Thiền Tông Việt Nam
Năm Tầng Biết Vọng
3. BIẾT CHẲNG BIẾT : VÔ TÂM

Này đây, núi sâu hang vắng không một dấu vết chân người. Năm tháng lặng lẽ trôi qua, khói hương lạnh ngắt. Xuân nhìn hoa nở, thu thấy lá rơi, quên hẳn cả thời gian. Tiếng nói trần gian ngàn năm khó đến. Ôi! Cao cả nào! Ngàn chim ngậm hoa cúng dường. Thẹn ơi là thẹn!

***

- Thế nào là BIẾT CHẲNG BIẾT?

- Vọng cùng Biết vọng đều quên, một thể lặng lẽ.

Thiền giả quên mình mà ngây ngất trong cảnh thiền định. Dòng đời lặng lẽ trôi qua dường như chẳng dính dáng gì đến tâm thiền giả. Thử hỏi đến đây được gì mà an ổn như thế?

KINH BÁT NHÃ nói:

Tu Bồ Đề ngồi yên trong núi nhập không tam muội. Chư Thiên rải hoa tán thán. Tôn giả hỏi:

- Ai rải hoa đó?

Đáp: - Tôi là trời Đế Thích.

Tôn Giả hỏi : - Ông vì sao tán thán?

Đáp: - Tôi kính trọng Tôn Giả vì Ngài nói Kinh Bát Nhã hay quá!

Tôn Giả bảo:

Ta ở nơi Bát Nhã chưa từng nói một chữ, vậy ông tán thán cái gì?

Trời Đế Thích thưa:

- Tôn Giả không nói, tôi cũng không nghe, không nói không nghe là chơn Bát Nhã. Lại rải hoa khắp đất.

Ai là bậc thiền giả thử mở miệng đáp xem chư thiên tán thán cái gì? là tán thán Bát Nhã chăng? Chẳng phải, chẳng phải. Nếu như thế đợi đến khi Ngài Tu Bồ Đề xuất định sẽ bảo với ông rằng: “Chưa hiện tiền!”

Không sanh trong núi,

Mơ màng chẳng hiểu.

Động đất hoa trời,

Núi xanh trước mắt.

Nếu chưa thấu qua ý kinh, đâu hiểu được chỗ này!

Bài Tâm Kinh Bát Nhã há chẳng nói:

- Không nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân ý; không sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp; không nhãn giới cho đến không có ý thức giới; không vô minh cũng không vô minh hết; không lão tử cũng không lão tử hết; không khổ, tập, diệt đạo; không trí cũng không đắc.

Thiền giả nhằm chỗ nào mà hiểu? Tuy nhiên nếu một bề chẳng hiểu đâu gọi là Bát Nhã? 

HÒA THƯỢNG HUYỀN SA dạy chúng: 

- Những bậc lão túc ở các nơi trọn nói tiếp vật lợi sanh, chợt gặp người ba thứ bệnh đến làm sao mà tiếp? Người bệnh mù thì đưa chùy dựng phất họ lại chẳng thấy. Người điếc thì ngôn ngữ tam muội họ lại chẳng nghe. Người bệnh câm dạy y nói thì chẳng nói được. Phải làm sao mà tiếp? Nếu tiếp người nầy chẳng được thì Phật pháp không linh nghiệm. - Tăng đến hỏi vân Môn. Vân Môn bảo: 

- Ông lễ bái đi.

Tăng lễ bái xong đứng dậy. Vân Môn lấy cây gậy chận, tăng thối lui. Vân Môn nói:

- Ông không phải bệnh mù, lại bảo:

- Đến gần đây.

Tăng đến gần - Vân Môn nói:

- Ông không phải bệnh điếc. - Vân Môn hỏi:

- Hội chăng?

Tăng thưa: - Chẳng hội. - Vân Môn nói:

- Ông không phải bệnh câm.

Tăng khi ấy có tỉnh.

Trong đây ai mù, điếc, câm? Chớ hiểu theo thường tình là chẳng thấy gì hết, chẳng nghe được gì hết, chẳng nói được gì hết; hiểu như vậy thì đi hỏi đạo nơi cây đá còn hơn! đâu biết, Huyền Sa vì người lăng xăng, một lúc phá sạch, lại vì các bậc Thiền tăng trong thiên hạ điểm môt con mắt. Giờ mỗi người hãy tự kiểm điểm lại coi, mình có mù, điếc, câm hay không? 

Có mắt chẳng thấy, 

Có tai chẳng nghe.

Có miệng im lìm,

Huyền Sa sửng sờ!

Có kẻ bảo vô tâm liền khế hợp, nhưng cỏ mọc đầy đường, tiếng vang khắp nẽo, tìm đâu ra cái chỗ vô tâm?

Hòa thượng THẠCH SƯƠNG lúc còn làm tăng được hai tuổi hạ, sư bèn ẩn trong dân gian vào xóm thợ gốm vùng Lưu Dương Trường Sa, sáng sớm dạo đi, đến chiều trở về, mọi người không biết được Sư. Nhơn một vị tăng từ Động Sơn đến, Sư hỏi: 

- Hòa Thượng có lời gì dạy chúng? 

