Thiền Tông Việt Nam
Hương Sen Ngàn Cánh - Chân Hiền Tâm
5. Bồ-Tát Vô Úy Đức (2)

Vô Úy Đức lại nói với Tu Bồ Đề : Nay nên khéo nói về hạnh của Bồ tát.

Vô Úy Đức muốn nói về những hạnh mà nếu thực hiện được nó, chúng sanh sẽ thành Phật.

Tu Bồ Đề : Cô cứ nói, ta nghe.

Tu Bồ Đề luôn sẵn sàng.

Vô Úy Đức nói : Thưa Tôn giả! Bồ tát thành tựu tám loại pháp hạnh, không được nói là tại gia hay xuất gia. Thế nào là tám?

1/Bồ tát được thân thanh tịnh, tin chắc bồ đề.

2/Thành tựu đại từ đại bi không bỏ chúng sanh.

3/Thành tựu đại từ bi nên thiện xảo tất cả sự ở thế gian.

4/Có thể xả thân mạng và thành tựu phương tiện thiện xảo.

5/Thiện xảo vô lượng nguyện lực.

6/Thành tựu hạnh Bát Nhã Ba la mật lìa tất cả kiến.

7/ Đại dũng mãnh tinh tấn vì tu các thiện nghiệp không chán đủ.

8/Được trí vô ngại vì được vô sanh pháp nhẫn.

Thưa Tôn giả! Bồ tát thành tựu 8 pháp như vậy, không được nói là tại gia hay xuất gia. Bất cứ oai nghi nào trụ trong bồ đề cũng không có chướng ngại.      

Trước nói tổng quát về ý nghĩa của toàn đoạn. Sau giải thích vào chi tiết của 8 hạnh.

Không phải chỉ với Tu Bồ Đề, mà hầu hết mọi người, đều cho rằng xuất gia là hơn tại gia. Điều đó không sai. Vì điều kiện tu hành của chư vị hơn hẳn người tại gia, ít nhất là về mặt giới luật và thời khóa. Đương nhiên, phải là người có giới luật và thời khóa, mới hơn người tại gia không đủ thời khóa và giới luật. Song nếu là hàng tại gia mà gặp phải những vị như Vô Úy Đức, Hằng Hà Thượng hay cư sĩ Duy Ma Cật, thì xuất gia chưa chắc bằng tại gia. Vì thế, hơn hay thua không nằm ở tại gia hay xuất gia, mà ở khả năng và trí tuệ của mỗi người. Cho nên, mở màn cũng như chấm dứt, Vô Úy Đức nhấn mạnh 2 lần “Không phân biệt là tại gia hay xuất gia”, để phá bỏ ý tưởng xuất gia mới có phần. Chỉ cần thành tựu đủ 8 hạnh sau thì dù trong thân tướng nào, cũng an trụ được bồ đề.

1. Được thân thanh tịnh, tin chắc bồ đề.

Nói về thân, THANH TỊNH có nghĩa là trong sạch. THÂN THANH TỊNH nghĩa là phải giữ gìn phạm hạnh trong sạch. Dù là tại gia hay xuất gia thì đều không sát sanh, không hành dâm v.v… là những giới luật giúp thân thanh tịnh.

TIN CHẮC BỒ ĐỀ là niềm tin đối với tánh giác và quả Phật không hề thối chuyển. Chẳng hạn, do tập trung tu thiền định và trí tuệ nên phần phước lợi của mình hạn chế hơn người chỉ tập trung tu phước. Từ sự hạn chế đó, phát sinh những báo nghiệp không được dư giả như người chỉ tập trung tu phước. Trong khi cuộc sống từ vật chất đến tinh thần, có thứ chỉ có tiền mới giải quyết được, không phải là trí tuệ. Song dù trong báo nghiệp thiệt thòi đó, mình vẫn một mực hướng về bồ đề, nếu tu phước cũng vì con đường bồ đề của mình, không phải để chấm dứt các thiệt thòi kia. Tâm như vậy gọi là TIN CHẮC VÀO BỒ ĐỀ.

Khổ và mạt quá thành siêng năng đến chùa tu tập làm công quả. Do việc tu tập đó, duyên thuận đến với mình. Tiền bạc và việc làm ăn bắt đầu thuận lợi. Do cái thuận lợi ấy mình không còn thì giờ đến chùa. Sự tu tập được gác qua một bên để kiếm tiền và tự biện với lòng rằng, mình còn nghiệp phải trả. Cái biện minh đó nói lên niềm tin bồ đề của mình đã tiêu ma. Duyên thuận đến mà nhắm cái thuận duyên ấy sẽ làm mình bỏ công phu, nên quăng nó qua một bên thì niềm tin vào bồ đề của mình mới gọi là vững chắc. Nói chung, dù nghịch cảnh hay thuận cảnh mình vẫn cứ một mực hướng về bồ đề, là tin chắc vào bồ đề.

