Thiền Tông Việt Nam
Thiền Căn Bản (dịch 1993/1999)
Phần 3: Lục Diệu Pháp Môn - Quán Tâm Lục Diệu Môn

Quán tâm Lục diệu môn chỉ những bậc đại căn tánh thực hành, khéo biết pháp ác không do thứ lớp, xa chiếu tận nguồn của các pháp. Thế nào là nguồn của các pháp? Nghĩa là tâm chúng sanh vậy. Tất cả muôn pháp do tâm mà khởi, nếu hay phản quán tâm tánh, không thấy có nguồn tâm liền biết các pháp đều không căn bản. Y có pháp quán tâm này nói Lục diệu môn không giống như trước. Tại sao?

Hành giả khi mới học quán tâm biết tất cả pháp số lượng thế gian và xuất thế gian thảy đều từ tâm sanh, rời ngoài tâm không có một pháp. Thế nên đếm tất cả pháp đều y cứ nơi tâm mà đếm. Tâm tức là Sổ môn vậy.

Hành giả chính khi quán tâm biết tất cả pháp số lượng đều từ Tâm vương sanh. Nếu không Tâm vương tức không Tâm số, vì Tâm vương động nên Tâm số cũng động, thí như bá quan thần dân thảy đều tùy thuận đại vương, tất cả pháp số lượng đều y theo Tâm vương cũng như vậy. Khi quán như thế liền biết tâm là Tùy môn.

Hành giả chính khi quán tâm biết tâm tánh thường tịch thì các pháp cũng tịch. Vì tịch cho nên không niệm, nên không động, không động nên gọi là Chỉ. Tâm là Chỉ môn vậy.

Hành giả chính khi quán tâm biết rõ tâm tánh cũng như hư không, không danh, không tướng, tất cả ngôn ngữ đều bặt, mở kho vô minh thấy tánh chân thật, được tuệ vô trước đối với tất cả các pháp. Tâm tức là Quán môn.

Hành giả chính khi quán tâm đã không có Tâm sở quán, cũng không có Trí năng quán. Khi ấy tâm như hư không, không chỗ nương tựa, tuy không thấy các pháp mà dùng diệu tuệ vô trước phản chiếu thông suốt tất cả pháp, phân biệt hiển bày, vào các pháp giới không chỗ kém thiếu, khắp hiện sắc thân, bày hình trong cửu đạo, vào kho tàng khắp suốt, nhóm các căn lành, hồi hướng Bồ-đề trang nghiêm Phật đạo. Tâm tức là Hoàn môn.

Hành giả chính khi quán tâm, tuy không thấy có tâm và các pháp mà hay rõ ràng phân biệt tất cả pháp; tuy phân biệt tất cả pháp mà không trước tất cả pháp, thành tựu tất cả pháp, không nhiễm tất cả pháp, do tự tánh thanh tịnh từ xưa đến nay không bị vô minh mê hoặc điên đảo làm ô nhiễm. Cho nên kinh nói: “Tâm không nhiễm phiền não, phiền não không nhiễm tâm.” Vì hành giả thông đạt Tự tánh thanh tịnh tâm, vào cấu pháp không bị cấu pháp làm ô nhiễm, nên gọi là Tịnh. Tâm tức là Tịnh môn.

Như thế sáu môn không do thứ lớp, thẳng quán tâm tánh tức đầy đủ cả.

Mục Lục
Thiền Căn Bản (dịch 1993/1999)
Danh sách chương: