Thiền Tông Việt Nam
Thập Mục Ngưu Đồ - Mười Bức Tranh Chăn Trâu Giảng
Tranh Số 10 - Thỏng Tay Vào Chợ

CHÁNH VĂN

Lời dẫn:

Một mình khép cánh cửa gỗ, ngàn Thánh cũng chẳng biết. Chôn vùi vẻ sáng sủa của chính mình, bỏ qua lối mòn của bậc Thánh trước. Mang bầu đi vào chợ, roi gậy trả lại nhà, nơi quán rượu hàng cá, hóa độ chuyển thành Phật hết.

GIẢNG:

Nếu hành giả bằng lòng với chỗ Trở Về Nguồn Cội, chỗ thanh tịnh sáng ngời, cũng chưa phải là chỗ viên mãn. Vì chúng ta tuy đã đến nguồn cội là đã đến được chỗ an ổn, nhưng chung quanh chúng ta còn biết bao nhiêu kẻ bất an mê muội, nếu chỉ lo vui một mình, bỏ mặc họ hay sao, như thế làm sao được viên mãn?

Thế nên, đến đây hành giả phải nhảy qua một bước gọi là Thỏng Tay Vào Chợ, tức đi vào trong sai biệt, đi vào trong dị loại để hóa độ chúng sinh. Gọi là đem ánh sáng chân thật vào trong hang sâu, ngỏ hẻm, đưa người trở về nguồn cội chân thật, chứ không thể ngồi yên để hưởng vui một mình. Bây giờ thiền giả phải mở cho riêng mình một lối đi, không thể đạp theo dấu vết cũ, lối mòn xưa. Đây cũng không thể là chỗ có thể bắt chước, mà mỗi vị tự mở cho mình một lối đi riêng, không ai bắt chước ai được, nhớ kỹ như thế.

Một mình khép cánh cửa gỗ, ngàn Thánh cũng chẳng biết: Việc này chỉ tự mình biết thôi, đây cũng gọi là Vô trụ xứ Niết-bàn, không ai tìm ra chỗ đi của thiền giả này. Đây là chỗ Hòa thượng Qui Sơn hỏi ngài Ngưỡng Sơn:

- Thế nào là chỗ đi của chư Thánh?

- Hoặc ở trên trời hoặc ở nhân gian (Chỗ tâm người thường không thể biết được).

Chôn vùi vẻ sáng sủa của chính mình, bỏ qua lối mòn của bậc Thánh trước: Khi nhìn những thiền giả đã đạt đến chỗ này, chúng ta không thấy những vết tích của chứng đắc, vì các Ngài đã vượt qua những khuôn mẫu cố định, tự sống dậy với sức sống chân thật của chính mình. Thế nên, đối với các Ngài này chúng ta không thể nhìn hình tướng bên ngoài để phê bình hay suy đoán được.

Như Tổ Huệ Khả sau khi truyền pháp cho Tổ Tăng Xán xong, mới đến xứ Nghiệp Đô để giáo hóa một thời gian cho đến cuối đời, Ngài đổi đạo phục, mặc đồ thế gian. Rồi có khi Ngài vào quán rượu, có khi vào hàng thịt, lại có lúc giữa đám đông thuyết pháp, có lúc lại làm người khuân vác... Bấy giờ cũng có người họ biết Ngài là một tu sĩ, mới hỏi:

- Thầy là thầy tu tại sao lại làm như thế?

- Ta tự điều phục tâm ta đâu có liên quan gì đến việc của ông.

Đó mới gọi là Thỏng Tay Vào Chợ, và cũng không phải là chỗ để bắt chước, nếu chưa đến được đây mà bắt chước thì vào địa ngục liền. Chúng ta không thể dùng tâm phàm của mình mà phê bình các vị này được. Thấy các Ngài đã là một vị Tổ mà sao tầm thường quá, nghĩa là cũng vào hàng thịt, quán rượu, rồi đi khuân vác ..., làm sao chúng ta hiểu nổi, nên ngàn Thánh cũng chẳng biết là vậy.