2. Thành tựu đại từ bi không bỏ chúng sanh.

Muốn thành tựu đại từ đại bi thì phải có đại trí. Có đại trí lập tức có đại từ đại bi. Có đại từ bi thì không bao giờ bỏ chúng sanh. Muốn có đại trí thì phải tu tập thiền định để tâm được thanh tịnh. Tâm thanh tịnh thì trí sẽ hiển như phần trên đã nói.

3. Thành tựu đại từ bi nên thiện xảo tất cả sự thế gian.

THIỆN XẢO ở đây có nghĩa là khéo biết, khéo nắm vững, khéo hành xử. Có đại bi là có đại trí. Đó là nền tảng để có cái nhìn đúng đắn, cách hành xử khéo léo đối với vạn sự ở thế gian.

4. Có thể xả thân mạng và thành tựu thiện xảo.

Muốn có thiện xảo như đã nói ở phần 3 thì phải có đại trí. Phần đại trí này ai cũng sẵn đủ. Nhưng bận chạy theo tham dục, nên không dùng được. Muốn dùng được nó phải có một quá trình tiêu trừ tham dục. Khổ nạn dữ lắm! Không có tâm dám xả thân mạng thì khó mà dứt nọc được cái tham dục đó. Vì thế nói CÓ THỂ XẢ THÂN MẠNG … CÓ THỂ nghĩa là khi cần bỏ thân mạng là bỏ không có luyến tiếc. Nói thì thấy khó, chuyện chưa tới thấy hãi hùng, nhưng trên đời này có rất nhiều người vì cứu mạng người khác mà dám hy sinh cả thân mình dù chưa hề biết Phật pháp là gì. Đó là do ai cũng có sẵn đại trí và đại bi. Chỉ cần không có tâm phân biệt thì dùng được cái đại trí đại bi ấy tức thì.

THÀNH TỰU THIỆN XẢO nói đây, là lập bày những phương tiện khéo léo mang lại lợi ích cho chúng sanh. Như với người thích nhạc, mình làm nhạc cho họ nghe, khiến họ phát tâm qui y hoặc qui hướng bồ đề, là mình đang thành tựu phương tiện thiện xảo.

5. Thiện xảo vô lượng nguyện lực.

Là khéo thành tựu vô lượng nguyện lực. Nguyện lực là lực của đại nguyện. Có nguyện thì có lực của đại nguyện. Lực này chính là đại dụng của chân thể Pháp thân. Theo kinh Thắng Man, chỉ cần một đại nguyện nhiếp thọ chánh pháp thì có thể thâu tóm tất cả mọi đại nguyện. NHIẾP THỌ CHÁNH PHÁP là sao? Là nhiếp thọ chúng sanh trong tâm, cũng như nhiếp thọ chúng sanh hữu duyên ngoài tâm. Chỉ cần làm xong hai việc đó là mình thành tựu được vô lượng nguyện lực.

Như pháp Biết vọng không theo. Chỉ cần một động tác biết, biết được tất cả sanh khởi của tâm, không để nó sai xử, là mình đang phá cái sanh khởi của tâm mà cũng là phá luôn trí phân biệt, đưa tâm về chỗ vô trụ. Nhiếp thọ chánh pháp cũng vậy. Chỉ cần thực hiện một đại nguyện NHIẾP THỌ CHÁNH PHÁP là thâu tóm hết mọi đại nguyện. Nhiếp thọ chánh pháp thành tựu thì sống được với bản tâm chân thật của chính mình. Không dụng nào bằng dụng của Phật tâm. Không lực nào bằng lực của đại nguyện nhiếp thọ chánh pháp.

6. Thành tựu Bát Nhã Ba la mật lìa tất cả kiến.

KIẾN là quan niệm, định kiến. Kinh luận gọi nó là sở tri chướng. Sở tri chướng này có thô và tế. Nói đến BÁT NHÃ là nói đến cái không. Tâm không thì không có sở tri. La Hán cũng chứng tâm không, nhưng cái không của La Hán vẫn ẩn tàng sự phân biệt giữa niết bàn và sanh tử. Cái phân biệt đó thuộc sở tri. Bát địa của hàng Bồ tát đã chứng chân như thì trí phân biệt này hoàn toàn hết, là lúc thành tựu hạnh Bát Nhã Ba la mật, chỉ còn phần sở tri vi tế là Nghiệp tướng vô minh.

7. Đại dũng mãnh tinh tấn vì tu các thiện nghiệp không chán đủ.

Không chán đủ là không biết chán mà không thấy đủ. KHÔNG CHÁN thì mới tinh tấn làm hoài, KHÔNG THẤY ĐỦ thì mới dũng mãnh làm nữa. Với việc tu phước cũng như tu huệ, không bao giờ có tâm ngưng dứt.

8. Được trí vô ngại vì được vô sanh pháp nhẫn. Được vô sanh pháp nhẫn là lúc trí phân biệt đã hết. Do phân biệt hết nên có trí vô ngại. Biện tài của đồng nữ Vô Úy là biểu hiển cho trí vô ngại đây.

