Thiền Tông Việt Nam
Phụng Hoàng Sách Tấn Tập 2
Chương 4: Câu Chuyện Buổi Chiều

Có một cô người Mỹ hỏi tôi:

- Thiền là gì?

Tôi không trả lời ngay mà hỏi lại:

- Hằng ngày, chúng ta suy nghĩ lăng xăng và cho đó là mình. Vậy có những lúc chúng ta ngồi chơi yên tĩnh, không suy nghĩ gì cả, lúc đó có mình không?

Cô không trả lời được. Tôi giải thích:

- Nếu lúc đó không có mình thì chết mất rồi, nhưng mình vẫn còn biết, vẫn còn sống tức là có mình.

Rồi tôi dùng thí dụ: Nhìn vào gương, chúng ta thấy bóng mọi vật hiện đầy đủ, lúc đó có nhớ mặt gương không, hay chỉ thấy bóng? - Chừng nào không còn bóng chừng đó mới nhớ mặt gương.

Cũng vậy, nơi chúng ta có cái suy nghĩ lăng xăng, tự cho là mình, rồi cứ chạy theo nó nên quên mất tâm chân thật của mình. Bao giờ những thứ lăng xăng đó dừng lại, cái chân thật sẽ hiển bày.

Như vậy thiền là gì? - Dừng lặng các thứ lăng xăng để tâm chân thật hiện ra, đó là thiền chứ không gì lạ.

Thông thường ai cũng cho thân này là thật mình, nên ưa muốn đủ thứ, đó là tham. Đến khi những điều mình muốn không đạt được liền nổi giận, đó là sân. Vậy tham lam, nóng giận là do chấp thân thật. Kế nữa, chúng ta cho rằng cái suy nghĩ, hiểu biết là tâm mình, cho nên mình nghĩ gì cũng cho là đúng, ai nói khác mình không chấp nhận, rồi phản đối. Đó là tâm tranh đấu hơn thua. Do chấp tâm mình là thật nên bao giờ cũng muốn giành phần thắng, phần đúng về mình. Từ chỗ chấp thân thật và tâm thật nên tham và sân dấy khởi.

Bây giờ chúng ta biết rõ thân này do duyên hợp không thật, tâm suy nghĩ là bóng dáng của ngoại cảnh cũng không thật. Như vậy là biết đúng như thật, là trí tuệ. Có trí tuệ thì hết si mê, từ đó hết tham lam, đưa đến hết nóng giận, đó là tu.

Như vậy chỉ cần biết đúng như thật về con người mình là đã có trí tuệ. Nhờ có trí tuệ nên phá tham, sân, si. Hiện giờ còn thấy mình thật nên mới tham ăn ngon, mặc đẹp, ở sang... Tất cả lòng tham đó đều phục vụ cho cái thân này. Nếu thấy nó không thật thì cho ăn thức gì cũng không quan trọng, mặc thứ gì cũng không màng.

Do trí thấy đúng như thật nên phá trừ si mê. Từ phá được si mê mới dứt tham, sân. Nếu không phá cái gốc này thì không bao giờ dứt tham sân được, cố đè nén chỗ này nó nổi dậy chỗ kia. Ví như một người bị chửi bới liên tiếp mấy lần nên nói: "Bữa nay tôi nhẫn lắm, đừng có làm tới tôi không nhịn nữa đâu!". Như vậy là đè ép cái nóng xuống, chứ chưa thấy lời chửi bới là hư dối. Người tu phải thấy tường tận như thật cái thân này và vọng tâm này là duyên hợp hư dối. Đó là trí tuệ Bát nhã "chiếu kiến ngũ uẩn giai không". 

Thấy rõ thân hư dối và tâm lăng xăng của mình cũng hư dối thì còn gì để chấp. Hết chấp thì còn gì mà tham, sân, si. Như thế là chúng ta dứt được tham, sân, si; còn không biết vậy dù có đè nén cũng không tiêu được. Đây là lẽ thật hết sức rõ ràng.