Một hôm, ngài Phần Dương Vô Đức bảo trong chúng rằng: Đêm qua tôi nằm mơ, thấy cha mẹ đòi rượu thịt, giấy tiền ..., như vậy thì phải thuận theo thế tục nấu dọn cúng cho các vị. Rồi Ngài sai thầy Tri sự lập một cái bàn, mua rượu thịt giấy tiền... và thắp hương cúng. Cúng xong, Ngài bèn mời hết các vị chức sự và ban lãnh chúng vào dùng đồ cúng. Nhưng tất cả đều từ chối, chỉ có Ngài ngồi vào bàn gắp thịt ăn, uống rượu tự nhiên như không có chuyện gì xảy ra. Song trong đại chúng xôn xao trách rằng: "Ông thầy uống rượu ăn thịt này, đâu còn đáng làm thầy gương mẫu cho chúng ta nữa", bèn bỏ đi hết. Chỉ còn lại sáu người như Từ Minh, Đại Ngu, Tuyền Đại Đạo... Qua hôm sau, Ngài mới lên tòa bảo: "Bao nhiêu kẻ nương gió, tựa bóng (bóng quỉ thần) chỉ cần một mâm rượu thịt và hai trăm tiền liền tống sạch đi hết."

Kinh Pháp Hoa nói: "Chúng đây không cành lá. Chỉ còn lại hạt chắc". Nghĩa là các chúng bỏ đi đó không phải là người có đủ niềm tin, nên khi thấy Ngài làm vậy, các vị tưởng đâu là Ngài đã phạm trai phá giới. Do đó Ngài mới bảo chỉ cần một bữa tiệc là tống sạch hết. Hành động của các Ngài đây gọi là một lối đi riêng không ai bắt chước được, chính là Chôn vùi vẻ sáng sủa của chính mình. Nghĩa là không còn sợ sự khen chê của thế gian và cái sáng sủa của mình, mình sẵn sàng đem đi chôn, đó là bỏ qua cả lối mòn của bậc Thánh trước, không đi theo lối mòn của các vị trước, tự mình có một lối đi.

Mang bầu đi vào chợ, roi gậy trả lại nhà, nơi quán rượu hàng cá, hóa độ chuyển thành Phật hết. Bây giờ roi gậy không dùng nữa, chỉ mang bầu đi vào chợ, tức tự tại đi vào đời, nên kinh Duy Ma Cật nói: "Bồ tát thực hành phi đạo đó là thông đạt Phật đạo". Thực hành cái không phải đạo tức là thông suốt được Phật đạo, đi qua tất cả mà không để lại dấu vết. Trong nhà thiền gọi là vào nước không quậy sóng, vào rừng không động lá là như thế. Mỗi hành động của các Ngài đều bất khả tư nghì, nên gọi là đồng sự với mọi người, chuyển hóa họ đều thành Phật hết.

 

CHÁNH VĂN

Tụng: 

Lộ hung tiên túc nhập triền lai

Phù thổ đồ khôi tiếu mãn tai

Bất dụng thần tiên chơn bí quyết

Trực giao khô mộc phóng hoa khai.

Dịch:

Chân trần bày ngực vào chợ thành

Bôi đất trét bùn cười thật xinh

Bí quyết thần tiên cần chi nữa

Cây khô cũng phải nở hoa trình.

Chân trần bày ngực vào chợ thành: Đi chân trần, ngực thì phạch ra, không còn có oai nghi, không câu nệ hình thức. Người kính cũng được, người xem thường cũng được, ai cười ai diễu cũng tốt, cứ vậy mà đi vào chợ. Không thấy ta đây là bậc tu hành thanh tịnh, còn chợ là chỗ nhiễm ô.

