Năm Tầng Biết Vọng
5. CHẲNG BIẾT CHẲNG BIẾT: ẤN - TÂM
Cửa lều anh đã đóng, người có cặp mắt tinh suốt đến thế mấy cũng không tìm thấy dấu chân anh đâu cả. Đôi khi người ta mơ màng chợt thấy anh ở trong quán rượu hay giữa chợ đời, nhưng vừa chớp mắt nhìn lại thì trước mặt chỉ còn là dãy núi xanh ngắt với chòm mây trắng bạc. Anh đã tự có lối đi rồi! *** - Thế nào là Chẳng Biết Chẳng Biết? - Bặt hết dấu vết. *** Bậc này quả thật khó lường tung tích, gọi là vào rừng không động lá, vào nước không quậy sóng, đi qua không để lại dấu vết. KINH HOA - NGHIÊM thường nói: - Tỳ kheo Đức - Vân ở trên ngọn Diệu Phong. Thiện - Tài đến tham vấn tìm kiếm suốt bảy ngày mà không gặp - một hôm ở nơi ngọn Biệt Phong mà thấy được. Lại nói, Tỳ Kheo Đức - Vân từ lâu chẳng xuống núi. Tại sao đã lên ngọn Diệu Phong lại không thấy Đức - Vân? Đức - Vân từ lân chẳng xuống núi, vì sao ở ngọn núi khác lại thấy? Chủ không hai chủ, khách không hai khách. Rõ ràng thường ở tại, Người người đều chẳng thấy. Đảnh cao không hai kẻ, Đến nhà chớ hỏi đường! Thấu được chỗ này mới rõ Pháp - môn Bất nhị, nếu còn chưa phủi sạch dấu vết tâm phân biệt, đừng mong vượt qua lối nầy! Bà Ni LƯU - THIẾT - MA đến phỏng vấn QUI - SƠN QUI SƠN vừa thấy đến liền bảo: - Con trâu cái già, người mới đến. Lưu Thiết Ma thưa: Ngày mai ở Đài - Sơn có thiết trai, Hoà - Thượng có đi dự chăng? Qui - Sơn buông thân nằm xuống Lưu - Thiết - Ma liền đi ra. Đã đến thì tự biết đường đi, không đạp dấu chân nhau, mỗi mỗi riêng có phần chẳng ai xâm phạm ai. Qui - Sơn ngồi đỉnh núi, Thiết - Ma đáy biển đi, Mỗi Mỗi riêng có đường, Trời người khó biết y. Mỗi pháp ở yên nơi bản vị của nó, không xen vào một niệm gì cả. Núi là núi, sông là sông, đâu còn thấy lỗi phải, đâu chia pháp thân, báo thân hoặc đây là tâm, kia là cảnh? KINH PHÁP - HOA nói: Pháp ấy trụ ngôi pháp, Tướng thế - gian thường còn. (Thị pháp trụ pháp vị, Thế gian tướng thường trụ) Lại nói; Tháp Phật Đa - Bảo trở lại bổn xứ. Cái gì là “Pháp ấy”? - Có phải chúng ta sống hằng ngày mà chưa từng hay biết? Và ai là người hiểu được pháp ấy? NAM - TUYỀN, QUI -TÔNG, MA - CỐC cùng đi tham vấn Quốc - Sư Huệ - Trung. Giữa đường Nam Tuyền vẽ một vòng tròn bảo: - Nói được thì đi. Qui - Tông vào ngay giữa vòng tròn ngồi, Ma - Cốc giả làm người nữ lạy. Nam - Tuyền nói: - Thế ấy thì chẳng đi. Qui - Tông nói: - Là Tâm hạnh gì? Nam - Tuyền vào trong ấy, Qui - Tông bặt chỗ ngồi. Ma - Cốc thầm riêng lễ, Vòng tròn không ba dấu, Quả thật khó tìm dấu vết, bặt chỗ chiếu soi, dứt chỗ tâm hành, phân biệt chẳng được, so sánh không đường. KINH VIÊN - GIÁC nói: - Ở tất cả thời chẳng khởi vọng niệm, ở các vọng tâm cũng chẳng tắt diệt. Trụ cảnh vọng tưởng chẳng thêm rõ biết, ở không rõ biết chẳng phân biệt chơn thực. Tâm vốn thường tịch, Tịch mà thường