng sanh thì mới nói. Nói bậy, nói bướng, nói càn là miệng buông lung, không biết tu về khẩu nghiệp. Như vậy là tạo nhiều tội lỗi, mất đi công đức lớn của mình.

Vì vậy tất cả chư Tăng những mùa an cư phải kềm chế khẩu nghiệp, nói năng đúng đắn chậm rãi, chân thật. Những lời đáng nói mới nói, lời không đáng nói thì phải dừng. Nói những lời lợi ích chúng sanh, không nói những lời gây đau khổ cho người. Như vậy là tu khẩu nghiệp không buông lung.

Kế đến là ý nghiệp buông lung, là ý phóng nơi này nơi nọ không kềm giữ được, như con trâu hoang chạy bướng, chạy càn trong lúa mạ của người. Bởi vì ý chúng ta quá nhanh nhẹn, quá buông lung nên Phật thường nói "tâm viên ý mã", tức là tâm ý mình giống như con vượn con ngựa, xông càn xổ bướng vô trong ruộng, trong rẫy người. Ở đây cũng vậy, người tu mà để cho tâm ý xao động, chạy ngược, chạy xuôi thì tâm không an định. Tâm không an định, trí tuệ làm sao phát khởi?

Bởi vậy, chúng ta tu thiền là luôn luôn phải nhìn, phải thấy ý niệm mình, vừa dấy khởi liền buông, đừng chạy theo nó. Như vậy tâm được an định. Lúc bình thường tâm an định thì tọa thiền mới được định. Chứ ở ngoài mình buông ý chạy rong, lúc ngồi thiền không bao giờ định được. Nên lợi ích quan trọng của người tu là định tâm. Mà muốn định tâm thì phải giữ gìn ý, từ đi đứng nằm ngồi đến mọi công tác, mọi việc lao động ở ngoài cũng phải luôn kiểm soát, đừng để thả trôi phóng chạy. Như vậy gọi là biết kiềm chế, không buông lung ý nghiệp.

Vậy trong mùa an cư này, mong tất cả chư Tăng giữ gìn thân khẩu đừng cho buông lung, đó là tu cụ thể, thiết thực. Nếu thả trôi tức chỉ tu hình thức chứ không biết tu thật.

Tôi nhắc thêm một điều nữa. Tất cả chúng ta đã là người quyết chí cầu giải thoát sanh tử thì không những mùa an cư, mà tháng nào, năm nào, ngày nào, giờ nào cũng là giờ tu hết. Đã biết tu, chúng ta luôn luôn gìn giữ ba nghiệp cho thanh tịnh, có thanh tịnh thì sự tu hành mới được kết quả. Đức hạnh phát xuất từ đó chứ không phải ở đâu xa.

Cho nên trong mùa an cư, chúng ta thúc liễm ba nghiệp, ngoài mùa an cư chúng ta cũng vẫn tu như vậy, để cho công đức ngày càng tăng trưởng. Đạo nghiệp tăng trưởng thì tình nghiệp hay thế nghiệp tiêu mòn. Thế nghiệp tiêu mòn thì chúng ta càng ngày càng tiến trên đường giải thoát không nghi ngờ. Vậy mong toàn thể chúng Tăng nhớ cố gắng tinh tấn tu! Đó là lời nhắc nhở của tôi trong mùa an cư này.


Ngày 13-5 nhuần Mậu Dần (6-7-1998)

Buổi thỉnh nguyện hôm nay, người không lỗi được thanh tịnh, người có lỗi mà biết sám hối thì cũng được thanh tịnh. Một tập thể chúng thanh tịnh là điều rất tốt.

Kế đây là phần nhắc nhở. Gần đây tôi thấy trong chúng có một số người bị bệnh chấp ý kiến riêng tư mà sanh ra không hòa thuận với nhau. Không hòa nên công tác của thiền viện bị trở ngại.

Nay tôi nói rõ cho toàn chúng biết, chúng ta sống trong thiền viện là sống trong một tập thể, tất cả mọi quyền lợi trong viện là quyền lợi chung của tất cả chúng ta, không phải của riêng một cá nhân nào. Như vậy ai có khả năng gì thì phải tận tình phục vụ, để việc sắp đặt công tác của thiền viện được tốt đẹp, lợi lạc chung cho cả chúng.

Nhưng tôi được nghe và cũng được thấy, có hai người biết làm mộc, mà người này làm thì người kia không muốn làm, không hòa được. Thợ hồ cũng có hai người mà người này làm thì người kia bỏ cuộc không làm, có khi thợ hồ lại muốn đi làm rẫy... Như vậy là không nhiệt tình với công việc, chỉ vì ý kiến riêng tư bất hòa. Nếu ở trong đây mấy người thợ may mà không chịu may đòi đi cuốc đất, người biết đánh máy không chịu đánh máy, xin đi nhổ cỏ... thì công tác của thiền viện ai đứng ra lo, chẳng lẽ cái gì cũng mướn người ta hết sao?

Đó là điều tôi thấy không hay. Giả sử huynh đệ có những ý kiến không đồng, mình cũng phải khéo điều hòa. Đã tu thì cái dở, xấu của nhau mình phải tìm cách giúp nhau dẹp bỏ, để từ bất hòa đi tới hòa thuận. Như vậy mới gọi là tu. Nếu mỗi người giữ ý kiến riêng tư, rồi chắp chặt vào đó không bỏ, đó là không biết tu. Mình là một vị thầy, ở chùa mà không biết tu thì còn nghĩa lý gì?

Cho nên khi biết công tác đó giao cho mình làm chung với huynh này, huynh nọ, thì dù ý kiến bất đồng mình cũng phải khéo hòa hợp để hoàn thành việc lớn, việc chung cho tốt đẹp. Không nên vì cố chấp riêng tư mà bỏ công tác chính, đi làm những việc không xứng với khả năng.

Nhiều khi công tác mình làm hồ, có đôi ba vị ra làm mà chưa biết việc, mình phải tập cho họ biết để họ giúp một tay. Còn ở đây mấy chú biết việc mà không chịu làm, như người biết mộc, khi cần lại không đi làm, đi làm chuyện khác, cái đó không hợp lý chút nào. Mình có khả năng thì phải đóng góp cho thiền viện được tốt đẹp, không được có ý niệm riêng tư không hòa rồi bỏ hết công tác chung. Như vậy là không tốt, không biết tu, không biết chung lo, làm cho công việc chung trở thành khó khăn.

Hôm nay tôi nói rõ, tất cả chúng ta còn đang tu, không ai là thánh hết, ai cũng là phàm. Đã là phàm thì còn những ý kiến khác nhau, cái này tốt, cái kia xấu, người này hay phần này, người kia dở phần nọ. Chúng ta phải cảm thông, tha thứ cho nhau để chung lo, cùng làm công tác của thiền viện và để tỏ rằng mình biết tu. Ngày xưa nếu làm chung với những người không đồng ý kiến thì có thể mình không làm, nhưng ngày nay biết tu rồi, dù có ý kiến khác mình cũng xả bỏ, làm cho được việc đạo việc chùa, đó mới là người biết tu.

