Thiền Tông Việt Nam
Luận Tọa Thiền
Luận Tọa Thiền - Thiền Sư Đại Giác

Xét thấy, Tọa Thiền là pháp môn đại giải thoát. Các pháp từ đó mà lưu xuất, muôn hạnh từ đó mà thông đạt, thần thông, trí huệ, phước đức, đều từ trong cửa này mà khởi lên, cho đến con đường tánh mạng của trời, người cũng đều từ cửa ngõ này mà mở ra.

Chư Phật đã từ cửa ngõ này mà ra vào. Người thực hành hạnh Bồ-tát chính phải vào cửa này, hàng Nhị thừa thì còn ở giữa đường, bọn ngoại đạo tuy có đi mà chẳng vào được con đường chính. Phàm các tông Hiển, Mật chẳng thực hành pháp môn này, thì chẳng còn con đường nào khác để thành Phật.

1. HỎI: Nói rằng Tọa Thiền là cội nguồn của các pháp, ý chỉ đó thế nào?

ĐÁP: Thiền là Phật trong tâm, Luật là Phật tướng ngoài, Kinh Giáo là lời Phật nói ra, niệm Phật tức là niệm danh hiệu Phật, tất cả đều từ trong Phật tâm lưu xuất, thế nên nói cội nguồn là vậy.

2. HỎI: Pháp Thiền vô tướng, vô niệm, linh đức chẳng lộ bày, kiến tánh cũng chẳng có chứng cứ, do đâu mà có thể tin được?

ĐÁP: Tâm ta cùng tâm Phật một vị, há chẳng phải là linh đức ư? Tâm ta ta chẳng biết, bảo cái nào làm chứng cứ? Tức tâm tức Phật, cầu chứng cứ gì bên ngoài?

3. HỎI: Có thể tu pháp nhất tâm, cũng tu muôn hạnh, muôn thiện, công đức có gì so sánh được?

ĐÁP: “Chóng giác xong Như Lai Thiền, sáu độ muôn hạnh thể tự tròn đầy”. Thế thì, một pháp thiền gồm đủ tất cả pháp. Há chẳng thấy nói: “Ba cõi chỉ một tâm, ngoài tâm không pháp khác”. Dù tu muôn hạnh mà không nhận pháp tâm này, thì không thể đắc ngộ. Nếu chẳng đắc ngộ mà thành Phật, lẽ ấy làm gì có?

4. HỎI: Pháp tâm này đâu thể tu hành, dù có dụng công tu hành, cũng chẳng được khai ngộ, kết quả thành Phật chẳng nhất định, thì dù cho nhọc nhằn tu hành, nào có lợi ích gì?

ĐÁP: Tông này là pháp môn sâu mầu kín nhiệm, nếu tai ta được một lần nghe, liền thành thắng nhân Bồ-đề. Người xưa nói: “Người nghe tông này mà không tin, phước còn vượt hơn trời, người; kẻ học mà không thông hiểu thì trọn đến quả Phật”. Nên biết, pháp này là tâm tông của Phật. Phật tâm tự nó vốn chẳng có mê, ngộ, đây chính là diệu thuật của Như Lai. Dù rằng chưa được tỏ ngộ, nhưng một phen ngồi thiền, tức là ngồi tòa Phật, một ngày ngồi thiền, một ngày làm Phật, trọn đời ngồi thiền là trọn đời làm Phật, kiếp tương lai cũng như thế, người chỉ tin thế ấy, là người đại căn cơ.

5. HỎI: Nếu đã như thế, thì tôi cũng có thể tu hành. Vậy làm thế nào an tâm? Phải dụng tâm thế nào?

ĐÁP: Phật tâm tất cả đều không trước tướng. Lấy lìa tướng làm thật tướng. Đi, đứng, ngồi, nằm trong bốn oai nghi, lấy ngồi làm nghĩa an ổn. Do ngồi ngay thẳng mà tư duy thật tướng.

6. HỎI: Nghĩa ngồi ngay thẳng, tư duy thật tướng này, xin nói rõ hơn?

ĐÁP: Ngồi ngay thẳng, chính là đức Như-Lai kiết-già-phu-tọa. Tư duy thật tướng, cũng gọi là ngồi thiền. Kết pháp giới định ấn, thân tâm chẳng động, mắt mở chừng phân nửa, giữ mũi thật ngay thẳng, sẽ thấy các pháp hữu vi in tuồng giấc mộng, như làn bọt nước, cũng chẳng khác bong bóng nổi. Chớ buộc niệm!

7. HỎI: Chân ngồi kiết-già, tay bắt ấn là oai nghi của Như-Lai, còn mắt mở phân nửa, giữ mũi ngay thẳng là việc gì?

ĐÁP: Mắt mở lớn sẽ thấy xa, bị cảnh lăng xăng trước mắt bức bách, tâm dễ tán loạn. Nhắm mắt thì sa vào cảnh hôn trầm, trong tâm không được sáng suốt. Mắt mở phân nửa, thì niệm chẳng vội vàng, thân tâm nhất như… Xét rõ, thì sanh tử, phiền não chẳng có thể gần gũi. Đó gọi là lập địa thành Phật, là đại dụng đại cơ.

8. HỎI: Dù được nghe các việc như thế rồi, nhưng lòng tin vẫn chưa vững. Đọc tụng kinh chú chứa công ấy, trì trai giữ giới xướng danh hiệu Phật, nhóm đức ấy, việc đó có chỗ tựa nương. Riêng chẳng làm việc gì khác, yên ngồi trong thiền định, hay có những kỳ đặc sao?

ĐÁP: Nghi như thế là nghiệp sanh tử, nghi như thế là phiền não chướng. Thực hành tất cả pháp tâm không sở đắc, gọi là thậm thâm Bát nhã, là trí huệ Bát nhã. Trí huệ này, là kiếm báu có thể chặt đứt cội nguồn sinh tử. Tu các căn lành, mong được quả báo, đó là phàm phu mê muội. Hàng Bồ-tát khi tu các căn lành, chẳng cầu quả báo ấy, chỉ hướng đến đại từ đại bi mà tu thiện căn, cho nên thành chất liệu Bồ-đề. 

Vì mong cầu quả báo mà tu các căn lành, chỉ thành đạt quả phúc nhỏ hẹp trời người, hạn định trong nghiệp sinh tử hữu lậu thôi.

9. HỎI: Chẳng nhờ chứa nhóm các căn lành, công đức thì đâu có thể thành tựu muôn đức, tròn đầy Phật quả được?

ĐÁP: Nếu đợi nhóm hợp đủ các căn lành, công đức thì phải trải qua ba đại a-tăngkỳ kiếp mới thành Phật được. Ngược lại, người thực hành nhân quả bất nhị pháp môn là thành Phật ngay trong đời này. Nghĩa là, minh tự tâm, ngộ tự tánh, nhận thấy tự mình vốn sẵn là Phật, chẳng đợi đến nay mới thành.

10. HỎI: Người kiến tánh thành Phật, chẳng y cứ nhân quả. Vậy thì, không thể tu các căn lành sao?

ĐÁP: Người kiến tánh thành Phật, dù có tu các căn lành, chỉ vì lợi ích, chẳng vì quả báo. Bởi giáo hóa chúng sanh, nên dạy nhân quả, do vì thân mình không sở đắc, nên chẳng trông vào các công đức; vô tâm với tất cả.

11. HỎI: Người vô tâm như thế nào? Nếu đã vô tâm, thì ai kiến tánh, ai ngộ đạo? Cái gì lại hay vì chúng sanh mà thuyết pháp giáo hóa?

ĐÁP: Vô tâm là nói người không tất cả tâm ngu si, chẳng phải nói người không tâm biện biệt cặn kẽ tà chánh. Ta chẳng nghĩ tưởng chúng sanh, cũng chẳng vọng cầu Phật đạo, lại chẳng nghĩ mê, chẳng cầu ngộ, chẳng chạy theo sự tôn kính của người, cũng chẳng thích nghe danh hư lợi dưỡng, chẳng nhàm chán độc hại oán thù, mặc cho tất cả việc lành dữ, chẳng khởi niệm sai biệt, đó gọi là Đạo Nhơn Vô Tâm.

Thế nên nói: Đạo vô tâm hợp với người, người vô tâm hợp với đạo.

12. HỎI: Trì trai giữ giới, đọc tụng kinh chú, xướng danh hiệu Phật, công đức đó có hơn kém nhau chăng?

ĐÁP: Người trì trai là lìa ăn tham dục, kiếp tương lai sẽ được phước đức lớn. Giữ giới, là vì ngưng tâm ác, sinh tâm lành. Người có tâm lành, nếu sinh trong cõi trời, người thì địa vị rất là tôn quý. Còn người đọc tụng kinh chú, là gìn giữ pháp Phật, nên đời sau sẽ được trí huệ lớn. Do xướng danh hiệu Phật, đời sau quyết chắc sanh đất Phật. Lại vô tâm này là Phật tâm. Công đức Phật tâm này lời lẽ không diễn tả xiết, nghĩ lường không thể cùng tột, thật là chẳng thể nghĩ nghị.

13. HỎI: Giờ đây, công đức của căn lành đã rõ ràng rồi, chẳng còn nghi ngờ nữa. Nhưng đối với công đức của vô tâm còn có chỗ chưa hiểu?

ĐÁP: Học đòi oai nghi Phật, truyền đạt lời nói Phật và xướng danh hiệu Phật, đều có công đức. Lại đạo nhơn vô tâm cũng hay có các công đức. Nếu bảo vô tâm không công đức, thì các hạnh khác không thể có công đức. Vì tất cả căn lành là nhân duyên công đức của trời, người, còn vô tâm là con đường chóng chứng đạo Bồ-đề. Công đức đó không thể dùng lời lẽ mà kể xiết, thực là một đại sự nhân duyên, phiền não, sinh tử tự tiêu diệt, thân tâm nhất như, tức tâm thành Phật, còn nghi gì nữa ư?

Người xưa nói: “Cúng dường ba đời các đức Phật, chẳng bằng cúng dường một đạo nhơn vô tâm” Thực là, cảnh giới chỉ có Phật với Phật biết nhau, hạng phàm phu cùng Nhị thừa chẳng có thể lường nổi.

14. HỎI: Các kinh chẳng nói vô tâm, cũng chẳng khen ngợi. Cớ sao tông này lại quý trọng lẽ ấy đến thế?

ĐÁP: Trong các kinh nói đến lẽ này rất nhiều. Như nói: “Ngôn ngữ đạo đoạn”. Hoặc nói: “Bất khả thuyết”. Hay là: “Cứu cánh không”. Cũng nói: “Một đại sự nhân duyên”. Hoặc lại nói: “Các pháp vốn tịch diệt”. Đức Thích Ca đóng cửa thất, Ngài Tịnh Danh ngậm miệng. Đây há chẳng phải chỉ bày cảnh giới vô tâm là gì ư? Vì ảnh hưởng đến bậc Bồ-tát đã chứng trí, nên đức Thế Tôn không nói đó thôi. Lại hàng Nhị thừa còn kém cỏi nên Phật cũng chẳng nói. Do đó, kinh Pháp Hoa dạy: “Đối với hạng người không trí, chớ nói kinh này”. Ấy chẳng ngoài ý dẫn trên.

Các kinh có đến tám muôn bốn ngàn pháp môn, nhưng chẳng ngoài hai pháp sắc, không. Tất cả loài có hình tướng đều thuộc sắc là thân, còn loài chẳng lộ bày tướng ra, đều thuộc Không. Thân có hình tướng, nên nói là sắc, tâm không hình, nên bảo rằng không. Các kinh điển của Phật nói, đều chẳng rời ngoài hai pháp sắc, không này. Đó là nói cảnh giới vô tâm bất khả thuyết. Sở dĩ, chẳng khen ngợi lẽ này, là vì ngôn ngữ chẳng đến được, nên chỉ nói “Ngoài giáo truyền riêng”.

15. HỎI: Thế thì, sắc thân này có thể là mê ư? Cũng có thể là ngộ ư? Tâm là vật gì? Căn bản của mê và ngộ không thể không biết đó. Lại tâm ở trong thân, hay ở ngoài thân, nó từ chỗ nào dấy lên như thế?

ĐÁP: Sắc thân bốn đại, năm uẩn đầy khắp mười phương, là căn bản của tất cả chúng sanh. Nhân duyên hòa hợp, thì thân thể kiến lập, gọi đó là sinh. Quả báo đổi dời, thì bốn đại phân tán, gọi đó là chết. Sắc tướng, thì có phàm thánh, tâm thể vốn chẳng ngộ, mê. Tuy nhiên, giả có mê, nên gọi chúng sanh, ngộ gọi là chư Phật. Mê ngộ chỉ nhân vọng tâm, chân tâm thì không mê ngộ, chúng sanh hay Phật vốn nhân nơi một tâm mê ngộ này. Rõ được bản tánh, thì hoàn toàn không có phàm, thánh sai biệt. Nên kinh Thủ Lăng Nghiêm nói:

“Bản tánh nhiệm mầu tròn sáng, rời ngoài các danh tướng, xưa nay chẳng có thế giới chúng sanh”.

16. HỎI: Tâm tánh vốn chẳng mê. Nếu vậy, mê tình khởi từ chỗ nào?

ĐÁP: Nếu khởi vọng niệm, mê liền theo đó mà đến. Mê đến, nên phiền não sanh. Vọng niệm nếu dứt thì mê cũng từ đó mà đi. Mê đã đi, nên phiền não diệt. Nên biết, pháp phiền não là pháp sinh, đó là hạt giống sanh tử, Bồ-đề là pháp diệt, thì là vui tịch diệt. Khi mê, các pháp đều là phiền não. Lúc ngộ, các pháp đều là Bồ-đề. Người đời chẳng biết cội gốc mê ngộ này, nên nhàm sanh tử, buộc niệm chẳng khởi, cho đó là một niệm không sanh, là vô tâm. Đó vẫn là niệm sanh tử, chẳng phải vô tâm, chẳng phải tịch diệt. Dùng niệm dứt niệm, là sanh tử nối tiếp.

17. HỎI: Tiểu thừa thì rơi vào lý Không, chẳng biết vô tâm. Đại thừa Bồ-tát có thể được vô tâm chăng?

ĐÁP: Hàng Bồ-tát đến Thập địa vẫn còn lầm trí nhị chướng, chẳng được vô tâm. Một hoặc chướng này, vào đệ Thất địa, tâm tìm pháp vẫn còn, nên bị chướng. Đến đệ Thập địa, có tâm giác chiếu, nên cũng bị chướng, cho đến lúc thành Đẳng Chánh Giác, mới hợp với vô tâm này.

18. HỎI: Đã là hạng Bồ-tát đến Thập địa còn chẳng biết, huống nữa bọn phàm phu sơ tâm học đạo, thì làm sao có thể hợp với vô tâm?

ĐÁP: Đại thừa thì không thể nghĩ bàn. Có trường hợp thẳng tiệt (chặt đứt) một niệm, chóng ngộ cội nguồn.

Các nhà bên giáo lập Tam hiền, Thập thánh là vì hạng người căn cơ chậm lụt. Hạng lợi căn, ngay khi mới phát tâm liền thành Chánh giác. Cũng có trường hợp thẳng đến thành Phật một cách nhanh chóng không thể nghĩ lường.

Bậc Thập Địa, Đẳng Giác hợp với vô tâm, thì ngang với hạng người hiện nay kiến tánh thành Phật. Nên biết, trong lý vô tâm không có sai khác.

19. HỎI: Thấy tánh thành Phật, việc đó thế nào? Tánh là gì? Thấy là thấy cái gì? Dùng trí có thể biết chăng? Con mắt có thể thấy chăng? Nghĩa đó ra sao?

ĐÁP: Học kinh luận được trí, tức là trí phân biệt bằng thấy nghe hiểu biết. Ở đây, người tu hành chẳng dùng trí ấy mà thấy biết bằng hồi quang phản chiếu, bằng tự tánh sẵn có, cũng gọi là huệ nhãn. Tuy nhiên, sau khi thấy tánh rồi, vẫn thụ dụng bằng thấy nghe hiểu biết như thường.

20. HỎI: Thấy biết tự tánh sẵn có, cái thấy biết có thể biết được, còn tự tánh sẵn có là thế nào?

ĐÁP: Vì tất cả chúng sanh xưa nay vẫn có tánh, nên trợ giúp khởi lên tự thể. Tánh này từ vô thủy đến nay chẳng sinh, chẳng diệt, không sắc, không hình, thường trụ chẳng biến đổi, gọi đó là tự tánh sẵn có. Tự tánh này cùng với chư Phật, một vị bình đẳng, nên cũng gọi là Phật tánh. Tất cả ngôi Tam Bảo, chúng sanh trong sáu nẻo, do tánh này làm cội gốc mà thành tựu tất cả pháp.

21. HỎI: Hồi quang phản chiếu là thế nào?

ĐÁP: Chiếu là soi rõ các pháp bên ngoài, tự mình có cái sáng suốt chiếu lại bên trong.

Tâm sáng suốt, như ánh sáng không lường, không ngằn của mặt trời, mặt trăng hay chiếu soi trong ngoài tất cả cõi nước. Ánh sáng đó, chẳng đến chỗ u ám gọi là núi đen hang quỷ, các loài quỷ thần đều ẩn nấp trong đó. Hạng quỷ thần này, hay nhiễu hại chúng sanh. Tâm pháp cũng như thế, trí sáng không lường không ngằn của tâm tánh hay chiếu suốt các cảnh giới. Ánh sáng đó, chẳng đến chỗ ngăn khuất, gọi là vô minh, ấm giới, tất cả phiền não đều trụ trong đó. Phiền não, thì hay nhiễu hại chúng sanh. Trí tâm là ánh sáng. Vọng niệm là những cái bóng. Soi sáng sự vật nói là chiếu. Cảnh giới tâm niệm chẳng đổi dời hướng vào bản tánh, nên nói rằng hồi quang phản chiếu.

Lại nói chiếu khắp, chính là chiếu khắp đương thể (thể hiện hữu) chỗ mê, ngộ chưa hiện bày. Thế mà thời nay người dùng vọng niệm để suy tìm bản tâm, lấy phiền não làm thú vui, thì bao giờ mới cởi bỏ sanh tử?

22. HỎI: Ngồi thiền lấy “một niệm không sanh” làm tỉnh yếu (chỗ quan yếu để tỉnh giác). Lấy niệm dừng niệm, đây thời chẳng khác lấy máu rửa máu. Việc đó thế nào?

ĐÁP: Một niệm không sanh, chính là tâm pháp bản thể, chẳng phải dừng niệm, cũng chẳng phải chẳng dừng niệm, chỉ là một niệm không sanh. Nếu hợp với bản thể này, thì đó là pháp tánh Như Lai. Bấy giờ, việc ngồi thiền cũng bằng vô dụng. Không mê, không ngộ, há lại còn có một niệm ư? Nếu chẳng nhận được bản thể này, thì đâu gọi là được không sanh. Dù đè niệm chẳng cho khởi, cũng đều là vô minh. Chẳng khác lấy đá đè cỏ, chẳng bao lâu cỏ ấy lại sanh. Phải công phu miên mật lắm, không thể dung dị mà được.

23. HỎI: Hoặc có người hỏi, lúc đến chỗ một niệm không sanh, thì thế nào?

ĐÁP: Một niệm không sanh là hoàn toàn không tướng sanh diệt, đi lại, có thể nói năng chỉ bày. Sự sanh tử theo niệm mà khởi, nếu chẳng biết chỗ niệm khởi thì, chẳng rõ được cội gốc sanh tử. Các chúng sanh trong suốt 12 giờ bị giặc phiền não sai sử trái với tánh bản hữu. Nếu mây vọng niệm tan, tâm tánh như ánh sáng mặt trăng. Những niệm xấu từ trước nay đều trở thành trí huệ, dùng niệm này có thể thuyết pháp giáo hóa chúng sanh. Người xưa bảo:

“Các ngươi bị 12 giờ sai sử, ta sai sử được 12 giờ”.

24. HỎI: Khi ngồi thiền, niệm khởi là lỗi, ngừng lại có lỗi chăng? Việc đó thế nào?

ĐÁP: Lúc chưa thấy tánh, khởi hay ngừng đều có lỗi. Trong kinh Phật dạy: “Chẳng khởi vọng niệm”, hoặc nói: “Cũng chẳng diệt hẳn”. Đó là lối nói khiến cho ta nhận bản tánh. Người thấy tánh thì việc tu hành là vô dụng. Bệnh mê vọng đã trừ, khoa trị liệu nào có ích gì. Tuy nhiên, bệnh mê tình dấy khởi, thì dùng tu hành để trị liệu, bệnh niệm chẳng còn khởi nữa, thì chẳng dùng thuốc tiếp tục.

25. HỎI: Dù có niệm khởi, nhưng niệm vốn không tự tánh, thì có lỗi gì?

ĐÁP: Tuy không tự tánh, nhưng dấy khởi đều có lỗi. Cũng như việc trong mộng, sau khi thức giấc, biết nó hư vọng, há bảo không lỗi sao? Khởi lên tức thành lỗi, còn mộng là do chúng sanh vọng thấy, một khi được nghe Phật pháp, phát khởi lòng tin, việc đó thù thắng hơn. Thế nhưng, chẳng phải người có đạo tâm chân thực, dụng công một cách hời hợt, chẳng biết lỗi của tâm, bất chợt đè ép các niệm nhỏ mà chẳng biết các niệm lớn. Nếu chẳng đoạn tiệt từ cội nguồn của nó, thì dù có kết được duyên phần, cũng khó thoát khỏi sanh tử.

26. HỎI: Tất cả việc lành, dữ đều chớ nghĩ lường v.v… Mặc kệ nó, việc xấu tốt không nên nghĩ lường, như thế mới thực là người dụng tâm tọa thiền. Nếu vậy, đối với các niệm lớn, nhỏ phải làm sao đây?

ĐÁP: Tất cả việc lành, dữ đều chớ nghĩ lường, đó là lời nói chặt thẳng vậy. Còn tính thời gian ngồi thiền, chẳng nên dùng nó. Nếu đến ruộng đất này, thì đi, đứng, ngồi, nằm đều là thiền hẳn chẳng nên cố chấp tướng ngồi. Tổ sư bảo: “Đi cũng thiền, ngồi cũng thiền, nói, nín, động, tịnh thể an nhiên”.

Trong Kinh Phật có dạy:

“Thường sống trong đó, kinh hành hoặc ngồi nằm…”. Những niệm nhỏ lăng xăng theo cảnh trước mắt. Những niệm lớn khởi lên, là tham dục, sân khuể, ngu si, tà kiến, kiêu mạn, tật đố, danh văn, lợi dưỡng… Người chí mỏng, lúc ngồi thiền, chỉ thu nhiếp các niệm nhỏ. Còn những ác niệm này chẳng biết chúng ngủ ngầm trong tâm ta, gọi là những niệm lớn. Ném bỏ các ác niệm này, gọi là chặt thẳng cội nguồn. Chặt thẳng cội nguồn thì phiền não là Bồ-đề, ngu si thành trí tuệ, ba độc thành ba tụ tịnh giới, vô minh thành pháp tánh đại trí. Đã vậy còn nói gì là các niệm nhỏ ư? Đức Phật dạy:

“Nếu hay chuyển vật, tức đồng Như Lai”. Là ý này vậy. Chỉ hay có thể chuyển vật, chớ để bị vật chuyển!

27. HỎI: Nếu hay chuyển vật tức đồng Như Lai. Vật là vật nào? Chuyển là việc gì?

ĐÁP: Vật tức là vạn vật, chuyển tức là thoát thể. Chuyển vật tức là gặp tất cả cảnh giới mà tâm chẳng đổi, đều hướng đến bản tánh. Cảnh chẳng ngại tâm, thiên ma ngoại đạo, phiền não sanh tử, chẳng có cơ hội thuận tiện. Đấy gọi là chuyển vật, nơi vật chẳng đổi tâm mà dụng tâm. Thấy Phật, thấy pháp, còn phải đoạn tuyệt, hà huống là vọng niệm ư? Tâm đoạn tuyệt này, dù giống như tà niệm, kỳ thực nó là chánh niệm. Chánh niệm thì gọi là huệ niệm, cũng chính là trực nhập trí huệ chánh kiến.

28. HỎI: Phiền não, Bồ-đề, đều từ một tâm này khởi lên đã phân minh, nhưng đầu mối của nó khởi lên từ chỗ nào?

ĐÁP: Nghe tiếng, thấy sắc, ngửi mùi, nếm vị, biết xúc chạm, nhận rõ các pháp đều là đức dụng của sáu căn. Gá cảnh giới này, rồi phân chia thành lành, dữ, biện biệt chánh tà, cho là trí huệ. Nơi đó lập nhân ngã, khởi tắng ái đều là vọng kiến. Theo vọng kiến ấy, thành trước tướng gọi là mê. Từ đây khởi mê năm uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức, gọi là phiền não. Do phiền não, kiến lập thân thể. Lại chúng sanh, phần nhiều ưa giết hại, trộm cướp, tà dâm, nói vọng v.v… hoàn toàn bị rơi vào ba đường dữ, đều từ vọng niệm mà khởi lên. 

Những vọng niệm này lúc chúng mới phát khởi, liền chuyển thẳng tất cả hướng đến bản tánh, tức thành vô tâm. Đã an trụ nơi vô tâm, thì thân năm uẩn này liền thành năm phần pháp thân của Như Lai. Đấy gọi là: “Nên không chỗ trụ, mà sanh tâm kia”.

Dụng tâm như thế là người đại dụng tu hành.

29. HỎI: Người dụng công ngồi thiền tích lũy công phu lâu ngày đã thuần thục, thì không thể có tâm phiền não tà mê. Kẻ mới tu hành, làm sao có thể sạch hết phiền não?

ĐÁP: Chẳng chán sợ phiền não, chỉ nên tịnh tâm mình. Người xưa nói: “Học đạo cần phải sắt đá, nắm được đầu tâm liền xét thẳng đến Vô thượng Bồ-đề, tất cả việc thị phi cũng chớ quản. Nắm chặt đầu tâm là phê phán tâm tà chánh”.

Nên biết người nhận được cái lầm của tâm mình gọi là người trí. Nếu đã có trí huệ, thì không còn mê. Ví như từ xưa ở trong hang tối, chưa từng gặp ánh sáng mặt trời, mặt trăng, chợt có ánh đèn sáng, thì bóng tối kia chẳng cần đuổi mà chốc lát tự nó biến thành sáng.

Bóng tối vô minh phiền não, khi có ánh sáng trí huệ chiếu đến, thì không đợi phải đuổi mà tự đi. Đêm xuống khắp hư không tối, nhưng ánh sáng mặt trời xuất hiện thì hư không tối tăm kia, liền thành sáng khắp.

Tâm pháp cũng như thế. Mê thì tối, ngộ là sáng. Ánh sáng trí huệ chiếu soi, thì bóng tối phiền não tan diệt liền thành sáng suốt. Thế nên, Bồ-đề không riêng có hai pháp.

30. HỎI: Chiếu phiền não tối, là nương sức trí huệ, không trí huệ, thì không thể có Bồ-đề. Thế thì làm thế nào được trí huệ này?

ĐÁP: Trí quang của mình, tự nó sáng suốt. Tuy nhiên khi bị vọng trần che khuất, tạm thời nó mất đi, nên nói mê mới nổi dậy, chẳng khác người trong lúc thấy chiêm bao, mỗi việc mỗi việc đều là tướng chân thật, sau khi thức giấc, lại không một việc.

Cũng thế, mộng vọng tưởng sau khi tỉnh, biết nó từ nơi bản không. Do chúng sanh mê muội, nên nhận vọng làm thực.

31. HỎI: Người ngộ là hằng ngày so sánh việc chẳng biết mà chợt biết được, vậy có thể biết được việc của quá khứ, vị lai chăng?

ĐÁP: Hết sạch vọng kiến, mộng lớn chốc lát tỉnh biết, thấy Phật tánh, gọi là đại ngộ, đại triệt. Chỗ này so sánh nghĩ lường không thấu nổi.

Biết được việc quá khứ, vị lai, là do sức thần thông, và do công lực tu hành, chẳng nên gọi là đại ngộ. Bọn thiên ma, quỷ thần, ngoại đạo, tiên nhơn đều có thần thông này, xưa kia họ từng tu hành các khổ hạnh. Đức đó tuy có, nhưng chẳng rời tà kiến, nên chẳng vào được trong hàng Phật đạo.

32. HỎI: Người ngộ đạo, đắc pháp, mà chẳng đầy đủ thần thông, thì có đức dụng gì? ĐÁP: Thân này bởi do quá khứ ngu mê mà kiến lập, dù là người kiến tánh thành Phật, nhưng thần thông chưa lộ bày. Thế nhưng, ngộ thì thấu thoát sáu trần, đoạn tuyệt sinh tử, nên từ đó mà đầy đủ thần thông diệu dụng. Đây chẳng phải là sức thần thông hữu lậu của bọn thiên ma, ngoại đạo…

Người hoát nhiên đại ngộ, chẳng cần phải trải qua ba đại a-tăng-kỳ kiếp, liền thành Phật đạo, đâu riêng luận thần thông diệu dụng ư!

33. HỎI: Kiến tánh thành Phật, cùng tức tâm tức Phật, có khác nhau chăng?

ĐÁP: Tức tâm tức Phật, là lời nói chỉ thẳng ngoài tâm không có Phật. Nếu nhận nơi ý chỉ này, là người lanh lợi. Hoặc cũng chỉ bày phi tâm phi Phật…

Kiến tánh thành Phật, là thấy biết tự tánh, đoạn tuyệt mạng căn chúng sanh, nhận ra bản tánh nhiệm mầu tròn sáng. Thế thì, không còn sinh tử, chẳng có phiền não, chỉ giả danh mà gọi là thành Phật. Phật là giác. Giác, thì rõ ràng xưa nay chẳng từng mê. Tuy không đồng, dị mà vào cửa in tuồng có sự sai khác. Do đó, liền thành lời nói có hai chiều.

34. HỎI: Tánh thì thường trụ bất biến, chư Phật cùng chúng sanh một vị bình đẳng. Tuy nhiên, mê là chúng sanh có khổ sanh tử. Như vậy, đâu có thể bảo một vị bình đẳng được?

ĐÁP: Một vị bình đẳng là chỗ trí huệ chiếu đến, chẳng phải hạng ngu si thấy được.

Tổ sư dạy: “Phải dùng hòn gạch đi gõ cửa thiện tri thức”. Khi chưa vào cửa, lời nói kiến tánh thành Phật là tột cùng. Vào được cửa này, vì lìa các tướng, nên thành Phật lại vô đắc.