Pháp tu của mình trước phải dùng trí tuệ, từ trí tuệ mới dứt tham, sân, si. Không phải dứt sân và tham rồi mới dứt si. Nếu còn si thì tham sân theo đó còn, không thể nào dứt được. Nên tôi đặt ngược lại: si tham sân thay vì tham sân si, nghĩa là từ si sanh tham, từ tham sanh sân. Vì vậy phải trừ si trước, dứt cái gốc thì tu mới có kết quả và cuộc sống mình tự nhiên có đạo đức.

Rồi tôi nói thêm: Nếu mình tu hay tìm hiểu một tôn giáo mà không nhìn đúng lẽ thật, chỉ hiểu theo sự tưởng tượng, thì đó chưa thật là chân lý. Cho nên đạo Phật cốt đưa con người tới chỗ thấy được lẽ thật, tự mình sẽ hóa giải hết những mối khổ đau. Nếu mình không thấy lẽ thật mà cứ cầu người khác giúp cho mình hết khổ thì không hợp lý.

Đó là kết thúc buổi nói chuyện. Khỏi cần định nghĩa thiền là gì, mà phải đi từ cái nhận định chín chắn đúng lẽ thật để cho người ta thấy, rồi tự nhiên họ hiểu được. Đó là những kinh nghiệm nho nhỏ để mai kia mấy chú có ra làm phật sự nhớ trả lời ngắn gọn một chút, đừng dài dòng dẫn các cách định nghĩa của Ấn Độ, Trung Hoa... Mình đi từ cái gốc thì rõ ràng thiền là một phương pháp tu rất hay, là thấy được lẽ thật.

(Quý Thầy:)

- Thưa Thầy, rốt cuộc cô đó có ý kiến gì không? 

- Cô chịu lắm! Tôi dẫn qua bên Ni, cô nói bữa nào rãnh cho xin vô tập tu.

Tôi hỏi cô Mỹ:

- Con qua đây bao lâu rồi?

- Dạ, con qua được một năm.

Tôi tiếp:

- Con nói tiếng Việt như vậy là giỏi, chừng nào con trở về bên kia?

- Thưa, còn một năm nữa con về, nhưng con không muốn về bên ấy.

- Sao vậy? Ở Việt Nam nghèo khổ, còn bên kia giàu sang, sao con không thích về?

- Ở bên ấy nhà lầu xe hơi ồn quá, con không thích. Bên này thong thả hơn. 

Bên này mình khao khát có được xe hơi nhà lầu, còn bên kia lại thấy đó là những cái phiền. Họ muốn được thảnh thơi như mình, tuy ăn cơm hẩm mặc áo vá vẫn nhàn hơn là ngồi xe hơi ở nhà lầu mà ồn náo lăng xăng.

Có một chú cùng đi với cô Mỹ kể với tôi: Khi cô ấy nghe nói: "Được nhiều của cải thì vui, bị mất của cải thì buồn", cô ấy nói: "Có thật đâu mà buồn!".

Quả thật cô này đã hiểu được đạo lý ít nhiều. Cô đọc được sách Việt nên tôi có tặng cô một ít sách để về đọc thêm cho biết.

***

Có lẽ năm tới công việc càng nhiều hơn nữa. Người ta già thì được nghỉ, còn tôi ngược lại, già mà công việc cứ chồng chất hoài. Nhưng tôi tự đặt câu hỏi: "Bao nhiêu năm nay mình hoài bão ôm ấp điều gì?". Đó là ước muốn mở mang Thiền tông, muốn làm sao Phật tử Việt Nam được tốt đẹp hơn, đừng mê tín dị đoan. "Rồi bây giờ người ta cho mình làm cái gì?" - Người ta cho mình đi giảng dạy, cho phép mở mang. "Vậy mà mình từ chối thì cái hoài bão kia tự mình hủy bỏ sao?" Thật là vô lý. Thôi kệ, còn hơi còn nói, chừng nào hết hơi thì thôi, cho tròn sở nguyện của mình. Nên tôi thôi khỏi nghỉ già, cứ làm được tới đâu thì làm, chừng nào hết làm nổi thì thôi, chứ không nghĩ già trẻ gì hết.