Quý vị thấy ở thế gian, đâu phải khi nào đi làm cũng gặp toàn người vừa ý. Có người cũng la rầy, quát tháo mình, nhưng vì đồng tiền, vị sự sống vẫn phải ẩn nhẫn làm với họ. Bây giờ vào đạo, tất cả cái xấu dở đều phải xả bỏ, tại sao còn ôm ấp mối bất đồng để rồi làm trở ngại công tác chung? Đó là điều không tốt. Nếu cứ ôm ấp ý kiến riêng hoài thì tu suốt đời cũng không tiến, mà chỉ đứng một chỗ hoặc lùi thôi. Vì vậy phải khéo tu.

Chúng ta lấy lục hòa làm căn bản mà những bất đồng không hòa được thì phải nhiệt tình làm, dù cùng làm với người mình không bằng lòng cũng phải chung lo. Có gì khác biệt thì phải xả bỏ để lo cho việc lớn, để hòa đồng nhau mà tu. Như vậy là đúng, còn cố chấp là sai, mà sai thì không bao giờ tiến được, uổng một đời tu của mình chứ không đi tới đâu.

Đây là tôi nhắc nhở những vị trong chúng có ý kiến riêng tư không đồng ý nhau, phải ráng sửa để từ đây về sau được hòa thuận tốt hơn, đừng để sự chia rẽ xảy ra không hay. 


Ngày 13-6 Mậu Dần (4-8-1998)

Hôm nay toàn chúng đều được thanh tịnh, không có lỗi lầm nào, đó là điều rất tốt. Mong tất cả chư Tăng cố gắng tu, cố gắng giữ gìn oai nghi tế hạnh, mỗi ngày thêm tốt đẹp hơn.

Kế đây tôi có ít lời nhắc nhở toàn chúng. Trước hết tôi kể chuyện này cho tất cả nghe. Vừa rồi tôi về Chân Không, đang ngồi ở nhà khách chơi thì thấy một ông thầy mặc áo vạt mẻ Tàu, đầu đội mũ đi vô. Gặp tôi ông ấy đảnh lễ, tôi ngạc nhiên quá, không biết là ai. Mấy chú nói "thầy T.B", tôi cũng không biết T.B nào nữa. Một hồi nghe ông kể lại, tôi mới nhớ ông T.B năm ngoái năm kia ở Hà Lan về đây xuất gia, ở có mấy tháng rồi về bên đó tu. Ông có gửi thư về trình kiến giải. Tôi thấy ông dụng công hình như có lóe sáng được một chút, tôi đọc rồi để đó không quan tâm mấy.

Kỳ này về, hỏi ở đâu, ông nói ở Củ Chi. Tôi càng ngạc nhiên hơn, vì ông ở Hà Lan, bây giờ lại nói Củ Chi. Tôi hỏi tại sao ở Củ Chi. Ông mới thuật lại rằng khi gởi thư về cho tôi, tôi không nói gì, ông gửi thư qua trình với Hòa thượng D.L. Hòa thượng liền ấn chứng cho ông đã kiến tánh, nhận ông là người kế thừa rồi bảo qua ở với Hòa thượng.

Điều này làm tôi ngạc nhiên, vì đây là một bệnh. Thời này người ta quá lạm dụng danh từ "ngộ". Dĩ nhiên tu thì có những lúc lóe sáng, nhưng sâu cạn khác nhau, và không phải lóe sáng một lần là xong việc. Ở đây mới lóe sáng một chút mà đã ấn chứng là kiến tánh rồi. Đó là một cái bệnh, sau này ngã mạn cho là mình ngộ đạo, không coi ai ra gì hết, rất là nguy hiểm.

Cho nên mấy chú thấy ở đây tôi dè dặt tối đa. Khi nào mấy chú tu có tiến bộ, trình tôi biết, tôi mừng thôi chứ không dám ấn chứng gì hết. Bởi vì tôi biết còn qua nhiều cửa ải lắm, không phải đơn giản như vậy. Đó là một điều cần phải cẩn trọng trong nhà thiền.

Điều thứ hai, nhiều khi mình có lóe sáng, có thấy được lẽ thật, nhưng tập khí nhiều đời còn sâu dầy. Thấy như mình tới nơi, mà gặp việc cũng té, cũng ngã như ai. Do đó tôi rất cẩn thận, vì e rằng khi tôi tuyên bố một người nào đó kiến tánh, đến lúc ra làm phật sự rồi lỡ trượt chân thì người ta đánh giá ngay: "Đó! Ông thầy đó ngộ rồi mà bây giờ như vậy!", thì giá trị người tu thiền không có gì hết. Cũng như một người tự cho mình đã ngộ rồi mà đòi cái này, ưa cái kia đủ thứ, vậy là thật tu cao chưa? Đi thì muốn đi xe đẹp, nhà ở muốn cho sang, cái gì cũng thích, tức chưa phải là thứ thật.

Cho nên người tu, ngoài không dính trần cảnh, trong không chấp ngã - bản ngã của thân và bản ngã của tâm - mới là người tu thật, tiến thật. Nếu tu mà trong lòng luôn cho ta là trên hết, đối với bên ngoài thì cái gì cũng muốn, dầu họ nói ngộ đạo, chứng đạo tôi cũng không bao giờ tin được. Mình thấy rõ Đức Phật, chư vị Bồ tát, A la hán thuở xưa lúc nào cũng quên mình vì chúng sanh, chịu cay đắng khắc nghiệt mà không buồn, không oán hờn. Như vậy mới thực là người đạt đạo. Nếu còn sân si, tham lam thì chưa phải là đạt đạo thật.

Chúng ta tu có những bước tiến, đó là đáng khuyến khích. Nhưng tu tiến thì cái ngã phải mòn, ngày càng nhỏ, càng thấp, đó là đúng. Nếu tu tiến mà cái ngã to lớn thêm tức là sai rồi, phải chỉnh lại. Tu tiến, dù cho địa vị cao, người ta quý trọng, mình vẫn sống đạm bạc, phải biết tất cả vật chất là hư ảo, không đáng quan tâm, như vậy mới đúng.

Hôm nay nói rõ để đại chúng ý thức, chứ mai kia tôi theo Phật rồi, mấy chú làm được chút ít việc rồi sống sang cả... Đó là lệch, không đúng hướng.

Chúng ta thấy Đức Phật suốt đời đi lang thang hành đạo, rày đây mai đó, cuối cùng nhập diệt ở dưới gốc cây. Đó là một hình ảnh gương mẫu để mình thấy đạo lý chân thật không vì bản ngã, không vì thụ hưởng. Còn có bản ngã, còn muốn thụ hưởng thì chưa phải là người thấy đạo thật. Vậy nhắc cho toàn chúng nhớ hiểu để tinh tấn tu.