Ai thực hiện được 8 điều đó là Bồ tát. Thực hiện được ít thì làm tiểu Bồ tát, thực hiện được nhiều thì làm Đại Bồ tát, không kể là xuất gia hay tại gia, con nít hay người lớn, già hay trẻ, nam hay nữ v.v…

Lúc ấy Tôn giả La Hầu La nói với Vô Úy : Lời nói này là ngôn thuyết bất tịnh. Ngươi mang guốc báu ngồi nơi tòa cao mà luận nghị qua lại với chư Thanh văn như vậy. Ngươi há không nghe, người bất tịnh thì không được thuyết pháp, cũng không được vì người ngồi nơi tòa cao mà thuyết pháp ư?

Té ra nãy giờ nói qua nói lại nhiều như thế mà chị vẫn ngồi, còn hàng Thanh văn vẫn đứng. La Hầu La là đệ tử nhỏ nhất trong Tăng đoàn, là con máu thịt đẻ ra của đức Phật. Chắc thấy ngứa tai ngứa mắt quá, nên phải lên tiếng. BẤT TỊNH là không thanh tịnh, lời nói không đúng pháp. Trong khi các đại đệ tử của Phật thì đứng lủ khủ cả đống, còn chị nàng cứ mang guốc báu ngồi ngất ngưỡng trên tòa cao. Tướng mang guốc báu ngồi tòa cao này với Tu Bồ Đề chắc rất chướng mắt, nên ông nhắc đến nó trong lời nói của mình. Quả tình là bất tịnh! Đừng nói là phải nghe thêm những lời chị nàng vừa nói. Vì thế nói “Người bất tịnh không được thuyết pháp”. Đã vậy, còn biện tới biện lui tại gia không thua xuất gia, thì quả tình không có tôn ty trật tự, khó chấp nhận cũng phải.

Xuất ra một dọc dài cam lồ vị như thế, là do nghe Vô Úy Đức nói “Không kể là tại gia hay xuất gia, chỉ cần thực hành 8 pháp là làm Bồ tát”. Nói kiểu đó thì không thể nhịn được nữa. Đụng vào chư vị hay chấp tướng, một cọng lông vô tình chỏng ngược, cũng khó mà thoát.

Vô Úy Đức : Tôn giả có thật biết về tịnh và bất tịnh chăng? Thưa Tôn giả, thế gian là tịnh chăng?

Tôn giả dùng hai chữ bất tịnh để giủa con, nhưng Tôn giả có nắm được nghĩa của chúng không mà dùng như thế? Nếu nắm được nghĩa của chúng, vậy con xin hỏi Tôn giả “Thế gian là tịnh phải không?”.

La Hầu La : Không có tịnh hay bất tịnh.

Tuy là Thanh văn nhưng cái thấy vượt hẳn hàng Thanh văn. Trả lời không có chỗ để xét nét.

Vô Úy Đức nói : Như Lai chế giới theo đó mà thọ hành, nếu phạm giới đó thì có tịnh và bất tịnh. Nếu là người không phạm giới thì không có tịnh hay bất tịnh. Thưa Tôn giả! Thôi đi, thôi đi, chớ nói như vậy. Nếu y theo thuyết pháp, y theo chế giới mà tu hành thì người đó bất tịnh. Thưa Tôn giả! Nhưng vì chứng được pháp vô lậu nên người đó không có phạm. Vì không phạm thì người đó cũng không có tịnh hay bất tịnh.

GIỚI chỉ được đặt ra sau khi có lục quần Tỷ kheo. Trước đó không có giới. Vì sao? Vì bản tâm thanh tịnh vốn không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, tịnh hay bất tịnh. Song do mê mà chúng sanh ngày càng xa rời bản tâm thanh tịnh, tạo nhiều nghiệp báo đau khổ nên Phật đặt ra GIỚI hầu giúp chúng sanh có được quả báo tốt đẹp. Như bản tâm vốn không có tham. Song do mê mà chấp ngã nên thứ gì cũng muốn gom vào mình. Cái gom vào đó khiến mình bị quả báo thiếu thốn đau khổ. Vì thế Phật đặt ra giới không ăn cắp để tránh nghiệp báo khổ mạt. Hành động ăn cắp gọi là bất tịnh, khi hết ăn cắp gọi là tịnh. Như vậy, tịnh và bất tịnh có liên quan đến việc phạm giới. Không có giới, không đặt đến vấn đề tịnh hay bất tịnh.

Người chứng được chủng vô lậu, là người đã sống được với bản tâm thanh tịnh, không còn bị các nghiệp thô sai xử. Nếu thấy hiện tướng, đó là vì phá chấp làm lợi ích cho chúng sanh, không phải họ đang bị thói quen đó sai xử. Không phạm giới thì không có thọ giới cũng không hành giới. Không nói đến giới thì không thể đặt vấn đề tịnh hay bất tịnh.