Gần đây có mấy bức thư của Phật tử ở ngoại quốc gởi về, thấy rất dễ thương. Họ chuẩn bị cất thiền đường bên Mỹ, nói cất rồi mời tôi qua để khánh thành, họ xin tôi sau này cử quý thầy quý cô qua hướng dẫn cho Phật tử tu. Mới đây có một Phật tử ở Úc gởi thư về, trình việc tu hành có kết quả tốt, thấy cũng mừng.

Như vậy những gì mình làm đều có kết quả. Tôi nói thật cho chư Tăng biết rõ, việc làm của mình nếu không có nền tảng gốc gác thì chúng ta làm mà không biết nó tới đâu. Còn ở đây, kết quả chính là cái mục đích mình nhắm, mình biết rõ nó. Nên hễ ai quyết tâm tu, quyết tâm thực hiện đều có kết quả chứ không chỉ riêng người nào. Nhưng phải nhiệt tình, phải quyết tâm, chứ lôi thôi thì không được.

Cho nên từ mấy năm sau này những thành tựu của người tu báo về rất nhiều, nhất là trong giới Tăng Ni nhập thất, có nhiều người ra trình đạt kết quả đáng mừng vui lắm. Bởi vậy tôi rất hài lòng, thấy con đường mình hướng dẫn người thực hiện có kết quả tốt. 

***

Đại tai giải thoát phục

Vô tướng phước điền y

Đại tai là lớn thay, phục là áo. Đại tai giải thoát phục là lớn thay áo giải thoát, chiếc áo tượng trưng cho sự giải thoát. Vô tướng là không tướng. Tại sao gọi là y phước điền? Điền là ruộng, y phước điền giống như cái ruộng để người ta gieo phước vào. Tụi con thấy y của mấy vị Tỳ kheo có những mảnh cắt rọc ngắn hoặc dài là tượng trưng cho những thửa ruộng. Ruộng đó là ruộng gì? Ruộng phước của mình hay của ai?

- Dạ, của chúng sanh.

Sao là của mình và sao là của chúng sanh? Chúng Tăng khi đắp y lên là để tụng kinh, tọa thiền hoặc giảng pháp, làm phật sự, đó là ruộng phước mình đã tạo. Như khi chúng ta tụng kinh là tụng cho mình, sám hối cho mình, nhưng quỷ thần xung quanh cũng nghe. Nghe những lời tụng của mình, họ cũng khóc, cũng hiểu. Tụi con đừng nghĩ là khi tụng chỉ có mình tụi con nghe thôi. Ở chung quanh mình còn có nhiều loài khác, tới giờ tụng kinh họ đến nghe. Họ nghe rồi thấm, hiểu, biết bỏ tà theo chánh, đó là tốt.

Hoặc khi chúng ta đắp y lên ăn quá đường (thường khi nào có lễ mới đắp y quá đường) thì phải nhớ chén cơm này là của thí chủ dâng cúng cho mình, phải làm sao cho xứng với công của họ. Thí chủ gieo những hạt giống trong ruộng phước của chúng ta, thì ruộng đó phải tốt, phải phì nhiêu, mới có thể mọc lên những cây mầm tốt, sau mới có kết quả tốt bù lại cho họ. Nếu ruộng mình khô cằn xấu dở quá thì mầm không lên nổi, tức cái phước đó cũng không có kết quả.

Hồi xưa có một thôn chủ ngoại đạo hỏi Phật:

- Thưa Cù Đàm, Ngài nói luôn luôn thương xót an ủi tất cả chúng sanh. Vậy thì vì cớ gì Phật thuyết pháp cho hạng người này mà chẳng thuyết pháp cho hạng người kia?