Ngày 13-7 Mậu Dần (3-9-1998)

Tôi nghĩ rằng trách nhiệm gầy dựng lại manh mối của Thiền tông Việt Nam, tôi là người gieo nhân, còn kết quả viên mãn hay không không phải ở tôi mà ở mấy chú. Cái nhân này từ năm 1970 là con số không, tới giờ là hai mươi tám năm, mà sự truyền bá được rộng rãi, trong nước, ngoài nước nhiều người biết đến. Như vậy cũng là tốt đẹp lắm rồi, không phải còn ở thời kỳ manh nha nữa mà gần như đã có cái quả.

Nhưng ở đời không bao giờ mọi việc suôn sẻ như mình muốn đâu, vẫn có những trắc trở, có khi thuận khi nghịch. Đó là chuyện thường. Miễn sao trên đường tu mình giữ vững đường lối, sống đúng theo chánh pháp Phật dạy, không đi lệch là tốt, còn không thể mong mọi việc đều như ý. Nên biết những trở ngại là thắng duyên chứ không phải nghịch duyên, nhờ trở ngại mà rèn luyện thêm đạo đức, thêm ý chí quyết tâm của mình. Nhất là khi chúng ta tu, thấy đạo lý chân thật rồi, thì những trở ngại cũng là trò chơi thôi, không có gì đáng kể. Thân này còn mất, mình cũng thấy không ra gì, huống là chuyện khó khăn chung quanh chút ít.

Trên đường tu, tôi đã trải qua nhiều khó khăn trắc trở, ở ngoài, ở trong, đủ thứ hết. Mấy chú kiểm coi có phải vậy không? Nếu không khó ở trong tâm, thì ở ngoài người ta cũng làm khổ mình đủ thứ, mà tôi cứ lặng lẽ tu, lặng lẽ tiến. Chuyện được mất là tùy duyên, cứ đi đều đều trên con đường đạo và lập tâm chân chánh, đúng đắn là được rồi, còn mọi chuyện thì sao cũng tốt hết. 

Nói như vậy để trong chúng cố gắng ý thức được việc làm ngày mai của mình. Nhiều khi mình mơ ước làm phật sự cái gì cũng suôn sẻ như ý, đến lúc gặp trở ngại liền thối tâm chùn bước, đó là yếu đuối, không tốt. Mấy chú thấy trên đường đạo, chư Tổ dù cho nát thân, khó khổ cũng không nao núng. Thí dụ như tổ Huệ Khả vào tù thì cứ vào, không sợ gì hết, vào tù tu để trả nợ cũ. Những trường hợp khác cũng vậy, như tổ Sư Tử khi vua Di La Quật xin cái đầu, cho liền chứ không tiếc. Đó mới là thứ thật. Còn mình nghe cái gì có vẻ tổn thương liền run rẩy lập cập thì chưa phải thứ thật.

Bởi vậy khi làm việc đạo, chúng ta không phải liều lĩnh mà chỉ tùy duyên. Giả sử gặp duyên trắc trở xảy đến, mình cũng hoan hỷ, bình tĩnh để tiến bước. Nếu âu lo, sợ sệt thì việc làm của mình không tròn. Đó là những điều tôi cần nhắc trong chúng. Tôi nghĩ, đối với Phật pháp, chỉ khi mình tu thâm nhập được, thấy đúng, nhận đúng, sống đúng, thì mới truyền được đạo.

Hôm ở Thường Chiếu tôi nói rằng: Nhìn lại lịch sử, có nhiều vị tổ không có chùa gì lớn mà các ngài truyền bá chánh pháp tới ngày nay, còn mình cứ lo cất chùa to Phật lớn. Chùa to Phật lớn mấy chú nghĩ trải qua năm bảy trăm năm có còn không? Như các chốn tổ, cảnh hồi xưa thế nào mà bây giờ hoang tàn đổ nát? Nhưng giáo lý của các ngài thấy, các ngài diễn nói mà mình còn tìm được thì không bao giờ mất.

Bởi vậy, chủ trương của tôi là làm sao chư Tăng tu được, nhận cho ra cái chân thật của mình, rồi cứ như vậy mà tiếp tục tu, tiếp tục làm phật sự. Được chùa tốt là cái duyên để mình mở mang, nếu không có chùa tốt cũng không sao hết. Chính sự tu hành đạt được đạo lý mới bền. Từ sự tu hành đạt đạo lý đó, mà thốt ra những lời dạy người ta nhớ mãi mãi, đời này truyền qua đời kia. Nếu chưa được đạo lý thật, dù cất chùa lớn bao nhiêu, theo thời gian rồi cũng hoại, cũng tan nát chứ không còn. 


Lễ Tự tứ 15-7 Mậu Dần (5-9-1998)

Hôm nay là ngày chúng Tăng tự tứ, tất cả chư Tăng đều được thanh tịnh, đó là điều đáng mừng. Chúng Tăng muốn tôi nhắc nhở đôi lời để sau mùa an cư này vẫn tiếp tục tu hành tinh tấn, tôi không nhắc gì hơn ngoài tinh thần tự tứ của nhà Phật.

Trong nhà Phật, ngày lễ Tự tứ còn gọi là ngày Phật hoan hỷ. Đó là điều mà chúng Tăng nên xét cho kỹ. Có nhiều người không hiểu cứ cho rằng do kết tụ công phu tu hành ba tháng, nay là ngày kết thúc ba tháng an cư nên Phật hoan hỷ, hiểu như vậy không xác đáng.

Ngày Phật hoan hỷ tức là ngày chúng Tăng tự tứ. Tinh thần tự tứ là yêu cầu những vị trưởng lãnh đạo chư Tăng, Ni an cư, nếu thấy mình có lỗi, hoặc nghe, nghi có lỗi đều đem ra chỉ dạy, để mỗi người tự cải hối, sửa đổi, không nuôi dưỡng những lỗi lầm. Đó là điều cao thượng của tinh thần tự tứ, cũng là điều Phật rất hoan hỷ.

Thói thường chúng sanh khi làm điều lỗi, điều quấy rất sợ người ta chỉ, sợ người ta nói đến, nên tìm cách che dấu, khuất lấp. Vì vậy tội càng ngày càng lớn giống như cái ung nhọt. Có lỗi như mụn nhọt có mủ, nếu không chịu để người ta mổ xẻ, nặn mủ ra, cứ để vậy hoài thì có ngày mụn nhọt sẽ ăn sâu trong thịt xương thành nguy hiểm.

Vì vậy, Phật quý trọng tinh thần tự tứ, chúng Tăng phơi bày hết những lỗi lầm mà tự mình không thấy, nhờ người trên có thấy nghe, xin chỉ giùm. Thấy và nghe mà chỉ, là chuyện thường, đây nghi cũng xin chỉ cho mình nữa. Nghĩa là chưa từng thấy người đó làm lỗi và cũng chưa từng nghe ai nói, nhưng nghi người đó có thể có lỗi, đều chỉ dạy cho.