Cũng như thịt lành chẳng may bị loét, mới phải bôi thuốc. Loét hết mà cứ bôi thuốc thì chỗ bôi thuốc ấy sẽ loét. Đây là lý do vì sao Tuệ Trung Thượng Sĩ dạy Tổ Trúc Lâm “Giữ giới cùng nhẫn nhục, chiêu tội chẳng chiêu phước” và dặn nhỏ “Chớ nói cho người không ra gì biết”. Người không ra gì nói đây là chỉ cho người còn đang cần đến giới luật để trang nghiêm tự thân, chưa chứng được bản tâm thanh tịnh.

Đây là muốn phá cái nhìn lấy TƯỚNG làm chân LÝ tột cùng. TƯỚNG không rời LÝ nhưng TƯỚNG không phải là LÝ. Mọi hình thức chỉ là thuốc trị bệnh. Bệnh còn thì thuốc còn, bệnh hết thì thuốc bỏ, không nên giữ chặt cái thuốc ấy làm chân lý soi ra để suy xét mọi người. Đó là bệnh.        

Vì sao? Vì chư Thanh văn đây đã qua các thuyết pháp, qua các chế giới. Đức Như Lai vì hàng học giả Thanh văn đến trong tam giới vì họ mà thuyết pháp. Nhưng hàng Thanh văn này đã qua tam giới, do nghĩa đó mà nói qua và không qua tam giới như thế. Do kia không hiểu biết về giới nên nói tịnh và bất tịnh. Như hư không chỉ có ngôn thuyết, chỉ có trí lực mới thấy, cho nên có thể nói tịnh và bất tịnh vậy.

VÌ SAO? Là để giải thích vì sao không có chuyện “Người bất tịnh thì không được thuyết pháp cũng không được vì người ngồi nơi tòa cao mà thuyết pháp”. NGƯỜI BẤT TỊNH là ám chỉ cho Vô Úy Đức. NGƯỜI NGỒI NƠI TÒA CAO là chỉ cho hàng Thánh Thanh văn, là những vị đang trong cương vị giáo hóa, ở trên tòa cao thuyết giảng cho đại chúng nghe. Cụm từ đó còn dùng để chỉ cho những bậc trưởng thượng.  

QUA TAM GIỚI là chỉ cho hàng Thanh văn đã chứng quả La Hán. ĐẾN TRONG TAM GIỚI là chỉ cho hàng Thanh văn chưa chứng quả La Hán. La Hán không còn phạm giới thì không nói đến việc nghe pháp hay thọ giới hành giới gì nữa. Vì thế hàng La Hán không rơi vào bất tịnh hay không bất tịnh. Hàng Bồ tát chứng được chủng vô lậu cũng vậy.

Biện vậy để làm gì? Để tôn giả La Hầu La hiểu 2 điều ngài vừa nêu ra đó, chỉ có thể áp dụng cho hàng Thanh văn hữu học chứ không phải cho toàn bộ mọi người. Phật lập pháp đều có duyên. Duyên như thế thì pháp như thế. Duyên không như thế thì pháp không hẳn thế nữa. Đây là nhắc nhở đến mặt tùy duyên của pháp. Tùy duyên thì không cố định, không phải là chân lý cho mọi vấn đề.

NHƯ HƯ KHÔNG CHỈ CÓ NGÔN THUYẾT là ví tịnh và bất tịnh chỉ có ngôn thuyết, còn bản chất của nó như hư không, không có chất thật. Điều đó chỉ có lực của trí mới thấu được, nên nói CHỈ CÓ TRÍ LỰC MỚI THẤY. Tuy tánh như hư không nhưng tùy duyên hiện tướng, nên tịnh và bất tịnh vẫn có, chứ không phải không. Song CÓ là do duyên, nên nó không mang tính phổ quát trùm khắp, để vin vào đó mà đánh giá hay xét nét mọi người.

La Hầu La nói : Tịnh và bất tịnh có sai biệt gì? Hỏi để rõ vấn đề.

Vô Úy Đức : Thí như vàng ròng lìa các cấu bẩn, để nguyên hay làm ra các vật dụng trang sức thì sắc có gì sai biệt?

Tịnh thấy khác bất tịnh vì mình chỉ nương vào TƯỚNG tịnh và bất tịnh mà thấy, không nhận ra được TÁNH (là tướng thật) của tịnh và bất tịnh. Nếu nhận ra được thực tướng của chúng, mình sẽ thấy chúng không khác nhau. Như vàng đem làm xuyến và nhẫn. Xuyến hay nhẫn, thực chất (tánh của chúng) đều là vàng. Nếu nhìn vào thực chất thì nhẫn không khác xuyến. Nhưng nếu chỉ nhìn vào tướng của chúng, thì thấy chúng khác. Biện ra phần vàng ròng này là để hiểu, thứ gì có hình có tướng thứ đó tùy duyên. Có duyên thì còn, hết duyên thì hết. Không có thứ gì mang tính chân lý hay phổ quát. Không nên chấp vào đó.