Bôi đất trét bùn cười thật xinh: Đầu tro mặt đất đi vào bùn lầy để giáo hóa độ người, kinh Pháp Hoa gọi là "Cỡi áo trân bảo, mặc áo nhơ xấu" để dễ gần gũi người hơn. Vì tâm của những người căn cơ thấp, họ không dám với tới, mình phải gần gũi họ ..., gọi là đồng sự với họ, chứ làm ra vẻ khác người về hình thức, oai nghi ..., thì khó hóa độ lắm. Bên ngoài hình thức như vậy, nhưng bên trong phải sáng ngời cho nên gọi là Cười thật xinh, chữ Hán là Tiếu mãn tai, tức là cười thoải mái thôi, không còn gượng gạo gì nữa. Còn chúng ta có khi cười mà gượng, trong lòng như dao cắt mà miệng vẫn cười. Đôi khi cười còn có ý nghĩa mỉa mai bên trong, hoặc cười chế diễu, miệng cười mà lòng không cười, có khi cười là cười ngạo mạn phô bày bản ngã. Chứ không phải cười thoải mái như đây, vì đây cũng là nụ cười của Tế Điên Hòa thượng.

Tế Điên Hòa thượng là nhân vật có thật, chứ không phải là truyện tiểu thuyết. Tiểu thuyết người ta thêm thắt vào để hấp dẫn người đọc. Truyện của Ngài có ghi trong lịch sử, đó là bộ Nam Tống Nguyên Minh Thiền Lâm Tăng Bảo Truyện:

Hòa thượng Tế Điên, họ Lý tên Đạo Tế ở Thiên Thai, miền Triết Đông. Mẹ Ngài một đêm nằm mộng thấy nuốt mặt trời bèn có thai. Khi sanh Ngài ra có ánh sáng hồng rọi sáng cả phòng. Sau đó thiền sư Bổn ở chùa Quốc Thanh cho Ngài là vật báu ở trong Phật Pháp, mới xoa đảnh Ngài mà thọ ký.

Năm mười tám tuổi đến chùa Linh Ẩn gặp thiền sư Huệ Viễn Hạt Đường xin cạo tóc xuất gia. Tu chưa đầy một năm Ngài tỏ ngộ vượt bực hơn mọi người, được thiền sư Viễn ấn chứng cho. Tánh tình của Ngài lại khác thường. Sống ngông nghênh như điên điên khùng khùng, không coi ai ra chi cả. Ở trong chùa muốn ra vào lúc nào thì ra vào, còn ở trong tăng đường nói chuyện to lớn làm ồn ào xúc phạm đến trong chúng. Thế nên trong chùa mới nói Ngài phạm qui cũ của thiền môn, đem bạch với thiền sư Huệ Viễn. Thiền sư Viễn mới bảo:

- Cửa thiền rộng lớn há chẳng dung được gã tăng điên hay sao? (Vì ngài Huệ Viễn ấn chứng cho Ngài về chỗ ngộ nên biết rõ Ngài). Nên từ đó về sau Ngài được bảo vệ.

Có lúc Ngài đi ra ngoài Lãnh Tuyền Đình đánh đáo với đám trẻ con, rồi có lúc ca hát ngông nghênh nơi quán rượu, hoặc đến nơi hang khỉ, gọi khỉ ra rồi nhảy nhót với khỉ. Có lúc lại xách rượu thịt vào Tàng Kinh Các làm nhơ uế nơi đây. Thầy Tri sự lên bạch với Hòa thượng Huệ Viễn, Hòa thượng vẫn một bề che chở. Do đó mọi người mới gọi Ngài là Tế Điên. Sau khi Hòa thượng Huệ Viễn tịch thì Ngài lại càng say sưa thêm, bấy giờ không còn ai che chở, nên trong chúng đuổi Ngài không cho ở.

Ngài mới đến nương vào chùa Tịnh Từ. Trụ trì chùa Tịnh Từ là trưởng lão Đức Huy, thấy chỗ sáng tỏ nơi tâm Ngài nên mời Ngài làm thư ký. Nhưng Ngài vẫn không bỏ rượu được, cho nên chúng ở chùa Tịnh Từ cũng đem những lỗi Ngài phạm bạch lên ngài Đức Huy, ngài Đức Huy cũng vẫn che chở cho Ngài giống như ngài Huệ Viễn ở chùa Linh Ẩn. Ngài thường giao du với hai vị Thái thú họ Mao và họ Trần, cùng các quan trong triều, nên mỗi ngày họ đều đem đèn, hương, dầu ..., biếu tặng cho Ngài, do đó mà không ai dám chê trách.