Phật bảo thôn chủ:

- Ví như có ba loại ruộng: Mảnh ruộng thứ nhất phì nhiêu, mầu mỡ; mảnh ruộng thứ hai thuộc loại trung bình; mảnh ruộng thứ ba chai cằn. Thôn chủ nghĩ thế nào, người chủ ruộng kia sẽ cày bừa, gieo trồng ở mảnh ruộng nào trước?

- Thưa Cù Đàm, người chủ ruộng cày bừa, gieo giống nơi thửa ruộng phì nhiêu mầu mỡ trước tiên. Kế đến người ấy sẽ cày cấy ở mảnh ruộng trung bình và sau cùng họ mới cày cấy ở mảnh ruộng chai cằn xấu nhất.

Phật bảo thôn chủ:

- Ta cũng như vậy! Các Tỳ kheo, Tỳ kheo ni của ta như thửa ruộng mầu mỡ, phì nhiêu. Ta thường vì họ diễn nói chánh pháp, chỉ dạy rõ ràng. Các đệ tử nam cư sĩ và nữ cư sĩ của ta ví như thửa ruộng trung bình. Ta cũng vì họ diễn nói chánh, chỉ dạy rõ ràng. Các ngoại đạo dị học Ni Kiền tử ví như thửa ruộng xấu nhất của nhà nông. Ta cũng vì họ diễn nói chánh pháp, chỉ dạy rõ ràng.

Ở đây cũng vậy, người hướng dẫn phải khéo biết căn cơ chúng sanh, người nào căn cơ thuần thục thì dạy trước, độ trước, người nào ngang ngạnh dạy sau, chứ không bỏ. Bởi vì nếu dạy một lượt thì người đã thuần có thể hiểu được, tu được liền, nhưng những người hung dữ chưa thuần sẽ không làm theo kịp, vậy sẽ không có kết quả. Cho nên người nào hiền lành thì được dạy dỗ trước để cho thuần thục, còn người ương ngạnh quá thì khẻ lần rồi từ từ dạy sau.

Vậy tụi con nghĩ người nào lãnh đạo một nhóm tu sĩ như Sư ông hay quý Thầy của tụi con có sung sướng không? Nếu ở trong chúng mà ít bữa lại nghe nhóm này rầy nhóm kia, nhóm kia cự nhóm nọ hoài thì có ngồi yên không? Cho nên người có trách nhiệm phải luôn luôn nhắc nhở, dạy bảo. Sống trong chúng phải có quy luật, phải biết kính nhường, hòa thuận nhau. Nhắc tới nhắc lui hoài, vậy mà thỉnh thoảng có ai quên không? Có cãi nhau không?

- Dạ, cãi nhỏ nhỏ.

Nếu ở đông tám mươi, chín mươi người mà từng nhóm cãi lộn với nhau thì thiền viện sẽ ra sao? Ồn như cái chợ, phải không? Nên muốn cho thiền viện nghiêm trang tề chỉnh thì phải nhắc nhở, giáo dục để ai ai cũng sống đúng với nề nếp đạo lý. Đó là bổn phận của người lớn. Cho nên người lớn lúc nào cũng phải khó, chứ người lớn mà dễ quá chắc là chúng... nhảy cò cò với nhau hoài, đâu có ngồi yên.

Nhờ có người lớn kềm chế nên chúng mới nghiêm tịnh tu hành. Một người ngang ngạnh ở chung với ba bốn người hiền lương thì những người hiền lương đó cũng khó chịu. Nên người ngang ngạnh đó phải được khẻ, khẻ hoài chừng nào bớt ngang ngạnh mới sống với người hiền được.

Có đôi ba người thắc mắc "tại sao không rầy mấy người kia, cứ rầy tôi hoài?", hoặc "sao mà mấy sư huynh không có ai bị rầy, mình con bị rầy hoài?". Bởi vì điều gì hơi làm phiền nhiều người thì nên rầy để bỏ, còn những người hiền như bột đâu cần khẻ làm chi. Đừng nên trách người rầy mình, phải biết mình bị rầy nhiều là gốc tại nơi mình.