Với tinh thần tự tứ, khi được chỉ dạy, dầu lỗi đó là mới nghi thôi, mình cũng lắng nghe. Trong lời tác bạch nói rất rõ: Nếu chúng con thấy có tội sẽ như pháp mà sám hối. Nếu nghi mà chỉ cho thì thôi. Đó là một ý nghĩa rất hay và rất quý. Bởi vậy, chư Phật thấy người đệ tử biết cầu xin chỉ lỗi để sám hối sửa đổi thì rất vui mừng, nên gọi là "Phật hoan hỷ nhật".

Tôi lấy tinh thần đó làm căn bản cho buổi Thỉnh nguyện ở các thiền viện. Theo lẽ thường, một năm mới có một ngày Tự tứ, thì nay cứ một tháng hoặc nửa tháng mình có một ngày Tự tứ. Ngày Tự tứ của mình hơi khác một chút. Trong lễ thỉnh nguyện ở thiền viện, nếu thấy có lỗi thì yêu cầu chỉ cho, không những là bậc trưởng thượng chỉ, mà có thể là huynh đệ bằng hoặc dưới mình, thấy có lỗi cũng hoan hỷ chỉ cho mình.

Với tinh thần tự tứ, khi được nghe chỉ lỗi, mình cám ơn, nếu có lỗi thì hoan hỷ nhận sửa, chứ không bao giờ phản đối, chống cự lại. Nếu cãi lại tức không có tinh thần tự tứ. Cũng vậy, khi chúng ta thỉnh nguyện, nghe huynh đệ chỉ lỗi, xét thấy đúng thì ra sám hối, không đúng thì im lặng, không có cãi, không tranh hơn thua. Như vậy mới đúng tinh thần thỉnh nguyện.

Cho nên người tu, nếu ai cũng biết cái sai quấy của mình, sẵn sàng nghe những bậc trưởng thượng hoặc huynh đệ chỉ, nhắc cho, rồi sám hối thì nhất định sẽ tu tiến, nhất định không thối chuyển. Đó là tinh thần Phật hoan hỷ. Sau ba tháng an cư có ngày Tự tứ là ngày Phật hoan hỷ. Như vậy một năm có một lần Phật hoan hỷ thôi, còn chúng ta thỉnh nguyện, một năm Phật hoan hỷ mười hai lần là tối thiểu, phải không?

Như vậy, tinh thần cao cả của tự tứ chúng ta phải học và ứng dụng hàng tháng, thì tội lỗi giảm và đạo đức tăng trưởng, đó là điều quan trọng của đời tu. Chư Tăng hiểu rõ ý nghĩa đó mới biết sở dĩ hôm nay gọi là ngày Phật hoan hỷ là vì chúng Tăng biết tự tứ. Đó là tinh thần biết nghe và nhận sửa. Còn nếu chúng ta có lỗi mà che dấu, hoặc nghe ai chỉ lỗi mà cãi lại thì những người đó thế nào? Chắc là Phật không hoan hỷ chút nào mà còn buồn nữa. Vậy hiểu rồi chúng ta nhớ thực hiện đúng tinh thần tự tứ.


Ngày 13-8 Mậu Dần (3-10-1998)

Trong buổi thỉnh nguyện này thấy những vị có ít lỗi đều tự giác ra thành tâm sám hối, vậy là rất tốt. Như tôi từng nói, trên thế gian này không ai là không lỗi, chỉ khác là có lỗi mà che dấu và biết lỗi tự phát lồ sám hối. Người biết phát lồ sám hối sẽ trở thành không lỗi, còn người có lỗi mà không sám hối thì lỗi ngày càng lớn.

Cho nên đối với người tu, lúc nào cũng vậy, thấy mình có lỗi thì ra phát lồ sám hối. Như vậy tội lỗi dần dần tiêu hết, sạch được thì sự tu hành mới có kết quả tốt đẹp. Còn nếu không sám hối thì tội lỗi càng tăng thêm, sự tu hành bị chướng ngại. Vì vậy mỗi tháng phải thỉnh nguyện để quý vị xét lại mình, sám hối cho tội lỗi được tiêu sạch. Đó là tinh thần sám hối ở đây.

Kế đến tôi có một vài điều nói cho toàn chúng nghe và hiểu.

Ngày xưa ở Trung Hoa, đời Tống có ngài Ngũ Tổ Pháp Diễn tức là Thiền sư Pháp Diễn ở núi Ngũ Tổ. Một hôm Ngài ra trước pháp tòa nói với đại chúng: Hôm qua sơn tăng vào thành, thấy một hàng rào, bên trong là người gỗ. Liền lại gần xem, hoặc thấy đẹp đẽ kỳ lạ, hoặc thấy xấu xí vô kể, chuyển động đi ngồi, xanh vàng đỏ trắng mỗi mỗi thấy rõ. Xem kỹ thấy là miếng vải xanh bọc lại, bên trong có người điều khiển người gỗ. Lão Tăng không thể chịu nổi, liền bước tới hỏi: "Anh tên gì?". Người đó nói: "Ông Hòa thượng già, xem là xong, hỏi tên làm gì?". Đại chúng! Lão tăng bị kia hỏi một câu khiến cho không lời có thể đáp, không lý có thể bày. Vậy hôm nay có người vì lão tăng nói được chăng? Toàn chúng im lặng, Ngài liền đọc hai câu thơ:

Hôm qua trong ấy rơi cành

Ngày nay nơi này nhổ gốc.

Quý vị chưa quen nghe chuyện thiền sư nên thấy lạ. Người gỗ là để nói cái gì? - Để nói cái thân của chúng ta đây. Thân mình có khi trang nghiêm đẹp đẽ, có khi cũng xấu xí kỳ dị. Lúc nào trang nghiêm đẹp đẽ? Lúc mình vui tươi, phải không? Vui tươi thì thấy thân trang nghiêm đẹp đẽ, còn lúc mình quạu, nổi giận thì thấy sao? - Xấu xí kỳ dị. Rồi có đi, có lại, da mặt khi đỏ, khi trắng, khi thì xanh là ý gì? Tức là nổi giận thì mặt đỏ, sợ quá thì xanh, còn khi bình thường mặt tươi, trắng.

Như vậy để thấy con người biến chuyển đủ các dạng. Ngài lại tận nơi nhìn kỹ, thấy bên trong có người điều khiển người gỗ đó. Người điều khiển đó là ai? Nói tâm là sai rồi! Bởi vậy khi Ngũ Tổ Diễn hỏi ông tên gì, ông liền quở: "Ông Hòa thượng già! Xem là xong, hỏi tên làm gì!". Người đó là người không tên. Thân chúng ta hiện giờ đi lại làm tất cả công kia việc nọ, nói nín v.v..., ở trong có một người chỉ huy điều khiển. Vậy mà người ta chỉ biết có cái thân hoạt động mà không biết được người điều khiển.