Nhưng đặc biệt lúc say Ngài tuôn ra các thi cú đầy cả ý nghĩa đạo lý, nên các bậc tri thức rất mến thích. Có một buổi chiều Ngài say nằm ngủ ở chùa Thập Lý Tùng, vị tăng chủ chùa sai người dìu về chùa Tịnh Từ, Ngài xuống bếp nằm ngủ, đến khuya thức dậy đi vòng quanh chùa rồi la lớn: Lửa cháy! Lửa cháy! Nhưng tăng chúng không tin cho là lời nói điên khùng. Sau đó, thì lửa bắt đầu cháy từ cây đèn của điện La Hán, bắt qua lá phướng và điện thờ bị cháy tiêu. Khi chùa cháy rồi, trưởng lão Đức Huy làm bài kệ để lại rồi tịch luôn.

Sau đó chùa mới thỉnh ngài Tung Thiếu Lâm đến làm chủ chùa, ngài Tung Thiếu Lâm cũng bảo vệ Ngài như trưởng lão Đức Huy - vì là người lớn nên biết rõ về Ngài. Về sau chùa nhờ đạo lực của Ngài đi khuyến hóa, nên không đầy hai năm sau xây dựng lại chùa mới, chỉ còn chừa lại hai bức vách ở hành lang phía đông. Ngài muốn đi hóa duyên vị quan tên là Vương An Cửu. Vị này mới đến nhậm chức ở Lâm An, nhưng trưởng lão Tung Thiếu Lâm ngăn lại, bảo:

Tôi nghe nói ông Vương An Cửu này lúc còn hàn vi từng đến chùa ăn nhờ, bị tăng trong chùa khinh thường nên nổi giận có đề trên vách là:

Gặp khách đầu như ba ba (cúi xuống)

Gặp trai cổ tợ con ngỗng (ngước lên)

Nhưng Tế Điên nghe chỉ cười và đi thẳng đến phủ vị quan kia. Gặp lúc vị ấy đang thăng đường, Ngài ở xa ngước trông lên, vị quan ấy nhìn thấy liền nổi giận, sai lính bắt nhốt. Ngài bèn nói:

- Tôi chính là thư ký Tế Điên tăng ở chùa Tịnh Từ, có một chút nhân duyên mà chỉ có Ngài mới có thể xét được, nên đặc biệt đến đây thương lượng với Ngài.

Quan nghe nói cũng hơi dịu xuống, vì cũng từng nghe tiếng Tế Điên. Sau đó Ngài mới đem việc ông đề trên vách năm xưa ra dùng lời nói diễu, khiến ông vui vẻ, rồi mời Ngài về ở phủ đệ. Nhân đó Ngài mới đem việc hành lang cháy còn dang dở ra gợi ý, ông quan vui mừng đem ba ngàn quan tiền cúng dường để sám hối lỗi trước. Thế là Sư cảm hóa được vị quan này.

Một hôm, Ngài vào thành thăm người bạn cũ, uống rượu làm thơ xong, về đến chùa thì ngã bệnh. Trưởng lão Tung Thiếu Lâm xuống An Lạc Đường thăm thì Ngài mới vỗ vào giường cảm tạ, nói rằng: "Hổ thẹn!" Rồi thỉnh mời Trưởng lão vì ông Trần Vạn Pháp mà cạo tóc, ông Trần Vạn Pháp là người đệ tử rất chân thành, đã phụng sự cho Ngài hơn một năm qua. Rồi sau đó Ngài mới sai Trần Vạn Pháp đến báo cho các vị thí chủ cũ của Sư thuộc loại thơ rượu xong, Ngài bèn tắm rửa, ngồi kiết già, viết bài kệ rồi nhắm mắt ra đi.