Hiểu vậy, tụi con mới thông cảm trách nhiệm của người lớn, mới biết được chỗ xấu dở của mình. Sở dĩ người ta không bị rầy mà mình bị rầy là biết mình còn dở nhiều, phải tự hối, tự chỉnh sửa lại cho tốt hơn, đó là người khéo tu. Nếu lại trách sao Thầy bất công cứ rầy mình hoài, là tổn phước nhiều, không nên. Như vậy là được rầy chứ không phải bị rầy. Ai được rầy thì mừng, nhờ vậy mới biết được chỗ sai lầm của mình, tụi con hiểu chưa?

Còn hai câu sau:

Phi phụng trì giới hạnh

Quảng độ chư quần sanh 

Phi là đắp, phụng là vâng. Phi phụng trì giới hạnh là đắp cái y này phải ráng gìn giữ giới đức của mình, chứ không phải đắp lên cho có cái tướng để người ta lạy. Giữ gìn giới hạnh để làm gì? - Để mình rộng độ khắp quần sinh, khắp tất cả các loài.

Như vậy, khi đắp y phải nhớ bốn câu kệ này và phải hiểu cho thấu đáo. Nhiều khi đọc bốn câu kệ này mà như đọc thần chú, không hiểu ý nghĩa trong đó thế nào cả.

***

Nghe điều gì trái ý mà ráng nhịn không nói ra, lâu ngày chịu không nổi, đó là tại mình không có trí tuệ Bát nhã, ráng đè nén nó, đến mức nào đó mình chịu hết nổi thì bung. Còn nếu mình có trí tuệ Bát nhã thì cười thôi. Khen cũng tốt, chê cũng tốt, nghe đó rồi qua mất chứ có gì đâu. Thân này còn không thật, chửi bới khen chê có gì thật, thành ra người ta chửi mình cười thôi. Phật thấy rõ như vậy nên khi người ta chửi, Ngài cứ làm thinh đi, ung dung tự tại, không đổi sắc mặt. Còn mình bây giờ nghe chửi chắc cũng đổi sắc mặt một chút, vì chưa được tỉnh lắm. Đổi sắc mặt một chút rồi tự sáng suốt lại.

Biết tu là phải mở sáng trí tuệ Bát nhã. Đường lối tu Sư ông dạy tụi con là phải nhìn bằng trí tuệ Bát nhã, để mình qua hết các khổ nạn, dễ như trở bàn tay. Mỗi đêm tụng thuộc làu "chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách". Trong đây có đứa nào không thuộc câu đó không? Thuộc làu mà khổ ách vẫn là khổ ách, tại không chiếu kiến, chỉ là thuộc trên văn tự nên khổ hoài.

Nếu chiếu kiến kỹ tụi con thấy, mới hôm qua hôm kia người đó còn sống còn nói chuyện với mình, bữa nay ngã đùng ra chết. Vậy họ thật hay giả, tụi con nói thử coi? Mới hôm qua tỉnh táo nói chuyện, hôm nay ngã ra chết, vậy là giả rồi. Người đó giả, mình có thật được không? Vậy mà cứ ngỡ mình thật, quả là ngu đáo để phải không? Người đối diện với mình, đang nói chuyện với mình thì cho là thật vì họ còn nói chuyện, đến khi họ ngã đùng ra chết rồi mới biết người đó giả. Vậy mình bây giờ còn nói chuyện cho là thật, mai mốt ngã đùng ra chết thì cũng giả như ai.

Biết trước thân này giả, đó là mình thấy xa, thấy đúng. Còn đợi tới ngã đùng ra chết thì biết có kịp đâu! Bởi vậy người tu là người có trí tuệ sống đúng như thật, biết rõ con người mình như thật. Tất cả cái học thế gian chỉ là những hiểu biết sinh diệt không thể tự cứu, còn trí tuệ này mình luôn mang theo để dẹp bỏ hết các gốc phiền não. Cho nên nói cây kiếm trí tuệ chặt đứt hết phiền não. Nếu không có trí tuệ thì phiền não cứ chồng chất lên không có chỗ cùng.