Thái độ ngồi chiễm chệ trên tòa cao luận nghị tới lui với hàng Thanh văn của Vô Úy Đức. Mình thấy hành động đó vô lễ vì mình từng được dạy thế nào là lễ độ. Với người trong rừng ra, thái độ đó không gây cho họ ấn tượng nào hết. Họ không thấy đó là lễ độ hay không lễ độ. Vì sao? Vì trong đầu họ chưa từng có cái chuẩn thế nào là lễ độ để so sánh. Phật nói “Thấy biết mà lập thấy biết, gốc của nó là vô minh”. Mình hướng ra ngoài so sánh đánh giá vì trong đầu mình đầy ấp quan niệm định kiến. Cái QUAN NIỆM ĐỊNH KIẾN ấy chính là sở tri chướng mà gốc là vô minh. Cái khó của người tu hành cũng như người giáo hóa là ở chỗ đó. Phải có giới luật để trang nghiêm tự thân cũng như để giáo hóa chúng sanh, nhưng không được chấp vào giới luật ấy. Chấp thì rơi vào trường hợp của ngài La Hầu La. CHẤP là sao? Là mình dùng tiêu chuẩn đó để soi rọi tất cả mọi người. Mình đang lấy cái chuẩn ấy làm tướng bất biến để đánh giá mọi người mà quên mất mặt tùy duyên của nó. Nói đến LÝ thì bất biến nhưng nói đến TƯỚNG (sự) thì phải tùy duyên. Vì sao? Vì LÝ đây là LÝ KHÔNG. Có người, tiêu chuẩn ấy là đúng. Nhưng có người không thế lấy tiêu chuẩn ấy áp đặt cho họ. Như trường hợp nàng Vô Úy Đức.

Với các vị như Ca Diếp, Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, thái độ thiếu lễ độ của Vô Úy Đức không gây ấn tượng gì với họ. Hoặc như ngài Tu Bồ Đề, đã thấu được LÝ KHÔNG, lại rất hồ hởi với trí tuệ của Vô Úy Đức. Ông không hề quan tâm đến hình tướng hay thái độ của nàng. Nhưng với La Hầu La thì khác, vì sao? Vì lúc này ngài chưa chứng quả, vẫn còn trong hàng học giới. Dù là đứng đầu trong hàng học giới nhưng vẫn thuộc hàng học giới, nên việc chấp tướng vẫn xảy ra. “Lời nói này là ngôn thuyết bất tịnh. Ngươi mang guốc báu ngồi nơi tòa cao mà luận nghị qua lại với chư Thanh văn như vậy”. Vì chấp tướng nặng, nên ông để ý từ lời nói cho đến đôi guốc, cách ngồi và việc luận nghị qua lại của Vô Úy Đức, mà không thấy được trí tuệ siêu xuất của cô nàng. Vì thế mọi thứ đều thành khó ưa dưới mắt La Hầu La. Song muốn tu hành thành tựu thì không nên để những thứ đó sai xử cái nhìn của mình. Có vậy, mình mới phá được phần sở tri phân biệt.

Đang trong giai đoạn tu hành, cần phân biệt thứ gì là tịnh là bất tịnh để tu hành. Chứng được chủng vô lậu rồi, cũng giống như người trong rừng kia, cái niệm vô sanh ấy không có tịnh hay bất tịnh. Nương cái niệm ấy tu hành và làm lợi ích cho chúng sanh. Tu hành nói đây là phá tiếp vào trí phân biệt khi đối duyên tiếp cảnh. Đến Bát địa thì SỰ LÝ viên dung. SỰ tức là LÝ. LÝ tức là SƯï. Tịnh và bất tịnh không ranh giới để chấp thủ phân biệt, nhưng không vì thế mà thành người ngu, không phân định được thiên ác.      

La Hầu La nói : Không có sai biệt.

KHÔNG CÓ SAI BIỆT đây là trả lời câu hỏi vàng ròng đem làm đồ trang sức của Vô Úy Đức trên.

Vô Úy Đức nói : Tịnh cùng bất tịnh chỉ có danh tự lấy đó làm sai biệt mà không có sai biệt gì khác. Vì sao? Vì tất cả pháp tánh lìa tất cả cấu uế không nhiễm, không trước.

Khi phá bỏ được trí phân biệt, sống được với tâm thanh tịnh, sẽ thấy ngoài danh tự tịnh và bất tịnh là khác nhau, không còn gì để khác nhau nữa. Như vàng làm đồ trang sức trên. Ngoài tướng nhẫn và xuyến là khác nhau, bản chất vàng của chúng là như nhau.

Như trường hợp nhận ra đồ giả. Khi còn tưởng thật thì mình còn thấy cái này hơn cái kia. Thấy cái nhà thật thì chọn cái nhà này vì lớn và đẹp, bỏ cái nhà kia vì xấu và nhỏ. Với loại nhà giấy mã thì mình sẽ thấy lớn nhỏ xấu đẹp đều không quan trọng, vì đều là giấy không đáng một xu. Chấp tướng thì mới phân biệt, còn nhận được thực tướng thì có gì để phân biệt?