Sau đó, quan Thái Úy và các quan trong triều, cùng các vị tôn túc ở các chùa nhóm họp lại, làm lễ đưa nhục thân Ngài đến chỗ trà tỳ rất đông. Tiễn đưa Ngài có hơn ngàn vạn người - Được xá lợi rất nhiều. Khi về đến chùa Tịnh Từ thì có hai vị tăng hành cước đến gặp trưởng lão Tung Thiếu lâm nói:

- Chúng tôi vừa từ nơi tháp Lục Hòa qua đây, gặp Tế Công gởi đến Ngài một phong thư và đôi tăng hài.

Ngài Tung Thiếu Lâm thấy đôi hài mới giật mình nói rằng:

- Khi Tế Công tịch, tôi có đem đôi hài này đổi đôi hài rách của Sư, mà sao bây giờ có đây! 

Rồi mới đối trước chúng mở thư ra xem, trong thư lời lẽ rất là thắm thiết, có khoảng hai trăm lẽ chín lời, có phụ thêm một bài tụng.

Sau đó một tuần, có vị tăng qua núi Thiên Thai gặp Tế Công gởi cho hai bài thi.

Đây là Thỏng Tay Vào Chợ, cũng gọi là hành phi đạo - hành động không lường được. Cho nên không thể theo hình tướng bên ngoài mà phán đoán các hành động của quí Ngài, khi quí Ngài đã Bôi đất trét bùn cười thật xinh là vậy.

Bí quyết thần tiên cần chi nữa: Người tu đến được chỗ này thì không còn cầu mong gì cao siêu như các phép lạ, hay bí quyết thần tiên ..., đều cũng không cần. Nếu như có người gọi là tu hành có đạt đạo ..., khi nghe có pháp gì hay, pháp gì cao siêu liền chạy tới, đó là chưa đủ niềm tin. Nên đến đây thì dù một ngàn Phật hiện ra dụ y vẫn ngồi yên, dù ai có hiện thần thông phi thường, biến hóa đủ kiểu vẫn không cần chú ý. Những việc như thế đối với các vị này chỉ là trò chơi mà thôi.

Cây khô cũng phải nở hoa trình: Chỉ sự diệu dụng không thể nghĩ bàn. Thể dụng đầy đủ không có nghiêng lệch, sức sống thiền tràn đầy khắp nơi. Đến đây mới gọi là chỗ sống đầy đủ viên mãn.

Ban đầu từ chân mà khởi vọng, rồi đi tìm, biến cái bản tâm mình thành ra cái bóng vọng. Tức có "người đi tìm", rồi có "cái để đi tìm", đó là có con trâu và người chăn trâu. Con trâu là "tâm còn lẫn trong vọng" bị vọng che. Người là "tâm tỉnh giác", tỉnh giác nên biết mất mà đi tìm. Nhưng đã là bản tâm của mình thì có mất đâu mà tìm, cho nên tìm đó cũng là "tìm cái chẳng mất". Thật là việc làm trớ trêu, tưởng đâu tìm cái gì lại tìm cái chẳng mất! NHƯNG là việc phải làm, phải tìm. Thế nên, khi có người nhận ra được mới thành không ngờ: À! Thì ra nó đây thôi! Không ngờ!

Bởi vậy khi có người nhận ra, lúc ban đầu hoặc cười ngất, hoặc khóc ròng, vì cảm thương cho mình từ lâu mình lại bội bạc mình. Rồi sau đó mới lo gìn giữ gọi là bảo nhậm để mà sống, tức là buông hết những bóng dáng hư dối, do nó tưởng tượng đem từ ngoài vào, phải buông thật sạch hết để "trả lại cái thể ban đầu".

