Thiền Tông Việt Nam
Thập Mục Ngưu Đồ - Mười Bức Tranh Chăn Trâu Giảng
Lời Tựa

CỦA HÒA THƯỢNG QUÁCH AM, Ở TẠI LƯƠNG SƠN CHÂU ĐẢNH VỀ MƯỜI BỨC TRANH CHĂN TRÂU

***

Nguồn gốc của chư Phật và chúng sinh vốn sẵn có, nhân mê mới chìm đắm trong ba cõi, nhân ngộ chóng ra khỏi bốn loài. Do đó có chư Phật có thể thành, có chúng sinh có thể làm.

Vì vậy, bậc tiên hiền thương xót mới rộng lập bày nhiều lối. Lý có ra thiên viên, giáo lập thành đốn tiệm, từ thô đến tế, từ cạn đến sâu. Cuối cùng thì chớp mắt với hoa sen xanh, khiến được Đầu-đà Ca-Diếp mỉm cười. Kho tàng con mắt chánh pháp từ đây lưu thông trên trời, cõi người, nơi này cõi nọ. Người thấu được lý thì vượt khỏi khuôn phép thông thường, như đường chim không dấu vết. Người nhận ở sự thì kẹt câu mê lời, như rùa linh lê đuôi.

Trong đây có Thiền sư Thanh Cư, xem xét căn khí của chúng sinh hợp bệnh mà cho thuốc. Đem việc chăn trâu giả họa thành tranh, tùy cơ lập giáo. Ban đầu từ đen dần dần trắng, hiển bày sức mạnh chưa đủ, kế dần dần thuần chân, biểu hiện căn cơ từ từ soi sáng. Đến người trâu đều chẳng thấy, nêu rõ tâm pháp cùng quên, lý đã tột hết cội nguồn, mà pháp vẫn còn che đậy. Khiến cho kẻ căn cơ cạn phải nghi lầm, hàng trung hạ không khỏi phân vân hoặc nghi ngờ là rơi vào không ngơ, hoặc cho là rớt vào thường kiến.

Nay Thiền sư Tắc Công nghĩ đến khuôn phép của bậc hiền đời trước, phát ra từ hông ngực của chính mình, làm những bài tụng hay, khiến rọi sáng lẫn nhau. Ban đầu từ chỗ mất trâu, sau cùng là chỗ trở về cội nguồn, khéo ứng hợp với quần cơ, như cứu người đói khát.

Rồi Từ Viễn mới theo đó xét tìm diệu nghĩa, chọn lấy chỗ sâu mầu, như con thủy mẫu muốn đi tìm thức ăn phải nương theo con tôm biển làm mắt. Ban đầu từ tìm trâu, sau cùng đến vào chợ.

Gượng làm dậy sóng, mọc ngang đầu sừng, còn không tâm có thể tìm, nào có trâu có thể kiếm? Rồi đến thõng tay vào chợ, đó là ma mị gì?

Huống là cha ông chẳng tỏ rõ, làm họa ương đến con cháu, chẳng ngại hoang đường, thử vì đề xướng.

Mục Lục