Tăng đáp: 

- Hôm giải hạ Hòa Thượng thượng đường dạy: Đầu thu cuối hạ, huynh đệ hoặc đi đông đi tây, đi nên đi thẳng đến chỗ muôn dặm không một tấc cỏ đi làm gì?

Sư nói:

- Có người đáp được chăng?

Tăng nói: - Không. 

Sư bảo:

- Sao chẳng nói: “Ra khỏi cửa liền là cỏ” 

Vô tâm tức ngay đó liền vô. Quả thật trâu Ngài đã thuần rồi, mới nói được câu ấy. Nếu chưa được vậy, chớ bảo: - Gọi cái gì là cửa? 

Thấy sắc như mù, 

Nghe tiếng như điếc.

Cỏ mọc đầy đường,

Chẳng phải, chẳng phải.

Nhằm ông mà bảo rằng: Nhà không cửa nẻo, chỗ nào ra vào? Thẳng đó liền thôi, sanh tức vô sanh, chẳng đợi duyên hết, chẳng kềm giữ niệm, sáu căn đối cảnh chẳng khởi yêu ghét, không niệm lấy bỏ. Đến đây đừng hỏi chứng đắc, vừa thấy chứng đắc lại thành cảnh giới khác.

Có vị tăng hỏi Hòa Thượng Thạch Sương: 

- Hòa Thượng ở đây lâu nay có cảnh giới gì?

Thạch Sương đáp:

- Bé gái chừa hai chỏm, đầu bạc như tơ.

Thức tình thôi vương vấn, 

Xưa nay bặt đổi dời.

Một niệm ngàn muôn năm,

Tìm đâu là cảnh giới?

Có thể nói, dù cho núi xanh hóa vàng mà vẫn chưa từng có niệm khác. Tuy nhiên đến chỗ nầy, nếu cứ một bề giữ im phăng phắc, lặng trang như chết thì chưa khỏi Như lai quở trách, có lợi ích cho ai?

KINH PHÁP HOA nói:

- Phật Đại Thông Trí Thắng mười kiếp ngồi đạo tràng mà Phật pháp chẳng hiện tiền. 

Phật đạo sắp thành, 

Mười kiếp quán cây.

Một niệm không sanh,

Gió lành phưởng phất.

Cho nên nhà Thiền thường nói, nước chết chẳng chứa được rồng. Tuy được chỗ an ổn mà chưa thấm nhuần trí Phật cùng khắp. Nếu quả thật cõi lòng bình an thì có chỗ nào lại chướng ngại? Ôm một cái lặng lẽ như thế mãi, kham làm việc gì?

Một Thiền giả muốn có một chỗ tĩnh mịch và một am cốc để hành thiền, người ngõ ý muốn ấy với một vài kẻ quen biết. May thay, có một bà lão sẵn lòng cất lên một cái am nho nhỏ và ngày ngày cúng dường đầy đủ cho hành giả. Vị tăng này nay đã có một chỗ an thân, bèn tham thiền nhập định suốt ba năm trời.

Ngày kia, bà lão bảo cô gái thật đẹp của bà bất ngờ vào am ôm lấy thiền tăng, để ý đến lời nói và cử chỉ của ông ta. Sau khi thực hiện điều căn dặn của mẹ, cô gái liền ra khỏi am, thuật lại với mẹ rằng: “Con vừa ôm choàng lấy ông ta, ông ta xô con ra và bảo: Một cây khô tựa trên gộp đá lạnh, ba tháng mùa đông không chút hơi ấm, (Khô mộc ỷ hàn nham, tam đông vô noãn khí) 

Lão bà liền than rằng: “Uổng thay cho công ta lâu nay cúng dường phục dịch một kẻ phàm tăng” rồi bà liền đuổi vị thiền tăng ấy đi, phóng lửa đốt quách cái am.

Cây khô tựa đá lạnh, 

Rồng to tự nhốt mình.

Nhà ông có phương tiện,

Sao để người đốt am?

CHỈ QUYẾT: BIẾT CHẲNG BIẾT: 

“Tình vọng đã hết, trí trừ vọng cũng không, như người buông tay nơi vực thẳm, chẳng màng sinh mạng. Tâm cảnh đều quên, căn trần chẳng hiện, muôn duyên thôi dứt, sanh chẳng sanh, diệt chẳng diệt. Cổ nhơn nói: “Trùm chăn phủ đầu muôn việc thôi, khi này sơn tăng trọn chẳng hội”, bao nhiêu tri kiến tự quên lúc nào! Trời người đều kính ngưỡng, ma ngoại thì lánh xa. Tuy nhiên, nếu lấy đây mà làm mẫu mực muôn đời thì chưa khỏi bà tử đốt am, giác chưa cùng khắp”.

***

Mục Lục