chiếu, Tịch chiếu đều quên, Ba - Tuần mất lối. Nếu còn chỗ thấy được, tức chưa khỏi bị người kiểm điểm. Sở dĩ nói, phàm thánh đều quên, tâm yên dứt sạch, trời không thể che, đất không thể chở. Tổ QUI - SƠN có lần thượng đường bảo chúng: - Sau khi lão tăng trăm tuổi đến dưới núi làm con trâu, hông bên trái đề năm chữ:”Qui - Sơn Tăng Linh - Hựu” - Khi ấy gọi Qui - Sơn Tăng là phải? Gọi con trâu là phải? Gọi thế nào mới đúng? Cười ngất Qui -Sơn, Con trâu dưới núi, Mây bay giữa trời, Núi cao nằm ngủ. Cứu cánh năng sở đều bặt, tìm khắp mười phương chẳng thấy một bóng dáng của tâm đâu cả. Luận bàn chẳng đến, quán tưởng chẳng thành, định mà chẳng dừng, động mà chẳng chuyển, mười phương hư không không thể chứa, trăm ngàn mặt trời mặt trăng soi chẳng đến. Ôi! Ai biết được kẻ ấy? KINH NIẾT - BÀN nói: Thế - Tôn sắp vào Niết Bàn ngài liền nhập từ sơ thiền đến tứ thiền hữu sắc, tứ thiền vô sắc, vào diệt tận định, rồi trở ngược lại. Ngài trở tới trở lui nhiều lượt như thế, kế lại nhập siêu việt tam muội, cũng trở tới trở lui như thế, rốt sau Ngài vào niết bàn ở khoảng giữa tứ thiền hữu sắc và tứ thiền vô sắc. Ai biết chỗ đi của ngài? - Ngay đây liền dứt bặt, chớ vội có suy lường. Để sáng tỏ thêm, chúng ta hãy nghe kỹ câu chuyện Ngài Huệ - Trung với thầy Đại Nhĩ Tam Tạng: - Đời Đường Túc Tông có thầy Đại Nhĩ Tam Tạng từ Thiên Trúc sang Trung Hoa, đến Kinh - Đô, tự nói đã được Huệ - Nhãn và Tha - Tâm thông. Vua muốn trắc nghiệm nên mời ra mắt Quốc Sư Huệ - Trung. Tam Tạng đến vừa thấy Sư liền lễ bái khoanh tay đứng hầu bên hữu, Sư hỏi: - Nghe nói ngươi đã được Tha - Tâm thông phải không? Tam Tạng thưa: - Chẳng dám Ngươi hãy nói bây giờ ta ở tại chỗ nào? - Bạch, Hòa _ Thượng là thầy một nước sao lại đến Tây - Xuyên xem đò đua? - Ngươi hãy nói bây giờ đây ta ở tại chỗ nào? - Bạch, Hòa - Thượng là một vị quốc sư sao lại đứng trên cầu Thiên Tân xem khỉ giỡn? - Ngươi hãy nói bây giờ đây ta ở tại chỗ nào? Tam Tạng sững lững một hồi lâu, không biết chỗ đi của Ngài. Quốc sư bèn nạt lớn: - Dã Hồ Tinh! Tha Tâm thông ở tại chỗ nào? Sau đó vị tăng đem việc này đến hỏi Ngài Ngưỡng - Sơn: - Tại sao mà lần thứ ba thầy Tam Tạng lại chẳng thấy được Ngài Huệ - Trung? Ngưỡng Sơn đáp: - Hai lần trước là cái tâm của Ngài Huệ Trung còn thiệp cảnh cho nên thấy được, đến lần thứ ba thì tâm của Ngài đã vào bậc chánh định tự thọ dụng rồi cho nên thầy Tam tạng không thể thấy được. *** Lại có một vị tăng cũng đem việc này hỏi Ngài Huyền - Sa, thì Huyền - Sa hỏi lại rằng: - Ngươi nói hai lần trước Tam Tạng có thấy Quốc - Sư chăng? Huệ Trung ở đâu? Thôi chớ lăng xăng. Đối diện mơ màng, Tha tâm chớ hỏi. Tâm nếu chẳng duyên thì tướng chẳng hiện, lại còn tìm cái gì? Cho nên, người tu chân chính chớ lấy chút ít kiến - giải cao siêu mà làm chỗ sống, hay