Ngài thấy được người điều khiển, nhưng người điều khiển không có tên, vừa hỏi tên liền bị quở. Tới đây, Ngài không có lời để nói, không có lý để giải, yêu cầu đại chúng nói giùm. Đại chúng cũng im lặng luôn, không ai nói được. Ngài liền nói hai câu thơ:

Hôm qua trong ấy rơi cành

Ngày nay nơi này nhổ gốc.

Nơi này nhổ gốc là sao? Nghĩa là hôm qua Ngài thấy cảnh đó, người đó, cấm không cho Ngài hỏi tên hỏi họ, đó là gãy cành, gãy nhánh hết rồi. Hôm nay đem nhắc lại cho đại chúng nghe, ai nấy cũng không lời, đó là nhổ gốc luôn.

Tinh thần thiền thâm trầm như vậy đó, nói để cho quý vị nhớ.

Tu hành đòi hỏi phải nhận ra con người chân thật của mình. Khi nhận ra được người chân thật thì không còn luyến ái nặng nề cái thể xác này nữa. Nếu chưa nhận ra thì đối với thể xác này mình quý lắm, vì mình chỉ biết có nó thôi. Còn nhận ra được cái đó rồi, thì thấy trong thể xác tạm bợ này còn có một vị chỉ huy cao cả. Người ta thường cứ nhìn ở ngoài, thấy người gỗ đẹp đẽ hay xấu xí, đi lại v.v..., chỉ biết bao nhiêu đó. Phải nhìn sâu vô mới thấy có người điều khiển.

Giờ mấy chú thấy người điều khiển chưa? Coi bộ khó quá! Chừng nào thấy người điều khiển rồi mới biết cái chủ động của thân này, còn chưa thấy tức chưa biết được người chủ, mà chưa biết ông chủ thì mình vẫn còn là kẻ lang thang. Cho nên trong chúng ai cũng phải tinh tấn, nỗ lực tu hành để làm sao nhận ra, thấy cho được ông chủ điều khiển ở bên trong đó.


Ngày 13-9 Mậu Dần (1-11-1998)

Hôm nay tôi chỉ kể lại câu chuyện của người xưa để trong chúng nghiệm kỹ, lãnh hội cho biết đường lối tu. Chuyện này tôi đã dẫn trong sách nhưng tôi vẫn muốn nhắc tới nhắc lui cho toàn chúng nhớ. Câu chuyện về Thiền sư Duyên Quán ở Lương Sơn thuộc tông Tào Động.

Một hôm thầy Tri viên đến hỏi Ngài:

- Bạch Hòa thượng, khi giặc nhà khó giữ phải làm sao?

Ngài dạy: 

- Biết được thì không phải oan gia.

Hỏi thêm:

- Sau khi biết được thì sao?

- Đày nó đến nước vô sanh.

Ông Tri viên lại hỏi:

- Nước vô sanh đâu không phải là chỗ y an thân lập mạng?

Ngài nói:

- Nước chết không chứa được rồng.

Ông Tri viên hỏi tiếp:

- Thế nào là nước sống chứa rồng?

- Dậy mòi mà không thành sóng.

- Chợt khi đầm nghiêng núi đổ thì sao?

Ngài bước xuống giường thiền nắm đứng ông Tri viên lại, bảo:

- Chớ nói ướt góc ca sa của Lão tăng.

Qua đoạn đối đáp này quý vị xét coi Ngài nói gì?

Câu hỏi đầu của ông Tri viên là: "Khi giặc nhà khó giữ phải làm sao?". Giặc nhà khó giữ là giặc nào quý vị biết chưa? - Là giặc vọng tưởng, cứ làm rối loạn trong nhà hoài, mình không kềm chế được, hỏi phải làm sao?

Ngài dạy: "Biết được thì không phải oan gia", nếu biết được thì không phải kẻ thù trong nhà. "Biết" nó là sao? Đoạn này đúng với tinh thần tu ở thiền viện là "biết vọng". Biết nó là vọng thì nó lặng, đâu có làm loạn nữa, còn nếu không biết ắt nó làm loạn, là kẻ thù trong nhà.

Quý vị thấy đường hướng Ngài dạy thật cụ thể, giống như lối tu của mình, chỉ cần biết nó thì không phải oan gia. Hiện giờ tất cả chúng ta tu, khi niệm tưởng dấy, biết rõ nó là vọng không theo thì nó liền đầu hàng, chịu thua. Còn nếu không biết thì nó gây đủ thứ việc, đủ thứ tội lỗi, nó là kẻ thù. Cho nên phải hiểu đường lối tu rõ ràng như vậy.

Ông Tri viên hỏi thêm: "Sau khi biết được thì sao?". Ngài nói: "Đày nó đến nước vô sanh", nghĩa là đẩy nó đến nước vô sanh, chỗ không còn sanh diệt. Biết nó thì nó lặng, tâm liền được thanh tịnh. 

Như vậy sẽ có một số người tu, khi vọng tưởng lặng rồi họ tự hài lòng thỏa mãn, vì chỗ đó là vô sanh rồi. Nhưng ông Tri viên lại hỏi: "Nước vô sanh đâu không phải là chỗ y an thân lập mạng?", nghĩa là vô sanh có phải là chỗ an trụ để được yên ổn thảnh thơi không?

Ngài trả lời: "Nước chết không chứa được rồng". Chỗ đó là nước chết, dầu cho tới được chỗ vô sanh, vẫn còn là tiêu cực, chưa phải tích cực. Nó chỉ có định chứ không có huệ.

Ông Tri viên hỏi lại: "Thế nào là nước sống chứa rồng?". Ngài đáp: "Dậy mòi mà không thành sóng". Câu đó chí lý vô cùng! Mình tu không phải đưa vọng tưởng đến chỗ lặng lẽ là xong. Tôi thường nói, mình là chủ ngồi trong nhà, còn vọng tưởng là khách. Bởi nó là khách nên mình biết nó, chứ nếu nó là chủ thì mình đâu cần biết nó. Chủ thì không biết trở lại chủ, chủ chỉ biết khách. Vọng tưởng dấy lên mình thấy thì vọng tưởng là khách chứ không phải chủ.

Lâu nay chúng ta mê lầm cho vọng tưởng là chính mình, chứ không biết là khách, vì vậy mà theo nó tạo nghiệp sanh tử luân hồi. Bây giờ mình biết vọng tưởng, thấy được nó, không theo thì nó lặng; cũng như khách đã đi, người chủ nhìn thấy không có khách nhà yên lặng. Như người ngồi trong thất mà không có khách thì thấy thất yên, cái yên đó là thất yên chứ không phải thật mình. Cái thật mình là cái hằng tri hằng giác.