Ở đời đâu có cái gì hoàn toàn như ý. Hai người bạn thân lâu lâu cũng có điều không bằng lòng, không vừa ý nhau vậy, huống nữa là trên thế gian, trăm ngàn người mỗi người mỗi nếp sống khác nhau, tư tưởng khác nhau, làm sao mà không có sự đụng chạm.

Ở trong đây tụi con tám, chín chục người, có vừa ý nhau hết không? Nói thẳng coi, chừng mấy người vừa ý? Mình không vừa ý người ta, thì người ta cũng không vừa ý mình vậy. Nên thôi, biết rõ cuộc sống là giả, chỉ sống tạm bợ trong thời gian ngắn, vậy cứ vui vẻ với nhau, hơn thua phải quấy làm gì?

Tụi con thấy có cái gì là thật không? Vậy mà mở miệng là cãi phải quấy: "Cái này phải vậy đó!". Mà chắc gì đã phải, giờ này, hoàn cảnh này nó như vậy nhưng giờ khác, hoàn cảnh khác nó đổi rồi. Vậy nên đừng nghĩ tất cả phải quấy là chân lý. Nó chỉ là cái tạm dùng trong thời gian đó, hoàn cảnh đó, với những người đó thôi, chứ qua lúc khác, người khác thì nó cũng khác luôn. 

***

Người xưa nói: "Càng học càng thấy dốt". Tất cả những gì trên thế gian mình học được chỉ có một tí thôi, còn biết bao nhiêu điều mình không biết. Không biết tức là dốt, mà dốt là ngu hay khôn? Vậy mà có ai nói mình ngu liền không chịu. Có phải mình mang ảo tưởng về mình, muốn nâng cái ngã mình lên, do đó hễ ai nói ngược với cái ảo tưởng đó là mình phản ứng, phải không?

Còn tụi con thì sao? Có nhận mình khôn không? Nếu tự thấy mình ngu thì dễ quá rồi. Ai chê ngu cứ cười, không có gì mắc cỡ hết, phải không? Bởi vì rõ ràng là mình ngu, biết bao nhiêu điều mình không biết, mà không biết tức là ngu chứ gì. Vậy tụi con thấy điều mình biết và điều mình không biết, cái nào nhiều hơn? Ờ, điều mình biết chỉ có một tí ti, còn không biết thì vô số. Như vậy mà nói khôn là khôn chỗ nào? Chúng ta kiểm lại coi có thật khôn không?

Vậy tất cả tụi con có nhận mình ngu không? Nếu nhận mình ngu thì mai kia có huynh đệ nào nói "chị ngu" thì mình cười thôi. Phải, tôi quả thật là ngu vì biết ít quá. Đó là điều thứ nhất.

Thứ hai là tụi con nghĩ mình là người tốt hay người xấu? Nếu ai đó nói tụi con xấu, có giận không? Bây giờ kiểm lại coi nơi tụi con, cái tốt có được bao nhiêu, đã toàn vẹn chưa? Trong một trăm phần, mình chỉ được năm ba phần tốt thôi, chứ có toàn vẹn đâu. Vậy nói mình xấu là phải quá rồi.

Vì tự thấy mình chưa thật tốt nên người ta nói mình xấu thì chỉ cười thôi. Còn khi có ảo tưởng mình là người tốt, nếu ai nói mình xấu là nổi khùng lên liền. Mà nổi khùng lên là thành xấu hay tốt? Lúc ấy là đại xấu chứ không phải tiểu xấu nữa, phải không? Nghĩa là chứng tỏ mình xấu thiệt tình, cho nên vừa động tới là mình la, rõ ràng mình rất xấu.

Biết mình còn xấu thì tất cả những gì người ta chê, mình nhận ngay: "Phải, tôi chưa hoàn toàn tốt". Chỉ tốt có năm bảy điều, còn mấy mươi điều chưa tốt, nên nói xấu là hợp lý, có gì phải cãi lại. Như vậy, ai nói mình dại, mình cũng không cãi, nói mình xấu mình cũng không cãi.