35. HỎI: Các tông Hiển, Mật, đều có tám pháp: Giáo, Lý, Trí, Đoạn, Hạnh, Vị, Nhân, Quả. Hàng Nhị thừa Thanh văn, tu tứ thiền, bát định, khỏi được ba tai nạn, nước, lửa, gió. Không, sắc, thọ, tưởng, hành, thức, vào vô dư Niết Bàn. Bậc Bồ-tát, gìn giữ ba tụ tịnh giới, tu từ bi vạn hạnh, trải qua ba ngôi Hiền, mười bậc Thánh, dứt được các phiền não trong và ngoài. Nếu bảo, phiền não không có nơi chỗ thì cảnh giới Phật nương đâu mà có ba đời chư Phật, ra khỏi pháp giới chân như, thị hiện trong cõi dục sinh tử này ư?

ĐÁP: Chư Phật, Bồ-tát, lấy việc lợi sinh làm sự nghiệp, nếu chẳng làm lợi ích chúng sanh thì chẳng phải là Phật, Bồ-tát. Hàng Tam thừa, chẳng vì lợi ích chúng sanh, nên Đại thừa cho họ đã rơi vào hầm sâu giải thoát. Hàng Bồ-tát Tam hiền, Thập thánh chuộng vào cửa huyền, vì độ chúng sanh mà ra khỏi cõi an lạc tịch quang, hiện thân vào đời ác năm trược, thành đạo dưới cội Bồ-đề.

Ví như chỗ cao nguyên đất bằng, không thể mọc hoa sen, nơi ẩm thấp, bùn lầy hoa sen thường sinh trưởng tươi đẹp. Lại như việc cấy hái của nhà nông, chỗ đất trắng khô, không thể gieo giống lúa mạ được, gặp nơi bùn ướt có nhiều phân tốt, giống lúa mạ mới phát triển mạnh mẽ. Nhân duyên đến mùa, dương khí sinh động, mưa gió thấm nhuần, mầm non lớn dần, thân cây, nhánh lá xinh tươi, rậm rạp, lúa mạch, lúa mì… bắt đầu rộ chín. Bấy giờ công việc của nhà nông hoàn tất, có thể ca khúc thanh bình.

Chư Phật ra đời cũng thế. Cõi giải thoát tịch quang chẳng hay kiến lập Phật pháp, mà trong đời ác năm trược, các Ngài hay mặc y xấu rách, đúng thời cơ nói pháp, gieo hạt giống chân chính, khuyến dẫn chúng sanh đang bị phiền não ác nghiệp lôi cuốn. Nhân duyên đến mùa, mặt trời tuệ chiếu soi, gió lành thổi mát, mưa pháp đượm nhuần, vị cam lồ chan rưới, mầm non, nhánh lá, gốc giác đạo sum sê. Cây Bồ-đề sống mạnh, liền nở hoa Đẳng giác kết trái Diệu giác. Thế là công việc hoá đạo lợi sanh được hoàn thành viên mãn, khi này các Ngài có thể xướng khúc Diệu pháp Niết Bàn thường lạc.

Hàng đạo nhơn xem nhục thân này như một gốc cây, gặp đất thối lục trần, sanh hạt giống giải thoát. Đã gieo mộng sắc thân, mầm chồi tánh trí cũng nhân đây nẩy nở. Cội cây tâm niệm lớn dần, cọng ý tưởng phát triển, nhánh thần thức rậm tươi, lá tình dục sum sê, thành cội rễ vô ưu, trổ hoa tri kiến, kết trái giác ngộ. Như thế sự nghiệp của đạo hoàn thành, có thể vui hát khúc Vô tâm.

Phàm phu cũng có một gốc cây, gặp đất khô cằn ngu si, vun quén bằng phân tham ái, gieo hạt giống vô minh. Gieo mộng năm uẩn, mầm chồi nghiệp thức sống dậy, cây chấp trước lớn dần, cộng nhân ngã, nhánh siểm khúc, lá tật đố xanh rậm, thành gốc cây phiền não, đơm hoa đẹp mê say, kết nên trái tam độc, và đó là việc danh lợi đã xong, có thể ca bài vui ngũ dục.

Hãy nói từ nơi ba gốc cây này có sự hơn kém nhau chăng? Nếu có người một tay nắm cả ba gốc cây này, cùng một lúc nhổ sạch, vun trồng nơi đất không âm dương, liền thành cây vô ảnh, đương sự là hạng người có lực lượng lớn.

Trời đất cùng ta đồng một cội nguồn, muôn vật với ta chẳng khác thể tánh. Thử hỏi, ta là gì? Nếu nói rằng, thành Phật, thì trời đất còn cách xa ta lắm!

 

 

Mục Lục