Một khi tâm đã thanh tịnh, vạn pháp hiện nguyên hình là huyễn mộng thì mình sẽ thấy không có gì khác nhau giữa vạn pháp, cũng chỉ là bóng với bóng mà thôi! PHÁP TÁNH là chỉ cho chân tâm thanh tịnh của mình. Tâm ấy không nhiễm không trước, nên vạn pháp là bình đẳng. Uống nước cũng như uống rượu, đi trên sông cũng như đi trên đất, ăn cơm cũng như không ăn, thì vạn pháp có gì sai biệt? Có sai biệt chỉ vì mình còn nhiễm trước. Thiếu nó mình chịu không được, thành vạn pháp trở thành sai biệt.

Đây là phá cái CHẤP PHÁP của chư Thánh chúng. Chỉ ra thực tướng của vạn pháp.  

Lại nói với Tôn giả La Hầu La : Ngồi tòa cao rộng không được thuyết pháp? Tất cả Bồ tát ngồi nơi tòa cỏ hơn ngồi tòa cao, hơn cả Thanh văn ở cõi Phạm thiên.

“Ngồi tòa cao rộng không được thuyết pháp” là lặp lại câu nói của ngài La Hầu La trên. Nghĩa là, với người ngồi tòa cao thì không được thuyết pháp. Bởi lặp lại câu nói của ngài La Hầu La nên mới thành gọn lọn không đầu không đuôi như thế. Không phải chỉ có một chủ từ cho cả hai vế. Không phải vậy. Đây là phá cái chấp ‘không được vì người ngồi nơi tòa cao mà thuyết pháp’ của Tôn giả La Hầu La. Vì sao phá? Vì việc thuyết pháp đắc đạo không dính gì đến tư thế hoặc chỗ ngồi. Việc này cũng đúng thôi. Ngồi tòa cao thuyết pháp mà thuyết toàn chuyện không nhân không quả thì vẫn đọa địa ngục. Không phải cứ ngồi tòa cao là đã ngon. Hoặc với những bậc trưởng thượng mà cái danh trưởng thượng ấy là do “Lâu năm lên lão làng” còn trí tuệ đóng cục như hắc ín pha dầu, so với chúng sanh, chư vị có hơn, nhưng so với người sáng đạo thì không thể sánh. Không đủ phước lực như các đại Tôn giả của đức Phật, chưa chắc gặp được những cô nàng như Vô Úy Đức để nghe thuyết pháp. Ngay cả hàng Thánh chúng của đức Phật, nếu chưa một lần đặt chân đến “Xứ Phật”, thì công đức của chư vị so với hàng Bồ tát đăng địa không thể sánh được. Vì thế, không thể vin vào tòa cao mà nói chuyện hơn thua.

TẤT CẢ BỒ TÁT … là muốn nhắc nhở cho La Hầu La biết : Bản chất mới là thứ quyết định chứ không phải là hình tướng bên ngoài. Dù cho hàng Thanh văn ở tận trời Phạm thiên, cũng không sánh được với hàng Bồ tát ngồi nơi đệm cỏ, huống như chư vị, chỉ là hàng Thanh văn của cõi Diêm Phù Đề? Không thể sánh được thì không thể căn cứ vào việc ngồi tòa cao mà luận bàn.

La Hầu La hỏi : Nghĩa đó thế nào?

Cô nói vậy là sao? Hỏi vì chưa hiểu hết ý của Vô Úy Đức.

Vô Úy Đức : Tôn giả thấy Bồ tát ngồi nơi tòa gì mà được bồ đề?

Bồ tát đây, chỉ cho Phật. Muốn nói đến hình ảnh Phật thành đạo dưới cây bồ đề.

La Hầu La : Ngồi nơi đệm cỏ.

Quả tình là thành đạo dưới cây bồ đề, nên không thể không trả lời : Ngồi nơi đệm cỏ.

Vô Úy Đức : Bồ tát ngồi nơi đệm cỏ, trong Tam thiên đại thiên thế giới, tất cả Phạm thiên, Đế Thích, Tứ thiên vương cùng các thiên tử cho đến cõi trời Sắc cứu cánh đều đến chấp tay lễ bái dưới chân Bồ tát.

Tôn giả thấy rồi đó, đâu phải cứ ngồi tòa cao là đã ngon, đã có trí tuệ hay công đức tuyệt vời. Có khi ngồi đệm cỏ mà tất cả trời người đủ mọi thành phần đều đến bái lễ. Nghĩa là, Tôn giả không nên để những hình tướng bên ngoài làm mờ mắt mình. Vấn đề không nằm ở chỗ ngồi, học vị hay tuổi lạp … mà là có TRÍ TUỆ VÔ SƯ hay không. Trí vô sư không phải là cái trí được hun đúc bằng chữ nghĩa học hỏi. Chữ nghĩa học hỏi chỉ là bước đầu để giúp người tu biết cách thiền định tu hành. Công phu tu hành đó không tạo ra được trí vô sư, nhưng nhờ nó, trí vô sư mới hiển. Như ngọn đèn không tạo ra các vật dụng trong nhà. Nhưng nhờ nó, những vật dụng trong nhà hiển hiện.