Lâu nay người ta được yên, mừng quá nói tới chỗ đó là cứu cánh, có chỗ gọi là Niết bàn vì nó vô sanh, không còn dấy niệm. Không dấy niệm thì đâu có tạo nghiệp, cho nên nói đất vô sanh. Nếu chúng ta lầm, cứ chìm trong đó mãi thì không lợi ích, cho nên nhà thiền dạy đó là nước chết không chứa được rồng.

Ông Tri viên hỏi tiếp: "Thế nào là nước sống chứa rồng?". Ngài trả lời: "Dậy mòi mà không thành sóng", tức là có những gợn nhỏ lăn tăn, không phải là những lượn sóng to làm tàu thuyền phải nghiêng ngửa, chìm đắm. Như vậy để thấy rằng khi chúng ta không kẹt nơi chỗ yên lặng không có gì hết, thì chúng ta phải nhận ra ông chủ ngồi đó hằng giác hằng tri. Hằng giác hằng tri cũng giống như nước gợn gợn, nhưng trong đó không có niệm nào để gây nguy hiểm, để tạo nghiệp. Đó mới là thứ thật.

Ông Tri viên cũng là tay cao cường, hỏi: "Chợt khi đầm nghiêng núi đổ thì sao?". Ngài liền nắm đứng lại bảo: "Chớ nói ướt góc ca sa của Lão tăng". Người tới chỗ nước sống chứa rồng rồi thì trong mọi hoàn cảnh, dù biến chuyển, đổi dời, có chao đảo gì không? Ngài nói, dầu cho "đầu nghiêng núi đổ" gì gì đi nữa cũng không làm động, ướt góc ca sa của Ngài, vẫn an nhiên, vẫn tự tại, không dính mắc.

Đó là một câu chuyện rất đơn giản, nhưng đạo lý thâm trầm, chúng ta tu phải hiểu cho tới nơi tới chốn. Nhiều khi mình tu được một phần nào đó rồi hài lòng thì không được. Phải đạt đến nơi, đến chốn mới có thể được kết quả viên mãn.

Đó là câu chuyện tôi dẫn để nhắc cho toàn chúng nhớ ứng dụng tu. Người xưa nói hết sức đơn giản, cụ thể mà chứa đầy tinh thần tu hành trong đó.


Ngày 13-11 Mậu Dần (31-12-1998)

Buổi thỉnh nguyện hôm nay có một việc đáng buồn. Trong bản Thanh quy mở đầu đã nói: "Thiền sinh ở đây phải có thái độ dứt khoát đời ra đời, đạo ra đạo, tu phải đến nơi đến chốn, không thể có thái độ lưng chừng". Như vậy, đã chọn lựa, quyết tâm về đây tu không nên vì một sơ sót nhỏ mà bỏ dở sự tu. Tôi đã từng nói với đại chúng ở đây, tôi muốn cho toàn chúng không mất thời giờ vì việc đi đây, đi kia ra ngoài. Tất cả thời gian, nội lực dồn hết trong việc tu hành. Có vị cũng ham tu, nhưng thường có việc đi ra ngoài quen biết nhiều người, thấy những cái mới lạ sanh tâm ưa thích, rồi phải rời chúng.

Đó là việc mình nên thấy trước, người mới tu còn nhỏ mà tiếp xúc bên ngoài nhiều thì khó tu, và khi một người trong chúng phạm lỗi thì rất dễ lây qua những người chung quanh. Cho nên kể từ đây về sau, những người đã có kinh nghiệm sống trong thế gian, không dễ bị quyến rũ thì mới cho đi ra ngoài. Còn những người thiếu kinh nghiệm và dễ bị ngoại duyên lôi kéo thì nên cố gắng ở tại nội viện tu hành. Ban lãnh chúng không nên sắp đặt cho những vị đó đi ra ngoài nhiều.

Những điều tôi lo ngày xưa, ngày nay càng thấy rõ không sai. Cho đi ra ngoài nhiều, từ chỗ tốt, lần lần gần người thế tục rồi lem lấm, xảy ra những chuyện lôi thôi, cho nên phải ngăn ngừa trước. Làm sao cho toàn chúng, đã vào đây rồi thì chỉ một việc tu thôi. Phải đem hết tâm tư, ý chí để tu hành cho đạt được phần nào trên con đường đạo. Chứ không thể đến đây năm năm, mười năm rồi thối chuyển trở lại, thật là đáng tiếc.

Chúng ta tìm hết cách, tạo đủ duyên, để sách tấn, thúc đẩy nhau tu hành. Không làm được điều đó là một thất bại lớn của chúng ta. Cho nên toàn chúng đều phải cảm thông nhau. Tại sao tôi lựa người lớn tuổi, những người có kinh nghiệm nhiều cho làm ở ngoại viện? Vì tôi từng tuyên bố với Tăng chúng là ban tri khách, ban hương đăng, ban thư ký,... phải làm những phần việc tiếp xúc bên ngoài nhiều, đó là những người hy sinh cho Tăng chúng.

Quý vị đó dù cho cứng cỏi, không vấp những chuyện dở nhiều, nhưng cũng dễ loạn tâm, vì phải lo nghĩ, phải đối phó với những việc bên ngoài. Đó là những người hy sinh cho huynh đệ được yên ổn tu. Như việc lo giấy tờ chẳng hạn, cũng phiền toái lắm chứ không phải đơn giản. Từ giấy tờ tạm trú tạm vắng, rồi giấy tờ xây dựng, giấy tờ thọ giới,... người chạy lo phải kiên nhẫn, chịu khó mới xong việc. Khi có người thay mình chịu cực khổ, khó khăn để cho mình yên tu thì phải biết đó là diễm phúc lớn.

Nên ai được ngồi yên tu, phải nghĩ rằng mình là người được dành ưu tiên để tu chứ không phải là kẻ thiệt thòi. Đừng nghĩ rằng những người đi ra ngoài là sung sướng hay được ưu đãi. Chính người ngồi lại tu, không có chuyện gì phiền phức mới là người được ưu đãi. Còn người phải đi đây, đi kia là kẻ bị thiệt thòi.

Đại chúng phải hiểu rõ như vậy, đừng nghĩ tại sao người đó cưỡi xe chạy đầu này đầu kia, còn mình không được, nghĩ như vậy là sai lầm lớn. Quý vị nên hiểu rằng tri khố, tri khách, hương đăng, thư ký là những người đang chịu cực thay mình, nên phải thương quý những vị đó, đừng phân bì cho rằng những vị đó được ưu đãi.

Tôi vì thương Tăng chúng, nghĩ rằng mấy chú còn trẻ mà quyết tâm tu hành, thì tôi có trách nhiệm bảo bọc để mấy chú tu được đến nơi đến chốn. Nên khi sắp đặt mọi công tác trong thiền viện, tôi nhắm người nào có thể tu được, nhưng đã cứng cỏi rồi, không có gì quyến rũ nổi, thì tôi cho làm trách nhiệm bên ngoài. Còn người nào cũng tu được, tu giỏi nhưng còn sợ bị quyến rũ thì tôi giữ ở trong nội viện để ráng kềm chế, tu cho tới bao giờ tôi thấy những người đó xứng đáng thay tôi, thay cho Tăng chúng đi lo phật sự thì tôi mới yên tâm.