Lại thêm một điều này nữa, lúc nào mình cũng tưởng rằng mình là người hiền lành, phải không? Nếu ai nói "chị dữ quá" là sanh chuyện. Mà mình có thật hiền chưa? Vì tưởng mình là người hiền lành nên khi nghe người ta nói mình dữ liền nổi nóng lên. Vậy có hiền lành thật không? Đây chứng minh quả tang là người chưa hiền. Dữ mà cứ ảo tưởng là mình hiền, nên ai đụng tới, cái dữ nó nổi lên liền.

Trong lòng tụi con luôn thấy mình khôn, mình tốt, mình hiền, phải không? Cứ tưởng tượng trong đầu như vậy rồi hễ ai nói mình ngu, mình xấu liền nổi giận, ai nói mình dữ cũng nổi giận. Sự thật mình có những điều đó hết, phải không? Đó là những cái ảo tưởng tô điểm bản ngã mình.

Còn nữa, lúc nào chúng ta cũng thấy mình đúng. Mình nghĩ điều gì, tính việc gì cũng cho là đúng hết. Nghĩa là mang ảo tưởng điều mình nghĩ là đúng, việc mình tính đúng, nên ai nói chị nghĩ sai, nghĩ bậy, là nổi giận liền. Nhưng xét lại, mình nghĩ một trăm việc có đúng hết không? Hay là sai nhiều đúng ít? Có những điều mình nghĩ thế này là đúng, nhưng sự thật việc đến lại không đúng. Cái nghĩ của mình chưa thật hoàn toàn đúng, thì người ta nói mình sai, mình nên chấp nhận: "Phải, tôi nghĩ có cái đúng cái sai". Vậy có gì đâu để cãi. Thế nhưng tụi con có cãi không? Nếu người ta nói mình nghĩ sai, nghĩ bậy thì cười hay giận? Đó là những điều tụi con phải thử kiểm tra lại để thấy chỗ tu của mình.

Như vậy là mấy điểm rồi? Ngu tưởng khôn, xấu tưởng tốt, dữ tưởng hiền, rồi sai tưởng đúng. Những ảo tưởng đó đều là cái tưởng của nội tâm tô điểm cho bản ngã mình chứ không có thật. Sự thật là những điều này không có gì đáng để giận hết. Mình nghĩ chuyện này đúng, nhưng có khi nó sai, nên khi người ta nói nó sai thì mình trả lời: "Ừ, để xem xét lại", có gì đâu mà cãi.

Thế nhưng tụi con có cãi không? Nói thật nghe thử coi.

- Dạ, ít cãi.

- Ít cãi? Đừng có tự bênh vực, ít cãi chừng tám chục phần trăm! 

Đó là sự tô điểm bản ngã về nội tâm. Bây giờ nói về cái thân này. Tụi con thường nghĩ mình là xấu hay đẹp?

- Dạ, đẹp.

- Dễ thương hay dễ ghét?

- Dạ, dễ thương.

Như vậy mà ai nói mặt chị dễ ghét quá, có giận không? Tưởng mình là dễ thương nên ai nói dễ ghét nổi sân liền, phải không? Mà như vậy là mình thật dễ thương chưa? Mình chưa thật đẹp lại cứ tưởng là đẹp, nên ai nói mình xấu cũng nổi sân. Nổi sân thì càng xấu, càng dễ ghét hơn, phải không?

Có khi nào tụi con nổi sân mà dễ thương không? Như vậy, khi người ta nói "cái mặt dễ ghét" thì mình trả lời: "Phải, cái mặt tôi có đẹp đẽ gì đâu, dễ ghét cũng phải". Vì nó đâu có quá đẹp mà sợ người ta chê. Đây cũng là một ảo tưởng, tưởng mình đẹp.