La Hầu La : Đúng vậy! Đúng vậy!

Gật đầu đồng ý. Đồng ý đây là đồng ý việc ngồi đệm cỏ mà được mọi người đến lễ bái, chưa hẳn đã đồng ý về thái độ ngang nhiên của Vô Úy Đức. Có điều, bây giờ Tôn giả không còn thời gian để đánh giá cái gì bất tịnh, cái gì không bất tịnh nữa. Bị lôi tuột vào dòng tranh luận, hỏi đâu đáp đó như thế thì phân biệt tịnh bất tịnh gì nữa.

Vô Úy Đức lại hỏi Hầu La : Thành tựu pháp như vậy, Bồ tát ngồi nơi đệm cỏ hơn ngồi nơi tòa cao giường lớn, cũng hơn hàng Thanh văn ở Phạm thiên?

Dẫn Tôn giả đi một hồi, đợi Tôn giả gật đầu rồi mới quay trở lại vấn đề ban đầu. Ngồi tòa cỏ mà sáng đạo vẫn hơn ngồi tòa cao giường rộng mà không sáng đạo đúng không? Vậy Tôn giả cho là con bất tịnh khi con thuyết pháp cho người ngồi tòa cao nghe là đúng hay sai khi mà trí tuệ của họ chưa thể bằng con? Tôn giả không những không biết cách sử dụng hai từ tịnh và bất tịnh mà ngay cả vấn đề Tôn giả muốn nói, Tôn giả cũng không nắm hết ý nghĩa của nó. Vậy mà Tôn giả dùng những thứ đó để bắt bẽ con. Tôn giả có thấy điều đó không? Ý nghĩa đoạn này đại khái là vậy.      

Vua A Xà Thế liền lên tiếng : Con không biết Tôn giả đây là con trai của Thích Ca Như Lai, trong hàng học giới lại là tối đệ nhất sao?

Vua A Xà Thế thấy tình thế coi bộ không xong, liền lấy thân thế và địa vị của La Hầu La ra trấn áp. Cứu một màn thua thấy rõ! La Hầu La là con đẻ của đức Phật với phu nhân Da Du Đà La. Phu nhân của Phật mang thai ông 6 năm, đến ngày Phật thành đạo bà mới chịu để ông ra. Ông là người tu mật hạnh đệ nhất của Như Lai, sau thành Phật hiệu là Đạo Thất Bảo Hoa Như Lai. Song lúc này, ông chỉ mới là đệ nhất trong hàng học giới. Tức trong hàng Thanh văn hữu học còn đang thọ và hành giới thì ông là số một, nhưng chưa chứng quả. Học thì giỏi nhưng thâm nhập thực sự vào cái học đó thì phải chờ … đủ duyên.

Vô Úy Đức trả lời Phụ vương : Thôi đi! Thôi đi! Thưa Phụ vương! Chớ nói La Hầu La là con trai của Như Lai. Phụ vương có thấy có nghe sư tử vương sanh dã can không?

THÔI ĐI! Là đừng có tư tưởng như thế nữa thưa cha! Ngưng dùm con đi cha! Vì sao? Vì muốn làm con trai của Phật thì phải hiện chủng nhân của Phật. Đang luận về trí tuệ thì phải lấy lãnh vực trí tuệ ra bàn. Sao lại đem chuyện máu mủ ra mà nói? Đây là lập luận để bẽ cái chấp thân ruột của vua A Xà Thế. Sư tử là chỉ cho Phật. Dã can là chỉ cho La Hầu La.

Giả thấy phe ta thua rồi, thì im lặng đi còn hơn. Trấn tới gở lui, có khi chỉ khiến tình thế thêm xấu. Nếu không có câu trấn áp đó, cô nàng đâu đủ duyên ví La Hầu La với dã can.

Vua nói : Không thấy!

Thật thà khai báo.

Vô Úy Đức : Cũng vậy, vua sư tử Như Lai chuyển đại pháp luân, hàng Thanh văn vây quanh. Đại vương! Nếu y nơi vương pháp mà nói, ai mới là chân tử của Như Lai? Nên đáp : Chư Bồ tát. Cho nên, Đại vương không được nói Như Lai có con hay không có con. Nếu nói Như Lai có chân tử thì chỉ những ai phát tâm A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề mới là chân tử của Như Lai.

Như Lai là pháp thân chân thể không có tướng mạo. Y NƠI VƯƠNG PHÁP tức trên đạo mà luận không phải theo đời mà nói. Muốn là chân tử của Như Lai thì phải phát huy cho được cái chủng Như Lai đó. Muốn phát cho được chủng Như Lai thì phải phát tâm bồ đề. Có phát tâm bồ đề mới có tu tập. Có tu tập mới có trực chứng. Đây cũng giống như ngoài đời. Cha làm võ quan, muốn con cũng làm võ quan, thì con cũng phải học võ mới làm võ quan được. Không phải cha làm võ quan còn con không học gì hết cũng đương nhiên thành võ quan như cha.