Những vị mới tu hoặc tu chưa đến nơi đến chốn mà phải đi ra ngoài, đương đầu nhiều việc, thế nào sự tu cũng bị suy giảm, có khi quên mất. Hiểu vậy rồi trong chúng phải yên lòng và mang ơn những người đang hy sinh để cho mình yên tu.

Giá trị của người tu không phải là chức quyền hay được tự do thong thả, mà là đạt được đạo lý. Mình ngồi tu mà thâm nhập được đạo lý, sáng tỏ được mục tiêu mình nhắm, kết quả đó mới xứng đáng một đời tu. Chứ giả sử mình có chức quyền, có tiền bạc hoặc được đi đây đi kia thong thả, cái đó là tạm chứ không thật. Xứng đáng một đời tu của mình mới là cội gốc, còn tất cả chỉ là ngọn ngành, những thứ phụ thuộc. Bởi vậy trong chúng mỗi vị phải ráng tự tu.

Gần đây tôi nghe đồn trong tăng chúng có một hai người than: Ở đây tu riết rồi mình dốt, sau ra làm phật sự không được. Nghe câu đó tôi cười, vì thấy người nghĩ như vậy, nói như vậy là quá dốt. Các vị thiền sư thường nói: "Chỉ sợ không thành Phật, chứ đừng sợ thành Phật không biết thuyết pháp". Câu này quí vị ráng nhớ. Nếu nghĩ tôi phải đi học để tới lúc thành Phật tôi mới thuyết pháp được thì đó là quan niệm sai lầm.

Đã là Phật, câu nói nào cũng là lời Phật; là Tổ, câu nói nào cũng là lời Tổ. Không phải có bằng cử nhân, tiến sĩ mới là Tổ, là Phật. Cứ nghĩ lầm là mình phải đi học ở ngoài cho giỏi để khi chứng quả, thuyết pháp mới được. Không phải như vậy. Quý vị thấy Lục Tổ Huệ Năng, ngài học trường nào mà những lời Ngài dạy, bây giờ gọi là Kinh Pháp Bảo Đàn, hàng tín đồ Phật giáo cả thế giới đều quý trọng? Trường nào đào tạo Ngài?

Cho nên rõ ràng sự tu giá trị ở chỗ thấy đạo hay sáng đạo. Được vậy rồi, nói đông nói tây gì cũng không ngoài đạo. Nếu mình chưa sáng đạo dù dùng văn chương bóng bẩy bao nhiêu cũng chỉ ở ngoài da thôi. Bởi vậy tôi tin rằng những người tu được, tu có kết quả dù nói không hay cũng là người đáng tin cậy. Còn những người nói năng lưu loát, văn chương trôi chảy mà không thấm được đạo, không hiểu đạo thì cũng là bỏ thôi, không dùng vào đâu được.

Do đó, toàn chúng nên xét kỹ việc mình đang làm, đang tu. Điều gì xứng đáng, đúng lẽ thật thì mình đem hết tâm trí để làm, còn những thứ không hợp lẽ thật nên bỏ qua. Đừng ngồi đây mà nhớ chỗ khác, rồi tủi thân rằng mình không có bằng cấp gì hết. Người ta có bằng cử nhân, tiến sĩ còn mình ở đây dốt, đừng nghĩ vậy. Dốt chữ không bằng dốt đạo, dù có bằng cấp gì đi nữa mà không hiểu đạo thì cũng bỏ thôi, không thể truyền đạo được. Dù cho chúng ta dốt chữ nghĩa mà đạo lý thâm sâu thì vẫn truyền đạo được. Một câu nói dù rất tầm thường mà hợp đạo lý cũng là quý giá.

Hiểu vậy rồi toàn chúng phải quyết tâm tu, đừng nên đua đòi. Đừng nghĩ người ta học được tiếng này, tiếng nọ truyền đạo dễ, còn mình chỉ biết tiếng Việt Nam không đủ. Tôi không học tiếng ngoại quốc gì hết, mà người ngoại quốc tới học với tôi, là sao? Vì mình có cái người ta thấy hay nên tới học, chứ không phải biết tiếng nước ngoài mới là người hay. Dù mình biết tiếng nước ngoài cũng chỉ chút ít. Người ta tới học với mình là học đạo lý, chứ không phải vì mình nói được tiếng của họ.

Hiểu như vậy, quý vị phải cố gắng tinh tấn tu hành, tự mình thâm nhập được đạo lý thì tất cả đều tốt. Còn không thâm nhập đạo lý, chạy đông chạy tây rồi cũng chẳng ra gì. Vậy mong toàn chúng hiểu và tu hành tinh tấn, đừng có tâm so đo với người trong viện hoặc mơ ước những chuyện bên ngoài, đều không hợp lý.

Trong nội quy phần phụ tôi cũng đã nói không được ở đây mà trông ở kia, nếu có tâm hướng ngoại thì người đó sớm muộn gì cũng tự rút lui. Vậy tất cả chúng cố gắng tinh tấn tu.


Ngày 13-12 Mậu Dần (29-1-1999)

Buổi thỉnh nguyện hôm nay, vài người có lỗi dù nhỏ cũng ra sám hối, ngoài ra đều được thanh tịnh. Đây là buổi thỉnh nguyện tốt, không có lỗi lầm gì đáng kể. Mong rằng kỳ thỉnh nguyện cuối năm này trong chúng tất cả đã được thanh tịnh thì sang năm càng thanh tịnh hơn. Đó là chỗ mong mỏi của tôi.

Giờ đây tôi có ít lời nhắc nhở chúng. Toàn chúng tu hành trong nề nếp này, tôi nghĩ tất cả đều đã cố gắng. Nhưng lâu nay tôi không nhắc về tinh tấn, nên hôm nay tôi nhắc cho toàn chúng nghe.

Nếu chúng ta tới giờ thiền cũng lên ngồi, nhưng ngồi êm êm một lát rồi gục tới gục lui, không làm chủ được thì có tinh tấn không, quý vị xét xem? Cũng là ngồi thiền như ai, mà người ta tỉnh táo còn mình ngủ gục. Điều này rất hệ trọng trong sự tu. Vì khi ngồi thiền, nếu mình để thả lỏng một hồi rồi ngủ gục lên gục xuống, hoặc chảy nước dãi, đó là hiện tượng giải đãi. Người ngồi thiền có hiện tượng đó thì lấy gì trị? - Phải lấy đức tinh tấn mà trị nó.