Chúng ta sống đây phải nói là lấy cái tưởng làm sự sống chứ ngoài ra không có gì cả. Rồi tu cái này, cái kia là tu trong cái tưởng lấy tưởng làm sự sống của mình. Thế nên, trong luật có kể lại câu chuyện:

Trong một thời loạn lạc, có một bà mẹ gặp lúc giặc tràn vào cướp giết, cấp bách quá phải chạy trốn, mà không thể đem theo đứa con nhỏ nhất, vì quá đông con còn nhỏ, nên không thể đem hết theo được. Bà bèn treo một túi cơm ở trên mái nhà và dặn đứa bé là cơm cho con ngồi đây để mà dụ nó, rồi bà bỏ đi với mấy đứa lớn hơn. Đứa bé cứ ngồi nhìn túi cơm đó hoài, liên tiếp mấy ngày liền như thế. Đến khi giặc cướp kéo đi rồi, mấy ngày sau có người tình cờ đi ngang qua thấy đứa bé, bèn lấy làm lạ sao đứa bé cứ ngồi nhìn cái túi đó hoài, mới trèo lên đem túi xuống xem thử cái gì - thì đó là túi tro, đứa bé thất vọng, ngay đó nó chết.

Trong luật nói rằng mình sống đây là do tưởng. Như đứa bé tưởng là túi cơm nên kéo dài cuộc sống, khi thấy tro không thể ăn được, liền hết tưởng, vì thế mà chết.

Vậy, chúng ta sống đây là sống do cái tưởng thôi, rõ ràng như thế. Nên cuối cùng phải buông hết các tưởng hư dối, trả lại cái bình thường, nghĩa là người trâu mất hết, công phu nhọc nhằn đều quên. Trả lại cái bình thường, thật là bình thường, đúng như ý nghĩa của nó, không thêm bớt gì cả.

Tóm lại: Công phu cuối cùng là "buông" chớ không gì hết, vượt qua các thứ lớp, sống ngay cái chân thật không thể nghĩ bàn.

Thiền sư Hoàng Bá Hy Vận có dạy:

Thế nào là được không rơi vào giai cấp? (thứ lớp). Tức là hằng ngày mình ăn cơm mà chưa từng nhai một hạt gạo, trọn ngày đi mà chưa từng đạp một phân đất, cùng khi ấy không có tướng nhân, tướng ngã. Trọn ngày không tất cả việc, mà không bị các cảnh làm mê hoặc thì mới gọi là người tự do tự tại. Lại, lúc nào mỗi niệm đều không thấy tất cả tướng, chớ nhận ba thời, quá khứ không đi, hiện tại không dừng, vị lai không đến. Ngồi ngay an ổn, mặc tình không câu chấp mới gọi là người giải thoát. Phải cố gắng, cố gắng, ở trong môn này ngàn người muôn người chỉ được ba người năm người. Nếu mà không làm việc này ắt có ngày thọ ương. Thế nên nói:

Cố gắng đời này phải xong xuôi

Còn đâu nhiều kiếp mang tai họa.

Ngài Hoàng Bá dạy phải vượt giai cấp, đến chỗ hằng ngày ăn cơm mà chưa từng nhai hạt gạo, hằng ngày đi mà chưa từng đạp tấc đất. Nghĩa là sống hằng ngày mà không từng dính chi hết, không có lưu dấu vết tâm ở bất cứ nơi nào, không chỗ cho tâm khởi, phải sống đến chỗ này. Thế nên phải ngồi ngay an ổn, không nên câu chấp bất cứ một cái gì. Phải cố gắng đến thẳng chỗ này thì sau mới khỏi ăn năn. Nên Tổ mới dạy đời này phải xong xuôi, chớ đừng để nhiều kiếp mang tai họa, đó là nhắc nhở chúng ta phải đi cho đến nơi.

Ngài Thạch Cổ Di có bài họa:

Tụng:

Giả hán thân tùng dị loại lai

Phân minh mã hàm dữ lư tai

Nhất huy thiết bổng như phong tật

Vạn hộ thiên môn tận kích khai.

Dịch: 

Gã ấy chính từ dị loại sang

Tai lừa hàm ngựa quá rõ ràng

Chợt quơ gậy sắt nhanh như gió

Ngàn muôn lớp cửa thảy mở toang.