Gọi là Phật vì Phật là giác, là chỉ cho tâm thể thanh tịnh. Cái danh giá là ở chữ Phật đó. Vì chữ Phật đó mới khoe là con của Phật. Không có chữ Phật đó thì không khoe con của Phật làm gì. Không có cái danh Phật ấy, thì con người này cũng giống như con người kia, có gì khác để vỗ ngực xưng tên? Song con của Phật thì phải có những tiêu chuẩn của Phật. Tiêu chuẩn đó là GIÁC. Đó là ý nghĩa của đoạn này.

Với Đại thừa, hình tướng không phải là thứ quyết định, không phải cứ đầu tròn áo vuông, hay là người thân của Phật thì đương nhiên trở thành chân tử của Phật. Muốn là chân tử của Như Lai thì tâm phải thanh tịnh, trí tuệ phải có như chính Như Lai. Ít thì làm tiểu chân tử. Nhiều thì làm Đại chân tử. Nhưng ít nhiều gì cũng phải có chút đỉnh. Không có những thứ đó thì “Thôi đi, thôi đi, thưa Phụ vương! Chớ nói …”. Đây là phá cái chấp vinh vào máu mủ thân ruột của vua A Xà Thế. Cũng là bệnh chung của nhân loại. Một người làm quan cả họ làm quan. Không tài không đức mà cứ ăn theo như thế, nên xã hội mới rối ren, dân chúng mới khổ nạn. Trong đạo càng không nên có quan niệm như vậy. Tu hành thì nên y cứ vào tâm thanh tịnh mà luận.      

Vô Úy nói pháp môn này xong, có hai vạn người nữ trong cung vua A Xà Thế phát tâm bồ đề. Hai vạn thiên tử đầy đủ pháp đó nghe tiếng rống sư tử của Vô Úy xong cũng phát tâm bồ đề.

PHÁP MÔN NÀY là chỉ cho pháp môn bất nhị, là pháp môn phá đi cái chấp hai bên. Từ đầu chí cuối, ai mở miệng ra cô nàng cũng nhảy vào họng mà ngồi là bởi cớ sự đó, không phải cô nàng lanh chanh. Tướng thì thấy lanh chanh nhưng tánh thì không. Chỉ vì lòng từ mà hiện pháp như vậy. Nhảy vào họng thiên hạ ngồi là để thiên hạ bớt chấp. Làm những chuyện nghịch đời, nói những lời khó nghe là để phá đi những quan niệm, định kiến cổ hủ của người đời. Pháp vốn không lỗi, lỗi là do chấp. Vì chấp nên phá. Nghe phát tâm bồ đề mới là chân tử của Như Lai, nên có đến 4 vạn người phát tâm bồ đề. Nói chung ai cũng muốn làm con của Phật.

Nhà vua lại nói : Đây là con của chư Phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai, lìa các phiền não học Thanh văn giới, sao không phải chân tử!

Nghe pháp mà dám phát tâm bồ đề vì đã có một quá trình tu hành trong quá khứ nên nói CON CỦA CHƯ PHẬT TRONG QUÁ KHỨ. Cái phát tâm ấy là nhân của việc thành Phật trong tương lai, nên nói CON CỦA CHƯ PHẬT TRONG TƯƠNG LAI.

Đây là lời khen ngợi pha lẫn vui mừng của vua A Xà Thế! Tâm lượng rộng rãi nên mới sanh được người con như Vô Úy Đức. Nói vậy nhưng không nên lấy TƯỚNG đó làm tiêu chuẩn đánh giá mọi hiện tượng. Không phải cứ thấy sanh được Bồ tát là mình vội kết luận người đó đang có tâm lượng rộng rãi, còn tâm lượng hẹp hòi thì không sanh được Bồ tát. Đang trong tâm xấu xa như mẹ ngài Mục Kiền Liên vẫn sanh được Tôn giả Mục Kiền Liên. Cứ lấy tướng mà luận thì sẽ văng khói mì. Cho nên, đừng bao giờ lấy tướng làm chân lý để đánh giá mọi thứ. Duyên như thế thì tướng như thế. Thấy vậy rồi thôi, không khởi thêm gì nữa. Vì sao? Trên TƯỚNG, một khi mình đã THẤY có mặt này thì ít nhiều gì sẽ có lúc thấy mặt kia xuất hiện. Chưa đủ duyên thì ẩn, đủ duyên sẽ hiện. Bởi thế giới này là thế giới duyên khởi. Duyên khởi thì thực tướng của pháp vốn không, nhưng một khi mình đã KHỞI TÂM PHÂN BIỆT thứ này xấu, thì một ngày nào đó cái tốt sẽ xuất hiện. Pháp vốn như thế.

Mục Lục