vừa nhận được trong hông ngực một cái, hai cái liền vội khoe khoang. Đâu biết, trên ngàn đảnh núi làm sao đặt bước? AM CHỦ LIÊN HOA PHONG thượng đường cầm cây gậy chỉ chúng bảo: - Cổ nhân đến trong đây vì sao không chịu trụ? Tự đáp thế: - Vì kia đường xá chẳng đắc lực. Lại nói: Việc cứu - cánh thế nào? Tự đáp thế: - Cây gậy tức lật nằm ngang chẳng đoái người, đi thẳng vào ngàn ngọn muôn ngọn. Am chủ Liên hoa, Cây gậy nằm ngang. Ai từng thấy được? Núi xa trùng trùng. *** CHỈ QUYẾT: CHẲNG BIẾT CHẲNG BIẾT: “Vượt ngoài số lượng, bặt các sở tri: “Thích - Ca tham Di - Lặc” - Người muốn thấu tầng nầy thì hãy tham lấy câu nầy!” Đến đây có người sẽ bảo, đã là vọng thì đâu lại nhọc nhằn chia ra một Biết, hai Biết… Và, lý tột cùng một còn chẳng lập, sao phân làm năm, há có phải bỏ gốc theo ngọn, uổng công chia chẻ hư không chăng? Nhưng xét kỹ lại, tuy biết cùng là vọng, song tập khí nhiều đời không thể một lần dứt bặt; cho nên trên sự thực hành cũng phải tiến dần tiến dần, hoặc mau hoặc chậm tuỳ người, chẳng thể một lúc như nhau. Đã biết rốt ráo thì không hai, nhưng hỏi ông đã thật rốt ráo hay chưa? vì vậy mà có năm tầng vạch rõ lối đi cho người chứng nghiệm chỗ đến của mình, để khỏi phải dừng bước giữa đường mà rơi vào lối tẻ! Vả lại tuy có năm tầng mà đồng một chữ “Tâm”, nơi một “Tánh biết” mà ứng hiện ra thành năm. Tuy năm mà một, đâu rồu bổn tông ? Nghĩa một gồm năm, đâu thành sai biệt ? - Sở dĩ người thông đạt một lúc chóng quên, sáng trước bặt sau, rốt cùng bặt hết dấu vết, chổ nào cho ông hé môi? Tóm lại với năm tầng Biết Vọng nầy sẽ giúp cho người chuyên tu thấy được lối đi một cách khá rõ ràng không còn ngờ vực. Tuy nhiên chớ kẹt lấy năm tầng mà thành chướng ngại. Phải biết, trong một tầng có đủ năm tầng, có sự có lý, có ngộ có tu. Trên lý thì ngộ thông một đường, nơi sự thì chỗ dùng có khác. Nếu người lợi căn thì ngay ở một tầng liền thấu suốt cả năm tầng không trải qua thứ lớp. Hàng căn cơ kém thì một tầng tiến lên một tầng, chẳng rơi vào lối tẻ. Còn kẻ chưa vượt khỏi năm tầng mà vội vỗ ngực khoe khoang thì liền bị điểm trán. - Cho nên người quyết chí nơi tông thừa cần phải cẩn thận chớ khinh thường! *** BÀI KỆ: NÊU RÕ TÔNG PHONG Ta có một CƠ BIẾT, Đời đời truyền chẳng dứt. Hỏi ta đây tông gì? Đạt Ma hay Huệ Khả. *** NĂM TẦNG CHỈ QUYẾT: - Thứ nhất Biết, Xưa nay không tỳ vết. Lằn chớp vừa xẹt ngang, đất trời rền sấm sét. - Thứ hai Biết, Sáng soi không tỳ vết. Chần chừ tâm lại sanh, Nhổ ra tên sau ót. - Thứ ba Biết, Tới lui như kẻ chết. Soi gương nhìn bóng cũ, Nhắc người thôi mến tiếc! - Thứ tư Biết, Mười phương đồng cùng biết. Bao nhiêu nét cũ xưa, Chạm đến đều linh hết. - Thứ năm Biết, Trời đất dài chẳng hết. Hỏi đường dấu chim bay, Ngàn dặm xa biền biệt…! *** Mục Lục
|
5. CHẲNG BIẾT CHẲNG BIẾT: ẤN - TÂM