Lúc ấy phải ngồi cho vững lại, mở mắt sáng ra, kềm cho thân mình nghiêm chỉnh đừng để lơi lỏng. Luôn giữ tinh tấn như vậy chừng mười phút hay nửa giờ thì cơn ngủ mới tan, chứ dầu người giám thiền có đánh một cái hơi tỉnh tỉnh, buông ra lại thả trôi, một lát cũng ngủ gục nữa. Cứ như vậy ngủ hoài không có giờ tỉnh. Cho nên khi ngồi thiền phải giữ cái nếp luôn luôn tinh tấn.

Khi không buồn ngủ thì mình ngồi thảnh thơi, buông thả để cho tâm nhẹ nhàng. Nhưng khi thấy có triệu chứng buồn ngủ, muốn chảy nước miếng thì phải nghiêm chỉnh kềm giữ, mới tránh được cái nạn ngủ gục. Tôi nghe trong chúng ngủ gục cũng khá nhiều, đó là một bệnh sau này tu không tiến. Đây là tôi nói tinh tấn trong lúc ngồi thiền.

Thứ hai là tinh tấn trong khi bệnh hoạn. Quý vị lúc bệnh hoạn thì sao? Nằm lăn rên rỉ hay làm gì nữa? Tôi thấy vừa rồi có nhiều thầy bệnh, khán bệnh cho đem thuốc đến không chịu uống, cứ để cho bệnh kéo dài. Đây cũng là khuyết điểm. Người ta đau không có thuốc uống, ở đây đủ thuốc mà không chịu uống là quá dở. Hơn nữa thuốc ở đây, đa số là của Phật tử nước ngoài gởi về cho, thuốc tốt chứ không phải tệ. Quý vị lại không chịu uống, để chờ đi đây, đi kia rồi cũng mua thuốc như vậy thôi chứ đâu có khác.

Như hôm rồi tôi bệnh, bác sĩ vô coi rồi cho toa mua thuốc. Khi Thông Thuyết đưa những thứ thuốc của mình ra, bác sĩ nói thuốc này tốt quá. Như vậy thuốc mình có là thuốc tốt chứ đâu phải xấu. Còn nếu bệnh do cảm hay trúng gió thì cố gắng tăng giờ ngồi thiền, điều hòa thân nhiệt, cũng trị được bệnh cảm. Hơn nữa khi ngồi thiền, thân ấm áp khiến gió độc hay gió lạnh bên ngoài không xâm phạm, như vậy là một cách giúp thân mình khỏe mạnh.

Ngày xưa ở Chân Không, mỗi khi nhảy mũi, bị cảm nhẹ thì tôi ngồi thiền. Giả dụ bình thường mình ngồi một giờ rưỡi, bữa nay bị cảm thì ngồi thêm mười lăm phút. Mười lăm phút chịu đựng đó toát mồ hôi, xả thiền ra thấy khỏe, lau mồ hôi sạch rồi tập thể dục "lộc lô song quan". Như vậy mấy năm liền tôi không bị cảm, chỉ bây giờ lớn tuổi rồi không đủ sức, với lại công việc hơi bất thường nên đôi khi bị cảm, chứ ngày xưa tôi điều hòa được thì ít bệnh.

Đó là do sự cố gắng của mình, chứ nhiều khi huynh đệ không biết, cứ tưởng khi có bệnh nằm nhiều sẽ khỏe, mau hết bệnh. Sự thật, càng nằm càng bệnh nặng. Cho nên tới giờ tu cứ tu như ai vậy, riết rồi qua được cơn bệnh.

Ngoài ra, trong cuộc sống lúc nào chúng ta cũng phải nỗ lực, cố gắng tu, làm tốt những công tác mình đã nhận lãnh.

Ở đây tôi dẫn câu chuyện trong kinh cho quý vị thấy. Trong kinh hệ Pali có kể chuyện tôn giả Tissa. Ngài sanh trưởng trong một gia đình giàu có, cha mẹ mất hết chỉ còn có người em, Ngài phát tâm xuất gia, giao hết gia tài sự nghiệp cho người em.

Từ khi vào đạo Ngài luôn luôn tinh tấn. Người em dâu nghĩ rằng: "Tuy anh mình đi tu, nhưng biết đâu một lúc nào đó anh ta thối tâm, trở về đòi sự nghiệp lại mình sẽ nghèo đói, hoặc hưởng ít đi". Cho nên cô mưu đồ với một toán cướp, nếu tìm giết được Ngài thì cô sẽ thưởng một số bạc lớn. Bọn cướp được lệnh đó đi tìm Ngài. Hôm đó Ngài đang tọa thiền một mình trong rừng, bọn cướp đến bao vây, đòi giết, Ngài nói:

- Khoan, các anh hoãn lại cho tôi năm ba hôm rồi hãy giết.

Bọn cướp nói:

- Hoãn sao được! Chuyện này phải làm ngay chứ hoãn không được.

Ngài năn nỉ một lần nữa họ cũng không bằng lòng, sợ chần chờ Ngài bỏ đi mất. Sau cùng Ngài lấy một cục đá đập gãy hết hai chân, nói:

- Hai chân tôi đã gãy, tôi hứa với các anh rằng tôi không trốn đi đâu hết, các anh cho ba hôm để tôi làm xong việc rồi các anh giết, tôi rất hoan hỷ. Mấy tên cướp thấy như vậy hoảng quá rút lui hết. Sau đó Ngài ngồi thiền ở trong rừng chuyên tu nhiếp niệm. Hai chân gãy đau như vậy mà Ngài quên đau, ráng tu. Nhiếp tâm đến ngày thứ hai thì Ngài ngộ đạo chứng quả A la hán. 

Quý vị thấy người xưa tu hành thế đó, gãy hai chân mà vẫn ngồi tu, vẫn chịu đựng, liều chết nên đạt đạo. Còn mình bây giờ thì sao? Hơi khó chịu một chút đã thối lui rồi, không dám quên thân liều chết. Bởi vậy, trong khi tu, tôi nói mãi rằng ai can đảm, dám liều chết thì người đó sẽ sống, còn người sợ chết quá nhất định sẽ chết. Không chết ngày này cũng chết ngày khác.

Trên đường tu, lúc nào cũng lấy gương tinh tấn của người xưa mà cố gắng. Đừng chần chờ, đừng bỏ qua. Thời gian không đợi mình, tuổi ngày càng già, cái chết càng gấp, nên phải cố gắng, tinh tấn, đừng bỏ phí thời giờ quý báu. Nhờ đó chúng ta tu sẽ đạt được kết quả tốt.

Nếu tu mà cứ thả trôi, thả lỏng, tới đâu hay đó, thì không bao giờ tiến. Tu không tiến tức sẽ móng tâm muốn làm cái này, học cái kia, để có danh lợi. Đó là tâm lui sụt, trở lại tìm những cái ngày trước mình chê bỏ.

Mong đại chúng lúc nào cũng có ý chí mãnh liệt, tinh tấn tu hành, đừng có những niệm yếu đuối, để uổng phí một đời, rốt cuộc rồi không đi tới đâu hết. 

Mục Lục