Dị loại là loài này loài kia, đây chỉ cho loài lừa loài ngựa. Đến chỗ này gọi là vô sai biệt tức hết chỗ để phân biệt. Nên khi các Ngài khởi diệu dụng thì không thể nghĩ bàn, tự tại đi qua hết tất cả chỗ. Quơ cây gậy sắt thì muôn ngàn lớp cửa mở ra không bị chướng ngại. Muôn pháp không pháp nào chướng ngăn được, đến đây mới thật tự do tự tại.

Cư sĩ Nạp Duẫn Am cũng có bài họa:

Tụng:

Liễu hạng hoa nhai nhậm xứ lai

Bồng đầu xích cước tiếu doanh tai

Hư không phấn toái toàn thân hiện

Đóa đóa ưu đàm hỏa lý khai.

Dịch:

Ngỏ hoa bờ liễu mặc lại qua

Đầu rối chân trần cười quên ta

Hư không nát nhuyễn toàn thân hiện

Trong lửa Ưu-Đàm nở nở hoa.

Ngỏ hoa bờ liễu mặc lại qua: Đối với các vị này chỗ dâm phòng tửu điếm, nhiễm tịnh ..., không còn phân biệt, không còn hai, đâu đâu cũng là đạo tràng.

Đầu rối chân trần cười quên ta: Đầu thì rối bù, chân thì để trần, cười thoải mái, vượt qua những hình thức oai nghi, đạp bỏ hết các lối mòn từ trước, gọi là mở một lối đi cho riêng chính mình.

Hư không nát nhuyễn toàn thân hiện: Gọi là vô trụ xứ Niết-Bàn, chỗ nào cũng là chỗ hiện thân cả. 

Trong lửa Ưu-Đàm nở nở hoa: Trong lửa mà loài hoa Ưu-Đàm, nở từng đóa từng đóa, tức là tự tại trong sanh tử, sanh tử vô thường không đến được chỗ này.

Tóm lại:

Mỗi một người trong chúng ta, bất cứ ai cũng có sẵn cái chân thật xưa nay hiện đang ngự trong sắc thân này. Nhưng do bất giác quên mất bèn chợt khởi vọng, rồi thành ra lẫn trong vọng biến thành con trâu để cho mình tìm. Vọng là che, bị che mà tưởng là mất, để cho phải đi tìm. Song cuối cùng mới thấy là nó sẵn nơi mình, bây giờ đây mình đã có của báu vô giá. Vì thế đâu bỏ qua được, đâu thể ngồi yên để chịu nghèo mãi, để sống trong hư vọng này hoài hay sao? Thế nên, phải quyết tâm tìm, phải khai thác cho ra chỗ này. Và tìm ở đâu? Chỉ cần chúng ta buông bỏ những niệm lăng xăng hư dối thuộc hai bên như thương ghét, đúng sai, xấu tốt ..., thì của báu vô giá hiện bày. Phải nhớ như vậy.

Mong rằng tất cả mỗi người chúng ta đều đầy đủ niềm tin và lẽ thật này, và sẵn sàng buông bỏ những hư vọng để mà nhận cho sâu, đi cho hết con đường của mình. Không nên đi nửa chừng, hay dừng giữa chừng mà tự mãn. Chúng ta hãy nhớ lại xem ở trên đời này có cái nào chân thật hơn việc này chăng. Không có cái thứ hai đâu! Cho nên mỗi người phải can đảm tiến tới chỗ này, phải đi cho hết đường. Trong nhà thiền có câu:

Sơn cùng thủy tận nghi vô lộ

Liễu ám hoa minh biệt nhất thôn.

Dịch:

Sơn cùng thủy tận nghi không lối

Tàng liễu hoa tươi một làng riêng.

Thiền giả đi cho tột cùng núi non, tận hết núi sông, không còn lối nào để đi nữa, thì ở phía sau cái tàng liễu hoa tươi đó, hiện ra một thôn xóm. Chứ không phải hết rồi không còn gì. Đó là quê hương muôn thuở của chúng ta, vì ở đây không có bốn mùa, chỉ có một mùa xuân miên viễn, là chỗ sống vĩnh viễn của mỗi chúng ta.

Mục Lục