Thứ hai nữa, tưởng mình là quý, là sang trọng, cho nên khi nào ai đó nói "chị là con chó, chị là con bò", có chịu không? Bởi vì cứ tưởng mình là con người sang trọng nên giờ nghe nói như vậy cho là làm nhục mình, nổi giận đùng đùng. Nếu giận lên thì làm gì? Làm chó, làm bò cự lộn phải không?

Vậy thì nên như Thầy đã nói hôm trước, khi có ai bảo "chị là con bò", thì nói "phải, vì tôi có uống sữa bò nên trong thân tôi có tế bào bò". Nói vậy là huề. Thật ra có gì là quý, thân mình sang trọng nên ai nói ngược lại liền phản đối.

Rồi có khi nào tụi con nghĩ mình bẩn thỉu, nhơ nhớp không? Hay là dù cho thật tình mình đang bẩn thỉu, nhơ nhóp không? Hay là dù cho thật tình mình đang bẩn thỉu mà ai nói bẩn cũng không chịu. Nếu có ai chỉ mặt nói: "Chị này nhớp quá!" có vui không? Bao nhiêu đó đủ thấy rằng mình luôn tưởng tượng thân này là sang trọng, đẹp đẽ, là sạch, cho nên ai nói nhớp nổi giận liền. Nhưng sự thật nó có ra sao? Sự thật nó là nhớp nhúa chứ sao nữa!

Như vậy tụi con mới thấy cái ảo tưởng về nội tâm và ảo tưởng về bản thân đã tô đắp cho mình một bản ngã quá lớn. Bởi tô đắp như vậy cho nên sinh ra ngã mạn. Nếu bây giờ tụi con xả bỏ những ảo tưởng đó, luôn nghĩ và thấy đúng như thật thì tụi con có còn khổ hoặc phiền não với nhau nữa không? Vậy thì dễ tu quá.

Tu là tìm lại lẽ thật, thấy được lẽ thật, chứ không phải tu là sống với ảo tưởng. Thế gian mê lầm nên ảo tưởng thế này thế kia, còn mình xuất gia rồi phải khác. Phật có khi nào nói thân này thật không? Phật nói chúng sanh khôn ngoan hay là bị vô minh che lấp? Tất cả những cái dở mình đang vướng mắc Phật đều đã chỉ, nếu mình ráng vươn lên, vượt qua thì đó là biết tu.

Như vậy, tu là để phá cái chấp về thân, về tâm, đừng ôm ấp những ảo tưởng mê lầm, phải không? Phá những cái chấp đó rồi tụi con sẽ thấy bản ngã mình nhẹ, vậy là dễ tu hay khó tu? Nếu những điều Thầy nói nãy giờ mà tụi con ứng dụng được trong cuộc sống, thì có phiền não với ai không? Đi lên, đi xuống gì cũng cười hoài, phải không? Như vậy là tu. Nếu tụi con tụng kinh giỏi, tọa thiền hay mà ai động tới cứ la ông ổng lên, vậy là thật tu chưa, hay chỉ là tu trên hình thức, còn nội tâm thì chưa thấy lẽ thật để dẹp trừ những lầm chấp?

Khi các bản ngã đang bị tô điểm sai lầm như vậy mà mình cứ cố chấp thì đó là si mê. Tu là phá si mê, thấy như thật về nội tâm, thấy như thật về bản thân, thì cái ngã mới dẹp được, gọi là đi đúng đường. Cho nên chủ trương đạo Phật là vô ngã. Võ ngã mới giải thoát, còn bám chặt cái bản ngã không thể nào giải thoát nổi. Vậy nên những ảo tưởng sai lầm đang tô điểm cho bản ngã phải được dẹp sạch, đó là tụi con tu thành công. Nếu không dẹp sạch thì tuy là tu mà không biết đi đường nào, chưa chắc bảo đảm.

Thôi, bao nhiêu đó đủ rồi, nhớ để tu chưa? Mai mốt có ai nổi cáu vì chuyện gì đó thì Thầy sẽ rầy ngay.

Mục Lục